Triệu Phú Khu Ổ Chuột

Kỳ 8: Bốn mươi vạn rupi



Có một cú điện thoại từ trạm điện thoại công cộng địa phương gọi tới… “Raju, Raju, có người gọi điện nói rằng Nita đã gọi. Cô ấy muốn cậu đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Shinghania ngay bây giờ”. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng khi nghe tin đó và chạy ba dặm liền tới Bệnh viện Shinghania…

“Nita đâu?”, tôi hỏi một y tá đang ngơ ngác. “Em đây, Raju”, giọng Nita nghe yếu ớt. Cô ấy nằm trên xe đẩy phía sau một ngăn riêng có rèm che.

Phải kiếm được tiền

Vừa nhìn thấy cô ấy tôi đã suýt ngất vì sốc. Khắp mặt cô ấy chỗ nào cũng bầm tím, còn môi bị méo đi một cách kỳ dị như thể cằm cô ấy bị biến dạng. Hai chiếc răng của cô ấy vẫn đang chảy máu và mắt trái thâm đen. “Kẻ nào… kẻ nào đã khiến em ra nông nỗi này?”, tôi hỏi, gần như không nhận ra giọng mình nữa. Cô ấy nói rất khó khăn: “Đó là một người đàn ông đến từ Mumbai. Shyam bảo em tới phòng hắn tại khách sạn Cung điện. Hắn trói em lại và làm tất cả chuyện này với em. Những gì anh thấy trên mặt em chẳng là gì cả. Nhìn những gì hắn đã làm với người em mà xem”.

Nita lật người sang một bên và tôi nhìn thấy những vết roi đỏ hằn sâu trên tấm lưng thon của cô, như thể ai đó đã dùng roi ngựa quất cô ấy. Sau đó cô ấy vén áo lên và tôi gần như chết đứng. Ngực cô ấy chi chít vết bỏng do điếu thuốc lá đang cháy gây nên, trông giống như những vết rỗ xấu xí trên làn da nâu mịn màng của bầu ngực cô. Trước đây tôi đã từng nhìn thấy cảnh này. Máu tôi bắt đầu sôi lên: “Anh biết ai đã làm chuyện này với em. Hắn có nói tên hắn không? Anh sẽ giết hắn”. “Em không biết tên hắn, nhưng hắn cao và…”.

Đúng lúc đó Shyam bước vào phòng, tay cầm gói thuốc. Vừa nhìn thấy tôi là gã đã tức điên lên. “Đồ khốn – gã hét lên và túm cổ áo tôi – Sao mày dám mò đến đây hả? Chỉ vì mày mà Nita mới gặp chuyện này”. “Anh điên à, Shyam?”, tôi kêu lên. “Không, mày điên thì có… Mày có biết người khách từ Mumbai đó trả cho nó bao nhiêu không? Năm nghìn rupi. Nhưng em gái tao đã tin mày: chắc hẳn nó đã cưỡng lại ông ta và mày thấy chuyện gì đã xảy ra rồi đấy. Giờ để tao nói cho mày biết một điều. Nếu mày muốn gặp lại Nita thì hãy mang bốn mươi vạn rupi đến cho tao. Còn nếu không gom nổi số tiền đấy thì quên Nita đi. Nếu tao nhìn thấy mày lảng vảng quanh bệnh viện, tao sẽ cho người giết mày đấy, hiểu chưa? Giờ thì biến đi”.

Ngay lúc đó tôi có thể bóp cổ gã, làm gã tắt thở, hoặc dùng ngón tay móc mắt gã ra. Nhưng tôi nhớ tới lời hứa với Nita, và bằng cách nào đó tôi đã kìm nén được cơn giận đang trào sôi. Tôi không tài nào chịu đựng nổi nếu phải nhìn khuôn mặt Nita thêm nữa, vậy là tôi rời phòng cấp cứu. Tôi chỉ biết duy nhất một điều. Bằng cách này hay cách khác tôi phải kiếm được bốn mươi vạn rupi. Nhưng kiếm ở đâu bây giờ? (Sau đó, Thomas đã lập kế hoạch đột nhập vào nhà của một người và lấy được tổng cộng bốn mươi vạn rupi – TT).

Cứu một mạng người

Tôi đút tiền vào một cái túi giấy màu nâu, giữ chặt nó bằng tay phải và chạy tới bệnh viện. Khi tôi vào phòng cấp cứu, một người đàn ông trung niên đeo kính, mặt lởm chởm râu ria và mái tóc rối bù va phải tôi. Tôi ngã xuống sàn gạch và cái túi màu nâu tuột khỏi tay. Những tờ giấy bạc rơi tóe loe khỏi túi. Người đàn ông nhìn thấy những tờ bạc và đôi mắt lóe lên tia sáng điên dại. Ông ta bắt đầu nhặt những tờ bạc giống như một đứa bé phấn khích…

Nhưng sau khi nhặt hết những tờ bạc, người đàn ông trả chúng cho tôi và chắp hai tay lại. “Tiền này là của cậu, nhưng tôi xin cậu, người anh em, hãy cho tôi mượn số tiền này. Xin hãy cứu mạng con trai tôi. Nó mới chỉ mười sáu tuổi thôi. Tôi không thể chịu đựng được nếu phải nhìn nó chết”, ông ta van xin như một kẻ ăn mày. Tôi vội nhét tiền vào chiếc túi giấy màu nâu và cố tống khứ ông ta đi.

“Con trai ông bị làm sao?”. “Nó bị một con chó điên cắn. Giờ nó đang mắc chứng sợ nước. Bác sĩ nói đêm nay nó sẽ chết trừ khi tôi mua được loại vác-xin tên là RabCure, loại vác-xin chỉ có bán tại nhà thuốc Gupta. Nhưng nó có giá bốn mươi vạn rupi, một giáo viên như tôi thì đào đâu ra số tiền lớn như vậy. Tôi biết cậu có số tiền đó, người anh em ạ. Tôi xin cậu, hãy cứu mạng con trai tôi và tôi sẽ trở thành nô lệ của cậu suốt đời”, ông ta nói rồi òa khóc như một đứa trẻ.

“Tiền này dùng để chữa bệnh cho một người rất thân thiết đối với tôi. Tôi xin lỗi, tôi không thể giúp ông được”, tôi nói và đi qua cánh cửa kính. Người đàn ông chạy theo bám lấy chân tôi… “Tôi đã nói với ông rồi, tôi xin lỗi. Làm ơn đừng quấy rầy tôi”, tôi nói và gỡ chân mình khỏi tay ông ấy.

Tôi không nhìn lại phía sau xem ông ta có tiếp tục đi theo hay không mà vội vã đi tới giường của Nita. Shyam và một gã đàn ông khác đến từ nhà chứa đang ngồi trên ghế trước mặt Nita giống như hai gã lính canh. Nita hình như đang ngủ. Mặt cô bị băng nhiều chỗ. “Gì thế? – Shyam vừa nói vừa nhai bánh gối – Sao mày còn đến đây, thằng khốn?”. “Tôi đã có số tiền anh yêu cầu. Đúng bốn mươi vạn rupi. Nhìn xem”, tôi chìa cho gã xem những xấp bạc.

Shyam huýt sáo: “Mày lấy trộm số tiền này ở đâu hả?”. “Đó không phải việc của anh. Tôi tới để đưa Nita đi với tôi”. “Nita sẽ không đi đâu hết. Bác sĩ nói phải mất bốn tháng nó mới hồi phục được. Và vì mày phải chịu trách nhiệm về những vết thương của nó, mày nên trả cả tiền chữa trị cho nó nữa. Nó cần được phẫu thuật thẩm mỹ. Cái loại phẫu thuật đó đắt kinh khủng, tiêu tốn của tao gần hai mươi vạn bạc đấy. Vậy nên nếu muốn có Nita thì mày hãy quay lại đây với sáu mươi vạn, nếu không thằng bạn tao đây sẽ chăm sóc mày”.

Gã đàn ông ngồi cạnh Shyam rút từ trong túi quần ra một con dao bấm và xoay xoay nó giữa những ngón tay như một thợ cắt tóc chuẩn bị cạo râu cho khách hàng. Gã nở nụ cười nham hiểm làm lộ hàm răng ám màu trầu thuốc.

Khi đó tôi biết Nita sẽ không bao giờ là của tôi. Rằng Shyam sẽ không bao giờ để cô ấy đi. Rằng cho dù có xoay xở mang tới được sáu mươi vạn, Shyam sẽ đòi một trăm vạn. Đầu óc tôi dường như mụ đi và tôi nhìn thấy quanh mình toàn một màu đen. Cơn buồn nôn tấn công tôi. Khi bình tĩnh lại, tôi nhìn thấy một tờ báo ướt nằm trên sàn.

Trong tờ báo đó có một mục quảng cáo cho thấy khuôn mặt của một người đàn ông cười xếch đến mang tai đang kẹp mấy tờ bạc trị giá hàng nghìn rupi giữa các ngón tay. Dưới bức ảnh đó là lời chú thích, “Hoan nghênh quý vị đến với chương trình truyền hình tuyệt vời nhất. Hoan nghênh quý vị đến với chương trình ALTP – Ai là tỉ phú? Các đường dây điện thoại đang thông. Hãy gọi điện hoặc viết thư cho chúng tôi để xem liệu bạn có phải là người may mắn giành được giải thưởng lớn nhất trên trái đất hay không!”.

Tôi nhìn địa chỉ ghi trên quảng cáo đó. Nó ghi: “Prem Studios, Khar, Mumbai”. Chính lúc đó tôi biết mình sẽ tới Mumbai.

Tôi bước ra khỏi phòng cấp cứu như kẻ mất hồn… Người đàn ông đeo kính vẫn đứng ở hành lang. Ông ta nhìn tôi bằng ánh mắt khấp khởi hi vọng, nhưng lần này không cố xáp đến gần tôi. Có lẽ ông ta đành cam chịu cái chết của đứa con. Tôi vẫn cầm cái túi giấy màu nâu trong tay. Tôi ra hiệu cho ông ta. Ông ta lê bước tới chỗ tôi như con chó trông chờ một khúc xương. “Đây, cầm lấy – tôi đưa cái túi ra – Tôi có bốn mươi vạn rupi ở trong túi. Đi cứu con trai ông đi”.

Người đàn ông cầm lấy túi tiền, quỳ sụp xuống chân tôi và òa khóc. “Cậu không phải con người, cậu là một vị thần”, ông ta nói. Tôi cười thành tiếng. “Nếu tôi là thần thánh, chúng ta sẽ không cần đến bệnh viện. Không, tôi chỉ là một hướng dẫn viên du lịch nhỏ bé có những ước mơ lớn”, tôi nói và cố bước về phía trước, nhưng ông ta lại chặn đường tôi. Ông ta lấy từ trong túi áo ra một chiếc ví da sờn cũ và rút ra một tấm danh thiếp: “Tiền cậu đưa cho tôi là một khoản tôi nợ cậu. Đây là danh thiếp của tôi. Tôi sẽ trả tiền cậu ngay khi có thể, nhưng từ lúc này tôi là người hầu của cậu”.

“Tôi không nghĩ sẽ cần ông. Thật ra, tôi không nghĩ mình sẽ cần bất cứ ai ở Agra. Tôi sắp đi Mumbai” – tôi lơ đãng nói với ông ta và nhét tấm danh thiếp vào túi áo. Người đàn ông nhìn tôi lần nữa bằng đôi mắt đẫm lệ rồi lao ra khỏi bệnh viện, chạy về hướng Rakab Gani và cái nhà thuốc Gupta mở cửa thâu đêm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.