Tôi là Êri
Chương 11: Tính kế lấy chồng
Chị Ổ và Tài cùng nhau về lại Pattaya, còn tôi trở về với gia đình, đồng thời tìm cách làm thủ tục để được quay lại Nhật Bản làm đám cưới với Chin-ya. Chin-ya cũng bay sang Thái tìm tôi và làm thủ tục để tôi quay lại Nhật. Khi tôi về gặp bố mẹ, mọi người rất mừng khi biết tôi sắp kết hôn với người Nhật. Bố mẹ tôi lúc đó vẫn phải ở trong một phòng trọ, điều này khiến Chin-ya hiểu được hoàn cảnh gia đình tôi. Tôi nói với anh rằng đây chính là nguyên nhân khiến tôi chưa thể từ bỏ nghề này được. Tôi bắt buộc phải kiếm tiền để mua nhà cho bố mẹ. Từ đó trở đi, Chin-ya cũng hiểu và thông cảm cho tôi nhiều hơn. Sau đó, Chin-ya quay lại Nhật, tôi đã được chấp nhận cấp visa nhưng chưa thể đăng ký kết hôn ở Thái Lan. Tôi phải sang Nhật đăng ký kết hôn với Chin-ya trước mới có thể làm lễ cưới và có được visa một cách chính thức. Tôi cũng không hiểu tại sao lại phải lắm thủ tục đến như vậy.
Thế là sau khi trở về được khoảng hai tháng, tôi lại theo Chin-ya quay về Nhật. Nhưng khi xuống đến sân bay Nhật, nhân viên xuất nhập cảnh không cho phép tôi vào, họ bắt tôi quay về Thái ngay trong ngày hôm đó. Cho dù tôi có xin xỏ, năn nỉ đến thế nào cũng không có kết quả. Họ cũng không chịu cho tôi liên lạc với Chin-ya trong khi tôi đang ở sân bay Nhật. Tôi rất buồn khi phải quay lại Thái và gọi điện kể hết mọi việc cho Chin-ya nghe. Anh bảo tôi chờ anh ở Thái, anh sẽ mua vé qua Thái đón tôi sang. Lúc này tôi chỉ còn lại một khoản tiền nhỏ cuối cùng để chi tiêu tại Thái, khoảng hơn hai mươi nghìn bạt. Tôi không biết tiêu hết số tiền này rồi thì phải làm sao. Xin Chin-ya cũng không được nhiều vì anh còn phải để dành tiền để mua vé máy bay đến đón tôi. Thôi đành tiêu pha dè sẻn vậy.
Tôi đến tìm Tài ở Pattaya để kiếm việc làm tạm thời trong thời gian chờ đợi Chin-ya bay sang, chắc cũng phải chờ nhiều tháng nữa. Gặp Tài ở Pattaya, sự giàu có của cô nàng khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tài đã mua một ngôi nhà mới ở gần bãi biển Chom Thiên. Tài nói là do gã Sa-chô chồng cô mua cho, nhưng có lẽ là mua theo phương thức trả góp hàng tháng. Ngôi nhà đó phải có giá hàng triệu bạt, nhưng không biết chính xác là bao nhiêu. Tài còn khoe, hàng tháng gã Sa-chô đó còn gửi cả trăm nghìn bạt cho cô nàng tiêu. Sau khi đến ở với cô được vài ngày, tôi nhận thấy cô tiêu tiền rất giỏi, không biết tiếc là gì, đã thích cái gì là phải mua cho bằng được. Người yêu Tài vẫn qua Thái tìm cô thường xuyên. Đến giờ tôi mới biết lúc ở Nhật cô nàng không nói dối. Ngay cả việc Tài nói cô là chủ một quán karaoke ở Nhật cũng là sự thật vì cô đã chụp rất nhiều ảnh cho tôi xem.
Trong thời gian ở Pattaya, tôi không gặp được chị Ổ. Tài cũng nói là cô cũng không liên lạc được. Nhưng qua việc hỏi han thông tin từ nhiều người, tôi biết được Lếp đã trở về Chonburi sinh sống và đã kết hôn với một anh chàng người Thái. Nhưng tôi cũng không thể tìm được Lếp. Các bạn cũ của tôi ở Pattaya chỉ kể cho tôi nghe rằng Lếp đã kết hôn và sắp sinh con. Có lẽ cô ấy sẽ bỏ nghề này vĩnh viễn. Tôi cũng cầu nguyện cho cuộc sống của Lếp được tốt đẹp hơn trước đây và không phải quay lại làm gái mại dâm nữa.
Tôi tạm biệt Tài trở lại Bangkok. Tôi nghĩ mình cần phải tìm một công việc nào đó để làm trong thời gian chờ đợi Chin-ya đến đón. Tôi dự định đi Hồng Kông lần nữa. Lần này tôi rủ Đa đi cùng. Đa vẫn đồng ý đi với tôi mặc dù cô nàng cũng đã có đầy đủ mọi thứ. Đa đã xây được nhà mới giá cả triệu bạt. Tuy thế, Đa cũng không định bỏ nghề. Chúng tôi nhất trí với nhau, lần này đi Hồng Kông sẽ không qua bất kỳ người môi giới nào để khỏi phải trả nợ, vì chúng tôi đã biết phải đi như thế nào, nghỉ ở đâu và làm việc với ai. Chúng tôi mua vé máy bay đi Hồng Kông, chẳng ngờ xuống đến sân bay Hồng Kông, cảnh sát xuất nhập cảnh không chịu cho chúng tôi vào nước họ vì cho rằng hai chúng tôi đến để bán dâm. Ngay cả khi lúc đó Đa mang theo mình hàng trăm nghìn bạt, cô ấy còn giở sổ tài khoản ngân hàng ra cho họ xem, cố gắng trình bày là chúng tôi đến để du lịch và đi mua sắm nhưng họ vẫn không chấp nhận. Đã thế, còn bắt cả hai chúng tôi cởi hết quần áo để kiểm tra xem có giấu thuốc phiện trong người không. Sau đó trục xuất chúng tôi về lại Thái. Tuy thế, chúng tôi cũng bị giam hai đêm do phải chờ chuyến bay tiếp theo về lại Thái Lan.
Về đến Thái Lan, chúng tôi chia tay nhau và từ đó tôi cũng không gặp lại Đa nữa. Tôi xin vào làm việc trong một quán karaoke của khách sạn Mae Nam. Khách ở đó có cả nước ngoài và người Thái Lan. Làm việc ở đây giúp tôi quen hai anh em song sinh tên là Lếc và Yai. Tôi biết họ là những ông chủ chuyên tổ chức đưa các cô gái đi làm việc tại Nhật Bản nên cố gắng làm thân. Tuy thế, tôi không nói cho họ hoặc bất cứ ai ở đó biết tôi đã từng làm việc ở Nhật Bản. Tôi nói với Lếc và Yai:
“Nỉnh muốn đi Nhật làm việc có được không?”.
Họ hỏi:
“Thế cô đã từng đi Nhật chưa?”.
“Chưa từng ạ”. Tôi trả lời
Vậy là Lếc liền thu xếp, làm thủ tục cho tôi đi và anh cũng bay cùng để đưa tôi đến nơi. Lếc và Yai thường thay phiên nhau đưa gái sang Nhật làm. Hai anh em họ chỉ dùng một quyển hộ chiếu mà không bị cảnh sát bắt. Ngoài ra, bọn họ có tiền và quen biết với cảnh sát nên việc đi lại rất dễ dàng.
Tôi không báo cho Chin-ya biết vì muốn làm anh bất ngờ. Sau khi ra khỏi sân bay, tự nhiên Lếc bảo tôi lấy túi thuốc trong áo khoác tôi đang mặc đưa anh. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Thuốc nào?”, đồng thời cho tay vào túi sờ thử. Thật không ngờ, Lếc đã giấu những hai trăm viên Dormicum vào trong đó từ lúc nào mà tôi không hề hay biết. Vì ngày lên đường, tôi ăn mặc rất bình thường, nhưng Lếc lại bảo tôi rằng trên máy bay sẽ rất lạnh nên anh đưa tôi một chiếc áo khoác để mặc, làm ra vẻ như anh ta đang lo lắng cho tôi lắm. Hóa ra đó lại là kế hoạch anh ta đã chuẩn bị từ trước. Tôi thấy rất tức giận. Anh ta lẽ ra không nên làm thế vì nếu không may bị bắt thì chưa biết chuyện gì xảy ra với tôi. Anh ta chắc chắn sẽ chạy mất, bỏ mặc tôi với số thuốc không hề ít đó. Lếc định đem số thuốc đó bán cho gái mại dâm Thái vì thời điểm đó loại thuốc này đang được ưa chuộng ở Nhật Bản. Anh ta bán mỗi viên năm trăm yên, khoảng một trăm bạt, trong khi mua ở Thái chỉ từ năm đến mười bạt một viên.
Lếc đưa tôi đến tỉnh Ibaraki. Tôi làm ra vẻ rất hồi hộp như chưa từng đến Nhật để lừa mọi người. Tôi đã có kế hoạch của mình rồi, lần này đến Nhật tôi sẽ trốn nợ. Lếc đưa tôi đến gặp một má mì người Thái. Chồng của bà là một Yakuza có tiếng và tôi nghĩ hồi đó ai cũng phải biết tên bà. Đêm đầu tiên ngủ tại nhà bà, tôi gặp một chị người Thái, cũng là con nợ của bà. Chị ấy kể cho tôi nghe rằng chị đã làm cho má mì được tám tháng rồi nhưng vẫn chưa trả hết nợ vì chị không được đẹp cho lắm. Má mì bèn sai chị về trông con cho bà ở nhà và trả lương theo tháng nhưng chị không thích giữ trẻ. Chị nói muốn được đi tiếp khách, may mà gặp được người nào đó nhận mang về nuôi, nhưng vẫn chưa có cơ hội.
Má mì sai hai người đàn ông, là tay chân của bà và hình như còn có họ hàng với bà, đưa tôi đi làm việc trong một quán karaoke gần đó. Khu vực tôi đang ở là một vùng nông thôn, không được phát triển như ở Tokyo hay Yokohama. Trong lúc ngồi trên xe hơi cùng hai người đàn ông đó, tôi nghe thấy họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật, chắc hai gã đó nghĩ tôi không hiểu họ nói gì. Họ nói tiếng Nhật không được giỏi lắm nên tôi nghe và hiểu hết. Đại loại, họ kháo nhau sẽ đưa tôi đến phòng rồi sẽ thay phiên nhau cưỡng hiếp tôi, rồi bảo nhau không được nói chuyện này với má mì. Hai người đó nghĩ tôi sợ hãi không dám kể chuyện này cho má mì nghe vì trông tôi có vẻ chậm chạm, ngu ngơ, không hiểu chuyện. Nhưng thật không ngờ, tôi nghe hiểu hết và nghĩ cách nên làm sao để bản thân được an toàn.
Lúc đó, đầu tôi cũng không nghĩ ra được cách gì. Chúng bảo sẽ đỗ xe để mua đồ trong quán ven đường. Một kẻ đi vào mua đồ trong quán. Kẻ còn lại tình cờ gặp được một người bạn cũ, cũng là người Thái, nên đi ra nói chuyện ở bên ngoài. Tôi nắm lấy cơ hội đó, mở cửa xe, rón rén trốn ra ngoài và vội vàng chạy về nhà của má mì theo con đường cũ không xa lắm. Khi thấy tôi chạy về, má mì hỏi:
“Có chuyện gì xảy ra vậy?”.
Tôi liền kể toàn bộ câu chuyện cho má mì và nói hai người đó đang muốn cưỡng bức tôi. Nghe xong má mì rất giận dữ, gọi cả hai tên đó quay về. Tôi nói với má mì là hai người đó nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật nhưng tôi hiểu hết vì trước đây tôi đã từng làm việc trong quán bar Nhật ở Thái. Khi cả hai người đó về, họ đều chối cãi, nói tôi bịa đặt và họ không hề có ý định làm như vậy. Tôi nói:
“Sao lại không đúng? Hai anh bảo tôi vào tắm trong phòng của hai anh để làm gì trong khi tôi đã tắm và trang điểm xong rồi? Đáng lẽ phải đưa tôi đi làm việc thì các anh lại đưa tôi về phòng mình và bắt tôi đi tắm”.
Chỉ cần nói đến đây, cả hai tên đó đều không mở miệng được câu nào. Họ cố gắng gỡ tội và thanh minh rằng bọn họ muốn ghé vào phòng mình để tắm nhưng chưa kịp đến phòng thì tôi đã bỏ trốn trước. Tôi nói:
“Nếu tôi đến phòng các anh thì các anh nghĩ là tôi sẽ trốn được về hả?”.
Tôi nghe má mì chửi hai tên đó:
“Bọn mày không có quyền làm bất cứ chuyện gì với người của tao. Nếu chúng mày còn làm như thế này một lần nữa, tao sẽ bắt cả hai đứa tống cổ về Thái”.
Sau đó má mì bảo đêm nay cho tôi nghỉ ngơi, sáng mai mới phải làm việc. Rồi bà bỏ đến quán, chỉ còn lại Pi, người đang trông con cho má mì ở lại cùng với một đứa trẻ nhỏ. Tôi đi vào nói chuyện với chị. Tôi hỏi chị má mì có tốt không và hỏi đủ mọi thứ chuyện linh tinh khác. Cuối cùng tôi quyết định nói bí mật của mình cho chị: “Thật ra tôi đã từng đến Nhật và bị trục xuất về Thái. Bây giờ tôi muốn trốn đi tìm bạn ở Osaka, chị có muốn đi với tôi không? Chúng ta sẽ trốn cùng nhau và tôi sẽ kiếm việc làm cho chị, có nhà cho chị ở”. Nhưng chị không dám bỏ trốn với tôi vì sợ bị bắt lại. Tuy vậy, chị cũng không ngăn cản tôi và còn giúp tôi canh chừng cho tôi trốn. Chị còn cho tôi năm nghìn yên để lấy tiền đi đường cùng với một túi bánh mì vì sợ tôi sẽ đói. Chị chỉ đường cho tôi trốn và gói ghém đồ đạc cẩn thận cho tôi. May mắn thay, má mì vẫn chưa lấy hộ chiếu của tôi vì thế lần này tôi có visa ở Nhật được ba tháng một cách đúng luật. Tôi đã trốn thoát được. Sau đó gọi điện cho Chin-ya để tiền trong phòng cho tôi trả tiền taxi.
Khi Chin-ya nhận được điện thoại của tôi lúc đêm khuya, anh rất ngạc nhiên và lo lắng không hiểu tôi đã sang Nhật bằng cách nào. Tôi vứt hết toàn bộ hành lý mang theo, thay quần áo mới và vui mừng khi được gặp lại Chin-ya. Tôi khóc nói với anh rằng:
“Em không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Em sợ rằng anh sẽ không đến đón em nên em mới phải làm như thế này”.
Chin-ya sợ tôi trốn nợ sẽ gây phiền phức sau này. Nhưng tôi bảo anh không phải sợ vì tôi đã nói với chị đó là mình đi Osaka chứ không nhắc gì đến Yokohama. Tôi nghĩ họ sẽ không bao giờ tìm thấy, nhưng nếu họ tìm được, tôi sẽ bị giết vì chồng của má mì là một Yakuza.
Sau đó khoảng một tháng, tôi và Chin-ya kết hôn. Chúng tôi tổ chức tiệc cưới ở tỉnh Saitama vì ở đó chi phí không quá cao.
Tôi gọi điện liên lạc với chị Khẹc, người chị tốt bụng nhất của tôi, để khoe với chị mình sẽ kết hôn với Chin-ya. Chị Khẹc rất vui mừng khi biết cuối cùng tôi cũng đã bỏ nghề. Tôi cũng gọi điện thông báo tin vui cho anh Pi. Anh Pi có vẻ vừa vui vừa buồn. Chị Cộp, vợ anh Pi cũng rất mừng cho tôi. Chính chị là người tìm mua bộ váy truyền thống của Thái Lan cho tôi mặc trong lễ cưới và hẹn tôi đến lấy váy ở Tokyo. Chị ấy rất tốt với tôi, còn tạo điều kiện cho tôi và anh Pi ngồi nói chuyện riêng với nhau. Chị nói rằng, tôi lấy chồng rồi sau này sẽ ít có cơ hội gặp anh Pi, vì thế chị muốn tôi và anh Pi có thời gian ở bên nhau. Nhưng hôm đó, chúng tôi cũng không làm gì quá đà, chỉ gặp nhau trong một nhà hàng rồi ai về nhà người nấy. Đó là lần gặp gỡ lần cuối cùng giữa tôi và anh Pi, vì tôi tự hứa sẽ không bao giờ làm Chin-ya phải thất vọng nữa.
Tôi không mời ai đến dự đám cưới ngoài chị Khẹc. Khách mời còn lại toàn là bạn của Chin-ya. Sa-chô của Chin-ya tặng cho hai chúng tôi một món quà đặc biệt, ông sắp xếp cho chủ tịch huyện đến tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn cho chúng tôi ngay trong lễ cưới. Ngoài ra còn mừng chúng tôi một trăm “man”, tính ra khoảng hơn hai trăn nghìn bạt. Chị Khẹc mừng tôi hai mươi lăm man và hai bạt vàng. Chị Khẹc yêu thương tôi như con. Chị luôn quan tâm tôi mọi chuyện. Cho dù đôi lúc tôi có cảm thấy khó chịu vì điều đó nhưng tôi biết chị làm vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho tôi mà thôi.
Sau đám cưới với Chin-ya, tôi không phải thường xuyên quay lại Thái Lan nữa vì đã có thể gia hạn visa sáu tháng một lần cho đến khi được cấp chứng minh thư nhân dân và trở thành công dân chính thức của Nhật Bản. Đây là niềm mơ ước của rất nhiều người Thái, nhưng người may mắn như tôi rất ít.
Đến Nhật lần này, tôi gặp lại anh Thui và vợ anh là chị Na. Anh Thui là con trai của ông bà trẻ mà trước đây vẫn đón tôi về nuôi khi tôi còn nhỏ. Anh Thui và vợ đến Nhật làm việc đã được cả chục năm. Họ rất ngạc nhiên khi biết tôi cũng đến Nhật. Trước kia, tôi và anh thường cãi nhau như chó với mèo, cho đến khi tôi lên cấp hai anh ấy mới bắt đầu đối xử tốt với tôi. Có lẽ lúc đó chúng tôi còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện.
Chin-ya giúp tôi gửi hai trăm nghìn bạt về cho bố mẹ mua nhà trả góp. Sợ tôi mang tiền đi chơi bạc Chin-ya tự đi gửi tiền. Ở nhà, bố mẹ tôi cũng đã đem tiền đi đặt cọc mua nhà. Nhưng một thời gian sau, không biết đã có chuyện gì xảy ra mà nhiều đợt, người nhà tôi không đóng tiền cho ngân hàng trong khi tôi vẫn gửi tiền về nhà đều đặn. Cuối cùng, ngân hàng đã đến thu hồi lại căn nhà của gia đình. May mà có một người anh họ, là con trai của bác Chang, tức anh trai của chị Sỉ-pray đã bỏ tiền ra đóng cho ngân hàng để chuộc nhà về cho gia đình tôi ở nhưng phải đổi tên chủ sở hữu nhà cho anh ấy.
Thời gian làm vợ Chin-ya, thu nhập của tôi không còn được nhiều như trước vì tôi chỉ đi làm thuê cho người ta, rửa bát và dọn dẹp ở một quán ăn trong khu vực phố người Hoa ở Yokohama. Tôi đã cố gắng tìm cách khác để kiếm tiền như làm cơm hộp hay làm các loại bánh ngọt tráng miệng theo đơn đặt hàng sau đó đạp xe đến giao hàng tại nhà hoặc tại nơi khách làm việc. Tôi luôn cố gắng làm việc thật chăm chỉ để kiếm tiền.
Rồi sự không may lại xảy đến với cuộc đời tôi một lần nữa. Trước đó, tôi đã giúp nhận bảo lãnh cho em trai một người bạn sang Nhật học cao học. Thời gian đầu mới sang Nhật, cậu ta cũng chăm chỉ học tập và làm việc. Nhưng mới ở được tám tháng, cậu ta bắt đầu chơi bời lêu lổng, lại còn yêu đương bỏ học nhiều đến mức bị nhà trường đuổi học. Trường học điều tra lý lịch và truy ra tôi là bảo lãnh cho cậu ta sang Nhật. Vì thế tôi phải chịu trách nhiệm và bị trục xuất về nước một năm.
Sau khi kết hôn với Chin-ya, tôi cố gắng thay đổi để trở thành một người tốt thì Chin-ya lại quay ra chơi bời, nhậu nhẹt hàng đêm và thường xuyên bỏ mặc tôi ở nhà một mình. Thỉnh thoảng còn có một phụ nữ gọi điện hẹn anh ra ngoài chơi. Nhiều hôm đến sáng sớm anh mới trở về nhà. Một hôm, tôi bắt được quả tang Chin-ya ngoại tình với cô con gái của chủ quán karaoke gần nhà chúng tôi, cũng là người Nhật. Tôi rất đau khổ. Sau này tôi mới biết họ đã quen nhau từ khá lâu, từ hồi tôi còn chơi bời, bỏ ra ngoài làm việc và mê cờ bạc. Quan hệ của họ càng ngày càng trở nên gắn bó mà tôi không hề hay biết. Tôi biết chuyện vì sau này, chính Chin-ya đã kể lại cho tôi.
Việc tôi phải trở lại Thái Lan khiến cho Chin-ya lại càng có cơ hội gần gũi với người phụ nữ đó hơn. Anh từng gọi điện nói anh không muốn tôi quay lại Nhật Bản nữa. Anh muốn có một cuộc sống mới. Tôi vô cùng đau khổ. Lúc đó, tôi đã van xin anh đừng đối xử với tôi như vậy. Tôi cũng không biết phải oán trách ai và oán trách vì điều gì? Ai đúng? Ai sai? Tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết cố gắng điều chỉnh bản thân để trở thành một người tốt vì tôi rất muốn được chung sống với anh. Tôi chợt nghĩ lần quay lại Nhật trước đó, nếu tôi không trốn nợ người ta để đi gặp anh thì chắc chắn Chin-ya cũng sẽ không sang Thái đón tôi vì anh đã yêu một người phụ nữ khác. Nhưng vì tôi đột ngột quay trở lại nên Chin-ya bắt buộc phải kết hôn với tôi. Trước khi chúng tôi làm đám cưới Chin-ya kể có một ông thầy bói phán rằng nếu anh kết hôn năm hai mươi tám tuổi thì sẽ phải tái hôn lần hai. Vì thế, anh muốn qua tuổi hai mươi tám mới kết hôn. Nhưng thời gian đó, tôi vừa quay lại Nhật và đang có visa chính thức vì thế phải làm đám cưới gấp mới có thể gia hạn visa sáu tháng một lần. Tôi băn khoăn, mọi thứ có lẽ sẽ diễn ra đúng như lời thầy bói nói cũng nên.
Trong suốt thời gian tôi về Thái Lan, Chin-ya rất ít khi gửi tiền cho tôi. Có khi hai, ba tháng mới gửi một lần khiến thôi phải trở lại Hồng Kông làm việc thêm một lần nữa. Lần này tôi vào được Hồng Kông một cách dễ dàng. Tôi đổi sang dùng họ của Chin-ya nên quá trình đi lại trở nên rất đơn giản.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.