Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

CHƯƠNG 1: HAL VÀ TÔI



Dave, dừng lại.Làm ơn dừng lại đi? Dave, dừng lại. Anh có dừng lại không?”. Siêu máy tính HAL đang cầu xin phi hành gia kiên định Dave Bowman trong một cảnh quay nổi tiếng và cảm động lạ kỳ ở phần cuối bộ phim 2001: A Space Odyssey (2001: Chuyến du hành không gian) của Stanley Kubrick. Khi đang cận kề cái chết trong không gian sâu thẳm do cỗ máy trục trặc, Bowman bình tĩnh và lạnh lùng ngắt mạch bộ nhớ của bộ não nhân tạo. “Dave, trí nhớ của tôi đang biến mất,” HAL khẩn khoản nói. “Tôi cảm thấy điều đó.Tôi cảm thấy điều đó”.
Tôi cũng cảm thấy điều đó. Trong vài năm trở lại đây, tôi có một cảm giác khó chịu là ai đó, hay cái gì đó, đang táy máy bộ não của tôi, sắp xếp lại hệ thần kinh, lập trình lại trí nhớ. Trí nhớ của tôi không biến mất – cho đến lúc này – nhưng nó đang biến đổi. Tôi không còn nghĩ theo cách tôi từng nghĩ. Tôi cảm nhận điều đó rõ rệt nhất trong khi đọc. Trước kia, tôi dễ dàng đắm mình vào một cuốn sách hoặc một bài viết dài lê thê. Tâm trí tôi cuốn theo diễn biến của một câu chuyện hay bước ngoặt của một luận điểm, và tôi từng mải mê nhiều giờ bên những áng văn xuôi dài. Nay điều đó hiếm khi xảy ra. Bây giờ sự tập trung của tôi bắt đầu lỏng lẻo chỉ sau một hay hai trang giấy viết. Việc đọc sâu từng xuất hiện tự nhiên giờ trở nên vất vả.
Tôi nghĩ mình biết điều gì đang xảy ra.Trong hơn một thập kỷ, tôi đã dành rất nhiều thời gian trên mạng, tìm kiếm, xem tin và đôi khi cũng đóng góp vào cơ sở dữ liệu khổng lồ của Internet.Web là của trời cho đối với một người viết sách như tôi. Những nghiên cứu từng cần nhiều ngày vùi đầu trong hàng chồng sách hay trong các phòng lưu trữ tạp chí của thư viện giờ có thể thực hiện trong vài phút. Chỉ cần vài lệnh tìm kiếm trên Google, một vài cú nhấn chuột vào các đường liên kết, tôi đã có những thông tin xác đáng hoặc đoạn trích dẫn giá trị tôi đang tìm kiếm. Tôi không thể tính hết số thời giờ hay số lít xăng mà mạng Internet đã tiết kiệm cho mình. Tôi dùng hầu hết dịch vụ ngân hàng qua mạng và mua sắm trực tuyến rất nhiều. Tôi dùng trình duyệt Web để trả hóa đơn, sắp xếp lịch hẹn, đặt vé máy bay và phòng khách sạn, đổi bằng lái xe, gửi thiếp mời và thiếp chúc mừng. Kể cả khi không làm việc, tôi cũng không ngừng lùng sục các ngóc ngách trên mạng – đọc và viết email, xem qua các tiêu đề và các bài blog, theo dõi tin cập nhật trên Facebook, xem phim, tải nhạc, hoặc chỉ đơn giản là bấm hết đường liên kết này đến đường liên kết khác.
Mạng Internet đã trở thành phương tiện tất cả trong một của tôi, là ống dẫn hầu hết thông tin chảy qua tai và mắt vào trí óc tôi. Sự truy cập tức thì và dễ dàng tới các nguồn thông tin vô cùng phong phú đem lại nhiều lợi ích; điều đó đã được công nhận rộng rãi và ca ngợi thích đáng. Heather Pringle – một người viết bài cho tạp chí Archaeology – đã nói “Google là món lợi diệu kỳ với loài người khi nó thu thập, đúc kết các thông tin và ý tưởng vốn từng rải rác khắp thế giới và từng gần như không đem lại lợi ích cho ai”[7]. Clive Thompson của báo Wired nhận định: “Trí nhớ tuyệt hảo của silicon có thể đem lại món lợi khổng lồ cho tư duy”[8]
Món lợi là thật.Nhưng món lợi cũng có giá của nó.Như McLuhan đã đề xuất, phương tiện truyền thông không chỉ là các kênh thông tin.[9]Chúng cung cấp nguồn thông tin cho suy nghĩ, nhưng chúng cũng định hình quá trình suy nghĩ.Và dường như mạng Internet đang bào mòn khả năng tập trung và suy ngẫm của tôi. Dù tôi có trên mạng hay không, trí óc tôi vẫn muốn nhận thông tin theo cách phân phối thông tin của mạng Internet: theo dòng thông tin di chuyển tức thì. Tôi đã từng ngụp lặn trong đại dương của chữ nghĩa.giờ tôi đang phóng vèo vèo trên mặt nước như đang ngồi trên chiếc mô tô nước Jet Ski.
Có thể tôi chỉ là một kẻ lệch lạc, một kẻ ngoài lề.Nhưng có vẻ không phải như vậy. Khi tôi đề cập vấn đề đọc của mình với bạn bè, nhiều người nói họ cũng đang chịu nỗi khổ tương tự. Càng sử dụng Web nhiều, họ càng phải đấu tranh tư tưởng để tập trung vào những bài viết dài.Một vài người lo rằng họ đang mắc chứng đãng trí kinh niên. Một số người viết blog mà tôi theo dõi cũng đề cập hiện tượng này. Scott Karp, người từng làm việc cho một tạp chí và giờ viết blog về truyền thông trực tuyến, thừa nhận đã không còn đọc sách. Karp viết: “Tôi có bằng văn khoa ở đại học, và từng đọc sách ngấu nghiến”. “Điều gì xảy ra vậy?”. Karp tự phỏng đoán câu trả lời: “Sẽ thế nào nếu tôi toàn đọc trên Web phần lớn không phải vì cách tôi đọc đã thay đổi, tức là tôi chỉ kiếm tìm sự tiện lợi, mà bởi vì cách TÔI NGHĨ đã thay đổi?”[10].
Bruce Friedman, người viết blog về việc sử dụng máy tính trong y học và là nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học y Michigan, cũng mô tả Internet đang thay đổi thói quen tư duy của mình như thế nào. Friedman nói: “giờ tôi gần như mất hoàn toàn khả năng đọc và tiếp nhận một bài viết tương đối dài trên Web hoặc trên giấy in”[11].
Friedman nói thêm về ý đó qua điện thoại với tôi.Ông cho biết tư duy của ông đang mang tính ngắt quãng, phản ánh cách ông đọc lướt qua các đoạn văn bản ngắn từ nhiều nguồn trên mạng.“Tôi không thể đọc cuốn Chiến tranh và Hòa Bình nữa”, Friedman thừa nhận.“Tôi đã mất khả năng làm việc đó.Thậm chí một bài blog hơn ba hoặc bốn đoạn văn cũng là quá nhiều để tiếp nhận.Tôi chỉ đọc lướt qua”.
Philip Davis đang học bằng tiến sĩ về truyền thông ở Cornel và viết bài cho blog của hiệp hội xuất bản có tên Society for Scholarly Publishing, hồi tưởng những năm 1990 khi ông chỉ cho một người bạn cách dùng trình duyệt Web. Ông kể rằng ông đã “ngạc nhiên” và “thậm chí tức giận” khi cô bạn dừng lại để đọc bài viết trên các trang web cô tình cờ vào. “Bạn không nên đọc các trang web, chỉ cần nhấn chuột vào các từ liên kết!”, ông mắng cô bạn. Giờ đây, Davis viết: “Tôi đọc nhiều – hoặc chí ít tôi nên đọc nhiều – chỉ có điều tôi không thực sự đọc. Tôi đọc lướt.Tôi kéo thanh cuộn. Tôi rất ít kiên nhẫn với những luận điểm dài dòng, tỉ mỉ, dù tôi vẫn buộc tội người khác tô vẽ thế giới này quá đơn giản”[12].
Karp, Friedman, và Davis – đều là những trí thức ham thích viết lách – dường như khá tin tưởng về sự xuống dốc khả năng đọc và tập trung của mình. Khi đã tính toán mọi thứ, họ nói lợi ích từ Internet – khả năng truy cập nhanh chóng hàng loạt thông tin, khả năng tìm kiếm và lọc thông tin, khả năng chia sẻ ý kiến với một lượng độc giả nhỏ nhưng chất lượng – bù đắp cho khả năng ngồi yên giở từng trang giấy của một cuốn sách hay tạp chí. Friedman kể với tôi trong một bức thư điện tử rằng mình “chưa bao giờ sáng tạo hơn” gần đây, và quy điều đó cho “blog của tôi và khả năng duyệt/xem lướt ‘hàng tấn’ thông tin trên Web”. Karp tin rằng việc đọc nhiều đoạn ngắn có liên kết trên Web là cách hiệu quả hơn để mở rộng hiểu biết so với việc đọc “những cuốn sách 250 trang”, mặc dù “chúng ta vẫn chưa thể nhận thức hết tính ưu việt của quá trình tư duy nối mạng này bởi chúng ta đang đánh giá nó bằng quá trình tư duy tuần tự cũ của. Davis thì nhận định: “mạng Internet đã biến tôi thành một mình”[13]. Davis thì nhận định: “mạng Internet đã biến tôi thành một người đọc ít kiên nhẫn hơn, nhưng tôi nghĩ nó khiến tôi thông minh hơn theo nhiều cách. Nhiều liên kết hơn tới các tài liệu, hiện vật và những người khác đồng nghĩa với có nhiều tác động bên ngoài hơn đối với tư duy của tôi và sau đó là bài viết của tôi”[14].Cả ba người đều biết họ đã hy sinh một thứ gì đó quan trọng, nhưng họ sẽ không trở lại cách thức trước đây.
Với một số người, ý tưởng đọc một cuốn sách đã trở nên lạc hậu, có thể còn hơi ngớ ngẩn giống như việc tự may áo sơ-mi hoặc tự mổ gia súc lấy thịt. “Tôi không đọc sách”, Joe O’Shea, cựu chủ tịch hội sinh viên Đại học bang Florida và là người nhận học bổng Rhodes năm 2008, cho biết. “Tôi mở Google, và tôi có thể tiếp nhận thông tin xác đáng một cách nhanh chóng”. Theo chuyên ngành triết học, O’Shea không thấy có lý do gì để vùi đầu vào từng chương sách trong khi chỉ cần một hay hai phút để chọn lọc các đoạn văn thích đáng bằng công cụ google Book Search. O’Shea cho biết “Việc ngồi xuống và đọc hết một cuốn sách từ đầu chí cuối chẳng có nghĩa lý gì”.“Đó không phải cách sử dụng thời gian của tôi, bởi tôi có thể thu thập tất cả thông tin cần thiết nhanh hơn qua Web”.O’Shea lập luận rằng ngay khi bạn học được cách “săn thông tin” trên mạng, sách trở nên dư thừa[15].
Trường hợp của O’Shea có vẻ phổ biến chứ không phải một ngoại lệ.Năm 2008, nhóm nghiên cứu và tư vấn có tên nGenera đưa ra một nghiên cứu về tác động của việc sử dụng Internet đối với thanh thiếu niên. Công ty này đã phỏng vấn khoảng 6.000 thành viên trong nhóm trẻ có tên “Thế hệ mạng” – những đứa trẻ lớn lên với Web. Trưởng nhóm nghiên cứu viết lại: “Sự chìm đắm trong thế giới số thậm chí tác động lên cách chúng tiếp nhận thông tin. Chúng không nhất thiết phải đọc một trang giấy từ trái sang phải và từ trên xuống dưới. Thay vào đó, chúng có thể bỏ quãng, đọc lướt qua để tìm thông tin chúng quan tâm”[16]. Trong một buổi họp gần đây của phi Beta Kappa (một hiệp hội sinh viên của mỹ), giáo sư Katherine hayles của Đại học Duke thú nhận: “Tôi không thể bắt sinh viên đọc cả cuốn sách nữa”[17]. Bà Hayles dạy môn tiếng Anh; và bà đang nói tới những sinh viên văn khoa.
Mọi người sử dụng Internet theo đủ các cách. Một số háo hức, dù là những người miễn cưỡng dùng những công nghệ mới nhất. Họ có hàng tá tài khoản của các dịch vụ trực tuyến và đăng ký nhận hàng loạt feed. Họ viết blog và tag, họ nhắn tin và twitter[18]. Một số khác không để ý lắm đến việc đang sống trên công nghệ tiên tiến, dù họ lên mạng hầu như mọi lúc với máy tính để bàn, máy tính xách tay hay điện thoại di động. Mạng Internet đã trở nên thiết yếu với công việc, học tập, hay sinh hoạt xã hội của họ, và thường là với cả ba. Vẫn có những người vào mạng vài lần mỗi ngày – để xem thư điện tử, theo dõi tin tức, tìm kiếm một đề tài họ quan tâm, hoặc mua sắm trực tuyến. Dĩ nhiên có nhiều người không hề dùng Internet, bởi họ không có khả năng chi trả hoặc bởi họ không muốn dùng. Dù vậy, rõ ràng là đối với toàn thể xã hội, Internet đã trở thành phương tiện truyền thông và thông tin hàng đầu, chỉ hơn 20 năm kể từ khi lập trình viên Tim Berners-Lee viết đoạn mã cho World Wide Web. Phạm vi sử dụng của nó lớn chưa từng có, kể cả so với các chuẩn mực của phương tiện truyền thông đại chúng của thế kỷ XX. phạm vi ảnh hưởng cũng rất rộng lớn. Dù đó là sự lựa chọn hay bởi sự cần thiết, chúng ta đều đã tán dương khả năng thu thập và phân tán thông tin siêu tốc của Internet.
Như McLuhan đã nói, chúng ta dường như đã tới điểm tiếp nối trong lịch sử tri thức và văn hóa nhân loại, thời điểm chuyển tiếp giữa hai cách thức tư duy khác nhau. Cái chúng ta đang đánh đổi để lấy sự phong phú của Internet – chỉ có kẻ xấu tính mới phủ nhận sự phong phú đó – chính là điều mà Karp xem như “quá trình tư duy tuần tự cũ của chúng ta”.Dù có sự điềm tĩnh, tập trung và mạch lạc, tư duy tuần tự đang bị đẩy ra lề bởi một kiểu tư duy mới. Nó vừa muốn vừa cần phải tiếp nhận và chuyển đi thông tin theo những đợt ngắn, rời rạc và thường chồng chéo lên nhau – càng nhanh càng tốt. John Battele, trước là biên tập viên tạp chí và giảng viên báo chí, và giờ điều hành một tổ chức quảng cáo trực tuyến, mô tả cái rùng mình của ông khi lướt qua các trang web. “Khi tôi đang tự mình chế tác thứ này thứ khác hàng giờ đồng hồ, tôi chợt ‘cảm thấy’ óc mình phát sáng, tôi ‘cảm thấy’ mình thông minh hơn”[19]. Hầu hết chúng ta đều có những trải nghiệm tương tự khi ở trên mạng, những cảm giác đó làm chúng ta say mê – đến nỗi chúng có thể làm sao nhãng quá trình nhận thức sâu của chúng ta.
Trong năm thế kỷ vừa qua, kể từ khi máy in của Gutenberg đưa việc đọc sách thành một trào lưu phổ biến, tư duy văn chương, tuần tự vẫn nằm ở trung tâm của nghệ thuật, khoa học và xã hội. Mềm dẻo và tinh tế, nó trở thành tư duy sáng tạo của thời kỳ phục hưng, tiếp sau là tư duy lý luận của thời kỳ Khai sáng, tư duy sáng chế của Cách mạng Công nghiệp, và cả tư duy lật đổ của Chủ nghĩa Đổi mới. Nhưng có lẽ tư duy tuần tự sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ.
THEO LỜI KỂ KHIÊM NHƯỜNG của máy tính HAL 9000, HAL được sinh ra, hay nói cách khác “được cho hoạt động” vào ngày 12 tháng 1 năm 1992 trong một xưởng máy tính tưởng tượng ở Urbana, bang Illinois (mỹ). Còn tôi được sinh ra chính xác 33 năm trước đó, vào tháng 1 năm 1959 ở một thành phố miền trung tây khác là Cincinnati, bang Ohio. Giống những người thuộc thế hệ Baby Boom và thế hệ X, cuộc đời tôi diễn ra như một màn kịch hai cảnh.Cảnh một là Thời trẻ Kỹ thuật điện, và sau một quãng dàn cảnh nhanh nhưng đầy xáo trộn là cảnh hai – Thời trưởng thành Kỹ thuật số.
Khi tôi nhìn lại những bức ảnh hồi nhỏ, chúng dường như vừa dễ chịu vừa xa lạ, giống như những bức ảnh chụp từ một bộ phim cấp G của David Lynch. Có một chiếc điện thoại màu vàng ố đồ sộ gắn vào bức tường căn bếp nhà tôi, với vòng số quay và cuộn dây dài. Cha tôi đang xoay xoay cái ăng ten râu trên nóc tivi, cố gắng vô ích để trận đấu của đội bóng Reds bớt nhiễu. Có một tờ báo sáng đẫm sương nằm cuộn tròn trên lối đi rải sỏi dẫn vào nhà chúng tôi. Có một dàn âm thanh hi-fi trong phòng khách, một vài miếng bìa và giấy bọc đĩa hát (một số từ các album Beatles của anh chị tôi) nằm rải rác trên tấm thảm nhà. Và trong căn phòng sinh hoạt cũ kỹ dưới tầng hầm, có rất nhiều sách trên giá – những gáy sách nhiều màu sắc, và mỗi cái đều có tựa đề và tên tác giả.
Năm 1977, khi phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) ra mắt và công ty máy tính Apple thành lập, tôi đến New Hampshire để theo học trường Đại học Dartmouth. Khi xin học, tôi không hề biết Dartmouth đã từ lâu dẫn đầu về khoa học máy tính, và giữ vai trò cốt yếu trong việc đưa sức mạnh xử lý của máy tính tới các sinh viên và giáo viên.Hiệu trưởng của trường, ông John Kemeny là một nhà khoa học máy tính đáng kính; ông là người viết cuốn sách có ảnh hưởng lớn Man and the Computer (Con người và máy tính) vào năm 1972.Thập kỷ trước đó, ông cũng là một trong những người tạo ra BASIC, ngôn ngữ lập trình đầu tiên sử dụng từ khóa thông dụng và cú pháp dễ hiểu. Gần chính giữa khuôn viên trường, ngay sau thư viện Baker theo kiến trúc georgian kiểu mới với tháp chuông cao vút, là trụ sở một tầng của Trung tâm Điện toán Kiewit – một tòa nhà xám xịt, không có vẻ gì hiện đại nhưng trong đó là hai cỗ máy chủ lớn (mainframe) General Electric GE-635 của trường. Những cỗ máy tính mainframe chạy hệ thống mang tính đột phá có tên hệ thống phân chia Thời gian Dartmouth, một dạng nguyên sơ của mạng máy tính cho phép hàng chục người sử dụng máy tính đồng thời.Phân chia thời gian chính là biểu hiện đầu tiên của cái ngày nay chúng ta gọi là điện toán cá nhân.Như Kemeny đã viết trong sách, hệ thống này tạo ra “một mối quan hệ cộng sinh đích thực giữa người và máy tính”.[20]
Chuyên ngành của tôi là tiếng Anh và tôi đã cố làm mọi cách để không phải học toán và khoa học, nhưng Kiewit chiếm một vị trí chiến lược trong trường, ngay trên đường từ ký túc xá của tôi tới Câu lạc bộ nam sinh. Vào những tối cuối tuần, tôi thường dành một hay hai tiếng với thiết bị đầu cuối tại phòng máy điện báo công cộng trong khi chờ những buổi uống bia. Thông thường, tôi tiêu tốn thời giờ vào một trong những trò chơi ngớ ngẩn và thô sơ dành cho nhiều người cùng chơi mà nhóm sinh viên lập trình – tự xưng là “sysprog” – đã bẻ khóa (hack) được.Tuy vậy, tôi cũng tự học cách sử dụng chương trình soạn thảo văn bản rầy rà của hệ thống này và thậm chí còn học một vài lệnh BASIC.
Nhưng đó chỉ là sở thích kỹ thuật số nhất thời. Cứ mỗi giờ ở Kiewit, tôi lại ngồi hai giờ ở thư viện Baker bên cạnh. Tôi đã từng nhồi nhét để chuẩn bị cho các kỳ thi trong phòng đọc thênh thang của thư viện, tìm kiếm dữ kiện trong những cuốn sách nặng nề trên giá sách tham khảo, và làm thêm ở bàn phát sách – kiểm tra sách vào và ra. Dù vậy, hầu hết thời gian ở thư viện của tôi là để lang thang dọc theo những hàng sách dài và hẹp. Dù ở giữa mười ngàn cuốn sách, tôi không có cảm giác lo lắng của triệu chứng ngày nay chúng ta gọi là “quá tải thông tin”. Có cái gì đó bình an trong sự im lặng của những cuốn sách, sự sẵn lòng chờ đợi hàng năm, thậm chí hàng chục năm của chúng để gặp được một người bước tới và rút chúng ra khỏi nơi chúng được đặt vào. Những cuốn sách thì thầm với tôi bằng một giọng mơ hồ: Cứ thư thả. Chúng tôi nào có đi đâu.
Năm 1986, năm năm sau khi tôi rời Dartmouth, máy vi tính bắt đầu thực sự bước vào cuộc đời tôi. Trước sự lo lắng của vợ, tôi đã chi gần hết số tiền tích góp của mình, khoảng 2.000 đôla cho một trong những chiếc máy tính Macintosh đời đầu của Apple – chiếc Mac Plus đóng gói với một thanh RAM 1MB, một ổ cứng 20MB, và một màn hình đen trắng nhỏ xíu. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hưng phấn khi mở hộp chiếc máy màu be nhỏ bé đó. Tôi đặt nó lên bàn, gắn bàn phím và chuột, và bật công tắc nguồn. Cỗ máy sáng lên, phát ra một âm thanh chào mừng, và hiện khuôn mặt cười với tôi trong khi các chương trình bí hiểm đang chạy để làm nó sống dậy. Tôi thực sự bị mê hoặc.
Bộ máy tính Plus phục vụ cả việc ở cơ quan và gia đình của tôi. Hàng ngày, tôi khuân nó theo vào văn phòng của công ty tư vấn quản lý nơi tôi làm biên tập viên. Tôi dùng Microsoft Word để sửa đề án, báo cáo, bài thuyết trình, và đôi khi tôi bật Excel để chỉnh sửa file của tư vấn viên. Mỗi tối, tôi lại chở nó về nhà và dùng nó để theo dõi tình hình chi tiêu của gia đình, viết thư, chơi trò chơi (vẫn ngớ ngẩn, nhưng đỡ thô sơ hơn) và thú vị nhất là tạo nhanh các cơ sở dữ liệu đơn giản bằng ứng dụng tài tình HyperCard đi kèm với mỗi máy tính Mac khi đó. Được tạo bởi Bill Atkinson, một trong những lập trình viên sáng tạo nhất của Apple, HyperCard tích hợp một hệ thống siêu văn bản (hypertext) đi trước cách thức hoạt động của mạng World Wide Web. Trên Web bạn nhấn chuột vào các đường liên kết, trong HyperCard bạn nhấn chuột vào các tấm thẻ – nhưng ý tưởng và sức lôi cuốn đó là như nhau.
Tôi đã bắt đầu cảm nhận được máy tính không chỉ là một công cụ đơn giản làm theo cái bạn ra lệnh. Cỗ máy đó còn tác động lên bạn theo những cách tinh vi nhưng không thể nhầm lẫn được. Càng sử dụng, cách làm việc của tôi càng bị chiếc máy ảnh hưởng. Ban đầu, tôi không thể nào chỉnh sửa thứ gì trên màn hình. Tôi phải in ra giấy, đánh dấu bằng bút chì và gõ các thay đổi trở lại phiên bản trong máy tính.Sau đó, tôi lại in lần nữa và kiểm tra lại với bút chì. Đôi khi, tôi lặp đi lặp lại chu kỳ đó cả chục lần một ngày. Rồi bỗng từ lúc nào, cách làm việc của tôi thay đổi. Tôi nhận ra tôi không còn có thể viết hay sửa gì trên giấy nữa. Tôi cảm thấy mất phương hướng khi không có phím Delete, thanh cuộn, lệnh cắt dán và Undo. Tôi phải làm mọi việc chỉnh sửa trên màn hình.Dường như tôi đã trở thành một phần của phần mềm soạn thảo văn bản trong máy.
Khoảng năm 1990, vận hội lớn hơn lại đến khi tôi mua một chiếc Modem.Vào lúc đó, chiếc máy tính Mac Plus chỉ là một cỗ máy đơn lẻ, chức năng của nó chỉ gói gọn trong các phần mềm tôi cài vào ổ cứng.Khi nối với các máy tính khác qua chiếc Modem, nó bỗng sắm một vai trò mới.Không còn là “con dao đa năng công nghệ cao của Quân đội Thụy Sĩ” nữa, chiếc máy tính trở thành môi trường truyền thông, thiết bị tìm kiếm, tổ chức và chia sẻ thông tin.Tôi đã thử tất cả các dịch vụ trực tuyến – CompuServe, prodigy, và cả dịch vụ đoản thọ eWorld của Apple – nhưng dịch vụ cuối cùng giữ chân tôi là America Online (AOL). Gói dịch vụ AOL ban đầu của tôi chỉ cho phép dùng năm giờ một tuần, và tôi tỉ mỉ chia những giờ phút quý giá đó để trao đổi email với một nhóm bạn nhỏ cùng có tài khoản AOL, để theo dõi những cuộc trao đổi trên một vài diễn đàn, và để đọc những bài viết in lại từ báo và tạp chí. Quả thực tôi trở nên yêu thích tiếng chạy của chiếc Modem đang kết nối tới đường dây điện thoại của hãng AOL. Lắng nghe những tiếng bíp và tiếng kêu đó giống như nghe lén được cuộc trò chuyện giữa những chú robot.
Giữa những năm 90, tôi bị cuốn vào “vòng xoáy lên đời” một cách tự nguyện. Tôi từ giã chiếc máy Plus già nua, thay thế nó bằng chiếc Macintosh Performa 550 với màn hình màu, ổ đĩa CD-ROM, ổ cứng 500MB, và bộ vi xử lý nhanh phi thường 33Mhz ở thời điểm đó. Chiếc máy tính mới yêu cầu nâng cấp hầu hết các chương trình tôi dùng, và tôi có thể chạy đủ kiểu ứng dụng mới với những tính năng đa phương tiện mới nhất.Khi đang cài đặt các phần mềm mới, ổ cứng của tôi bị đầy.Tôi lại mua thêm một ổ cứng gắn ngoài.Tôi còn mua một ổ Zip nữa, và sau đó là một đầu ghi đĩa CD. Trong vài năm, tôi lại mua một bộ máy tính để bàn khác với màn hình lớn hơn, chip nhanh hơn và một chiếc máy tính xách tay để dùng khi di chuyển. Trong khi đó, cấp trên của tôi quay lưng với máy tính mac để chuyển sang dùng máy tính Windows, bởi vậy lúc đó tôi dùng hai hệ thống khác nhau, một ở chỗ làm và một ở nhà.
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu nghe nói về cái gì đó gọi là Internet, một dạng “mạng của các mạng” mà hứa hẹn sẽ “thay đổi mọi thứ” theo như lời những người trong cuộc lúc đó. Một bài báo trên tờ Wired năm 1994 tuyên bố mạng AOL yêu quý của tôi “bỗng nhiên lạc hậu”. Một phát minh mới gọi là “trình duyệt đồ họa” hứa hẹn những trải nghiệm tuyệt vời hơn nhiều: “Chỉ cần nhấn chuột vào các đường liên kết, tài liệu được liên kết sẽ xuất hiện – bạn có thể đi thăm cả thế giới trên mạng theo cách bạn muốn”.[21]Tôi bị kích thích và rồi thực sự cắn câu.Cuối năm 1995, tôi đã có trình duyệt mới với tên Netscape trong chiếc máy tính ở chỗ làm, và tôi dùng nó để khám phá những trang web dường như bất tận của mạng World Wide Web.Không lâu sau đó, tôi có tài khoản ISP tại nhà – cùng với một chiếc modem nhanh hơn nhiều.Tôi hủy dịch vụ AOL của mình.
Chắc hẳn bạn biết phần còn lại của câu chuyện bởi có lẽ câu chuyện của bạn cũng vậy. Bộ vi xử lý nhanh chưa từng có. Modem nhanh chưa từng có. Đầu đọc DVD, đầu ghi DVD.Ổ cứng hàng GB.yahoo, Amazon và eBay. Nhạc Mp3. Phim trực tuyến. Băng thông rộng. Napster và google.BlackBerry và Ipod. Mạng Wifi.YouTube và Wikipedia.Blog và tiểu blog.Điện thoại thông minh, ổ USB, máy tính Netbook.Ai có thể kháng cự chứ? Chắc chắn không phải tôi rồi.
Khi Web lên thế hệ 2.0 vào khoảng năm 2005, tôi cũng lên 2.0. Tôi trở thành một người sử dụng mạng xã hội và tạo nội dung mạng. Tôi đăng ký một tên miền, roughtype.com, và cho ra lò một blog.Thật là thích thú, ít nhất trong một vài năm đầu. Tôi đã hành nghề viết bài tự do kể từ đầu thập kỷ, tôi viết hầu hết về công nghệ, và tôi biết rằng xuất bản một bài báo hoặc một cuốn sách là một công việc chậm chạp, vướng bận và thường rất phiền toái. Bạn vật lộn với bản viết tay, gửi cho một nhà xuất bản, cứ cho là bản thảo không bị gửi trả, bạn cũng sẽ phải qua các vòng hiệu đính, kiểm tra thông tin và soát lỗi trước khi in. Sản phẩm hoàn chỉnh sẽ phải chờ hàng tuần hoặc hàng tháng sau.Nếu đó là một cuốn sách, bạn có thể phải chờ hơn một năm mới tới ngày xuất bản.Việc viết blog gạt hết bộ máy xuất bản truyền thống qua một bên. Bạn chỉ cần gõ vài dòng, tạo một vài đường liên kết, nhấn nút Publish, và tác phẩm của bạn sẽ sẵn sàng cho toàn thế giới chiêm ngưỡng. Bạn cũng sẽ có những thứ hiếm khi có được với cách viết bài truyền thống: phản hồi trực tiếp từ độc giả theo dạng lời bình hoặc các liên kết nếu độc giả có blog riêng. Điều đó thực sự mới mẻ và tự do.
Việc đọc trực tuyến cũng mới mẻ và tự do. Các đường liên kết và các cỗ máy tìm kiếm đem lại những dòng chữ bất tận đến màn hình của tôi, cùng với hình ảnh và âm thanh. Khi các trang web dỡ bỏ thông báo thu phí, dòng lũ thông tin miễn phí thực sự trở thành một cơn sóng thủy triều. Các dòng tít chạy liên tục qua trang chủ yahoo và trang đọc RSS của tôi.Mỗi cú nhấn chuột vào một đường liên kết lại dẫn tới hàng chục, thậm chí hàng trăm đường liên kết khác. Một hay hai phút lại có email mới trong hòm thư của tôi. Tôi đăng ký tài khoản MySpace và Facebook, Digg và Twitter.Tôi bắt đầu bỏ hẳn báo và tạp chí.Ai cần chúng chứ? Khi tờ báo in tới nơi, dù bị sương ướt hay không, tôi vẫn cảm thấy như mình đã đọc hết các tin trong đó rồi.
Vào khoảng năm 2007, một ý nghĩ nghi ngờ len lỏi vào thiên đàng thông tin của tôi.Tôi bắt đầu nhận ra mạng Internet đang gây ảnh hưởng đối với tôi rộng và mạnh hơn nhiều so với chiếc máy tính riêng lẻ.Không chỉ là việc tôi dành quá nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.Không chỉ là việc rất nhiều thói quen của tôi đang thay đổi bởi tôi quen dựa dẫm vào các website và dịch vụ trên mạng Internet.Chính cách bộ não của tôi hoạt động dường như đang thay đổi.Tới lúc đó, tôi bắt đầu lo lắng về sự mất khả năng tập trung vào một việc trong một vài phút. Ban đầu, tôi nghĩ đó là triệu chứng của tuổi trung niên. Nhưng tôi nhận ra bộ não mình không chỉ sao lãng.Nó đang đói. Nó đòi hỏi được cho ăn theo cách Internet cho nó ăn – và càng được cho ăn, nó càng trở nên đói hơn. Dù tôi ở cách xa chiếc máy tính của mình, tôi vẫn nóng lòng được kiểm tra hòm thư, nhấn các đường liên kết, và vào google tìm gì đó. Tôi muốn được kết nối. giống như microsoft Word đã biến tôi thành một cỗ máy xử lý văn bản bằng xương bằng thịt, Internet đang biến tôi thành thứ gì đó như một cỗ máy xử lý dữ liệu tốc độ cao, một cỗ máy HAL bằng xương bằng thịt.
Tôi thấy nhớ bộ não cũ của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.