Tôi là Êri

Phần I: Ra vào khu đèn đỏ – Chương 1: Trốn học giúp nước



Lúc đó tôi năm tuổi và đã có thể nhớ được chuyện của mình. Điều kiện gia đình tôi chỉ ở mức trung bình nếu không muốn nói là khá nghèo. Tôi có tất cả bốn anh chị em. Anh trai cả tên là anh Tông, chị thứ hai tên là Chiếp và chị thứ ba tên là Cày. Tôi là con út. Khi tôi lên năm tuổi, ông Lek và bà Lek, vốn là em của ông bà nội, thường đến đón tôi về nhà nuôi vì họ không có con gái. Quên không nói, nhà tôi ở Bangkok. Ông bà Lek có ba người con trai đều đã lớn. Cả ba là chú họ nhưng tôi vẫn gọi là anh, gồm có anh Nùm, anh Thui và anh Côn. Ba người này đều không thích tôi. Họ ghen tị vì ông bà yêu quý tôi hơn. Ông bà bán hàng tạp hóa ở chợ Wat Khru Nai[1]. Còn nhà tôi ở gần Wat Thung Khru[2], cách nhau không xa.

 [1] Wat Khru Nai: Tên một ngôi chùa ở tỉnh Samut Prakan thuộc miền Trung Thái Lan.

 [2] Wat Thung Khru: Ngôi chùa ở quận Thung Khru, Bangkok, Thái Lan.

 Bố tôi là thợ mộc, làm việc cho một công ty gần Wat Khru Nai. Ông rất thích uống rượu và gần như ngày nào cũng say. Khi say, ông thường cãi vã với mẹ. Mẹ tôi làm việc cho một nhà máy dệt. Tiền lương của cả bố và mẹ cộng lại cũng không đủ tiêu vì bố hay uống rượu, nghiện cờ bạc, có vợ bé và hai đứa con trai riêng.

 Ông bà Lek rất thương tôi. Mỗi khi tôi nhớ bố mẹ, ông bà lại lái xe đưa tôi về, còn mang cả gạo, đồ khô cho nhà tôi. Ông bà vẫn làm như vậy cho đến khi tôi lên bảy và bắt đầu đi học. Từ đó trở đi, tôi chỉ đến ở với ông bà lúc nghỉ hè hoặc nghỉ giữa kỳ. Tuy vậy khi vào năm học mới, ông bà vẫn chu cấp tiền tiêu vặt và mua đồ dùng học tập cho tôi.

 Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu nhận thức được sự nghèo khổ của gia đình, nỗi vất vả của bố mẹ. Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau mỗi khi bố uống rượu say trở về nhà lúc đêm khuya. Tiếng cãi vã của họ rất lớn. Sáng hôm sau trên đường đến trường, người trong làng thường trêu tôi: “Bố mẹ mày tối qua lại diễn cải lương hả?”. Mới đầu tôi cũng không nghĩ gì, nhưng lâu dần tôi bắt đầu thấy ngượng khi có người hỏi như vậy. Mẹ tôi là một người phụ nữ rất đáng thương. Đi làm có bao nhiêu tiền mẹ đều dành dụm mang về mua thức ăn cho lũ con và trả nợ cho người ta. Còn bố khi vừa nhận được tiền lương là vội đi tìm mấy ông bạn nhậu và bà vợ bé. Bố thường xuyên không về nhà để đến ở với bà ta. Mẹ tôi phải gánh vác gia đình một mình, đêm nào mẹ cũng khóc. Tôi thấy thương mẹ lắm. Nhiều lần, mấy mẹ con tôi phải nhịn đói, không có gì để ăn vì bố không về nhà nhiều ngày. Mẹ tôi phải muối mặt sang nhà hàng xóm vay gạo về nấu cơm, hái rau muống, xào cho chúng tôi ăn. Như thế thì gọi là nghèo có đúng không nhỉ? Tôi may mắn hơn vì được ông bà giúp đỡ nuôi nấng, thậm chí nhiều lần còn được cho gạo và đồ khô mang về cho gia đình.

 Một ngày, tự nhiên bố lôi bà vợ bé về nhà ở cùng với mẹ con tôi. Tôi không thể hiểu sao bố lại làm như vậy. Thời gian đầu bố áp dụng phương pháp ngủ luân phiên với mẹ một đêm, vợ bé một đêm. Lâu dần, bà vợ bé muốn bố ngủ hẳn với bà ta. Bố bèn thỏa thuận với mẹ sẽ ngủ chung cả ba người. Vậy mà mẹ cũng đồng ý. Tôi thấy thương mẹ lắm. Tôi thường xuyên thấy cảnh bố làm nhiều điều không phải với mẹ nhưng mẹ luôn nhẫn nhịn. Thế rồi họ cũng không thể chịu được nhau. Cả ba lại chia ra ngủ luân phiên mỗi người một đêm như trước. Vợ bé của bố rất độc ác. Bà ta sống với chúng tôi khoảng hai, ba năm thì chuyển ra ngoài ở bởi tính tình ngày càng trở nên quá quắt. Khi bà ta chuyển đi, tôi cảm thấy rất vui mừng vì không phải thấy cảnh mẹ tủi khổ nữa.

 Lên lớp năm, lớp sáu, tôi đã hiểu cuộc sống nhiều hơn một chút. Ông bà Lek vẫn đối xử tốt với tôi như xưa. Hồi đó, nhà tôi không có ti vi, nếu muốn xem phim phải đi bộ khá xa đến nhà hàng xóm xem nhờ. Ngày ấy chưa có đường dây điện mặc dù nhà tôi sống ở ngay thủ đô Bangkok, khu Wat Thung Khru nhưng vẫn nghèo nàn chẳng khác gì ở nông thôn. Nhà tôi không có tiền mắc dây điện nên vẫn phải dùng đèn dầu. Tôi cứ thắc mắc mãi rằng tại sao gia đình mình lại nghèo khổ đến thế? Tôi muốn nhà tôi cũng có điện, có ti vi, có mọi thứ như nhà người ta, nhưng điều đó sẽ không thể thành hiện thực bởi bố tôi còn có nhiều mối lo toan khác cộng thêm việc bố lại rất nghiện cờ bạc. Gia đình tôi nghèo đến mức nhiều lúc không có gì mà ăn nhưng tôi và các anh chị cũng không cảm thấy buồn bởi khi đó chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ. Không có thức ăn, chúng tôi lấy đường hoặc lấy mỡ trộn với cơm ăn. Điều này trở thành niềm hạnh phúc của lũ trẻ chúng tôi, nhưng mỗi lần nhìn thấy cảnh ấy mẹ lại khóc.

 Học tới lớp năm, lớp sáu, tôi bắt đầu có người yêu giống như các bạn, nhưng đó chỉ là tình yêu kiểu trẻ con. Tôi không hiểu gì hết, chỉ thấy các bạn có người yêu thì mình cũng phải có. Tuy nhiên, chúng tôi chưa từng đi quá giới hạn. Anh cả tôi là người rất nghiêm khắc. Tôi sợ anh còn hơn cả sợ bố mẹ. Nếu tôi cãi nhau với chị gái thứ ba, dù tôi đúng hay sai, anh tôi đều sẽ đánh tôi trước bởi tôi rất bướng. Còn chị gái tên Cày của tôi lại vô cùng hiền lành. Nhiều lúc có cảm giác chị không phải là người bình thường, nhưng cũng không đến mức ngớ ngẩn. Chị thứ hai tên Chiếp, có phong cách tomboy, là người khá tốt bụng, rất ít khi quát mắng tôi. Chị ấy còn có người yêu là con gái. Chị ấy như thế từ nhỏ, đến lúc lớn cũng không hề thay đổi. Hồi nhỏ, chúng tôi sống khá nghèo khổ nhưng đó là sự nghèo khổ một cách sung sướng theo quan niệm của riêng tôi. Lên lớp năm, tôi chuyển đến ở hẳn với ông bà vì bố mẹ không có tiền cho tôi đi học. Tôi càng lớn, ba người con của ông bà càng ghét tôi. Họ sai tôi làm đủ mọi việc từ giặt quần áo cho cả nhà, nấu cơm, lau nhà, rửa bát và hàng ngày còn phải giúp ông bà bán hàng ở chợ. Hôm nào không chịu được, tôi trốn về ở với bố mẹ. Nghỉ hè năm đó, ông bà mang rất nhiều đậu đen và đậu tương cho gia đình tôi. Vì muốn có tiền nên tôi lấy đậu tương làm nước bán. Hồi đó còn nhỏ nên tôi làm nước đậu rất dở, vậy mà cũng có khách mua. Tôi rất vui vì bán được tiền mà không phải mua nguyên liệu. Có tiền, tôi tích lại, đến khai giảng mua bánh kẹo bán cho các bạn trong trường. Tôi làm vậy là vì muốn có tiền và cũng vì tôi là người thích buôn bán. Để có tiền tiêu, tôi chấp nhận làm bất cứ việc gì mà người ta thuê chỉ với giá năm, mười bạt. Nhưng thế cũng có thể coi là nhiều vào những năm 1978 – 1979.

 Năm lớp sáu, tôi có một người bạn thân tên là Cung. Hàng ngày đi học, tôi đều phải đi bộ qua nhà cậu ấy. Quãng đường đến trường dài gần hai cây số. Nếu lên xe bus tôi sẽ phải trả khoảng bảy mươi lăm sa-tăng[3] tiền vé. Lần nào ra nhà Cung tôi cũng rẽ vào chơi vì tôi thầm thích bạn của cậu ta. Vì vậy, ngày nào tôi cũng về nhà muộn. Vừa về đến nhà tôi đã bị anh trai mắng, nhiều lúc còn bị đánh. Tôi rất sợ anh Tông, bị anh đánh nhiều nhưng cũng không chừa.

 [3] 1 bạt = 100 sa-tăng = 650 VND.

 Tôi đang học lớp sáu thì bố xin đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi cũng bớt khó khăn hơn. Anh em tôi có tiền đi học, nhà cũng có điện để dùng. Lúc về thăm nhà bố còn mua cả ti vi và đài quay băng nữa. Bọn trẻ chúng tôi rất vui mừng vì được xem ti vi dù chỉ là ti vi đen trắng. Bố thường về thăm gia đình hai năm một lần. Nhưng đến lần sang Ả-Rập thứ hai bố quay ra chơi cờ bạc và ít khi gửi tiền về nhà, chúng tôi lại trở nên thiếu thốn. Nhiều lúc hàng hai, ba tháng liền bố không gửi tiền về nhà vì thua bạc. Mẹ tôi lại phải vất vả tìm việc làm. Chúng tôi nợ hàng xóm rất nhiều tiền. Ngoài ra, mẹ còn vay tiền chơi hụi của các cửa hàng về tiêu trước, lâu không có tiền trả thì họ cũng không cho vay nữa. Mẹ tôi đành phải đi giúp việc cho gia đình người ta để trừ nợ dần. Nhiều lúc họ cũng cho mẹ thức ăn mang về. Đồ đạc trong nhà, ti vi, đài mẹ tôi đều phải mang đi cầm cố. Đừng nói là tiền ăn, đến tiền điện cũng không có mà trả nên bị họ đến cắt điện. Chúng tôi đều cảm thấy rất buồn vì bố và không biết phải tìm lối thoát ra sao. Một hôm, mẹ mang về từ đâu không rõ rất nhiều vỏ bao xi măng. Mẹ bảo chúng tôi gấp thành túi giấy mang đi bán. Thế là tất cả mọi người trong nhà cùng giúp nhau gấp túi giấy. Hồi đó chưa có túi nilon, túi giấy mà mẹ gấp dùng để đựng hoa quả, đựng gạo. Hôm nào mẹ mang túi đi bán là chúng tôi sẽ được ăn một bữa ngon, cũng không hẳn là sang lắm nhưng vẫn còn hơn việc suốt ngày phải ăn rau muống. Trước kia, chúng tôi rất ít có cơ hội được ăn hoa quả. Một quả sầu riêng rất đắt. Tôi cũng chưa từng được ăn một quả táo nào. Chuyện mua một quả sầu riêng hay táo về ăn quả là sự kiện lớn. Tôi nhớ có lần mẹ mua hai bát hủ tiếu về nhưng nhà có đến năm người nên phải lấy cơm ăn cùng với hủ tiếu mới đủ. Tôi phải sống như vậy suốt mười năm và tự hỏi không biết đến khi nào gia đình mình mới có ăn, có mặc? Nhiều lần tôi với chị Cày còn rủ nhau đi hái rau muống, rau bầu, bán được bốn mươi, năm mươi bạt chúng tôi đều đưa mẹ mua thức ăn và để dành đóng học.

 Tôi còn nhớ mỗi khi đến kỳ nghỉ hè, các con của chú – em ruột của bố – tên là Ót và Ét đều đến nhà tôi chơi. Ót là con trai còn Ét là con gái. Cả hai đều có chung họ với tôi bởi vì chúng tôi là chị em họ con chú, con bác. Ót lớn hơn tôi hai tuổi. Tôi cảm thấy mình thích Ót như thích người yêu, nhưng vì còn là trẻ con nên chưa nghĩ đến chuyện chúng tôi là chị em họ. Tôi chỉ nghĩ rằng mình chẳng làm điều gì ghê gớm và sai trái cả. Đó chỉ là cảm nhận của một đứa trẻ, ngoài ra tôi không hề nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Với lại, có lẽ tại vì năm nào chúng tôi cũng gặp nhau, từ nhỏ đến lớn nên phát sinh tình cảm gắn bó. Nhà Ót cũng ở tỉnh Nakhon Sawan, ngay gần đây thôi.

Tôi còn có một chị họ khá thân, là con bác gái – chị của bố tôi – tên là Sỉ-pray. Trong mắt tôi, Sỉ-pray rất xinh xắn, đáng yêu. Tôi ghen tị với Sỉ-pray vì chị ấy được nhiều con trai thích. Thực ra, Sỉ-pray bằng tuổi tôi nhưng vì nghỉ học sớm nên trông chị phổng phao hơn hẳn. Chị biết cách ăn mặc, trang điểm, trái ngược hẳn với tôi – không dám trang điểm, đến son môi cũng không được phép tô bởi chắc chắn anh tôi sẽ đánh. Đi chơi với Sỉ-pray, bọn con trai toàn tán tỉnh chị ấy, tuyệt nhiên không có một đứa nào để ý đến tôi vì trông tôi rất xấu xí. Đến cả Ót cũng tỏ ra thích Sỉ-pray hơn. Thế nên tôi luôn thầm ghen tị với chị ấy. Khi Sỉ-pray vào làm việc cho một nhà máy dệt, trông chị lại càng ra dáng thiếu nữ. Trong khi đó, tôi vẫn còn là một cô bé học lớp sáu.

Tôi học lớp bảy tại trường Phuttha Bucha Witayakom, gần khu vực Bang Mod. Trong thời gian đi học, tôi thường mang bánh kẹo đến trường bán. Có lúc, tôi còn bán hoa hồng thủy tinh do anh Thui, con trai của ông bà Lek tự làm. Hồi đó, loại hoa hồng làm bằng thủy tinh, bên trong có màu óng ánh đẹp mắt rất được ưa chuộng. Gần đến ngày Valentine, tôi mang hoa đến bạn cho các bạn ở trường. Nếu bán được anh ấy sẽ chia phần trăm cho tôi mỗi bông hai bạt. Tuy nhiên, nhiều lần tôi cũng bị giáo viên bắt và tịch thu hết hàng. Điều đó có nghĩa là tôi bị lỗ vốn.

 Tôi vẫn nhớ năm lớp bảy, ngày nào tôi cũng bị giáo viên đánh vì tội ăn mặc sai nội quy. Giáo viên sẽ kiểm tra việc ăn mặc của từng học sinh từ đầu đến chân, mỗi ngày sáu lần, ngày nào cũng kiểm tra. Tôi hay bị ăn roi vì lúc thì tóc tôi ngắn quá, lúc thì cổ áo dài quá, áo ngắn quá hở cả lưng, váy ngắn quá hay bít tất không gấp lại được. Tuy thế tôi vẫn không sợ. Tôi là đứa thích làm trái nội qui. Tôi không thích kiểu chỉn chu, lạc hậu, thiếu sáng tạo bởi tôi là đứa thích ăn mặc kiểu cách!

 Ngoài việc bị giáo viên đánh ở trường, ngày nào về đến nhà gặp lúc anh tôi đang bực dọc là thế nào cũng bị quát mắng vì tội ăn mặc không tử tế.

 Tôi còn nhớ có lần trên đường đi học về tôi ghé mua một que kem vị dâu. Tôi vừa đi vừa ăn cho đến khi về tới nhà. Tình cờ gặp đúng lúc anh tôi đang ở nhà. Vừa nhìn thấy tôi, anh ta không nói không rằng, lôi tôi lại đánh túi bụi không biết bao nhiêu mà kể. Tôi vẫn còn không biết mình đã làm gì sai. Anh ta vừa đánh vừa quát: Mày thích đú đởn phải không? Đi học tại sao phải tô son?

Tôi không hiểu. Tôi nói tôi không tô son. Môi tôi đỏ là do tôi ăn kem. Vậy mà anh ta vẫn không tin, bảo tôi nói dối hòng thoát tội. Tôi không hiểu sao anh trai tôi lại phát khùng đến vậy? Anh ta không thể phân biệt được đâu là son môi đâu là kem hả? Tóm lại là tự nhiên tôi bị đánh oan. Lúc đánh, anh tôi rất tức giận, không thèm dùng roi mà dùng tay chân đấm đá túi bụi. Tôi cũng không cãi lại, để mặc cho anh đánh thỏa thích. Lúc đó, tôi cảm thấy anh trai đánh tôi như đánh trâu, đánh bò chứ không phải con người nữa. Bị đánh nhiều làm tôi trở nên lì lợm, không còn biết sợ là gì nữa và dần tích thành nỗi oán hận. Tôi đã từng nghĩ “Cứ đánh đi! Đến một ngày, nếu tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi sẽ phản kháng. Tôi sẽ trả thù!”.

Lần nào từ nước ngoài về bố cũng mua rất nhiều quà cho chúng tôi. Đứa nào cũng vui mừng vì được ăn táo, ăn sô-cô-la, bởi nếu bố không mua cho thì mấy mẹ con tôi cũng không bao giờ có cơ hội được ăn. Bố thường về nhà nghỉ ngơi khoảng một tháng, sau đó phải quay trở lại Ả Rập làm việc. Tôi không biết ở Ả Rập bố phải làm việc vất vả như thế nào, chỉ tưởng tượng trong đầu, bố ở nước ngoài chắc chắn sẽ sướng lắm, nơi đó chắc đẹp lắm. Bởi “nước ngoài” là thiên đường, có thức ăn ngon, cuộc sống cũng sung sướng. Bố tôi thường nói ở Ả Rập lúc nóng thì rất nóng, nhưng cũng có lúc lạnh không thể chịu được, mà bố thì phải làm việc ngoài trời. Anh trai thường bắt chúng tôi viết thư cho bố mỗi tuần một lần. Trong thư tôi chỉ viết mỗi chuyện duy nhất đó là tiền bạc, rằng tôi muốn có cái này, tôi muốn có cái kia như búp bê, đàn ghi-ta hay một cây bon-sai thật đẹp đặt trong phòng để ngắm. Tôi biết sẽ chẳng khi nào tôi được nhận những món quà đó nhưng tôi vẫn viết như thế bởi vì không biết phải viết cái gì khác. Tôi rất giận bố. Ông chưa từng làm cho tôi điều mà tôi mong muốn. Tôi không hiểu tại sao bố lại không thể mua chúng cho tôi bởi chúng đâu có nhiều nhặn gì.

Tôi vẫn nhớ, lần nào bố đi chúng tôi cũng phải ra sân bay tiễn. Có lần tôi đã nói với bố rằng tôi rất muốn được ra nước ngoài làm việc giống như bố vì tôi thích được lên máy bay. Nhưng bố lại nói rằng đừng nói vớ vẩn, chỉ cần tôi chăm chỉ học tập là được. Bố tỏ ra không hài lòng vì điều đó. Còn tôi rất giận bố và cảm thấy như mình mất mặt, như thể bố đang tỏ ra coi thường tôi. Khi đó tôi đã nghĩ: “Được rồi! Sẽ có một ngày con ra nước ngoài cho xem”. Trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc được lên máy bay, bay đi đâu cũng được hoặc lên máy bay rồi bị rơi xuống cũng mặc kệ, miễn là được ngồi trên máy bay. Tôi cũng không hề quan tâm đến chuyện công việc làm gì cũng mặc chỉ cần được đi máy bay. Đó là suy nghĩ kiểu trẻ con và cũng là suy nghĩ rất ngớ ngẩn!

 Bố làm việc ở nước ngoài không có nghĩa là chúng tôi được hưởng cuộc sống thoải mái mà ngược lại vẫn thiếu thốn như trước vì bố vẫn mải mê cờ bạc. Điều đó khiến tôi luôn nghĩ rằng gia đình tôi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có thể có được một cuộc sống sung sướng vì bố làm việc ở nước ngoài đã gần mười năm rồi, vậy mà chúng tôi vẫn sống trong cảnh đói nghèo.

 Thời gian đầu mới đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập, bố tôi mang sổ đỏ đi cầm cố lấy tiền làm chi phí. Ông hy vọng đi làm có tiền lương sẽ chuộc lại. Nhưng mọi việc không như suy tính, chúng tôi bị người ta lừa chiếm mất đất, không thể chuộc lại được nữa.

 Lên lớp tám, gia đình tôi mới chuyển nhà từ Wat Thung Khru đến ở nhờ nhà chú Rơn, em trai của bố ở Bang Sue. Chú sống cùng vợ và ba cô con gái. Nhà chú Rơn vốn đã rất nhỏ, giờ cộng thêm chúng tôi ngôi nhà càng thêm chật trội. Nhưng vì gia đình tôi đã bị mất nhà nên không còn cách nào khác. Tôi phải ngủ cùng với hai chị và mẹ trong một căn phòng rất nhỏ, rộng chừng một mét và dài hơn ba mét, khi ngủ vô cùng gò bó. Anh tôi phải ngủ dưới sàn nhà cùng với một người bà con nữa.

 Tôi phải chuyển khỏi trường Phuttha Bucha Wittayakom khi đang học dở lớp tám, tìm một ngôi trường mới ở Bang Sue để học tiếp. Tôi chuyển trường khi đang giữa năm học nên phải chạy vạy mới xin được vào học tiếp lớp tám ở trường Sanphawut Bamrung, một trường tư thục của bộ đội. Vì là trường tư nên học phí cao hơn so với trường công nhưng dù sao vẫn tốt hơn việc phải học lại từ đầu. Ở đó, tôi quen thêm rất nhiều bạn mới. Tôi chỉ thích chơi với bọn con trai, rất ghét chơi với con gái, nhất là những đứa chăm học. Bọn chúng rất rách việc và tẻ nhạt. Ngoài ra còn bởi vì tôi thích được đối mặt với những thử thách. Tôi có rất nhiều bạn nam, bạn nữ tôi chỉ chơi thân với duy nhất bốn đứa nhưng đứa nào cũng rất quậy.

 Tôi đi học chưa được bao lâu thì khó khăn đã kéo tới. Một là không có tiền học phí, hai là không có tiền tiêu hàng ngày. Sách vở cũng phải mua mới. Giáo viên ngày nào cũng nhắc đóng tiền khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ, đến tiền ăn trưa hàng ngày cũng không có. Có những ngày đi học tôi chẳng có nổi đồng nào trong túi. May mà trường gần nhà nên không mất tiền xe nhưng cũng phải đi bộ khá xa. Hôm nào có tiền thì ngồi xe, thỉnh thoảng ngồi thuyền, giá vé khoảng một bạt. Đồ ăn trưa ở trường thì được ngày nào biết ngày đó. Tôi thường vay tiền các bạn để mua cơm, với bọn con trai chuyện tiền nong cũng thoải mái hơn. Tôi còn đến vay tiền của giáo viên chủ nhiệm và lần nào cô cũng cho vay. Cô chưa từng từ chối hay đòi tiền của tôi dù chỉ một lần. Thế là cô cũng hiểu tôi hơn và hiểu tại sao tôi lại không có tiền đóng học phí.

 Thời gian đó tôi không đến ở với ông bà Lek ở Wat Khru Nai như trước. Một phần vì đã lớn, một phần vì từ Bang Sue đến Wat Khru Nai cũng khá xa. Tôi nợ tiền ăn trưa của cô giáo nhiều đến mức nhiều hôm tôi không dám đến trường. Tôi nói với mẹ nhưng mẹ cũng không có tiền. Còn anh trai tôi đang học đại học Ramkhamhaeng, có thể hôm đi hôm bỏ mà không bị đuổi học. Chị Chiếp cũng phải tìm trường mới, cũng là trường tư thục. Còn chị Cày không đi học tiếp vì chị muốn thế. Thời gian còn đi học, chị ấy rất hay trốn học nhưng dẫu sao chị cũng là người không thông minh, không thích học hành. Tôi cũng hay trốn học nhưng là vì không có tiền đóng học, ngại với bạn bè vì cứ phải xin chúng mãi. Nhưng bọn bạn tôi chẳng khi nào than vãn cả. Đứa nào cũng thích tôi đi học. Ngày nào mà tôi nghỉ học là bọn chúng lại than thở lớp học yên tĩnh quá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.