Trò Chuyện Triết Học

Khai minh về… khai minh



SGTT.VN – Là một trong những người cha tinh thần của đại cách mạng Pháp, J. J. Rousseau lại dẫn đầu công cuộc phê phán văn hoá (Văn hoá là… tha hoá, Sài Gòn Tiếp Thị 12.10.2011), tấn công vào những trụ cột tư tưởng của phong trào khai minh, linh hồn của cuộc cách mạng ấy. Vậy, Rousseau là ai?

Trong bức tranh này, triết gia J.J. Rousseau như một phần của thiên nhiên trong lành.

Một khai minh tự phê phán

Phong trào khai minh rất tự hào vì đã tiến hành một công cuộc phê phán văn hoá vô tiền khoáng hậu: đả kích sự mê muội, mê tín hàng ngàn năm, xiển dương lý trí, đề cao khoa học, kỹ thuật, công nghiệp và thương nghiệp. Khi sử dụng chính những vũ khí phê phán văn hoá ấy để tấn công vào phong trào khai minh theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”, Rousseau trở thành nhà khai minh quan trọng đầu tiên về… khai minh. Nói khác đi, trong công trình của Rousseau, sự phê phán văn hoá trở thành sự tự – phê phán đầy tinh thần khai minh về bản thân phong trào khai minh. Với Rousseau, phê phán văn hoá hiện đại đã mang một khuôn mặt thứ hai.

Trái với lòng tin đương thời về sự tiến bộ, Rousseau trình ra một bản “kiểm toán” ngược hẳn lại! Vào năm 1750, từ một kẻ vô danh, Rousseau đột nhiên thành ngôi sao sáng, khi ông viết bài luận văn thứ nhất, giành giải thưởng của viện Hàn lâm Dijon (Pháp) với câu hỏi: “Sự tăng tiến của khoa học và nghệ thuật có góp phần làm lành mạnh hoá phong tục hay không?” Câu trả lời “Không!” dõng dạc của ông làm sững sờ mọi người, nhất là các tên tuổi lớn đang lãnh đạo phong trào khai minh. (Ta nhớ đến bức thư khét tiếng của Voltaire gửi cho ông sau này: “Chưa bao giờ nhiều sự thông minh đã được dùng để làm cho con người trở nên ngu xuẩn đến thế. Khi đọc nó, người ta chỉ còn muốn bò bằng bốn chân mà thôi!”)

Thiên hạ sửng sốt vì luận điểm chính của Rousseau sau đây: các tiến bộ của khoa học và nghệ thuật (chữ “nghệ thuật” ở đây hiểu theo nghĩa techne/Hy Lạp hay ars/Latinh, tức tài khéo công nghệ) không hề mang lại sự đạo đức hoá và nhân đạo hoá như các nhà khai minh đã lầm tưởng, mà ngược lại, hầu như ta có một “quy luật lịch sử”: tri thức khoa học và tiện nghi kỹ thuật chỉ mang lại sự hưởng thụ, xa hoa và phung phí, tất yếu dẫn đến sự suy đồi, băng hoại về đạo đức!

Bài luận văn đoạt giải thứ hai: Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa con người (1755) xem việc con người rời khỏi trạng thái tự nhiên đã đánh mất sự tự do và bình đẳng nguyên thuỷ. Các tác phẩm chính của ông về sau đều xoay quanh các kinh nghiệm đau đớn về sự tha hoá và những mâu thuẫn nan giải của nền văn hoá hiện đại xây dựng trên lý trí. Cái giá phải trả là xa rời và xa lạ với bản tính tự nhiên nguyên thuỷ vốn hồn nhiên, tốt lành. Quyển Khế ước xã hội bắt đầu với câu: “Con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu cũng ở trong xiềng xích”, và quyển Émile hay là về giáo dục với câu: “Tất cả đều tốt lành khi ra đời từ bàn tay của đấng sáng tạo, nhưng tất cả đều bại hoại dưới bàn tay con người”. Nhưng, vì lẽ văn hoá là sản phẩm của con người, nên không ai khác ngoài con người phải trả cái giá ấy và cũng chỉ con người mới có thể vượt qua được sự tự – tha hoá này. Lời kêu gọi thống thiết của ông: “Hỡi con người! Dù là ai và nghĩ gì, hãy lắng nghe!” chia sẻ đề án vĩ đại về sự “giáo hoá nhân loại” của G. E. Lessing (1729 – 1781), nhà văn hoá lớn của nước Đức láng giềng.

Tiếng nói của lương tâm, nơi Rousseau, là tiếng gọi của bản tính tự nhiên chưa bị bại hoại của con người.

“Lỡ từ lạc bước bước ra”

Nếu bản tính tự nhiên nguyên thuỷ chỉ bị tha hoá, trở nên xa lạ, thì, về nguyên tắc, có thể khôi phục được. Nhưng, về mặt lý thuyết, làm sao tiếp cận nó? Rousseau đề nghị hai con đường bổ sung cho nhau: đưa ra một “giả thuyết về lịch sử nguyên thuỷ” và bằng “trực giác”. Với cách thứ nhất, thử tước bỏ hết mọi đặc điểm của con người văn minh hiện đại do văn hoá và xã hội tạo ra, ta sẽ có được hình ảnh (giả tưởng) về một sinh thể phi xã hội, chưa có sở hữu, sự phân công lao động, các kỹ năng phức tạp, các hình thức tổ chức cuộc sống cố định, thậm chí, chưa có ngôn ngữ. Thế nhưng, sau khi thử tước bỏ hết mọi đặc điểm “tiêu cực”, làm sao nhận diện được những phẩm tính “tích cực” thuộc “bản lai diện mục” chưa bị tha hoá của con người hoang dã (homme sauvage)?

Đó là nhờ con đường thứ hai, con đường của trực giác. Cũng bằng thử nghiệm của tư duy, ta hãy “dẹp bỏ hết sách vở đi, và thử lắng nghe những rung cảm đầu tiên và đơn giản nhất của tâm hồn con người”. Không cần phải học… đạo đức học mới biết thế nào là thiện và ác! “Đi vào lòng mình, lắng nghe tiếng gọi của lương tâm khi mọi đam mê câm tiếng, há chẳng đủ sao? Đấy mới là triết học chân chính!” “Tiếng nói của lương tâm”, nơi Rousseau, không còn là tiếng gọi của thượng đế, mà là của bản tính tự nhiên chưa bị bại hoại của con người. Tự nhiên và đạo đức được kết hợp lại, thể hiện con người cá nhân tự trị, không cần đến quyền uy thần thánh hay thế tục nào nữa. Đó chính là nguồn suối cho nền đạo đức học nổi tiếng của Immanuel Kant, người biết ơn Rousseau đã “thức tỉnh và sửa sai” mình.

Con đường trực quan ấy cho thấy hai nguyên lý có trước lý trí, đó là “tình yêu chính mình” (amour de soi) và “lòng lân ái” (pitié). Nhờ đó, con người là tự do và có năng lực tự hoàn thiện vô hạn. Với nhận định này, Rouseau phê phán thuyết “duy trí” của các triết gia khai minh quen đồng nhất con người với lý trí. Trong con người tự nhiên, lý trí còn “ngủ yên” và chỉ thức dậy cùng với đời sống văn hoá. Do đó, lý trí không hiện thực hoá mà phá vỡ tính người nguyên thuỷ, làm con người tha hoá khỏi những rung cảm tự nhiên. Tập trung nhấn mạnh đến những rung cảm, Rousseau cũng trở thành cha đẻ của trào lưu lãng mạn. Tiếng nói của “con tim” còn là nguyên lý cho nền đạo đức học tình cảm của David Hume (1711 – 1776), và sau này của Arthur Schopenhauer (1788 – 1860), chê trách tính duy lý của triết học khai minh.

Rousseau là một nhà phi – lý tính hay đúng ra, chính là người đã sớm vạch ra giới hạn của lý tính, như là bậc tiền bối trực tiếp của Kant?

(còn tiếp)

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.