Tư Duy Như Einstein

8. Phát triển một giải pháp



“Không phải vì tôi thông minh, mà chỉ vì tôi trăn trở các vấn đề lâu hơn.”

– ALBERT EINSTEIN –

Thuyết Tương đối của Einstein gần như đã được chứng minh là sai. Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm 1914, những tính toán của Thuyết Tương đối vẫn sai. Năm đó, các nhà khoa học Đức dự định tiến hành kiểm tra lý thuyết bằng cách quan sát ánh sáng trong lúc xảy ra thiên thực ở Nga. Quan sát này sẽ chỉ cho Einstein thấy cái sai của ông vì trong lý thuyết, ông tính toán không chính xác điểm cong của ánh sáng. Đó vẫn là một ý tưởng lỗi lạc, chỉ có chi tiết chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã khiến họ phải hoãn cuộc thử nghiệm, nếu không Thuyết Tương đối đã bị nghi ngờ. Einstein phải mất thêm bốn năm nữa để phát triển ý tưởng thành một giải pháp thật sự. Nhờ đó, ông đã hoàn thiện thêm lý thuyết của mình và nó đã được công nhận trong một cuộc thử nghiệm năm 1918.

Để biến các ý tưởng, kể cả ý tưởng lỗi lạc, thành những giải pháp, đòi hỏi phải có sự lao động sáng tạo không ngừng. Một khi bạn đã vượt ra khỏi lối mòn, bất chấp mọi nguyên tắc của mình và tạo ra hạt giống cho những giải pháp thì bạn phải gieo trồng một hạt giống đó thành một giải pháp thật sự. Để làm việc này cần đổi mới rất nhiều và bước đầu tiên là tập trung vào một ý tưởng.

Lựa chọn một giải pháp

“Lý do tồn tại duy nhất của thời gian là đảm bảo mọi việc không xảy ra cùng một lúc.”

– ALBERT EINSTEIN –

Bạn có thể miễn cưỡng tập trung vào một ý tưởng nào đó trong khi bạn có nhiều lựa chọn thú vị. Nhưng phát triển một giải pháp đòi hỏi sự tập trung cao độ. Bạn không thể đồng thời tập trung vào nhiều ý tưởng khác nhau. Bạn phải chọn một.

Lựa chọn ý tưởng là một hình thức đánh giá. Sự đánh giá của bạn bị ảnh hưởng bởi các nguyên tắc của bạn. Nếu bạn là người có khả năng đánh giá tốt, bạn sẽ nhanh chóng loại bỏ tất cả các ý tưởng mới lạ, khác thường. Vì thế, hãy loại bỏ các giải pháp phù hợp với lối mòn tư duy của bạn. Khi bạn đang xác định vấn đề, bạn đã nhận biết ba lựa chọn tốt nhất hiện nay của mình. Nhưng hãy loại bỏ những lựa chọn cả những ý tưởng tương tự. Nếu bạn không có sự thay đổi mạnh mẽ, chỉ tin vào những lựa chọn của mình, bạn sẽ rơi vào lối mòn nguyên tắc.

Hãy lựa chọn ý tưởng bạn thấy hứng thú nhất. Sự thích thú của bạn chính là tiêu chuẩn để lựa chọn. Đừng loại bỏ một ý tưởng chỉ vì nó không thể thực hiện được hay không thuyết phục. Đó có thể chỉ là định kiến của bạn, hãy thay đổi mình bằng một tư duy cách mạng. Hãy loại bỏ những ý tưởng tẻ nhạt vì bạn sẽ không nỗ lực hết mình để đem lại thành công. Hạt giống ý tưởng khiến bạn hào hứng và là giải pháp mục tiêu của bạn. Hãy viết nó ra.

Hãy tập trung năng lượng giải quyết vấn đề vào việc đem lại thành công cho giải pháp.

CÁC Ý TƯỞNG LỚN CẦN ĐƯỢC PHÁT TRIỂN

“Thiên tư là khả năng nhìn nhận đúng đắn một ý tưởng cho đến khi nó trở thành hiện thực.”

– BENJAMIN FRANKLIN –

Xin chúc mừng! Bạn có một giải pháp tiềm năng. Đáng tiếc, bạn vẫn gặp một vài vấn đề nhỏ − giải pháp của bạn không hiệu quả và mọi người cho rằng giải pháp đó thật ngớ ngẩn.

Đừng vội lo lắng! Bạn đang làm tốt hơn những người khác. Sự đột phá hiếm khi đạt kết quả trong lần đầu và những ý tưởng lớn thường bị mọi người phủ nhận. Sau chuyến bay đầu tiên thành công và sau khi anh em nhà Wright qua đời rất lâu, mọi người mới quan tâm đến chiếc máy bay của họ và ý tưởng của họ đã thay đổi thế giới đương thời.

Ý tưởng mới của bạn sẽ bị từ chối vì một trong hai lý do sau. Lý do thứ nhất, có thể bạn hoàn toàn sai. Điều đó cũng không tệ lắm. Những ý tưởng vô ích hay “khái niệm Chris” là mảnh đất màu mỡ cho các giải pháp mới. Trong trường hợp xấu nhất thì bạn cũng đã tạo ra sự liên tưởng, có thể áp dụng vào một việc nào đó sẽ mang lại kết quả tốt. Thất bại cho ta một ý tưởng rõ ràng hơn về nơi thám hiểm tiếp theo và sự hiểu biết thấu đáo về những việc không hiệu quả. Thất bại chỉ thật sự trở thành bi kịch nếu nó khiến bạn không còn muốn cố gắng.

Khả năng thứ hai là ý tưởng của bạn nghe có vẻ hoàn toàn sai. Một bước đột phá thật sự dường như chẳng phục vụ mục đích hữu ích nào vì nó cần được vun trồng và chăm bón rất nhiều. Những ý tưởng lớn không ra đời ở dạng hoàn chỉnh mà thường ở dạng những khái niệm sơ khai, đầy tiềm năng nhưng phải mất nhiều thời gian mới chứng minh được tính đúng đắn của chúng.

Richard Feynman đã đưa ra một ví dụ kinh điển về lý do tại sao những ý tưởng lớn thường có vẻ ngớ ngẩn. Người Trung Mỹ là những nhà thiên văn học vĩ đại. Họ có ý tưởng sơ khai về cấu trúc hệ mặt trời nhưng sự ra đời của các ống ngắm đã cho phép họ dự đoán chính xác thiên thực và các hiện tượng khác. Hãy tưởng tượng bạn đến gặp nhà thiên văn học và nói: “Tôi có một ý tưởng lớn. Chúng ta đang ở trên một trong những hành tinh quay quanh mặt trời. Hãy xây dựng lại thiên văn học theo khái niệm này!”

Khi đó, nhà thiên văn học sẽ hỏi: “Lý thuyết của anh có thể dự đoán được thiên thực không?”

Bạn trả lời: “Ồ không, chưa. Nhưng tôi chắc chắn lý thuyết đó sẽ cho chúng ta những dự đoán chính xác hơn sau khi tôi triển khai nó trong nhiều năm nữa.” Hãy tưởng tượng câu trả lời sẽ như thế nào!

Bạn có thể tin rằng những ý tưởng đột phá của bạn là sai hoặc có vẻ sai. Nhưng bạn không thể phân biệt được đúng sai nếu bạn không làm việc nhiều hơn nữa. Bạn phải vun trồng ý tưởng của mình cho đến khi nó đủ lớn mạnh để chứng minh nó có phải là một ý tưởng tốt hay không.

KIÊN TRÌ: TẠM NGỪNG SUY XÉT

“Những người tự biến mình thành một quan tòa trong lĩnh vực tri thức và chân lý đều bị đắm chìm trong tiếng cười của Chúa.”

– ALBERT EINSTEIN –

“Kiên trì là bản chất của thiên tài.”

– THOMAS EDISON –

Muốn phát triển một ý tưởng, đòi hỏi phải kiên trì. Thuyết Tương đối của Einstein gần như đã bị chứng minh là sai trước khi nó được công nhận, nhưng nhiều ý tưởng lớn không được may mắn như vậy. Sau thất bại ban đầu, các ý tưởng sẽ phai nhạt dần cho đến khi có ai đó nắm được và phát triển chúng.

Vào thế kỷ XI, có một nhà sư tên là Eilmer đã lắp và thử nghiệm một tàu lượn thô sơ. Người ta nói rằng ông đã lượn được hàng trăm mét. Nếu đúng như vậy thì đó là một bước đột phá đáng kinh ngạc. Nhưng những người cùng thời với ông lại coi chuyến bay đó như một thất bại thảm hại vì Eilmer đã gặp rắc rối khi điều khiển tàu lượn. Ông đâm xuống đất và bị thương nặng. Do đó, mọi người cho rằng đó là một ý tưởng ngớ ngẩn.

Trên thực tế, các chuyên gia thường giết chết các ý tưởng mới. Họ nhấn mạnh vào những sai lầm, thiếu sót và trở ngại thường thấy ở tất cả các ý tưởng lớn. Bạn phải gạt tất cả những ý kiến của họ sang một bên, đánh giá theo cách của riêng mình và bảo vệ ý tưởng của mình đến khi bạn có thể phát triển nó thành một giải pháp thuyết phục.

Phát triển một ý tưởng lỗi lạc cần phải rất nỗ lực và kiên trì. Các ý tưởng, thậm chí là những ý tưởng triển vọng nhất, cũng gặp nhiều trở ngại trước khi trở thành những giải pháp thật sự. Năm 1868, Mahon Loomis đã giải thích về một chiếc điện báo không giây. Nhưng ông không thể khắc phục được khó khăn về tài chính để phổ biến phát minh của mình. Cuối cùng, ông đã từ bỏ việc nghiên cứu. Đến năm 1895, chiếc điện báo không dây đầu tiên của Guglielmo Marconi đã ra đời. Marconi cũng gặp phải vấn đề như Loomis nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi và điều đó đã làm thay đổi thế giới.

Không để tâm đến những việc phiền phức

“Chỉ trích dễ hơn nhiều so với sửa chữa.”

– BENJAMIN DISRAELI –

Bạn sẽ thấy nhiều lý do giải thích tại sao ý tưởng của bạn không có kết quả. Bạn sẽ bị thôi thúc từ bỏ những đột phá của mình. Đừng để những việc đó ảnh hưởng đến công việc của bạn. Hãy quyết tâm biến ý tưởng, khái niệm của mình thành hiện thực, bất chấp mọi trở ngại. Bạn có thể bỏ qua các giả định, quy tắc và quy uớc khác, chỉ tập trung vào ý tưởng của bạn. Nếu bạn thấy một trở ngại với ý tưởng của mình, hãy làm cho trở ngại đó qua đi. Hãy ưu ái ý tưởng mới của mình hơn những việc khác.

Miranda Stuart đã không để những việc phiền phức cản đường mình khi bà quyết định trở thành bác sĩ. Thời đó, phụ nữ không được theo học ngành y. Quyết tâm trở thành bác sĩ đã khiến Miranda đóng giả trai và bà đã tốt nghiệp Đại học y Edinburgh. Sau đó, bà phục vụ trong quân đội và trở thành người đứng đầu ngành quân y của Canada. Miranda đã chứng minh rằng việc bà không thể trở thành bác sĩ là vô lý.

Bạn phải rất kiên trì với ý tưởng của mình để khám phá xem đó có thú vị không. Khi bạn gặp một “thực tế” khiến bạn không thể thực hiện được giải pháp của mình, hãy ghi lại. Hãy dùng các phương pháp phá vỡ nguyên tắc để làm cho giải pháp của bạn có hiệu quả.

Khi được hỏi ông sẽ làm gì nếu các cuộc thử nghiệm không công nhận Thuyết Tương đối của ông, Einstein đáp: “Tôi buộc phải cảm thông với đức Chúa kính mến của chúng ta. Thuyết này là đúng!” Câu trả lời này cho thấy thái độ kiên quyết cần có khi phát triển một ý tưởng thành một giải pháp. Bạn sẽ không bao giờ biết bạn đã có một bước đột phá lớn hay chỉ là một “khái niệm Christ” nếu như bạn không kiên trì với ý tưởng của mình.

Thách thức các chuyên gia

“Tôi biết phần lớn mọi người, kể cả những người thoải mái với các vấn đề phức tạp nhất, hiếm khi chấp nhận sự thật dù đó là điều hiển nhiên và vô cùng đơn giản, nếu nó buộc họ phải thừa nhận những kết luận giả dối mà họ thích thú giải thích cho các đồng nghiệp, tự hào dạy cho người khác và họ thêu dệt, xâu chuỗi thành tấm vải của cuộc đời.”

– LEO TOLSTOY –

Các chuyên gia thường khắt khe với những ý tưởng mới. Họ thích thực tế của họ hơn. Những ý tưởng nghi ngờ thực tế của họ là mối đe dọa. Nếu khái niệm mới đó được nắm bắt thì họ không còn là chuyên gia nữa. Các chuyên gia đã giết chết nhiều ý tưởng lớn.

Alfred Wegner là một người tài năng. Ông được đào tạo thành nhà thiên văn học và khí tượng học. Ông còn có kinh nghiệm thực tiễn của một người thám hiểm địa cực. Tuy nhiên, ông không được công nhận là nhà địa vật lý, dù ông đã có đóng góp không nhỏ cho ngành địa vật lý.

Afred Wegner đã có một ý tưởng lớn, một bước đột phá thật sự. Ông phát hiện ra rằng thềm lục địa của Bắc Mỹ và Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi khít với nhau như những miếng ghép trong trò chơi ghép hình. Thậm chí, sự tạo thành địa chất dọc các bờ biển đó cũng khớp nhau. Do đó, Wegner tin chắc các lục địa này đã từng là một lục địa lớn trước khi bị tách ra. Đó là một ý tưởng xuất sắc.

Nhưng khi Wegner giải thích ý tưởng sơ khai của mình cho các chuyên gia thì ông đã mắc một vài lỗi. Các chuyên gia địa vật lý ngay lập tức xoáy vào những lỗi nhỏ này. Họ đả kích các khái niệm chưa hoàn chỉnh và họ hoàn toàn không tin vào tiến bộ có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực của mình. Kết quả là đột phá của Wegner đã chết cùng với ông.

Nhiều thập kỷ sau, khi khoa học địa vật lý đã phát triển hơn thì ý tưởng của Wegner về các lục địa chuyển động lại được đề xuất, lần này là bởi chính các nhà địa vật lý. Đến lúc này thì sức thuyết phục của các bằng chứng là không thể tranh cãi. Ý tưởng của Wegner được xem là nền tảng của ngành địa vật lý. Các sách giáo khoa hiện đại giải thích lý thuyết nhưng thường không đề cập đến việc ý tưởng này do một nhà khí tượng học đưa ra đầu tiên.

Thậm chí, những người tài giỏi nhất cũng có thể sai. Isaac Newton đã phản đối quyết liệt những nỗ lực dùng đồng hồ để xác định kinh độ. Ông nghĩ những chiếc đồng hồ đi biển chính xác là điều không thực tế. May thay, John Harrison đã không sợ bất đồng với bộ óc vĩ đại nhất thời đại. Sau nhiều năm thử nghiệm, cuối cùng, ông đã hoàn thiện một chiếc đồng hồ nhỏ, chính xác mà không bị ảnh hưởng bởi sự lắc lư, nghiêng ngả của tàu hay sự thay đổi nhiệt độ. Đây là công nghệ được lựa chọn để tính kinh độ trong suốt hàng trăm năm cho đến khi thiết bị định vị vệ tinh xuất hiện và thay thế nó.

Các chuyên gia thường rất giỏi về kiến thức có tính truyền thống nhưng họ lại kém trong việc công nhận các ý tưởng mới:

“Thuyết vi trùng của Louis Pasteur là sự tưởng tượng lố bịch.” – Pierre Pachet, giáo sư Sinh lý học, 1872.

“Chiếc ‘điện thoại’ này có quá nhiều khiếm khuyết để được coi là một phương tiện truyền thông. Chiếc máy này chẳng có giá trị gì với chúng ta.” − Thư báo Internal Western Union, 1876.

“Những cỗ máy bay nặng hơn không khí là điều không thể.” − Lord Kelvin, Chủ tịch Hội Hoàng gia, 1895.

“Đồ chết tiệt nào muốn nghe diễn viên nói?” − H. M. Warner of Warner Brothers, 1927.

“Chúng tôi không thích giọng của họ và nhạc ghita không còn là mốt nữa.” − Decca Recording Company on the Beatles, 1962.

Đừng thất vọng khi chuyên gia nào đó chế giễu ý tưởng của bạn. Có lần, một trăm giáo sư quốc xã đã viết một cuốn sách công kích học thuyết của Einstein. Einstein chỉ nhún vai coi khinh và nói: “Nếu tôi sai, chỉ cần một giáo sư là đủ.” Các chuyên gia có rất nhiều lý do để coi thường ý tưởng của bạn. Họ sẽ thuyết phục chính họ (và cố gắng thuyết phục cả bạn) rằng bạn thật ngốc nghếch. Bạn phải tận tâm nếu bạn định phát triển ý tưởng của mình trở thành giải pháp.

Khi bạn có ý tưởng không nói với các chuyên gia để khỏi bị chế giễu. Nếu họ phát hiện ra, bạn hãy nói đó chỉ là việc thử áp dụng kiến thức. Bạn đừng quá hy vọng ý tưởng của mình sẽ thành công mà nên mong đợi một bài học thú vị rút ra từ thất bại đó. Hãy khiến các chuyên gia phải xấu hổ vì họ không ham hiểu biết. Khi ý tưởng của bạn có kết quả, các chuyên gia sẽ thay đổi hẳn ý kiến. Tiến sĩ Barbara McClintock cuối cùng đã giành được giải thưởng Nobel y học sau khi công trình cách mạng về gen của bà bị bỏ quên 30 năm. Các “chuyên gia” đã mất rất nhiều thời gian để hiểu việc làm của bà.

GIAO PHỐI TRÍ TUỆ

“Bí quyết sáng tạo là biết cách che giấu nguồn cảm hứng của mình.”

– ALBERT EINSTEIN –

Sự giao phối tốt cho việc nảy sinh các ý tưởng. Phần lớn các ý tưởng được phát triển trên trái đất là trong tổ hợp gen, tiêu biểu ở các sinh vật − tế bào, mắt và cơ. Và những gen tốt nhất đều có được từ việc giao phối. Thậm chí, các động vật đơn tế bào đơn giản cũng cố gắng trao đổi ADN khi có thể.

Tại sao giao hợp lại quan trọng đến như vậy? Không phải vì nó dễ thực hiện. Các loài sinh sản nhờ giao phối chịu nhiều rủi ro vì chúng mất rất nhiều sinh lực. Nhu cầu duy trì ADN không hoàn toàn giải thích cho nhu cầu tình dục. Sinh sản vô tính đơn giản hơn và nó truyền tất cả các gen của một cơ quan thay vì chỉ truyền một nửa. Đó dường như là chiến lược tự nhiên để tự duy trì ADN. Để thay thế, các gen ích kỷ này đã lựa chọn giới tính.

Qua một tỷ năm phát triển, ADN đã chứng minh sự giao phối rất quan trọng. Các sinh vật sinh sản nhờ giao phối chia sẻ những ADN quý cho đứa con của chúng tiến hoá hơn nhiều so với các loài sinh sản vô tính. Các sinh vật có khả năng sinh sản vô tính, như vi khuẩn và gà tây, cũng ưu tiên hình thức sinh sản nhờ giao phối khi có thể. Giao phối giúp hai bộ vật liệu di truyền tốt nhất kết hợp với nhau để tạo ra cái gì đó mới, đôi khi tốt hơn nhiều. Sự khác biệt này quá thành công đến nỗi việc giao hợp trở nên không thể thiếu trong thế giới tự nhiên.

Việc giao phối cũng tác động đến các ý tưởng. “Giao phối trí tuệ” rất quan trọng trong việc tạo ra các giải pháp thành công cũng giống như giao phối sinh lý tạo ra các sinh vật tốt. “Giao phối trí tuệ” là trao đổi ý tưởng một chiều hoặc hai chiều, bao gồm việc cộng tác, mượn ý tưởng hay rút ra bài học từ sai lầm của người khác. Việc đó có thể là có chủ định hoặc do tiềm thức. Nó hiệu quả hơn nhiều so với việc phát triển ý tưởng một mình.

Các ý tưởng lớn hiếm khi là công trình của một người, mặc dù thường chỉ một người được vinh danh. Ông của Darwin đã đề xuất một Thuyết Tiến hoá sơ khai. Bell đã thấy một chiếc điện thoại thô sơ tương tự như cái ông đã phát minh và anh em nhà Wright đã biết áp dụng kết quả nghiên cứu khí động lực. Nói chung, các giải pháp sáng tạo thường có nhiều cha đẻ.

Bạn cần ý tưởng của người khác để phát triển ý tưởng của bạn thành một giải pháp thiết thực. Các ý tưởng mới củng cố những giải pháp triển vọng. Chúng bổ sung vào các lỗ hổng và sửa chữa những điểm yếu. “Giao phối trí tuệ” tạo ra nhiều ý tưởng lớn.

Einstein được lợi rất nhiều nhờ chia sẻ ý tưởng. Ông đã nuôi dưỡng và phát triển được ý tưởng lớn của mình nhờ có sự giúp đỡ của nhiều cộng sự. Cá nhân ông không thể làm được nhiều việc như vậy.

Một lợi thế mà các thiên tài thường có là được tiếp cận với các bộ óc tài giỏi. Họ có cơ hội để trao đổi với nhiều người thông minh khác. Nhờ trao đổi ý tưởng thường xuyên mà những ý tưởng tiềm tàng của họ hình thành rõ ràng hơn. Để phát triển nhanh chóng những ý tưởng hay của mình, bạn cũng phải làm như vậy và tích cực tham gia “giao phối trí tuệ”.

Tạo hóa còn dạy chúng ta một bài học quan trọng nữa về việc phát triển ý tưởng lớn − đó là tránh giao phối giữa những người có họ gần nhau vì điều đó làm các gen xấu đi. Do đó, khi bạn cần trao đổi ý tưởng để phát triển giải pháp của mình, bạn cũng không nên “giao phối trí tuệ” theo kiểu này nhiều. Cộng tác với những người trong cùng lĩnh vực của bạn hoặc có cùng nền tảng giáo dục như bạn là tốt nhưng kết quả có thể không như mong đợi. Hãy tìm kiếm lời khuyên từ những người có nghề nghiệp khác, nền tảng giáo dục khác và thiên hướng khác.

Việc phát triển ý tưởng thành một giải pháp rất cần sự “giao phối trí tuệ”. Hãy chia sẻ ý tưởng với ít nhất 10 người và ghi chép những ý tưởng được hình thành. Nhớ là đừng quá chú trọng “giao phối trí tuệ” với những người “họ hàng gần”. Có thể bạn muốn theo dõi việc trao đổi ý tưởng để giúp bạn nhận ra ý tưởng của mình đã nhận đủ sự “giao phối trí tuệ” chưa. Ví dụ, nếu bạn đang định khai thác một số tuyến bay mới ở châu Âu, hãy lập một bảng như Hình 8.3 dưới đây.

Đáng tiếc, tạo hóa không chỉ cho chúng ta cách chia sẻ ý tưởng như cách giao phối. Đôi khi, chúng ta miễn cưỡng trao đổi ý tưởng của mình vì chúng ta sợ bị ăn cắp hay nhạo báng. Nhưng bạn phải vượt qua hạn chế của bản thân để chia sẻ ý tưởng nếu như bạn muốn phát triển ý tưởng thành một giải pháp lớn. Bạn sẽ thấy “giao phối trí tuệ” cũng hấp dẫn như giao phối sinh lý.

“Giao phối trí tuệ” an toàn

“Một khám phá khoa học không bao giờ là công trình của riêng một người.”

– LOUIS PASTEUR –

Không dễ dàng chia sẻ những ý tưởng còn sơ khai nhưng có những cách không quá mạo hiểm để bắt đầu. Dưới đây là một vài cách kín đáo, an toàn để củng cố ý tưởng của bạn với quan điểm của những người khác.

Ăn trưa

Mọi người thường nói chuyện trong bữa ăn, lúc đó, ai cũng thoải mái, cởi mở. Bữa trưa không phải là một cuộc họp hay buổi thuyết trình. Cuộc nói chuyện có thể rất thú vị. Người ta sẽ không bận tâm nếu như ý tưởng của bạn có vẻ kỳ quặc. Hãy thu xếp để ăn trưa với những người mới, những người có nền tảng giáo dục và quan điểm khác bạn. Hãy giải thích với họ giải pháp mà bạn đang băn khoăn. Đừng quá tỏ ra nghiêm trọng mà hãy thoải mái khám phá vùng đất mới. Việc giải thích sẽ giúp bạn tổ chức ý tưởng và nhớ: hãy để khách của bạn có thời gian ăn. Sau khi bạn miêu tả xong, đến lượt bạn ăn. Để khách của bạn nói và chăm chú lắng nghe. Nếu vấn đề của bạn là làm sao để hàng hóa ở cửa hàng bách hóa của bạn rẻ như ở các cửa hàng giảm giá thì bữa trưa sẽ là điều kiện thích hợp để thảo luận ý tưởng cắt giảm 70% diện tích mặt bằng và giới thiệu hình thức chọn hàng qua video. Bữa trưa là nơi thích hợp cho những ý tưởng khác thường như vậy.

Những người bạn cũ

Những người bạn cũ là nguồn ý tưởng dồi dào. Hãy coi họ như những phiên bản của bạn. Bạn và họ có thể có nhiều điểm chung trước khi những lựa chọn và kinh nghiệm làm thay đổi quan điểm của bạn. Hãy gọi cho một người bạn cũ và thảo luận giải pháp của bạn. Hãy ghi nhớ xem những kinh nghiệm của anh ta ảnh hưởng thế nào đến quan điểm về giải pháp của bạn. Hãy kết hợp một vài ý kiến của anh ta thành giải pháp.

Chuyên gia trong các lĩnh vực khác

Chuyên gia là những người giải quyết tốt các vấn đề. Nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực của bạn có thể không thích ý tưởng của bạn vì nó thường mâu thuẫn với ý kiến của giới chuyên môn. Vì thế, hãy thảo luận giải pháp của bạn với một chuyên gia ở lĩnh vực không liên quan. Chuyên gia này không cần biết gì về vấn đề của bạn nhưng họ rất am hiểu lĩnh vực của mình. Là một chuyên gia, cô ta sẽ hiểu những vấn đề rắc rối và có kinh nghiệm tìm kiếm những giải pháp khó. Cô ta không bị lây ảnh hường những thành kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực của bạn và cũng không quan tâm liệu ý tưởng của bạn có làm thay đổi điều gì không. Ví dụ, nếu bạn muốn có thông tin phản hồi về ý tưởng chọn mua hàng qua video, hãy nói chuyện với một nghệ sĩ dương cầm tài năng.

“Giao phối” rộng rãi

“Bài học lớn nhất trong cuộc sống là phải biết những người ngốc đôi khi cũng đúng.”

– WINSTON CHURCHILL –

Muốn phát triển những ý tưởng hay đòi hỏi bạn phải vượt ra khỏi giới hạn bản thân. Nhưng việc khắc phục tính xấu hổ của người trí thức để có sự trao đổi ý tưởng rộng rãi, ngẫu nhiên là không dễ chút nào. Nếu để mặc cho bạn tự xoay sở, lo liệu, bạn có thể chia sẻ với những người không thích hợp. “Giao phối” với “họ hàng gần” là cấm kị nhưng chúng ta vẫn thường trao đổi ý tưởng với những người có cùng ý nghĩ với mình. Tuy nhiên, để phát triển những giải pháp lớn đòi hỏi bạn phải quan hệ rộng rãi hơn.

Bạn nên nhớ “giao phối trí tuệ” càng nhiều càng tốt. Bạn càng chia sẻ ý tưởng của mình với nhiều người, bạn càng hiểu biết sâu sắc hơn. Nếu bạn cần phát triển các loại nước giải khát nóng, “giao phối trí tuệ” rộng rãi có thể giúp bạn “đẻ” ra những ý tưởng bạn chưa từng nghĩ đến. Dưới đây là một vài cách giúp bạn chia sẻ vấn đề với nhiều người khác nhau.

“Giao phối trí tuệ” ngẫu nhiên

Lần sau, khi bạn nói chuyện với một người lạ trên máy bay, lúc đang xếp hàng hay trong phòng đợi, hãy hỏi xem cô ta sẽ thay đổi ý tưởng của bạn như thế nào để nó tốt hơn. Những người lạ thường có nhiễm sắc thể trí tuệ chính xác. Kinh nghiệm của họ khác của với của bạn. Và họ không cố giải quyết vấn đề của bạn theo cách quen thuộc của bạn. Hãy hỏi một người lạ. Những người lạ là tốt nhất cho vấn đề về loại đồ uống nóng. Họ không biết về những hạn chế, xu hướng và thất bại xung quanh các loại đồ uống nóng ở công ty bạn. Hãy để họ mở rộng danh sách ý tưởng của bạn.

Giải pháp bữa tiệc

Hãy tạm quên những nghiên cứu và tổ chức một bữa tiệc để phát triển giải pháp của bạn vì nó có một vài thuận lợi. Trước hết, bữa tiệc là dịp để mọi người cùng nhau trò chuyện, là nơi tập trung trí tuệ. Ở đó, mọi người không phải kiềm chế và được tự do thể hiện những ý tưởng “điên rồ”, điều thường không xảy ra ở các cuộc họp.

Khi bạn đi mời khách, bạn hãy mô tả cho họ giải pháp bạn cần. Việc đó cho họ thời gian để bắt đầu suy nghĩ về vấn đề của bạn. Nếu bữa tiệc của bạn nhằm mục đích thu thập những ý tưởng về đồ uống nóng, hãy yêu cầu mọi người mang đến loại đồ uống nóng mà họ ưa chuộng. Và hãy trao phần thưởng cho người nào có loại đồ uống đặc biệt nhất.

Trước khi bắt đầu bữa tiệc, hãy khuyến khích mọi người cùng làm việc và đưa ra các ý tưởng của bạn. Nhưng bạn phải đảm bảo bữa tiệc phải thật vui. Khi mọi người vui vẻ, phấn khởi, họ sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo. Ghi nhận những ý tưởng kỳ quặc khi họ tình cờ khuyến khích cách suy nghĩ khác. Và khi bạn có một vài ý tưởng hay, hãy ăn mừng!

Giải pháp thẻ

Bạn có thể yêu cầu những người bạn gặp giúp bạn phát triển giải pháp của mình. Hãy viết câu hỏi của bạn lên một miếng thẻ to và đeo nó như thẻ ghi tên. Đặt câu hỏi thật đơn giản và viết càng to càng tốt để mọi người có thể đọc được từ xa. Bằng cách này, bạn sẽ nhận được nhiều tiếng cười, nhiều gợi ý và một vài ý tưởng lớn. Đừng ngại, hãy làm đi. Hãy sử dụng trí tuệ của những người qua đường cùng bạn làm việc.

Bạn có thể đeo một cái khuy có câu hỏi: “Chúng ta làm thế nào để cắt giảm 15% chi phí nguyên vật liệu?” Những người gặp bạn sẽ nhớ đến vấn đề này và dành chút ít thời gian để suy nghĩ về vấn đề của bạn.

Bảng yết thị

Nếu bạn là người nhút nhát, hãy dùng bảng yết thị để tìm những gợi ý cho giải pháp của mình. Hãy đưa vấn đề của bạn lên bảng yết thị ở một nơi dễ thấy nhưng nhớ đừng ghi tên mình. Để chừa khoảng trống và bút để mọi người biết rằng họ có thể phản hồi lên bảng. Hãy là người viết phản hồi đầu tiên để người khác làm theo.

Nếu bạn đang tìm kiếm mảng khách hàng mới cho sản phẩm của mình, bạn có thể viết trên bảng yết thị như sau: “Khách hàng tương lai của chúng ta sẽ là ai? Không phải những khách hàng bây giờ.” Bạn sẽ thấy các đồng nghiệp dấu tên của bạn tự do thoải mái hơn nhiều khi đưa ra các gợi ý.

“Giao phối” với một người

“Bất kể những con mèo đánh nhau nhiều thế nào, dường như lúc nào cũng có nhiều mèo con.”

– ABRAHAM LINCOLN –

Một cộng sự có thể là người giúp đỡ lâu dài trong việc giải quyết các vấn đề. Ai cũng có những điểm yếu và những lĩnh vực mà mình không hiểu biết. Một cộng sự tốt có thể bù đắp những thiếu hụt này. Hơn nữa, những người bạn hợp nhau sẽ cùng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Trong đời mình, Einstein đã cần rất nhiều cộng sự, đặc biệt là các bà vợ, những người thư ký và phụ tá. Họ giúp ông viết và hiệu chỉnh các bài thuyết trình, giải phương trình, lo việc ăn uống và quần áo. Cộng sự lý tưởng của Einstein phải giúp ông không bận tâm đến những việc ngoài lề để ông tập trung toàn bộ tâm trí vào việc tìm kiếm giải pháp. Người vợ đầu của Einstein là người đáp ứng được nhiều tiêu chí như trên. Bà vừa chăm sóc cho ông vừa giải quyết được những phương trình hóc búa nhất của ông.

Có nhiều cái tên nổi tiếng trong việc giải quyết vấn đề là tên ghép của hai người, ví như Rolls Royce. Rolls là nhà doanh nghiệp táo bạo, mạnh dạn nghĩ ra những công việc kinh doanh mới. Royce là con người thực tế, tỉ mỉ, biết hiện thực hóa ý tưởng của Rolls. Kết hợp với nhau, họ đã trở thành một cặp xuất sắc.

Rudolph Diesel là một thiên tài cơ khí. Các phát minh của ông, trong đó có động cơ diesel, đã giúp ông phát tài, nhưng sự ngờ nghệch về tài chính đã khiến ông mất tất cả. Diesel đã phải tìm một cộng sự hiểu biết về tài chính.

Nếu bạn nghĩ một cộng sự sẽ có lợi cho giải pháp của bạn, hãy tìm kiếm một người thích hợp. Trước tiên, phân tích các kỹ năng và đặc điểm tính cách của bạn rồi ghi lại. Hãy xác định các kỹ năng và đặc điểm bạn cần để đạt được thành công. Sau đó, tìm một cộng sự có thể bù đắp được những điểm bạn còn thiếu. Nghĩa là cộng sự của bạn phải mạnh ở những điểm mà bạn yếu.

Bạn và cộng sự của bạn nên khoan dung với nhau. Điều này quan trọng hơn cả việc tìm được một cộng sự tài giỏi. Einstein đã bỏ người vợ đầu rất thông minh để lấy một người khoan dung hơn với tính lơ là của ông. Việc cộng tác không dễ dàng chút nào. Có thể bạn chẳng bao giờ tìm được một cộng sự tốt nhưng hãy cứ thử trước đã. Khi cộng tác ăn ý, bạn sẽ thấy công việc tiến triển rất khả quan.

SAI LẦM – CỘT MỐC CHO CÁC GIẢI PHÁP

“Những người chưa bao giờ mắc lỗi là những người chưa từng thử làm những việc mới mẻ.”

– ALBERT EINSTEIN –

Mắc lỗi là điều cần thiết để phát triển ý tưởng. Bạn không muốn cố ý mắc lỗi nhưng sẽ không thể tìm được một giải pháp có tính đột phá nếu chưa từng mắc lỗi. Việc mắc lỗi là bằng chứng cho thấy giải pháp của bạn đang tiến triển. Chúng ta chỉ làm việc hoàn hảo khi chúng ta đã từng làm việc đó trước đây. Chúng ta thường mắc sai sót khi thử làm những việc mới. Ý tưởng của Einstein đòi hỏi trải qua nhiều cuộc thử nghiệm mới đi đến thành công và tất nhiên, ông cũng mắc nhiều lỗi. Nếu mọi việc bạn thử đều thành công thì bạn là người cực kỳ bảo thủ trong suy nghĩ.

Paul Caffe, một người Mỹ gốc Phi sống ở nước Mỹ thuộc địa, đã trả giá cho nhiều sai lầm để trở thành ông chủ của một đội tàu buôn. Cướp biển đã cướp chiếc tàu đầu tiên của Caffe. Ông mất chiếc thứ hai khi không bán được hàng. Nhưng Caffe đã học được nhiều điều từ những sai lầm này. Chiếc tàu thứ ba là thành công đầu tiên trong chuỗi thành công liên tiếp sau này. Paul Caffe, cuối cùng đã có một đội tàu của riêng mình sau khi mất nhiều con tàu và mắc không ít sai lầm.

Hãy tiến hành càng nhiều thử nghiệm càng tốt để giải pháp của bạn đạt kết quả. Bạn sẽ tạo ra nhiều “khái niệm Christ”. Nhưng không sao, thành công sẽ đến với bạn từ một trong những thất bại đó. Sau mỗi thử nghiệm, hãy ghi lại các bài học để biết chắc những lỗi bạn mắc có đủ làm nên thành công.

Thử nghiệm là một cách tốt để loại bỏ bất cứ điều gì không đem lại kết quả cho ý tưởng, từ đó rút ra được giải pháp có giá trị. Để tìm ra nguyên tố kim loại phóng xạ, Marie và Pierre Curie đã phải phân tích tính chất của hàng tấn đá để lọc được một lượng rất nhỏ phóng xạ mà họ tin là có nguyên tố kim loại phóng xạ. Nguyên tố kim loại phóng xạ không chỉ mang lại giải thưởng Nobel cho Marie và Pierre Curie mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều tiến bộ khác. Einstein cũng có một số công trình phụ thuộc vào nguồn phóng xạ.

Về mặt trí tuệ, chúng ta thấy việc mắc lỗi là tốt. Tránh mắc lỗi đồng nghĩa với việc không muốn phát triển. Nhưng trên thực tế, khi mắc lỗi, chúng ta không khỏi buồn phiền, xấu hổ và còn mất tiền của, vì thế chúng ta vẫn nên tránh mắc những sai lầm không đáng có. Tuy nhiên, để phát triển những ý tưởng sơ khai thành giải pháp rõ ràng thì việc mắc nhiều lỗi là không thể tránh khỏi. Hãy khắc phục việc bạn không thích mắc lỗi. Bạn có thể mắc nhiều lỗi hơn nếu bạn học cách kìm nén hoặc không để tâm đến cảm giác buồn phiền khi bạn mắc sai lầm.

Thử nghiệm tư duy

“Kinh nghiệm là tên mà mọi người đặt cho sai lầm của mình.”

– OSCAR WILDE –

Einstein thích thử nghiệm tư duy. Ông đã suýt bị thương nặng khi mở rộng giới hạn một cuộc thử nghiệm của sinh viên mà không suy tính, vì thế, sau này ông đã chọn giải pháp an toàn là thử nghiệm tư duy. Einstein nghĩ ra các vấn đề để khám phá ý tưởng. Những thử nghiệm này thường kỳ cục như cưỡi trên một tia sáng hay tách hai hạt nguyên tử bằng tay. Hai việc này là không thể nhưng Einstein đã học được rất nhiều từ việc xem xét kỹ hàm ý của từng việc.

Thử nghiệm tư duy cho phép bạn kiểm tra một ý tưởng mà không tốn kém hay xấu hổ. Vì nó nằm trong đầu bạn. Bạn không thất bại, không làm mất tiền học của bọn trẻ hoặc trông bạn như một thằng ngốc, nhưng bạn vẫn có thể thu được nhiều ý tưởng cho giải pháp của mình.

Thử nghiệm tư duy là điều rất táo bạo. Nó giúp bạn hiểu cả những vấn đề kỳ quặc nhất. Một thử nghiệm tư duy tốt thích hợp với giải pháp của cả thế giới hoặc với một cá nhân. Nó là nguồn tài nguyên vô tận hoặc chẳng là gì. Nếu bạn đang tìm cách giảm 10% chi phí lắp ráp thì bạn nên tập trung suy nghĩ làm sao giảm được 100%. Bạn sẽ loại bỏ tất cả các chi phí lắp ráp như thế nào? Bạn có thể mua các phụ tùng để lắp ráp, ghép các phụ tùng thành một thiết bị hoặc không cần thiết bị đó. Giải pháp của bạn không nhất thiết phải hoàn toàn thực tế nhưng khi bạn áp dụng với vấn đề hóc búa của mình, bạn sẽ học được rất nhiều.

Hãy tạo ra một cuộc thử nghiệm tư duy để kiểm tra ý tưởng của bạn. Hãy tưởng tượng một tình huống hóc búa liên quan đến các ý tưởng mới mà bạn đang tiến hành. Xác định những vấn đề bạn phải giải quyết để giải pháp của bạn có hiệu quả trong tình huống này. “Quan sát” những gì xảy ra khi bạn thực hiện cuộc thí nghiệm. Giải quyết những vấn đề nảy sinh bằng bất cứ cách nào có thể. Đừng buồn phiền nếu bạn mắc lỗi trong cuộc thử nghiệm này vì nó giúp bạn tự tin hơn. Hãy đem sự tự tin mà bạn có được từ việc xử lý các trường hợp hiếm thấy vào thực hiện một cuộc thử nghiệm thực tế cho ý tưởng của bạn.

Cái tôi, những sai lầm và sự phát triển

Mấy ai nghĩ rằng Tiến sĩ Albert Einstein, một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử lại là một đứa trẻ ngông nghênh, ngạo mạn. Ông đã từng bỏ học, chế nhạo các giáo sư và vi phạm nội quy trường học. Những trò hỗn xược của Einstein khiến việc học tập và sự nghiệp của ông chậm lại vài năm. Einstein mắc sai lầm này vì ông là người tự phụ. Ông biết mình thông minh hơn những người khác. Ông đã đối đầu với các chuyên gia ngay cả khi người ta cam đoan là ông thua, đã chọc tức tất cả mọi người từ giáo viên đến đảng viên Đảng Quốc xã. Einstein chịu nhiều thiệt thòi vì những việc đó nhưng ông biết là ông đã đúng.

Tôi không có ý cho rằng xúc phạm thầy giáo − người có thể tiến cử bạn vào công việc bạn muốn (như Einstein đã làm) hoặc để bị trục xuất khỏi đất nước (như Herr Doctor) là hay. Nhưng việc làm đó khiến tâm trạng họ thoải mái hơn. Để phát triển giải pháp của mình và cam chịu những sai lầm (những hậu quả phụ tất nhiên), bạn cần một cái tôi lớn hơn.

Việc mắc sai lầm khiến bạn lúng túng, bị tổn thương hoặc làm bạn mất tiền của. Vì thế, bạn phải thấy mình đủ thông minh, đủ mạnh mẽ và đủ chắc chắn về thành công cuối cùng để những sai lầm bạn mắc phải trên đường đi không cản trở bạn. Việc này có thể đòi hỏi phải rèn luyện. Dưới đây là một bài tập để chuẩn bị cho bạn trước khi mắc phải những sai lầm sống còn.

Những giải pháp anh hùng

“Thành công chưa phải là quyết định và thất bại không hẳn là tai hại.”

– WINSTON CHURCHILL –

Siêu anh hùng có thể làm bất cứ việc gì. Họ có thể gặp khó khăn, có thể bị thương khi thế giới chao đảo bên bờ thảm họa, nhưng họ sẽ thành công.

Để xây dựng được sự tự tin như Einstein, hãy tưởng tượng bạn là người anh hùng như trong cuốn truyện tranh bạn yêu thích. Bạn có sức mạnh siêu phàm, có thể làm bất cứ việc gì. Tất nhiên, bạn vẫn tự xem mình như người bình thường, hòa nhã với gia đình và bạn bè, nhưng họ nên tôn thờ đến cả chỗ đất bạn đặt chân lên. Bạn đừng bận tâm. Kiểu chàng trai hay cô gái đó chính là bạn, người hùng mạnh nhất, tài giỏi nhất và khiêm tốn nhất trên trái đất.

Hãy hình dung người anh hùng trong cuốn truyện tranh bạn yêu thích giải quyết vấn đề của bạn như thế nào. Anh hùng dùng sức mạnh vô song thổi bay mọi trở ngại. Bạn hãy dùng trí tuệ, sức mạnh và công nghệ của mình để mở đường tới giải pháp. Hãy cường điệu lên. Say sưa với vinh quang có được từ thành tựu của bạn. Nếu bạn mắc lỗi, thì đã sao. Cuối cùng, bạn sẽ chiến thắng.

Một siêu anh hùng như bạn cũng lo lắng về việc mắc lỗi? Đập vỡ vài cái cửa sổ? Đập tan một thành phố hay hai? Không sao, vấn đề phải được giải quyết. Mắc vài lỗi trong quá trình giải quyết không thành vấn đề. Các siêu anh hùng cũng có thể sai lầm. Hãy mang quan điểm đó vào việc phát triển giải pháp của bạn.

Mạo hiểm mỗi ngày

“Thực hiện hết mình một kế hoạch tốt hôm nay còn hơn thực hiện một kế hoạch hoàn hảo vào ngày mai.”

– GEORGE PATTON –

Một trong những thử nghiệm tư duy mà Einstein và các cộng sự phải cân nhắc rất nhiều là trường hợp đặt một con mèo trong hộp. Trong chiếc hộp đó có một thiết bị sẽ làm con mèo chết khi một hạt phóng xạ phân rã. Thời gian phân rã không xác định được, vì thế, cách duy nhất để biết con mèo còn sống hay không là phải mở hộp ra xem. Việc này không chỉ cho thấy rất ít nhà vật lý ghét mèo mà còn chứng minh rằng, một số kết quả không thể dự đoán được cho đến khi chúng xảy ra.

Điều này đúng với các ý tưởng. Thật khó để biết liệu một ý tưởng có hiệu quả hay không nếu không thử một lần, thậm chí thử theo cách khác rồi lại thử lại. Bạn phải thử những cái mới để phát triển giải pháp. Trong bốn tuần tiếp theo, mỗi ngày thử một thay đổi mới cho giải pháp của bạn. Mỗi ngày bạn làm một thử nghiệm ý tưởng hay thí nghiệm theo cách mới nào đó. Bạn sẽ mắc nhiều lỗi nhưng bạn cũng sẽ tiến bộ rất nhiều.

Ngay cả khi bạn không tiến hành thực thi một giải pháp, việc này cũng giúp bạn xây dựng thói quen thử những cái mới. Hãy đặt mình vào một tình huống có khả năng thất bại cao. Có nhiều điều mới lạ để thử: một con đường tắt, một trạm radio khác hay một nhà hàng mới là những việc ít mạo hiểm. Nếu gần đây bạn không rèn luyện năng khiếu nghệ thuật của mình, hãy thử vẽ hay chạm khắc hình một người bạn hoặc hát to một bài hát nổi tiếng. Thực hiện những việc này ở nơi công cộng là bài thực hành rèn luyện khả năng mạo hiểm rất tốt. Mỗi ngày, bạn hãy thử làm việc gì đó mới rồi đánh dấu vào một cái bảng để xem khả năng phiêu lưu mạo hiểm của bạn như thế nào.

GIẢI PHÁP TỪ Ý TƯỞNG

“Một người có niềm tin giá trị bằng một nhóm 99 người chỉ có sự quan tâm.”

– JOHN STUART MILL –

Một lần, Einstein và người trợ lý cần một cái kẹp giấy nhưng họ chỉ tìm được một cái kẹp bị cong. Einstein cố bẻ thẳng nó nhưng không được, ông cần có dụng cụ. Ông và người trợ lý lại tìm kiếm khắp phòng. Lần này, họ thấy một hộp kẹp giấy. Einstein lấy một cái kẹp trong hộp và bẻ nó thành dụng cụ để làm thẳng cái kẹp giấy đầu tiên. Người trợ lý hỏi tại sao Einstein lại mất công chữa cái kẹp giấy đó trong khi bây giờ ông đã có cả một hộp. Einstein trả lời: “Một khi tôi đã đề ra mục tiêu, khó mà ngăn được tôi không thực hiện nó.” Đó là quyết tâm cần phải có để phát triển những giải pháp lớn. Sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để biến một ý tưởng hay thành một câu trả lời hữu ích. Có thể bạn cần phá vỡ nguyên tắc của mình nhiều lần để giải quyết những vấn đề mới sẽ nảy sinh khi bạn đang giải quyết vấn đề đầu tiên. Cuối cùng, bạn có thể phải thừa nhận mình đã lao vào ngõ cụt và bắt đầu lại từ đầu.

Bắt đầu lại thường là một phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề. Điều cốt yếu là chúng ta nên công nhận vai trò của nó, đánh giá lại vấn đề bằng cách khác sau khi đã rút ra bài học từ lần thực hiện giải pháp cuối cùng. Ngay cả khi bắt đầu lại thì bạn cũng đang tiến triển theo hướng tìm kiếm một giải pháp.

Một giải pháp thất bại có thể là một “khái niệm Christ” nhưng lại áp dụng thành công vào vấn đề nằm ngoài mục đích ban đầu. John Wesley Hyaat đã phát minh ra một ổ đũa lý tưởng cho bánh xe lửa. Có thể đúng như vậy, nhưng ngành đường sắt đã không quan tâm. Những miếng giẻ tẩm dầu có vẻ cũng hoạt động tốt như ổ đũa. Vì ngành công nghiệp bánh xe lớn nhất không mua nên Hyatt đã từ bỏ và bán rẻ công ty của mình cho một người trẻ tuổi tên là Alfred Sloan. Sloan đã bán ổ đũa cho ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ đang cần ổ đũa ghồ ghề để đi được trên những con đường nhiều vết lún sâu. Ông đã làm giàu bằng cách bán hàng cho Henry Ford trước khi phá vỡ một số nguyên tắc khác và chấm dứt việc thống trị ngành công nghiệp ô tô với tư cách người đứng đầu General Motors.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.