TÔI VÔ TỘI

Phần Thứ II – Chương một Thám tử Poirot và bác sĩ Lord



Thám tử Hercule Poirot hơi nghiêng cái đầu hình bầu dục sang một bên, mắt trợn lên vẻ dò hỏi, hai bàn tay chắp lại, chăm chú nhìn người đàn ông trẻ tuổi đang đi đi lại lại hung dữ như con thú bị nhốt trong chuồng.
– Anh bạn trẻ muốn gì ở tôi nào?
Bác sĩ Lord đứng sững lại, quay bộ mặt nhăn nhó đầy những nốt đỏ về phía thám tử.
– Thưa ông Poirot, ông là người duy nhất có thể giúp được tôi. Cậu Stillingfleet đã kể rất nhiều chuyện về ông cho tôi nghe. Cậu ta kể rằng trong vụ Benedict Farley, ông đã làm nên những chuyện thần kỳ. Tất cả mọi người đinh ninh đấy là một vụ tự tử, nhưng ông lại chứng minh với đầy đủ bằng chứng, đấy là một vụ giết người.
– Vậy phải chăng trong số bệnh nhân của anh bạn có một ca tự tử mà anh đang hồ nghi có thật là tự tử hay chính là một vụ án mạng?
Bác sĩ Lord lắc đầu rồi ngồi xuống trước mặt người thám tử lừng danh. Viên bác sĩ trẻ nói:
– Một phụ nữ trẻ sắp bị đưa ra tòa về tội giết người. Tôi mong ông tìm ra chứng cứ cô ta bị oan.
Cặp lông mày của viêm thám tử trợn cao lên thêm nữa.
Poirot làm ra vẻ thân tình, nói:
– Được thôi, tất nhiên! Nhưng báo chí đưa tin quá tồi khiến tôi không thể không dựa vào đó được.
– “Vụ này đơn giản một cách đáng buồn – Bác sĩ Lord giải thích – Bị cáo là một cô gái trẻ, tên là Elinor Carlisle, vừa được hưởng thừa kế một gia tài rất lớn. Gia tài này bao gồm lâu đài Hunterbury, cùng với toàn bộ tài sản của bà cô, cũng chỉ mới mất gần đây, phu nhân Laura Welman. Phu nhân còn có một người cháu bên chồng, tên là Roderick Welman, đã đính hôn với cô Elinor Carlisle kia. Hai người biết nhau từ thuở nhỏ.
Trong lâu đài Hunterbury còn có một cô gái trẻ khác tên là Mary Gerrard, con người bảo vệ lâu đài. Phu nhân Welman khi còn sống quý đặc biệt cô Mary này, thậm chí cho cô ta ăn học chu đáo. Do đấy, cô Mary đã thành một tiểu thư thật sự. Roddy Welman đem lòng yêu cô ta và thế là cuộc đính hôn giữa anh ta với cô Elinor Carlisle bị hủy bỏ. Elinor bán tòa lâu đài cho ông thiếu tá Somervell…
Bây giờ tôi xin kể đến vụ án. Cô Elinor về lâu đài Hunterbury để giải quyết nốt những giấy tờ liên quan đến vị phu nhân đã qua đời. Đồng thời cô Mary kia cùng về dọn ngôi nhà của cha cô làm bảo vệ ở đấy. Hôm đó là ngày 27 tháng Bảy.
Lúc nghỉ ở khách sạn của thị trấn, cô Elinor gặp trên đường bà quản gia cũ của phu nhân Welman, tên là Bishop. Bà quản gia này xin đi theo cô Elinor để giúp việc cô trong thời gian cô ở Hunterbury.
Cô Elinor khước từ với thái độ không lấy gì làm vui vẻ, rồi cô ghé vào hiệu thực phẩm mua cá, bơ và trong lúc mua cô nói một câu rằng đã có chuyện bị đầu độc bằng bánh mì kẹp cá. Câu nói đó, bản thân không có gì, nhưng lại bị quy là một chứng cứ để buộc tội cô. Sau đấy, cô đến lâu đài. Khoảng một giờ trưa, cô sang trạm bảo vệ ngoài cổng lâu đài, nơi Mary Gerrard đang thu dọn những đồ đạc của cha cô, làm bảo vệ lâu đài vừa mới qua đời trước đó vài ngày. Cùng dọn dẹp với Mary còn có một mụ đàn bà thuộc loại chuyên đưa chuyện, làm y tá, tên là Hopkins, thấy hai người này, cô Elinor bèn mời họ vào lâu đài dùng bữa ăn nhẹ, gồm bánh mì kẹp thức ăn do cô tự làm. Hai người phụ nữ này theo cô Elinor vào lâu đài. Tại đây, ba người cùng ăn những chiếc bánh mì kẹp thức ăn đó. Một tiếng đồng hồ sau, họ gọi tôi đến và tôi thấy cô Mary Gerrard đã hôn mê. Mọi biện pháp cứu chữa đều vô hiệu.
Mổ xác, phát hiện thấy một lượng lớn moóc-phin mới được đưa vào người nạn nhân trước đó một lúc.
Cảnh sát tìm thấy trong phòng nơi cô Elinor Carlisle chuẩn bị kẹp thức ăn vào bánh mì một mẩu giấy nhãn ghi: Chlorhydrat Morphin”.
– Nạn nhân có ăn và uống thứ gì khác không?
– Cô ta và bà y tá Hopkins ăn bánh mì kẹp thức ăn và uống trà. Bà y tá đem ấm trà đến và cô Mary rót ra tách. Trong này không có gì khả nghi. Tất nhiên luật sư bảo vệ bị cáo, bằng mọi cách, chứng minh trong bánh mì kẹp thức ăn không có chất độc, bởi nếu có thì cả ba người đều đã bị ngộ độc.
Poirot bác lại:
– Chắc chắn ấy thì dễ vô cùng. Trong chồng bánh mì kẹp thức ăn chỉ để một chiếc có thuốc độc. Người chủ đưa đĩa bánh ra mời từng người. Trong xã hội văn minh chúng ta, phép lịch sự buộc mỗi người phải cầm lên chiếc bánh mì gần nhất. Rất có thể cô Elinor mời cô Mary trước?
– Đúng thế.
– Mặc dù trong ba người, bà y tá Hopkins cao tuổi nhất.
– Đúng thế.
– Chi tiết phiền đấy.
– Trên thực tế thì chi tiết đó không có giá trị, bởi đây là bữa ăn tạm, không ai đòi hỏi phải theo đúng quy tắc lần lượt theo tuổi tác như vậy.
– Ai cắt bánh mì ra để kẹp vào thức ăn?
– Cô Elinor Carlisle.
– Lúc đó trong phòng còn ai khác nữa không?
– Không.
Thám tử Poirot lắc đầu:
– Gay rồi… Rất gay ấy chứ… Thế ngoài bánh mì kẹp thức ăn và trà ra, nạn nhân còn dùng thứ gì nữa không?
– Không. Trong dạ dầy nạn nhân chúng tôi không thấy gì khác.
Poirot nhận xét:
– Người ta cho rằng Elinor đầu độc nạn nhân Mary bằng thức ăn. Nhưng nếu vậy, cần cắt nghĩa thế nào sự việc, là trong ba người cùng ăn, chỉ có một người bị?
– Tình trạng này đôi khi cũng xảy ra – Bác sĩ Lord nói – Hơn nữa, có hai lọ cá nhúng bơ giống hệt nhau. Có thể giả định một trong hai lọ cá nhúng bơ đó vô hại, và do ngẫu nhiên, nạn nhân Mary lại ăn phải cá trong lọ có chất độc.
– Chà! Đây là một trường hợp lý thú để các nhà khoa học khảo sát về định luật xác suất đấy. Còn một điều nữa: nếu đầu độc bằng thức ăn, tại sao thủ phạm không dùng một thứ thuốc độc khác? Không ai cho moóc-phin vào thức ăn để đầu độc. Nếu định đầu độc bằng thức ăn, dùng atropin tốt hơn nhiều.
– Đúng thế – Bác sĩ Lord thừa nhận – Nhưng chưa hết. Mụ y tá ma quỷ kia thề là đã đánh mất một lọ đựng moóc-phin viên.
– Mất khi nào?
– Vài tuần trước đó, ngay hôm phu nhân Welman qua đời. Mụ ta kể rằng mụ để va-li thuốc trong gian tiền sảnh của lâu đài, vậy mà sáng hôm sau phát hiện thấy mất một lọ moóc-phin viên. Mụ cho là có lẽ mụ để quên ở nhà, và sau đó mụ không nghĩ đến lọ thuốc ấy nữa.
– Và bà ta chợt nhớ lại chuyện đó sau khi cô Mary kia chết? – Viên thám tử hỏi.
Bác sĩ Lord trả lời một cách miễn cưỡng:
– Không đâu. Ngay hôm mất lọ thuốc, bà ta đã kể chuyện với… chị y tá chuyên chăm sóc bệnh nhân, phu nhân Welman..
Thám tử Poirot chăm chú nhìn viên bác sĩ, nhẹ nhàng nói:
– Còn chi tiết nào nữa mà anh bạn chưa kể cho tôi nghe!
– Chi tiết nào? Khúc sau thì ông biết rồi: cơ quan điều tra đang yêu cầu khai quật tử thi phu nhân Welman.
– Thế thì sao?
– Rất có thể khi khai quật, người ta sẽ thấy trong thi thể bà cụ có… moóc-phin!
– Anh đoán thế à?
Bác sĩ Lord mặt tái đi dưới những vết đỏ, nói rất khẽ:
– Tôi e là như thế.
Thám tử Poirot gõ ngón tay lên tay vịn ghế nệm kêu lên:
– Lạy Chúa! Tôi chịu không sao hiểu nổi! Lúc phu nhân mất, anh bạn đã biết là bà cụ bị đầu độc?
Bác sĩ Lord vội vã đáp:
– Đúng thế! Vậy là anh bạn đã nghĩ đến khả năng đó ngay từ đầu…
Nói xong, Poirot buông người ngả lựng ra ghế bành.
– Đúng như vậy! Bởi đã nhiều lần bà cụ khẩn khoản đề nghị tôi làm cách nào kết thúc nhanh cho bà cụ! Bà cụ rất khổ về tình trạng liệt, luôn miệng kêu ca là bị buộc chặt vào giường và bắt mọi người phục dịch như phục dịch một đứa trẻ sơ sinh. Phải nói thêm, bà cụ là một phụ nữ rất có nghị lực.
Bác sĩ Lord im lặng một lúc rồi nói tiếp:
– Lúc được tin bà cụ đã mất, tôi rất ngạc nhiên. Tôi đinh ninh bà cụ chưa thể chết được. Tôi bèn vào phòng bệnh, đuổi y tá ra khỏi phòng rồi lục soát nhưng không tìm thấy gì? Tất nhiên tôi không thể khẳng định điều gì bởi sau đấy không tiến hành mổ tử thi. Lúc đó tôi nghĩ, một khi bà cụ đã quyết định tự tử thì mổ làm gì để chỉ thêm tai tiếng? Tốt nhất là để yên cho bà cụ. Tôi có lỗi, nhưng lúc đó tôi không hề nghĩ đến khả năng bà cụ bị đầu độc.
– Theo anh thì bà cụ lấy moóc-phin ở đâu?
– Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Nhưng như tôi đã trình bày với ông, phu nhân Welman là một phụ nữ cực kỳ thông minh. Bà cụ có thể nghĩ ra nhiều cách để có ống thuốc.
– Hay bà cụ xin của y tá?
Bác sĩ Lord lắc đầu:
– Không đời nào có chuyện đó! Tôi thấy rõ ông không biết tâm lý của giới y tá.
– Hay bà cụ nhờ một người trong gia đình?
– Có thể. Bằng cách đánh vào lòng thương của họ.
– Anh bạn vừa bảo phu nhân Welman mà không để lại chúc thư? Nếu bà cụ sống thêm, chắc chắn bà cụ sẽ làm di chúc!
Một nụ cười chua chát hiện ra trên môi người bác sĩ trẻ.
– Ông điểm trúng huyệt rồi đấy. Đúng như ông đoán, phu nhân Welman đã chuẩn bị đưa ra những ý nguyện cuối cùng và rất nóng lòng muốn gặp ông công chứng của bà. Tuy lưỡi cứng lại, không nói được rõ ràng, nhưng bà cụ vẫn làm người ta hiểu được những mong muốn của bà. Cô Elinor Carlisle định sáng sớm hôm sau sẽ gọi điện mời ông công chứng đến để thảo chúc thư cho bà cụ.
– Nghĩa là cô Elinor biết phu nhân muốn làm di chúc? Và nếu bà cụ chết mà không kịp làm di chúc thì toàn bộ gia tài thuộc về cô ta chứ?
Bác sĩ Lord vội nói ngay:
– Cô Elinor khi đó chưa biết là như thế. Và cô cũng chưa biết cụ thể là bà cụ định chia gia tài thế nào.
– Cô ấy nói thế, nhưng đã có gì làm bằng chứng là cô ấy chưa biết?
– Xin hỏi, hay ông là Viện trưởng Viện kiểm soát tối cao, thưa ông Poirot?
– Đúng, lúc này tôi làm công việc của vị đó. Tôi cần biết đầy đủ đến ngọn ngành tất cả những chứng cứ chống lại cô Elinor Carlisle. Liệu cô ấy có thể lấy ống moóc-phin trong va-li thuốc kia không?
– Có thể, và không phải chỉ Elinor, mà nhiều người khác cũng có thể: anh chàng Roddy Welman, chị y tá O’Brien và các gia nhân trong lâu đài.
– Cả bác sĩ Lord nữa chứ?
Bác sĩ Lord trợn mắt:
– Tất nhiên, nhưng tôi giết bà cụ để làm gì?
– Có thể để chấm dứt cho bệnh nhân nỗi đau đớn, khổ sở cho bà cụ?
Bác sĩ Lord lắc đầu:
– Không được. Ông phải tin tôi chứ, ông Poirot!
Viên thám tử lại ngả người ra lưng ghế bành:
– Nhưng ta vẫn phải đưa ra mọi khả năng để xem xét. Bây giờ ta giả sử cô Elinor lấy lọ thuốc moóc-phin trong va-li thuốc rồi dùng nó để đầu độc phu nhân Welman. Vì trước đó đã có người báo mất lọ thuốc độc ấy rồi, đúng thế không nào?
– Nhưng không báo cho tất cả mọi người. Việc mất ống thuốc, bà y tá Hopkins chỉ nói riêng với đồng nghiệp của bà ta là chị y tá O’Brien.
Thám tử Poirot hỏi:
– Theo ông thì Tòa sẽ kết luận ra sao?
– Nếu người ta tìm thấy chất moóc-phin trong thi thể bà phu nhân Welman ấy à?
– Thì Tòa sẽ kết luận thế nào?
– Thì cô Elinor Carlisle, nếu không bị kết tội giết người mà người ta đang nghi thì cũng bị buộc tội giết bà cô.
– Hai động cơ khác nhau. Nói cách khác, trong vụ phu nhân Welman, động cơ là chiếm đoạt tài sản, còn động cơ giết cô Mary Gerrard lại là do ghen.
– Đúng thế. – Bác sĩ nói.
Thám tử Poirot nói tiếp:
– Luật sư Bulmer định chứng minh là cô Elinor không có động cơ để giết cô Mary. Ông ta nhấn mạnh sự kiện là Elinor đính hôn với Roddy chỉ là do gia đình, để vừa lòng phu nhân Welman. Chính vì thế, ngay sau khi phu nhân qua đời, Elinor đã hủy sự đính hôn ấy. Roddy cũng sẽ chứng minh theo hướng đó. Thậm chí tôi còn tin rằng anh ta sẽ chứng minh một cách chân thành và sẽ thuyết phục được Hội đồng xét xử.
– Roddy tin rằng cô em họ không thật sự yêu anh ta?
– Đúng thế.
Viên thám tử nói:
– Dù thế nào đi nữa thì Elinor cũng không có động cơ nào đủ mạnh để đẩy cô đến chỗ đầu độc Mary Gerrard.
– Đúng thế.
– Nếu vậy thi ai là thủ phạm giết Mary?
– Điều này thì quả khó đoán.
Viên thám tử lắc đầu:
– Khó thật!
Bác sĩ Lord không ghìm được nữa, kêu lên:
– Nếu thủ phạm không phải Elinor thì là ai? Quả là hết sức mù mịt! Trong bữa ăn nhẹ đó, chỉ có bà Hopkins và cô Mary uống trà. Luật sư của bị cáo khẳng định cô Mary bị đầu độc sau khi bà Hopkins và cô Elinor đã ra khỏi đấy… và như thế có nghĩa cô ấy tự tử.
– Cô ấy có lý do gì để tự tử không?
– Hoàn toàn không có.
– Cô Mary ấy là người như thế nào?
Bác sĩ Lord suy nghĩ một lát rồi nói:
– Theo tôi, đấy là một cô gái dễ mến… đẹp và duyên dáng.
Viên thám tử thở dài:
– Chính vì thế mà anh chàng Roddy yêu cô ta?
– Đúng. Mary rất đẹp.
– Cả anh nữa, bác sĩ, anh cũng có chút thích cô ta chứ?
– Tôi thì không.
Suy nghĩ một chút, thám tử Poirot nói:
– Roddy bảo rằng giữa anh ta và cô Elinor có tình cảm thân thiết, nhưng chưa thật sự là tình yêu. Anh có tin như thế không, bác sĩ?
– Làm sao tôi biết được?
– Vừa rồi, ngay tại đây, chính anh, bác sĩ Lord thân mến, anh đưa ra với tôi nhận xét rằng cô Elinor ấy thẩm mỹ quá tồi mới yêu được một tên đàn ông ngu xuẩn, có cái mũi quá dài, lại luôn kiêu căng hợm hĩnh, không biết sức mình. Anh tả cậu ta có lẽ đúng. Nhưng anh có tin rằng cô Elinor thật sự yêu cậu Roddy ấy không?
Viên bác sĩ trẻ cay đắng nói khẽ:
– Cô ấy thật sự yêu thằng chả.
– Nếu vậy thì động cơ giết người là có đấy… – Thám tử Poirot nhận xét.
Peter Lord chồm lên, hét:
– Như thế thì sao? Thôi được, có thể là cô ấy giết… nhưng tôi bất cần sự thật đó, mà tôi vẫn chiến đấu đến cùng để cứu cô ấy!
– Ha-ha! – Viên thám tử cười chế nhạo.
– Và tôi nhắc lại, ông hãy nghe cho rõ: tôi hoàn toàn không muốn cô ấy bị treo cổ. Có thể do tuyệt vọng cô ấy đã liều lĩnh. Tình yêu là thứ mù quáng và hết sức khó hiểu. Tình yêu có thể biến một cậu trai lương thiện thành kẻ tội phạm và rồi hắn bị treo lủng lẳng trên giá treo cổ! Nhưng nếu quả là Elinor phạm tội giết người thì… tôi cũng xin ông hãy thương lấy cô ấy.
– Không bao giờ tôi chấp nhận tội giết người. – Viên thám tử nói dứt khoát.
Viên bác sĩ trẻ chăm chú nhìn người thám tử một lúc rồi quay mặt đi, rồi lại quay nhìn ông ta một lần nữa, và phá lên cười:
– Ông mới vớ vẩn! Ai đòi ông phải chấp nhận việc giết người? Tôi không ép ông phải dối trá! Sự thật là sự thật, đúng vậy không? Nếu ông tìm ra được một chứng cứ gỡ tội cho bị cáo, xin ông đừng im lặng, lấy cớ cô ta có tội.
– Tất nhiên rồi!
– Nếu vậy, tại sao ông lại khước từ lời đề nghị của tôi?
Nhà thám tử nói:
– Anh bạn trẻ ạ, tôi rất muốn làm hài lòng anh bạn…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.