Tôi là Êri

Phần II: Chu du trong tù – Chương 1: Suýt chết trong khi làm nhiệm vụ



Đời tôi, sợ nhất là bị đánh…

Vì đó là nỗi ám ảnh hằn sâu trong ký ức tôi từ khi còn bé. Tôi thường bị mẹ đánh mỗi khi bà giận dữ hay bực tức một điều gì đó. Đôi khi, mẹ đang buồn phiền vì chuyện của bố thì tôi lại vô tình gây chuyện khiến cho tâm trạng của mẹ càng tồi tệ hơn, mẹ đánh tôi không nương tay đến mức tôi phải chắp tay cúi lạy bà mới ngừng.

Nhưng như thế vẫn chưa là gì so với anh trai tôi, anh ấy đánh tôi một cách điên dại. Thậm chí nếu tôi phản kháng, tôi sẽ càng bị đánh điên cuồng hơn. Điều đó khiến tôi không dám nghĩ đến chuyện chống lại vì tôi đã biết trước nếu làm thế mọi chuyện sẽ càng tệ hơn. Từ đó về sau, mỗi khi bị ai đánh tôi luôn nhẫn nhịn chịu đựng cho đến khi người ta tự động dừng lại.

Nhiều lúc tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại hay bị người ta đánh đập như vậy, phải chăng đó là quả báo từ những kiếp trước?…

Ngay cả khi ở Nhật Bản, dù coi tôi như con, ông Nakayama cũng có lần đánh tôi đến thừa sống thiếu chết. Lúc đó tôi cũng chỉ biết đứng đó chịu trận, không dám chống lại.

Nhưng đáng sợ nhất là bị khách đánh. Trong khách sạn có rất ít cơ hội chạy thoát hay được người khác cứu, cho nên tôi đã suýt chết mấy lần khi đi khách.

Trong đó phải kể đến lần ở Hàn Quốc tôi gặp phải một khách bạo dâm. Hắn hành hạ tôi và bạn tôi giống như là muốn giết người vậy. Tôi nghĩ nếu không có bạn cùng đi thì chắc tôi đã bị gã Hàn Quốc đó giết chết rồi.

Sau đó là lần năm người chúng tôi cùng nhau chạy trốn khỏi bọn Yakuza tại Nhật.

Một lần khác, ở Nhật, sau khi ngã giá xong xuôi tôi và khách dẫn nhau vào khách sạn. Vừa bước vào phòng, tên khách cởi áo luôn, trông thấy hình xăm trên người hắn ta tôi mới biết hắn là Yakuza. Tôi bắt đầu lo lắng, Yakuza hầu hết tính tình nóng nảy và xuống tay tàn ác. Ở vị trí con mồi tôi chỉ biết chấp nhận và chịu đựng mà thôi bởi dây vào bọn Yakuza này chỉ có đường chết.

Quả nhiên, không cần chờ lâu, hắn đã bộc lộ bản tính thô bạo, vũ phu với tôi. Hắn đánh tôi mỗi lúc một tàn bạo hơn. Tôi gào thét mong có ai đó tới giúp, đồng thời chạy đi mở cửa phòng. Chính lúc đó tôi nhận ra phòng này được khóa tự động, nghĩa là trả tiền xong mới mở được cửa. Tôi đã nghĩ: “Lần này mình chết chắc rồi”.

Tên Yakuza cứ xông vào đánh tôi không ngừng, chính trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi nghĩ mình phải chống lại, chống lại… Nhưng càng chống trả tôi càng bị hắn đánh nhiều hơn, chẳng mấy chốc tôi đã kiệt sức. Tôi đành xin thua để ngừng chiến.

Tôi kiếm cớ hoãn binh, nói với hắn: “Tôi khát nước, tôi muốn uống nước lạnh”. Bởi tủ lạnh cũng dùng hệ thống tự động, phải đút tiền xu vào thì cửa tủ lạnh mới mở được nên hắn phải mở cho tôi. Ngay khi cửa tủ lạnh mở ra, tôi thấy chai Coke Buddy nhỏ và tròn, tôi chợt nghĩ “Thời cơ đến rồi…”. Nghĩ vậy, tôi đưa tay vào cầm lấy cái chai, lúc đó hắn cũng đang cúi xuống tìm nước uống. Vừa nắm được trai Coke trong tay, tôi liền quay lại, đập liên tục nhiều phát vào đầu hắn.

Nhưng chai không vỡ và đầu hắn cũng không sao. Ôi!… Thế là hắn kéo tóc tôi đứt ra từng nắm, nằm gọn trong bàn tay hắn cùng với da đầu. Tôi chỉ biết chắp tay lạy sống hắn, trận đánh được tạm dừng trong phút chốc, máu từ đầu tôi không ngừng chảy ra. Hắn cũng giật mình khi nhìn thấy. Tôi xin thuốc giảm đau, hắn lắc đầu ý không có, tôi gợi ý: “Gọi cho khách sạn xin được không? Sau đó muốn làm gì tôi thì làm, tôi sẽ không chống cự nữa. Không phải sợ tôi sẽ nghĩ cách chạy trốn nữa đâu”. Sau đó, tôi cứ ở đó ra sức kêu gào một lúc lâu.

Rồi hắn cũng nhấc điện thoại gọi cho nhân viên khách sạn để hỏi thuốc giảm đau, có điều nhân viên nói phải đợi vì họ đang rất bận. Và cũng không có nhân viên phục vụ mang thuốc đến tận phòng, nếu muốn phải tự xuống mà lấy. Cho đến khi tôi xin hắn gọi lại lần nữa, nhân viên mới đến mở khóa phòng và chờ trước cửa để đưa thuốc. Tận dụng thời cơ đó, tôi nhanh chóng lao ra khỏi phòng cho dù trên người khi đó không có lấy một mảnh vài che thân. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ nghĩ được điều duy nhất là phải trốn khỏi đây. Người mang thuốc đến thấy tôi cầu xin giúp đỡ, anh ta hỏi tôi sự tình rồi đi vào phòng dùng “ngôn ngữ” của bọn Yakuza mắng tên Yakuza đã đánh tôi, điều này khiến tôi biết ngay rằng hắn ta cũng là Yakuza. Hắn vô cùng tức giận khi thấy tôi bị đánh trong phòng. Tôi nghe thấy hắn chửi rủa tên kia: “Mày có biết là… nếu có người chết trong khách sạn của tao… khách sạn của tao sẽ bị đóng cửa ngay lập tức không hả?”. Sau đó, hắn liền xông vào đấm đá tên đã đánh tôi đến khi gã đó mềm nhũn mới chịu dừng. “Bây giờ thì mày cũng bị đập, cảm giác thế nào, vui chứ?”! – Tôi thầm hả hê.

Sau đó tôi liếc sang cái ví tiền của hắn để trên đầu giường, tôi mở ví khoắng sạch tiền trong đó không chừa lại một tờ nào. “Đây là hình phạt vì mày đã đánh tao! Rồi đến ngày mai có thể mày còn bị đánh thêm một lần nữa vì tội không có tiền thanh toán tiền phòng, đáng đời mày lắm. Mày cũng nên tận hưởng điều đó cho công bằng chứ”. Tôi còn nghĩ hắn cũng sẽ không có tiền vé đi Osaka nữa vì tôi đã nghe hắn kể rằng ngày mai hắn phải ngồi tàu về nhà hắn ở Osaka.

Tôi vội nhặt quần áo và quấn khăn tắm đi xuống phía dưới mới thay vì sợ lúc tôi thay quần áo tên khách sẽ kịp phát hiện ra chuyện mất tiền. Tôi cũng không rõ tên Yakuza mang thuốc đến này là chủ khách sạn hay chỉ là nhân viên nữa. Hắn đến hỏi tôi có bị nặng lắm không? Có được thanh toán tiền không? Tôi bảo hắn tôi không được thanh toán nhưng tôi thoát chết ra khỏi nơi đó là tốt rồi. Tôi đếm số tiền lấy trong ví ra, được mười tờ. Thế vẫn còn quá ít so với việc hắn đã đánh tôi gần chết. Mười tờ này chỉ có giá trị hơn hai nghìn bạt mà thôi.

Đã rất nhiều lần tôi ngồi nhớ lại những chuyện nguy hiểm đã qua, rồi luôn tự hỏi bản thân rằng khi nào thì chuyện này mới kết thúc? Khi nào tôi mới có thể thoát khỏi cái nghề này? Tôi tự hỏi tại sao tôi lại ra nông nỗi này, chẳng lẽ không còn lối thoát nữa sao? Mà nếu thoát ra được thì tôi sẽ làm gì đây? Tôi sẽ có thể làm được những gì đây? Càng nghĩ càng bối rối. Nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ chính sự bối rối này khiến cho những người như tôi không ai có thể thoát khỏi nghề này được. Kể cả có thoát được rồi thì không bao lâu cũng sẽ quay lại. Nó giống như là nghề này bị nguyền rủa. Nói đơn giản là sự việc này nếu ai chưa từng trải qua, người đó sẽ không thể nào hiểu được.

Quả báo cứ lặp đi lặp lại với tôi mà không hề có dấu hiệu kết thúc vì chừng nào tôi còn quanh quẩn với cái nghề này thì đồng nghĩa với việc sẽ có những sự việc bất ngờ xảy ra hàng ngày. Nếu không bị đánh đập thì cũng bị khách quỵt tiền, quỵt tiền thôi vẫn chưa đủ họ thậm chí còn lấy trộm tiền của tôi nữa. Hôm nào phải tiếp khách qua đêm, nếu tôi vô tình ngủ thiếp đi mà khi tỉnh dậy lại có cảm giác đang ngủ một mình, mở mắt ra thấy khách đã đi rồi, tôi không cần phải chạy đi tìm ví tiền cũng biết là đã bị cướp hết rồi.

Làm nghề này nếu đen đủi còn có thể bị hiếp dâm tập thể, phải chịu những việc mà người ta không làm với con người, vô cùng cay đắng. Nghe chuyện này rất nhiều người sẽ hỏi tại sao chúng tôi lại cam chịu như thế? Tại sao không bỏ nghề. Một số khác sẽ cho là đáng đời lũ chúng tôi, tự làm thì tự chịu.

Về chuyện khách quỵt tiền, cũng có rất nhiều kiểu khác nhau. Bản thân tôi cũng đã trải qua chuyện này tại Nhật. Ngày hôm đó, thỏa thuận giá cả xong xuôi, tôi ngồi xe với hắn tới khách sạn. Đến khi tôi hoàn thành nhiệm vụ, khách mới bảo không có tiền nhưng sẽ đi đến nhà bạn mượn tiền trả tôi. Tôi cũng vui lòng làm theo lời hắn, dù thực ra khi đi khách phải lấy tiền của khách trước rồi mới làm việc. Tôi thì luôn nghĩ rằng lấy tiền của khách trước hay sau không phải là vấn đề… vấn đề là ở “đạo đức” của khách. Kể cả có lấy tiền dịch vụ trước, tôi cũng có thể bị khách giở trò đòi lại ngay sau đó. Với một số khách, nếu như ta đòi thu tiền trước thì chẳng khác nào khinh thường họ không có tiền trả, họ sẽ bỏ đi và mình sẽ bị mất khách. Do vậy lựa chọn duy nhất là mạo hiểm với số phận thôi.

Quay lại chuyện gã khách của tôi, hắn lái xe chở tôi đi khá xa và loanh quanh, tôi chột dạ… sao nhà bạn hắn ở xa thế? Suốt cả quãng đường đi lên núi cũng không thấy có ngôi nhà nào cả. Tôi hỏi hắn: “Sao quãng đường này lại hoang vắng thế?”. Hắn an ủi tôi không phải sợ, bạn hắn là ông chủ của resort trên đỉnh núi này. Khi xe dừng lại, tôi nhận thấy chỗ đó đúng là resort như hắn bảo thật, đèn bật sáng trưng rọi về phía trước khiến tôi nghĩ thầm: “Hắn không nói dối mình!”. Phía trước resort có rất nhiều tủ bán đồ uống tự động, hắn nói muốn uống cà phê và bảo tôi đi mua cho hắn một lon cà phê, còn hắn sẽ đi tìm bạn. Khi tôi vừa mới bước xuống xe, hắn liền rồ ga bỏ chạy ngay trước mặt tôi.

Lúc đó, tôi vừa chạy theo vừa gào thét gọi hắn hết hơi nhưng hắn vẫn không chịu dừng xe, tôi phải chạy trở lại địa điểm cũ bởi trời rất tối và tôi cũng thấy rất sợ. Tôi đi vào trong resort xem có ai ở đó không? Nhưng kệ cho tôi gọi to đến mức nào cũng không thấy bất kỳ ai đi ra cả. Lúc để ý quang cảnh bên trong resort thì tôi mới biết rằng nơi đây đã bị bỏ hoang, tôi sợ, vừa chạy vừa hét: “Cứu tôi với!” nhưng xung quanh tôi là sự im lặng và bóng đêm bao trùm.

Giữa lúc chạy, tôi nhận thấy có ánh đèn xe chiếu phía cuối đường. Tâm trạng tôi vui lên được một chút, trong đầu thầm nghĩ chắc hắn thấy thương hại nên quay lại đón mình đây mà. Nhưng hóa ra là xe của cảnh sát đi tuần tra. Cảnh sát hỏi tôi lên trên đây bằng cách nào? Tôi trả lời rằng bị khách mang lên thả ở đây. Và cảnh sát có vẻ cũng biết tôi không phải là người đầu tiên bị như thế này. Nhưng ngay sau đó tôi thấy giật mình, tôi đang ở với cảnh sát, họ sẽ đuổi tôi về Thái Lan là cái chắc. Nghĩ vậy, tôi cố gắng khóc lóc cầu xin cảnh sát thả tôi, tôi bảo với họ rằng tôi vẫn chưa muốn về Thái Lan, tôi kể rất nhiều chuyện để họ thấy tôi đáng thương, tôi vừa khóc vừa kể nhà tôi nghèo khổ thế này thế kia, đi làm lâu thế mà vẫn chưa đủ tiền mua nhà cho bố mẹ, cầu xin họ rủ lòng thương. Cuối cùng thì họ cũng thả tôi thật vì người Nhật vốn thương người.

Sáng ngày hôm sau, tôi vẫn tiếp tục đi khách như thường lệ thì có một cô bạn người Thái đi đến dặn tôi: “Nỉnh, mày phải cẩn thận bọn khách biến thái đấy nhé, bọn nó thích đem phụ nữ đi bỏ lại ở tít trên đỉnh núi đấy, có nhiều người bị rồi”. Tôi quay lại hỏi nó: “Thật à? Thế mày bi dính đòn lần nào chưa?”. Bạn tôi trả lời: “Tao chưa bị lần nào nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác”. Tôi tiếp lời: “Cảm ơn bạn quý nhé. Nhưng giờ mày mới nói thì quá muộn mất rồi. Vì tao vừa mới bị tối qua thôi, và bây giờ tao đang tìm nó đây. Tao sẽ cho bọn bảo kê đập nó nát như tương luôn!”.

Nhưng những chuyện trên chưa phải là tất cả… mọi chuyện chưa dừng lại ở đó… vẫn còn nhiều “nguy hiểm” rình rập tôi. Tất cả cũng chỉ vì tôi là gái bán dâm. Và không chỉ riêng mình tôi mới gặp những sự cố kiểu này, một số người bạn của tôi còn gặp nhiều việc tồi tệ hơn cả tôi nữa. Nhưng chúng tôi không thể kêu đau kể khổ với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào được bởi chúng tôi bị dán mác là hành nghề phạm pháp, xã hội không công nhận.

Vì vậy, chúng tôi buộc phải luôn nhắc nhở bản thân cẩn thận. Đôi lúc thoát, đôi khi không nhưng vẫn phải cố hết sức. Mỗi lần nghe thấy tai nạn của bạn nghề, tôi lại đặt giả thiết mình ở tình huống ấy để nghĩ cách vì biết đâu một ngày nào đó tôi cũng sẽ gặp phải sự việc như vậy. Quả không sai, dù tôi đã cố gắng cẩn thận nhưng cuối cùng thì việc đó cũng xảy ra với tôi cho bằng được.

Chuyện xảy ra khi tôi đi làm việc ở Bahrain. Khi ở đó, tôi cố gắng chọn khách không phải là người Bahrain, Ả Rập Xê Út hoặc tất cả những ai là người Ả Rập. Tôi chỉ đi với khách Tây mà thôi bởi họ ít có vấn đề hoặc không khó tính lắm so với khách các nước khác. Cho dù tôi không thể chọn nghề nghiệp tốt hơn nhưng tôi cũng có quyền được chọn những người khách tốt nhất cho mình. Đừng nghĩ chỉ cần mang tiền cho tôi là tôi đồng ý.

Hôm đó, có một người khách Tây lân la làm quen và mời tôi uống nước. Theo tôi đánh giá, anh ta khá ổn, nhưng trông anh ta giống người Pháp lai. Khi thỏa thuận xong giá, ngồi lên chiếc BMW mui trần tôi càng chắc rằng không có vấn đề gì, anh ta chắc hẳn là trí thức.

Tôi được đưa tới chỗ ở của anh ta, một chung cư cao cấp, có đến tận ba, bốn phòng ngủ. “Chắc chắn là hắn không ở một mình…”, tôi nghĩ. Cùng lúc thấy anh ta đi tới từng phòng. Thế là thêm ba người!

Thấy thế, tôi nghĩ “Hôm nay mình tiêu chắc rồi! Lần này bị hiếp tập thể là cái chắc”. Bọn chúng nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ nghe là biết không phải tiếng Anh. Phải rồi! Bọn chúng là người Italy. Mặc dù không hiểu chúng nói gì nhưng tôi nhận biết được thông qua cách phát âm và ngữ điệu. Nhưng nếu hỏi bọn chúng dã man hay không, tôi cũng không biết phải nhận định thế nào. Tôi cố gắng tỉnh táo chuẩn bị tâm lý chiến đấu với hổ mà lúc này bốn con hổ ấy đang sắp sửa lao vào con mồi chính là tôi đây. Tôi phải quỳ gối cầu xin bọn họ đừng đánh đập, hành hạ thân thể tôi, tôi vui lòng phục vụ lần lượt tất cả. Chỉ xin cho tôi có thể sống sót thoát khỏi nơi đây cũng đủ rồi. Cuối cùng may mắn sao bọn chúng cũng đồng ý với tôi.

Rồi tôi cũng thoát được khỏi bốn tên khốn nạn đó. Nhưng thay vì oán hận hoặc tìm cách quay lại trả thù thì tôi lại nghĩ phải cảm ơn chúng vì đã không đánh đập, không hiếp tôi kiểu man rợ giống như các bạn tôi từng trải qua và quan trọng là bọn chúng không giết tôi rồi quăng xác đến một chỗ nào đó. Thế này cũng đã được coi là có phúc lắm rồi. Không ai mong muốn chuyện xấu xảy ra với chính mình nhưng một khi đã lựa chọn làm cái nghề này, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng chịu đựng vô vàn nhưng việc tồi tệ, chỉ xin nó đừng lặp lại mãi để không phải đau đớn thêm mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.