Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn

Xuôi dòng ký ức



Những lời đồn đại về giới tính của tôi chẳng mấy chốc đã lan truyền chóng mặt trong hội các bà cô, cùng lúc đó tin tức về mặt hàng áo nỉ và áo thun của chúng tôi cũng được thổi đi nhanh như gió. Những cư dân Cotton từ khắp mọi nơi bắt đầu gọi cho chúng tôi để đặt hàng. Purshottam phải mất ít nhất một tháng để hoàn thành số đơn đặt hàng, do đó chúng tôi không thể nhận thêm bất kỳ đơn hàng mới nào. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, ý tưởng của chúng tôi đã gặt hái được thành công. Bây giờ, chúng tôi thực sự đưa trang web bán hàng vào vận hành và cố gắng kết nối với càng nhiều trường càng tốt.

Ở thành phố nào cũng thấy nổi lên hai trường đại học kình địch với nhau, kiểu như: Oxford và Cambridge, Harvard và Yale, Hindu và St. Stephens, và còn nhiều nhiều nữa. Ở Bangalore, chúng tôi có Bishop Cotton và St. Joseph’s. Cả hai đều là những ngôi trường lâu đời nhất và có bề dày thành tích nhất trên cả nước, hai “kỳ phùng địch thủ” ấy lúc nào cũng trong một mối quan hệ kiểu vừa yêu-vừa ghét. Cuộc cạnh tranh giữa cư dân Cotton và Joseph thường dữ dội nhất vào mùa giải bóng gậy(1) Cotton Shield hàng năm do trường Cotton tổ chức, những trận đấu diễn ra kịch liệt chẳng khác gì trận của Indo-Pak(2). Và thường thì những trận đấu này sẽ kết thúc bằng việc đánh lộn.

Khi một vài người bạn khá thân của tôi học ở trường Joseph biết đến sản phẩm mà chúng tôi làm cho Cotton, tụi nó đã hỏi: “Này, anh bạn, thế áo nỉ cho Joseph của bọn tớ đâu?” À, phải rồi nhỉ! Nếu chúng tôi làm áo cho cư dân Cotton thì sao có thể không làm cho Joseph nữa chứ. May phước cho chúng tôi, ngày Hội cựu sinh viên Joseph sẽ được tổ chức vào tháng sau, quả là một thời điểm không thể tuyệt vời hơn.

Chúng tôi lặp lại thủ tục và có trong tay một vài mẫu cho trường Joseph. Sau đó, như trước đây, chúng tôi gặp hiệu trưởng của trường St. Joseph’s, đưa cho ông xem áo mẫu và nói với ông về công ty của chúng tôi. Được sự ủng hộ của ông, cùng sự cho phép của OBA (Hội cựu sinh viên St. Joseph’s), chúng tôi đã sãn sàng cho sự kiện thứ hai của mình trong chưa đầy một tháng. Lần này, chúng tôi đặt trước từ nhà sản xuất Purshottam khoảng 500 chiếc cho mỗi loại áo thun và nỉ.

Mỗi ngày, anh ấy càng thêm ấn tượng về chúng tôi. Không những giữ được lời hứa và có được một lượng đơn đặt hàng khổng lồ từ Bishop Cotton, mà chúng tôi còn sẵn sàng tấn công vào ngôi trường thứ hai. Trên thực tế, anh ấy đã rất vui vẻ đồng ý cho chúng tôi chịu một khoản. Có nghĩa là giờ đây, chúng tôi có những 45 ngày để thanh toán tiền hàng cho anh ấy. Đó là một khoảng thời gian khá dài và thực sự giúp ích chúng tôi rất nhiều về sau này. Chúng tôi đang dần lớn mạnh. Chậm, nhưng chắc.

Mẹ tôi vẫn tuyệt nhiên chưa hay biết gì. Chỉ cần để mẹ nghe phong phanh đâu đó thì ôi thôi, Alma Mater của chúng tôi cũng chỉ còn nước chấm dứt sự tồn tại trên cõi đời này. Tôi vẫn ngoan ngoãn đến gặp chuyên gia tư vấn, trong khi bà dì Anu vẫn luôn cùng chú Biju lên kế hoạch tìm việc cho tôi. Mẹ vẫn không ngừng giao phó thêm nhiều nhiệm vụ nữa cho tôi. Nhưng nhiệm vụ hóc búa nhất vẫn là lau dọn cái phòng của tôi. Có hai việc các cậu đừng bao giờ làm – hỏi một cô gái về tuổi của nàng và yêu cầu một thằng con trai dọn phòng của mình. Thế nhưng, thà dọn dẹp còn hơn chán vạn đi mua mấy thứ đồ tạp hóa chết giẫm.

Việc dọn dẹp một căn phòng đã nhiều năm chưa được sờ mó là cả một công việc vĩ đại. Tôi còn không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi mở chiếc tủ cũ bẩn phủ cả mét bụi và từ đó rơi ra một vỏ bao thuốc lá Phantom. Điều kỳ lạ nhất là, chiếc tủ bị lãng quên của tôi như một bộ nhớ vĩ đại, trong đó lưu giữ vô số thứ cũ kỹ từ đời nảo đời nào. Rất nhiều món đồ của trường học tưởng như đã bị thất lạc từ hàng thập kỷ trước nay bỗng được khai quật. Chúng gợi cho tôi về những ngày xa xưa tuyệt vời. Đó chính là Alma Mater! Alma Mater sẽ mang những ngày xưa cũ quay trở lại. Alma Mater sẽ đưa các cậu về với miền ký ức xa xăm, đưa các cậu trở về với những thời khắc tuyệt vời khi còn cắp sách đến trường.

Tôi vẫn còn nhớ, sự cố Y2K hồi ấy đã gây nên cơn bão tố như thế nào. Chỉ vài người hiếm hoi có máy tính, nhưng tất cả đều sốt sình sịch trước thảm họa đội quân virus làm loạn máy móc. Nostradamus thậm chí còn tiên tri về một ngày tận thế; nhưng ơn trời, Y2K đã không khiến trời long đất lở, còn lời tiên tri cũng chẳng đúng tẹo nào. (Chúa ơi, con đội ơn Ngài) .
Thời đó, chúng tôi chưa có Facebook, nhưng chúng tôi có ICQ(3). Có một câu mà không ai trong chúng tôi ở “cái thời đó” có thể quên là “ASL (tuổi/ giới tính/ nơi ở) của bạn là gì” khi gặp gỡ một người lạ nào đó trên ICQ. Chúng tôi có những cái tên e-mail nghe buồn cười không thể chịu được: [email protected],
[email protected]. Tên trên “chat room” thậm chí còn hay ho và ngớ ngẩn hơn nữa kìa. Thời ấy, các cậu chẳng có Google gì hết, nhưng có thể vào altavista.com
hoặc tiếp cận Mr Jeeves để làm rõ và đặt bất kỳ câu hỏi nào.

Rồi thì, các cậu vẫn phải gọi cho một cô gái qua đường dây cố định và lấy hết can đảm để hỏi gặp cô ấy. Chẳng có chỗ để các cậu đi chơi ngoài Wimpy’s hay McD và một nơi xa tít là cái quán cà phê Coffee Day nằm lẻ loi trên cầu Brigade. Galaxy là nơi mọi bộ phim được chiếu với từng hàng dài người xếp chờ mua vé phim Nhiệm vụ bất khả thi 2.

TV vẫn chiếu The wonder Years và The Crystal Maze và thế giới dường như đã quá “bảnh chọe” với Saas-Bahu soaps (TV series) và mấy chương trình thực tế.

Các cậu vẫn tha hồ thời gian đọc sách vào buổi tối và chơi bóng gậy vào ngày Chủ nhật. “Canada Dry” là nguồn duy nhất cung cấp thuốc lá và kẹo.
VSNL đảm bảo phim đen vẫn tải được 1byte/s và VCDs rất thịnh hành thời đó.
Hulk Hogan luôn giữ vị trí dẫn đầu trên mọi chương trình “Trump Cards” và Cameron Diaz trong phim The Mask là giấc mơ của bao nhiêu đứa ở tuổi dậy thì.
Windows 98 là hệ điều hành duy nhất thời bấy giờ.

Bất cứ đứa nào sở hữu một chiếc máy in đều được đối đãi hết sức đặc biệt, cuốn Bách Khoa Toàn thư là nguồn cung cấp thông tin duy nhất cho các bài tập. Bút Hero với ngòi bút “made in China” còn được ưa chuộng hơn cả “anh chàng lính mới” Pilot huênh hoang.

Azharuddin(4) vẫn còn là đội trưởng và Jadeja cùng Robin Singh là mũi nhọn của đội. Venkatesh Prasad đã một mình một bóng gây nhiễu loạn đội Pakis, còn chúng tôi thì lúc nào cũng bị lỡ mất mọi trận đấu thử(5).

Và với tôi, ấn tượng về việc diện một bộ đồ sặc sỡ đến trường trong ngày sinh nhật và phân phát bánh Eclairs(6) cho mọi người là không thể nào quên được.

Tôi có thể cứ tiếp tục và tiếp tục. Nhưng tôi e là các cậu sẽ bị dòng ký ức cuốn trôi đi khỏi thực tại mất thôi.

Trong lúc dọn dẹp, tôi còn tìm thấy bộ sưu tập truyện Tinkle lâu năm của mình. Khỉ thật, tôi đã từng đam mê truyện tranh đến nhường nào. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên bị giáo viên bắt quả tang trong lớp vì cái tội không nhìn lên bảng mà đang lúi húi đọc Tinkle.

Chắc hẳn, bây giờ vài đứa trong số các cậu có thể nhún vai tặc lưỡi kiểu “sao lại đọc cái của nợ ấy nhỉ”, thế nhưng trong cái “thời ô mai” của chúng tôi, mỗi đứa từng ít nhất một lần đọc Tinkle đấy. Còn cả “Suppandi” nữa chứ, nói về anh ấy bây giờ thì quả là lỗi thời, nhưng đối với thời học sinh của chúng tôi, anh ấy vẫn là một nhân vật huyền thoại. Trước khi có Cartoon Network, trước khi Swat Cats thống trị, thì chỉ có Uncle Scrooge trên Doodarshan và có Tinkle mà thôi.

Tôi còn nhớ, dịp nghỉ hè là lúc mẹ đưa chúng tôi đi tàu về thăm bà ngoại ở xa ơi là xa. Khoái nhất là trong suốt hành trình dài dằng dặc, bọn tôi tha hồ thời gian để nghiến ngấu Tinkle và háo hức chờ mua tập mới nhất ở ga kế tiếp. Các cậu mà không lạc vào trong thế giới phép màu của Suppandi, Kalia the Crow, Shikari Shambu và Tantri the Mantri mới là lạ.

Có lẽ, Tinkle là cuốn truyện tranh đã bị lãng quên từ lâu, nhưng chúng sẽ luôn ở mãi trong tâm trí chúng tôi và sẽ luôn gợi nhớ về khoảng thời gian khi mọi thứ giản đơn hơn bây giờ rất nhiều, khi Bangalore trong xanh hơn, khi mọi người dậy lúc 7 giờ sáng Chủ Nhật để xem Talespin trên kênh DD, khi thuốc lá Phantom thống trị, còn Luân xa(7) mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là những vòng tròn. Khi ấy, chúng tôi chẳng phải lo lắng quái gì về hạn nộp bài, họp hành, Facebook và nhiều thứ khác trong cuộc sống hiện tại. Chúng tôi chỉ quan tâm mỗi việc khi nào tập truyện Tinkle tiếp theo sẽ được phát hành. Buồn thay, bác Pai, cha đẻ của Tinkle đã qua đời. Xin bác hãy yên nghỉ và cảm ơn bác về mọi ký ức. Chúng cháu mang ơn bác rất nhiều.

Vậy là các cậu thấy đấy, Alma Mater không chỉ là một công ty khởi nghiệp như bao công ty khác. Nó còn là khởi đầu cho cả một nền “văn hóa thiểu số(8)” mới. Nó mang lại cho các cậu cảm giác như được một lần nữa quay trở lại thời trẻ trâu xưa kia, khi vẫn còn đang được ngồi mài đũng quần trên ghế nhà trường – đó thực sự là một cảm giác quá đỗi tuyệt vời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.