Trò Chuyện Triết Học

Văn hoá hiện đại



SGTT.VN – Trong thời tiền – hiện đại, bao giờ cũng chỉ có một nền văn hoá duy nhất: nền văn hoá của chính mình! Nhận ra rằng nền văn hoá của mình chỉ là một trong nhiều nền văn hoá khác nhau, và, thêm vào đó, văn hoá là một bộ phận bên cạnh và có thể đối lập lại các bộ phận khác là một kinh nghiệm tiêu biểu của thời hiện đại. Vậy, kinh nghiệm về tính “đa thể”, tính “số nhiều” này như thế nào?

Hai đặc điểm của văn hoá hiện đại

Tượng Herodot, sử gia Hy Lạp cổ đại quan tâm nghiên cứu cả những nền văn hoá bên ngoài biên giới nước mình. Ảnh:

Trong lịch sử, thuyết “tộc người trung tâm” (xem chủng tộc và văn hoá của mình là… số một!) hầu như là chuyện đương nhiên, nhất là nơi các nền văn hoá lớn. Văn hoá Hoa Hạ của Trung Hoa xem tứ phương đều là man, di, nhung, địch. Văn hoá Hy Lạp xem tất cả những ai không phải Hy Lạp đều là dã man. Văn hoá Islam, rồi châu Âu Kitô giáo cũng thế. Không cần bận tâm chê trách hiện tượng này cho bằng cố lý giải nó. Nếu văn hoá là “tự nhiên thứ hai”, thì không có gì khó hiểu khi người ta xem văn hoá của mình là cái gì “tự nhiên” nhất, còn văn hoá xa lạ là “phản tự nhiên”! Do đó, tiếp xúc với nền văn hoá khác là một cuộc mạo hiểm, thừa nhận những giá trị của nền văn hoá khác, thậm chí ưa thích và đặt vấn đề tiếp thu không khác gì từ bỏ sơ đồ “văn hoá/dã man” với những thước đo quen thuộc, cố hữu!

Do nhiều nguyên nhân (địa lý, chính trị, kinh tế…), có không ít nền văn hoá thấy mình “may mắn” và “hạnh phúc” được êm đềm ngủ yên trong luỹ tre xanh, rút cục rơi vào trì trệ, lạc hậu và cả bị diệt vong. Trong trường hợp ngược lại, sẽ phải đón nhận những chấn động đau đớn, những cuộc khủng hoảng văn hoá. Đó là trường hợp của văn hoá Hy Lạp cổ đại và của châu Âu thời Khai minh với thế kỷ Ánh sáng nổi tiếng. Sử gia Herodot (thế kỷ 5 trước Công nguyên) sống trong buổi giao thời. Một mặt, ông sớm tiếp xúc và thấy văn hoá, phong tục xa lạ là cực kỳ thú vị, đáng để tường thuật lại, nhưng mặt khác, vẫn giữ vững thước đo Hy Lạp nên ông chỉ có thể lắc đầu kinh ngạc. Thế hệ sau ông, tức các nhà biện sĩ, mới thực sự nếm trải nỗi đau khủng hoảng và mở đầu phong trào khai minh Hy Lạp. Họ nhìn nhận giá trị của các nền văn hoá khác, và rút ra kết luận đáng sợ: những gì quen thuộc và được gọi là truyền thống té ra chẳng có gì là “tự nhiên”, là thiên kinh địa nghĩa cả; tất cả đều do con người thiết định nên, và hiển nhiên là, đều có thể thay đổi được! Khủng hoảng văn hoá càng sâu đậm và toàn diện ở thời Khai minh Âu châu với sự sụp đổ của “tinh thần phổ quát trung cổ”, sự phân ly giáo hội, các cuộc nội chiến tôn giáo, việc phát hiện tân thế giới và ra đời các nhà nước dân tộc v.v.

Các nhà khai minh rất giống các nhà biện sĩ cổ đại: yêu thích và tường thuật các chuyến du hành, du thám với mục đích phê phán văn hoá. Điểm mới mẻ: không chỉ nhìn các nền văn hoá khác bằng con mắt Âu châu mà còn đảo ngược, thử nhìn lại văn hoá của mình từ con mắt người khác. Những lá thư Ba Tư (1721) tinh tế của Montesquieu thử nhìn nước Pháp từ một người Ba Tư đang ở Paris là ví dụ điển hình. Không phải ngẫu nhiên khi khái niệm văn hoá và các môn văn hoá học theo nghĩa hiện đại, trước hết là môn dân tộc học đã ra đời trong bối cảnh này. Các môn học ấy thực ra ngay từ đầu chưa có mục đích giao lưu hay đề xướng tinh thần khoan dung văn hoá cho bằng muốn tước vũ khí của phái bảo thủ. Mục tiêu chính trị của cao trào “cách mạng văn hoá” khai minh này là: “quyền tự do và tự quyết cho những người công dân trưởng thành!” Muốn đạt mục tiêu ấy, cần phá vỡ lòng tin vào tính chính đáng bất khả xâm phạm của hiện trạng, thông qua sự phân tích khách quan, khoa học. Có thể nói: kinh nghiệm ngày càng phong phú về văn hoá như là về một thực tại “đa thể”, “số nhiều” chính là nguồn cội chung của phong trào Khai minh và của các bộ môn văn hoá học.

Có không ít nền văn hoá thấy mình “may mắn” và “hạnh phúc” được êm đềm ngủ yên trong luỹ tre xanh, rút cục rơi vào trì trệ, lạc hậu và cả bị diệt vong.

Với từ “đa thể”, “số nhiều”, ta mới mô tả chứ chưa giải thích tính hiện đại của văn hoá. Ta còn phải hỏi: cái gì bên trong văn hoá đã làm cho tính đa thể hình thành và làm cho con người hiện đại có được kinh nghiệm ấy? Jürgen Habermas, trong Diễn ngôn triết học về hiện đại (1985), lưu ý hai đặc điểm cơ bản xác định sự khác biệt về cấu trúc giữa văn hoá hiện đại và văn hoá tiền hiện đại, đồng thời cũng là hai điều kiện của công cuộc hiện đại hoá văn hoá. Đó chính là: sự phi – trung tâm hoá và sự phản tĩnh toàn diện.

Nỗi đau “mất trung tâm”

Các nền văn hoá chỉ có thể đi vào thời hiện đại khi được phi – trung tâm hoá. Đó là sự giải thể của một trung tâm duy nhất định đoạt toàn bộ nền văn hoá hay từng vùng văn hoá. Các trào lưu tiền – hiện đại và phản – hiện đại, trong hơn một thế kỷ qua, luôn tìm cách ngăn chặn và làm chậm tiến trình này. “Nỗi đau mất trung tâm” thể hiện những khao khát muốn quay trở lại thời hoàng kim đã và đang lụi tàn: một trật tự tinh thần, một quyền lực hiện thực thâm nhập và điều khiển mọi thứ nhằm duy trì sự thống nhất và khả năng kiểm soát. Xu hướng ấy nuôi dưỡng hy vọng về một xã hội đại thuận, một nhà nước toàn trị, một tôn giáo toàn thống, với một thang giá trị bền vững, bất biến.

Trong văn chương và tư tưởng, trải nghiệm về nỗi đau mất trung tâm bộc lộ thống thiết trong trào lưu lãng mạn Tây phương, nhất là nơi Novalis, Hölderlin, Hegel thời trẻ, như là “sự phân ly”, “sự tha hoá”, hiểu như sự đánh mất thật bi đát cái nhất thể hài hoà một thời. Nhưng rồi cũng chính Hegel – ở tuổi trưởng thành – lại là một trong những người đầu tiên tỉnh táo nhận ra đây cũng chính là miếng đất màu mỡ cho tự do cá nhân và tính chủ thể đích thực trong xã hội hiện đại. Tự do này là thành quả đấu tranh trong tiến trình phi – trung tâm hoá và, nhờ đó, trở nên đa dạng: tự do tư tưởng, ngôn luận, tín ngưỡng, nghiên cứu khoa học, rồi cả tự do đi lại, cư trú, kinh doanh, và sau cùng là những nhân quyền và dân quyền mà bản chất cũng là những sự tự do. Thật là một “phép biện chứng” thú vị: trong thực tế, tự do khai hoa kết nhuỵ từ sự tha hoá!

Quan trọng là: chỉ trong những nền văn hoá đã được phi – trung tâm hoá, thì “văn hoá” (theo nghĩa hẹp) mới có thể định hình như một bộ phận độc lập và mới có không gian cho một cách sử dụng tự do và khoa học đối với khái niệm văn hoá.

Tuy nhiên, văn hoá hiện đại cần điều kiện thứ hai: sự phản tỉnh toàn diện. Câu chuyện còn tiếp tục…

(còn tiếp)

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.