Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

CHƯƠNG 4 – PHẦN LỚN NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ VIẾT TRUYỆN LÀ DO HỌC ĐƯỢC TỪ CHẠY BỘ MỖI NGÀY



NGÀY 19 THÁNG CHÍN NĂM 2005 -Ÿ TOKYO
Ngày 10 tháng Chín tôi chào từ biệt Kauai và trở về Nhật hai tuần. Giờ tôi đang đi lại giữa văn phòng ở Tokyo và nhà mình ở quận Kanagawa bằng xe hơi. Tôi vẫn duy trì chạy bộ, nhưng vì đã lâu tôi không trở về Nhật nên có rất nhiều công việc đang chờ khiến tôi bận bịu, có những người cần phải gặp. Và tôi phải lo liệu từng việc một. Tôi không thể chạy tùy thích như hồi tháng Tám. Thay vì vậy, khi giành giật được chút thời gian rảnh rỗi, tôi cố chạy đường dài. Từ khi về lại, tôi đã chạy mười ba dặm được hai lần, mười chín dặm được một lần. Vậy nên tôi có thể duy trì được vừa xoẳn mức sáu dặm một ngày của mình.
Tôi cũng đã chủ ý tập luyện trên dốc. Gần nhà tôi có một dãy dốc dễ chịu, với những mức thay đổi độ cao tương đương với toàn nhà cao năm sáu tầng, và mỗi lần chạy, tôi chạy đường vòng này hai mươi mốt lần. Việc này chiếm của tôi hết một giờ bốn mươi lăm phút. Đó là một ngày oi bức khủng khiếp, nó làm tôi kiệt sức. Marathon NewYork nhìn chung là một đường đua bằng phẳng, nhưng nó vượt qua bảy cây cầu, phần lớn là cầu treo, vậy nên có những đoạn dốc lên. Đến nay tôi đã tham gia Marathon New York được ba lần rồi, và mấy cái dốc lên rồi xuống thoai thoải đó luôn đốn ngã hai chân tôi nhiều hơn tôi tưởng.
Đoạn cuối của cuộc đua Marathon này là ở công viên Trung tâm, Và liền sau lối vào công viên có vài chỗ thay đổi độ cao đột ngột vẫn thường làm tôi chậm lại. Những lúc bình thường tôi ra chạy bộ buổi sáng trong Công viên Trung tâm, đó chỉ là những chỗ dốc thoai thoải không bao giờ gây rắc rối gì cho tôi cả, nhưng ở chặng cuối của cuộc đua Marathon, mấy chỗ dốc ấy lại cứ như một bức tường đứng đó ngay trước mặt người chạy. Chúng tàn nhẫn vắt kiệt giọt sức lực cuối cùng mà ta dành dụm được. Gần tới đích rồi, tôi tự nhủ. Nhưng đến lúc ấy thì tôi đang chạy thuần túy bằng sức mạnh ý chí, vậy mà vạch đích cũng không có vẻ gần lại được chút nào. Tôi khát, nhưng bao tử tôi không muốn thêm chút nước nào nữa. Đây là lúc hai chân tôi bắt đầu kêu gào.
Tôi khá giỏi chạy lên dốc, và thông thường tôi thích một đường chạy có dốc vì tôi có thể vượt qua những người chạy khác. Nhưng cứ đến cái dốc ở Công viên Trung tâm, tôi lại đuối sức hoàn toàn. Lần này tôi muốn thưởng thức, một cách tương đối, vài dặm cuối cùng, làm hết sức mình, và về đích đầu tiên với nụ cười nở trên môi. Đó là một trong những mục tiêu của tôi lần này.
Tổng khối lượng chạy tôi thực hiện có thể đang giảm sút, nhưng ít nhất tôi cũng tuân theo một trong những nguyên tắc chạy cơ bản của mình: tôi không bao giờ nghỉ hai ngày liền. Cơ bắp, cũng như lũ gia súc, vốn rất sáng dạ. Nếu ta thận trọng tăng công việc, từng bước một, chúng sẽ học được cách chịu đựng nó. Miễn là ta giải thích cho chúng biết những mong đợi của ta bằng cách thực sự cho chúng thấy các ví dụ về khối lượng công việc chúng ta phải chịu đựng thì các cơ của ta sẽ tuân phục và dần dà trở nên mạnh hơn. Chuyện đó không diễn ra một sớm một chiều và dĩ nhiên rồi. Nhưng chỉ cần ta thong thả và chia thành nhiều giai đoạn thì chúng sẽ không kêu ca – ngoài chuyện thỉnh thoảng thuỗn mặt ra- và một cách rất kiên nhẫn và ngoan ngoãn, chúng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Bằng cách lặp đi lặp lại, ta đưa vào các cơn bắp của mình cái thông điệp cho biết đây là khối lượng công việc chúng phải hoàn thành. Các cơ của ta rất tận tụy. Chỉ cần ta tuân thủ một quy trình chính xác thì chúng sẽ không phàn nàn.
Tuy nhiên, nếu gánh nặng ngưng lại vài ngày, cơ bắp sẽ tự động cho là chúng không phải làm việc nặng nhọc đến như thế nũa, và chúng hạ các giới hạn của mình xuống. Cơ bắp quả thực rất giống gia súc, chúng chỉ muốn càng nhẹ nhàng càng tốt; nếu không dùng áp lực với chúng, chúng sẽ nghỉ ngơi và xóa sạch ký ức về tất cả công việc đó. Đưa cái ký ức đã bị xóa này vào lại lần nữa, thế là tôi phải đi lại từ đầu cuộc hành trình. Dĩ nhiên đôi khi phải nghỉ ngơi là điều quan trọng, nhưng vào một thời điểm quyết định như thế này, khi mà tôi đang luyện tập cho một cuộc đua, tôi phải cho cơ bắp của mình thấy ai là chủ. Tôi phải cho chúng thấy rõ ràng tôi đang mong đợi điều gì. tôi phải duy trì một sức ép nào đó bằng cách nghiêm khắc, nhưng không phải đến mức làm mình kiệt sức đi. Đây là những cách thức mà tất cả những người chạy đua có kinh nghiệm học được theo thời gian.
Khi tôi đang ở Nhật thì một tuyển tập truyện ngắn mới của tôi, Chuyện lạ Tokyo,(Strange Tales from Tokyo), đã được xuất bản, và tôi có vài chục cuộc phỏng vấn về cuốn sách. Tôi cũng phải kiểm tra bản in thử cho cuốn sách phê bình âm nhạc sẽ xuất bản vào tháng Mười một và gặp gỡ người ta để bàn về bìa sách. Rồi tôi phải xem lại bản dịch toàn tập Raymond Carver mình đã dịch. Do ấn bản bìa mềm của mấy quyển này sẽ được xuất bản, tôi muốn xem lại toàn bộ các bản dịch, đây là một việc mất thời gian. Thêm vào đó, tôi còn phải viết một lời tựa dài cho tuyên tập truyện ngắn Cây liễu mù và cô gái ngủ (Blind Willow, Sleeping Woman) sẽ xuất bản ở Mỹ vào năm tới. Thêm nữa tôi đang đều đặn viết tiểu luận về chạy bộ này,dù không một ai cụ thể yêu cầu tôi cả. Hệt như một thợ rèn lạng thầm ở quê,cứ miệt mài hàn.
Còn có vài công chuyện khác tôi phải lo. Lúc chúng tôi đang sống ở Mỹ thì cô gái làm trợ lý cho chúng tôi tại văn phòng ở Tokyo bất ngờ thông báo cô sẽ lập gia đình vào đầu năm sau và muốn nghỉ việc, vậy nên chúng tôi phải tìm người thay thế. Không thể để văn phòng đóng cửa suốt mùa hè. Và chẳng bao lâu sau khi trở lại Cambridge tôi phải nói chuyện vài buổi ở trường đại học, vậy là tôi cũng phải chuẩn bị cho cả việc ấy nữa.
Vậy nên tôi cố gắng,trong khoảng thời gian ngắn ngủi mình có, lo liệu tất cả các thứ này hết sức mình. Và tôi phải duy trì việc chạy để chuẩn bị cho Marathon New York. Dù cho có hai tôi đi nữa thì tôi vẫn không thể làm hết những thứ cần phải hoàn thành. Thế nhưng, bất luận thế nào thì tôi cũng duy trì chạy bộ. Chạy mỗi ngày với tôi là một nguyên tắc sống, vậy nên tôi sẽ không hoãn lại hay bỏ chỉ vì tôi bận. Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ chomột ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.
Thường thường, khi ở Tokyo, tôi chạy quanh Jingu Gaien, vườn ngoài của đền Meiji, một đường chạy đi qua sân vận động Jingu. Nó không sánh được với Công viên Trung tâm ở thành phố NewYork, nhưng là một trong số ít nơi ở Tokyo có công viên cây xanh. Tôi đã chạy đường này nhiều năm và biết rõ khoảng cách. Tôi đã thuộc nằm lòng tất cả những chỗ lồi lõm dọc đường, vậy nên đó là một nơi lý tưởng để tập và biết được mình đi nhanh chậm ra sao. Rủi là trong khu vực này có rất nhiều xe cộ, đó là chưa kể người đi bộ, và tùy từng thời gian trong ngày mà không khi có thể không sạch lắm – nhưng ở trung tâm Tokyo nên điều đó là bình thường. Nó là thứ tốt nhất tôi có thể đòi hỏi được. Tôi nghĩ có được một nơi để chạy gần căn hộ của mình như vậy thì cũng có thể kể là may mắn.
Một vòng quanh Jingu Gaien dài hơn ba phần tư dặm một chút, và tôi thích ở chỗ họ có mấy cây cột số cắm xuống đất. Mỗi khi muốn chạy theo tốc độ nhất định- chín phút một dặm, hay tám phút, hay bảy phút rưỡi – thì tôi chạy đường này. Hồi đầu tiên tôi bắt đầu chạy đường Jingu Gaien, Toshihiko Seko vẫn còn đang chạy và ông cũng sử dụng đường chạy này. Ông luyện tập rất căng để chuẩn bị cho Olympic Los Angeles. Một chiếc huy chương vàng sáng chói là thứ duy nhất trong tâm trí ông. Ông đã mất cơ hội đến Olympic Matxcova vì chính sách tẩy chay, vậy nên Los Angeles có lẽ là cơ hội cuối cùng để ông đạt một tấm huy chương. Ông có một dáng vẻ hào hùng quả cảm, một điều gì đó ta có thể thấy trong ánh mắt ông. Nakamura, huấn luyện viên đội S&B, lúc đó còn nổi tiếng và thành đạt, đội này đã có một loạt vận động viên chạy đua xuất sắc và đang lúc mạnh nhất. Đội S&B đã dùng đường chạy này mỗi ngày để luyện tập, và theo thời gian chúng tôi tự nhiên dần biết mặt nhau. Có lần tôi còn đi Okinawa để viết một bài về họ trong khi họ đang luyện tập ở đấy.
Từng người trong số những người chạy này thường tập luyện riêng lẻ vào sáng sớm trước khi đi làm, rồi thì buổi chiều cả đội luyện tập với nhau. Hồi ấy tôi thường chạy bộ ở đấy trước bảy giờ sáng-Khi xe cộ còn chưa khiếp lắm, không có nhiều người đi bộ như vậy, và không khí còn trong lành- và các thành viên đội S&B và thôi thường chạy ngang qua và gật đầu chào nhau. Những hôm trời mưa chúng tôi thường nhìn nhau cười, kiểu cho-rằng-họ-mình-đều-xui-xẻo-như-nhau-cả. Đặc biệt, tôi còn nhớ hai người chạy trẻ tuổi, Taniguchi và Kanei. Cả hai người đều cuối độ tuổi hai mươi, cả hai đều là cựu thành viên đội tuyển đại học Waseda, nơi họ từng là vận động viên nổi bật trong cuộc đua tiếp sức. Sau khi Seko được bầu là huấn luyện viên đội S&B, người ta mong họ là hai ngôi sao trẻ của đội. Họ là những vận động viên chạy đua có năng lực được kỳ vọng một ngày kia sẽ giành huy chương Olympic, và việc rèn luyện gian khổ không làm họ nao núng. Vậy mà đáng buồn thay, họ đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi khi đang tập luyện ở Hokkaido vào mùa hè. Tôi đã tận mắt chứng kiến chế độ khắt khe họ bắt mình phải trải qua, và thật sự là một cú sốc khi tôi nghe tin về cái chết của họ. Tôi đau lòng khi nghe tin đó, tôi cảm thấy đó là một tổn thất ghê gớm.
Bọn tôi hầu như chưa khi nào nói gì với nhau, và tôi cũng không quen biết họ. Tôi chỉ được biết sau khi họ chết là cả hai người vừa mới lập gia đình. Tuy nhiên, là một bạn chạy đường dài gặp mặt họ ngày này qua ngày khác, tôi cảm thấy như chúng tôi có phần hiểu nhau. Dù trình độ kĩ năng khác nhau, vẫn có những thứ mà duy chỉ những người chạy đua mới hiểu và chia sẻ cho nhau. Tôi thực sự tin điều đó.
Ngay bây giờ, khi chạy dọc Jingu Gaien hay Asakasa Gosho, đôi lúc tôi nhớ đến mấy người chạy ấy. Tôi ôm cua một góc đường và cảm thấy như mình sắp thấy họ đang đi về phía mình, lặng lẽ chạy, hơi thở trắng xóa trong không khí buổi sớm. Và tôi luôn nghĩ rằng: Họ kiên nhẫn chịu đựng và tập luyện gian khổ vậy, mà những ý nghĩ, hy vọng, ước mơ của họ đi đâu mất rồi? Khi người ta chết, tư tưởng của họ có mất đi không?
Gần nhà mình ở Kanagawa, tôi có thể thực hiện một kiểu tập luyện hoàn toàn khác. Như tôi đã đề cập ở trên, gần nhà tôi có một đường chạy nhiều dốc đứng. Còn có một đường chạy khác gần đó mà phải mất chừng ba tiếng đồng hồ mới chạy hết- lý tưởng cho một đường chạy dài. Phần lớn con đường bằng phẳng, chạy song song một con sông và biển, không nhiều ô tô và hầu như không có đèn giao thông nào buộc tôi chậm lại. Không khí cũng sạch nữa, không như ở Tokyo. Có lẽ phải chạy một mình trong ba giờ đồng hồ thì cũng hơi chán một chút, nhưng tôi nghe nhạc, và do hiểu biết mình đang đương đầu với cái gì nên tôi vẫn thích thú như thường. Vấn đề duy nhất đó là một đường chạy mà ta phải chạy được nửa đường rồi vòng lại, vậy nên dù có mệt ta cũng không thể bỏ cuộc giữa chừng. Tôi phải trở về bằng chính sức mình, dù có phải bò. Dù sao, nhìn chung đó cũng là một môi trường dễ chịu để tập luyện.
Trở lại với tiểu thuyết một lát.
Trong mọi cuộc phỏng vấn, tôi luôn được hỏi phẩm chất quan trọng một tiểu thuyết gia cần có là gì. Câu trả lời khá rõ: tài năng. Dù ta có dồn bao hăng say nỗ lực vào viết lách chăng nữa, nhưng nếu hoàn toàn không có văn tài thì ta có thể quên chuyện làm tiểu thuyết gia đi. Đây là một điều kiện tất yếu hơn là một phẩm chất cần thiết. Nếu không có chút nhiên liệu nào thì ngay cả chiếc xe hơi tốt nhất cũng không thể chạy.
Thế nhưng, vấn đề của tài năng là ở chỗ trong hầu hết trường hợp, đương sự không thể kiểm soát lượng hay chất của tài năng. Ta có thể thấy là lượng vẫn chưa đủ và ta muốn tăng thêm, hay ta có thể cố gắng tằn tiện để nó còn lâu hơn, nhưng trong cả hai trường hợp mọi chuyện không diễn ra dễ dàng như thế. Tài năng có suy nghĩ riêng của nó và tuôn trào khi nó muốn, và khi nó đã cạn rồi, thế là hết. Dĩ nhiên một số nhà thơ và ca sĩ nhạc rock có thiên tư tỏa rạng hào quang- Những người như Schubert và Mozart mà cái chết sớm gây xúc động của họ đã biến họ trở thành huyền thoại- có một sức hấp dẫn nào đó, nhưng với đại đa số chúng ta thì đây không phải là khuôn mẫu cho chúng ta theo.
Nếu tôi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất kế tiếp với một tiểu thuyết gia là gì, điều đó cũng dễ nữa:tập trung-khả năng tập trung tất cả tài năng có hạn của ta vào bất cứ gì quan trọng tại thời điểm đó, nếu có thể tập trung một cách hiệu quả, ta sẽ có thể bù lại cho tài năng thất thường hay thậm chí sự thiếu vắng tài năng. Tôi thường tập trung công việc trong ba hay bốn giờ đồng hồ vào buổi sáng. Tôi ngồi tại bàn và tập trung hoàn toàn vào cái mình đang viết. Tôi không thấy gì khác nữa. Ngay cả một tiểu thuyết gia đầy tài năng và đầu óc đầy những ý tưởng mới mẻ tuyệt vời có khi cũng không thể viết ra được một cái gì nếu, giả dụ, y đang đau đớn quá chừng vì sâu răng. Cái đau cản trở sự tập trung. Đó là điều tôi muốn nói khi nói rằng không tập trung ta không thể hoàn tất được cái gì.
Sau sự tập trung, thứ quan trọng kế tiếp đối với một tiểu thuyết gia là, thật hiển nhiên, sự bền bỉ. Nếu ta tập trung vào viết ba hay bốn giờ mỗi ngày và cảm thấy mệt mỏi sau một tuần như vậy, ta sẽ không thể viết một tác phẩm dài hơi. Điều cần thiết đối với một nhà văn viết truyện – hay ít nhất cũng là một người mong viết một cuốn tiểu thuyết- là sức lực để tập trung hàng ngày trong nửa năm, hay một năm, hay hai năm. Ta có thể sánh điều đó với hít thở. Nếu tập trung là quá trình chỉ nín thở thôi, thì bền bỉ là nghệ thuật thở chậm, êm đồng thời với việc trữ không khí trong phổi. Trừ phi ta tìm thấy được một sự cân bằng giữa hai điều này, bằng không thì sẽ rất khó viết tiểu thuyết một cách chuyên nghiệp trong một thời gian dài. Tiếp tục thở trong khi nín thở.
May mắn là, hai kỷ luật này- tập trung và bền bỉ- khác với tài năng, vì ta có thể có được và mài giũa qua rèn luyện. Một cách tự nhiên, ta sẽ học được cả tập trung lẫn bền bỉ khi ta ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và luyện tập ḿnh tập trung vào một điểm . Điều này rất giống việc rèn luyện cơ bắp mà tôi đã viết ban nãy. Ta phải tiếp tục truyền đối tượng tập trung của ta vào toàn thân ta, và đảm bảo là thân ta tiêu hóa được hoàn toàn thông tin cần thiết để ta viết từng ngày và tập trung vào công việc trước mặt. Và dần dà ta sẽ nới rộng các giới hạn có thể. Gần như không nhận ra, ta sẽ nâng dần tiêu chuẩn lên. Điều này bao gồm quá trình giống như chạy bộ mỗi ngày để làm mạnh các cơ và phát triển thể lực người chạy. Hãy thêm vào sự khuyến khích và duy trì nó. Và lặp lại. Kiên nhẫn là một thứ bắt buộc trong quá trình này, nhưng tôi bảo đảm kết quả sẽ đến.
Trong thư từ cá nhân, bí quyết lớn nhất mà nhà văn Raymon Chandler thú nhận là dù không viết gì cả thì ông cũng nhất định phải ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và tập trung. Tôi hiểu cái chủ định đằng sau việc làm này. Đây là cách Chandler cho mình sức chịu đựng về thể chất mà một nhà văn chuyên nghiệp cần, âm thầm tăng cường sức mạnh ý chí của mình. Kiểu rèn luyện hằng ngày này là không thể thiếu đối với ông.
Viết tiểu thuyết, đối với tôi, cơ bản là một kiểu lao động chân tay. Viết tự nó là lao động trí óc, nhưng hoàn tất một cuốn sách thì gần với lao động chân tay hơn. Nó không bao gồm nâng vật nặng, chạy nhanh, hay nhảy cao. Thế nhưng, hầu hết mọi người chỉ nhìn thấy cái thực tế bề mặt của việc viết lách và cho rằng các nhân vật để hết tâm trí vào công việc trí óc, lặng thầm làm việc trong phòng mình. Nếu anh có sức để nâng một tách cà phê, họ nghĩ, thì anh có thể viết một cuốn tiểu thuyết. Nhưng một khi đã thử làm, ta sẽ sớm nhận ra đó không phải là một công việc yên bình dù nó có vẻ thế. Cả quá trình – ngồi tại bàn,tập trung đầu óc và,như một tia laser, mường tượng ra cái gì đó từ một đường chân trời trống rỗng,sáng tạo ra một câu chuyện, chọn lọc từ ngữ thích hợp, từng chữ một, giữ cho toàn bộ mạch truyện đi đúng hướng – nó đòi hỏi sức lực, qua một thời gian dài, nhiều hơn là hầu hết mọi người vẫn tưởng. Có thể ta không động tay động chân, nhưng có sự lao động cam go và năng động diễn ra trong ta. Ai cũng đều dùng đầu óc của mình khi suy nghĩ. Nhưng một nhà văn thì còn thêm vào một chất liệu gọi là nghệ thuật tự sự và suy nghĩ bằng toàn bộ bản thể mình;và với tiểu thuyết gia thì quá trình đó đòi hỏi phải phát huy toàn bộ nguồn dự trữ thể chất của ta, thường là đến độ gắng quá sức.
Những nhà văn được phú cho tài năng để phung phí thì trải qua quá trình này một cách vô thức,trong một số trường hợp không để ý thấy điều đó. Nhất là khi họ còn trẻ, chỉ cần họ có một mức độ tài năng nhất định thì viết một cuốn tiểu thuyết là không quá khó đối với họ. Họ dễ dàng dẹp tan mọi trở lực. Còn trẻ nghĩa là toàn thân ta đầy sức sống tự nhiên. Sự tập trung và bền bỉ xuất hiện khi ta cần,ta không bao giờ cần phải tự mình tìm kiếm. Nếu ta trẻ và tài năng thì giống như ta có cánh vậy.
Dù sao,trong đa số trường hợp,khi tuổi trẻ tàn phai, kiểu năng lượng thể tự do ấy mất đi sự sống tự nhiên và rực rỡ của nó. Sau khi ta đã quá một độ tuổi nào đó,những thứ ta đã có thể làm một cách dễ dàng nay không còn dễ nữa – cũng như tốc độ ném bóng nhanh của một cầu thủ bắt đầu giảm dần theo thời gian. Dĩ nhiên,khi già đi thì người ta vẫn có thể bù đắp lại sự giảm sút tài năng tự nhiên. Cũng như một cầu thủ ném bóng nhanh tự điều chỉnh mình thành một cầu thủ ném bóng khéo léo hơn,biết dựa vào những cú changeup[1]. Nhưng cũng có một giới hạn. Và dứt khoát là có một cảm giác mất mát.
Tuy nhiên,những nhà văn không được phú cho tài năng nhiều như thế – những người chỉ vừa đủ điểm – cần phải tự bồi đắp sức mạnh của mình. Họ phải tự rèn luyện bản thân để hoàn thiện khả năng tập trung,để tăng sức bền của mình. Trong chừng mực nào đó họ buộc phải lấy những phẩm chất này thế chỗ tài năng. Và trong khi xoay xở làm điều này, họ có thể sẽ phát hiện ra tài năng thực sự, ẩn kín trong mình. Họ đang toát mồ hôi hột dùng xẻng đào một cái hố dưới chân mình thì gặp phải một mạch nước kín, sâu. Đó là một điều may mắn, nhưng vận may này có được là nhờ bao nhiêu khổ công rèn luyện đã cho họ sức mạnh tiếp tục đào. Tôi cho rằng những nhà văn thành công muộn màng này tất cả đều đã trải qua một quá trình tương tự.
Dĩ nhiên là trên thế giới cũng có những người (chỉ rất ít, dĩ nhiên) được phú cho tài năng dồi dào mà, từ đầu đến cuối, không mờ nhạt đi, và tác phẩm của họ luôn luôn có giá trị cao nhất. Cái thiểu số may mắn ấy có một mạch nước không bao giờ cạn, cho dù họ có khi thác bao nhiêu. Trong văn chương, đây là một điều ta phải biết ơn. Khó lòng hình dung lịch sử văn học mà không có những gương mặt như Shakespeare,Balzac và Dickens. Nhưng thiên tài, suy cho cùng, vẫn là thiên tài – những gương mặt huyền thoại, biệt lệ. Đại đa số những nhà văn còn lại, những người không thể đạt đến những đỉnh cao như thế ( kể cả tôi, dĩ nhiên rồi) phải bổ sung cái thiếu trong kho tài năng của mình bằng bất cứ phương tiện nào có thể, nếu không họ không thể nào tiếp tục viết tiểu thuyết có giá trị. Các phương cách và phương hướng một nhà văn dùng để tự khuyết bản thân trở thành một cá tính của nhà văn đó, cái làm cho y riêng biệt.
Phần lớn những gì tôi biết được về viết lách là tôi học được từ việc chạy bộ mỗi ngày. Đó là những bài học thực tiễn, cụ thể. Tôi có thể thúc ép mình đến đâu? Nghỉ ngơi chừng nào là thích hợp – và chừng nào thì quá nhiều? Tôi có thể đưa được một cái gì tới đâu mà vẫn giữ được nó đúng độ và nhất quán? Khi nào thì nó trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi phải ý thức được thế giới bên ngoài đến mức nào, và tôi phải tập trung vào thế giới nội tâm mình chừng nào? Tôi phải tự tin ở những khả năng của mình đến chừng mực nào, và khi nào thì tôi nên bắt đầu tự hoài nghi chính mình? Tôi biết rằng nếu tôi không trở thành một người chạy đường trường cùng lúc với trở thành tiểu thuyết gia thì tác phẩm của tôi có lẽ đã khác rất nhiều. Khác thế nào? Khó mà nói được. Nhưng cái gì đó dứt khoát là đã phải khác.
Trong mọi tình huống, tôi mừng là mình đã không ngừng chạy bộ trong suốt những năm qua. Lý do vì tôi thích những cuốn tiểu thuyết mình viết. Và tôi thực lòng mong chờ thấy kiểu viết tiểu thuyết nào mình sẽ cho ra đời tiếp theo. Vì tôi là một nhà văn có những hạn chế – một con người bất toàn sống một cuộc đời hạn hẹp, không hoàn hảo, việc tôi vẫn còn có thể cảm thấy như vậy là một thành tựu thực sự. Gọi đó là một phép màu có thể là ngoa ngắt, nhưng tôi thực lòng cảm thấy như thế. Và nếu chạy bộ mỗi ngày giúp tôi hoàn thành được điều này thì tôi sẽ biết ơn chạy bộ.
Mọi người đôi khi cười khẩy những người chạy bộ mỗi ngày, tuyên bố là họ sẽ làm bất cứ thứ gì để họ có thể sống thọ hơn. Nhưng tôi không nghĩ đó là lý do để hầu hết người ta chạy. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống qua những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống-cho tôi, và cả cho viết lách. Tôi tin rằng nhiều người chạy sẽ tán thành.
Tôi đang đến một phòng thể dục gần chỗ tôi ở Tokyo để được xoa bóp. Cái mà huấn luyện viên này làm không chỉ là xoa bóp mà c̣n là một phương pháp giúp tôi duỗi các cơ bắp tôi không thể tự duỗi một mình cho tới nơi tới chốn. Tất cả quá trình tập luyện căng thẳng của tôi đã làm cơ bắp cứng đi, và nếu không có kiểu xoa bóp này thì cơ thể tôi có thể rệu rã ngay trước cuộc đua. Điều quan trọng là đẩy cơ thể ta tới giới hạn tận cùng của nó, nhưng vượt quá các giới hạn này thì tất cả sẽ thành công cốc.
Huấn luyện viên xoa bóp cho tôi là một phụ nữ trẻ, nhưng cô rất khỏe. Kiểu xoa bóp của cô rất- hay tôi có thể nói là cực kỳ- đau. Sau nửa giờ xoa bóp, áo quần tôi, đến tận đồ lót, đều ướt đẫm. Cô huấn luyện viên luôn kinh ngạc vì tình trạng của tôi. “Ông quả là đã để cơ bắp của mình trở nên quá căng.” Cô nói. “Sắp bị chuột rút rồi. Đa số người khác có lẽ đã bị chuột rút lâu rồi. Tôi rất ngạc nhiên là ông có thể sống như vậy. “
Nếu tôi tiếp tục bắt cơ bắp mình làm việc quá sức, cô ấy báo trước, thì sớm muộn gì một cái gì đó cũng sẽ suy sụp. Có lẽ cô ấy nói đúng. Nhưng tôi cũng có một cảm giác – Một hy vọng – là cô ấy sai, vì tôi đã bắt cơ bắp của mình làm việc quá sức như thế trong một thời gian dài rồi. Mỗi khi tôi tập trung vào tập luyện, các cơ của tôi trở nên căng. Buổi sáng khi tôi mang giày chạy bộ vào và lên đường, hai bàn chân tôi nặng đến nỗi có cảm giác như tôi sẽ chẳng bao giờ làm cho nó cử động được nữa. Tôi bắt đầu chạy xuôi xuống một con đường, từ từ, gần như là lê bàn chân. Một cụ bà hàng xóm đang rảo bước xuống cuối đường, và cả bà tôi cũng không vượt qua nổi nữa là. Nhưng khi tôi tiếp tục chạy, cơ của tôi dần dần giãn ra, và sau chừng hai mươi phút, tôi có thể chạy bình thường. Tôi bắt đầu tăng tốc. Sau chuyện này thì tôi có thể chạy tự động, không có vấn đề gì.
Nói cách khác, cơ của tôi thuộc cái kiểu cần có nhiều thời gian để khởi động. Chúng chậm khởi động. Nhưng một khi đã khởi động rồi thì chúng có thể hoạt động bình thường trong một thời gian dài chẳng khó khăn gì. Chúng là kiểu cơ ta cần có cho các cuộc chạy đường dài, nhưng không hợp chút nào cho cự ly ngắn. Trong một môn thể thao cự ly ngắn, khi động cơ của tôi bắt đầu khởi động thì cuộc đua có lẽ đã xong rồi. Tôi không biết chi tiết kỹ thuật nào về các đặc điểm của loại cơ này, nhưng tôi cho rằng nó chủ yếu là bẩm sinh. Và tôi cảm thấy loại cơ này nối liền với cách thức đầu óc tôi làm việc. Ý tôi là, trí óc một người do cơ thể y điều khiển, đúng không? Hay ngược lại – cách thức trí óc ta làm việc chi phối cấu trúc cơ thể? Hay cơ thể và trí óc ảnh hưởng lẫn nhau chặt chẽ và tác động lên nhau? Điều tôi biết là người ta có một số thiên hướng bẩm sinh, và một người dù có thích các khuynh hướng đó hay không thì chúng cũng không thể tránh được. Các khuynh hướng có thể được điều chỉnh, đến một mức độ, nhưng bản chất của chúng không bao giờ có thể thay đổi được.
Với tim cũng y như vậy. Mạch của tôi nói chung khoảng năm mươi nhịp một phút, tôi cho là khá chậm (Nhân đây tôi nghe nói Naoko Takahashi, người đoạt huy chương vàng Olympic, có mạch ba mươi lăm nhịp một phút). Nhưng nếu tôi chạy trong khoảng ba mươi phút thì nó tăng lên khoảng bảy mươi nhịp. Sau khi tôi chạy tối đa sức mình thì nó tăng lên khoảng gần một trăm. Vậy nên chỉ sau khi chạy thì nhịp tim của tôi mới tăng đến mức nhịp tim lúc nghỉ ngơi của đa số người. Đây cũng là một khía cạnh của kiểu thể trạng chạy cự ly dài. Sau khi tôi bắt đầu chạy, nhịp tim lúc nghỉ ngơi của tôi hạ xuống đáng kể. Tim tôi đã điều chỉnh nhịp của nó cho phù hợp với chức năng chạy cự ly dài. Nếu như khi nghỉ nó đã cao và khi tôi chạy nó còn cao hơn thì cơ thể tôi chắc đã suy sụp. Ở Mỹ, khi bắt mạch cho tôi cô y tá đều nói, “A, chắc ông là một người chạy bộ.” Tôi cho là đa số người chạy đường dài đã chạy một thời gian lâu rồi cũng trải qua chuyện tương tự. Khi ta thấy mấy người chạy trong thành phố, rất dễ phân biệt được người mới bắt đầu với người thâm niên. Mấy người thở dốc là người mới bắt đầu; những người thở nhẹ, điều hòa là người chạy lâu năm. Tim của họ mơ màng, thong thả đập. Khi ta chạy qua nhau trên đường, ta lắng nghe nhip thở của nhau, và cảm nhận cách người kia đang sống từng khoảnh khắc. Rất giống như hai nhà văn cảm nhận được cách diễn đạt và văn phong của nhau.
Vậy nên dù sao thì cơ bắp của tôi ngay lúc này cũng thực sự căng, và duỗi cũng không làm chúng chùng ra. Tôi đang lên đến đỉnh điểm trong tập luyện, nhưng dù vậy các cơ vẫn căng hơn bình thường. Thỉnh thoảng tôi đấm vào chân mình khi chúng trở nên căng để làm chúng dãn ra. (Phải, làm thế đau lắm). Cơ của tôi có thể cũng cứng đầu như – hay cứng đầu hơn- tôi nữa. Chúng nhớ mọi thứ và chịu đựng, và trong chừng mực nào đó chúng khá hơn. Nhưng chúng không bao giờ thỏa hiệp. Chúng không đầu hàng. Đây là cơ thể tôi, với tất cả những hạn chế và thói tật của chúng. Cũng như gương mặt tôi, dù tôi không thích thì nó vẫn là cái duy nhất tôi có, vậy nên tôi phải chấp nhận thôi. Khi tôi già đi, tôi đã tự nhiên sẵn sàng chấp nhận điều này. Ta mở tủ lạnh ra và có thể soạn một bữa ăn tươm tất- thực ra là còn khá sang trọng- với những thức ăn thừa. Tất cả những gì còn lại chỉ là một trái táo, một củ hành, phô mai, và trứng, nhưng ta không thể phàn nàn gì được. Ta đành chấp nhận cái ta có. Khi ta già đi ta học được cách thậm chí là bằng lòng với cái ta có. Đó là một trong ít ưu điểm của chuyện già đi.
Đã một thời gian rồi tôi mới chạy trên những con đường ở Tokyo, vẫn còn oi nồng vào tháng Chín. Cái nóng rơi rớt lại của mùa hè trong thành phố lại là một cái gì khác. Tôi lặng lẽ chạy, toàn thân vã mồ hôi. Tôi còn cảm thấy được là đến cái mũ của mình cũng dần dần ướt đẫm. Mồ hôi nhỏ xuống đất thành một phần trong cái bóng đổ rõ nét của tôi. Những giọt mồ hôi chạm phải vỉa hè và bốc hơi ngay lập tức.
Dù anh có đi đâu thì những biểu hiện trên mặt những người chạy đua cự ly dài cũng đều như nhau. Tất cả họ đều trông như đang nghĩ về một điều gì đó khi đang chạy. Có thể họ không nghĩ về cái gì cả, nhưng họ trông như đang đăm chiêu. Thật kinh ngạc là tất cả họ đều chạy trong cái nóng như thế này. Nhưng, nghĩ kỹ thì tôi cũng thế.
Khi tôi đang chạy trên đường Jingu Gaien thì một phụ nữ chạy ngang qua gọi với theo. Hóa ra đó là một trong những độc giả của tôi. Chuyện này không mấy khi xảy ra, nhưng thỉnh thoảng cũng có. Tôi dừng lại và chúng tôi trò chuyện một lát, “Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông suốt hơn hai mươi năm,” cô nói với tôi. Cô bắt đầu đọc từ cuối thời thanh niên và giờ cô đã cuối độ năm mươi. “Cám ơn chị,” tôi nói với cô. Cả hai chúng tôi cùng mỉm cười, bắt tay và nói lời tạm biệt. Tôi e là bàn tay mình đã khá nhớp nháp mồ hôi. Tôi tiếp tục chạy, và cô bỏ đi đến nơi cần đến của mình, dù đó là đâu. Và tôi tiếp tục chạy đến đích của mình. Và đó là đâu vậy? NewYork, dĩ nhiên rồi.
Chú thích
[1] Changeup: một kiểu ném bóng biến hóa trong bóng chày


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.