Triệu Phú Khu Ổ Chuột
Kỳ 9: Sự trợ giúp bất ngờ
Tôi ngồi trên giường của Smita, nước mắt rơi lã chã. Smita cầm tay tôi khẽ vuốt ve. Tôi nhận thấy mắt cô cũng nhòa lệ. “… Cậu đã trải qua quãng thời gian thật đau buồn, Thomas ạ. Cậu không đáng phải chịu tất cả nỗi đau đó”. “Nhưng nỗi đau của tôi vẫn không bằng của Nita. Hãy hình dung những gì cô ấy đã phải trải qua từ năm mười hai tuổi mà xem”.
Smita gật đầu: “Đúng, tôi có thể hình dung được. Cô ấy vẫn ở Agra à?”. “Cô ấy có lẽ vẫn ở đó, nhưng tôi không chắc lắm. Đã bốn tháng nay tôi không có tin tức gì của cô ấy. Tôi không biết liệu mình có còn gặp lại cô ấy nữa hay không”. “Tôi tin rằng cậu sẽ gặp lại cô ấy. Giờ chúng ta hãy xem câu hỏi nào”.
Tấm danh thiếp
Bảng hiệu trong trường quay hiện lên hai chữ “Im lặng” nhưng khán giả không chịu để ý đến nó. Họ chỉ vào tôi và bàn tán với nhau một cách phấn khích. Tôi là gã bồi bàn ngốc nghếch đã đặt cược một trăm triệu rupi vào một câu hỏi. Prem Kumar hướng vào máy quay: “Giờ chúng ta sẽ chuyển sang câu hỏi số mười một với giải thưởng trị giá một trăm triệu. Hãy tin tôi, chỉ cần nghĩ đến nó thôi tôi đã nổi da gà rồi. Vậy anh Thomas, anh có căng thẳng không?”. “Không”.
“Thật ngạc nhiên. Anh ở đây, chơi trò may rủi với mười triệu rupi đã giành được, vậy mà anh thậm chí không cảm thấy một dấu hiệu lo lắng nào. Xin hãy nhớ cho, nếu trả lời sai anh sẽ mất tất cả. Nhưng nếu trả lời đúng thì một trăm triệu rupi sẽ thuộc về anh. Chưa người nào thắng được số tiền lớn đến vậy, thậm chí trong xổ số cũng không. Vậy chúng ta hãy xem ngay tại đây, ngay bây giờ, lịch sử có được lập nên hay không. OK, đây là câu hỏi số mười một và nó thuộc lĩnh vực…”. Prem Kumar dừng lại để tạo kịch tính, sau đó anh ta nói nốt câu… “văn học Anh!”. Bảng hiệu của trường quay chuyển sang hai chữ “Vỗ tay”.
“Thomas, hãy cho tôi biết anh có chút kiến thức nào về văn học Anh không? Anh đã từng đọc những cuốn sách, những vở kịch, những bài thơ bằng tiếng Anh chưa?”. “Ồ, tôi có thể đọc thuộc lòng bài Baa, Baa, Black Sheep, nếu như anh gọi đó là thơ tiếng Anh”. Khán giả cười rộ lên. “Chắc hẳn cậu đã nghe nói tới Shakespeare?”. “Sheikh nào?”. “Shakespeare, người vĩ đại nhất trong số những nhà viết kịch sử dụng tiếng Anh, cậu biết chứ?… Nhưng tôi nói thế là đủ rồi. Chính anh Thomas là người phải trả lời câu hỏi tiếp theo, và giờ sẽ đến mốc một trăm triệu rupi. Trong vở kịch nào của Shakespeare chúng ta thấy xuất hiện nhân vật Costard? Đó là a) Vua Lear, b) Người lái buôn thành Venice, c) Uổng công vô ích vì tình yêu hay d) Othello?”.
Tiếng nhạc vang lên. Tôi ngây ra nhìn Prem Kumar. “Hãy cho tôi biết, anh Thomas, anh có biết chút gì về điều chúng ta đang nói tới không?”. “Không”. “Không ư? Vậy anh định làm gì?…”. Đầu óc tôi mụ đi. Tôi suy nghĩ trong ba mươi giây, và rồi quyết định: “Tôi sẽ sử dụng sự trợ giúp”. Prem Kumar nhìn tôi giễu cợt. Dường như anh ta đã quên mất trò chơi này có cái gọi là những sự trợ giúp. Cuối cùng anh ta sực tỉnh: “Một sự trợ giúp ư? Vâng, tất nhiên, anh còn cả hai sự trợ giúp. Xin hãy cho biết anh muốn sử dụng sự trợ giúp nào? Anh có thể yêu cầu tôi loại ra hai phương án sai hoặc sử dụng sự trợ giúp của người thân”.
Tôi lại bối rối. Tôi biết tìm đến ai để có được câu trả lời cho câu hỏi này? Salim cũng mù tịt như tôi. Và văn học đối với đầu óc của những người dân sống ở Dharavi cũng xa vời như sự trung thực đối với cảnh sát vậy… Tôi có nên yêu cầu sự trợ giúp 50/50 không? Tôi cho tay vào túi áo lấy ra đồng xu cũ đáng tin cậy của mình và ngạc nhiên khi chạm phải mép của tấm danh thiếp. Tôi rút nó ra. Đó là một tấm danh thiếp có ghi: “Utpal Chatterjee, giáo viên tiếng Anh, Trường Thánh John, Agra” và một số điện thoại. Thoạt tiên tôi không hiểu. Tôi không nhớ người nào mang tên này hay thậm chí không nhớ làm thế nào mà tấm danh thiếp này lại ở trong túi áo mình. Rồi bỗng nhiên, tôi nhớ ra cảnh ở bệnh viện: người đàn ông tóc rối bù, đeo kính, có đứa con trai 16 tuổi sắp chết vì chứng sợ nước. Một tiếng kêu không chủ ý bật ra khỏi môi tôi.
Prem Kumar nghe thấy tiếng kêu đó và nhìn tôi sắc lẻm: “Xin lỗi, anh nói gì?”. “Tôi nói anh có thể làm ơn gọi điện cho quý ông này được không?”. Tôi đưa tấm danh thiếp cho Prem Kumar. “Tôi sẽ sử dụng sự trợ giúp của người thân”. Prem Kumar lật lật tấm danh thiếp giữa những ngón tay. Mặt anh ta lộ vẻ lo lắng. Hai chữ “Trợ giúp” hiện trên màn hình…
Nghe theo trực giác
Prem Kumar nhấc chiếc điện thoại không dây từ phía dưới bàn lên và đưa nó cho tôi. “Điện thoại đây. Hãy hỏi bất cứ điều gì từ bất cứ ai anh muốn. Nhưng anh chỉ có hai phút thôi và thời gian của anh bắt đầu – anh ta nhìn đồng hồ đeo tay – … nào!”. Tôi cầm điện thoại và bấm theo số ghi trên tấm danh thiếp. Cuộc gọi được kết nối và đầu dây bên kia ở Agra bắt đầu đổ chuông. Nhưng nó cứ đổ chuông, đổ chuông, đổ chuông hoài mà không ai nhấc máy. Nửa phút trôi qua… Khán giả nhìn tôi nín thở…
Đúng lúc tôi sắp gác máy thì ở đầu dây bên kia có người nhấc máy. Tôi chỉ còn lại hơn một phút. “Alô?”. “Alô. Tôi có thể nói chuyện với ông Utpal Chatterjee không ạ?” – tôi nói nhanh. “Chính tôi đây”. “Ông Chatterjee. Tôi là Ram Mohammad Thomas”. “Ram Mohammad… gì ạ?”. “Thomas. Ông có lẽ không biết tên tôi, nhưng tôi đã giúp đỡ ông ở Bệnh viện Singhnia nơi con trai ông phải nằm điều trị. Ông còn nhớ không?”. “Ôi, trời ơi – bỗng nhiên giọng ông ấy thay đổi hoàn toàn – Bốn tháng qua tôi tìm cậu loạn cả lên. Cảm ơn cậu đã gọi cho tôi. Cậu đã cứu mạng con trai tôi, cậu không biết tôi đã cố…”.
Tôi ngắt lời ông ta: “Ông Chatterjee, tôi không có nhiều thời gian. Tôi đang tham gia một chương trình trò chơi truyền hình và tôi cần ông trả lời nhanh một câu hỏi giúp tôi”. “Một câu hỏi ư? Vâng, tất nhiên rồi, tôi sẵn sàng làm những gì cậu muốn”. Giờ chỉ còn chưa đầy ba mươi giây nữa. Mọi con mắt đều đổ dồn vào chiếc đồng hồ treo tường đang hối hả báo từng giây trôi qua. “Hãy nói cho tôi biết thật nhanh, vở nào trong số những vở kịch sau đây của Shakespeare có một nhân vật được gọi là Costard? Đó là a) Vua Lear, b) Người lái buôn thành Venice, c) Uổng công vô ích vì tình yêu hay d) Othello?”.
Từng giây trôi qua và từ phía Chatterjee chỉ có sự im lặng. “Ông Chatterjee. Ông có thể nói cho tôi biết câu trả lời không?”. Chỉ còn lại mười lăm giây khi Chatterjee trả lời: “Tôi không biết”. Tôi chết lặng cả người: “Gì cơ?”. “Tôi xin lỗi, tôi không biết câu trả lời. Nói đúng hơn tôi không chắc lắm. Tôi không nhớ có nhân vật này trong vở Người lái buôn thành Venice hay vở Othello. Nhân vật đó hoặc là ở trong vở Vua Lear hoặc trong vở Uổng công vô ích vì tình yêu. Tôi không chắc là vở nào”. “Nhưng tôi chỉ có thể đưa ra một câu trả lời thôi”. “Vậy thì hãy chọn Uổng công vô ích vì tình yêu. Nhưng, như tôi đã nói tôi không chắc chắn lắm. Tôi xin lỗi, tôi không thể giúp gì hơn được…”. Prem Kumar cắt ngang. “Xin lỗi, anh Thomas. Hai phút của anh đã hết. Giờ tôi cần câu trả lời”.
Tiếng nhạc nền nghe không còn hồi hộp nữa. Nó lạnh lùng tuyệt đối. Tôi chìm sâu vào dòng suy nghĩ. “Anh Thomas, anh có biết rõ ông Chatterjee không?” – Prem Kumar hỏi tôi. “Tôi mới chỉ gặp ông ấy một lần”. “Và ông ấy là một giáo viên tiếng Anh giỏi đến mức nào?”. “Tôi không biết”. “Vậy anh có thể tin vào câu trả lời của ông ấy, hay anh muốn nghe theo trực giác của mình hơn?”. Tôi quyết định: “Tôi sẽ nghe theo trực giác của mình, và trực giác mách bảo tôi hãy tin vào câu trả lời mà ông Chatterjee đã đưa ra. Đó là c) Uổng công vô ích vì tình yêu”. “Hãy nghĩ lại đi. Hãy nhớ rằng nếu đưa ra câu trả lời sai, anh không những không giành được một trăm triệu rupi mà còn mất luôn mười triệu rupi mà anh đã giành được cho tới thời điểm này”. “Câu trả lời cuối cùng của tôi vẫn là C”. “Anh có hoàn toàn chắc chắn 100 % không?”. “Có”…
Tiếng trống đổ dồn. Câu trả lời đúng lóe lên trên màn hình. “Ôi, trời ơi, đó là C. Anh đúng hoàn toàn, 100 %! – Prem Kumar đứng dậy – Ram Mohammad Thomas, anh là người đầu tiên trong chương trình này giành được một trăm triệu rupi. Thưa các quý bà quý ông, lịch sử đã được lập nên! Và giờ chúng ta phải nghỉ ít phút”. Khán giả trở nên cuồng nhiệt. Tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay trong hơn một phút. Mặt Prem Kumar đỏ bừng. Anh ta nhễ nhại mồ hôi.
Và dường như tối nay nữ thần Durga đang thật sự phù hộ độ trì cho tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.