Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Bữa tiệc trà



Cuối cùng Ry-ô-chan, người gác trường Tô-mô-e mà các học sinh đều yêu quý bị động viên. Anh đã lớn, nhưng ai cũng gọi anh bằng cái tên thân mật thường gọi trẻ con. Ry-ô-chan là một vị thần hộ mệnh vẫn thường đến cứu và giúp những ai gặp khó khăn. Ry-ô-chan có thể làm bất cứ việc gì. Anh không nói nhiều, chỉ cườỉ, nhưng anh biết làm như thế nào là tốt nhất.

Hôm Tôt-tô-chan ngã xuống hố tiêu, chính Ry-ô-chan đã chạy ngay đến giúp em, rửa ráy cho em và không hề phàn nàn nửa lời.

Thầy hiệu trưởng nói:

– Chúng ta hãy tổ chức một bữa tiệc trà thật vui để chia tay với Ry-ô-chan! Một bữa tiệc trà ư?

Ở Nhật, người ta vẫn thường uống chè mạn hằng ngày, và không phải là để chiêu đãi – trừ loại chè bột dùng vào các dịp lễ, một loại đồ uống hoàn toàn khác.

“Tiệc trà” là một điều rất mới ở Tô-mô-e, nhưng các học sinh ủng hộ ý kiến này. Các em vốn thích làm những việc các em chưa làm bao giờ. Các em không biết, nhưng thầy hiệu trưởng đã cố tình sáng tạo ra một từ mới “Sa-oa-kai” (tiệc trà) thay cho từ thường dùng “Sô-bet-su-kai” (liên hoan ly biệt). Liên hoan ly biệt nghe buồn quá và các em lớn tuổi có thể hiểu là vĩnh biệt nếu Ry-ô-chan chết trận và không trở lại.

Nhưng chưa ai tới dự một bữa tiệc trà bao giờ, cho nên học sinh ai cũng háo hức. Sau giờ học, ông Kô-ba-y-a-si bảo các học sinh xếp bàn thành vòng tròn trong phòng như lúc ằn trưa. Khi ai nấy đều đã ngồi thành vòng tròn rồi, ông dưa cho mỗi người một miếng nhỏ mực khô. nướng để ăn và uống nước chè. Vào thời trước chiến tranh, chỉ như vậy cũng đã được xem như là sang lắm.

Sau đó, ông ngồi cạnh Ry-ô-chan và đặt trước mặt anh một cái cốc có chút rượu Sa-kê. Đấy là tiêu chuẩn mà người sắp ra mặt trận mới được hưởng.

Thầy hiệu trưởng nói:

– Đây là bữa tiệc trà đầu tiên ở Tô-mô-e. Nào, chúng ta hãy cùng vui. Ai có ý kiến muốn nói với anh Ry-ô-chan, xin mời. Các em có thể nói cho tất cả cùng nghe, chứ không phải chỉ với anh Ry-ô-chan. Xin phát biểu từng người một. Ai nói xin mời đứng ra giữa phòng.

Đây không chỉ là lần đầu tiên các em ăn mực khô ở Tô-mô-e, mà còn là lần đầu tiên Ry-ô-chan ngồi với các em và cũng là lần đầu tiên các em thấy Ry-ô-chan nhấm nháp rượu sa-kê.

Lần lượt từng em một đứng lên, quay về phía Ry-ô-chan và nói với anh. Những học sinh đầu tiên chỉ khuyên anh nên cẩn thận giữ gìn sức khỏe đừng để ốm. Sau đó đến Mi-gi-ta, cùng lớp với Tôt-tô-chan, Mi-gi-ta nói:

– Lần sau tôi về quê, tôi sẽ mang lên cho tất cả các bạn vài chiếc bánh bao đám ma.

Mọi người đều cười. Cũng phải hơn một năm kể từ khi Mi-gi-ta nói với eác bạn về cái bánh bao cậu ta đã ăn ở một đám ma, và theo Mi-gi-ta, nó mới ngon làm sao chứ. Hễ cứ có dịp, cậu ta lại hứa sẽ mang về một vài chiếc cho cả lớp, nhưng cậu ta chẳng bao giờ làm như vậy cả.

Khi thầy hiệu trưởng nghe thấy Mi-gi-ta nói đến những bánh bao đám ma, thầy giật mình. Thường vào một dịp như thế này, người ta kiêng không nói đến bánh bao đám ma. Nhưng Mi-gi-ta nói một cách ngây thơ, thật sự muốn các bạn cùng được thưởng thức một cái gì đó rất ngon đến nỗi thầy cũng cười với những người khác. Ry-ô-chan cũng cười thoải mái. Xét cho cùng, từ bấy đến nay Mi-gi-ta cũng đã từng hứa là sẽ mang về cho anh vài cái bánh bao ấy rồi.

Thế rồi Oe đứng dậy, hứa với Ry-ô-chan rằng cậu ta sẽ trở thanh người làm vườn giỏi nhất nước Nhật. Oe là con một ông chủ vườn ươm cây rất lớn ở Tô-đô-rô-ki.

Kây-kô-chan đứng lên sau nhưng không nói gì. Em chỉ cười khúc khích một cách thẹn thùng, như mọi khi, cúi đầu chào rồi đi về chỗ. Ngay lúc ấy Tôt-tô-chan chạy ra và nói hộ bạn ấy:

– Những con gà ở nhà Kây-cô-chan có thể bay được! Hôm nọ tôi trông thấy chúng. Rồi A-ma-đê-ra nói:

– Nếu thấy bất cứ một con mèo hay chó bị thương nào, các bạn hãy cứ mang chúng đến cho tôi và tôi sẽ chữa được hết.

Ta-ka-ha-si nhỏ quá đến nỗi cậu ta chui dưới gầm bàn đến giữa vòng tròn và đến đó nhanh như cắt. Cậu ta nói vui vẻ:

– Xin cám ơn anh Ry-ô-chan. Xin cám ơn về mọi thứ, về tất cả mọi việcl

– Ry-ô-chan, cám ơn anh đã băng bó cho em cái lần em ngã. Em sẽ không bao giờ quên.
Bố của Ai-kô Sai-sô có người chú là Đô đốc Hải quân Tô-giô nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Nga -Nhật và At-su-kô Sai-sô, một người bà con của bạn ấy là nữ thi sĩ nổi tiếng triều đại Minh Trị Thiên Hoàng, nhưng Ai-kô không bao giờ nói đến họ.

Mi-y-ô-chan, con gái thầy hiệu trưởng, thân với Ry-ô-chan hơn cả. Bạn giàn giụa nước mắt:

– Anh hãy giữ gìn cẩn thận… Chúng ta hãy viết thư cho nhau.

Tôt-tô-chan có nhiều điều muốn nói đến nỗi em không biết bắt đầu từ đâu. Em chỉ nói:

– Anh Ry-ô-chan, mặc dù anh lên đường chúng em ngày nào cũng tổ chức tiệc trà. Thầy hiệu trưởng cười, Ry-ô-chan cũng cười. Tất cả học sinh đều cười. Tôt-tô- chan cũng cười.

Nhưng những lời của Tôt-tô-chan lại thành sự thật ngay ngày hôm sau. Hễ lúc nào có thì giờ là các em lại họp thành nhóm và chơi “tiệc trà”. Thay vào các món mực khô các em nhấm vỏ cây và uống nước lã thay chè, đôi khi lại còn giả vờ là rượu sa-kê nữa đằng khác. Một bạn nào đó lại nói:

– Tớ sẽ mang cho các cậu mấy cái bánh bao đám ma.

Và thế là cả nhóm cười vang lên. Rồi các em thường nói chuyện và kể cho nhau nghe những suy nghĩ của mình. Mặc dù chẳng có gì ăn, các bữa t!tiệc trà” vẫn thật vui.
Bữa “tiệc trà” hôm ấy là một món quà tạm biệt tuyệt vời mà Ry-ô-chan đã để lại cho các học sinh. Và mặc dù không ai hay biết tí gì, thực tế đấy lại là cuộc vui chơi cuối cùng ở Tô-mô-e trước khi các em chia tay và đi mỗi người một ngả.

Ry-ô-chan lên đường trên chuyến tàu đi Tô-ky-ô.

Anh lên đường đúng vào ngày các máy bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời Tô-ky-ô và hàng ngày trút bom xuống đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.