Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Ngày thể thao



Hằng năm, ngày thể thao của trường Tô-mô-e được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 11. Sau nhiều lần nghiên cứu, thầy hiệu trưởng đã quyết định chọn ngày này. Ông thấy rằng ngày 3 tháng 11 là ngày mùa thu ít mưa nhất. Có lẽ do tài của ông thu lượm các số liệu về thời tiết, và cũng có thể trời đất thể theo ước muốn của ông mà không mưa, để giữ cho trọn vẹn ngày thể thao mà các em hằng đợi chờ và đã trang trí, chuẩn bị sân bãi từ hôm trước. Dù thế nào chăng nữa, cũng thật kỳ lạ là ngày đó trời không bao giờ mưa.

Vì ở Tô-mô-e, mọi việc được tiến hành một cách hoàn toàn khác, nên ngày thể thao ở đây cũng thật độc đáo. Chỉ có hai tiết mục giống như ở các trường tiểu học khác, đó là kéo co và thi chạy ba chân. Còn lại tất cả là do sáng kiến của thầy hiệu trưởng. Không cần các trang thiết bị cầu kỳ đặc biệt, mà các em chỉ tận dụng các đồ dùng hàng ngày quen thuộc ở nhà trường.

Ví dụ như đối với cuộc thi Cá chép, những cờ dải bằng vải hình ống to, loại cờ dải treo trên các cột trong ngày hội của nam sinh vào tháng Năm, được để ở giữa sân trường. Khi có lệnh, các em phải chạy về phía những cờ dải vẽ hình cá ấy và chui qua từ miệng tới đuôi, rồi lại chạy trở về chỗ xuất phát. Cuộc thi trông dễ nhưng thật ra rất khó. Bên trong tối mà cá lại rất dài, nên ta dễ mất phương hướng. Một vài em, kể cả Tôt-tô-chan, cứ chạy ra đằng miệng, và phải vội vàng chạy thụt vào ngay. Trông thật là buồn cười vì các em chui đi chui lại ở phía trong khiến cá chuyển động ngoằn ngoèo như thật.

Còn một tiết mục nữa gọi là cuộc thi “Tìm mẹ”. Khi có lệnh, các em phải chạy tới một cái thang gỗ để nghiêng một bên, chui qua thang, nhặt một cái phong bì ở trong rổ, mở ra, và giả thử nếu tờ giấy bên trong ghi: “Mẹ của Sác-kô-chan”, các em phải tìm bà trong đám đông những người đến xem, nắm lấy tay bà cùng về đích. Phải chui qua thang thật khéo như mèo ấy, nếu không đít quần bị mắc vào đấy. Ngoài ra, một em nào đó có thể biết rõ ai là mẹ của Sác-kô-chan, nhưng nếu tờ giấy ghi: “Chị của Ô-ku” hoặc “Mẹ của Tsu-re” hay “Con trai bà Ku-ni-nô-ri” chưa ai từng gặp bao giờ, thì em ấy phải chạy ra khu vực những người đến xem và phải gọi to “Chị của Ô-ku!”. Như thế phải bạo lắm. Các em nào may vớ được giấy ghi tên mẹ mình thường nhảy cẫng lên reo: ” Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mau lên”. Người xem cũng phải chú ý. Ai biết được lúc nào sẽ gọi đến tên mình, nên lúc nào họ cũng phải sẵn sàng đứng dậy từ ghế hay chiếu, xin lỗi mọi người và đi ra thật nhanh, đến chỗ một em, con nhà ai đó, đang đứng đợi mình rồi nắm tay em cùng chạy vụt đi. Cho nên khi một em tới trước người lớn, thậm chí các ông bố cũng phải nín thở, xem ai được gọi. Không có thì giờ để nói chuyện gẫu hoặc ăn nhấm nháp cái gì đó. Người lớn cũng phải tham gia vào các cuộc thi như trẻ em vậy.

Thầy hiệu trưởng và các thầy giáo khác tham gia với học sinh trong hai đôi “Kéo co”, vừa kéo, vừa hô:”Hò dô ta nay! Hò dô ta này!” trong khi các em bị tàn tật như Y-a-su-a-ki-chan, không kéo được, có nhiêm vụ phải nhìn cái mùi xoa buộc ở giữa dây thừng để xem bên nào thắng.

Cuộc thi cuối cùng: chạy tiếp sức mà cả trường Tô-mô-e phải tham gia, cũng khác hẳn. Không ai phải chạy thật xa cả. Mọi người chỉ việc chạy lên chạy xuông đoạn cầu thang bằng bê tông hình bán nguyệt, dẫn đến phòng họp. Thoạt nhìn, trông nó có vẻ dễ đến mức buồn cười, nhưng vì những bậc thang đều nông và gần nhau quá và vì không ai được phép bước quá một bậc mỗi lần, nên nếu bạn cao hoặc bàn chân to, thì rất khó. Những bậc thang quen thuộc mà các em thường chạy lên vào lúc ăn trưa, trở nên rất vui, rất lạ vào ngày thể thao này, các em chạy lên chạy xuống, kêu hét rất vui vẻ. Đối với người nhìn từ xa, cảnh này thật giống hệt một chiếc kính vạn hoa rực rỡ. Kể cả bậc trên cùng, cả thảy có tám bậc tất cả.

Đối với Tôt-tô-chan và các bạn cùng lớp, ngày thể thao đầu tiên là một ngày thật đẹp như thầy hiệu trưởng đã hy vọng. Những đồ trang trí bằng xúc xích giấy, những ngôi sao vàng do các em làm từ hôm trước và các đĩa hát có các bài hành khúc sôi nổi đã làm cho ngày này thực sự là một ngày hội.

Tôt-tô-chan mặc quần soóc màu xanh nước biển và sơ-mi trắng, mặc dù em thích mặc quần túm thể thao. Em mong mỏi được mặc loại quần ấy. Một hôm, sau buổi học, thầy hiệu trưởng dạy môn thể dục nghệ thuật cho một số giáo viên mẫu giáo, và Tôt-tô-chan rất thích loại quần túm mà một vài cô giáo đang mặc. Em thích chúng là vì khi các cô giáo giậm chân, bắp chân của họ để lộ dưới ống quần túm rung rung theo kiểu người lớn một cách rất đáng yêu. Em chạy ngay về nhà, lấy quần soóc ra, mặc và nhảy nhảy giậm chân trên sàn nhưng bắp chân trẻ con gày gò của em không rung tí nào cả. Sau khi làm đi làm lại nhiều lần, em kết luận rằng đó là nhờ loại quần túm mà các cô giáo mặc. Em hỏi và mẹ giải thích rằng đó là những quần túm thể thao. Em nói với mẹ rằng em dứt khoát muốn mặc quần túm vào ngày thể thao, nhưng tìm đâu cũng không thấy loại nhỏ. Vì vậy Tôt-tô-chan đành phải mặc tạm quần soóc và như thế là bắp chân chẳng rung được tí nào.

Một điều kỳ lạ xảy ra vào ngày thể thao, Ta-ka-ha-si, cậu học sinh bé nhất trường chân tay ngắn ngủn, lại về nhất trong các tiết mục. Thật không thể tưởng tượng được. Trong khi các em này còn đang lò mò trong con cá, thì Ta-ka-ha-si đã chui qua nhanh như cắt và trong khi các em khác mới chỉ chui đầu qua thang, cậu ta đã chui qua rồi và chạy trước được vài mét. Ở cuộc thi chạy tiếp sức lên các bậc của phòng họp, trong khi các em khác còn đang rón rén bước một thì Ta-ka-ha-si đôi chân ngắn của cậu ta cứ tít mù như hai pit-tông thoắt lên, thoắt xuống như trong một bộ phim quay nhanh. Ai cũng nói:

– Bọn ta phải cố gắng vượt Ta-ka-ha-si.

Ai cũng quyết tâm, nhưng dù cố gắng đến mấy, Ta-ka-ha-si lần nào cũng thắng. Tôt-tô-chan cũng cố gắng, nhưng không bao giờ thắng được Ta-ka-ha-si. Chạy đường thẳng, có thể vượt cậu ta, còn chạy các đoạn khó, bao giờ cũng thua cậu ta.

Ta-ka-ha-si bước lên để nhận nhiều phần thưởng, mặt mũi rạng rỡ, tự hào, vì môn nào cậu ta cũng nhất, cậu nhận hết phần thưởng này đến phần thưởng khác. Ai trông thấy cũng phải ước ao muốn được như thế. Học sinh nào cũng tự nhủ: “Sang năm, mình phải thắng Ta-ka-ha-si” nhưng năm nào, Ta-ka-ha-si cũng là một ngôi sao sáng.

Bây giờ lại nói về các phần thưởng. Thật là điển hình của thầy hiệu trưởng. Giải nhất có thể là một củ cải to, giải nhì: hai cái rễ chút chít, giải ba: một mớ rau ba lá. Đại để như thế. Cho đến khi lớn lên, Tôt-tô-chan vẫn tưởng là các trường khác đều lấy rau làm phần thưởng trong ngày thể thao. Dạo ấy, hầu hết các trường đều dùng sách vở, bút chì, tẩy làm phần thưởng. Các học sinh không biết điều này và các em cũng không thích rau cỏ lắm. Chẳng hạn như Tôt-tô-chan được mấy cái rễ cây chút chít và vài củ hành, em rất ngượng là phải mang chúng lên tàu. Còn nhiều giải phụ với các thứ khác, nên cuối ngày thể thao, tất cả các học sinh ở Tô-mô-e đều mang về một loại rau nào đó. Vấn đề là, sao trẻ em lại ngượng khi phải mang rau từ trường về nhà? Ở nhà, nếu mẹ sai đi mua rau, không ai thấy ngại cả, nhưng rõ ràng các em thấy mang rau từ trường về nhà thì thế nào ấy!

Một cậu học sinh to béo được thưởng một cái bắp cải loay hoay không biết làm thế nào. Cậu ta nói:

– Tớ chẳng thích ai trông thấy tớ vác cái bắp cải này. Có lẽ tớ quẳng nó đi đây. Thầy hiệu trưởng hẳn đã nghe thấy những lời phàn nàn ấy của các em, vì ông đi sang chỗ các em được cà-rốt, củ cải và các loại như thế.

– Sao có chuyện gì? Các em không thích sao? – Ông hỏi, rồi tiếp. – Bảo mẹ nấu cho các em ăn tối nay. Đây là những rau tự các em kiếm được. Các em đã cung cấp được thực phẩm cho gia đình bằng chính sức lực của mình. Thế nào? Thầy cuộc là ăn sẽ rất ngon đấy.

Dĩ nhiên, ông nói đúng. Đây là lần đầu tiên Tôt-tô-chan góp được một cái gì đó cho bữa tối.

– Em sẽ nói với mẹ em làm món chút chít. – Em thưa với thầy hiệu trưởng. – Nhưng em chưa biết nói với mẹ em dùng hành làm gì.

Thế là các em bắt đầu nghĩ đến các món ăn và kể với thầy hiệu trưởng.

– Hay lắm! Thế là các em đều có sáng kiến cả! – Ông nói, tươi cười phấn khởi, đôi má ửng đỏ hẳn lên. Hẳn là ông đang nghĩ nếu các học sinh và gia đình các em ăn cơm trong khi nói chuyện về các sự kiện trong ngày thể thao thì hay biết mấy!

Chắc chắn, ông đang nghĩ đặc biệt về Ta-ka-ha-si, – bàn ăn của em sẽ tràn đầy các rau giải nhất – và hi vọng cậu học sinh này sẽ nhớ mãi niềm tự hào sung sướng đã giành được những giải nhất ấy trước khi cảm thấy tự ti về vóc người của mình, cũng như nhận thức rằng mình không còn lớn hơn nữa. Và có lẽ, ai biết được, thầy hiệu trưởng cũng đã nghĩ đến những tiết mục thi kỳ lạ kiểu Tô-mô-e để Ta-ka-ha-si sẽ về nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.