Trí Tuệ Do Thái
Chương 12: Họp Nhóm Về Sự Cải Thiện Trí Nhớ Của Jerome
Phần 2: Những phương pháp đặc biệt để ghi nhớ một lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn
Những đám mây xám giăng kín bầu trời nhưng thời tiết vẫn nóng bức. Jerome đang ngồi ngay tại chiếc bàn mà tuần trước đó chúng tôi ngồi với một đống giấy tờ trước mặt. Trông hắn có vẻ đã hoàn toàn sẵn sàng cho bài học về những bí quyết ôn thi; một bài học có thể sẽ cho hắn một vài thủ thuật ghi nhớ của Joseph Hayim Schneiderman.
Tôi ngồi xuống và cười toe toét với hắn, không nói một lời.
Hắn nhìn tôi chằm chằm, cố lý giải nụ cười của tôi.
“Cái gì thế?” hắn hỏi, giọng có vẻ bất an.
“Cậu có gì muốn kể với tớ không?”
“Có gì tớ có thể kể với cậu à?” hắn hỏi.
“Tớ dám thề là đã nhìn thấy một cô nàng vào đây sau khi chúng ta chia tay tuần trước ấy,” tôi tuôn ra, không kiềm chế được.
Jerome cười bẽn lẽn và xấu hổ nhìn xuống chân.
“Đó là lần thứ hai bọn tớ gặp nhau bên ngoài khuôn viên trường,” hắn tiết lộ.
“Và…”
Hắn ngẩng đầu lên và nhìn tôi âu yếm. Một nụ cười nở ra trên khuôn mặt hắn.
“VÀ?!!” tôi sắp nổ tung đến nơi.
Hắn im lặng, nhưng vẫn cười.
“Có thể…” hắn nói chậm. “Ý tớ là, tớ nghĩ là…” hắn ấp úng.
Thầy Dahari và Joseph Hayim Schneiderman đã đến bên ngoài quán và vẫy tay chào chúng tôi.
“Để sau nhé,” hắn thì thầm khi chúng tôi đứng dậy đón những vị khách.
“Xin chào,” hắn nói.
“Thật tuyệt khi được ở đây,” vị giáo sĩ đáp lại và ngồi xuống chỗ dành cho ông.
“Việc học của cậu sao rồi?” ông hỏi Jerome. “Cậu đã bắt đầu áp dụng những phương pháp học chưa?”
Jerome lại ngồi xuống và khoanh tay.
“Tôi đã đi siêu thị,” hắn bắt đầu. “Thầy không biết ở đó họ có nhiều loại dầu ôliu và mật ong thế nào đâu. Làm sao tôi biết được loại nào tốt nhất cho trí nhớ chứ?” Hắn cười khúc khích.
Vị giáo sĩ chuẩn bị trả lời thì Jerome đưa tay lên và lắc đầu.
“Tôi đùa thôi. Tôi đã thử rồi.” Hắn lấy ra một tờ giấy từ đống sách vở ở trước mặt. “Chẳng hạn, tôi đã bắt đầu học ở đây, Café Ladino. Fabio biết là mỗi tuần tôi sẽ đến đây ba lần và để cho tôi một chiếc bàn ở rìa quán. Thỉnh thoảng, Itzik Ben-David, anh chàng lần trước mọi người thấy ấy, cũng đến đây và chúng tôi cùng nhau học.”
“Nghe có vẻ hay đấy,” vị giáo sĩ mỉm cười đồng tình.
“Và thực sự rất có hiệu quả,” Jerome hào hứng nói tiếp. “Học trong quán cà phê rất vui. Như kiểu học ngoài trời ấy. Tôi học được nhiều hơn. Thế mà suốt từng đó năm tôi đã bắt mình phải học ở một nơi nhỏ bé, chật hẹp và yên tĩnh. Chán ngắt!”
Itamar, như thường lệ, đến muộn hơn một chút và tìm đến chỗ ngồi quen thuộc của cậu ta.
“Cậu thì sao hả Josik?” Jerome hỏi Schneiderman.
“Ơn Chúa,” cậu ta trả lời. “Tôi đã tập hợp được vài thứ cho anh. Một vài ý tưởng tôi nghĩ có thể có ích
cho anh.”
“Tuyệt!” Jerome duỗi thẳng người.
“Chúng ta bắt đầu chứ?” Schneiderman hào hứng.
“Ờ.”
Schneiderman liếc nhìn thầy mình. Khi ông gật đầu đồng ý, cậu ta bắt đầu.
“Chúng ta đã nói đến việc bắt đầu bằng những thứ dễ và thú vị rồi sau đó mới chuyển sang những chủ đề khó nhằn hơn. Bắt đầu bằng những lượng kiến thức nhỏ thôi và tự cho mình thời gian giải lao. Tuy vậy, có một điều rất quan trọng mà tôi đã quên không nhấn mạnh. Khi gặp phải những tài liệu khó và phức tạp, ta phải hoàn toàn chắc chắn rằng mình hiểu nội dung thực sự của tài liệu đó.”
Jerome trông có vẻ bối rối. “Điều đó thì quá rõ ràng rồi còn gì.”
“Không hẳn thế,” Itamar trả lời. “Có những thứ có vẻ cực kỳ hiển nhiên, tức là ta nghĩ rằng ta hoàn toàn biết rõ về nó, nhưng thực tế có thể ta đã bỏ qua một cái gì đó.”
Jerome nhìn Itamar chằm chằm.
“Tớ sẽ cho cậu một ví dụ,” Itamar nói nhanh. “Tớ chắc là cậu đã nghe thấy những cụm từ như ‘ad hoc,’ ‘modus vivendi,’ ‘tabula rasa,’ ‘bonafied’… rồi, đúng không?”
“Chắc chắn rồi. Tớ nghe thấy suốt,” Jerome trả lời.
“Thế ‘ad hoc’ có nghĩa là gì?”
Mặt Jerome chuyển xám khi hắn cười lúng túng. “Nghĩa là… ừm…” hắn ngừng lại để nghĩ. “Kiểu như là ‘phòng khi,’ tớ nghĩ là vậy.”
“Thế còn ‘modus vivendi’ thì sao?”
“Cái đó liên quan đến một đơn vị đo nào đó…” Jerome cười ngượng. “OK, tớ chịu. Tớ đã nghe những cụm từ kiểu như thế nhiều lần rồi nhưng chưa bao giờ chịu bỏ thời gian tra xem nghĩa chính xác của chúng là gì.”
“Hồi trước có một chương trình TV,” tôi nhớ lại, “trong đó bọn trẻ con được hỏi về những chủ đề của người lớn. Có một hôm, người dẫn chương trình, Art Linkletter, hỏi bọn trẻ có biết ai có charisma(26) không. Bọn trẻ con không biết charisma là gì nhưng vẫn trả lời. Một cậu bé nói, ‘Bác cháu có charisma. Ông ấy đã ở bệnh viện hai tuần nay rồi.’” Tôi giả giọng trẻ con làm tất cả cười nghiêng ngả.
“Một cậu bé thì kể chuyện bố mình vừa trồng một cây charisma trong vườn sau. Có một bé gái nói rằng hồi trước mẹ mình bị charisma nhưng cuối cùng bà ấy tìm được một loại dầu gội đầu mà cô bé không nhớ tên là gì nữa.”
“Ví dụ rất hay. Chính là điều tớ muốn nói đấy. Như Joseph Hayim đã nói, ‘Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu mọi điều mình học, từ đầu đến cuối.’ Bộ não con người rất khó nhớ những thứ không có nghĩa hoặc không rõ ràng.”
“Đừng bỏ cuộc dễ dàng,” vị giáo sĩ nói thêm. “Dành thêm một, hai phút nữa. Đầu tư thêm một chút năng lượng nữa để chắc chắn rằng mọi thứ đều hoàn toàn rõ ràng. Đôi khi, nếu ta không hiểu phần đầu tiên của một thứ gì đó thì mọi thứ khác ta học sau đó đều sẽ không còn rõ ràng nữa. Cũng giống như một chiếc vòng cổ vậy. Nếu mắt xích đầu tiên bị yếu thì cả chuỗi dây sẽ bị ảnh hưởng.”
“Hiểu rồi. Quan trọng là phải hiểu!” Jerome nói.
“Sau khi đọc và hiểu tài liệu, hãy tự mình giải nghĩa sâu thêm một chút,” cậu sinh viên tiếp tục. “Một người sẽ rất hào hứng nếu có thể liên hệ những nét mới đến tài liệu đã học và khi đó, anh ta sẽ nhớ tốt hơn bởi vì đó là thành quả của chính mình.”
“Đổi mới,” Jerome nhắc lại điểm cuối cùng.
“Phải… ừm… ví dụ, khi tóm tắt một bài báo, hãy bổ sung thêm một điều chưa được nói đến trong đó, một điều mà ta nghĩ đến khi đọc bài báo đó. Ý kiến của riêng ta, một cách hiểu khác liên quan đến chủ đề đó.”
“Có thể là một nhận xét hài hước chẳng hạn,” Itamar gợi ý.
“Chắc chắn rồi,” cậu sinh viên xác nhận. “Có lần, khi chúng tôi học về những người Israel lang thang trong sa mạc, tôi đã lập ra một danh sách những nơi họ đi qua và những điểm dừng trên hành trình đó. Rồi tôi hình dung ra những dấu mốc như một cây cọ, một chiếc lều, một cái giếng chẳng hạn. Điều này dẫn đến một ý nghĩ cực kỳ hài hước là có lẽ người Israel lang thang khắp sa mạc bởi vì họ đã chôn những kho báu bí mật ở đó nhưng không nhớ chính xác là chỗ nào… Vậy nên họ phải quay lại đó để tìm kho báu của mình… Thế nên họ mới phải lang thang suốt bốn mươi năm. Tìm kho báu mất nhiều thời gian mà.” Joseph Hayim hơi đỏ mặt và mỉm cười.
Chúng tôi lịch sự cười đáp lại. ‘Thực ra câu chuyện cũng đâu có đến nỗi nào,’ tôi nghĩ thầm.
“Một ý tưởng bắt nguồn từ những nỗ lực và suy nghĩ của chính mình bao giờ cũng sẽ dễ nhớ hơn,” Itamar nhắc lại điểm chúng tôi đã nói đến khi ở trường đạo.
“Thú vị là ở chỗ cái ý nghĩ vớ vẩn của tôi về kho báu được chôn giấu đó đã thực sự giúp tôi nhớ được những thông tin liên quan đến câu chuyện về hành trình lang thang trên sa mạc của người Do Thái. Tôi nhớ được nhiều thông tin hơn bởi vì tôi đã tập trung chú ý đến việc phát triển ý tưởng hài hước của mình.” Cậu sinh viên dừng lại một chút. “Đó là cách tôi đã khám phá ra bí ẩn vĩ đại về một trí nhớ phi thường.
“Những ý tưởng mới mẻ là chìa khóa kích hoạt đầu óc và trí tưởng tượng, và trí tưởng tượng đó chính là bí quyết và nền tảng của mọi phương pháp ghi nhớ,” Joseph Hayim lại dừng và nhìn Jerome.
“Khi ta muốn nhớ một cái gì đó, ta đưa ra những chỉ dẫn để trí tưởng tượng của mình tạo nên những bức tranh, khung cảnh khắc sâu vào tâm trí, giữ chúng ở đó.
“Nếu ta muốn nhớ đến sự huyền diệu của đỉnh Sinai, tất cả những gì ta cần làm là tưởng tượng ra cảnh chính mình đang đứng ở đó. Đứa con của dân tộc Israel, Moses đang nắm Mười điều răn trong tay… hay tiếng sóng biển, tiếng một chú ong vo ve. Khi ta nhắm mắt lại và tưởng tượng, ta sẽ thấy mình như đang thực sự có mặt trong khoảnh khắc lịch sử đó.” Mắt cậu ta khép lại.
“Trí nhớ là khả năng thiết yếu của tâm hồn con người, khả năng sắp xếp tất cả những bức tranh đó và triệu tập chúng chỉ trong một cái chớp mắt, và đó là lý do tại sao để nhớ được một thứ gì đó ta phải chuyển nó thành hình ảnh, một hình ảnh thực sự mạnh mẽ và phi thường.”
“Aristotle và Plato chính là những người phát triển nên công cụ ghi nhớ bằng hình ảnh tưởng tượng,” tôi nhận xét. Một vài kỹ năng ghi nhớ mà con người ngày nay vẫn sử dụng đã được phát triển từ thời đó. Theo như tôi biết thì đây là phát minh của người Hy Lạp, chứ không phải của người Do Thái. Tôi đã rất ngạc nhiên.”
“Đức Chúa đã ban cho dân tộc Israel món quà đó,” Schneiderman thốt lên để đáp lại điều tôi nói. “Người biết rằng những thần dân của Người không có một trí nhớ vĩ đại, chính vì vậy Người đã dạy cho họ những phương pháp để ghi nhớ…” Cậu mỉm cười và nhìn tất cả chúng tôi. “Mọi người có nhớ không?”
Jerome và tôi nhìn lại cậu ta đầy thắc mắc.
“Chúa đã nói với dân tộc Israel,” cậu sinh viên mạnh mẽ vung tay lên không khí, ‘Hãy tưởng tượng những điều ta đã làm với Hy Lạp và hãy để điều đó nhắc nhở các con biết ai là vị chúa chân chính và vĩ đại nhất!” Cậu ta kết thúc bài diễn văn y như một nhà thuyết giáo thực thụ.
Cũng đúng, tôi nghĩ thầm. Nhưng đây không phải là trí tưởng tượng thông thường. Đức Chúa nói đến sự tưởng tượng về những điều vô cùng, những điều phi thường. Trí nhớ của con người luôn hoạt động hiệu quả nhất đối với những điều mang tính chất phi thường.
“Kỹ xảo đặc biệt,” Itamar nói. Thật thú vị là Jerome cũng đang nghĩ đến điều tương tự và nhanh nhảu bày tỏ ý kiến của mình ngay.
“Tớ thì không nghĩ là những kỹ xảo này sẽ gây ấn tượng mấy ở Hollywood đâu.” Hắn cười với Itamar.
“Tưởng tượng cảnh Arnold Schwartzenegger đứng bất lực ở góc phòng, lớn tiếng đe dọa một tên găng-xtơ to như trâu mộng lại còn mang súng máy ngay trước mặt mình, đại loại như ‘Tao sẽ cho mày cơ hội cuối cùng để rời khỏi đây. Mày nên biết là tao có chấy rận và mủ bệnh đấy.’ Và rồi trong nháy mắt, Schwartzenegger di chuyển đến gần tên găng-xtơ và chạm cái bờm sư tử của mình vào hắn, tên găng-xtơ run như cầy sấy, mất kiểm soát và cầu xin người anh hùng tha mạng. ‘Không! Làm ơn đi! Đừng thả chấy rận!’”
Jerome lắc đầu. “Không bao giờ có chuyện đó đâu.”
“Phải, nhưng dịch bệnh là chuyện có thật mà,” Schneiderman phản bác.
“Tôi đùa thôi mà, Josik,” Jerome trấn an cậu sinh viên. “Cậu đã xem phim của Schwartzenegger bao giờ chưa?”
“Chưa, tôi không xem phim.”
“Ừ nhỉ… Xin lỗi,” Itamar nói, hơi xấu hổ. “Bản thân Schwartzenegger đã là một kỹ xảo điện ảnh rồi.”
“Tóm lại,” cậu sinh viên nói, quay trở lại với chủ đề của chúng tôi, “ta ghi nhớ tốt nhất những điều mang tính lạ lùng, phi thường. Những điều đó rất có hiệu quả đối với trí nhớ bởi vì chúng có hiệu quả đối với trái tim.”
“Sự kích động,” Itamar giải thích, “tác động đến trí nhớ.”
“Chắc chắn rồi. Mức độ kích động và hứng thú mà tâm hồn ta cảm nhận có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc ghi nhớ. Mức độ hứng thú hay đau đớn, tức là quy mô của ấn tượng, quyết định liệu một sự kiện nào đó có ghi dấu ấn mãi trong trái tim chúng ta hay không.”
Jerome đưa tay ra hiệu bảo Schneiderman dừng lại một chút. “Đợi một lát.” Jerome lôi ra phần tóm tắt mà trước đó hắn đã cho vị giáo sĩ xem. “Bớt trừu tượng đi một chút nhé. Chẳng hạn, làm thế nào để nhớ được những thứ này nếu dùng phương pháp cậu vừa nói?”
“Xem nào.” Schneiderman cầm tập giấy và chăm chú xem xét. “Đây là những gì anh ghi chép được từ một bài luận hay một cuốn sách nào đó đúng không?”
“Một bài viết về việc quản lý tài chính trong những công ty mới,” Jeorme giải thích.
“OK. Vậy bây giờ anh phải nhìn vào phần tóm tắt này và hiểu được những điều thiết yếu: ý chính và chủ đề. Lấy một tờ giấy khác, hay dùng lề của tờ giấy này luôn cũng được, viết ra một hoặc hai từ đại diện cho chủ đề, một từ anh có thể tưởng tượng ra. Từ đó phải thật nổi bật, bắt mắt và khiến tâm hồn anh bị kích động, hào hứng và truyền cho anh một niềm mong muốn, một nỗi khát khao thực sự để ghi nhớ nó.
“Hàng thế hệ người Do Thái trên khắp thế giới này đã tổ chức Bữa tối ngày lễế Quá hải mà không cần đến cuốn kinh cầu nguyện Hagadah, anh biết tại sao họ nhớ được tất cả những lời cầu nguyện đó không?”
“Bằng những từ chủ đạo,” Jerome đoán.
“Chính xác,” Schneiderman trả lời và bắt đầu liệt kê một số từ chính. “Lời cầu nguyện, rửa tay, ngò tây, chuyện kể, rửa tay, bánh không men, bánh kẹp… và còn nhiều nhiều nữa.”
“Ừ, tôi nhớ được hết những cái đó,” Jerome nói.
“Những từ này được nhấn mạnh, nổi bật ở đầu cuốn Hagadah. Mỗi từ đều được nói ra để nhắc chúng ta nhớ đến những phần khác nhau của buổi lễ: lời cầu nguyện – nói lời cầu nguyện bên ly rượu, rửa – rửa tay trước nghi lễ, ngò tây – chúng ta ăn rau ngâm trong nước muối, bánh không men – miếng bánh ở giữa sẽ được bẻ làm đôi… Bằng cách này, chúng ta ghi nhớ được mười lăm phần của buổi lễ. Nhân tiện, thầy Shmuel đã nói rằng ta nên cố gắng chọn những từ chủ đạo và gieo theo vần. Như thế ta sẽ nhớ tốt hơn.”
“Nói cách khác, hãy chọn những từ gây ấn tượng mạnh và sắp xếp những từ đó theo một cách khiến chúng thật nổi bật và bắt mắt.”
“Giống như mấy cái áp phích ở chỗ cậu,” Itamar xen vào.
Cậu sinh viên nhìn Itamar vẻ không hiểu. “Áp phích nào?”
“Cậu chưa bao giờ để ý đến những tấm áp phích quảng cáo đặc biệt dán trên tường các khu tôn giáo à?”
“Chưa.” Cậu sinh viên cố nhớ lại.
“Ờ, đôi khi chúng như một mớ hỗn độn vậy,” Itamar giải thích. “Gần đây tôi thấy gì nhỉ? À, phải rồi… có những tờ quảng cáo tìm người, thay vì những câu kiểu như ‘Tìm người: đầu bếp cho học viện Torah’ chẳng hạn thì lại là một tờ áp phích cực kỳ ấn tượng với dòng chữ. ‘Khẩn cấp! Hai anh em sinh đôi bị cơn đói giày vò tìm một tâm hồn cao cả và nhân từ sẵn sàng vào bếp nấu ăn cho họ…’ Nghe cứ như trên thế gian này không còn gì quan trọng hơn việc tìm một đầu bếp vậy.”
Schneiderman và vị giáo sĩ mỉm cười. Họ biết chính xác cái quảng cáo mà Itamar đang nói đến.
“Nhiều lần tôi cũng dán mắt vào những tờ quảng cáo như vậy, nhưng anh có để ý thấy tác động mạnh mẽ của chúng không?” Cậu sinh viên nhận xét. “Nếu chúng không gây ấn tượng mạnh đến vậy, có khi anh chẳng để ý đến chúng làm gì bởi vì có liên quan gì đến anh đâu.”
“Nhưng từ chủ đạo cần phải thật bắt mắt, như ta đã nói,” Schneiderman nói thêm. “Những từ này có vai trò như những dấu mốc, những tấm bảng chỉ dẫn cho trí nhớ.” Schneiderman cố gắng hết sức để làm rõ quan điểm của mình. “Để thực hiện mục đích của anh, Jerome, chúng ta đã nói đến việc đơn giản hóa, tức là đọc thường xuyên và tóm tắt một cách đơn giản. Còn gợi ý có nghĩa là những từ chủ đạo, những dấu hiệu ghi nhớ có thể gợi cho ta nhớ đến những ý tưởng khác.” Cậu ta dừng lại để giải tỏa cơn khát.
“Dấu hiệu ghi nhớ là gì đấy?” tôi hỏi.
Schneiderman ngẫm nghĩ để tìm ví dụ minh họa. Bỗng nhiên, có vẻ như một ý tưởng rất hay đã nảy ra trong đầu cậu.
“Dấu hiệu ghi nhớ là những công cụ hỗ trợ mà khi ta nhìn thấy, ta sẽ nhớ ra những cái khác.” Cậu duỗi thẳng người trên ghế. Rồi bất ngờ, cậu ta lục trong túi quần, lôi ra một quả tzitzit(27) và đưa cho chúng tôi xem.
“Đây là một ví dụ về dấu hiệu ghi nhớ,” cậu tuyên bố.
“QuảTzitzit à?” Jerome hỏi.
“Trong cuốn Những con số, Đức Chúa đã nói với Moses, ‘Hãy nói với những đứa trẻ Israel và nhắc chúng phải kết tzitzit ở những góc khăn, từ thế hệ này sang thế hệ khác, và buộc ở mỗi góc một sợi chỉ màu xanh: chiếc tzitzit sẽ ở đó, các con sẽ nhìn thấy nó và nhớ được tất cả những điều răn của Chúa và làm theo những điều răn đó.
“Khi một người mang trên mình tzitzit, người đó sẽ nhớ mình là ai, mình là cái gì, nhớ đến những điều răn và bổn phận thực hiện những điều răn đó. Vậy làm thế nào để nhớ được là có bao nhiêu điều răn tất cả?”
“Dễ thôi mà. Có tất cả 613 điều răn,” Jerome trả lời.
“Đúng rồi, 613,” Joseph Hayim xác nhận. “Chỉ để chắc chắn thôi mà,” cậu ta lại chỉ vào chiếc tzitzit, “nhưng còn một điều gợi ý nữa. Ở mỗi cụm có năm nút và tám sợi dây. Năm cộng tám là bao nhiêu.”
“Mười ba.”
“Và giá trị số học của từ tzitzit là bao nhiêu?”
Itamar tính nhẩm thành tiếng, “tz là 90, i là 10, tz là 90, i là 10 và t là 400. Tổng cộng là 600. Thêm 13 vào nữa, vậy là có 613 điều răn ta cần phải ghi nhớ.”
“Thật đáng kinh ngạc,” tôi thốt lên.
Schneiderman nhét chiếc tzitzit vào chỗ của nó và ngồi xuống.
“Khi tôi mới chuyển đến Israel,” Jerome bắt đầu, “trước khi biết tzitzit là cái gì, tôi đã thấy mọi người đi loanh quanh khắp nơi với quả tzitzit treo lòng thòng và tôi đã tự hỏi sao người ta không kiếm được thứ đồ nào khá khẩm hơn.” Hắn cười toe toét. “Tôi cứ nghĩ quần áo họ bị rách.”
“Nói tóm lại, tôi nên viết ra những từ chủ đạo, những từ này sẽ đóng vai trò như những tấm biển chỉ dẫn cho trí nhớ. Sao chúng ta không thử làm một bài thực hành luôn nhỉ?” Jerome chỉ vào phần tóm tắt của hắn.
“Tài chính doanh nghiệp,” vị giáo sĩ đọc to.
“Việc thực hiện một kế hoạch kinh doanh đòi hỏi phải có các nguồn tài chính,” ông đọc bằng giọng trầm bổng như thôi miên. “Một công ty mới thành lập có rất nhiều lựa chọn về vấn đề tài chính theo như… Xem nào.” Ông bỏ qua. “Đây là đoạn đầu tiên.” Ông chỉ vào phần tương ứng trên trang giấy.
“Tiền tiết kiệm cá nhân của doanh nhân là khoản tài chính trước mắt, tuy vậy khoản tài chính này thường rất hạn chế… Tóm lại, từ chủ đạo ở đây là gì? Nguồn tài chính tiềm năng ban đầu là gì?” Ông hỏi Jerome.
“Tiết kiệm cá nhân,” Jerome trả lời.
“Tiết kiệm cá nhân,” vị giáo sĩ viết ra lề.
Jerome quay sang Schneiderman. “Làm thế nào mà tôi tưởng tượng ra được tiết kiệm cá nhân?”
“Ừm. Nếu là tôi thì hình ảnh hiện lên trong đầu tôi là cảnh tôi đang ôm một bao tải vàng.”
Jerome nhắm mắt lại. Một nụ cười rộng ngoác nở trên mặt hắn.
“Vậy tôi sẽ tưởng tượng mình đang ôm một bọc toàn tiền vàng vậy.”
“OK.” Vị giáo sĩ đọc tiếp, “Khi một người cần một khoản đầu tư lớn… họ có thể tìm nguồn đầu tư từ một đối tác để chia sẻ những rủi ro trong kinh doanh. Một đối tác tốt là một người có thể đóng góp kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn… Nói tóm lại là gì?” Ông nhướn mắt về phía Jerome.
“Một đối tác.”
Vị giáo sĩ viết ra chữ đối tác.
“Tôi tưởng tượng ra Hevrutah của mình, Solomon. Cậu ấy là bạn học của tôi,” cậu sinh viên nói.
“Vậy tôi sẽ tưởng tượng ra Issac. Cậu ta là Hevrutah của tôi.” Jerome nói theo. “Cậu ấy có ý thức rất tốt về công việc kinh doanh… Ai mà biết được, biết đâu một ngày nào đó chúng tôi sẽ cùng nhau mở công ty thì sao,” hắn mơ màng nói to.
Vị giáo sĩ viết tên Issac bên cạnh chữ đối tác.
“Nguồn vốn dự án là những công ty đầu tư đang lập kế hoạch đầu tư dài hạn… nhất là trong các dự án về công nghệ…”
“Nguồn vốn dự án,” vị giáo sĩ viết. “Đó là nguồn tài chính tiềm năng thứ ba của chúng ta.”
“Làm sao mà tưởng tượng ra nổi nguồn vốn dự án được đây?” Jerome hỏi Schneiderman.
“Tôi không biết nguồn vốn dự án là gì,” cậu sinh viên trả lời, cười nhẹ, giọng có chút hơi xấu hổ. “Tuy vậy, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là một con kền kền(28)… Nghe giống nhau lắm, một con kền kền to bự – một con kền kền có thể sà xuống chỗ tôi bất cứ lúc nào.” Cậu ta nhìn sang bên phải và đưa hai tay lên ôm lấy đầu như thể có cái gì đó sắp rơi xuống. “Tôi nghĩ là từ chủ đạo ở đây phải là kền kền.”
“Quá chuẩn!” Jerome hào hứng. “Một con kền kền suýt nữa thì đáp xuống đầu mình. Mình nhảy ra tránh được nhưng nó đập đập đôi cánh khổng lồ làm bụi bay mù mịt quanh mình.” Hắn tiếp tục dòng tưởng tượng của cậu sinh viên.
“Có nhiều nguồn tài trợ và hỗ trợ khác nhau…” vị giáo sĩ tiếp tục.
Jerome nhanh nhảu nói luôn, “Nguồn tài chính tiềm năng thứ tư – tài trợ.”
Vị giáo sĩ ghi ngay ra lề trang giấy.
“Tôi tưởng tượng ra hình ảnh tướng Ulysses S. Grant(29) đi xuống phố, chân dậm thình thịch đầy kiêu hãnh,” Jerome miêu tả hình ảnh tưởng tượng của mình.”
“Nguồn tài chính chủ yếu thường là vốn vay ngân hàng, được bảo đảm bằng một tài sản thế chấp nào đó,” vị giáo sĩ đọc tiếp.
Ông và Jerome nhìn nhau và cùng bật ra một lúc, “Vay.”
“Anh nghĩ đến hình ảnh gì?” cậu sinh viên hỏi.
“Từ ‘vay’ khiến tôi nghĩ đến chuyện phải ở một mình(30),” Jerome nhún vai.
“Rất tốt,” Schneiderman nhận xét, hài lòng thấy rõ vì khả năng nghĩ ra những ý tưởng kỳ cục rất nhanh chóng của Jerome.
“Nếu cậu không trả được nợ cho ngân hàng,” tôi xen vào, “cậu có thể chắc chắn một điều là cậu sẽ một mình, hoàn toàn một mình, chẳng có việc làm ăn nào để mà nghĩ đến hết. Từ này được đấy.”
“Thế thôi,” vị giáo sĩ kết luận khi lướt qua một lượt hết toàn bộ trang giấy ông cầm trên tay. “Vậy những lựa chọn chủ yếu về nguồn vốn cho một công ty là gì nào?”
“Xem nào,” Schneiderman nhắm mắt suy nghĩ một lát, “tiết kiệm cá nhân, đối tác, nguồn vốn dự án, tài trợ và vay.” Cậu ta nhắc lại toàn bộ danh sách với tốc độ khá nhanh so với một người sống tách biệt khỏi thế giới làm ăn kinh doanh.
“Tốc độ thật!” Itamar thán phục.
“Điều này dẫn ta đến với câu hỏi tiếp theo, quan trọng hơn nhiều – làm thế nào để nhớ được tất cả những từ chủ đạo? Hay chính xác hơn là làm thế nào để nhớ được một danh sách các từ ngữ.”
“Cuốn Kuzari đã nhắc đến một thứ giác quan, đó là giác quan chia sẻ. Giác quan này cho phép kết nối những điều khác nhau trong một thời gian, không gian cụ thể nhằm khôi phục, kích thích và tái tạo trí nhớ. Chẳng hạn, vị giác cảm nhận được mùi vị còn thị giác thấy được màu sắc. Lưỡi ta nếm được vị ngọt của mật ong nhưng không thể thấy được màu vàng óng của nó. Còn mắt ta thấy được màu nhưng lại không có ý niệm gì về vị. Giác quan chia sẻ, nói cách khác, làm cầu nối cho các giác quan khác nhau. Khi mắt ta nhìn thấy mật ong và bộ não ta xác nhận rằng vị ngọt của mật ong tương tự như khi mắt ta nhìn thấy tuyết thì cảm giác lạnh sẽ khiến toàn bộ cơ thể run lên. Vì một giác quan thường đưa đến một giác quan khác nên người ta đã nảy ra ý tưởng về việc tạo ra một chuỗi các ý tưởng hoặc từ ngữ có mối liên hệ với nhau, cái này dẫn đến cái kia.” Cậu ta dùng khăn lau miệng. “Có thể là một câu chuyện để liên kết tất cả các từ ngữ.”
“Một câu chuyện liên kết,” tôi nhắc lại với Jerome. “Có phải đó là cách cậu nhớ được tất cả những từ chủ đạo trong phần tóm tắt của Jerome không?” Tôi hỏi Schneiderman.
“Để nhớ được tất cả những khả năng tập hợp nguồn vốn, tài chính công ty, tôi thấy trước mắt mình một chiếc máy ATM khổng lồ đặt cạnh xưởng may của cô tôi ở Bnai Barak,” cậu ta ngừng lại để xem chúng tôi có theo dòng suy nghĩ của mình không.
“Chiếc máy ATM tượng trưng cho nguồn tài chính còn xưởng may tượng trưng cho một công ty,” Jerome mỉm cười. “Rất hay.”
“Bây giờ câu chuyện bắt đầu,” Schneiderman nói tiếp. “Tôi tưởng tượng mình đang ngồi ở ngoài hành lang xưởng, gần chiếc máy ATM, tay cầm một chiếc bao tải màu nâu may bằng một thứ vải dày và chắc. Chiếc máy bị trục trặc. Hàng ngàn đồng tiền vàng đang tuôn ra từ khe máy, chảy thẳng vào chiếc bao tải mà tôi đang nắm thật chặt.”
“Tiết kiệm cá nhân,” Thầy Dahari giải thích, có vẻ cho chính mình nhiều hơn.
“Cái bao tải khá nặng. Solomon, đối tác của tôi và là Hevrutah của tôi, đến giúp một tay. Nhờ sự giúp đỡ của cậu ấy, tôi nhấc được chiếc bao lên và chúng tôi bắt đầu đi xuống phố. Rồi bỗng nhiên chúng tôi bị cướp.” Cậu ta giơ hai tay lên đầu. “Từ phía bên kia đường, bất ngờ, một con kền kền khổng lồ lao về phía chúng tôi, quắp lấy cái bao tải và quẳng cho ông chủ của nó, tướng Grant, ông này nhanh chóng mất hút cùng với bao tải tiền. Solomon đuổi theo nhưng một chiếc xe từ đâu lao đến và đâm vào cậu ấy. Vậy nên, tôi đứng đó, chỉ còn lại một mình.” Cậu khoanh tay, mỉm cười và tựa vào ghế. “Hết rồi.”
Cả ba chúng tôi nhìn cậu ta, đầy kinh ngạc.
“Rõ ràng, cậu được bề trên ban cho một trí tưởng tượng phi thường,” vị giáo sĩ thán phục.
“Đúng thật đấy, Josik à,” Jerome nói, không giấu sự hứng khởi. “Sao cậu lại suốt ngày ở trong trường được chứ? Đáng lẽ ra cậu nên viết kịch bản cho Hollywood. Biết đâu cậu lại thành Steven Spielberg của cộng đồng Do Thái chính thống ấy chứ.”
Cậu sinh viên hơi đỏ mặt.
“OK, cậu phải thừa nhận là phương pháp này rất có hiệu quả,” tôi nói với Jerome bằng giọng yêu cầu nghiêm túc.
“Cậu dành cả ngày chỉ để tưởng tượng thôi sao?” Itamar băn khoăn. “Nó đòi hỏi một trí tưởng tượng tích cực và cực kỳ nhiều nỗ lực, mỗi lần phải nghĩ ra một câu chuyện hoàn toàn mới đâu phải dễ, còn chưa tính đến thời gian bỏ ra nữa.”
“Thật ra thì không phải thế,” Schneiderman cố trấn an Itamar. “Thực tế là tôi đã nghĩ ra toàn bộ câu chuyện từ lúc mọi người nói đến chủ đề này lần đầu tiên rồi.”
“Vấn đề ở đây là phải thực hành phương pháp này cho đến khi nó trở thành bản năng thứ hai của ta,” tôi bổ sung, dựa trên những kinh nghiệm chuyên môn của chính mình trong chuyện này. “Có thể ngay lúc này, ta thấy để làm được như thế, trí óc ta sẽ phải hoạt động rất nhiều nhưng cuối cùng, chính điều đó lại giúp ta tiết kiệm thời gian và giúp ta hiểu được nhiều tài liệu hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn.”
“Đúng đó,” Schneiderman tiếp tục dòng suy nghĩ của tôi, “bởi vì khi đó anh thực sự sắp xếp các thông tin thu nhận được theo một hệ thống có tổ chức. Điều này giúp anh không phải mất công xem đi xem lại một tài liệu nhiều lần để ghi nhớ nữa. Một câu chuyện liền mạch, rõ ràng cực kỳ hiệu quả.”
Itamar, vẫn còn đang hoài nghi, nhìn sang Jerome để đánh giá phản ứng của hắn.
“Nếu cậu muốn hỏi tớ thì có vẻ đây là một cách học rất hay,” Jerome lên tiếng như thể đọc được câu hỏi trong đầu Itamar. “Chắc chắn, tớ sẽ thử cách học này.” Hắn mỉm cười hài lòng.
“Vậy là tốt rồi. Tớ phải nói thật là cậu cũng được ban cho một trí tưởng tượng khá phát triển đấy,” Itamar bổ sung. “Những chiếc áo phông của cậu có thể chứng minh điều đó. Tớ thì lại khác, tớ không có được trí tưởng tượng như thế. Bộ óc tớ hoạt động theo một cách hoàn toàn khác.” Cậu ta đưa ngón trỏ bàn tay phải lên vẽ một hình vuông trong không khí. “Cậu có phương pháp nào khác không?” cậu ta hỏi nhẹ nhàng, gần như là van nài.
“Logic hơn một chút hả?” Joseph Hayim Schneiderman gật đầu và bắt đầu tìm trong đống giấy tờ của mình.
“Rogachev, một học giả rất được trọng vọng, có những khoảnh khắc mà ông gọi là ‘bố cục.’. Như thể toàn bộ trí óc ông là một chuỗi những mối liên kết. Bí quyết của ông nằm ở cách ông sắp xếp mọi thứ trong đầu mình.
“Mọi thứ trong tự nhiên đều được xếp vào các nhóm khác nhau: các chủng tộc, các loài, các loại. Từ tuổi rất nhỏ, trẻ con đã bắt đầu sắp xếp mọi thứ thành các nhóm và chúng biết rằng quả chuối là thứ ăn được trong khi búp bê là đồ chơi và không ăn được.” Schneiderman hơi mỉm cười. “Lịch sử được chia thành những niên đại. Địa điểm thì được phân chia thành các đất nước, khu vực, thành phố khác nhau. Ở đây chẳng có gì là bí mật cả. Chúng ta sẽ dễ nhớ hơn nhiều nếu những thứ cần nhớ là một bộ phận của một nhóm nào đó, hoặc nếu trí óc ta tự tìm thấy sự logic của riêng nó. Trong đạo Do Thái cũng vậy thôi. Về cơ bản, mọi chủ đề và ý tưởng đều được phân chia, sắp xếp vào các nhóm một cách định lượng. Có tất cả bao nhiêu cuốn sách của Moses?”
“Năm,” Itamar đáp.
“Thế có tất cả bao nhiêu điều răn?”
“613.”
“OK. Vậy ta sẽ thử làm một thí nghiệm nho nhỏ để xếp mọi thứ thành nhóm nhé. Thậm chí cả 613 điều răn cũng được chia thành các nhóm. Có 248 điều răn tích cực, tức là những điều nên làm, và 365 điều răn tiêu cực, hay nói cách khác là những điều cấm. Kinh thánh Do Thái được chia thành các chương, các đoạn, cụ thể: 39 cuốn, 929 chương, 23.214 đoạn và 773.000 từ,” Joseph Hayim Schneiderman liệt kê, làm tất cả mọi người đều kinh ngạc.
“Thử lấy một thứ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta làm ví dụ, như danh sách đồ cần mua khi đi siêu thị chẳng hạn, ta sẽ thấy rằng nếu chia chúng thành các nhóm, như thịt cá, rau, đồ bơ sữa thì sẽ dễ nhớ hơn nhiều, đúng không?” cậu hỏi và nói tiếp luôn, không đợi một câu trả lời. “Ví dụ, nếu ta biết rằng phải mua năm thứ đồ bơ sữa và bốn loại hoa quả khác nhau, ta sẽ dễ nhớ danh sách cần mua đó hơn, đúng không?”
“Ừ, chắc chắn rồi,” Itamar tán thành. “Lần nào vợ tôi gọi điện bảo tôi mua đồ, tôi cũng hỏi xem có tất cả bao nhiêu món phải mua. Nếu cô ấy bảo là sáu món thì tôi luôn mua đủ sáu nhưng chưa bao giờ đúng sáu món cần mua cả.”
“Vợ tớ thì chẳng ghi danh sách các thứ cần mua bao giờ,” tôi xen vào.
Ai cũng nhìn tôi ngạc nhiên.
“Cô ấy chỉ túm lấy một chiếc xe đẩy hàng còn trống và ném vào đó tất cả những thứ cô ấy thấy.”
Cậu sinh viên mỉm cười hiểu ý và nói tiếp. “Khi học Torah, sự logic và dễ hiểu của các sự kiện và mối quan hệ giữa các chủ đề giúp trí nhớ hoạt động hiệu quả hơn. Trật tự sắp xếp các vấn đề thường là từ dễ đến khó. Cũng như trong cộng đồng tôn giáo vậy, năm tuổi thì học Kinh thánh, mười tuổi học Mishna, đến mười lăm tuổi thì học Gomorrah. Như kiểu xây nhà ấy – móng nhà là Kinh thánh rồi sau đó ta mới xây thêm các bức tường và mái nhà.”
“Mọi thứ đều theo trật tự thời gian,” Itamar nói.
“Đúng vậy,” Schneiderman trả lời. “Trong đạo Do Thái, trật tự của mọi thứ và mối quan hệ giữa chúng đều dựa trên thứ tự của các sự kiện trong Kinh thánh, tức là theo trật tự thời gian,” cậu giải thích.
“Như Mishna chẳng hạn,” thầy Dahari gợi ý.
Rồi vị giáo sĩ và cậu sinh viên trường đạo thay nhau giải thích một hồi dài về các phần, các đoạn trong Mishna. Bỗng nhiên, họ dừng lại khi nhận ra rằng tâm trí của Jerome đang lang thang ở đâu đó.
Sự im lặng đột ngột đưa sự chú ý của Jerome quay trở lại bàn thảo luận. “Làm ơn… đừng quá ba đoạn,” hắn khẩn khoản.
“Xin lỗi, gì cơ?”
“Khi mọi người trích dẫn Kinh thánh, tôi chỉ có thể theo đến đoạn thứ ba thôi,” hắn giải thích. “Đất hoang, trau dồi, lượm lặt, thời đại…toàn những thứ khó tiêu hóa thôi. Tôi không được giỏi món Kinh thánh lắm đâu. Mà còn nữa,” hắn quay sang vị giáo sĩ và cậu sinh viên. “Trong một luận văn có viết, ‘Một người nên giải thích cho bạn mình mọi thứ bằng một cách thật ngắn gọn và rõ ràng, nếu không họ sẽ không làm bạn với bạn nữa bởi vì một người bạn mà không hiểu gì rất có thể sẽ khó chịu về việc bạn mình thông minh hơn mình hoặc cố gắng tỏ ra thông minh hơn mình vậy nên người bạn đó sẽ không muốn học cùng anh ta nữa mà tìm một nhóm khác học tập vui vẻ hơn, một nhóm thích ăn trứng dầm mật ong với bánh mì nướng chưa bão hòa bằng dấm…” Hắn ngồi thẳng lên, tự hào thấy rõ vì đã pha trò làm mọi người cười.
“OK,” vị giáo sĩ tán thành, hoàn toàn thích thú trước cơn bột phát nho nhỏ của Jerome.
“Chúng ta đã nói đến việc sắp xếp mọi thứ theo trật tự logic,” Itamar bắt đầu, “tôi sẽ sắp xếp danh sách các nguồn tài chính cho doanh nghiệp mà chúng ta đã liệt kê ra theo trật tự thời gian, một trật tự mà tôi sẽ thực hiện nếu tôi bắt đầu công việc kinh doanh. Như thế, có thể tôi sẽ nhớ được hết các thuật ngữ.” Cậu ta ngước mắt lên, thở mạnh ra và cắn môi suy nghĩ.
“Được rồi, xem nào…trước hết, tôi sẽ khởi nghiệp bằng tài sản của riêng mình và xem tiền tiết kiệm cá nhân của mình có được bao nhiêu. Rồi, tôi sẽ nhờ bạn bè, gia đình giúp, hứa cho họ phần trăm với tư cách là các đối tác. Sau đó, tôi sẽ đi vay, cái này lúc trước mọi người xếp ở cuối danh sách. Cuối cùng, tôi sẽ thử tìm nguồn vốn dự án hoặc tài trợ.”
“Xuất sắc,” vị giáo sĩ nhận xét. “Ai cũng nên tự tìm cho mình phương pháp hiệu quả nhất để ghi nhớ.”
Cậu sinh viên ra hiệu muốn bổ sung thêm một vài chi tiết.
“Tôi muốn dùng hệ thống ký hiệu. Thật ra có một vài phương pháp sử dụng hệ thống đó.”
“Chẳng phải chúng ta đã nói đến điều này rồi sao?” Jerome nói to suy nghĩ của mình. “Những từ chủ đạo ấy.”
“Joseph muốn chỉ những chữ cái đầu tiên của từ và từ viết tắt mà,” vị giáo sĩ giải thích.
Trò chơi zigzag
“Trong Iruvin có viết, ‘Torah chỉ có thể được hiểu thông qua các ký hiệu,” Schneiderman trích dẫn.
“Ký hiệu có thể là những từ chủ đạo như ‘cầu nguyện và rửa’ trong Haggadah hay những chữ cái đầu như trong mười loại dịch bệnh đối với người Ai Cập. Anh có nhớ không?” bỗng nhiên cậu ta hỏi Jerome.
“Ừm, có chứ. Đó là DaTZaCH, ADaSH, Ba Ba gì đó.”
“BaHaV,” Schneiderman nói tiếp hộ Jerome.
“Đúng rồi, DaTZaCH – Dam (máu), Tzfardeah (ếch), Chinim (rận), v.v.”
“Thế cậu có biết từ ‘tapuz’ (quả cam) thật ra có nghĩa là gì không?” Itamar hỏi.
“Tapuah Zahav (Trái táo vàng),” Jerome bật ra.
“Mọi người có biết tên của hãng hàng không quốc gia yêu quý của chúng ta, El-Al, là gì không?” Jerome hỏi, và trước khi bất cứ ai kịp trả lời, hắn nói luôn. “Every Landing, Always Late (Lần nào hạ cánh cũng muộn)…hay Every Luggage Always Lost (Hành lý nào cũng mất).”
“Bây giờ làm gì đến nỗi tệ thế đâu,” Itamar phản bác. “Thực ra, bây giờ tớ thấy nó còn tốt hơn hết cả mấy hãng tớ đã từng đi ấy chứ. Này, thế mọi người có biếệt T.W.A là viết tắt của cái gì không?” Itamar đố mọi người.
“Try With Another (Thử cái khác),” Jerome nói luôn.
“Còn Fiat, hãng xe của Italia – Fix It Again Tony (Sửa lại lần nữa đi Tony)!”
“Nhưng ở đây, lại nảy sinh một vấn đề khác,” Itamar nói và nhíu mày. “Tôi hoàn toàn hiểu phương pháp mà cậu gợi ý nhưng thành thật mà nói, hầu hết các từ viết tắt chỉ là một nhóm các chữ cái được ghép với nhau thành một dạng thức vô nghĩa. Chẳng hạn, làm sao mà cậu nhớ được những từ như là DaTZaCH AdaSH hay GaNBaCH RaKBaSH? Về cơ bản, chúng hoàn toàn vô nghĩa.”
Thầy Dahari thay đổi tư thế ngồi.
“Hãy cố gắng sắp xếp từ viết tắt theo một trật tự khác nghe dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, bài học về tài chính mà Jerome tóm tắt,” vị giáo sĩ gợi ý. “Theo thứ tự mà cậu tóm tắt trong giấy thì những từ personal savings (tiết kiệm cá nhân), partners (đối tác), loan (khoản vay), venture capital (vốn dự án) và grants (tài trợ) sẽ tạo thành từ PeSPL-VCG. Nhưng nếu cậu chuyển vị trí của một vài chữ cái, cậu sẽ có PePSi CaVe LeG, như thế chắc chắn sẽ dễ nhớ hơn.”
Itamar gật đầu còn Jerome thì bổ sung sáng tạo của riêng mình.
“Rồi cậu có thể tưởng tượng một người Neanderthal mới tìm được nguồn tài chính cho công ty săm lốp của mình, đang ngồi uống Pepsi ăn mừng trong cái hang (cave), chân (leg) đung đưa vui vẻ.”
Itamar cười phá lên.
“Cậu giỏi tưởng tượng thật đấy.”
“Còn có từ viết tắt đảo ngược và từ viết tắt song song nữa,” Schneiderman nói thêm.
“Từ viết tắt đảo ngược… và từ viết tắt song song,” Jerome nhắc lại.
“Như thế này nhé. Một mặt, một nhóm các từ ngữ có thể rút gọn lại thành một từ viết tắt. Mặt khác, để nhớ một từ nào đó, ta cũng có thể chuyển nó thành một câu hoặc thành một từ viết tắt,” Schneiderman giải thích.
“Tôi nghĩ tôi có thể hiểu điều này,” Itamar ngắt lời. “Tôi vẫn sử dụng phương pháp này để nhớ những mã máy tính và mật khẩu phức tạp.” Cậu ta lấy một tờ giấy trắng ở chỗ Schneiderman và rút chiếc bút nổi tiếng của Jerome ra khỏi túi áo hắn mà không thèm hỏi mượn. Itamar viết ra một dãy các chữ cái và con số – PMBJ3K5.
“Cậu đã bao giờ cần nhớ một mật khẩu kiểu như thế này chưa, để vào mạng Internet chẳng hạn?” cậu ta hỏi tôi.
“Thật không may là có,” tôi trả lời.
“Vậy, cách làm ở đây là hãy coi cái dòng lộn xộn này là chữ viết tắt của một câu nào đó. Mỗi chữ cái trong mật khẩu là chữ đầu tiên của một từ nào đó. Chẳng hạn, mã PMBJ3K5 vô nghĩa này có thể được chuyển thành một câu như, ‘P-Please M-Make B-Big J-John 3 shots of K5 (Làm ơn pha cho John Bự 3 ly K5) …đó là tên một loại cocktail. Được chứ, phải không?” cậu ta hỏi. “Bằng cách này, cậu đã chuyển một thứ hoàn toàn vô nghĩa thành một thứ có nghĩa mà cậu có thể nhớ được.”
“Một ý tưởng rất hay,” Jerome thán phục. “Nhưng còn từ viết tắt song song thì sao?”
“Đó là cách ngày xưa mọi người vẫn dùng để nhớ các đơn vị đo và tiền tệ cổ,” cậu sinh viên giải thích. “Cũng như ở Mỹ người ta chia các đơn vị tiền tệ thành đô-la, quarter (đồng 25 xu), dime (đồng 10 xu), nickel (đồng 5 xu) và xu. Thời Mishna, tiền cũng được phát hành dưới các dạng sela, dinar, me’ah, pondyon, isair và pruta. Vậy làm thế nào để nhớ được một sela bằng bao nhiêu dinar và một dinar bằng bao nhiêu me’ah? Họ đã tạo ra các từ viết tắt sử dụng những chữ cái đầu tiên của mỗi đồng tiền – SaDaM PIP – và nhóm chúng lại thành từ DOBeBaH. Nhìn xem nhé.” Cậu ta rút ra một tờ biểu đồ.
(31)
Như mọi người thấy đấy, sử dụng phương pháp này, người xưa có thể dễ dàng biết và nhớ được là sela có ‘D,’ tức là 4 dinar, và ‘O’ me’ah, có nghĩa là 6 me’ah, bằng một dinar, tương tự như vậy với các đơn vị khác. Có dễ hiểu không?”
“Hoàn toàn dễ hiểu,” tất cả chúng tôi đồng thanh.
“Đó cũng là cách tôi nhớ các loại đồng xu khi tôi đến New York năm ngoái để thăm ông bác. Tôi đã sử dụng hệ thống này.” Cậu ta rút một chiếc bút ra và viết DYCHaK – DeQDaNCe.
Đô-la =
D (Chữ cái Do Thái có giá trị số học là 4) – 4 đồng quarter
Y (Chữ cái Do Thái có giá trị số học là 10) – 10 đồng dime
CH (Chữ cái Do Thái có giá trị số học là 20) – 20 đồng nickel
K (Chữ cái Do Thái có giá trị số học là 100) – 100 đồng cent
“Thế cậu mua gì ở New York?” Jerome tò mò hỏi.
“Ừm…” Schneiderman cố nhớ lại. “Tôi không nhớ ra mình có mua thứ gì đặc biệt không. Tôi tiêu gần hết tiền vào việc đi taxi và đồ ăn uống,” cậu giải thích. “À không, thật ra tôi có mua một chiếc máy ảnh ở đó.”
“Này, Jerome,” tôi xen vào, “thử tưởng tượng cậu bước vào một cửa hàng nhỏ, hỏi mua một ổ bánh mì: ‘Xin lỗi, ông có nhận sela không hay ông thích tôi trả bằng pondyon hơn?’”
Jerome cười lịch sự rồi ngay lập tức chuyển sang kể câu chuyện của hắn. “Một nhóm người ở nhà thương điên tham gia một tour du lịch. Trên đường đi, họ ghé vào một quán cà phê. Người phụ trách nhóm đến chỗ chủ quán và giải thích, ‘Nghe này, tôi đến đây với một nhóm người được xác định là bị điên nhưng không nguy hiểm. Nếu ông không phiền, đến cuối bữa ăn, họ sẽ trả ông bằng nắp chai, lúc đó tôi với ông sẽ thanh toán sau nhé. Có được không?’ Chủ quán có vẻ rất thích thú và chấp nhận yêu cầu lạ lùng đó. Sau khi tất cả đã uống xong cà phê, mỗi người đều đến chỗ thu ngân và để lên bàn số nắp chai mà theo họ là đủ. Khi tất cả đã ra ngoài hết, người quản lý túm lấy tay người phụ trách đoàn và nhắc ông ta về thỏa thuận giữa họ. ‘Này ông, ông đã hứa là bây giờ chúng ta sẽ thanh toán.’ ‘Ồ, phải rồi,’ người phụ trách trả lời và bắt đầu lục chiếc túi của mình, ‘Ông có tiền lẻ trả lại cho nắp thùng rác không?’”
Schneiderman cười toe toét và bắt đầu thu dọn tất cả đống giấy tờ của mình. “Tất cả đấy,” cậu ta kết luận trong lúc nhét chúng vào túi. “Đó là những thủ thuật liên quan đến ký hiệu mà tôi thường áp dụng để ghi nhớ.”
Itamar gãi gãi đầu và mang một bộ mặt khó hiểu, hồi đó cậu ta vẫn hay thế.
“Vậy đó là cách cậu nhớ những quy tắc, những luật lệ Do Thái và các phân đoạn của Torah sao?” cậu ta hỏi.
“Đúng vậy,” cậu sinh viên khiêm tốn trả lời rồi rút một điếu thuốc mỏng từ chiếc hộp để trong túi áo khoác. “Bằng những từ ngữ chủ đạo liên quan đến những câu chuyện và những ký hiệu.”
“Và cậu không bao giờ quên điều gì sao?” Itamar tiếp tục, giọng đầy hoài nghi.
Schneiderman châm lửa và cười, “Tất nhiên, tôi có quên chứ.” Cậu ta dừng lại, hít vài hơi. “Không có ai hoàn hảo cả. Thế nên người ta mới phải dùng đến những phương pháp cải thiện trí nhớ.”
Ghi nhớ bằng cách lặp lại và ngữ điệu
“Người học Torah mà không trở đi trở lại với nó thì cũng như một người gieo hạt mà không thu hoạch vậy. Mọi thứ con người học được đều phải được lặp lại nhiều lần cho đến khi hoàn toàn nhuần nhuyễn,” Schneiderman giải thích.
“Đúng thế,” Itamar có chung quan điểm. “Lặp lại là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp con người ghi nhớ được lâu dài.”
“Khi học Torah,” cậu sinh viên tiếp tục, “mục tiêu là phải lặp lại bởi vì chỉ bằng cách trở đi trở lại vấn đề thì vấn đề đó mới ở lại trong đầu ta được. Nếu ta không xem lại tài liệu, ta sẽ không nhớ được và nếu ta không nhớ được thì chính là ta đã lãng phí cả thời gian và công sức của mình. Có một câu nói thế này, ‘Một người có thể học Torah trong hai mươi năm nhưng có thể quên hết chỉ trong hai năm.’”
“Vậy nên,” vị giáo sĩ bổ sung, “mỗi năm, đều đặn, chúng tôi đều lặp lại và học lại những cuốn sách linh thiêng. Mỗi năm chúng tôi đều ôn lại từng phần của Torah, Mishna và các nguyên tắc luật Do Thái. Năm nào cũng vậy, hết năm này qua năm khác, mãi mãi sẽ như thế.”
“Và nhắc lại cho đến khi thuộc lòng,” Schneiderman nói tiếp, “có nghĩa là tuần tự hỏi và trả lời, để đạt hiệu quả tốt nhất, phải lặp đi lặp lại năm lần đến khi người học tự mình nhớ được tất cả. Nếu người nào đó chỉ có thể học một mình thôi thì trong khi học phải nói thật to và có ngữ điệu.”
“Có ngữ điệu?” Jerome nhắc lại. “Thế nghĩa là sao? Phải hát lên à?” Hắn không tin vào tai mình.
“Về cơ bản là thế,” cậu sinh viên xác nhận. “Trong Megila có câu, ‘Người nào dùng điệu hát để học sẽ ghi nhớ tốt hơn.’”
“Thế cậu hát trong lúc học thật à?” Jerome hỏi, giọng đầy hoài nghi.
“Dĩ nhiên rồi. Nhiều thứ lắm… nhưng, đợi đã… Anh đã làm lễ trưởng thành chưa?”
“Tất nhiên là rồi chứ,” Jerome mau lẹ trả lời luôn.
“Nếu thế thì anh học phần Haphtarah của mình thế nào?” Schneiderman hỏi.
“À, đúng rồi, cậu nói đúng đấy.” Jerome nhắm mắt và nhớ lại. Một nụ cười thỏa mãn nở trên miệng hắn khi hắn bắt đầu đung đưa theo nhịp điệu và cất giọng hát.
“Chúa của co-o-o-o-on, người cứu rỗi co-o-o-o-on, người bảo vệ co-o-o-o-on…”
Hắn mở mắt và vỗ tay. “Thật không thể tin được!” hắn thừa nhận. “Tôi vẫn còn nhớ phần Haphtarah của mình đấy. Mười năm rồi còn gì!”
Vị giáo sĩ ra hiệu muốn có ý kiến. “Tôi muốn nói thêm là không chỉ có hát mới hiệu quả cho trí nhớ mà chính bản thân âm nhạc, như chúng ta đã nói, cũng giúp ta thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và hỗ trợ việc ghi nhớ.”
“Văn hóa Do Thái cũng có khá nhiều mối liên hệ với âm nhạc,” Itamar nói.
Vị giáo sĩ gật đầu, “Đức vua David chơi đàn harpe, Adam chơi đàn harpe và vĩ cầm, Asaf chơi đàn chũm…”
“Học bằng giai điệu,” Jerome nhắc lại, liếc nhìn quyển vở của mình. Hắn bắt đầu ngâm nga giai điệu của bài Người lạ trong đêm (Strangers in the Night) của Frank Sinatra, thỉnh thoảng đệm thêm vào một khúc biến tấu kiểu Trung Đông. “Gánh-nặng va-a-ay nợ…hủy hoại việc làm ăn, nếu không có tài chính…chẳng có cơ hội thành công…la la la…” Hắn gập quyển vở lại và ngả người tựa vào thành ghế.
Itamar đung đưa trên ghế, có vẻ hơi thiếu thoải mái. “Tôi không hiểu,” cậu ta lên tiếng. “Nếu đã cần sử dụng trí tưởng tượng, tạo ra những hình ảnh tượng trưng và những mối liên kết và nghĩ ra những câu chuyện mà vẫn phải ôn lại mọi thứ nữa…Tôi thấy như thế phải mất đến hàng năm! Sao không đơn giản chỉ thực hành và ôn lại những gì đã ghi chép khoảng ba bốn lần gì đó, thế thôi? Nếu dùng những phương pháp này để nhớ khoảng hai mươi cuốn sách gì đó thì với tôi, quả thực đó là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề, có thể sẽ tốn cả đời mất… và ta được gì cơ chứ?”
Schneiderman dừng lại, tìm lời giải thích cho nỗi băn khoăn của Itamar.
“Có lẽ tớ giải thích được,” tôi tình nguyện. “Tài liệu học hành cũng như phong cảnh vậy. Lần đầu tiên nhìn, luôn có rất nhiều thứ đập vào mắt: một mái ngói đỏ, một hàng rào dây leo kín, những cái cây, những quả đồi… Đó là những dấu hiệu thu hút đôi mắt và ghi vào trong trí nhớ của ta. Khi ta đọc một bài báo, hãy chọn ra những từ ngữ chủ đạo và liên kết chúng thành một câu chuyện nào đó. Nghe có vẻ phức tạp nhưng rồi ta sẽ phải ngạc nhiên khi thấy mình nhớ được đến hàng trăm từ như thế chỉ trong một giờ thôi! Có thể bây giờ cậu không tin đâu vì cậu chưa thử bao giờ! Vấn đề là hầu hết các sinh viên trên thế giới này đều làm chính xác điều mà cậu nói… học, đọc và xem lại một chỗ nào đó khoảng 10 – 20 lần, những thứ còn lại thì phó mặc cho may rủi. Họ nhớ được gì thì nhớ, không nhớ được thì thôi – ‘Ồ tốt rồi… Ít nhất mình cũng nhớ được phần lớn.’ Nhưng điều đó hoàn toàn là sai lầm. Nếu cậu học bằng cách sử dụng phương pháp của Hayim, cậu có thể tạo ra một tình huống để khi làm bài thi cậu sẽ không thể quên được. Đó là bởi vì cậu đã làm việc một cách có hệ thống. Mỗi từ chủ đạo đều nhắc cậu nhớ đến một ý tưởng cụ thể nào đó mà cậu có thể giải nghĩa ra đến cả trang giấy… Cứ thử xem.” Tôi kết thúc bài giải thích.
Itamar nhún vai. “Cũng có thể,” cậu ta thở dài.
“Bộ não chúng ta có sức chứa vô hạn,” Schneiderman tiếp tục. “Nó giống như một đại dương mênh mông có thể hấp thu hàng triệu, hàng triệu ý tưởng và khái niệm. Mọi điều ta nhìn thấy, nghe thấy hay nghĩ đến trong cuộc sống, mọi ý tưởng… tất cả mọi thứ. Mọi thứ đi vào bộ não và trở thành một phần vĩnh viễn của trí nhớ. Tất cả những ý tưởng này có thể được rút ra cùng với sự trợ giúp của một chiếc máy bơm trí nhớ mà mỗi ngày ta sử dụng đến hàng ngàn lần. Có lúc dễ, có lúc lại rất khó. Điều đó phụ thuộc vào cách mà ban đầu con người nạp thông tin vào trí nhớ: ta để nó tự tìm đường vào, tức là kiến thức tự tìm cho mình một ngăn ngẫu nhiên nào đó trong bộ não, hay ta cho nó vào một ngăn cụ thể, một ngăn ta khóa lại bằng một chiếc chìa khóa đặc biệt chỉ tra được vào ổ khóa của ngăn đó – đó chính là mối quan hệ hay những biểu tượng mà tôi nói đến. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân ta thôi.” Cậu ta nói xong nhưng rồi nhanh chóng bổ sung luôn. “Một người hoàn toàn có thể ghi nhớ một khối lượng lớn thông tin. Điều đó, thực tế, chẳng có gì phải nghi ngờ. Có chăng, nghi ngờ chỉ là nghi ngờ của chính bản thân con người. Chính sự nghi ngờ của ta làm ta nghĩ rằng đó là một nhiệm vụ khó thực hiện. Vì vậy, như anh Eran đã nói… hãy cứ thử xem. Phải thực hành thì nó mới trở thành bản năng được. Cũng giống như ta học một thứ tiếng khác vậy thôi.”
Itamar vặn vẹo ngón tay và lúc lắc đầu. “Cậu nói đúng. Sự thực là tôi chưa bao giờ thử, và nghe có vẻ sẽ mất nhiều công sức đây. Nhưng… có lẽ, tôi nên thử một lần xem sao.”
Jerome đặt tay lên vai Itamar. “Không, Itamar! Không cần phải thử đâu,” Jerome cảnh báo. “Cậu là giáo sư, một giảng viên đại học. Nhiều giáo sư đi trước cậu đã cố gắng thay đổi cách nghĩ rồi và kết quả là gì, cho đến tận bây giờ họ vẫn đang bị bong não đấy.”
Itamar mỉm cười.
“Đây. Thử một chút nhé,” Schneiderman nói. Cậu ta đẩy tờ giấy và chiếc bút về phía Itamar. “Hãy viết ra danh sách bốn mươi thứ và đánh số từng thứ một,” cậu ta hướng dẫn. “Khi viết, hãy đọc to lên. Chẳng hạn, 1. cái cây, 2. ngôi nhà, 3. cuốn sách, v.v…”
Itamar cầm bút lên, xoay tờ giấy lại cho đúng chiều và bắt đầu viết.
“OK, 1. cái cây, 2… không lấy theo cậu nữa… quả bóng, 3. đèn, 4. chổi, 5…” Cậu ta nhìn xung quanh, tìm thứ để viết. “5. bột mì, 6. con chó.” Và cứ thế tiếp tục cho đến khi hết bốn mươi thứ. “Xe ô tô,” cậu ta kết thúc và úp tờ giấy xuống để Schneiderman không nhìn thấy bản danh sách.
“Cậu muốn tôi tin là bây giờ cậu nhớ được hết danh sách đó sao?” Itamar hoài nghi hỏi lại.
“Tất nhiên,” cậu sinh viên trả lời, như thể đó là một sự thực hiển nhiên vậy. “Anh cứ nói ra một con số và tôi sẽ cho anh biết con số đó tương ứng với thứ gì trong danh sách của anh.”
Itamar ném cho cậu sinh viên một cái nhìn khó hiểu và tự hỏi không biết anh chàng có định ‘chơi’ cậu ta không. “Mười bảy.” Cậu ta nhìn trang giấy rồi nhìn cậu sinh viên.
“Máy ảnh,” cậu sinh viên nói không chớp mắt.
Itamar kiểm tra lại trang giấy một lần nữa. “Oa! Đúng rồi. Số mười bảy là máy ảnh. Được rồi, vậy ba mươi tư thì sao?”
“Dưa chuột,” Schneiderman nói luôn.
“Thật không thể tin được!” Itamar ngạc nhiên cực độ.
“Bốn?”
“Chổi.”
“Josik à, cậu tệ lắm đấy,” Jerome nhận xét.
“Mọi người muốn tôi đọc lại cả danh sách như thế nào? Từ trên xuống hay từ dưới lên?”
“Từ dưới lên đi,” Jerome mau miệng trả lời. Hắn dịch ghế lại sát Itamar để nhìn Schneiderman cho rõ hơn.
Schneiderman đọc lại toàn bộ bản danh sách từ số bốn mươi đến số một, rất nhanh và không mắc một lỗi nào.
“Thật ấn tượng,” Jerome khen.
“Không, chẳng có gì ấn tượng đâu,” Schneiderman đáp. “Đó chỉ là một phương pháp ghi nhớ mà tôi đã học từ thầy Akiva và thầy Aryeh ở Modena thôi,” cậu giải thích. “Ai cũng làm được mà.”
“Thậm chí cả tôi sao?” Jerome lên giọng nghi ngờ.
“Cả anh nữa.” Cậu mỉm cười. “Lần sau, tôi sẽ rất vui mừng dạy anh cách ghi nhớ theo phương pháp đó.” Cậu duỗi chân và nhìn đồng hồ.
Chúng tôi gọi thêm một tuần cà phê nữa. Khi những chiếc bóng đèn màu cam trong sân được bật lên, chúng tôi nhận ra rằng trời đã bắt đầu tối và chúng tôi đã ngồi đây đến gần ba tiếng rồi.
Itamar thanh toán, vị giáo sĩ vào nhà vệ sinh một lát, còn Schneiderman đứng dậy để mặc chiếc áo khoác đen, dài của mình. Ngay khi Jerome liếc xuống nhìn đồng hồ, tôi thoáng thấy Lisa đứng ở cửa quán. Cô ấy vẫy tay và đi về phía chúng tôi. Schneiderman nhìn cô ấy nhưng chỉ một giây sau, lập tức quay mặt đi ngay như thể không muốn bị người khác thấy mình nhìn cô gái quá lâu, bản năng tự nhiên của một người mộ đạo. Tuy vậy, thật ngạc nhiên là hình như cậu ấy biết Lisa.
“Lisa Goldman à?” cậu ta hỏi, nửa muốn khẳng định.
Jerome, đang ở tư thế sẵn sàng đón cô gái, quay lại ngay và nhìn Schneiderman chằm chằm.
“Hai người biết nhau à?” hắn kêu lên.
Ở ngoài lề, tôi chứng kiến toàn bộ câu chuyện, trong bụng nghĩ thầm, vụ này thật hay… Câu chuyện nho nhỏ của chúng tôi đã biến thành một vở kịch ướt át rồi đây.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.