Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu

SÁCH LÀ CẢ THẾ GIỚI



“Tôi luôn mường tượng rằng Thiên đường cũng từa tựa như một thư viện vậy.” (Jorge Luis Borges)
Nếu mượn được cổ máy thần kỳ của Doraemon, nếu được quay về quá khứ, nếu có thể nhắn nhủ với tuổi trẻ của tôi một điều thôi, thì điều mà tôi lựa chọn là: Đọc sách nhiều nữa vào, đồ ngốc ạ!
Vì cứ mỗi lần rời xa sách là tôi thấy đười mình đi xuống.
Ngày xưa, lúc còn trẻ con, cuộc sống của tôi xoay quanh toàn là sách.
Căn nhà cũ của ba má tôi chất đầy sách. Sách từ thời thanh niên của ba má, xếp dài trên cái kệ bự chảng choáng cả một bức tường trong phòng ngủ, vẫn không hết lại dồn thành đống chất vào các tủ trong nhà.
Hồi đó nhà toàn sách cũ, đủ mọi thể loại trên trời dưới biển, tôi cứ đụng là đọc, chẳng cần biết sách loại gì, giá trị ra sao. Sách tuổi đời đã lâu nên long bìa sút chỉ, mỗi nơi mỗi xấp. Mỗi lần đọc chị em tôi phải tìm tờ ghép trang lại với nhau rất cực khổ. Đôi khi thiếu giấy nhóm bếp tôi và đứa em lại lên tủ sách lấy đại vài tờ. Sau này lục lại tủ sách của ông nội, mới giật mình phát hiện ra hai đứa đã đốt gần hết quyển Tám mươi ngày vòng quanh thế giới mà không biết.
Sách của ba má tôi rất nhiều quyển thuộc văn học cổ điển, Truyện ngắn Chekhov, Bông hồng vàng, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Jane Eyre…Tôi cứ lần lượt ngốn hết, có cái hiểu có cái không, nhưng cứ thấy quyền nào là gặm quyển đó, đắm chìm trong những trang sách. Những kỷ niệm nho nhỏ với các quyển sách xưa ngô nghê mà chân thực. Nhớ một buổi trưa, tôi cố sống cố chết cày cho hết quyển Truyện ngắn Solokhov, đến chiều hai mắt sưng vù lên gật gà gật gù, nên bị má lôi ra mắng cho một trận vì bỏ ngủ trưa. Hay lần đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai, tới đoạn Meggie sinh đứa con đầu lòng ở một trang trại xa xôi, miệng không ngừng kêu tên cha Ralph, tôi vừa đọc vừa khóc thút thít, lòng xót xa tự hỏi tại sao yêu nhau nhưng không đến được với nhau.
Hồi đó má tôi làm giáo viên ở trường cấp hai của xã. Ngoài những điểm bất lợi như luôn phải học giỏi thuộc bài để khỏi hổ danh làm con cô giáo, hay thi thoảng bị má kéo ra khỏi lớp dúi cho quả chuối vì đi học trễ quên ăn sáng, thì lợi thế lớn nhất là có sách để đọc. Lâu lâu, má mượn được của thư viện trường một chồng sách cũ, đem về cho hai con mọt sách ngấu nghiến. Bởi nên những mùa hè xưa bé của hai chị em tôi ngoài những trò bắt cua chăn vịt, thả diều câu cá thì còn có một thú vui lớn khác là đọc sách. Nhưng quyển sách đong đầy kỷ niệm thơ trẻ, nào là Calich và Valia, Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Kho báu của vua Solomon, Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen, Hoàng tử bé, Công chúa nhỏ, Cánh buồm đỏ thắm, Tuổi thơ dữ dội, Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Buratino, Tâm hồn cao thượng…Những năm tháng thơ bé trôi qua với những câu chuyện trong trẻo và bình yên.
Cứ như thế, thế giới trẻ thơ của tôi được xây dựng nên từ cái không gian mộc mạc xanh tươi của vùng nông thôn yên tĩnh, của những nhân vật tuổi thơ đầy khí phách. Lòng tốt và sự nhân hậu, sự giữ lời hứa, lòng can đảm, sự kiên nhẫn, tính phiêu lưu mạo hiểm, tinh thần vượt khó…Tất cả những nền tảng của cuộc sống, tôi và em tôi đã được học từ tuổi thơ của mình. Đôi khi trong cuộc sống hiện tại, tôi nghiệm ra rằng những rắc rối mà người ta gặp phải, hầu hết đều bắt nguồn từ sự lãng quên những nguyên tắc cơ bản đó của cuộc sống. Mải mê chìm vào những giá trị hư ảo mà quên đi điều gì là cốt lõi của đời người.
Sách tôi đọc chỉ là đống sách của ba má và những quyển má mượn thư viện, nên dĩ nhiên là không đủ, lâu lâu thiếu sách cứ phải đọc đi đọc lại như bò nhai lại cỏ. Sách mới thì đắt, nên thường nhà tôi chỉ dám mua quyển nào thật cần thiết. Nhà tôi vốn có mấy cây xoài rất to, mỗi mùa ra bông gió thổi ào qua một lượt là cả sân tràn ngập bông rụng, quét đi quét lại rất mệt. Nhưng xoài ra trĩu cành, chấm với mắm ruốc ăn thì tuyệt vời. Năm tôi học lớp chín, tôi quyết định luyện thi vào trường chuyên cấp ba của tỉnh. Một ngày trong mùa hè năm ấy, ba dành cả ngày trên cây xoài keo hái. Rồi sáng hôm sau ba má chở hai giỏ xoài bự xuống chợ ở thành phố ngồi bán tới tận chiều muộn, mỗi giỏ bằng cỡ cái cần xé trong miền Nam. Tiền bán xoài được đâu chừng năm chục nghìn đồng, má vào nhà sách mua cho tôi quyển Những bài văn hay lớp chín, mua xong là trong túi cạn luôn tiền. Tôi nhận sách, vừa ngạc nhiên vừa hờ hững, kiểu cũng tự kiêu mình đây văn hay chữ tốt, cần gì văn mẫu. Nhưng má thì vui lắm, bảo đây là quà chúc tôi thi tốt. Đã hơn mười năm trôi qua rồi mà tôi vẫn nhớ như in nét mặt của má khi đưa sách cho mình buổi chiều hôm đó. Vẻ mặt bừng sáng của niềm vui, hồ hởi và hy vọng. Hai giỏ xoài đầy đổi lấy một quyển sách. Nhớ lại mà nghẹn ngào nước mắt, một thời con nhà nghèo thiếu sách.
Vào cấp ba, tiền học bổng mỗi tháng hình như khoảng tám chục nghìn, mỗi lần má xuống thăm cho thêm hai chục nữa. Hầu hết đổ vào để mua sách tư liệu văn học, sách phê bình văn học, sách chuyên sâu, đủ thứ. Tiền thì ít mà sách cần mua thì nhiều, nên thỉnh thoảng quyển nào ưng ý lắm tôi mới mua, còn đâu là vào thư viện tỉnh mượn về tra cứu. Thầy dạy văn bắt mỗi đứa phải có một quyển sổ tư liệu văn học. Tôi lấy một quyển tập giáo án thiệt dày của má để làm sổ tư liệu. Những ngày gò lưng trên thư viện chép những bài thơ lạ, những lời phê bình tâm đắc vào sổ, đôi khi nghỉ tay nhìn ra ngoài, thấy mấy chiếc lá me tây xanh ngắt rung rinh trong gió, trong lòng vừa nhẹ nhàng vừa vui sướng. Bây giờ nhớ lại, những buổi ngồi say sưa đọc sách hay ghi chép ở thư viện tỉnh là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi thời cấp ba.
Rồi lên tới đại học. Ta nói quãng đời đại học là quãng đời ngu dại nhất của tôi. Mang tâm lý con nhà nghèo vào Sài Gòn trọ học, mấy năm sinh viên tôi chỉ chăm chăm làm thêm kiếm tiền, hà tiện đủ thứ kể cả tiền mua sách. Rồi cũng không biết đường lên mạng tìm ebook để đọc. Đôi khi đọc sách thì chỉ đọc những quyển giải trí rẻ tiền. Sách có giá trị thì đọc mỗi năm chỉ vài quyển, cứ như thế mà ngu dần đi.
Một lần đọc về tiểu sử cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, tôi thấy ông đọc đến vài trăm quyển sách trong suốt bốn năm đại học. Nghĩ mà tiếc nuối không để đâu cho hết. Giá như thời đi học chuyên cần đọc như Clinton thì cho dù bây giờ không thành tổng thống chắc cũng không hổ thẹn mang danh “làm trai đứng ở trong trời đất.”
Đi làm được vài năm, không hiểu được cơ duyên đưa đẩy trời Phật thương tình sao mà tôi bắt đầu đọc sách lại. Đọc không ngừng nghỉ. Sau một năm thấy kiến thức của mình tăng lên đáng kể. Nhìn lại một chặng đường dài, thấy đời mình sang trang mới cũng là nhờ đọc sách. Tôi yêu quý sách bao nhiêu thì cũng biết ơn sách bấy nhiêu. Bởi nhờ có sách mà tôi mới trưởng thành hơn, phát triển hơn, nuôi dưỡng lại tình yêu với nghiệp viết và mới trở thành tác giả, như ước mơ của tôi từ thuở bé.
Không chỉ tôi mà rất nhiều người khác đã thay đổi nhờ sách. Lê Phương Anh Vũ, người sáng lập câu lạc bộ sinh viên lớn mạnh, là một trong những người thuộc thế hệ 9X giỏi nhất mà tôi biết. Em kể với tôi rằng thời cấp ba em học hành không quá nổi bật, lúc vào đại học cũng nhút nhát tự ti. Nhưng từ lúc em chăm chỉ đọc sách, rồi ra ngoài làm nhiều hơn, tự học, tự phát triển chính mình, mà em trở thành một trong những người được biết đến nhiều nhất ở trường đại học của em. Em dìu dắt các thế hệ, sinh viên đi sau, xây dựng những khóa đào tạo kỹ năng và hướng dẫn nhiều người khác trong con đường tự học và phát triển bản thân.
Long Ứng Đài, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan, một nhà văn nổi tiếng, cũng từng viết cho con mình một lá thư dài về sách. Người con trai hai mươi mốt tuổi cảm thấy áp lực vì có cả cha lẫn mẹ đều là những người nổi tiếng, thành đạt. Cậu nói với mẹ: “Mẹ phải chấp nhận rằng con chỉ là một người bình thường, không có thành tựu gì nổi bật trong cuộc đời.”
Long Ứng Đài trả lời: “Điều quan trọng nhất đối với mẹ, không phải là con có thành tựu hay không, mà là con có hạnh phúc hay không, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, loại công việc nào có thể ít nhiều đem lại cho con niềm hạnh phúc? Thứ nhất, nó cho con ý nghĩa, công việc đó không điều khiển con, không giam cầm con như tù binh. Thứ hai, nó cho con thời gian, nó cho con trải nghiệm đầy đủ trong cuộc sống. Ví dụ làm quản lý ngân hàng ở Phố Wall, nhưng mỗi ngày vì tiền mà căng thẳng, có thể lại không bằng làm nghề nhân viên coi sóc vườn thú, hằng ngày tắm rửa cho voi hay đánh răng cho hà mã.”
Nữ nhà văn kể lại câu chuyện lúc còn ở Đức, hai mẹ con họ gặp một họa sĩ tên là Timothy. Anh ta từ nhỏ đã yêu thích tranh, ở trong hệ thống giáo dục tự do, nên học hành không ổn định, lúc thì học ngoại ngữ để làm phiên dịch, lúc thì học làm thợ khóa, lúc học làm thợ mộc. Sau khi tốt nghiệp, anh không tìm được việc làm. Đến năm 41 tuổi anh ấy vẫn thất nghiệp như thế và vẫn ở cùng mẹ mình. Lúc không có việc gì làm, anh ta ngồi ở cửa sổ sát đường, vẽ hươu cao cổ. Trong các bức vẽ của anh, cổ của hươu thò ra từ đỉnh của xe buýt, xuyên qua sân bay, đi vào rạp phim. Nó mở to đôi mắt với lông mi dài, nhìn chằm chằm vào một đứa trẻ ngồi trên xa ba bánh.
Long Ứng Đài bảo, bà sợ con thành người vẽ hươu cao cổ như Timothy, không phải vì anh ta không có tiền hay không có danh. Mà là vì anh ta không tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Cuối thư, bà viết: “Mẹ yêu cầu con chăm chỉ đọc sách, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác, mà là bởi vì, mẹ muốn con có nhiều hơn nữa quyền lựa chọn cho tương lai, lựa chọn có ý nghĩa, có thời gian làm việc, chứ không phải là bị ép mưu sinh.”
Quả thật, cái mà con người ta cần nhất trong đời là quyền lựa chọn một cuộc sống được làm những điều có ý nghĩa. Và sách là một công cụ giúp ta đạt được điều đó.
Sách cho ta kiến thức, cho ta động lực, cho ta mơ về những nơi xa hơn. Sách giúp mở ra một thế giới tốt đẹp hơn, những con người tốt hơn, và cả một phiên bản tốt hơn của chính ta. Nói không ngoa, sách là cả thế giới.
Ngươi trẻ ở thành phố thì quá nhiều sách để đọc. Còn mỗi lần về nông thôn thì thấy tụi nhỏ suốt cả mùa hè la cà chơi bời lêu lổng, thiếu sách trầm trọng. Những người trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ, được cho ăn học đàng hoàng như chúng ta, hãy luôn nuôi dưỡng cho mình kỹ năng đọc sách, Và đừng quên gieo trồng thói quen đọc ở những đứa trẻ quanh mình, em mình, con mình, cháu mình…
Để hy vọng rằng những hạt mầm tươi sáng mà ta gieo cho lũ trẻ ngày nay, sẽ hình thành những Antonie de Saint-Exupéry hay Lucy Maud Montgomery của Việt Nam trong tương lai mai sau.
– Antonie de Saint-Exupéry: phi công, nhà văn người Pháp, tác giả sách Hoàng tử bé
– Lucy Maud Montgomery: Nhà văn người Canada, tác giả của hơn 20 tiểu thuyết, được biết đến nhiều nhất là Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh và Emily ở trang trại trăng non.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.