Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn

“Gà con của bố, chơi violin cho các cô các bác xem đi nào!”



Vài ngày trôi qua, mọi thứ vẫn đang lửng lơ trên cành mơ. Thằng Mal đang theo Vmột dự án của công ty và “ý tưởng” của chúng tôi đang tạm thời được “đắp chiếu”. Tôi e rằng ý tưởng đó rồi cũng sớm chết yểu mất thôi, và khi mọi chuyện đang trở nên tồi tệ đi, thì mẹ đột nhiên xông vào phòng tôi.

“Varun, tối nay chúng ta sẽ ăn tối ở nhà dì Anu,” mẹ tôi thông báo.

“Cái gì cơơơơ? Mẹ ơi, con thà chết chứ không đi đâu nhé. Không-đời-nào.”

“Mày phải đi, Varun. Dì đã mời mày đến cả tá lần rồi. Hôm nay là sinh nhật Arjun và chú Biju muốn gặp mày nữa đấy.”

Ôi gớm ghiếc thật! Đến cả chú Biju cũng muốn gặp tôi ư? Nếu không thoát khỏi vụ này, tôi chắc chắn sẽ đi đời nhà ma.

“Mẹ ơi, con không đi được đâu,” tôi nói đầy quả quyết. “Con còn nhiều việc phải làm lắm.”
Facebook cũng là việc mà, nhỉ?

“Thôi được. Đừng có mà đến,” mẹ tôi nói bằng giọng chịu trận. “Mẹ sẽ đi một mình. Đường có hơi xa và có thể mẹ sẽ về muộn. Nhưng mẹ sẽ tự lái xe. Đừng lo Varun, mày cứ làm việc của mày đi.”

Nào, giờ thì thấy rồi nhé, đó là cách mà Bollywood làm cái đất nước này hư hỏng hết cả. Những bà mẹ Ấn đã học được cái chiêu đe dọa tình cảm từ mấy bộ phim những năm 70, họ dùng chúng để làm khổ những đứa trẻ tội nghiệp của họ. Không có bất kỳ một thứ vũ khí nào có thể đọ lại với nó, và chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc cun cút nghe theo.

Tôi vùng vằng lái xe đến nhà dì Anu trong nỗi hờn dỗi. Những ký ức dữ dội về một thời tuổi thơ cùng với Arjun lướt qua tâm trí tôi. Thử nhớ lại xem nào, khi còn nhỏ ấy, nếu bạn là một thằng nhóc được trời phú cho một tài năng đặc biệt, mấy ông bố bà mẹ ắt hẳn sẽ điệu bạn đến trước đám khách khứa và bắt bạn trổ tài cho bằng được để rồi nhận về vài câu tán dương nhạt nhẽo, phát ớn. May phước, tôi chẳng có tí tài năng nào, song cũng nhờ thế mà không biết bao nhiêu lần mẹ tôi muốn tìm ngay cái lỗ nẻ dưới đất mà chui vào vì quá xấu hổ bởi thằng con bất tài vô dụng. Một lần kia, khi tôi theo bố mẹ đến nhà dì Anu dự tiệc, chú Biju đã thúc giục cậu con trai quý hóa chơi bất kỳ cái của khỉ gì nó biết cùng cây violin của nó.
“Gà con của bố, chơi violin cho dì và bác nghe đi con.” Chú Biju nói.

“Không bố ơi, không phải bây giờ,” Arjun trả lời.

“Gà connn, chơi ngay bây giờ nhanh lên!” Chú Biju gầm gừ đe dọa kiểu “chơi-ngay – hoặc-mày-sẽ-chết”. Và đương nhiên, Gà con tội nghiệp chẳng còn cách nào khác là phải chơi đàn. Ối giời, đúng như mong đợi, nó đã tra tấn lỗ tai chúng tôi bằng mấy bản nhạc của Chopin và Mozart, nhưng lại được chơi theo phong cách từ Dilwale Dulhaniya Le Jayenge(1) mới chết chứ, thế mà mọi người tại bữa tiệc đều rất phấn khích.

Tất cả như phát điên đến nơi và bắt đầu vỗ tay loạn xạ, cứ như thằng đó vừa chỉ huy cả một dàn giao hưởng hay cái gì đó đại loại như thế. Mẹ tôi thậm chí còn không thể tin vào tai mình và cân nhắc một cách kiên quyết việc ghi danh tôi vào lớp học violin ngay lúc đó.

Thằng nhãi đấy chỉ chơi bừa một bản DDLJ thôi mà. Chẳng hiểu cái chết tiệt gì đang xảy ra với mọi người nữa?

Ối chao, trước mắt lại đang là thực tại, khi mà Gà con bé bỏng ngày nào đã khôn lớn trở thành Arjun cục cưng trong mắt mẹ nó, và của cả mẹ tôi nữa. Vì vậy, sau nhiều năm, một lần nữa tôi lại đến nhà dì Anu để dự tiệc sinh nhật thằng Arjun.

Thằng ranh to xác, gì mà ầm ĩ thế, đã hơn 20 tuổi đầu còn bày đặt tiệc với tiếc như bọn thò lò mũi xanh. Không nằm ngoài dự đoán, mọi thứ đã được bà dì Anu yêu quý chuẩn bị chu đáo với quy mô hoành tráng hết cỡ. Tất cả bằng cấp, chứng chỉ của thằng Arjun, “Sinh viên ưu tú”, “Nhân viên ưu tú”, v.v… được bày hết ra trong phòng khách.

Còn phải nói, các cô các dì cứ há hốc mồm ra cho mà xem.

“Này, nhìn xem, làm việc tại InfoTech cơ đấy. Lại còn là nhân viên ưu tú nữa chứ!” Một ai đó kêu lên.

“Tôi biết mà. Arjun lúc nào chả đứng nhất trường, phải không Anu?” Một người khác nói.

“Tôi sẽ chỉ gả Rupa của tôi cho cháu Arjun mà thôi”, một người khác nữa lên tiếng.

“Thôi, tôi lạy bà, Ritu, tôi nhìn thấy ảnh Rupa nhà bà trên Facebook rồi.” Một bà dì phốp pháp khác hạnh họe. “Ui chao! Váy của nó có vẻ càng ngày càng ngắn đấy nhỉ. Bà nên về mà quản lý nó cho xong đi rồi hãy nghĩ đến chuyện cưới xin.”

Đối với dì Anu, đó là một thời khắc huy hoàng mà dì đang chìm đắm. Các bà cô bà thím như náo loạn, ai cũng đòi gả con gái cho Arjun, và chúng tôi phải đợi một lúc lâu nữa. Tôi dự là một cuộc chiến đấu giá sắp bắt đầu. Arjun như một ngôi sao nhạc rock “cây nhà lá vườn” lừng danh với cả một tá những fan cuồng là các bà dì chạy theo, nhưng vẫn chưa làm nó thỏa mãn. Đây là ngày mà cả đời dì Anu chờ đợi, cũng là ngày mà mẹ tôi kinh hãi nhất.

Dù đã cố gắng tránh xa Arjun, nhưng thằng nhãi ẻo lả ấy vẫn chạy về phía tôi.

“Xin chàooo!” Nó ré lên như mấy cô em 16 vậy.

“Chào ông em!” Tôi tặng nó một cái bắt tay đầy nam tính.

“Vậy là anh vẫn chưa tìm được việc phải không?” Nó nói, cái giọng nghe sao mà giống mẹ nó một cách lạ kỳ.
“Ối chà, ông em khỏi lo, khi nào anh tìm được việc, chú sẽ là người được biết đầu tiên.” Tôi vỗ nhè nhẹ vào vai nó, quay trở lại bữa tiệc và nhét đầy miệng món Hyderabadi biryani(2).

Trong lúc đó, chú Buji đang bận rộn với việc nhồi nhét vào đầu mẹ tôi những kế hoạch tương lai dành cho tôi. Nếu cho chú ấy thêm thời gian, khéo chú còn tìm luôn cho tôi cả một cô vợ cũng nên. Khi tôi đang tự thưởng thức món paneer kofta ngon mê li, thì bị chú ấy tóm được.

“Vẫn thất nghiệp đó hả Varun?” Aaaaa, ai đó làm ơn giết tôi điiiiiiiii. “Vâng, chưa chú ạ…”

“Cháu có bị mất trí không đấy, hở? Kiếm việc mau đi. Nhìn Arjun kia kìa, cháu không thèm được như nó à?

Không lẽ bất kỳ thằng con trai 20 tuổi đầy tự trọng nào trên cái hành tinh này lại cứ phải muốn giống cái thằng Arjun gàn dở ấy sao?

“Umm, chú ạ, cháu đang nghĩ đến việc bắt đầu gây dựng một thứ gì đó riêng của mình,” tôi buột miệng nói.

“Cái gì cơ? Chee! Tống khứ mấy ý nghĩ ấy ra khỏi đầu cháu ngay lập tức”, chú Biju tuôn một tràng. “Sao cháu lại muốn làm mấy chuyện tầm phào ấy cơ chứ? Hãy nhìn xem, có ti tỉ các công ty đa quốc gia ở Bangalore này. Họ không chỉ trả cho cháu một mức lương tuyệt vời, mà còn trao cho cháu những đặc quyền nữa kìa.”
Wow. Thật tội nghiệp cho những gã ôm ước mơ gây dựng một sự nghiệp cho riêng mình nhưng lại có một ông bố như chú ấy.

“Chú ạ, nhưng cháu không muốn làm những việc mà mọi người đều làm.”

“Varun, cháu thật khiến ta thất vọng. Thất nghiệp, không bằng MBA, và nếu không có bằng MBA thì lấy đâu ra vợ, và nếu chẳng có ma nào thèm dòm ngó, thì cháu cũng đừng mơ có của hồi môn. Thế cháu định làm cái của nợ gì đấy?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.