Triệu Phú Khu Ổ Chuột

Kỳ 6: Nghề mới ở Taj Mahal



Tôi rời ga Agra… Tôi quyết định khám phá thành phố xa lạ này… Tôi đi dọc con đường bụi bặm ngoằn ngoèo, và bỗng nhiên nhìn thấy một con sông. Bên kia sông là một công trình kiến trúc trắng bóng nhô lên từ một cái nền hình vuông giống như một mái vòm đang phình ra, với những ô cửa vòm đỉnh nhọn và các hốc tường… Vẻ đẹp của nó làm tôi mê mẩn.

Một lúc lâu sau, tôi quay ra hỏi người đi đường đầu tiên tôi gặp, một người đàn ông trung niên đang cầm hộp thức ăn: “Xin lỗi, cho tôi hỏi tòa nhà ở bên kia sông là tòa nhà gì vậy ạ?”. Ông ta nhìn tôi như thể tôi là kẻ mất trí: “Này, nếu không biết cái đó thì cậu đang làm gì ở Agra này hả? Đó là lăng Taj Mahal, đồ ngốc ạ”. Taj Mahal. Kỳ quan thứ tám của thế giới…

Hướng dẫn viên du lịch

Đông nghịt khách du lịch, cả trẻ lẫn già, giàu lẫn nghèo, người Ấn lẫn người ngoại quốc… Sau nửa giờ thám hiểm không mục đích, tôi chú ý tới một nhóm khách du lịch phương Tây trông có vẻ khá giả được trang bị đầy đủ máy quay video xách tay và ống nhòm đang chăm chú lắng nghe một hướng dẫn viên cao tuổi đứng dưới chân tòa lâu đài. Tôi kín đáo lẩn vào nhóm khách đó.

Người hướng dẫn viên chỉ vào tòa lâu đài bằng cẩm thạch và nói bằng giọng chua chua: “… Giờ tôi sẽ nói cho các bạn biết đôi chút về lịch sử của Taj Mahal. Vào một ngày năm 1607, hoàng tử Khurram thuộc hoàng gia Mughal đang dạo bước tại hội chợ Meena Bazaar ở Delhi thì chợt nhìn thấy một cô gái bán lụa và chuỗi hạt thủy tinh tại một sạp hàng nhỏ. Ngài mê mẩn sắc đẹp của người con gái đến nỗi ngay lúc đó đã đem lòng yêu nàng. Nhưng phải mất tới năm năm ngài mới có thể cưới được người con gái đó. Tên thật của nàng là Arjuman Banu, nhưng ngài đặt cho nàng cái tên mới là Mumtaz Mahal. Khi đó nàng mười chín tuổi, còn ngài vừa tròn hai mươi …

Mumtaz và Khurram cưới nhau năm 1612 và trong mười tám năm họ đã có với nhau mười bốn người con… Nàng qua đời trong khi sinh nở vào ngày mùng 7-6-1630 tại Burhanpur, chỉ ba năm sau khi Khurram trở thành hoàng đế Shahjahan của triều đại Mughal. Vào lúc lâm chung, Mumtaz Mahal đã khiến hoàng đế hứa với nàng bốn điều: thứ nhất, ngài sẽ dựng một tượng đài xứng với sắc đẹp của nàng; thứ hai, ngài sẽ không tái hôn; thứ ba, ngài sẽ đối xử tốt với các con; thứ tư, ngài sẽ đi viếng mộ nàng vào ngày giỗ của nàng. Cái chết của Mumtaz làm hoàng đế đau buồn đến nỗi nghe nói tóc ngài bạc trắng chỉ sau một đêm. Nhưng tình yêu dành cho người vợ lớn đến nỗi ngài đã ra lệnh xây dựng cho nàng một trong những lăng mộ đẹp nhất trên trái đất. Công việc được bắt đầu vào năm 1631…”.

Các du khách cởi giày và bước vào lăng chính… Ai đó gõ nhẹ vào vai tôi. Tôi quay phắt lại, thấy một người ngoại quốc đeo kính cùng vợ và hai đứa con đang nhìn tôi chằm chằm. “Xin lỗi, cậu nói được tiếng Anh không?”, ông ta hỏi tôi. “Có”, tôi đáp. “Cậu làm ơn nói cho chúng tôi biết đôi chút về Taj Mahal. Chúng tôi là khách du lịch từ Nhật Bản. Chúng tôi chưa biết về thành phố của cậu. Chúng tôi vừa mới tới ngày hôm nay”.

Tôi muốn nói với ông ấy rằng tôi cũng chưa biết về thành phố này, rằng tôi cũng vừa mới tới đây ngày hôm nay, nhưng khuôn mặt tò mò của ông ấy đã cuốn hút tôi. Bắt chước giọng nói nghiêm trang của người hướng dẫn viên, tôi bắt đầu nói với ông ấy những gì tôi nhớ được: “Taj Mahal được hoàng đế Khurram xây cho vợ ngài là Noorjahan, còn được biết đến với cái tên Mumtaz Begum, vào năm 1531. Ngài gặp nàng trong khi nàng đang bán vòng trang sức trong một khu vườn và đem lòng yêu nàng, nhưng mười chín năm sau mới cưới nàng làm vợ. Nàng luôn cận kề bên ngài trong tất cả các trận chiến và sinh cho ngài mười tám người con trong vòng mười bốn năm…”.

Ông người Nhật ngắt lời tôi. “Sinh mười tám người con chỉ trong mười bốn năm? Cậu có chắc không?”, ông ta rụt rè hỏi. “Tất nhiên – tôi quở trách ông ta – Ông biết đấy, chắc phải có mấy lần sinh đôi. Dù sao đi nữa, trong khi sinh đứa con thứ mười chín, Mumtaz đã qua đời ở Sultanpur vào ngày 16-6. Nhưng trước khi chết, bà xin nhà vua ban cho bốn đặc ân. Một là xây Taj Mahal, hai là không đánh đập các con, ba là làm cho tóc ngài bạc, bốn là… Tôi không nhớ, nhưng nó không quan trọng đâu. Đấy, như các bạn có thể thấy, Taj Mahal gồm một cổng vào, một khu vườn, một nhà khách và một ngôi mộ…”.

“Thật ư? Ôi chao! Thật thú vị! Sách hướng dẫn không đề cập tới những chuyện này”, ông quay sang bà vợ nói như bắn liên thanh bằng tiếng Nhật. Sau đó ông dịch lại cho tôi nghe: “Tôi nói với vợ tôi rằng không sử dụng dịch vụ hướng dẫn du lịch chính thức giá đắt quả là hay. Cậu đã kể cho chúng tôi mọi điều thật thú vị”. Ông cười rạng rỡ với tôi: “Chúng tôi cảm ơn cậu rất nhiều, Arigato”. Ông cúi chào và thả vào tay tôi thứ gì đó. Tôi cúi chào đáp lại. Khi ông ấy đi rồi, tôi mở nắm tay ra và thấy đồng năm mươi rupi mới cứng được gấp gọn gàng. Cho chỉ năm phút làm việc!

Giờ tôi biết hai điều: tôi muốn ở lại thành phố của Taj Mahal, và tôi không ngại trở thành một hướng dẫn viên du lịch.

Dễ đến thì dễ đi

Trong năm tiếp theo ở Agra, tôi thu lượm được một lượng thông tin dồi dào về Taj Mahal. Khả năng nói tiếng Anh trôi chảy tạo cho tôi một lợi thế ngay từ đầu. Du khách nước ngoài lũ lượt kéo đến với tôi và chẳng bao lâu danh tiếng hướng dẫn viên Raju đã lan xa (khi đến Agra, Thomas lấy tên là Raju Sharma – TT). Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi là một chuyên gia về Taj Mahal. Tôi có thông tin nhưng không có hiểu biết. Hướng dẫn viên Raju không hơn gì một con vẹt chỉ biết kể lại một cách trung thành những gì mình nghe được mà không thật sự hiểu nổi nghĩa của một từ.

Tôi cũng bắt đầu kiếm kha khá từ các du khách. Tiền bạc không dư dả nhưng chắc chắn đủ để trả tiền thuê nhà, thỉnh thoảng có thể ăn tại quán McDonald hoặc tiệm Pizza Hut, và vẫn có thể dành dụm chút ít cho một ngày mưa. Tôi đã trải qua quá nhiều bất hạnh và với nỗi sợ hãi thường trực trong lòng rằng bất kỳ ngày nào chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy cũng có thể đến bắt tôi… Tôi cảm thấy mình có lập kế hoạch lâu dài cho tương lai cũng chẳng ích gì. Bởi vậy tôi coi tiền bạc, cũng như coi cuộc đời của mình, là một thứ hàng hóa có thể dùng cho đến cạn. Dễ đến thì dễ đi. Chẳng có gì ngạc nhiên, tôi sớm trở nên nổi tiếng trong khu nhà phụ là một người hảo tâm.

Hôm nay những khách hàng cuối cùng của tôi là một nhóm bốn sinh viên đại học giàu có đến từ Delhi. Họ là những người trẻ tuổi ồn ào, diện quần bò xịn và đeo kính râm nhập ngoại, đưa ra những lời bình luận hỗn xược về Taj Mahal, không ngừng trêu ghẹo nhau và thổ ra những câu đùa tục tĩu. Cuối buổi tham quan có hướng dẫn viên này, họ không chỉ trả tiền công mà còn boa đậm cho tôi. Sau đó họ mời tôi đi chơi đêm với họ trên chiếc xe minivan có người lái thuê. “Hướng dẫn viên Raju, hãy đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ làm cho cậu sung sướng”, họ nài nỉ. Thoạt đầu tôi khước từ, nhưng họ cứ nài nỉ mãi và tôi biết ơn họ vì khoản tiền boa hậu hĩnh đến nỗi không thể từ chối được. Tôi nhảy lên xe.

Người lái xe đưa chúng tôi qua những đường phố hẹp và những khu chợ đông đúc tiến về vùng ngoại ô của Agra. Cuối cùng anh ta cho xe chạy vào một khu định cư trông rất lạ nằm gần quốc lộ được gọi là Basai Mohalla. Ở lối vào khu đó có một bảng thông báo: “Vào khu vực đèn đỏ bạn phải chịu mọi rủi ro. Hãy luôn nhớ sử dụng bao cao su. Phòng bệnh AIDS, giữ lấy mạng sống”.

Tôi không hiểu hai chữ đèn đỏ trên bảng thông báo ám chỉ điều gì. Chẳng căn nhà nào trong tầm mắt tôi có gắn đèn đỏ… Tiếng nhạc và tiếng lục lạc đeo trên chân các vũ công văng vẳng trong không gian đêm. Mấy cậu sinh viên bước xuống xe tiến về một khu nhà nhỏ. Tôi lưỡng lự, nhưng họ kéo tôi đi. Giờ tôi nhận thấy khu này khá tấp nập… Tôi nhìn thấy những cô gái ở các độ tuổi khác nhau chỉ mặc váy lót dài và áo cánh, trát bự phấn và đeo đồ trang sức, ngồi trên các bậc lên xuống. Vài cô liếc mắt ve vãn chúng tôi và giơ ngón tay thực hiện những cử chỉ khiêu dâm khêu gợi. Giờ thì tôi đã hiểu khu vực đèn đỏ là gì. Đó là nơi gái mại dâm hoạt động.

Đêm nay quả thật đang trở thành một đêm dành cho những trải nghiệm mới của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.