Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Thầy giáo nông nghiệp



– Đây là thầy giáo của các em hôm nay. Thầy sẽ chỉ bảo cho các em tất cả mọi
điều.

Với những lời đó, thầy hiệu trưởng giới thiệu một thầy giáo mới. Tôt-tô-chan nhìn kỹ thầy giáo mới. Đầu tiên em thấy thầy ăn mặc không giống một thầy giáo chút nào. ông mặc ở ngoài một cái áo lao động bằng vải bông ngắn có kẻ sọc, bên trong là cái áo lót va đáng lẽ phải thắt ca-vát, ông lại quấn một cái khăn mặt quanh cổ. Quần của thầy bằng vải bông nhuộm chàm, ống chật, chằng chịt những mụn vá. ông đi dép đế cao su dày có hai lỗ xỏ ngón chân như của người lao động, đầu đội mũ cũ.

Tất cả học sinh đều tập trung ở hồ cạnh đền Ku-hon-but-su. Khi nhìn thấy thầy giáo, Tôt-tô-chan nghĩ như đã gặp ông trước rồi. Em tự hỏi “ở dâu nhỉ?”.

Khuôn mặt hiền hậu của ông rám nắng và có nhiều nếp nhăn. Thậm chí cả cái điếu nho nhỏ treo lủng lẳng ở cái dải buộc xung quanh hông như cái dây lưng, trông cũng quen quen. Bỗng nhiên em nhớ ra!

Em hỏi, sung sướng:

– Có phải thầy là bác nông dân làm ruộng gần suối không ạ?

– Đúng rồi, – “Thầy” vừa trả lời, vừa cười, mồm đầy răng, mặt nhăn nheo cả ìại, – khi nào đi chơi đến Ku-hon-but-su các cháu đều đi qua chỗ bác. Đấy là ruộng của bác, cái thửa ruộng đầy hoa mù tạt ấy mà?

– Hay quá? Hôm nay bác lại là thầy giáo của chúng cháu. – tất cả học sinh reo lên, phấn khởi.

– Không, không? – bác vừa nói, vừa xua tay trước mặt. – Bác đâu phải là thầy giáo! Bác chỉ là nông dân. Thầy hiệu trưởng của các cháu bảo bác đến đây, có thế thôi.
Từ nãy đến giờ vẫn đứng bên cạnh bác, thầy hiệu trưởng lúc này mới nói:

– Đúng, đúng rồi? Bác là thầy giáo nông nghiệp của các em. Bác đã đồng ý dạy các em cách làm ruộng. Cũng giống như mời ông thợ làm bánh mì dạy các em cách làm bánh mì ấy mà? – và rồi quay sang bác nông dân, thầy nói. – Bây giờ đề nghị bác dạy cho các cháu…

– Ta bắt đầu thôi.

Ở một trường tiểu học bình thường, ai dạy học cũng phải có một số tiêu chuẩn và trình độ giảng dạy.

Nhưng ông Kô-ba-y-a-si không quan tâm đến những điều như thế. ông nghĩ điều quan trọng là các em được quan sát những việc làm cụ thể.

Thầy giáo nông nghiệp nói: – Nào chúng ta bắt đầu.
Chỗ các em tập trung ở gần hồ Ku-hon-but-su, là một nơi đặc biệt yên tĩnh – một nơi rất thú vị, có những cây bóng mát bao quanh. Thầy hiệu trưởng đã cho chuyển một phần toa xe đến đây để chứa các dụng cụ nông nghiệp của các em như xẻng, cuốc. Nửa toa xe trông thật hiền lành, sắp xếp rất khéo và nằm ngay giữa khoảng đất các em sẽ tăng gia.

Thầy giáo nông nghiệp bảo các em lấy xẻng cuốc ra và bắt đầu làm cỏ. Thầy nói với các em về cỏ dại, chúng mọc khỏe như thế nào, một vài giống lại còn mọc nhanh hơn cây trồng, che tất cả ánh nắng; cỏ dại là chỗ ẩn náu rất tốt cho các loại sâu có hại, cỏ dại hút hết màu mỡ của đất. Thầy giáo dạy các em từng vấn đề một, hết vấn đề này đến vấn đề khác. Và trong khi nói, tay thầy thoăn thoắt nhổ lên từng nắm cỏ dại.

Các em cũng làm theo như thế. Rồi thầy dạy các em đánh luống, vãi phân và tất cả mọi việc cần làm để cho đồng ruộng được tốt. Miệng nói, tay làm, thầy giảng giải thật cặn kẽ.

Một con rắn con ngóc đầu lên, suýt nữa đớp vào tay Ta-chan, một học sinh lớn, nhưng thầy giáo nông nghiệp đã làm cho cậu ta yên tâm:

– Rắn ở đây không độc, nếu ta không làm gì chúng thì chúng cũng không cắn ta. Ngoài việc dạy bảo các em công việc trồng cây, thầy giáo nông nghiệp còn kể cho các em nhiều điều lý thú về sâu bọ, chim, bướm, về thời tiết và tất cả mọi thứ.

Đôi bàn tay đầy chai, khỏe mạnh của ông hình như khẳng định rằng mọi điều ông kể cho các em là do ông tự học hỏi, qua kinh nghiệm. Các học sinh đổ mồ hôi lã chã khi trồng trọt xong thửa ruộng với sự giúp đỡ của thầy giáo. Trừ một vài luống chưa thật đều, thật phẳng phiu, thửa ruộng trông thật đẹp dù nhìn từ phía nào.

Từ hôm đó trở đi, các em đều rất quý bác nông dân, bất cứ khi nào trông thấy bác, dù ở xa, các em cũng reo lên: “Thầy giáo nông nghiệp của chúng ta!”. Và lần nào còn thừa một ít phân bón bác cũng mang sang bón cho ruộng của các em, nhờ vậy cây trồng mọc rất tốt.

Hàng ngày các em chia nhau đi thăm đồng và báo cáo tình hình để thầy hiệu trưởng cùng cả lớp được biết.

Dần dần các em hiểu được những điều kỳ lạ và niềm vui sướng được trông thấy những hạt giống tự tay các em trồng đã mọc mầm. Mỗi khi hai hay ba em gặp gỡ nhau, là y như rằng lại nói chuyện về thửa ruộng.

Ở trên thế giới, những sự việc ghê gớm đã bắt đầu xảy ra. Nhưng, trong khi các em nói chuyện với nhau về mảnh ruộng xinh xinh của mình, các em vẫn được ôm ấp trong vòng tay của hòa bình!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.