Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

CHƯƠNG 7: BỘ NÃO CỦA NGƯỜI TUNG HỨNG



Thỉnh thoảng chúng ta mới lại nhìn thấy ngôi thứ nhất số ít trong cuốn sách này. Có vẻ đây là một khoảng thời gian thích hợp cho tôi, người chép thuê, được tái xuất hiện thật nhanh. Tôi nhận ra rằng mình đã lấy của độc giả rất nhiều thời gian và không gian trong những chương vừa qua và tôi lấy làm cảm kích vì sự kiên nhẫn của các bạn. Cuộc hành trình bạn đang trải qua cũng giống cuộc hành trình của tôi để tìm hiểu những thứ đang diễn ra trong đầu. Càng tìm hiểu sâu hơn ngành thần kinh học và tiến bộ của công nghệ trí tuệ thì tôi càng thấy rõ rằng chỉ có thể đánh giá ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của Internet khi xem xét trong hoàn cảnh đầy đủ của lịch sử trí tuệ. Tốt nhất nên hiểu Internet, dù có thể rất mang tính cách mạng, như công cụ mới nhất trong chuỗi công cụ giúp hình thành trí óc của loài người.
Giờ đến câu hỏi quan trọng: Khoa học có thể cho ta biết những gì về ảnh hưởng của việc sử dụng Internet lên cách trí óc của chúng ta hoạt động? Chẳng có gì nghi ngờ rằng câu hỏi này sẽ là chủ đề của rất nhiều nghiên cứu trong những năm tới, dù chúng ta đã biết hoặc có thể phỏng đoán được nhiều thứ. Trên thực tế tin tức nhận được thậm chí còn khó chịu hơn tôi nghĩ. Hàng tá nghiên cứu của các nhà tâm lý học, các nhà sinh học thần kinh, các nhà giáo dục và các kỹ sư thiết kế Web đều đi đến một kết luận chung: khi lên mạng, chúng ta bước vào một môi trường khuyến khích đọc bằng con trỏ chuột, tư duy nhanh chóng, phân tâm và học tập hời hợt. Vẫn có thể vừa lướt Web vừa suy nghĩ sâu sắc, cũng giống như vừa đọc sách vừa suy nghĩ hời hợt, tuy nhiên đó không phải kiểu tư duy mà công nghệ khuyến khích và tưởng thưởng.
Có một điều chắc chắn: nếu, khi biết được những kiến thức ngày nay về bộ não, bạn lên kế hoạch phát minh một phương tiện có thể chỉnh lại các dây thần kinh càng nhanh và cẩn thận càng tốt, thì có lẽ cuối cùng bạn cũng sẽ thiết kế một thứ trông giống và hoạt động giống Internet. Không phải chúng ta có xu hướng thường xuyên dùng, thậm chí bị ám ảnh với Internet, mà là Internet mang tới chính xác loại tác nhân kích thích cảm giác và nhận thức – lặp lại, cường độ cao, tương tác, gây nghiện – được chứng minh là mang lại thay đổi nhanh và mạnh trong các mạch và chức năng của bộ não. Ngoài ngoại lệ với bảng chữ cái và hệ thống số đếm, Internet có lẽ là công nghệ thay đổi trí óc mạnh nhất từng được đua vào sử dụng phổ cập. Ít nhất, kể từ khi xuất hiện sách thì đó cũng là công nghệ mạnh nhất.
Ban ngày, phần lớn những người có truy cập Internet trong chúng ta đều dành ít nhất vài giờ trực tuyến – đôi khi nhiều hơn – và trong khoảng thời gian đó, chúng ta thường lặp lại nhiều lần các hoạt động giống hoặc tương tự nhau, thường với tốc độ cao và phản ứng lại những tín hiệu do màn hình hoặc loa mang tới. Một vài hành động mang tính vật chất. Chúng ta gõ vào các phím trên bàn phím máy tính. Chúng ta di chuyển chuột, nhấp vào các nút phải và trái và lăn nút cuộn. Chúng ta di chuyển đầu ngón tay trên bàn cảm ứng. Chúng ta dùng ngón cái để tạo văn bản bằng bàn phím thật hoặc mô phỏng trên chiếc BlackBerry hoặc điện thoại di động. Chúng ta xoay những chiếc iPhone, iPod và iPad để thay đổi các chế độ “ngang” và “dọc” khi đang sử dụng các biểu tượng trên màn hình cảm ứng.
Khi chúng ta thực hiện những chuyển động này, Internet mang tới một dòng ổn định các tín hiệu cho vỏ não thính giác, cảm giác và thị giác của chúng ta. Có những cảm giác đến trực tiếp nhờ tay và ngón tay khi chúng ta nhấp chuột, cuộn, gõ và chạm. Có rất nhiều tín hiệu đến qua tai, chẳng hạn như tiếng chuông báo có email hoặc tin nhắn chat mới và rất nhiều kiểu chuông điện thoại di động báo các sự kiện khác nhau. Và, đương nhiên, có vô số tín hiệu thị giác xuất hiện trên võng mạc khi chúng ta dạo chơi trong thế giới trực tuyến: không chỉ những dòng văn bản, hình ảnh và phim thường xuyên thay đổi mà còn là những siêu liên kết đặc trưng bởi dòng chữ có màu hoặc gạch chân, con trỏ màn hình thay đổi hình dáng tùy thuộc vào chức năng, tiêu đề email mới được in đậm, những nút ảo mong chờ cú nhấp chuột, những biểu tượng và nhiều thành phần khác trên màn hình đang trông đợi được kéo và thả, nhiều khuôn mẫu đang yêu cầu được điền đầy đủ, các quảng cáo pop-up và cửa sổ cần được đọc và đóng lại. Internet cùng một lúc thu hút mọi giác quan của chúng ta – ngoại trừ vị giác và khứu giác.
Internet cũng mang tới một hệ thống tốc độ cao nhằm cung cấp các phản ứng và phần thưởng – “sự củng cố tích cực” theo thuật ngữ tâm lý học – khuyến khích lặp lại cả hành động vật chất và tinh thần. Khi nhấp vào một đường liên kết, chúng ta lại có một thứ mới để xem và đánh giá. Khi tìm một từ khóa trên Google, chỉ trong nháy mắt, chúng ta nhận được một danh sách dài các thông tin thú vị để cân nhắc. Khi gửi một văn bản, tin nhắn chat hoặc email, chúng ta thường nhận được câu trả lời chỉ sau vài giây hoặc vài phút. Khi dùng Facebook, chúng ta có thêm nhiều bạn bè mới và thân thiết hơn với bạn bè cũ. Khi gửi một tweet qua Twitter, chúng ta có thêm người theo dõi. Khi viết một bài blog, chúng ta nhận được bình luận từ độc giả hoặc đường liên kết từ các blogger khác. Tính tương tác của Internet mang tới cho chúng ta những công cụ mạnh mẽ mới để tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trò chuyện với người khác. Nó cũng biến chúng ta thành những con chuột bạch liên tục nhấn đòn bẩy để nhận được một chút phát triển xã hội hoặc trí tuệ.
Internet yêu cầu sự chú tâm của chúng ta trong một thời gian liên tục hơn truyền hình, đài hay báo buổi sáng. Hãy quan sát một đứa trẻ đang nhắn tin cho bạn bè, một sinh viên đang xem qua các tin nhắn và yêu cầu mới trên trang Facebook hay một doanh nhân đang kiểm tra email trên chiếc BlackBerry – hoặc hãy quan sát chính bản thân mình khi bạn gõ các từ khóa vào hộp tìm kiếm của Google và bắt đầu theo dõi các liên kết. Những gì bạn nhìn thấy là một tâm trí đang tiêu thụ một phương tiện truyền thông. Khi lên mạng, chúng ta thường không để tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh. Thế giới thực biến mất khi chúng ta xử lý các dòng biểu tượng và tác nhân kích thích đến từ các thiết bị của mình.
Tính tương tác của Internet khuếch đại thêm hiệu ứng này. Bởi chúng ta thường dùng máy tính trong bối cảnh xã hội, để trò chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp, tạo “trang cá nhân” của mình, thể hiện ý nghĩ thông qua các bài blog hay cập nhật trên Facebook, nên địa vị xã hội của chúng ta luôn bị đặt trong một nguy cơ nào đó. Ý thức về bản thân – thậm chí đôi khi là sợ hãi – bắt nguồn từ đó đã phóng đại cường độ tham gia của chúng ta vào phương tiện truyền thông này. Đó là thực tế đối với mọi người nhưng đặc biệt đúng với giới trẻ, những người có xu hướng bị ép buộc phải sử dụng điện thoại và máy tính để nhắn tin và Chat. Trong khoảng thời gian thức, cứ mỗi vài phút, các thiếu niên ngày nay thường gửi và nhận một tin nhắn. Theo lưu ý của bác sĩ chuyên khoa tâm lý Michael Hausauer, thanh thiếu niên “đặc biệt lo lắng nếu bị ở ngoài lề”.[215] Nếu ngừng gửi tin nhắn, chúng có nguy cơ trở thành vô hình.
Việc sử dụng Internet ẩn chứa rất nhiều nghịch lý, tuy nhiên một nghịch lý hứa hẹn ảnh hưởng dài hạn lớn nhất đến tư duy của chứng ta là: Internet nắm bắt và phân tán sự chú ý của chúng ta. Chúng ta tập trung chủ yếu vào bản thân phương tiện huyền thông, vào màn hình nhấp nháy, tuy nhiên chúng ta lại bị phân tâm bởi tốc độ truyền tải thông điệp và các tác nhân kích thích nhanh như chớp. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào chúng ta đăng nhập, Internet đều mang đến một cảnh tượng mờ ảo quyến rũ. Torkel Klingberg, một nhà thần kinh học Thụy Điển, viết rằng con người “muốn nhiều thông tin hơn, nhiều ấn tượng hơn và nhiều rắc rối hơn”. Chúng ta có xu hướng “kiếm tìm những tình huống yêu cầu hoạt động cùng lúc hoặc những tình huống mà ở đó [chúng ta] bị quá tải thông tin”.[216] Nếu tiến triển chậm chạp của ngôn từ trên giấy in làm giảm ham muốn được đắm chìm trong các tác nhân kích thích tinh thần thì Internet lại thỏa mãn ham muốn đó. Internet vừa đưa chúng ta trở về trạng thái phân tâm tự nhiên lại vừa mang đến cho chúng ta thêm nhiều sự sao lãng so với tổ tiên của mình.
Không phải mọi sự sao lãng đều xấu. Như chúng ta đã biết từ trải nghiệm của bản thân, nếu quá tập trung vào một vấn đề khó thì chúng ta có thể sẽ sa vào một lối mòn tinh thần. Tư duy của chúng ta bị thu hẹp và chúng ta cố gắng trong vô vọng để tìm ra ý tưởng mới. Tuy nhiên nếu tạm bỏ qua vấn đề trong một khoảng thời gian – nếu chúng ta “ngủ quên trên vấn đề” – thì khi quay lại, chúng ta sẽ có được cái nhìn hoàn toàn mới và bùng nổ sáng tạo. Nghiên cứu của Ap Dijksterhuis, một nhà tâm lý học người Hà Lan đứng đầu Phòng thí nghiệm trạng thái vô thức tại Đại học Radboud ở Nijmegen, chỉ ra rằng tạm ngừng tập trung giúp mang lại một khoảng thời gian vô thức để giải quyết vấn đề, tạo ra thông tin và các quy trình nhận thức vốn không xuất hiện khi cân nhắc có ý thức. Thí nghiệm của ông cho thấy chúng ta thường đưa ra quyết định đúng đắn hơn nếu tạm thời chuyển hướng tập trung khỏi một thử thách tâm lý khó khăn. Tuy nhiên nghiên cứu của Dijksterhuis cũng cho thấy các quá trình tư duy vô thức của chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề cho đến khi chúng ta xác định được vấn đề một cách rõ ràng, có chủ ý.[217]Dijksterhuis nhận định nếu chúng ta không có một mục tiêu trí tuệ cụ thể trong đầu thì “tư duy vô thức sẽ không diễn ra”.[218]
Trạng thái liên tục phân tâm mà Internet cổ vũ – theo như một cụm từ trong tập thơ Four Quartets của Eliot, trạng thái “bị phân tâm khỏi sự phân tâm bởi sự phân tâm” – rất khác với sự phân tâm tạm thời, có mục đích của chúng ta để làm mới tư duy khi đang cân nhắc một quyết định. Một loạt các tác nhân kích thích của Internet bao lấy tư duy có ý thức và vô thức của chúng ta, khiến đầu óc chúng ta không thể tư duy sâu sắc hay sáng tạo được. Bộ não của chúng ta bị chia thành các đơn vị xử lý tín hiệu đơn giản, nhanh chóng đưa thông tin vào nhận thức, sau đó thoát ra.
Trong một bài phỏng vấn năm 2005, Michael Merzenick đã nêu lên suy nghĩ về quyền lực của Internet trong việc tạo ra những thay đổi không chỉ giản đơn mà rất cơ bản trong cấu tạo tâm lý của con người. Nhận ra rằng “bộ não thay đổi đáng kể cả về vật chất và chức năng mỗi khi chúng ta học một kỹ năng mới hay phát triển một khả năng mới”, ông mô tả Internet như mắt xích mới nhất trong chuỗi “chuyên ngành văn hóa hiện đại” mà “con người thời nay có thể dành ra hàng tỷ sự kiện “thực hành” [nhưng] một nghìn năm trước, một người bình thường hoàn toàn không có cơ hội tiếp xúc”. Ông kết luận rằng “bộ não của chúng ta đang sắp xếp lại hoàn toàn dưới ảnh hưởng của tiếp xúc này”.[219]ông quay lại chủ đề này trong một bài viết trên blog cá nhân vào năm 2008, sử dụng chữ viết hoa để nhấn mạnh quan điểm của mình. “Khi văn hóa thúc đẩy thay đổi trong cách chúng ta sử dụng bộ não, nó tạo ra những bộ não HOÀN TOÀN KHÁC”, ông viết, chú trọng rằng tâm trí của chúng ta “củng cố những quy trình luyện tập kỹ càng, cụ thể”. Cho dù biết rằng khó có thể tưởng tượng nổi việc sống trong một thế giới không có Internet và các công cụ trực tuyến như Google, ông vẫn nhấn mạnh “VIỆC SỬ DỤNG QUÁ NHIỀU SẼ ĐỂ LẠI HẬU QUẢ NẶNG NỀ TỚI THẦN KINH”.[220]
Các hoạt động chúng ta không thực hiện khi lên mạng cũng để lại hậu quả tới thần kinh. Cũng giống như những tế bào thần kinh phản ứng cùng nhau thì nối với nhau, những tế bào không phản ứng cùng nhau thì không nối với nhau. Khi thời gian lướt Web nhiều hơn thời gian đọc sách, khi thời gian trao đổi tin nhắn nhiều hơn thời gian viết câu và đoạn văn, khi thời gian xem các đường liên kết nhiều hơn thời gian trầm tư suy nghĩ, các dây thần kinh thực hiện chức năng trí tuệ cũ này sẽ yếu dần và tách rời nhau. Bộ não tái chế những tế bào thần kinh bị vứt bỏ để sử dụng cho chức năng khác. Chúng ta thu thập thêm các kỹ năng và tầm nhìn mới nhưng cũng mất đi các kỹ năng và tầm nhìn cũ.
GARY SMALL, giáo sư ngành tâm thần học của Đại học California Los Angeles kiêm giám đốc Trung tâm trí nhớ và lão hóa, đã nghiên cứu ảnh hưởng tâm lý và thần kinh của việc sử dụng phương tiện truyền thông số, và các kết quả nghiên cứu của ông đều ủng hộ niềm tin của Merzenich rằng Internet mang tới nhiều thay đổi lớn đến não bộ. Ông nói: “Sự bùng nổ công nghệ số hiện nay không chỉ thay đổi cách sống và giao tiếp của chúng ta mà còn thay đổi nhanh chóng và sâu sắc bộ não của chúng ta”. Việc sử dụng thường nhật máy tính, điện thoại thông minh, công cụ tìm kiếm và các công cụ tương tự khác “kích thích quá trình thay đổi tế bào não và giải phóng dây thần kinh, dần dần củng cố các đường dẫn thần kinh mới trong bộ não trong lúc làm suy yếu các đường dẫn cũ”.[221]
Năm 2008, Small cùng hai đồng nghiệp tiến hành thí nghiệm đầu tiên có thể thật sự chỉ ra rằng bộ não của con người thay đổi phụ thuộc vào việc sử dụng Internet.[222] Các nhà nghiên cứu tuyển chọn 24 tình nguyện viên – một nửa là những người chuyên lướt Web và một nửa là các tín đồ mới – và thực hiện quét bộ não khi họ đang tìm kiếm trên Google. (Do máy tính không vừa với máy chụp cộng hưởng từ nên các đối tượng thí nghiệm được trang bị kính chiếu hình ảnh các trang web cùng một bàn cảm ứng (touchpad) cầm tay để di chuyển trên trang web.) Các hình quét cho thấy hoạt động não bộ của những người chuyên tìm kiếm trên Google rộng hơn nhiều so với của các tín đồ mới. Cụ thể, “các đối tượng am hiểu máy tính dùng một mạng lưới đặc thù ở phần trước bên trái của bộ não, có tên vỏ não trán trước lưng bên (dorsolateral prefrontal cortex) [trong khi đó] với các đối tượng mới dùng Internet, có rất ít hoạt động ở vùng này”. Để điều khiển thí nghiệm, các nhà nghiên cứu cũng cho các đối tượng đọc văn bản trong thiết bị mô phỏng đọc sách. Trong trường hợp này, hình chụp không thể hiện khác biệt đáng kể nào trong hoạt động của não bộ giữa hai nhóm. Rõ ràng, đường dẫn thần kinh đặc trưng của những người dùng Internet đầy kinh nghiệm đã phát triển trong quá trình sử dụng Internet.
Phần đáng nhớ nhất của thí nghiệm là khi nó được lặp lại sáu ngày sau đó. Trong thời gian chuyển tiếp, các nhà nghiên cứu để các tín đồ mới tìm kiếm trên Internet sáu giờ một ngày. Hình chiếu mới cho thấy khu vực vỏ não trán trước lúc trước hầu như không hoạt động thì nay có những hoạt động mạnh mẽ – giống hoạt động trong bộ não của những người lướt Web kỳ cựu. Small ghi nhận: “Chỉ sau năm ngày luyện tập, hệ tế bào thần kinh ở phần trước bộ não của các đối tượng đã hoạt động tích cực. Năm tiếng trên Internet và các đối tượng mới đã điều chỉnh lại não bộ của mình”. Ông tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Nếu bộ não của chúng ta nhạy cảm với chỉ một tiếng ít ỏi tiếp xúc với máy tính mỗi ngày thì điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta dành nhiều thời gian hơn [để lên mạng]?”.[223]
Một kết quả khác của nghiên cứu làm sáng tỏ sự khác nhau giữa đọc trang web và đọc sách. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi tìm kiếm trên Internet, mô hình hoạt động của bộ não con người khác với khi họ đọc văn bản giống sách. Những người đọc sách có nhiều hoạt động ở những vùng liên quan tới xử lý ngôn ngữ, bộ nhớ và hình ảnh, tuy nhiên lại không thể hiện nhiều hoạt động ở vùng thùy trán có liên quan tới việc đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Ngược lại, những người thường xuyên sử dụng Internet thể hiện hoạt động rộng rãi trên khắp các khu vực của bộ não khi đọc và tìm kiếm trên trang web.Tin tốt là vì lướt Web sử dụng nhiều chức năng của bộ não nên nó có thể giúp người lớn tuổi giữ được đầu óc minh mẫn. Small cho biết tìm kiếm và lướt Web có vẻ là một cách tốt để “tập thể dục” cho bộ não, tương tự như giải ô chữ.
Tuy nhiên hoạt động bao quát của bộ não những người lướt Web cũng giải thích tại sao đọc sâu và các hoạt động cần duy trì sự tập trung lại khó có thể thực hiện trực tuyến. Sự cần thiết phải cân nhắc giữa các đường liên kết và đưa ra lựa chọn trong khi phải xử lý rất nhiều tác nhân kích thích cảm giác thoáng qua đòi hỏi phải thường xuyên phối hợp tâm lý và đưa ra quyết định, khiến bộ não bị sao nhãng khỏi việc tìm hiểu văn bản và các thông tin khác. Mỗi khi độc giả chúng ta nhìn thấy một đường liên kết, chúng ta sẽ ngừng lại ít nhất một giây để vỏ não trán trước có thể cân nhắc xem nên nhấp chuột vào không. Chúng ta thường không nhận ra khi các tài nguyên tinh thần của mình chuyển hướng từ đọc chữ sang đánh giá – bộ não của chúng ta hoạt động rất nhanh – tuy nhiên người ta chứng minh được là nó cản trở việc hiểu và ghi nhớ, đặc biệt khi lặp lại thường xuyên. Khi các chức năng điều hành của vỏ não trán trước bắt đầu hoạt động, bộ não của chúng ta không chỉ làm việc mà còn bị quá tải. Trên thực tế, trang web đưa chúng ta quay về thời kỳ viết không có khoảng cách hoặc dấu giữa các từ và các câu (scriptura continua), mà ở đó đọc là một hành động tốn nhiều nhận thức. Maryanne Wolf cho rằng khi đọc trực tuyến, chúng ta hy sinh điều kiện thuận lợi cho việc đọc sâu. Chúng ta trở lại là “những người giải mã thông tin đơn thuần”.[224] Khả năng tạo ra các kết nối tinh thần phong phú khi đọc sâu và không bị sao nhãng vẫn chưa được khai thác đáng kể.
Trong cuốn sách Everything Bad Is Good for You (Mọi thứ xấu đều tốt cho bạn) được xuất bản năm 2005, tác giả Steven Johnson đối chiếu hoạt động thần kinh dồi dào phổ biến thường thấy ở bộ não của người dùng máy tính với hoạt động thầm lặng của người đọc sách. Kết quả so sánh cho thấy sử dụng máy tính kích thích tinh thần nhiều hơn đọc sách. Ông viết rằng thậm chí các bằng chứng về thần kinh còn khiến người ta có thể kết luận rằng “đọc sách sẽ thường xuyên làm giảm kích thích các giác quan”.[225] Tuy nhiên dù phân tích của Johnson là đúng nhưng cách giải thích các mô hình hoạt động khác nhau của bộ não lại có phần nhầm lẫn. Chính sự thật rằng đọc sách “làm giảm kích thích các giác quan” khiến hoạt động này có lợi cho trí óc. Đọc sâu cho phép chúng ta loại bỏ các phiền nhiễu, tạo không gian yên tĩnh cho chức năng giải quyết vấn đề của thùy trước, do vậy đọc sâu là một dạng tư duy sâu. Trí óc của người đọc sách lão luyện luôn điềm tĩnh chứ không nhốn nháo, về việc kích thích tế bào thần kinh, thật sai lầm khi cho rằng nhiều hơn thì tốt hơn.
John Sweller, một nhà tâm lý học giáo dục người Australia, đã dành 30 năm nghiên cứu quy trình xử lý thông tin của bộ não và cụ thể là cách học của chúng ta. Công trình của ông làm sáng tỏ tầm ảnh hưởng của Internet và các phương tiện truyền thông khác tới phong cách và chiều sâu tư duy của chúng ta. Ông giải thích rằng bộ não gồm hai kiểu trí nhớ rất khác nhau: ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta giữ lại ấn tượng, cảm giác và suy nghĩ tức thời làm trí nhớ ngắn hạn và thường chỉ kéo dài một vài giây. Tất cả những thứ chúng ta học được về thế giới, dù vô thức hay có ý thức, đều được lưu trữ làm trí nhớ dài hạn và có thể ở trong bộ não trong vài ngày, vài năm hay thậm chí cả đòi. Trí nhớ hiệu dụng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển thông tin thành trí nhớ dài hạn và tạo ra kho kiến thức cá nhân của chúng ta. Trên thực tế, trí nhớ hiệu dụng hình thành nội dung hiểu biết của chúng ta ở mọi thời điểm. Swelter nói: “Chúng ta nhận thức được những gì có trong trí nhớ hiệu dụng và không nhận thức được những thứ khác”.[226]
Nếu trí nhớ hiệu dụng là bộ nhớ đệm thì trí nhớ dài hạn là hệ thống bổ sung của tâm trí. Nội dung của trí nhớ dài hạn nằm bên ngoài nhận thức của chúng ta. Để chúng ta có thể nghĩ về những thứ từng học được hoặc trải qua, bộ não của chúng ta phải chuyển từ trí nhớ dài hạn trở lại trí nhớ hiệu dụng. Sweller giải thích: “Chúng ta chỉ nhận thức được điều gì đó trong trí nhớ dài hạn khi nó được mang trở lại trí nhớ hiệu dụng”.[227] Trước đây người ta thường đặt ra giả thiết rằng trí nhớ dài hạn chỉ đơn thuần đóng vai trò như một nhà kho lớn chứa các sự việc, ấn tượng và sự kiện, rằng trí nhớ dài hạn “không tham gia nhiều vào các quá trình nhận thức phức tạp như tư duy hay giải quyết vấn đề”.[228] Tuy nhiên các nhà khoa học về bộ não dần dần nhận ra rằng trí nhớ dài hạn mới thật sự là cái nôi của sự hiểu biết. Nó không chỉ lưu trữ sự việc mà còn cả các khái niệm phức tạp, hay “lược đồ”. Bằng cách tổ chức nhiều mẩu thông tin rời rạc thành các mô hình tri thức, các lược đồ khiến tư duy của chúng ta trở nên sâu sắc và phong phú. “Sức mạnh trí tuệ của chúng ta chủ yếu xuất phát từ những lược đồ chúng ta có được trong một khoảng thời gian dài”, Sweller nói. “Chúng ta có thể hiểu được các khái niệm trong ngành chuyên môn của mình là nhờ các lược đồ liên quan tới những khái niệm đó”.[229]
Chiều sâu của trí thông minh xoay quanh khả năng chúng ta chuyển thông tin từ trí nhớ hiệu dụng sang trí nhớ dài hạn và dệt thành các lược đồ khái niệm. Tuy nhiên quãng đường từ trí nhớ hiệu dụng tới trí nhớ dài hạn cũng tạo nên chiếc nút cổ chai chủ yếu trong bộ não của chúng ta. Không giống trí nhớ dài hạn có dung lượng khổng lồ, trí nhớ ngắn hạn chỉ có thể lưu trữ một lượng thông tin rất nhỏ. Trong một bài viết nổi tiếng năm 1956 có tên The Magical Number Seven, Plus orMinus Two (Số Bảy kỳ diệu, cộng hoặc trừ Hai), nhà tâm lý học George Miller thuộc Đại học Princeton quan sát thấy trí nhớ hiệu dụng thường chỉ lưu trữ được bảy phần hay bảy “yếu tố” thông tin. Cho đến nay, người ta vẫn nghĩ tuyên bố này quá cường điệu. Theo Sweller, các bằng chứng hiện tại cho thấy “chúng ta có thể xử lý không quá hai đến bốn yếu tố cùng một lúc và con số thực tế có thể thấp hơn [chứ] không thể cao hơn”. Hơn nữa, những yếu tố chúng ta lưu trong trí nhớ hiệu dụng sẽ nhanh chóng biến mất “trừ khi chúng ta có thể liên tục luyện tập để làm mới chúng”.[230]
Hãy tưởng tượng bạn phải đổ đầy nước vào bồn tắm bằng một chiếc đê khâu; thử thách đó cũng tương tự như khi chuyển thông tin từ trí nhớ hiệu dụng sang trí nhớ dài hạn. Bằng cách điều chỉnh tốc độ và cường độ của dòng chảy thông tin, các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn tới quá trình này. Khi chúng ta đọc một cuốn sách, chiếc vòi thông tin nhỏ từng giọt đều đều mà chúng ta có thể kiểm soát nhờ tốc độ đọc của mình. Nhờ tập trung duy nhất vào văn bản nên chúng ta có thể chuyển phần lớn thông tin, lần lượt vào trí nhớ dài hạn và thu thập các liên kết cần thiết để tạo ra lược đồ. Với Internet, chúng ta phải đối mặt với nhiều vòi thông tin, tất cả đều đang chảy mạnh. Chúng ta bị quá tải khi vội vàng chuyển từ vòi này sang vòi khác. Chúng ta có thể chuyển một phần nhỏ thông tin sang trí nhớ dài hạn và những gì chúng ta thật sự chuyển chỉ là một mớ lộn xộn những giọt nước từ nhiều vòi khác nhau, không phải một dòng chảy liên tục, mạch lạc từ một nguồn.
Dòng thông tin chuyển vào trí nhớ hiệu dụng của chúng ta tại một thời điểm nhất định gọi là “tải trọng nhận thức”. Nếu tải trọng vượt quá khả năng lưu trữ và xử lý thông tin của trí óc – khi dòng nước quá nhiều – thì chúng ta sẽ không thể giữ lại được thông tin hoặc kết nối với thông tin trong trí nhớ dài hạn. Chúng ta không thể kết hợp các thông tin mới thành lược đồ. Khả năng học hỏi của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng và hiểu biết của chúng ta sẽ rất nông cạn. Do khả năng duy trì sự chú ý cũng phụ thuộc vào trí nhớ hiệu dụng – “chúng ta phải nhớ những gì mình tập trung vào” như lời của Torkel Klingberg – nên một tải trọng nhận thức cao sẽ làm tăng thêm phiền nhiễu chúng ta gặp phải. Khi bộ não quá tải, chúng ta sẽ thấy “sự sao nhãng càng gây nên sao nhãng nhiều hơn”.[231] (Một vài nghiên cứu liên hệ chứng rối loạn thiếu tập trung, hay ADD, với sự quá tải của trí nhớ hiệu dụng.) Các thí nghiệm chỉ ra rằng khi trí nhớ hiệu dụng đạt tới giới hạn, chúng ta càng khó phân biệt giữa thông tin có liên quan và thông tin không liên quan, giữa tín hiệu và tiếng ồn. Chúng ta trở thành người tiêu thụ thông tin không suy nghĩ.
Khó khăn trong việc phát triển kiến thức về một ngành hoặc một khái niệm dường như “phụ thuộc chủ yếu vào tải trọng của trí nhớ hiệu dụng”, Sweller viết, và chúng ta càng cố học những vấn đề càng phức tạp thì trí óc bị quá tải sẽ càng gây ra ảnh hưởng nặng nề.[232] Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới quá tải nhận thức, nhưng theo Sweller, hai trong số những nguyên nhân quan trọng nhất là “giải quyết vấn đề không liên quan” và “phân chia sự chú ý”. Đây cũng là hai trong những đặc điểm chủ yếu của Internet trong vai trò là phương tiện thông tin.Gary Small cho rằng tác động của Internet tới bộ não giống với tác động của bài tập giải ô chữ.Tuy nhiên dạng bài tập như thế ở cường độ cao khi trở thành cách tư duy chủ yếu sẽ có thể gây cản trở khả năng học hỏi và tư duy sâu sắc.Cố đọc sách khi đang giải ô chữ, đó chính là môi trường trí tuệ của Internet.
QUAY TRỞ LẠI THẬP NIÊN 1980 khi trường học bắt đầu đầu tư nhiều vào máy tính, người ta rất nhiệt tình với những ưu điểm hiển nhiên của văn bản số so với văn bản in. Rất nhiều nhà giáo dục tin rằng kết hợp siêu liên kết vào các văn bản trên máy tính sẽ có lợi cho học hành.Họ lập luận rằng siêu văn bản cải thiện tư duy phản biện của học sinh bởi học sinh có thể dễ dàng chuyển giữa nhiều quan điểm khác nhau. Thoát khỏi kiểu đọc theo bước người đi trước của sách in, độc giả có thể tạo ra nhiều kiểu kết nối trí tuệ mới giữa các văn bản khác nhau. Lòng nhiệt tình của giới học thuật dành cho siêu văn bản tiếp tục được nhen nhóm bởi lòng tin cùng các lý thuyết hậu hiện đại nổi tiếng thời đó rằng siêu văn bản sẽ lật đổ quyền lực gia trưởng của tác giả và chuyển quyền lực vào tay độc giả. Đó sẽ là công nghệ giải phóng. Nhà lý luận văn học George Landow và Paul Delany cho rằng siêu văn bản có thể “mang tới khúc khải hoàn” bằng cách giải phóng độc giả khỏi “tính vật chất cứng nhắc” của văn bản in. Bằng cách “thoát khỏi công nghệ giới hạn bởi trang giấy”, siêu văn bản “mang tới cho tâm trí một mô hình tốt hơn trong việc tái sắp xếp các yếu tố kinh nghiệm bằng cách thay đổi các mối liên hệ nối kết hoặc xác định giữa chúng”.[233]
Đến cuối thập kỷ, lòng nhiệt tình bắt đầu giảm bớt.Các nghiên cứu vẽ ra một tương lai toàn diện hơn và rất khác về ảnh hưởng nhận thức của siêu văn bản. Hóa ra việc đánh giá các mối liên kết và vạch ra một con đường có liên quan tới các kỹ năng giải quyết vấn đề đòi hỏi cao về thần kinh chứ không liên quan tới bản thân việc đọc. Việc giải mã siêu văn bản tăng đáng kể tải trọng nhận thức của độc giả và như vậy giảm khả năng hiểu và nhớ những gì họ đang đọc. Một nghiên cứu năm 1989 chỉ ra rằng độc giả của siêu văn bản thường nhấp chuột bừa bãi “qua các trang thay vì đọc cẩn thận”.Một thí nghiệm năm 1990 cho thấy độc giả của siêu văn bản thường “không thể nhớ những gì họ đã và chưa đọc”.Trong một nghiên cứu khác cùng năm, các nhà nghiên cứu cho hai nhóm người trả lời một chuỗi các câu hỏi bằng cách tìm kiếm câu trả lời trong một tập tài liệu.Một nhóm sẽ tìm kiếm bằng tài liệu văn bản siêu liên kết điện tử, nhóm còn lại sẽ tìm kiếm trên văn bản giấy truyền thống. Nhóm sử dụng văn bản giấy tỏ ra vượt trội so với nhóm siêu văn bản trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi xem lại kết quả của thí nghiệm này và các thí nghiệm khác, các biên tập viên của một cuốn sách xuất bản năm 1996 về siêu văn bản và nhận thức nhận xét rằng do siêu văn bản “áp đặt tải trọng nhận thức cao hơn lên người đọc” nên không có gì ngạc nhiên khi “các so sánh thực nghiệm giữa hình thức giấy (một tình huống quen thuộc) và siêu văn bản (một tình huống mới đòi hỏi cao về nhận thức) thường không thiên về siêu văn bản”. Tuy nhiên họ cũng dự đoán rằng khi độc giả “hiểu biết nhiều hơn về siêu văn bản”, các vấn đề về nhận thức cũng sẽ biến mất.[234]
Điều đó vẫn chưa xảy ra. Mặc dù mạng World Wide Web đã khiến siêu văn bản trở nên phổ biến, có mặt ở mọi nơi nhưng các nghiên cứu vẫn tiếp tục chỉ ra rằng những người đọc văn bản mang tính tuần tự sẽ hiểu nhiều hơn, nhớ nhiều hơn và học hỏi được nhiều hơn so với những người đọc văn bản chứa đầy rẫy các đường liên kết. Trong một nghiên cứu năm 2001, hai học giả người Canada yêu cầu 70 người đọc truyện ngắn The Demon Lover (Người tình ma quái) của nhà văn theo trường phái hiện đại Elizabeth Bowen. Một nhóm đọc truyện ở dạng văn bản truyền thống còn nhóm thứ hai đọc ở dạng có đường liên kết giống trên trang web. Những người đọc siêu văn bản cần nhiều thời gian hơn để kết thúc cuốn truyện, tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn sau đó, họ đều trả lời là gặp nhiều nhầm lẫn và không chắc chắn về những gì mình vừa đọc. Ba phần tư trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi theo dõi văn bản, trong khi chỉ một phần mười số người đọc văn bản truyền thống ghi nhận vấn đề này. Một người đọc siêu văn bản phàn nàn: “Cuốn truyện rất thất thường. Tôi không biết điều này có phải do siêu văn bản gây ra không, tuy nhiên tôi đã lựa chọn và bỗng nhiên, mọi thứ không còn được suôn sẻ nữa, bỗng nhiên xuất hiện một ý tưởng mới mà tôi không thể theo kịp”.
Những nhà nghiên cứu này cũng thực hiện một thí nghiệm thứ hai, dùng một truyện ngắn hơn và đơn giản hơn là The Trout (Cá hồi) của Sean O’Faolain, và cũng thu được kết quả tương tự. Một lần nữa những người đọc siêu văn bản đều trả lời là gặp nhiều nhầm lẫn khi theo dõi văn bản, và nhận xét của họ về nội dung cũng như hình ảnh của truyện ngắn ít chi tiết và kém chính xác hơn nhận xét của những người đọc văn bản thông thường. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng siêu văn bản “dường như không khuyến khích việc đọc sâu theo từng cá nhân”. Sự tập trung của độc giả “hướng về cơ cấu hoạt động và chức năng của siêu văn bản hơn là trải nghiệm đến từ truyện ngắn”.[235] Phương tiện dùng để trình bày từ ngữ nay lại che lấp ý nghĩa của từ ngữ.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người ngồi vào máy tính và xem hai bài báo mạng mô tả hai lý thuyết trái ngược nhau. Một bài lập luận rằng “tri thức mang tính khách quan” còn bài kia cho rằng “tri thức mang tính tương quan”. Hai bài báo có cấu trúc giống nhau với tiêu đề giống nhau và mỗi bài đều có đường liên kết dẫn đến bài kia, cho phép độc giả nhanh chóng chuyển giữa hai bài để so sánh hai lý thuyết. Nhà nghiên cứu đua ra giả thiết rằng những người dùng đường liên kết sẽ hiểu về hai lý thuyết và sự khác nhau giữa chúng sâu hơn những người đọc hết một bài xong mới chuyển sang bài khác. Họ đã nhầm. Trên thực tế, trong bài kiểm tra đọc hiểu sau đó, những người đọc lần lượt đạt điểm cao hơn nhiều so với những người nhấp chuyển giữa hai bài báo. Các đường liên kết đã ảnh hưởng tới cách học, nhóm nghiên cứu kết luận.[236]
Erping Zhu, một nhà nghiên cứu khác, tiến hành một thí nghiệm kiểu khác cũng nhằm mục đích tìm hiểu ảnh hưởng của siêu văn bản tới việc đọc hiểu. Cô yêu cầu một nhóm người đọc cùng một loại văn bản trực tuyến, tuy nhiên số đường liên kết trong đoạn văn của mỗi người lại khác nhau. Sau đó cô kiểm tra việc đọc hiểu của họ bằng cách yêu cầu mỗi người viết bản tóm tắt những gì họ đã đọc và hoàn thành một bài kiểm tra trắc nghiệm. Cô phát hiện ra rằng số lượng liên kết càng tăng thì mức độ đọc hiểu càng giảm. Độc giả bắt buộc phải dành nhiều sự tập trung và sức não hơn để đánh giá các đường liên kết và quyết định xem có nên nhấp vào không. Như vậy họ dành ít sự chú ý và tài nguyên nhận thức hơn để có thể hiểu mình đang đọc gì. Thí nghiệm cho thấy mối tương quan mạnh mẽ “giữa số lượng đường liên kết và sự mất phương hướng hay quá tải nhận thức”, Zhu viết. “Đọc và hiểu đòi hỏi người đọc phải thiết lập mối quan hệ giữa các khái niệm, suy luận, sử dụng kiến thức đã biết và tổng hợp ý chính. Như vậy, mất phương hướng hay quá tải nhận thức ảnh hưởng tới hoạt động nhận thức của việc đọc và hiểu”.[237]
Năm 2005, hai nhà tâm lý học Diana DeStefano và Jo-Anne LeFevre cùng Trung tâm nghiên cứu nhận thức ứng dụng của Đại học Carleton tại Canada thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện 38 thí nghiệm trước đây có liên quan tới việc đọc siêu văn bản. Mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều cho rằng siêu văn bản làm giảm khả năng đọc hiểu, nhưng họ chỉ tìm thấy “rất ít sự ủng hộ” lý thuyết phổ biến một thời rằng “siêu văn bản mang lại trải nghiệm phong phú hơn cho văn bản”. Ngược lại, các bằng chứng chỉ ra rằng “siêu văn bản yêu cầu phải đưa ra quyết định và xử lý hình ảnh nhiều hơn nên làm suy yếu khả năng đọc” đặc biệt nếu so với “văn bản trình bày ở dạng truyền thống”. Họ kết luận rằng “nhiều đặc điểm của siêu văn bản dẫn tới việc tăng tải trọng nhận thức và đòi hỏi dung lượng bộ nhớ làm việc vượt quá khả năng của độc giả”.[238]
TRANG WEB KẾT HỢP công nghệ siêu văn bản với công nghệ đa phương tiện để mang tới một thứ có tên “siêu phương tiện”. Đó không chỉ là chữ cái mà còn là hình ảnh, âm thanh và ảnh động được liên kết điện tử với nhau. Giống như những người tiên phong về siêu văn bản từng tin rằng các đường liên kết mang tới trải nghiệm học hỏi phong phú hơn cho người đọc, rất nhiều nhà giáo dục cũng giả định rằng đa phương tiện, hay “phương tiện phong phú” như một số người gọi, sẽ giúp hiểu sâu hơn và học tốt hơn. Càng nhiều chi tiết đầu vào thì càng tốt. Tuy nhiên giả thiết này, trước đây được chấp nhận dù thiếu bằng chứng, hoàn toàn trái ngược với các kết quả nghiên cứu. Việc chia cắt sự chú ý, bởi các yếu tố đa phương tiện yêu cầu, đã hạn chế khả năng nhận thức, giảm việc học và hiểu của chúng ta. Nói đến việc cung cấp suy nghĩ cho bộ não thì nhiều hơn có thể đồng nghĩa với ít hơn.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Media Psychology năm 2007, các nhà nghiên cứu yêu cầu hơn 100 tình nguyện viên xem một bản trình chiếu về quốc gia Mali bằng một trình duyệt Web trên máy tính. Một vài đối tượng xem phiên bản trình bày chỉ gồm một vài trang văn bản. Một nhóm khác xem một phiên bản có thêm một cửa sổ trình chiếu nội dung kèm theo âm thanh và hình ảnh của các tài liệu liên quan. Các đối tượng thí nghiệm có thể dừng và xem tiếp bản trình bày nếu muốn.
Sau khi xem xong, các đối tượng làm một bài kiểm tra gồm 10 câu hỏi về tài liệu đó. Trung bình những người chỉ xem văn bản trả lời đúng 7,04 câu, trong khi những người xem đa phương tiện chỉ trả lời đúng 5,98 câu – một sự khác biệt đáng kể, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu. Các đối tượng cũng được hỏi một loạt câu hỏi về nhận thức của họ về bản trình chiếu. Những người chỉ đọc văn bản thấy phiên bản của họ thú vị hơn, có tính giáo dục hơn, dễ hiểu hơn và dễ chịu hơn so với những người xem đa phương tiện. Và nhiều người xem đa phương tiện đồng ý với nhận định rằng “Tôi không học hỏi được gì từ bản trình chiếu này” so với những người chỉ đọc văn bản. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng công nghệ đa phương tiện phổ biến trên trang web “dường như sẽ giới hạn, thay vì tăng cường, việc tiếp nhận thông tin”.[239]
Trong một thí nghiệm khác, hai nhà nghiên cứu của Đại học Comel, chia một lớp sinh viên thành hai nhóm. Một nhóm được phép lướt Web khi đang nghe giảng. Nhật ký hoạt động cho thấy sinh viên không chỉ xem những trang liên quan tới nội dung bài giảng mà còn ghé thăm những trang không liên quan, kiểm tra email, mua sắm, xem phim và nhiều hoạt động khác mà mọi người thường làm khi lên mạng. Nhóm thứ hai cũng nghe cùng một bài giảng nhưng không được bật laptop. Ngay sau đó, hai nhóm tham gia một bài kiểm tra xem họ có thể nhớ bao nhiêu thông tin về bài giảng. Báo cáo của các nhà nghiên cứu cho thấy những người lướt Web “thể hiện kém hơn nhiều trong bài kiểm tra trí nhớ những nội dung cần học”. Hơn nữa cho dù xem những thông tin liên quan hay hoàn toàn không liên quan tới nội dung bài giảng thì tất cả đều thể hiện kém như nhau. Khi các nhà nghiên cứu lặp lại thí nghiệm với một lớp khác, kết quả thu được cũng tương tự.[240]
Các học giả của Đại học bang Kansas cũng thực hiện một nghiên cứu thực tế tương tự. Họ yêu cầu một nhóm sinh viên xem một chương trình CNN tiêu biểu gồm bốn tin tức trong khi nhiều yếu tố đồ họa nhấp nháy trên màn hình và một dòng tin chữ chạy phía dưới. Họ yêu cầu một nhóm thứ hai cũng xem chương trình này nhưng không có đồ họa và dòng tin phía dưới. Các bài kiểm tra sau đó cho thấy những sinh viên xem phiên bản đa phương tiện nhớ được ít chi tiết hơn nhiều so với những sinh viên xem phiên bản đơn giản. Các nhà nghiên cứu viết: “Có vẻ như định dạng đa phương tiện vượt quá khả năng chú ý của người xem”.[241]
Cung cấp thông tin dưới nhiều hơn một dạng thức luôn có hại cho nhận thức của người xem. Chúng ta đều biết rằng khi đọc sách có minh họa, hình ảnh giúp làm rõ và củng cố các lời giải thích bằngchữ. Các nhà nghiên cứu về giáo dục cũng tìm ra rằng những bản trình chiếu được thiết kế cẩn thận, kết hợp giải thích hoặc hướng dẫn bằng hình ảnh và âm thanh có thể tăng khả năng học hỏi của sinh viên. Các lý thuyết hiện tại cho rằng lý do là vì bộ não của chúng ta sử dụng nhiều kênh khác nhau để xử lý những gì chúng ta nhìn và nghe được. Sweller giải thích: “Trí nhớ hiệu dụng về âm thanh và hình ảnh tách biệt nhau, ít nhất là về một khía cạnh nào đó. Và vì chúng tách biệt nhau nên có thể tăng hiệu quả cho trí nhớ hiệu dụng bằng cách sử dụng cả hai bộ xử lý thay vì một”. Kết quả là trong một số trường hợp, “có thể cải thiện ảnh hưởng tiêu cực của việc phân chia sự chú ý bằng cách sử dụng cả phương thức hình ảnh và âm thanh”.[242] Tuy nhiên Internet không phải do các nhà giáo dục tạo ra để tối ưu hóa việc học. Cách trình bày thông tin trên Internet không cân bằng mà giống một mớ hỗn độn làm phân đoạn sự tập trung.
Về thiết kế, Internet là một hệ thống gián đoạn, một chiếc máy hoạt động để phân chia sự chú ý. Đó không chỉ là kết quả của khả năng thể hiện nhiều loại phương tiện truyền thông khác nhau cùng một lúc, mà là kết quả của việc Internet có thể dễ dàng được lập trình để gửi và nhận các thông điệp. Một ví dụ hiển nhiên là phần lớn các ứng dụng email đều được thiết lập để tự động kiểm tra thu mới mỗi năm hoặc mười phút một lần và mọi người nhấp vào nút “kiểm tra thu mới” còn thường xuyên hơn. Nghiên cứu về các nhân viên công sở sử dụng máy tính cho thấy họ thường xuyên dừng công việc đang làm để đọc và trả lời email mới. Không có gì bất thường khi họ thường xuyên nhìn vào hộp thu khoảng 30 đến 40 lần một giờ (mặc dù khi được hỏi tần suất kiểm tra thu, họ thường đua ra một con số thấp hơn nhiều).[243] Mỗi một lần kiểm tra thu là một lần gián đoạn nhỏ về tư duy, một lần phải tạm thời bố trí lại các nguồn tài nguyên thần kinh, do vậy, chi phí nhận thức trở nên rất cao. Từ rất lâu, các nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh điều mà phần lớn chúng ta đã biết từ trải nghiệm: sự thường xuyên bị gián đoạn làm phân tán tư duy, giảm trí nhớ và làm chúng ta trở nên lo lắng và căng thẳng. Tư duy mà chúng ta tham dự càng phức hợp, thì thiệt hại do sự sao lãng sinh ra càng lớn.[244]
Ngoài các dòng tin nhắn cá nhân – bao gồm cả email, tin nhắn chat và tin nhắn di động – các trang web ngày càng cung cấp cho chúng ta nhiều cách thức thông báo tự động. Các trình đọc và tổng hợp tin tức cho chúng ta biết ngay khi có một bài đăng mới tại một tờ báo hoặc blog ưa thích. Các mạng xã hội báo cho chúng ta về hoạt động của bạn bè từng giây từng phút. Twitter và các dịch vụ tiểu blog khác báo cho chúng ta biết mỗi khi những người chúng ta “theo dõi” đăng tải một thông điệp mới. Chúng ta cũng có thể thiết lập các thông báo để theo dõi sự thay đổi giá trị các khoản đầu tư, các báo cáo tin tức về những cá nhân hoặc sự kiện nhất định, các bản cập nhật của phần mềm chúng ta đang dùng, các phim mới được tải lên YouTube… Tùy thuộc vào dòng thông tin chúng ta đăng ký và tần suất gửi cập nhật, chúng ta có thể nhận khoảng chục thông báo mỗi giờ và đối với những người có nhiều liên kết thì con số này còn cao hơn. Mỗi thông báo là một sự xao lãng, một sự xâm phạm tới tư duy của chúng ta, một mẩu thông tin chiếm mất khoảng trống quý giá trong trí nhớ hiệu dụng của chúng ta.
Duyệt Web đòi hỏi một hình thức đa nhiệm tâm lý chuyên sâu. Bên cạnh việc làm trí nhớ hiệu dụng của chúng ta quá tải thông tin, Internet còn áp đặt một thứ mà các nhà khoa học về bộ não gọi là “chi phí chuyển đổi” lên nhận thức của chúng ta. Mỗi khi chúng ta chuyển hướng sự chú ý, bộ nhớ cũng phải tự định hướng lại và cần thêm nhiều tài nguyên tinh thần hơn. Như Maggie Jackson đã giải thích trong cuốn sách Distracted (Sao nhãng) của cô về đa nhiệm, “bộ não cần thời gian để thay đổi mục tiêu, ghi nhớ luật lệ cần thiết cho nhiệm vụ mới và ngăn chặn sự quấy rầy về nhận thức từ hoạt động vẫn còn sống động trước đó”.[245] Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chuyển đổi giữa hai nhiệm vụ làm tăng đáng kể tải trọng nhận thức, cản trở tư duy và tăng khả năng chúng ta sẽ bỏ qua hoặc hiểu sai một thông tin quan trọng. Trong một thí nghiệm đơn giản, người ta chỉ cho một nhóm người trưởng thành một dãy các hình thù nhiều màu và yêu cầu họ dự đoán dựa vào những gì trông thấy. Họ phải thực hiện nhiệm vụ này khi đang đeo tai nghe một chuỗi các tiếng bíp. Trong một thử nghiệm, họ phải phớt lờ tiếng bíp và chỉ tập trung vào các hình thù. Trong thử nghiệm thứ hai sử dụng một bộ tín hiệu thị giác khác, họ phải theo dõi số lượng tiếng bíp. Sau mỗi lần như thế, họ sẽ hoàn tất một bài kiểm tra yêu cầu họ giải thích những gì mình vừa thực hiện. Trong cả hai thử nghiệm, các đối tượng đưa ra phỏng đoán với tỉ lệ thành công như nhau. Tuy nhiên sau thử nghiệm đa nhiệm, họ gặp khó khăn hơn khi phải đưa ra kết luận về trải nghiệm của mình. Chuyển đổi giữa hai nhiệm vụ làm giảm hiểu biết của các đối tượng, họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ nhưng không hiểu ý nghĩa. Nhà tâm lý học Russel Poldrack của Đại học California, Los Angeles, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định: “Kết quả thí nghiệm cho thấy các khái niệm và sự kiện sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn học khi đang bị sao nhãng”.[246] Trên Internet, chúng ta thường xuyên tung hứng không chỉ hai mà một vài nhiệm vụ tinh thần, vì vậy chi phí chuyển đổi cũng cao hơn.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là khả năng theo dõi sự kiện và tự động gửi thông điệp và thông báo là một trong những điểm mạnh nhất của Internet trong vai trò một công nghệ truyền thông. Chúng ta dựa vào khả năng đó để cá nhân hóa hoạt động của hệ thống, để lập trình cho cơ sở dữ liệu khổng lồ phù hợp nhu cầu, sở thích và mong muốn cụ thể của mình. Chúng ta muốn bị gián đoạn bởi mỗi sự gián đoạn lại mang đến một thông tin quý giá. Tắt những thông báo này đi đồng nghĩa với nguy cơ cảm thấy bị mất liên lạc hoặc thậm chí bị cô lập về xã hội. Dòng thông tin mới gần như liên tục của Web cũng ảnh hưởng tới xu hướng tự nhiên “quá coi trọng những gì đang xảy ra với chúng ta ngay lúc này”, theo như giải thích của nhà tâm lý học Christopher Chabris của Đại học Union. Chúng ta khao khát cái mới ngay cả khi biết rằng “cái mới tầm thường, chứ không cần thiết”.[247]
Và vì vậy chúng ta yêu cầu Internet hãy tiếp tục làm gián đoạn nhiều hơn và theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mất tập trung và trọng tâm, phân chia sự chú ý và phân mảnh tư duy, để đổi lại những thông tin hấp dẫn hoặc ít nhất cũng vui vẻ chúng ta sẽ nhận được. Ngừng sử dụng Internet không phải một lựa chọn mà nhiều người trong chúng ta sẽ cân nhắc.
NĂM 1879, một bác sỹ nhãn khoa người Pháp tên là Louis Émile Javal phát hiện ra rằng khi đọc, mắt con người không đảo qua các từ một cách trơn tru. Sự tập trung thị giác được cải thiện theo từng bước nhỏ, gọi là sự di chuyển mắt đột ngột, dừng nhanh ở các điểm khác nhau trong từng dòng. Không lâu sau, một đồng nghiệp của Javal tại Đại học Paris cũng khám phá ra rằng: các kiểu mô hình tạm dừng, hay còn gọi là “định hình mắt”, thay đổi phụ thuộc vào người đọc sách và họ đang đọc cái gì. Theo sau những khám phá này, các nhà nghiên cứu về bộ não bắt đầu sử dụng các thí nghiệm dùng mắt theo dõi để tìm hiểu kỹ hơn cách đọc và cách làm việc của bộ não. Các nghiên cứu này được chứng minh là có giá trị trong việc mang thêm nhiều hiểu biết về ảnh hưởng của Internet đối với sự chú ý và nhận thức.
Năm 2006, Jakob Nielsen, một nhà tư vấn lâu năm về thiết kế trang web, người đã nghiên cứu việc đọc trực tuyến kể từ thập niên 1990, đã tiến hành một nghiên cứu dùng mắt theo dõi về người dùng Internet. Ông yêu cầu 232 người đeo một máy quay nhỏ có thể theo dõi chuyển động của mắt khi họ đọc các trang văn bản và xem các nội dung khác. Nielsen phát hiện ra rằng hầu như không người nào đọc văn bản trực tuyến theo từng dòng thông thường giống như khi đọc một hang sách in. Phần lớn đều đọc lướt qua, mắt họ nhìn trang web theo mô hình gần giống chữ F. Họ bắt đầu bằng cách đọc nhanh hai, ba dòng đầu tiên. Sau đó mắt họ nhìn xuống một chút và nhìn vào một vài dòng ở giữa. Cuối cùng họ để mắt qua bên trái của trang. Mô hình đọc trực tuyến này được củng cố bởi một nghiên cứu sử dụng mắt theo dõi sau đó do Phòng thí nghiệm tính ứng dụng của phần mềm thuộc Đại học bang Wichita thực hiện.[248]
Khi tổng kết kết quả nghiên cứu cho khách hàng, Nielsen viết “F có nghĩa là fast (nhanh). Đó là cách người dùng đọc nội dung quý giá của bạn. Chỉ trong một vài giây, mắt họ di chuyển với tốc độ đáng ngạc nhiên để đọc các chữ trên trang web theo một mô hình khác với những gì bạn được học tại trường”.[249] Để bổ sung cho nghiên cứu dùng mắt theo dõi của mình, Nielsen cũng phân tích một cơ sở dữ liệu bao quát về hành vi của người dùng Internet do một nhóm các nhà nghiên cứu Đức lập ra. Họ quan sát máy tính của 25 người trong khoảng 100 ngày và theo dõi thời gian các đối tượng dành để nhìn vào khoảng 50.000 trang web. Khi phân tích dữ liệu, Nielsen phát hiện ra rằng khi số lượng từ trên một trang tăng lên thì thời gian một khách truy cập dành để nhìn vào trang đó cũng tăng lên, nhưng rất ít. Cứ tăng thêm 100 từ thì một người xem trung bình chỉ dành thêm 4,4 giây để đọc trang đó. Ngay cả người đọc giỏi nhất cũng chỉ đọc được khoảng 18 từ trong 4,4 giây nên Nielsen nói với các khách hàng rằng “khi thêm từ ngữ vào một trang, bạn có thể đặt giả thiết rằng khách hàng sẽ chỉ đọc khoảng 18% số từ thêm vào đó”. Và ông cũng cảnh báo rằng con số đó gần như chắc chắn là một sự phóng đại. Không chắc những người tham gia nghiên cứu dành toàn bộ thời gian để đọc; cũng có thể họ xem ảnh, phim, quảng cáo và các thể loại nội dung khác.[250]
Bản phân tích của Nielsen củng cố thêm kết luận của các nhà nghiên cứu người Đức. Họ ghi nhận rằng phần lớn các trang web chỉ được xem trong 10 giây hoặc ít hơn. Không nhiều hơn một phần muòi trang web được xem quá 2 phút và một lượng xem đáng kể có liên quan tới “những cửa sổ trình duyệt tự động… còn mở trên màn hình desktop”. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy “ngay cả những trang mới với nhiều thông tin và đường liên kết cũng chỉ được xem trong một khoảng thời gian ngắn ngủi”. Họ nhận xét kết quả “khẳng định rằng lướt Web là một hành động tương tác nhanh chóng”.[251] Kết quả này cũng củng cố tài liệu Nielsen viết vào năm 1997 sau nghiên cứu đầu tiên về đọc trực tuyến. Ông đưa ra câu hỏi: “Người dùng trên trang web đọc như thế nào?”. Câu trả lời ngắn gọn là: “Họ không đọc”.[252]
Các trang web thường xuyên thu thập dữ liệu chi tiết về hành vi của khách truy cập, và các số liệu thống kê nhấn mạnh tốc độ chuyển nhanh chóng giữa các trang web khi chúng ta lên mạng. Trong thời gian hai tháng vào năm 2008, một công ty Israel có tên ClickTale chuyên cung cấp phần mềm phân tích cách người ta sử dụng trang web đã thu thập dữ liệu về hành vi của một triệu khách truy cập các trang web do khách hàng trên toàn thế giới của công ty đảm nhiệm việc bảo trì. Công ty này phát hiện ra rằng tại phần lớn các quốc gia, người dân dành trung bình từ 19 đến 27 giây để nhìn vào một trang trước khi chuyển sang trang tiếp theo, bao gồm cả thời gian tải một trang web trên cửa sổ trình duyệt. Người lướt Web tại Đức và Canada dành khoảng 20 giây cho mỗi trang, người lướt Web tại Mỹ và Anh dành khoảng 21 giây, người lướt Web tại Ấn Độ và úc dành khoảng 24 giây và người lướt Web tại Pháp dành khoảng 25 giây.[253] Trên Internet, không có cái gọi là duyệt Web nhàn hạ. Chúng ta muốn thu thập nhiều thông tin một cách nhanh chóng như khi chúng ta di chuyển mắt và ngón tay.
Điều đó cũng đúng với các nghiên cứu học thuật. Là một phần củadự án kéo dài năm năm và kết thúc vào đầu năm 2008, một nhóm của Đại học Tổng hợp London đã kiểm tra nhật ký máy tính ghi lại hành vi của khách truy cập hai trang web nghiên cứu nổi tiếng, một do Thư viện Anh và một do một tập đoàn giáo dục Anh điều hành. Cả hai trang đều cho phép người dùng truy cập vào các bài báo, e-book và nhiều nguồn văn bản khác. Các học giả thấy rằng người dùng của hai trang web đều thể hiện một “loại hoạt động đọc lướt” đặc trưng. Họ nhanh chóng chuyển từ nguồn này sang nguồn khác và hiếm khi trở lại những nguồn đã tham khảo. Thông thường họ đọc nhiều nhất là một hoặc hai trang báo hoặc sách trước khi “nhảy” sang trang khác. Các tác giả của nghiên cứu ghi lại: “Rõ ràng người dùng không đọc trực tuyến theo cách truyền thống. Có những dấu hiệu thực sự về một hình thức đọc mới nổi lên khi người dùng “duyệt” ngang tiêu đề, nội dung và tóm tắt để nhanh chóng chiến thắng. Có vẻ như họ lên mạng để tránh phải đọc theo cách thông thường”.[254]
Merzenich cho rằng thay đổi trong phương pháp đọc và nghiên cứu có lẽ là kết quả tất yếu khi chúng ta phụ thuộc vào công nghệ Internet và nó chứng tỏ sự thay đổi sâu sắc hơn về tư duy của chúng ta. “Không nghi ngờ gì khi các công cụ tìm kiếm hiện đại và các trang web tham khảo chéo làm tăng mạnh mẽ hiệu quả nghiên cứu và giao tiếp”, ông nói. “Không nghi ngờ gì khi bộ não của chúng ta tham gia ít trực tiếp hơn và nông cạn hơn vào quá trình tổng hợp thông tin khi chúng ta sử dụng các chiến lược nghiên cứu về “hiệu quả”, “tham khảo thứ cấp (và ngoài ngữ cảnh)” và “lướt nhanh, sơ sơ”.[255]
Việc chuyển từ đọc sang duyệt Web đang diễn ra rất nhanh. Zimming Liu, một giáo sư khoa học thư viện tại Đại học bang San José, nhận định “sự ra đời của phương tiện truyền thông số và bộ sưu tập ngày càng nhiều các văn bản số có ảnh hưởng sâu sắc tới việc đọc”. Năm 2003, Liu khảo sát 113 người có bằng cấp – kỹ sư, nhà khoa học, kế toán, giáo viên, nhà quản lý kinh doanh và sinh viên cao học,phần lớn ở độ tuổi từ 30 đến 45 – để đánh giá thay đổi thói quen đọc của họ trong 10 năm vừa qua. Gần 85% số người ghi nhận rằng họ dành nhiều thời gian hơn để đọc các văn bản điện tử. Khi được yêu cầu mô tả thay đổi trong cách đọc của mình, 81% số người nói rằng họ dành nhiều thời gian hơn để “duyệt và đọc lướt”, và 82% số người nói rằng họ “đọc tùy hứng” nhiều hơn. Chỉ có 27% số người nói rằng thời gian họ dành để “đọc sâu” tăng lên, trong khi 45% số người nói rằng thời gian đó đang giảm đi. Chỉ 16% số người nói rằng họ dành nhiều “sự chú ý bền bỉ” hơn cho việc đọc; 50% số người nói rằng họ dành ít “sự chú ý bền bỉ” hơn cho việc đọc.
Theo Liu, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng “môi trường số thường khuyến khích mọi người tìm hiểu bao quát về nhiều chủ đề, nhưng ở mức độ hời hợt hơn”, và rằng “các siêu liên kết khiến mọi người sao nhãng khỏi việc đọc sâu và tư duy sâu”. Một trong những người tham gia nghiên cứu nói với Liu: “Tôi thấy lòng kiên nhẫn đọc các văn bản dài của mình ngày càng giảm. Tôi chỉ muốn lướt nhanh tới đoạn kết của những bài báo dài”. Một người khác nói: “Tôi thường đọc các trang theo chuẩn html nhanh hơn so với các tài liệu in”. Liu kết luận rằng rõ ràng cơn lũ vãn bản số đang tràn vào máy tính và điện thoại của chúng ta, “mọi người dành nhiều thời gian để đọc” hơn trước đây. Nhưng cũng rõ ràng đó là một kiểu đọc khác. Ông viết: “Hoạt động đọc trên màn hình ngày càng nổi bật”, đặc trưng bởi “việc duyệt, đọc lướt, phát hiện từ khóa, đọc một lần [và] đọc không theo thứ tự”. Mặt khác, thời gian “dành để đọc sâu và đọc tập trung” lại giảm dần.[256]
Chẳng có gì sai khi duyệt và đọc lướt, hay thậm chí là siêu duyệt và siêu đọc lướt. Chúng ta luôn đọc lướt báo chí hơn là đọc thật sự và chúng ta cũng thường xuyên đảo mắt qua sách và tạp chí để hiểu ý chính của văn bản và quyết định xem có nên đọc kỹ hơn không. Khả năng đọc lướt cũng quan trọng như khả năng đọc sâu. Điều khác biệt và rắc rối ở đây là đọc lướt đang dần trở thành cách đọc chiếmưu thế. Đọc lướt từng là một phương tiện để đạt được mục đích, một cách để phát hiện thông tin cần nghiên cứu sâu hơn, nhưng nay nó đã trở thành mục đích – phương thức yêu thích của chúng ta để tập hợp và tìm hiểu mọi loại thông tin. Chúng ta đã đạt tới một điểm mà một học giả Rhodes như Joe O’Shea của bang Florida – chỉ chuyên về triết học – thoải mái thừa nhận rằng ông không chỉ không đọc sách mà ông cũng không thấy có nhu cầu phải đọc sách. Tại sao phải bận tâm khi bạn có thể tra Google mọi thông tin bạn cần chỉ trong chưa tới một giây? Có thể so sánh trải nghiệm của chúng ta với sự đảo ngược quỹ đạo ban đầu của nền văn minh: chúng ta đang tiến hóa từ những người tạo ra kiến thức cá nhân thành những người đi săn và thu thập kiến thức trong rừng thông tin điện tử.
TUY NHIÊN VẪN CÓ SỰ ĐỀN BÙ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số kỹ năng nhận thức nhất định cũng tiếp tục được cải thiện, đôi khi cải thiện đáng kể, nhờ việc sử dụng máy tính và Internet. Những kỹ năng này thường liên quan tới những chức năng thần kinh dạng thấp, hoặc thô sơ hơn như phối hợp tay và mắt, phản xạ và xử lý các tín hiệu hình ảnh. Một nghiên cứu hay được trích dẫn về trò chơi điện tử (video game), xuất hiện trên tạp chí Nature vào năm 2003 cho thấy chỉ sau mười ngày chơi game hành động trên máy tính, một nhóm người trẻ tuổi đã tăng đáng kể tốc độ chuyển sự tập trung thị giác giữa các hình ảnh và nhiệm vụ khác nhau. Người ta còn phát hiện ra rằng các game thủ kỳ cựu cũng có thể nhận thấy nhiều vật trên trường thị giác hơn so với người mới chơi. Tác giả của nghiên cứu kết luận rằng “mặc dù chơi trò chơi điện tử có vẻ không cần động não nhưng nó có khả năng thay đổi hoàn toàn việc chú ý xử lý hình ảnh”.[257]
Mặc dù có ít bằng chứng thực nghiệm nhưng có vẻ logic khi cho rằng việc tìm kiếm và lướt Web cũng cải thiện những chức năng não có liên quan tới một số dạng giải quyết vấn đề tốc độ cao, đặc biệt là những dạng liên quan tới việc nhận ra các mẫu trong một loạt dữ liệu. Nhờ liên tục đánh giá các đường liên kết, tiêu đề báo, đoạn văn bản và hình ảnh, chúng ta sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc nhanh chóng phân biệt được giữa các tín hiệu thông tin, phân tích các đặc tính nổi bật và đánh giá xem chúng có lợi ích thực tế cho nhiệm vụ chúng ta đang thực hiện hay mục tiêu chúng ta đang theo đuổi không. Một nghiên cứu tại Anh về cách phụ nữ tìm kiếm thông tin y tế trực tuyến chỉ ra rằng tốc độ đánh giá giá trị một trang web tăng khi họ quen hơn với Internet.[258] Một người duyệt Web có kinh nghiệm chỉ mất vài giây để đưa ra đánh giá chính xác liệu trang web có thông tin đáng giá hay không.
Các nghiên cứu khác cho thấy các hoạt động trí óc chúng ta thực hiện trên mạng có thể mở rộng một chút khả năng của trí nhớ hiệu dụng.[259] Điều đó cũng giúp chúng ta trở nên chuyên nghiệp hơn khi tung hứng thông tin. Theo Gary Small, nghiên cứu này “chỉ ra rằng bộ não của chúng ta nhanh chóng học cách tập trung sự chú ý, phân tích thông tin và gần như ngay lập tức quyết định đi tiếp hay dừng lại”. Ông tin rằng khi chúng ta dành nhiều thời gian để duyệt lượng thông tin khổng lồ trên mạng thì “rất nhiều người cũng phát triển các mạch thần kinh chỉ dùng để có được bứt phá sắc sảo và nhanh chóng về sự chú ý”.[260] Khi chúng ta thực hành duyệt, lướt và đa nhiệm, bộ não mềm dẻo của chúng ta có thể sẽ quen thuộc hơn với những nhiệm vụ này.
Chúng ta không nên coi nhẹ tầm quan trọng của những kỹ năng này. Khi công việc và cuộc sống xã hội của chúng ta xoay quanh việc sử dụng phương tiện truyền thông điện tử, càng sử dụng các phương tiện này nhanh hơn và có thể chuyển sự chú ý giữa các nhiệm vụ trực tuyến một cách khéo léo hơn, chúng ta càng trở thành những nhân viên, thậm chí là bạn bè và đồng nghiệp đáng quý hơn. Theocách nhà văn Sam Anderson đề cập trong bài báo In Defense of Distraction (Bảo vệ sự phiền nhiễu) được đăng trên tạp chí New York, “công việc của chúng ta phụ thuộc vào tính kết nối” và “chu kỳ vui thích của chúng ta – không hề tầm thường – ngày càng phụ thuộc hơn vào tính kết nối”. Anderson cho rằng: “Đã quá muộn để lui về một khoảng thời gian yên tĩnh hơn”.[261]
Ông nói đúng, nhưng sẽ rất sai lầm nếu chỉ nhìn vào ích lợi của Internet và vội kết luận rằng công nghệ làm chúng ta thông minh hơn. Jordan Grafman, trưởng đơn vị khoa học thần kinh nhận thức tại Viện quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ, giải thích rằng liên tục thay đổi sự chú ý khi đang lên mạng có thể khiến bộ não nhanh nhẹn hơn với việc đa nhiệm, tuy nhiên sự tăng cường khả năng đa nhiệm thật sự cản trở khả năng tư duy sâu sắc và sáng tạo. “Liệu tối ưu hóa khả năng đa nhiệm có dẫn tới khả năng vận hành tốt hơn không – tức là sáng tạo, phát minh, năng suất? Trong phần lớn các trường hợp, câu trả lời là không”, Grafman nói. “Bạn càng làm nhiều nhiệm vụ thì càng ít tính thảo luận hơn, ít có thể suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân cho vấn đề”. Ông lý luận rằng bạn chắc chán sẽ dựa vào các ý tưởng và giải pháp thông thường thay vì thách thức chúng với những dòng suy nghĩ độc đáo.[262]David Meyer, một nhà thần kinh học của Đại học Michigan và là một trong những chuyên gia hàng đầu về đa nhiệm, đưa ra một quan điểm tương tự. Theo ông, khi thu được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc nhanh chóng chuyển sự chú ý thì chúng ta có thể “khắc phục được một số sự thiếu hiệu quả” cố hữu của việc đa nhiệm, “tuy nhiên trừ một số trường hợp hiếm thấy, bạn có thể luyện tập đến khi mệt lử nhưng vẫn chẳng bao giờ làm tốt như khi chỉ tập trung vào một thứ trong một thời điểm”.[263] Những gì chúng ta làm khi đa nhiệm “là học cách trở nên điêu luyện một cách hời hợt”.[264] Cách đây hai nghìn năm, triết gia người La Mã Seneca đã đề cập tốt nhất về vấn đề này khi nói: “Ở mọi nơi tức là không ở đâu cả”.[265]
Trong một bài báo được đăng trên tạp chí Science đầu năm 2009, Patricia Greenfield, một nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng dạy tại Đại học California, Los Angeles, đã xem hơn 50 nghiên cứu về ảnh hưởng của các loại hình phương tiện truyền thông khác nhau tới trí thông minh và khả năng học hỏi của con người. Bà kết luận rằng “mỗi phương tiện phát triển một vài kỹ năng nhận thức, trong khi một vài kỹ năng khác phải trả giá”. Việc sử dụng Internet và công nghệ dùng màn hình ngày càng nhiều dẫn tới “sự phát triển lan rộng và phức tạp các kỹ năng thị giác – không gian”. Chẳng hạn, chúng ta có thể xoay các đồ vật trong trí óc tốt hơn trước đây. Tuy nhiên “ưu điểm mới trong trí thông minh thị giác – không gian” cũng đi kèm với việc giảm năng lực “xử lý sâu”, vốn là nền tảng “cho việc thu thập kiến thức, phân tích quy nạp, tư duy phản biện, tưởng tượng và suy ngẫm”.[266]Hay nói cách khác, Internet chỉ khiến chúng ta thông minh hơn nếu ta định nghĩa sự thông minh theo chuẩn mực riêng của Internet. Nếu chúng ta định nghĩa trí thông minh rộng hơn theo truyền thống – nếu chúng ta nghĩ về chiều sâu tư duy thay vì vận tốc – thì chúng ta sẽ đi tới một kết luận khác biệt và ảm đạm hơn nhiều.
Do não bộ rất mềm dẻo nên chúng ta biết rằng các thói quen trực tuyến của mình sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động của các khớp thần kinh khi chúng ta không lên mạng. Chúng ta có thể đặt giả thiết rằng những dây thần kinh dùng để đọc lướt và đa nhiệm ngày càng mở rộng và mạnh mẽ hơn, còn những dây thần kinh để đọc và nghĩ sâu cùng sự tập trung bền bỉ ngày càng yếu đi hoặc bị ăn mòn. Năm 2009, các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford tìm thấy dấu hiệu chứng tỏ thay đổi này đã diễn ra trong bộ não. Họ giao một loạt bài kiểm tra nhận thức cho một nhóm chuyên đa nhiệm truyền thông và một nhóm mới bắt đầu học cách đa nhiệm. Họ nhận ra rằng những người chuyên đa nhiệm dễ bị sao lãng bởi “các kích thích môi trường không liên quan”, ít kiểm soát được nội dung của trí nhớ hiệu dụng và nhìn chung ít có khả năng duy trì sự tập trung cho một nhiệm vụ nhất định. Trong khi những người ít đa nhiệm thể hiện “việc kiểm soát tập trung từ trên xuống” tương đối mạnh mẽ, thì những người thường xuyên đa nhiệm thiên về “xu hướng kiểm soát tập trung từ dưới lên”, tức là “họ có thể hy sinh hiệu quả hoạt động của nhiệm vụ chính để tiếp thu được nhiều nguồn tin khác”. Clifford Nass, một giáo sư của Stanford đứng đầu nghiên cứu, nhận xét rằng những người chuyên đa nhiệm là “những người say mê những thứ không liên quan. Mọi thứ đều có thể khiến họ xao lãng”.[267] Đánh giá của Michael Merzenich còn ảm đạm hơn nhiều, ông cho rằng khi chúng ta thực hiện đa nhiệm trực tuyến, chúng ta “đang tập cho bộ não chú ý tới những thứ vớ vẩn”. Điều đó có thể mang tới những hậu quả “chết người” cho cuộc sống trí tuệ của chúng ta.[268]
Những chức năng thần kinh đang thua trong trận chiến tế bào não “ai bận rộn nhất thì sống” là những chức năng thần kinh hỗ trợ suy nghĩ tuần tự, bình tĩnh – những chức năng chúng ta dùng để đọc một bài viết dài hay một lập luận có liên quan, những chức năng chúng ta dựa vào khi phản ánh trải nghiệm hoặc chiêm ngưỡng những hiện tượng bên ngoài hoặc nội tâm. Kẻ chiến thắng là những chức năng giúp chúng ta nhanh chóng xác định, phân loại và đánh giá các mẩu thông tin khác nhau ở nhiều dạng, giúp chúng ta duy trì tinh thần khi đang bị quá tải bởi các tác nhân kích thích. Không phải tình cờ khi những chức năng này tương tự chức năng của máy tính, được lập trình để nhanh chóng truyền tải dữ liệu ra và vào bộ nhớ. Một lần nữa, chúng ta dường như đang học tập các đặc tính của một công nghệ trí tuệ mới phổ biến.
VÀO BUỔI TỐI NGÀY 18 tháng 4 năm 1775, Samuel Johnson đưa hai người bạn là James Boswell và Joshua Reynolds đến thăm biệt thự lớn của Richard Owen Cambridge trên bờ sông Thames bên ngoài London. Họ được dẫn tới thư viện, nơi Cambridge đang đợi gặp mặt. Sau màn chào hỏi chóng vánh, Johnson phóng tới giá sách và bắt đầu im lặng đọc các gáy sách trên đó.Cambridge nói: “Tiến sĩ Johnson này, sở thích nhìn vào lưng các cuốn sách có vẻ khác thường đấy”. Sau này Boswell nhớ lại là Johnson “ngay lập tức ra khỏi sự mơ màng và trả lời: “Thưa ngài, lý do rất đơn giản. Tri thức có hai loại. Chúng ta tự biết một vấn đề hoặc chúng ta biết có thể tìm thấy thông tin về vấn đề đó ở đâu”.[269]
Internet cho phép chúng ta truy cập một thư viện thông tin khổng lồ về cả quy mô và kích thước và khiến mọi thứ dễ dàng hơn khi chúng ta bước vào thư viện đó – để tìm thấy, nếu như không phải chính xác thứ ta đang tìm kiếm, thì ít nhất cũng là một thứ đủ dùng cho mục đích trước mắt. Tuy nhiên Internet lại làm giảm loại tri thức nền tảng của Johnson: khả năng hiểu biết sâu một vấn đề và tạo dựng trong đầu các mối liên hệ phong phú, riêng biệt để tạo ra trí thông minh cá nhân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.