Trò Chuyện Triết Học
Thiên nga đen
Bước vào thời hiện đại, các mô hình biện minh cho khoa học rơi vào khủng hoảng (Sài Gòn Tiếp Thị, 5.1 – 13.2.2011), vì không thể giữ vững yêu sách truyền thống của mình về tính phổ quát và tất yếu được nữa. Nhưng, nếu tri thức khoa học không còn là bất biến và bất khả xâm phạm, trái lại, luôn có thể bị phê phán và chỉnh sửa, vậy phải chăng nó chỉ còn là tuỳ tiện và ngẫu nhiên? Mô hình khoa học hiện đại tìm cách giải quyết bài toán khó: bác bỏ yêu sách chân lý tuyệt đối, đồng thời giữ vững tính hợp lý của khoa học.
Minh hoạ: Hồng Nguyên
Khó khăn nan giải của phép quy nạp
Trong đời thường và nhất là trong khoa học, ta thường dùng hai loại suy luận chủ yếu: quy nạp và diễn dịch. Xin thử nhìn ba ví dụ tiêu biểu dưới đây về suy luận quy nạp:
1. Tiền đề: Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi thấy mặt trời mọc hàng ngày. Kết luận: ngày mai mặt trời cũng sẽ mọc.
2. Tiền đề: Mọi quan sát đến nay cho thấy nước sôi ở 1000C. Kết luận: nước sẽ sôi khi đun nóng 1000C.
3. Tiền đề: Tôi thấy mọi con thiên nga trước nay đều màu trắng. Kết luận: mọi con thiên nga đều màu trắng.
Ta thấy, suy luận quy nạp không “chắc ăn” và gặp nhiều khó khăn nan giải:
– Trong ví dụ 3, tiền đề có thể đúng, nhưng kết luận là sai, bởi ở Úc, hầu hết thiên nga đều màu đen! Nói cách khác, suy luận quy nạp không thể có những tiền đề mà chân lý của chúng có thể đảm bảo chân lý của kết luận.
– Nhận ra điều đó, David Hume (1711 – 1776) đặt câu hỏi hóc búa: nếu các suy luận quy nạp không “chắc ăn” (hay nói theo kiểu khoa học: không có giá trị hiệu lực một cách diễn dịch) thì làm sao dám chắc rằng chúng sẽ đúng trong tương lai? Có gì bảo đảm rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc, hay nước sẽ sôi ở 1000C?
Bác bỏ những sai lầm của ta là kinh nghiệm “tích cực” mà ta học được từ thực tại – Karl Popper (Tri thức khách quan)
Có ba lý lẽ để cố cứu vãn suy luận quy nạp. Cách thứ nhất là viện vào số lượng thật nhiều của những quan sát trong quá khứ, như chính mỗi người trong chúng ta từng thấy nước sôi hàng ngàn hàng vạn lần và thấy mặt trời mọc hàng ngày từ khi mới sinh ra! Nhưng, nói một cách chặt chẽ, đó cũng chỉ là một sự tổng quát hoá. Tổng quát hoá phải dựa vào quy nạp. Mà quy nạp lại chính là điều ta đang cần biện minh, nên lý lẽ ấy rõ ràng là lòng vòng, lẩn quẩn! Cách thứ hai cũng lẩn quẩn không kém, đó là dựa vào kinh nghiệm, khi bảo rằng suy luận quy nạp sẽ đúng trong tương lai vì nó đã đúng trong quá khứ. Cách thứ ba đỡ lòng vòng hơn, nhưng buộc lòng phải thừa nhận rằng suy luận quy nạp chỉ đề ra những kết luận khả nhiên (có thể xảy ra) chứ không tất nhiên! Giải pháp này thật ra chỉ thay đổi cách nói chứ không thực sự giải quyết được vấn đề. Đồng thời lại làm nảy sinh vấn đề mới: làm sao biện minh được cho việc mặt trời có thể sẽ mọc ngày mai, cho việc nước có thể sôi, nghĩa là, làm sao biện minh được cho bản thân tính khả nhiên của suy luận? Gần đây, Peter Strawson cho rằng vấn đề quy nạp là tuyệt nhiên không thể giải quyết được. Có chăng là thừa nhận rằng tất cả đều là quy ước chung về cách hiểu thông thường đối với những từ ngữ ta quen dùng, ví dụ: “có lý”, “hợp lý”, “màu đỏ”, “sôi”, “mọc”… Khổ nỗi, ta hiểu đúng một từ nhưng vẫn có thể áp dụng sai. Chẳng hạn, tôi hiểu chữ “màu đỏ”, nhưng nếu tôi bị bệnh mù màu, tôi vẫn cứ tưởng đèn đỏ là… đèn xanh!
Phép diễn dịch cũng đặt cày trước trâu
Ta thử xét ba ví dụ:
1. Tiền đề a: Mọi người đều phải chết. Tiền đề b: Tôi là người. Kết luận: Tôi sẽ… phải chết!
2. Tiền đề a: Nếu chất lỏng là nước thì uống được. Tiền đề b: Chất lỏng này uống được. Kết luận: Nó là nước.
3. Tiền đề a: Không phải mọi con mèo đều có đuôi. Tiền đề b: Một số con mèo không đuôi là mèo đen. Kết luận: Không phải mọi con mèo đen đều có đuôi.
Ta thấy, khác với suy luận quy nạp, trong suy luận diễn dịch, chân lý của tiền đề bảo đảm chân lý của kết luận, nói ngược lại là tự–mâu thuẫn. Đó đúng là trường hợp của ví dụ 1 và 3. Thế nhưng, ví dụ 2 đâu có ổn! Nếu chất lỏng này đúng là nước, ta có thể uống, nhưng nếu đúng rằng chất lỏng này là có thể uống được thì không nhất thiết rằng nó phải là nước! Có vô số chất lỏng có thể uống được mà không phải là nước. Phép diễn dịch khá chặt chẽ, nhưng phạm vi áp dụng không nhiều, không phải lúc nào cũng hứa hẹn mang lại tri thức mới. Đó là chưa nói đến “gót chân Asin” của nó: tiền đề a (còn gọi là đại tiền đề) của nó thực chất là kết luận tổng quát hoá của một suy luận quy nạp. Lại vấp phải yêu cầu biện minh cho phép quy nạp!
Giải pháp của Karl Popper: phương pháp diễn dịch – giả thuyết
Giải pháp của Karl Popper (1902 – 1994) thần diệu ở chỗ tránh được những băn khoăn thắc mắc của David Hume về khả năng tiên đoán của phép quy nạp! Theo ông, sự kiểm chứng khoa học không cần dùng phép quy nạp. Thay vào đó, khoa học bắt đầu bằng việc đưa ra một giả thuyết (hay phỏng định) về một sự kiện, rồi kiểm đúng (xác nhận) hoặc kiểm sai (bác bỏ) nó, khi nó – cùng với nhiều khẳng định khác – dẫn đến một kết luận theo kiểu diễn dịch. Phương pháp này được gọi tên là “diễn dịch–giả thuyết” vì nó bắt đầu với một giả thuyết rồi diễn dịch ra những hệ luận có thể kiểm chứng được. Chẳng hạn, giả thuyết sáng nay có áp thấp sẽ được xác nhận (kiểm đúng) nếu buổi chiều trời mưa, vì giả thuyết này (cùng với các khẳng định khác, chẳng hạn: độ ẩm cao…) suy ra việc mưa một cách diễn dịch. Ngược lại, giả thuyết cho rằng mọi con thiên nga là màu trắng sẽ bị bác bỏ (kiểm sai), nếu phát hiện có thiên nga màu đen! Quan niệm này về khoa học trái ngược với phép quy nạp. Trong quy nạp, trước hết ta quan sát những trường hợp rồi tổng quát hoá thành quy luật. Trong phương pháp diễn dịch–giả thuyết, trước hết ta đề xuất một giả thuyết, rồi, sau khi diễn dịch những hệ luận của nó, sẽ được kiểm tra bằng sự quan sát thường nghiệm.
Đóng góp lớn của Popper là ở chỗ: chỉ được xem là khoa học đích thực những lý thuyết nào có thể và nhất thiết phải được kiểm đúng hoặc kiểm sai. Mọi khẳng quyết vô bằng, mọi giáo điều lý luận suông đều là khả nghi về tính khoa học. Quả là một chân trời mới mở ra cho tư duy khoa học luận, nhưng (lại nhưng!) liệu giải pháp ấy có khuyết điểm và gặp khó khăn nào không?
(còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.