Trẻ Em Đường Phố

Chương – 20



Steve Connors lặng lẽ đi trong toà nhà Catacombs, một toà nhà đã tồn tại nhiều thế kỷ, vốn là nhà mộ của một vị thánh phù hộ cho thành phô” Naples. Anh trầm trồ nhìn những tấm bích hoạ cao hai tầng, nơi đây cũng là nơi cư ngụ của không biết bao nhiêu đời Đức Hồng Y giáo chủ. Anh nhìn những bức tranh vẽ và tranh ghép trên tường, những thiết kế cầu kỳ và vẻ đẹp của các bức tranh ấy để lại ấn tượng mạnh mẽ trong anh. Anh đặt ba lô và súng trường vào sát tường, rờ tay lên lớp đá lạnh lẽo rồi ngồi xuống bậc thềm nơi góc nhà, dựa lưng vào phiến đá có khắc chạm hình các thiên thần và các thánh.

Anh đi dạo trong này đã lâu, nhìn ngắm nơi này, tìm những giây phút tĩnh tâm và đặt kế hoạch cho những ngày sắp tới. Anh đang giải quyết một nhiệm vụ khác không do chỉ huy Anders giao phó và anh cần có thời gian để ngồi suy nghĩ nhiệm vụ tìm kiếm đồng đội, vậy là không thể hoàn thành. Bất cứ người Mỹ nào ở Naples đều đã chết hoặc rút về nơi an toàn cùng với quân đội Đồng minh rồi.

Thế mà bây giờ anh bị kẹt vào một nhiệm vụ mà dường như còn lớn hơn, mấy đứa trẻ kia cần phải học cách suy nghĩ khôn ngoan một chút. Nhưng Connors biết, dù cho ý chí của chúng có anh dũng đến đâu, thì giấc mơ vô vọng ấy cũng kết thúc với những xác người chết thối rữa nằm phơi mình trên những con đường vắng vẻ. Connors không có bằng chứng là bọn Đức quay trở lại Naples. Những điều in trên truyền đơn được rải hàng đêm biết đâu chỉ là một thủ đoạn rẻ tiền nhằm đe doạ hoặc đánh lạc hướng. Bản năng tiềm ẩn trong con người anh thôi thúc anh quay trở lại Salerno, tìm vài chiếc xe tải, dẫn đầu đoàn xe trở lại Naples, bắt buộc bọn trẻ lên xe, đưa ra khỏi thành phố. Nhưng biết đâu anh sẽ vấp phải sự chậm trễ của chỉ huy tại nơi đóng quân hoặc tệ hại hơn nữa anh không được giao thẩm quyền cứu bọn trẻ. Anh nhìn quanh những bức tượng đang đứng trong bóng tối và đang cúi xuống nhìn anh. Và anh biết làm như thế là ngu ngốc.

Hầu hết những gì người ta ghi trên các tấm bảng ở đây đều không đúng sự thật.

Đó là giọng nói của cô gái trẻ anh đã gặp bên đài phun nước hôm rồi. Cô đứng khuất về phía bên trái của anh, giấu mình trong bóng tối.

Cái gì không đúng cơ?

Connors đứng lên khỏi những bậc thềm mát lạnh.

Thi thể của San Gennero không được chôn ở đây như những gì tấm bảng kia ghi lại. Cô nói bằng thứ tiếng Anh nhát gừng, ngắt quãng nhưng dễ hiểu.
Nơi đây chỉ lưu giữ đầu của ông ấy thôi, cái đầu ấy được bảo quản ở nhà nguyện phía sau trên tầng trên, ngay bức tường phía sau trong cùng.

Thế còn chuyện người ta bảo cái đầu ấy chảy máu thì sao? Cũng không đúng sự thật ư?

Tuỳ thuộc vào người kể chuyện, với bà ngọai tôi thì chuyện đó là có thật, ngay cả khi bà nhắm mắt lìa đời cũng thế. Nhưng đối với cha tôi thì ông lại nhạo báng chuyện đó và nói, đó chẳng qua là người ta sùng đạo quá nên mới truyền bá chuyện đó mà thôi.

Vậy cô đứng về phe nào?

Khi tôi còn bé, gia đình tôi thường theo bà ngoại tôi vào nhà thờ trong ba ngày trong một năm khi người ta nói cái đầu của San Gennero lại rỉ máu. Nhưng tôi chẳng thấy rỉ gì hết. Còn những người già thì làm như chính mắt họ nhìn thấy máu chảy ròng ròng từ cái đầu người chết cách đây đã vài thế kỷ rồi vậy. Và họ thấy vui vì ý nghĩ ấy. Theo tôi đó mới là điều quan trọng hơn cả.

Tôi còn nghe người ta nói ông ta là vị thần che chở cho thành phố của cô, nhưng tôi biết đó không phải là sự thật.

Cô gái đáp:

Ông ta là vị thánh chứ không phải là vị cứu tinh.

Connors hỏi:

– Thế còn cô thì sao? Ngoài chuyện lên lớp những bài học lịch sử cô còn định làm gì?

Cô gái bước ra khỏi vùng tối, cô bước gần hơn về phía Connors, cô cao, mảnh khảnh và đẹp hơn tất cả những người phụ nữ mà anh từng gặp. Cô mặc một chiếc áo đầm màu xanh nhạt, mái tóc của cô buông xuống bờ vai. Cặp môi của cô đầy đặn và đỏ hồng, ánh mắt cô gái như hớp hồn Connors, cặp mắt sáng lung linh như hai ngọn nến ngoài bến cảng khi trời tối. Cô gái nói:

Tôi có thể giúp anh.

Tên cô là gì?

Nunzia.

Cô gái mỉm cười chìa tay về phía anh, anh nắm lấy và giữ mãi cho tới khi Nunzia chầm chậm rút tay về. Cô nói;

Cha tôi lấy tên bà nội tôi đặt cho tôi, bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên ở Naples tự xây dựng cơ đồ của mình. Bà xây dựng một xưởng bánh lớn ngoài thành phố. Bà đứng ra cai quản xưởng bánh khi ông nội tôi chết và giữ cho công việc phát triển không ngừng cho tới khi chiến tranh nổ ra.

Ở quê nhà của tôi, bà nội tôi cũng tay trắng lập nên sản nghiệp. Những người thân của tôi chẳng bao giờ muốn kể nhiều về chuyện của bà.
Vậy bà đã làm gì?

Bà nội tôi là Helen, là một tay bán rượu lậu. Bà nấu rượu lậu trên những ngọn đồi ở Kentucky, và bán nó cho các công nhân nông dân làm việc ở xưởng máy trong vùng. Bà lấy tiền đó nuôi các con trai của bà, cha tôi là một người trong số họ được ăn học tử tế.

Nunzia bảo:

Bà nội tôi nổi tiếng ở Naples. Ở đây đàn ông đưa ra mệnh lệnh nhưng phụ nữ mới là người thực thi những mệnh lệnh ấy.

Rồi số phận của những đứa trẻ kia sẽ đi về đâu?

Nunzia hỏi:

Anh còn muốn chúng phải làm sao nữa? Nhiều đứa đã theo cha mẹ tản cư hoặc lẩn trốn. Vả lại hầu hết chúng sẽ chống trả nếu có ai đó cũng đứng lên kháng cự.

Connors nói giọng nghiêm khắc:

Tôi sẽ không để cho điều đó xảy ra.

Tôi không biết tên anh.

Cô gái nói, giọng cô dịu dàng ấm áp vang lên trong căn phòng tối và tĩnh lặng.

Tôi là Steve Connors.

Steve Connors, tại sao anh lại quan tâm nhiều đến chúng tôi như vậy? Chúng tôi đâu là gì đối với anh. Chúng tôi chỉ là người dân trong một thành phố xa lạ, quốc gia xa lạ. Có gì đáng kể đối với những người Mỹ như anh đâu. Chẳng qua các anh mang xe tăng cờ hiệu đến đất nước chúng tôi chỉ để diễu binh phô trương lực lượng cho chính các anh mà thôi.

Connors đáp:

Những đứa trẻ kia chúng quá nhỏ và ngây thơ, chúng không phải là những chiến binh. Nếu bọn Đức kéo tới đây, chúng sẽ chết.

Đã từ lâu chúng cận kề với cái chết. Nếu như xảy ra một cuộc hỗn chiến tất nhiên cuộc chiến ấy sẽ mang cái chết đến gần hơn, nhưng cũng có thể mang đến cho chúng cơ hội sống sót. Connors sững sờ nhìn Nunzia, anh lắc đầu đưa tay lên xoa gáy và nói:

Thế ông thánh bảo hộ thành phố này nghĩ sao về quyết định của bọn trẻ?

Nếu anh đã tin vào thánh San Gennaro tức là anh đã tin vào phép lạ của sự thánh thiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.