Trò Chuyện Triết Học

Một nền nhân học dấn thân



SGTT.VN – Sau công trình mở đường của Immanuel Kant (Sài Gòn Tiếp Thị ngày 7.9), ta chứng kiến hai thế kỷ phát triển cực kỳ sôi động của môn nhân học. Con người càng hiểu biết nhiều về chính mình, càng hoang mang hơn trước tương lai đầy bất trắc.

Tranh Michelangelo vẽ con người đầu tiên được Thượng đế tạo ra: Adam. Ảnh:

Đối diện với lịch sử

Trước hết, môn nhân học phải đối diện với ý thức về lịch sử và những lý giải khác nhau về ý nghĩa của lịch sử. Đưa kích thước lịch sử vào việc tìm hiểu con người không khác gì chia tay với quan niệm về một “bản chất” bất biến của con người và với chính lý do tồn tại của môn nhân học! Tuy nhiên, một khi quan niệm về con người đã bị tương đối hoá thì cũng mở ra khả năng đặt lại mối quan hệ giữa nhân học và triết học lịch sử. Đó là nỗ lực phê phán của chủ nghĩa Marx, được chuẩn bị từ nhân học duy vật của Ludwig Feuerbach, cũng như việc phê phán siêu hình học cổ truyền từ Nietzsche đến Heidegger.

Bên cạnh đó, môn nhân học triết học cũng phải xử lý mối quan hệ với các ngành khoa học cùng nghiên cứu về con người và đang lớn mạnh như thổi suốt thế kỷ 19 và 20 như thuyết tiến hoá của Darwin, phân tâm học của Sigmund Freud và rất nhiều những ngành mang danh hiệu nhân học: nhân học sinh học, nhân học xã hội, nhân học văn hoá, nhân học tâm lý v.v.

Helmuth Plessner, một trong những nhà nhân học hàng đầu của thế kỷ 20, nhận định: “Nhân học triết học đâu phải là phát minh của thời đại chúng ta. Một triết học về con người thì lúc nào chả có, bao lâu ta hiểu “con người” không chỉ là một sinh vật đặc thù trong vũ trụ, mà còn là một viễn tượng đặt ra cho ta bao nghĩa vụ: những nghĩa vụ của một sinh thể biết ước mơ và hy vọng, suy tư và ham muốn, rung cảm và tin tưởng, lo âu cho số phận mình và nhất là thấm thía khoảng cách đến vô cùng giữa khả năng và lý tưởng. Nhìn như thế ắt nhân học không thể phân lìa với triết học được”.

Thách thức của thời đại

“Nhân học là môn học nhân văn nhất trong các khoa học, và khoa học nhất trong lĩnh vực nhân văn”.

Alfred L. Kroeber (1876 – 1960, nhân học Mỹ)

Ngày nay, tư duy nhân học đang đối diện với hai thực tại nóng bỏng: nền khoa học – công nghệ tiên tiến và thực trạng không mấy tốt đẹp của nhân loại hiện thực.

Như ta đã biết, Kant phân biệt giữa “nhân học sinh lý” (những gì thiên nhiên tạo ra từ con người) và “nhân học thực tiễn” (những gì con người, với tư cách là sinh thể tự do hành động, có thể và cần phải tạo ra từ chính mình). Thế nhưng, ngày nay, khoa học – công nghệ cho phép con người có thể biến đổi cả tự nhiên lẫn nhân loại một cách triệt để. Sự phân biệt giữa “sinh lý” và “thực tiễn” hầu như bị xoá nhoà. Trong mối quan hệ bị xoá nhoà này, con người đang lãng quên nhân tố tự tồn thứ ba rất quan trọng: giới tự nhiên. Rồi trong khi có thể “tạo ra” đủ thứ từ chính mình và từ tự nhiên, con người cũng không mấy quan tâm đến việc “tạo ra” những gì từ những người khác, từ những đồng loại của mình, nhất là khi họ đang sống trong những thảm cảnh và nghịch cảnh: nghèo đói, dốt nát, bị áp bức, bóc lột, bị xúc phạm và tước đoạt nhân phẩm và quyền hạn…

Theo thuật ngữ triết học truyền thống, con người bao giờ cũng là một sản phẩm… nhân tạo, một sinh vật tự tạo ra chính mình (homo faber sui ipsius). Ngày nay, hơn bao giờ hết, con người càng thấy mình có năng lực “thao tác”, có thể “lèo lái” và khuynh đảo mọi sự. Nhưng trong khi bắt tất cả phục tùng mình, con người cũng bắt chính mình làm nô lệ.

Con người đang làm khổ sai trong những “công trường” khác nhau. Đó là “công trường” của công nghệ sinh học, công nghệ dược phẩm. Đó là “công trường” tâm lý học của việc bị “nhồi sọ”, của mạng lưới truyền thông, quảng cáo và giải trí hạ cấp. Là “công trường” xã hội học của vô vàn những đề án quy hoạch và đồng phục hoá, là “công trường” chính trị của nhiều hình thức khống chế và kiểm soát… Một “công viên” đích thực cho con người chưa thấy ló dạng.

Nhân học dấn thân

Triết gia Đức Karl Rahner (1904 – 1984)

Khá bất ngờ khi trước những viễn cảnh có vẻ đáng sợ ấy, triết gia Karl Rahner (1904 – 1984) lại cho ta một cái nhìn lạc quan và một thái độ tích cực. Nếu “bản chất” của con người là có thể (tự) lèo lái chính mình, thì câu hỏi “sẽ đi về đâu?” vẫn là một câu hỏi để ngỏ và không ai được phép “hợp thức hoá” hay “chính đáng hoá” về mặt luân lý cho một tình trạng cụ thể nào đó như là câu trả lời chung quyết. Đáp lại thái độ đạo đức suông (con người không được phép làm tất cả những gì mình có thể làm!) hoặc thái độ hoài nghi (con người khó mà chùn tay khi thấy có thể làm được!) là một thái độ dấn thân.

Thái độ dấn thân xuất phát từ những nhận định tỉnh táo: bất kỳ sự quy hoạch hay kế hoạch hoá nào cũng làm xuất hiện cái không được quy hoạch, cái bất khả thi. “Một hệ thống tuyệt đối hay được kiểm soát một cách tuyệt đối chỉ có thể được kiến tạo bởi kẻ nào cũng tuyệt đối đứng bên ngoài nó. Ngay cả một cỗ máy biết tự thích nghi và biết tự đào tạo thì nếu nó không đồng nhất với vũ trụ, cũng chỉ làm được điều ấy trong một phạm vi hữu hạn mà thôi”. Mặt khác, lịch sử là con đường một chiều. Không nên hình dung năng lực thao túng của con người theo mô hình của một cuộc thí nghiệm khoa học hạn hẹp, tha hồ điều khiển các quá trình tới lui theo ý muốn mà không gặp sự đề kháng. Trước tính tương đối của những quan niệm về con người, đồng thời trước năng lực phá huỷ lẫn kiến tạo khổng lồ của con người, nền nhân học sẽ không dừng lại ở phạm vi đơn thuần lý thuyết, trái lại, sẽ phải là khoa học hành động để góp phần đối phó với những vấn đề toàn nhân loại: bảo vệ giới tự nhiên, đẩy lùi sự chạy đua vũ trang và các tham vọng cuồng chiến, cũng như các hình thức áp bức gây bao đau thương và lầm than.

“Kalokagathia”

Một nền nhân học mở ngỏ cho sự đổi thay và cho khả năng tự đổi thay của con người như thế không còn quá nhấn mạnh đến tính chất “nhân bản” (lấy con người làm trung tâm) cho bằng tính chất “nhân sinh” (hướng đến con người). Nói khác đi, khái niệm cốt lõi của nó sẽ là tính thân thiện, theo nghĩa không dành sự độc tôn cho một quan niệm nhất định nào đó về con người, đồng thời đến được với mọi người trong môi trường ngày càng rộng mở của xã hội thông tin.

Nhân học trong thời đại công nghệ còn là một nhân học thẩm mỹ. Nó khêu gợi và đánh thức tinh thần khai phóng cùng với tính năng động và hấp dẫn của những khả thể. Tiềm lực phê phán không dẫn đến yếm thế, phá huỷ, cấm đoán, trái lại, “hữu ích” (agathos) và “đẹp” (kalos). Hai từ Hy Lạp cổ ấy đã được Aristoteles hợp bích (kalokagathia), có phần giống với tính cách và phong độ của kẻ “đại trượng phu”!

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.