Tuyển Tập Arsene Lupin

NĂM – NGƯỜI ĐẸP MẮT XANH



Nam tước Raoul de Limégy tản bộ trên các đại lộ của thủ đô Paris. Khi đi qua trước trường luyện võ, anh có cảm giác như có một gã đàn ông đang bước gần anh và đang theo dõi một người đàn bà; cảm giác ấy làm cho anh muốn kiểm tra ngay có đúng như vậy không.
Đối với Raoul, dường như chẳng có gì buồn cười, vui thú hơn khi chứng kiến cảnh một người đàn ông lẽo đẽo theo sau một người đàn bà. Vậy là anh bám sát gã đàn ông ấy, và cứ thế, cả ba người, người nọ sau người kia với một khoảng cách thích hợp.
Nam tước De Limégy vận dụng toàn bộ kinh nghiệm của mình để đoán thử người đàn ông ấy là ai mà đã kín đáo đóng vai một kẻ hào hoa đến mức người đàn bà không hề nghi ngờ gì cả. Limégy đã thận trọng trà trộn vào dòng người đi rong. Anh bước gấp để nhìn cho rõ cả hai nhân vật.
Nhìn sau lưng, gã đàn ông khác hẳn mọi người ở một đường ngôi thẳng tắp trên đầu, rẽ đôi mái tóc đen chải sáp và ở cách ăn mặc chững chạc làm nổi bật đôi vai rộng và một thân hình cao lớn. Nhìn đằng trước, gã phô ra nét mặt nghiêm trang với chòm râu cằm chải chuốt và nước da tươi tắn, hồng hào. Gã đàn ông đã dễ chừng ba mươi tuổi, bước đi dứt khoát với điệu bộ trịnh trọng nhưng dáng vẻ thì dung tục, ngón tay gã đeo đầy nhẫn. Đầu điếu thuốc lá gã đang hút loé lên ánh lửa vàng.
Raoul bước gấp. Người đàn bà khoẻ mạnh, tự tin, dáng vẻ quí phái, bước những bước khoẻ khoắn trên hè phố. Trông cô giống như một người đàn bà nước Anh với cặp giò thon thả và đôi mắt cá chân nhỏ nhắn đã làm dịu bớt những nét tương phản giữa dáng dấp và cử chỉ của nàng. Gương mặt của nàng rất đẹp, càng rạng rỡ hơn nhờ cặp mắt xanh lam tuyệt diệu và mớ tóc hoe rất dày màu đồng sáng. Khách đi đường phải chậm bước, ngoảnh nhìn lại, còn người đàn bà thì dường như thờ ơ trước sự ngưỡng mộ tự nhiên của đám đông.
Raoul thầm nghĩ: “Chà, quí phái làm sao! Nàng không đáng để cho con người đầu chải sáp kia theo đuổi. Gã ta là thế nào nhỉ? Đúng là một kẻ làm dáng vô duyên đi săn tìm may rủi. Ừ, có thể như vậy. Gã đàn ông hoàn toàn có cái đầu của một kẻ đào hoa, tự tin mình được đàn bà ngưỡng mộ.”
Người đàn bà băng qua quảng trường nhà hát, không quản ngại xe cộ chen chúc cản đường. Một chiếc xe độc mã chở hàng chắn lối đi, nàng ung dung nắm lấy dây cương của con ngựa làm cho chiếc xe chao đảo, dừng lại. Người đánh xe nổi khùng nhảy xuống, chửi rủa tục tằn. Nàng tông cho hắn một nắm đấm vào giữa mũi làm máu trào ra. Ngay khi ấy, một viên cảnh sát có mặt đòi nàng giải thích sự việc, nàng quay ngoắt và bình thản bước đi.
Trên đường phố Auber có hai thằng bé đấm đá nhau, nàng nắm lấy cổ áo của chúng, hất văng ra xa nhau đến mười bước rồi ném cho chúng hai đồng tiền vàng.
Đến đại lộ Haussmann, nàng bước vào một cửa hàng bánh ngọt. Từ xa, Raoul nhìn thấy nàng ngồi sau một chiếc bàn. Gã đàn ông đi theo không cùng vào, nhưng đã đến ngồi ở một chỗ khuất để quan sát và không để nàng nhận thấy.
Người đàn bà trẻ gọi nước trà và bốn lát bánh nướng rồi đưa lên miệng ăn, hai hàm răng tuyệt đẹp.
Những người ngồi gần ngắm nhìn nàng. Nàng vẫn điềm nhiên và gọi thêm bốn lát bánh nữa.
Nhưng một người đàn bà khác ngồi ở chiếc bàn xa hơn cũng thu hút được sự tò mò của thực khách. Nàng cũng có mái tóc hoe vàng như cô gái người Anh, với những dải băng lượn sóng, ăn mặc không sang trọng bằng, nhưng hợp kiểu cách của người con gái Paris. Có ba đứa trẻ ăn mặc rách rưới vây quanh nàng. Nàng đã phân phát cho chúng những chiếc bánh ngọt và cho chúng mỗi đứa một cốc xi-rô lựu. Nàng đã gặp chúng hồi nãy ở cửa ra vào, cho chúng ăn uống để có được niềm vui khi thấy những cặp mắt của chúng sáng lên vui sướng và những đôi má lem luốc sữa kem. Chúng không dám nói chuyện vì miệng chúng còn đầy ứ bánh. Nhưng chúng là trẻ con nên nàng càng thú vị đùa giỡn thả cửa với những gương mặt hồn nhiên ấy. Nàng chuyện trò vui vẻ với chúng: “Chúng ta nói gì với cô gái đi nhỉ?… Nói to lên nào… Cô chưa nghe rõ… Không, cô không phải là bà… Phải nói là cô, cám ơn cô…”
Rame de Limégy bị chinh phục ngay bởi hai điều: sự vui vẻ, vô tư và hồn nhiên của khuôn mặt cô gái, và sự quyến rũ sâu sắc của cặp mắt màu lục như ngọc bích có vân vàng ấy. Người ta không thể nào rời mắt được khi đã một lần nhìn thấy.
Với cặp mắt như thế, thường thì rất lạ, đượm buồn hay suy tư và có thể là biểu hiện thường tình của cả hai. Nhưng ngay khi ấy chúng ánh lên rạng rỡ của cuộc sống mãnh liệt hoà cùng với những đường nét khác trên khuôn mặt như khoé miệng tinh nghịch, những cánh mũi phập phồng và đôi má lúm đồng tiền tươi tắn.
Raoul tự nhủ: “Những niềm vui tột đỉnh hay những nỗi đau thương quá mức? Không có điểm trung dung cho hai hạng người ấy”.
Anh quay mặt lại phía cô gái người Anh. Nàng thật đẹp, một cái đẹp khoẻ khoắn, thân hình cân đối và tầm vóc thanh thoát. Nhưng cô gái có cặp mắt màu lục kia lại thôi miên anh nhiều hơn. Nếu người ta cảm phục vẻ đẹp của người đàn bà kiều diễm này thì người ta lại muốn làm quen với cái đẹp thuần phác của người con gái kia và hiểu sâu về bí mật đời tư của nàng.
Thế nhưng, anh do dự khi nàng trả tiền ở quầy và bước ra cùng ba đứa trẻ. Anh sẽ đi theo nàng hay ngồi lại? Người đàn bà nào quyến rũ anh hơn? Đôi mắt lục hay cặp mắt xanh lam?
Anh vội vàng đứng dậy, ném tiền lên mặt quầy rồi bước ra. Cặp mắt màu lục lôi cuốn anh hơn.
Một cảnh tượng bất ngờ đập vào mắt anh. Người con gái có đôi mắt xanh màu lục đang nói chuyện trên vỉa hè với con người đẹp mã làm duyên, tức gã đàn ông nửa giờ trước đây đã đi theo người đàn bà nước Anh như một kẻ si tình dè dặt hay như một gã cả ghen. Câu chuyện ồn ào, gay gắt. Cả hai đều nóng nảy, nói đúng hơn là như một cuộc giằng co, cãi vã. Rõ ràng là cô gái tìm cách bỏ đi, nhưng gã làm dáng vô duyên cản lại, Raoul đã sẵn sàng nhảy vào can thiệp.
Anh chưa kịp có thì giờ thì một chiếc taxi dừng lại trước hiệu bánh ngọt. Một người đàn ông đứng tuổi xuống xe, nhìn thấy cảnh tượng trên vỉa hè bèn chạy đến, giơ cao chiếc can và bằng một cái gẩy nhẹ, chiếc mũ của con người chải sáp rơi xuống.
Sửng sốt, gã có mái tóc chải sáp lùi lại, sửng cồ nhào đến, không quan tâm đến nhiều người đang tụ tập đến gần.
– Ông điên hay sao! Ông là đồ điên! – gã thốt lên.
Người đứng tuổi mới đến nhỏ con hơn bắt đầu nói và vung chiếc can lên thét lớn:
– Ta cấm anh nói chuyện với đứa con gái này. Ta là cha của nó và ta nói cho anh biết rằng anh chỉ là một tên khốn nạn!
Rồi người này và người kia đều run lên trong nỗi căm ghét lẫn nhau. Gã làm dáng vô duyên thu mình lại, mặc cho bị chửi rủa, chuẩn bị lao vào người lớn tuổi hơn, nhưng cô gái trẻ đã nắm lấy cánh tay của người tự xưng là cha về tận chiếc xe taxi. Gã có mái đầu chải sáp đã tách ra khỏi họ và nhặt chiếc can lên cho chủ của nó và bất thình lình gã thấy mình giáp mặt với một cái đầu xuất hiện giữa đối thủ của gã và gã – một cái đầu lạ và kỳ dị, con mắt bên phải hấp háy và cái miệng méo xệch bởi một nụ cười giễu cợt. Người đàn ông này ngậm điếu thuốc lá. Raoul. Anh nói bằng giọng khàn khàn:
– Ông làm ơn cho xin tí lửa.
Chuyện xin xỏ rõ ràng là không đúng lúc. Vậy anh ta muốn gì? Gã đầu chải sáp phản ứng:
– Tôi không có lửa. Ông hãy để tôi yên!
– Nhưng có đây! Ông vừa hút đấy mà – người đột nhiên xuất hiện khẳng định.
Gả chải sáp phát khùng, cố tránh ra, nhưng không được, ngay việc cử động tay cũng không thể. Gã cúi đầu nhìn xem có chướng ngại gì cản trở. Gã tỏ ra ngượng ngùng. Hai bàn tay của người mới xuất hiện siết chặt hai cổ tay của gã làm cho gã không cử động được. Một cái gọng kìm bằng sắt cũng không thể làm cho gã tê dại hơn. Người mới xuất hiện nhắc lại, giọng chắc nịch:
– Một chút lửa, tôi yêu cầu ông, thế mà ông nỡ từ chối. Thật khốn khổ!
Những người đứng quanh đấy cười ồ, gã đỏm dáng làm duyên phẫn nộ, nói xẵng:
– Sao không để tôi yên hả? Tôi đã bảo là không có lửa!
Người đàn ông mới xuất hiện lắc đầu buồn bã nói:
– Ông bất lịch sự quá thế! Không bao giờ người ta lại từ chối một chút lửa đối với một người nhã nhặn thèm hút thuốc đã mở mồm xin.
Anh nới lỏng tay. Gã có mái đầu chải sáp được tự do, vội vàng vùng ra được. Nhưng chiếc xe đã chuyển bánh mang theo người đứng tuổi tấn công gã và cô gái có đôi mắt màu xanh lục. Raoul hài lòng. Thấy sự cố gắng của gã đầu chải sáp là trơ trẽn, hão huyền.
“Ta đã thắng” – Anh nghĩ khi nhìn gã kia co chân chạy. “Ta đã đóng vai anh chàng Don Quichotte che chở cho một người đàn bà đẹp không quen biết có cặp mắt màu lục, và nàng đã lẩn tránh không cho ta biết tên và địa chỉ. Không thể gặp lại nàng được rồi! Biết làm thế nào nhỉ?
Thế là anh quyết định quay về cô gái người Anh. Có lẽ là cô này đã lánh xa sau khi đã được chứng kiến cuộc cãi ồn ào trên vỉa hè. Raoul đuổi theo cô.
Anh thấy mình đang ở trong giờ phút mà cuộc sống có thể gọi là treo lơ lửng giữa quá khứ và tương lai. Một quá khứ đối với anh chứa đầy sự biến, một tương lai được dự báo cũng như thế, ở quãng giữa, chẳng có gì cả. Và trong trường hợp ấy, khi người ta đã ở cái tuổi ba muơi tư thì chính những người đàn bà, theo chúng ta nghĩ, thì họ nắm trong tay chìa khoá của số phận chúng ta. Chính vì cặp mắt màu lục đã biến đi nên anh phải điều chỉnh cuộc hành trình không chắc chắn của mình đi theo ánh sáng của đôi mắt xanh lam.
Song, gần như ngay khi ấy anh giả vờ đi theo một con đường khác rồi quay trở lại. Anh nhận thấy gã làm dáng vô duyên một lần nữa lại đi theo con mồi, và cũng như anh bị đẩy ra từ phía này lại xô vào từ phía khác. Rồi cả ba con người lại bắt đầu tản bộ và người đàn bà nước Anh không hề nhận thấy thủ đoạn của những kẻ đang đeo đuổi nàng.
Dọc theo các vỉa hè chật chội, ngổn ngang, nàng thong dong đếm bước, luôn chăm chú nhìn tủ kính, dửng dưng trước sự ngưỡng mộ thầm lặng của xung quanh. Cứ thế, nàng đến quảng trường Madeleine rồi qua phố Hoàng gia, ra ngoại ô Saint-Honoré, đến khách sạn Concordia.
Gã làm dáng vô duyên dừng lại, đi bách bộ, mua một gói thuốc lá rồi bước vào khách sạn. Raoul trông thấy gã nói chuyện với người gác cửa. Ba phút sau gã lại đi ra và Raoul đến gần người gác cửa hỏi chuyện về người đàn bà trẻ nước Anh có đôi mắt xanh lam khi nàng đi qua tiền sảnh và bước lên một chiếc ôtô mà người ta đã chất va li lên đấy cho nàng.
Vậy có phải nàng đi hẳn khỏi đây không?
Raoul gọi một chiếc taxi:
– Bác tài, đuổi theo chiếc ô tô ấy!
Cô gái cho xe chạy thẳng một mạch và đến tám giờ thì xuống xe trước ga xe lửa Paris – Lyon. Nàng vào một quầy ăn uống gọi món ăn, Raoul ngồi cách đấy một quãng.
Ăn xong, nàng hút hai điếu thuốc lá rồi mãi đến chín giờ rưỡi nàng đến gặp một nhân viên của công ty Cook ngồi sau cửa lưới sắt để nhận vé tàu và biên lai gửi hàng. Sau đây, nàng sẽ đáp chuyến tàu tốc hành lúc chín giờ bốn mươi sáu phút.
Raoul nói với người nhân viên:
– Tôi biếu ông năm mươi phơ răng, mong ông cho tôi biết tên của người đàn bà kia.
– Phu nhân Bakefield.
– Bà ấy đi đâu?
– Thưa ông, đến Monte-Carlo. Bà ấy mua vé toa số 5.
Raoul suy nghĩ rồi quyết định. Đôi mắt xanh lam này có giá trị ở chỗ di chuyển. Thế rồi chính vì đi theo đôi mắt xanh lam mà anh sẽ biết được cặp mắt màu lục, và biết đâu vì người đàn bà nước Anh mà gặp lại gã làm dáng vô duyên, và từ gã làm dáng vô duyên lại đi tới đôi mắt màu lục?
Anh quay lại lấy vé đi Monte-Carlo rồi nhanh chóng nhào ra sân ga.
Anh thấy người đàn bà nước Anh vừa bước lên bậc lên xuống trên cùng của một toa xe, lẫn vào giữa đám đông, rồi lại trông thấy nàng qua các ô cửa sổ, sau đó thấy nàng dừng lại cởi áo khoác.
Rất ít khách đi tàu. Đấy là do vài năm trước chiến tranh, vào cuối tháng tư này, đi tàu tốc hành không tiện lợi cho lắm, không có toa giường nằm, cũng chẳng có toa ăn uống, tàu không đến Midi nên ít có khách mua vé hạng nhất. Raoul nhận thấy ngăn đầu tiên của toa xe số 5 này có hai người.
Anh đi trên sân ke khá xa với toa xe, thuê hai chiếc gối, mượn mấy tờ nhật báo và tạp chí mỏng ở toa thư viện lưu động, rồi khi còi xuất phát rúc lên, bằng một cú nhảy anh leo lên bậc toa xe số 5 và ngăn thứ ba như thể một hành khách đến phút chót mới kịp lên tàu.
Người đàn bà nước Anh ngồi gần cửa sổ. Raoul ngồi trên chiếc ghế dài đối diện nhưng gần hành lang đi lại. Nàng ngước mắt quan sát người mới lên tàu này không có va li, ngay cả hành lý cũng không. Nàng không tỏ ra xúc động, bắt đầu mở một chiếc hộp lớn đặt lên đầu gối, lấy những thỏi sô cô la ra ăn.
Một người soát vé đi qua kiểm tra và bấm lỗ vé tàu. Con tàu chạy nhanh dần ra ngoại ô; ánh sáng của Paris xa dần. Raoul liếc nhanh những tờ báo, không hề thu nhận được gì đáng quan tâm trên ấy rồi đặt xuống.
Anh tự nhủ: “Chẳng có sự kiện gì, không một vụ phạm tội nào gây được ấn tượng. Con người trẻ tuổi này còn hấp dẫn hơn nhiều”.
Việc anh ngồi một mình trong cái ngăn kín đáo này với một người đàn bà không quen biết, nhất là lại đẹp nữa, và hai người sẽ ngủ qua đêm hầu như cạnh nhau, đối với anh có điều gì đấy không bình thường, trần tục mà anh rất vui thích. Vì thế anh quyết định không để mất thì giờ vào việc đọc báo mà chỉ trầm ngâm suy nghĩ và liếc trộm.
Anh hơi xích lại gần hơn cho đối diện hẳn với người đẹp. Người đàn bà nước Anh hẳn đã đoán được ông khách đồng hành trên cùng một ngăn tàu muốn nói chuyện và nàng không hề xúc động, hơn nữa cũng không sẵn sàng để tiếp chuyện. Thế là Raoul phải tự mình cố gắng vào đề trước. Như thể chẳng có gì trở ngại cho anh. Bằng một giọng hết sức lễ độ, anh nói:
– Dù tôi có vụng về trong cách phô diễn, tôi cũng xin mạo muội báo cho bà biết một điều có thể là quan trọng đối với bà. Tôi có thể được phép nói vài lời chứ?
Người đàn bà chọn một thanh sôcôla, và không quay đầu lại, trả lời ngắn gọn:
– Vâng, nếu có vài lời,…thì xin ông cứ nói.
– Thì đây, thưa bà…
Nàng cải chính:
– Cô…
– Vâng, thưa cô. Tình cờ là tôi biết suốt ngày hôm nay, cô bị một ông theo dõi, ông ấy lập lờ cố không để cho cô biết, và…
Cô gái ngắt lời Raoul:
– Việc ông tiến hành quả là không đúng; nó làm cho tôi ngạc nhiên, trừ phi tôi là một người Pháp. Ông không có phận sự giám sát những người đi theo tôi.
– Thưa cô, theo tôi thì đấy là con người rất đáng ngờ…
– Người ấy, tôi quen, ông ấy được giới thiệu đến gặp tôi năm vừa rồi. Tên ông ấy là Marescal, ít ra là ông ấy có sự tế nhị đi theo tôi từ xa nhưng không vào ngăn toa của tôi.
Raoul bị chạm tự ái, chỉ biết cúi đầu
– Hoan hô cô về cú đấm trực tiếp. Tôi chỉ còn biết im lặng thôi.
– Quả thế, ông chẳng còn gì khác là cứ làm thinh cho đến ga sau và tôi khuyên ông lúc ấy nên xuống tàu thì hơn.
– Một nghìn lần đáng tiếc! Tôi có công việc ở Monte-Carlo nên không thể không đến đó được.
– Công việc của ông gọi ông đến đấy từ khi ông biết tôi cũng đến đấy chứ gì?
– Không, thưa cô. Từ khi tôi trông thấy cô chiều nay trong cửa hiệu bánh ngọt trên đại lộ Haussmann cơ – Raoul nói thẳng.
Cô gái đáp lại rất mạnh:
– Không đúng, thưa ông. Sự ngưỡng mộ của ông đốì với một người con gái rất trẻ có cặp mắt màu lục rất đẹp hẳn đã kéo ông theo bước chân của người ấy nếu ông có thể đuổi kịp sau cuộc cãi cọ ồn ào xảy ra. Không thể được, ông mới lao theo dấu vết của tôi, thoạt đầu khi tôi đến khách sạn Concordia. Ông đã để lộ cho tôi thấy ông là một người mánh khoé, rồi khi tôi đến quầy hàng ăn uống của nhà ga thì…
Raoul cảm thấy vui thích:
– Tôi rất cảm phục là không một việc làm nào của tôi và không một cử chỉ nào của tôi thoát khỏi con mắt của cô.
– Thưa ông, chẳng có gì thoát được đâu.
– Tôi hiểu, thưa cô. Xin lỗi một chút, tôi đề nghị cô có thể nói được tên của tôi không?
– Raoul de Limégy, nhà thám hiểm từ Tây Tạng và Trung Á về.
Raoul không giấu được sự ngạc nhiên của mình.
– Xin cảm phục. Tôi rất hân hạnh muốn hỏi cô, do cuộc điều tra nào mà cô biết được?
– Không một cuộc điều tra nào cả. Nhưng khi một người đàn bà trông thấy một người đàn ông nhào vào trong ngăn toa của mình ở phút chót vào lúc con tàu chuyển bánh mà chẳng có hành lý gì cả thì người đàn bà có nhiệm vụ tự mình phải theo dõi. Thế mà ông còn đọc hai ba trang trong cuốn sách mỏng của ông bằng tấm danh thiếp của mình. Tôi đã đọc được danh thiếp ấy và tôi nhớ ra một cuộc phỏng vấn mới đây, mà Raoul de Limégy đã nói về cuộc thám hiểm gần đây nhất của mình. Thật đơn giản.
– Rất đơn giản. Nhưng phải có đôi mắt sắc sảo!
– Đôi mắt của tôi thì tuyệt rồi!
– Thế nhưng cô không rời đôi mắt khỏi hộp kẹo của cô. Cô đã dùng đến thanh sôcôla thứ mười tám rồi đấy.
– Tôi không cần phải nhìn mà vẫn thấy, cũng không cần phải suy nghĩ mà vẫn đoán được.
– Để đoán gì trong trường hợp này?
– Dễ đoán rằng tên thật của ông không phải là Raoul de Limégy.
– Sai rồi…
– Nếu không thưa ông, những chữ cái đứng đầu của các từ trong chiếc mũ của ông đáng lẽ sẽ không phải là một chữ H và một chữ V… Trừ phi ông đã đội chiếc mũ của một người bạn.
Raoul bắt đầu sốt ruột. Anh không muốn rằng trong một cuộc đấu khẩu tay đôi mà anh đương đầu, đối thủ của anh lại luôn luôn có lợi thế hơn anh.
– Thế theo cô, chữ H và chữ V nghĩa là gì?
Cô gái cắn thỏi sôcôla thứ mười chín, rồi chính bằng giọng nói hờ hững ấy, cô thốt lên:
– Ông ạ, đấy là những chữ cái đứng đầu mà sự ghép đôi của từ ấy rất hiếm. Khi tôi tình cờ gặp phải, ý nghĩ của tôi là vẫn tiến hành một sự kết hợp tự nhiên của chúng và những chữ cái đứng đầu của hai từ mà có lần tôi đã để ý là phù hợp.
– Tôi có thể hỏi cô, đấy là gì?
– Điều ấy không cho ông biết được gì đâu. Đây là một cái tên lạ đối với ông.
– Nhưng ít ra là…
– Horace Velmont.
– Thế Horace Velmont là ai?
– Horace Velmont là một trong những biệt danh, dưới đó ẩn giấu một cái tên…
– Dưới ấy ẩn giấu một tên gì?…
– Arsène Lupin.
Raoul phá lên cười:
– Vậy ra tôi là Arsène Lupin à?
Cô gái phủ định:
– Ý kiến mới lạ chưa! Tôi kể cho ông sự nhớ lại của tôi về những chữ cái trong chiếc mũ của ông hoàn toàn ngớ ngẩn. Và tôi, tựa như tất cả đều là ngớ ngẩn và cái tên Raoul de Limégy đẹp đẽ của ông rất giống với cái tên Raoul de Andrésy nào đó mà Arsène Lupin cũng đã có lần tự nhận.
– Những câu trả lời tuyệt vời làm sao! Nhưng xin cô hãy tin tôi, giá như tôi được vinh dự là Arsène Lupin thì tôi không dại gì mà đóng cái vai ngốc nghếch là ngồi đối diện với cô. Bằng tài nghệ khéo léo biết chừng nào để cô chế giễu được anh chàng Limégy ngây thơ này.
Cô gái chìa chiếc hộp cho Raoul:
– Ông dùng một thanh sôcôla đi để bù lại nhầm lẫn làm cho ông thất bại, rồi xin ông để cho tôi được chợp mắt một lát.
– Nhưng cuộc nói chuyện của chúng ta sẽ không còn tiếp tục nữa à?
– Không. Nàng nói. Nếu anh chàng Limégy không ngây thơ không gây được hứng thú cho tôi, trái lại những người mang một cái tên khác với cái tên của họ thì vẫn luôn kích thích trí tò mò của tôi. Những lý do của họ là gì nhỉ? Tại sao họ lại phải ngụy trang? Hơi có chút tò mò quái ác đây…
– Tò mò mà một phu nhân Bakefield lại có thể tự cho phép mình à? – Raoul trả lời khá nặng nề, rồi nói tiếp:
– Như cô thấy đấy, tôi cũng vậy, tôi đã biết tên của cô.
– Và nhân viên của Cook cũng biết nữa chứ? – Nàng vừa cười vừa nói.
Raoul nói:
– Tôi, tôi đã thua. Hễ có cơ hội là tôi trả đũa đấy!
– Cơ hội thì tự nó đến, nhất là khi người ta không đi tìm nó – cô gái người Anh kết luận.
Lần đầu tiên cô không ngần ngại tấn công anh và thiện cảm nhìn anh bằng cặp mắt xanh lam của mình, Anh rùng mình nói thầm:
– Đẹp và cũng bí ẩn nữa.
– Không bí ẩn một chút nào đâu. Tên tôi là Constance Bakefield. Tôi đi Monte-Carlo gặp ba tôi, Lord Bakefield. Ba tôi đang chờ tôi để tôi cùng chơi gôn với ông. Ngoài việc say mê chơi gôn như tất cả các môn thể thao khác, tôi còn viết báo để sinh sống và để giữ được tính độc lập của tôi. Như vậy, nghề phóng viên của tôi cho phép tôi có được những thông tin trước tiên về tất cả những nhân vật nổi tiếng, các chính khách, tướng lĩnh, thủ lĩnh và những tên xảo trá, các nghệ sĩ lớn và những tên cướp lừng danh. Thôi, xin phép, thưa ông.
Nàng khép hai múi của chiếc khăn san lên mặt, vùi mái tóc vàng hoe của mình trong hõm của chiếc gối, vắt một tấm chăn lên vai rồi duỗi chân trên chiếc ghế dài.
Roaul rùng mình dưới cái “mũi châm” đúng nọc của cụm từ “tên cướp lừng danh” mà nàng đã vô tình nói ra. Anh nói vài ba câu chẳng ăn nhập vào đâu. Anh đã húc đầu vào cánh cửa đóng kín và điều tốt nhất là hãy im lặng và chờ trả đũa.
Thế là Raoul ngồi trong cái xó của mình, bối rối vì cuộc phiêu lưu, nhưng thực ra thì vui thích và đầy hy vọng. Con người tuyệt vời, độc đáo, quyến rũ, bí ẩn và thẳng thắn. Lại sắc sảo trong quan sát biết chừng nào! Nàng đã hiểu rất cặn kẽ về anh. Nàng nêu lên những điều khinh suất nhỏ nhặt do sự coi thường hiểm nguy và làm cho anh phạm phải như hai chữ cái đứng đầu, các từ ấy…
Anh nhặt chiếc mũ lên, giật lớp lót bằng vải lụa vứt qua cửa sổ của toa tàu. Rồi anh trở lại giữa ngăn, cũng gối đầu lên hai chiếc gối và uể oải, mơ màng.
Cuộc sống đối với anh dường nhu rất đẹp. Anh còn trẻ. Những đồng bạc ngân hàng dễ dàng kiếm được nhét đầy trong ví. Hai mươi dự án hành động nào đấy và những vấn đề liên quan có lợi làm xao xuyến trí óc tài tình của anh. Rồi sáng hôm sau anh sẽ có trước mặt một cảnh tượng rất kỳ thú và sự khêu gợi của một cô gái đẹp khi ngủ dậy.
Anh thoả mãn nghĩ đến những điều ấy. Trong cảnh mơ màng nửa thức nửa ngủ, anh như nhìn thấy cặp mắt đẹp màu xanh da trời. Thật lạ lùng, đôi mắt ấy dần dần nhuốm sắc thái bất ngờ và trở thành xanh sẫm màu của nước biển. Anh không còn nhận ra đấy là cặp mắt của cô gái người Anh hay của cô gái Paris đang ngắm nhìn anh trong ánh sáng mờ nhạt ấy. Anh như nhìn thấy cô gái Paris mỉm cười rất dễ thương với anh. Và cuối cùng anh nghĩ đấy là cô gái đang ngủ trước mặt anh. Thế rồi, một nụ cười nở trên môi, thâm tâm anh thanh thản, anh cũng ngủ thiếp đi.
Những giấc mơ của một người đàn ông khi lương tâm thanh thản và còn duy trì được những mối quan hệ thân tình bằng tấm lòng ngay thực của mình hẳn phải có một niềm vui mà ngay những cú sóc trên đường ray không thể làm giảm bớt niềm vui ấy. Raoul lâng lâng trôi nổi trong các xứ sở mông lung; ở đấy ánh lên cặp mắt xanh lam, cặp mắt màu lục, và chuyến đi của anh hết sức thú vị đến nỗi anh không phòng ngừa để ý đến xung quanh. Như vậy muốn nói rằng đáng lẽ anh phải luôn luôn cảnh giác như anh vẫn thường dành một chỗ trong trí não của mình.
Đấy là một sai lầm! Đi bằng xe lửa, người ta lúc nào cũng phải dè chừng nhất là khi ít người. Anh không nghe tiếng mở cửa ở cầu nối dùng dể đi lại với toa xe phía trước (toa số 4), cũng không nghe tiếng bước chân rón rén của ba nhân vật đeo mặt nạ, mặc áo blu dài màu xám dừng lại trước ngăn của anh.
Sai lầm khác là anh không che bóng đèn sáng. Nếu anh che được bằng một tấm màn che thì những tên đàn ông kia sẽ gặp khó khăn khi phải tìm ánh sáng để thực hiện ý đồ đen tối của chúng, và Raoul đã có thể giật mình tỉnh dậy.
Chính vì vậy mà anh chẳng nghe được gì cả và chẳng thấy được gì.
Một tên trong bọn, súng ngắn cầm tay đứng cạnh hành lang. Hai tên khác ra ám hiệu cho nhau, phân chia công việc và chúng rút ra từ trong túi những cái chuỳ. Một tên đập người hành khách thứ nhất, tên kia đánh người đang ngủ dưới một tấm chăn ở ngăn toa đầu tiên.
Lệnh tấn công phát ra rất nhỏ. Raoul nghe được tiếng thì thầm, khi bừng tỉnh thì chân tay anh đã cứng đờ. Muộn rồi, chống đỡ cũng vô ích, cái chùy đã nện trúng vào trán làm anh chết ngất. Quá lắm là anh còn có thể cảm thấy mình bị chẹn vào cổ họng và có thể nhận thấy một cái bóng đi qua trước anh và lao vào cô Bakefield.
Ngay lúc ấy, anh cảm thấy đêm tối mịt mùng, mặt tối sầm, chân bị hẫng như người sắp chết đuối. Anh chỉ có được những cảm giác rời rạc, và sau đấy là một sự tức tối khó chịu trào lên trên bình diện của ý thức. Và với những cảm giác ấy, thực tại đã diễn ra trong cái tổng thể như vậy. Chúng trói anh lại, nhét giẻ vào mồm, bọc đầu anh vào một tấm vải thô ráp và móc hết tiền bạc của anh.
Có một giọng nói thốt lên rất nhỏ:
– Thật ngon ơ! Nhưng tất cả đây chỉ là món khai vị thôi, chưa phải là món chính. Này đã trói tên kia chưa?
– Một cú nện của dùi cui đủ làm cho hắn choáng váng rồi còn gì!
Cần phải hiểu rằng một cú nện chưa đủ làm cho “tên kia” choáng váng được và việc trói bằng dây cũng chưa hẳn làm cho bất động hoàn toàn vì còn có tiếng chửi rủa, tiếng vật vã, một cuộc chống trả dai dẳng làm rung chuyển toàn bộ chiếc ghế dài…Và còn những tiếng kêu, tiếng thét của đàn bà…
– Mẹ kiếp, hoá ra một con ranh con! Một giọng nói trong bọn thốt lên – Nó cào cấu, nó cắn. Mà này, mày nói đi xem, mày biết nó à?
– Thế ư! Đáng lẽ mày phải nói điều ấy ra trước.
– Trước tiên tao phải làm cho nó câm cái mồm đi đã!
Hắn đã làm cách nào đấy và quả nhiên nàng đã lịm dần. Những tiếng kêu la yếu hẳn, trở thành những tiếng nấc, tiếng rên. Tuy nhiên, nàng vẫn kháng cự và trong khi tất cả mọi cố gắng của việc đánh trả và chống chọi diễn ra thì trái lại, Limégy cảm thấy mình đang bị bóng đè trong một cơn ác mộng.
Rồi bỗng tất cả đều như ngừng đọng. Một giọng nói thứ ba từ hành lang vọng vào, hẳn là giọng nói của gã đàn ông đứng gác. Gã thầm thì ra lệnh:
– Thôi đi!… Hãy thả người đàn bà ra! Chúng mày chưa giết người ta phải không, hử?
– Thực ra, tôi sợ lắm… Dù thế nào thì chúng ta cũng có thể khám xét nó cái đã.
– Thôi, biến…!
Hai tên tấn công đi ra. Chúng cãi nhau trong hành lang. Còn Raoul đã bắt đầu tỉnh lại và cựa quậy. Anh ngạc nhiên về những lời đã thoáng nghe được: “Đúng đấy…xa hơn…ở ngăn cuối”, và, “Nhanh lên! Người soát vé có thể đến…”
Một trong ba tên cướp cúi xuống trên người anh:
– Mày, nếu cứ động đậy thì tao cho mày chết! Phải câm họng!
Cả ba tên bỏ đi đến phía cuối toa đối diện, nơi trước đây Raoul đã để ý thấy có hai hành khách. Anh đã cố gắng làm cho lỏng bớt dây trói và bằng cử động của hàm răng, đã làm cho giẻ nhét miệng di chuyển. Gần chỗ anh, cô gái người Anh rên rỉ mỗi lúc một yếu dần làm cho anh rất xót xa. Bằng toàn bộ sức mạnh, anh tìm cách để tự giải thoát, e rằng mình đã quá chậm không kịp để cứu sống người con gái khốn khổ này. Nhưng dây trói người anh rất chắc và thắt quá chặt.
Những mảnh vải bịt mắt lại lỏng bỗng dưng tuột ra nên anh nhìn thấy cô gái quì dưới sàn, cùi tay tì trên ghế, nhìn anh bằng đôi mắt lờ đờ.
Xa xa có tiếng nổ giòn. Ba tên cướp đeo mặt nạ và hai người hành khách đánh nhau trong ngăn cuối. Gần như ngay tức khắc, một trong ba tên cướp chạy qua, tay xách một chiếc va-li con, dáng điệu luống cuống.
Trong một hai phút, đoàn tàu chạy chậm lại. Có thể công việc sửa chữa trên đường ray đã làm cho con tàu hãm tốc độ và đây là thời điểm được chọn cho cuộc tấn công của bọn cướp.
Raoul thất vọng, hoàn toàn bị gò bó trong dây trói. Bất lực, anh chỉ nói được với cô gái, mặc dù miệng anh còn bị ứ đầy giẻ:
– Cô cứ ráng sức chịu đựng, tôi đề nghị cô…rồi tôi sẽ săn sóc cô… Nhưng cô làm sao thế? Có đau lắm không?
Những tên cướp chắc đã bóp cổ cô gái quá mạnh đã làm cho cô bị nghẹt và gãy cổ vì mặt cô đã bầm tím và co giật nhiều, biểu thị triệu chứng ngạt thở. Raoul có cảm giác là cô sắp chết. Cô hổn hển và run rẩy từ đầu đến chân.
Nửa thân trên của cô gái cong gập về phía Raoul. Anh nhận thấy tiếng thở khan của cô và giữa những tiếng rên yếu ớt của sự kiệt sức, cô ú ớ nói trong sự đuối hơi được mấy từ tiếng Anh:
– Ông… ông nghe tôi nói… tôi chết… đây!
– Không đâu. Anh hoảng hốt. Cô cố gắng nhổm lên để với được chỗ chuông báo nguy…
Cô gái không còn sức. Và không còn một sự may mắn nào để cho Raoul thoát ra được mặc dù nghị lực siêu phàm trong mọi cố gắng của anh đã lên đến tột độ.
Anh vốn quen làm cho ý chí của mình phải chiến thắng, thắng bằng mọi giá nên đau lòng vô kể khi anh chỉ là người bất lực chứng kiến cái chết đau thương này.
Những việc xảy ra thoát khỏi sự kiềm chế của anh và quay cuồng xung quanh anh trong một trận cuồng phong đến chóng mặt.
Một tên đeo mặt nạ nữa lại đi qua, khoác một túi du lịch, tay lăm le khẩu súng ngắn. Lại một tên thứ ba đi đằng sau. Ở kia, có lẽ hai người hành khách đã bị đánh gục, không chống cự nữa. Người ta đã chạy đến hiện trường quá muộn nên những tên giết người đã an toàn chạy thoát.
Vậy mà trước sự bất ngờ quá lớn của Lymégy, chúng dừng lại ngay, đối diện với chính ngăn ấy như có một trở ngại đáng gờm bất thình lình án ngữ trước mặt chúng. Raoul nghĩ có một người nào đấy bất thần xuất hiện ở lối đi của tầu nối toa… có lẽ người soát vé đang đi tuần.
Quả nhiên, ngay tức khắc, một giọng nói oang oang cất lên, rồi có chuyện ẩu đả. Tên cướp thứ nhất không thể sử dụng được vũ khí đã để tuột khỏi tay. Một viên chức mặc đồng phục đã tấn công hắn và cả hai lăn trên sàn, trong khi ấy tên tòng phạm của hắn, một tên bé nhỏ nhất, hầu như quá mảnh khảnh trong chiếc áo bờ-lu màu xám vấy máu, đầu lọt thỏm trong chiếc mũ lưỡi trai quá rộng có đính một mạng che mặt bằng vải láng đen. Tên này cố gắng để giải thoát cho bạn của hắn.
– Cố lên, bác soát vé! Raoul bực bội kêu lên… cứu viện đã đến.
Nhưng người soát vé già đã yếu đi, một bàn tay đã bị tên tòng phạm nhỏ con làm đau không cử động được. Tên đàn ông kia thắng thế đã giáng một loạt nắm đấm vào mặt của người nhân viên đường sắt.
Bây giờ, tên tội phạm bé nhỏ hơn lại đứng lên và vì nó vội vàng đứng lên nên chiếc mặt nạ che mặt bị vướng rơi xuống kéo theo cả chiếc mũ lưỡi trai quá rộng. Bằng một động tác nhanh nhẹn, hắn vội vàng đổi cái nọ cho cái kia. Nhưng Raoul đã đủ thì giờ để nhận ra mái tóc vàng hoe và khuôn mặt tuyệt đẹp hoảng hốt và tái mét của người con gái lạ mặt có đôi mắt màu lục mà anh đã trông thấy lúc chiều trong tiệm bánh ngọt ở đại lộ Haussman.
Bi kịch kết thúc. Hai tên tòng phạm chạy thoát. Raoul sững sờ. Anh hết sức ngạc nhiên không nói được nên lời khi người soát vé loay hoay bước lên chiếc ghế dài một cách khó khăn để kéo dây chuông báo động.
Cô gái người Anh đang hấp hối. Trong hơi thở cuối cùng, nàng còn thều thào những tiếng rời rạc:
– Vì tình thương yêu của Chúa…xin ông nghe đây…Cần phải lấy… phải lấy…
– Cô nói sao? Tôi xin hứa!
– Vì…vì lòng… thương yêu của Chúa… ông lấy chiếc túi da của tôi, cất những giấy tờ, để ba tôi không biết gì cả…
Nàng nghẹo đầu và tắt thở. Đoàn tàu đã dừng lại.
Cái chết của cô Bakefield, cuộc tấn công man rợ của ba tên cướp đeo mặt nạ, sự ám sát hai hành khách có thể đã chết và những đồng bạc bị đánh cắp, toàn bộ sự kiện đấy ít đè nặng lên tâm trí của Raoul. Hình ảnh không thể tưởng tượng mà anh nhìn thấy lúc cuối đã xúc phạm đến anh. Cô gái có đôi mắt màu lục! Người đàn bà duyên dáng nhất và quyến rũ nhất mà anh nghĩ không bao giờ gặp lại nữa, đã hiện ra từ bóng đen của tội ác! Hình ảnh rạng rỡ, tươi tắn lộ ra dưới chiếc mặt nạ ghê tởm của tên cướp và là tên giết người! Cô gái có đôi mắt xanh màu lục, mà Raoul, với bản năng của người đàn ông đã phải đắm say từ phút đầu, thế mà anh đã thấy lại trong chiếc áo blu vấy máu người, với vẻ mặt cuống cuồng, là đồng bọn với hai tên giết người kinh khủng, và cũng như chúng, cướp phá, giết chóc, gieo rắc cái chết và nỗi kinh hoàng!
Dù trong cuộc sống anh là một kẻ phiêu lưu có hạng, nhiều thủ đoạn, đầy ắp mạo hiểm trọn lẫn với nhiều chuyện khủng khiếp và ô nhục đã làm cho anh chai sạn trước những cảnh xấu xa tồi tệ nhất. Thế mà Raoul, Raoul de Lymégy – chúng ta tiếp tục gọi anh như vậy, bởi vì chính dưới cai tên này mà Arsene Lupin đã tham dự vào tấn thảm kịch – đã phải bối rối trước một thực tế tồi tệ làm cho anh không thể hiểu nổi, và có thể gọi là xúc động đến nghẹt thở. Những sự việc đã vượt quá sức tưởng tượng của anh.
Bên ngoài toa tầu nổi lên một sự nhộn nhạo, xao động. Từ một nhà ga rất gần – ga Boaucourt – các nhân viên chạy đến cùng với một đám thợ sửa đường. Có những tiếng la lối, tiếng hét ầm ĩ. Người ta đang tìm xem tiếng gọi từ đâu đến.
Người kiểm soát cắt dây trói cho Raoul, chú ý nghe anh giải thích, rồi ông mở một cánh cửa sổ ở hành lang và ra hiệu cho các nhân viên.
– Ở đây! Ở phía này!
Quay về Raoul, ông nói với anh:
– Người này chết rồi phải không? Người đàn bà trẻ này?
-Vâng…bị bóp cổ…Và không phải chỉ có thế… Cả hai người khách ở đầu kia nữa.
Họ đi nhanh đến cuối hành lang.
Trong khoang cuối cùng, còn hai xác chết. Không một dấu vết hỗn độn, bừa bãi nào. Trên các giá bằng sắt gác hành lý không còn gì. Chẳng có vali, gói bọc…
Trong lúc này, các nhân viên nhà ga đang cố mở tấm cửa sắt bên cạnh dùng để lên xuống cho hành khách, nhưng nó đã bị chèn chặt, nhờ đó Raoul hiểu được lý do mà ba tên cướp đã phải dùng đường hành lang đế trốn ra bằng cửa đầu tiên.
Quả vậy, cửa này đã mở toang. Nhiều người bước lên. Những người khác ra bằng cửa thông toa. Người ta đã tràn vào cả hai ngăn. Trong lúc này có tiếng nói to bằng giọng ra lệnh cất lên:
– Yêu cầu không sờ vào gì cả… Không, thưa ông, khẩu súng ngắn hiện ở đâu xin ông cứ để nguyên đấy, không đụng vào. Chính đây là vật chứng cực kỳ quan trọng. Thôi, tốt nhất là đề nghị mọi người đi hết khỏi đây cho. Toa xe sẽ được cắt lại, và tầu sẽ lại chạy ngay, có phải không, ông sếp ga?
Trong những phút hỗn loạn, chỉ cần một người nào đấy cất lên tiếng nói mạnh mẽ và biết điều mình muốn để tất cả những ý muốn tản mạn chịu tuân theo sức mạnh ấy giống như sức mạnh của một người chỉ huy. Vậy mà người ấy nói hùng dũng như một người có trách nhiệm để cho người ta phải tuân theo. Raoul nhìn người ấy và sửng sốt nhận ra con người đã đi theo cô Bakefield và bắt chuyện với cô gái có cặp mắt màu lục, người mà anh đã xin lửa, anh chàng làm dáng vô duyên, người mà cô gái người Anh gọi là ông Marescal. Đứng ở lối vào ngăn, nơi cô gái nằm sõng soài, Marescal chắn đường không cho ai len lỏi đến và đẩy lùi họ về phía cửa mở.
– Thưa ông sếp ga – Marescal nói – ông giám sát thợ có phải không? Xin ông vui lòng dẫn tất cả nhân viên của ông đi khỏi đây cho. Cần phải gọi điện cho cơ quan cảnh sát gần nhất xin một thầy thuốc đến và báo cho cơ quan kiểm sát của Romillaud. Chúng ta đang đối mặt với một vụ phạm tội nghiêm trọng.
– Vụ giết chết ba người – người kiểm soát vé đính chính – hai tên đàn ông đeo mặt nạ đã chạy trốn, hai tên ấy đã tấn công tôi.
– Tôi biết. Marescal nói. Những người thợ duy tu đường sắt thấy những bóng người đã đuổi theo ở trên cao của sườn dốc có một rừng cây nhỏ và nếu tổ chức đội săn lùng khắp xung quanh và dọc theo đường quốc lộ thì có thể bắt được. Chúng tôi biết vùng này.
Marescal nói những lời rắn rỏi với những cử chỉ khô khan và một dáng vẻ quyết đoán.
Raoul mỗi lúc một ngạc nhiên, và trong trường hợp ấy anh đã lấy lại đuợc bình tĩnh của mình. Người đàn ông ấy làm gì, ở đâu? Và cái gì đã khiến cho hắn có được lòng tin vững chắc vào khả năng của hắn như vậy? Có đúng là vì muốn che giấu điều gì đấy dưới cái vỏ hào nhoáng bên ngoài mà các nhân vật như vậy thường làm ra vẻ tự tin đến thế?
Rồi làm sao mà quên được rằng Marescal đã theo dõi cô Bakefield suốt cả buổi chiều, rằng gã rình nàng trước giờ khởi hành, rằng gã đã có mặt ở đấy, có lẽ trên toa xe số 4, nơi tiến hành vụ án mạng. Rồi từ một toa xe này đi sang toa xe khác, chiếc cầu nối toa… chiếc cầu nối, từ đây ba tên cướp đeo mặt nạ đã xuất hiện, và tên thứ nhất đã có thể quay trở lại… Tên này phải chăng là nhân vật bây giờ đang “ra vẻ ta đây, và lên nước chỉ huy?”
Hành khách đã xuống hết khỏi toa xe, chỉ còn lại mỗi mình người soát vé. Raoul trở về chỗ của mình, bị ngăn lại, anh liền lên tiếng:
– Sao lại thế, thưa ông! Chắc chắn là ông Marescal không biết sự việc. Sao lại như vậy được? Nhưng tôi đã ở đấy và tôi phải trở lại đấy.
Marescal đáp lại:
– Không được ông ạ, toàn bộ nơi xảy ra vụ giết người thuộc quyền của cơ quan pháp luật phụ trách và không có ai có thể vào đấy mà không được phép.
Người soát vé can thiệp:
– Người hành khách này là một trong những nạn nhân của vụ tấn công. Chúng đã trói ông và trấn lột tiền bạc của ông.
– Tôi lấy làm tiếc – Marescal nói – nhưng mệnh lệnh là dứt khoát.
– Mệnh lệnh nào?- Raoul nổi cáu.
– Mệnh lệnh của tôi!
Raoul đứng khoanh tay:
– Nhưng thưa ông, rút cuộc ông nói đến luật pháp nào? Có phải chính ông làm ra luật pháp cho chúng tôi bằng một sự ngạo mạn mà chính những người khác có thể chấp nhận, nhưng tôi thì không sẵn sàng chịu thế.
Gà làm dáng vô duyên chìa danh thiếp ra, bằng một giọng khoa trương:
– Rodolphe Marescal, cảnh sát trưởng Cục điều tra quốc tế, trực thuộc Bộ nội vụ.
Trước dòng tít như thế, gã có vẻ muốn nói: “Người ta chỉ có biết cúi mình”. Rồi gã nói tiếp:
– Nếu tôi đứng ra giải quyết những sự kiện là tôi đã nhất trí với ông sếp ga và vì thẩm quyền đặc biệt của tôi cho phép tôi làm thế.
Raoul hơi sững sờ, dằn lòng lại, cái tên của Marescal không làm cho anh chú ý, đã đột ngột thức tỉnh trong anh trí nhớ của anh cái kỷ niệm lờ mờ của một số vụ mà theo anh thì tên cẩu mật thám này đã tỏ ra có công lao và sáng suốt. Dù thế nào đi nữa cũng thật phi lý khi chống đối hắn ta. Anh nghĩ: “Ta thật sai lầm! Đáng lẽ ta phải hành động về phía cô gái người Anh và thực hiện lời mong ước cuối cùng của nàng thì ta đã phí thì giờ để xúc động với cô gái đeo mặt nạ. Nhưng không sao, ta sẽ nắm lại âm mưu của mi, con người đầu chải sáp ạ. Ta sẽ hiểu vì sao mi lại có thể có mặt trên con tầu này đúng lúc để tiến hành một việc mà hai nhân vật nữ chính đều là những người đàn bà xinh đẹp của chiều nay. Trong khi chờ đợi, ta cứ ngoan ngoãn phục tùng đã”. Rồi bằng một giọng tôn kính, như thể anh rất nhạy cảm trước uy thế của những nhà có chức trách cao:
– Thưa ông, xin ông thứ lỗi cho. Nếu tôi có ít cái tính chất của người Paris là vì phần nhiều thời gian, tôi sống ở bên ngoài nước Pháp. Sự nổi danh của ông đã đến được với tôi. Tôi nhớ lại trong nhiều câu chuyện, có câu chuyện về đôi hoa tai…
Marescal ưỡn ngực:
– Đúng. Đôi hoa tai của nàng công chúa Laurentini. Quả vậy, việc ấy không đến nỗi tồi. Nhưng chúng ta cố gắng để đạt được sự thành công lớn hơn nữa của ngày hôm nay. Tôi trù tính rằng trước khi đội sen đầm đến và nhất là trước khi quan dự thẩm đến, tôi còn muốn đẩy cuộc điều tra đến một mức mà…
Raoul vội vàng tán thưởng ngay:
– Đến một mức mà khi các ông kia đến thì chỉ còn có kết luận thôi. Ông hoàn toàn có lý, và tôi chỉ tiếp tục chuyến đi của tôi vào ngày mai nếu hiện nay sự có mặt của tôi ở đây có thể giúp ích được cho ông.
– Cực có ích và tôi xin cảm ơn ông.
Người kiểm soát vé cũng đã phải đi khỏi đấy sau khi kể lại những gì mà mình biết được. Trong lúc này, toa xe được kéo vào đường tránh của khu để xe, còn con tầu lại rời ga.
Marescal bắt đầu công việc dò xét và điều tra của mình, rồi với ý định tự tách khỏi Raoul, đã yêu cầu anh đến tận ga tìm mấy tấm drap để đắp những xác chết.
Raoul vội vã tụt xuống, đi dọc theo toa xe rồi đu người lên ngay chỗ cửa sổ thứ ba của hành lang.
“Đúng như ta nghĩ, anh tự nhủ, cái anh chàng đầu chải sáp này chỉ muốn có một mình hắn thôi. Bước đầu hắn đã có một âm mưu nhỏ”.
Đúng thế! Marescal đã hơi nâng xác của cô gái người Anh lên, vén chiếc áo khoác đi đường của nàng. Quanh người nàng có thắt một chiếc túi da nhỏ màu đỏ. Gã tháo móc cài ra, mở nắp, lấy những mảnh giấy trong ấy và đọc ngay.
Raoul chỉ nhìn thấy gã từ sau lưng nên không thể đoán được ý nghĩ của gã trong khi đọc biểu hiện qua sắc mặt. Anh vừa đi vừa nói lẩm nhẩm:
– Mày đã khéo vội vàng đấy, con ạ. Tao vẫn đuổi kịp được mày trong khi tới đích. Những mảnh giấy ấy đã được để lại cho tao, ngoài tao ra không một ai có quyền sở hữu.
Raoul làm xong nhiệm vụ đã được giao và khi trở về, mẹ và vợ của người sếp ga đề nghị phải túc trực ban đêm bên người chết. Raoul được Marescal cho biết đã có người bao vây hai người đàn ông trốn chạy giữa những lùm cây trong rừng. Anh hỏi:
– Không có dấu hiệu nào khác à?
Marescal đáp:
– Không. Chỉ có một gã đi khập khiễng. Người ta đã nhặt được sau lưng hắn một gót giầy kẹp giữa rễ cây, nhưng đấy chỉ là gót giày đàn bà.
– Vậy ư? Không có một sự liên quan nào à?
– Không một liên quan nào cả.
Người ta duỗi thẳng thi thể cô gái người Anh ra. Raoul nhìn lại lần cuối cùng cô bạn đồng hành xinh đẹp nhưng bất hạnh và anh nói thầm vừa đủ mình nghe:
– Tôi sẽ báo thù cho cô. Miss Bakefield ạ. Nếu tôi đã không biết chăm lo, bảo vệ và cứu cô, thì tôi thề với cô rằng những tên giết cô sẽ bị trừng phạt.
Anh nghĩ đến cô gái mắt xanh màu lục và nhắc lại lời thề trái ngược lại là căm ghét và báo thù đối với con người bí ẩn ấy, xong, anh vuốt mắt cho cô gái người Anh, kéo tấm drap lên phủ mặt cho cô.
Anh nói:
– Cô ấy đẹp thật. Ông không biết tên cô à?
– Làm sao mà tôi biết dược – Marescal né tránh đáp lại.
– Nhưng có chiếc túi da kia.
– Nó chỉ được mở ra trước mặt người của cơ quan Kiểm sát – Marescal nói, rồi khoác qua vai và nói thêm:
– Lạ thật, không hiểu sao bọn cướp lại không lấy đi.
– Chắc trong ấy chỉ có giấy tờ.
– Chúng ta hãy chờ Viện kiểm sát kết luận – Tên cớm nhắc lại. Nhưng dù sao những tên cướp hình như đã “bóc” hết của ông mà lại không lấy gì của cô ấy: chiếc đồng hồ đeo tay này cũng không, cái ghim cài kia cũng không và cả cái vòng cổ này nữa„.
Raoul kể lại những gì đã xảy ra và anh nói rất chính xác từ đầu như anh mong muốn hợp tác tìm ra sự thật. Nhưng dần dần những lý do sâu kín đã đẩy anh nói sai lệch một số việc. Anh không nói gì về tên tòng phạm thứ ba và chỉ cho biết nhân dạng phỏng chừng của hai tên kia; không hề tiết lộ sự rõ mặt của người đàn bà trong bọn cướp.
Marescal nghe và đặt ra ba câu hỏi rồi để một tên gác lại, dẫn một tên khác vào trong ngăn, nơi xác hai người đàn ông nằm sóng soài.
Hai người đàn ông giống nhau: một người rất trẻ, nhưng cả hai đều toát ra những vẻ dung tục, cũng có những cặp lông mày dày và cũng mặc những bộ quần áo màu ghi, cắt may vụng về. Người nhỏ hơn bị một viên đạn giữa trán, người kia ở cổ.
Marescal làm ra vẻ giữ gìn ý tứ xem xét tử thi rất lâu, không làm thay đổi tư thế của họ, lục soát trong túi, rồi phủ lên người họ những tấm ráp.
Raoul nghĩ rằng tính kiêu căng tự phụ và lòng tham vọng không thoát được con người của Marescal. Anh nói với hắn:
– Thưa ông cảnh sát trưởng, tôi có cảm giác là ông đã thành công trên con đường tìm ra sự thật. Người ta dễ dàng nhận thấy ông là mội bậc thầy. Ông có thể cho biết đôi điều được không?…
– Sao lại không?- Mareseal nói và kéo Raoul vào một ngăn khác – Lính sen đầm sẽ nhanh chóng đến đây, bác sĩ khám nghiệm tử thi cũng vậy. Để làm nổi cương vị mà tôi nắm giữ và để đảm bảo được lợi ích của tôi, tôi không hối tiếc khi đưa ra trước về kết quả của những cuộc điều tra, nghiên cứu đầu tiên của tôi.
“Khá đây, tên tóc chải sáp ạ – Raoul tự nhủ – Mày không thể nào chọn được một kẻ tâm tình nào tốt hơn đâu”.
Raoul tỏ ra bối rối khi có được lợi thế bất ngờ như vậy. Vinh hạnh và vui vẻ biết mấy! Tên cớm yêu cầu anh ngồi xuốg rồi bắt đầu:
– Ông ạ, tôi không để cho mình bị ảnh hưởng bởi một số lời trái ngược nhau hoặc để lạc vào những chi tiết. Theo thiển ý của tôi, tôi làm nổi bật lên hai việc chủ yếu hết sức quan trọng. Đầu tiên là thế này. Người đàn bà trẻ nước Anh như ông chỉ cho, là một nạn nhân của sự nhầm lẫn. Ông đừng phản đối. Tôi có bằng chứng đấy. Đến giờ quy định, do sự đi chậm của con tầu đã được tính trước, bọn cướp lên tầu và trong xe toa tiếp đấy (tôi nhớ là đã thoáng thấy chúng từ xa và tôi tin rằng chính số lượng của chúng là ba), chúng tấn công ông, cướp bóc ông, tấn công người đàn bà ở cùng ngăn với ông, tìm cách trói người đàn bà ấy lại… Rồi bỗng dưng chúng buông tha, bỏ đi xa hơn đến tận ngăn cuối. Tại sao lại có sự quay lại đó… Tại sao? Bởi vì chúng đã nhầm. Bởi vì người đàn bà trùm kín dưới một tấm chăn, bởi vì chúng nghĩ chúng đã nhảy xổ vào hai người đàn ông, nhưng chúng lại thấy có một người đàn bà ở đấy. Do vậy chúng hốt hoảng: “Mẹ kiếp, thì ra là một đứa con gái!”. Thế là chúng vội vàng bỏ đi. Chúng tìm khắp hành lang và phát hiện ra hai người đàn ông mà chúng tìm… Hai người ấy ở kia. Nhưng hai người ấy đã chống trả. Chúng giết họ bằng những phát súng ngắn, rồi tước hết của họ không sót một tí gì: vali, gói nhỏ, tất cả đều bị lấy hết cho đến những chiếc mũ lưỡi trai cũng bị cuỗm nốt. Điều thứ nhất, rõ ràng đã được chứng minh, có phải không nào?
Raoul ngạc nhiên, không phải là giả thiết, mà chính anh cũng đã phải công nhận ngay từ đầu rằng những điều Marescal thấy là chính xác và hợp lô gíc.
Tên mật thám lại kể tiếp làm cho người đang đối thoại với hắn phải thầm kinh ngạc.. Hắn nói:
– Điều thứ hai là… Hắn chìa ra một chiếc hộp nhỏ bằng bạc chạm khắc rất tinh vi – Tôi nhặt được cái này sau chiếc ghế dài.
– Một chiếc hộp đựng thuốc lá phải không?
– Đúng, một chiếc hộp cổ, nhưng dùng để đựng thuốc điếu. Bảy điếu, đúng bảy điếu đây… Thuốc lá sợi vàng dùng cho phụ nữ.
– Hay cho đàn ông – Raoul mỉm cười nói – Vì rút cuộc ở đây tất cả đều là đàn ông.
– Tôi khẳng định là cho phụ nữ.
– Không thể như thế được!
– Ông ngửi cái hộp xem.
Hắn dứ chiếc hộp dưới mũi của Raoul. Raoul hít xong, công nhận:
– Quả thế, đúng đấy. Mùi thơm của phụ nữ. Người đàn bà ấy có lẽ đã bỏ chung chiếc hộp thuốc lá vào túi cùng với khăn tay, bột gạo và bơm nước hoa. Mùi thơm đặc trưng.
– Ông thấy thế nào?
– Tôi chẳng hiểu ra sao nữa. Hai người đàn ông ở đây mà chúng đã giết chết đấy, và hai tên dàn ông khác đã tấn công họ rồi chạy trốn sau khi gây án
– Tại sao không thể là một đàn ông và một đàn bà?
– Sao! Một đàn hà… Một trong hai tên cướp mà là đàn bà à?
– Thế cái hộp thuốc lá này?
– Chưa đủ bằng chứng.
– Tôi có bằng chứng khác.
– Bằng chứng gì?
– Gót giầy… Cái gót giầy này, người ta nhặt được trong rừng cây, kẹt giữa hai cái rễ. Ông đã cho rằng nó đủ chứng minh điểm thứ hai của tôi đưa ra là hai tên tấn công gồm một đàn ông và một đàn bà chưa?
Sự sáng suốt của Marescal làm cho Raoul khó chịu. Anh cố kìm lại để không chỉ vào mặt tên cớm mật thám và bật ra lời nói giữa các kẽ răng: “Mày thật quá đáng!.
Anh nói:
– Hết rồi à? Không còn một phát hiện nào nữa chứ?
– Chà! Để cho tôi thở đã nào! Marescal vừa cười vừa nói.
– Ông có ý định làm việc suốt đêm à?
– Ít ra là cho đến lúc người ta dẫn đến đây hai tên chạy trốn. Chắc nhanh thôi nếu người ta y theo lời chỉ dẫn của tôi.
Raoul theo dõi Marescal thuyết trình có vẻ hiền từ như một con người không có gì mờ ám. “Thật quá đáng!”. Hắn đã phó thác cho những người khác làm một số việc mà hắn cảm thấy không đáng gì. Raoul gật đầu ngáp dài và nói:
– Ông đùa đấy chứ, ông cảnh sát trưởng. Với tôi, tôi thú nhận với ông rằng tất cả những cảm xúc ấy làm cho tôi cực kỳ mệt mỏi và mong có được một hai giờ nghỉ ngơi.
– Cứ nghỉ đi – Marescal đổng ý – bất kỳ ở ngăn nào ông cũng có thể dùng để ngủ được. Đây, chỗ này – tôi đảm bảo là không có ai quấy rầy được ông, và khi nào xong, đến phiên tôi, tỏi sẽ nghỉ ở đây.
Raoul đóng cửa, kéo màn che bóng đèn lốp rồi ngủ. Trong lúc này, anh không có một ý nghĩ gì rõ ràng nào về việc mình định làm. Nhưng sự kiện rất phức tạp không còn là một giải pháp phải suy nghĩ. Anh đành phải dò xét những ý định của Marescal và tìm giải những điều khó hiểu trong cách xử sự của hắn. Anh tự nhủ:
– Tên tóc chải sáp, tao phải khống chế được mày. Mày giống như con quạ trong câu chuyện ngụ ngôn. Bằng lời ca của tao, tao sẽ làm cho mày phải nói. Mày có tài cán, có con mắt tinh đời, nhưng mày quá ba hoa. Còn như việc tống một người đàn bà không quen biết và tòng phạm của ả vào nhà giam thì cái đó sẽ làm cho tao hết sức ngạc nhiên. Đấy là một việc mà tự tao phải đích thân giao nộp.
Trong lúc này, ở hướng nhà ga, những giọng nói lao xao đã nhanh chóng biến thành tiếng ồn ào, xao động. Raoul lắng tai nghe. Marescal nhô người qua một cửa sổ của hành lang và gọi những người đang đi đến:
– Chuyện gì thế? ồ! Lính sen đầm à? Tuyệt! Tôi không nhầm đấy chứ, có phải không?
Người ta trả lời gã:
– Ông sếp ga bảo tôi đến gặp ông, thưa ông cảnh sát trưởng.
– Ông là đội trưởng à? Đã bắt được hết rồi phải không?
– Chỉ được một tên, thưa ông cảnh sát trưởng, chúng tôi đuổi miết, hắn quá mệt, ngã xuống đường. Khi ấy chúng tôi vừa chạy đến, cách đấy một kilômét. Tên kia có thể đã chạy thoát.
– Thế ông thầy thuốc đâu?
– Khi chúng tôi đi qua, ông ấy đang cho móc ngựa vào xe. Nhưng ông ấy còn có một ca khám bệnh trên đường đi. Phải bốn mươi phút nữa ông ấy mới đến đây được.
– Có phải cái tên mà ông bắt được đấy nhỏ nhất trong hai tên có phải không ông đội trưởng?
– Một tên nhỏ con, người tái mét…đội chiếc mũ lưỡi trai quá rộng…nó khóc lóc…và nó hứa: “Tôi sẽ nói hết, nhưng chỉ nói với ông quan toà thôi. Ông quan toà ở đâu. chỉ cho tôi với!”
– Ông đã để tên ấy ở ga chứ?
– Đã cho canh gác cẩn thận rồi ạ.
– Tôi sẽ đến đây xem.
– Thưa ông cảnh sát trưởng, nếu không có gì làm phiền, cản trở đến ông, trước tiên ông cho tôi được xem làm sao việc ấy lại xảy ra trên tầu được.
Viên đội trưởng trèo lên cùng với một lính sen dầm… Marescal đón họ ở bậc lên xuống và ngay sau đấy dẫn họ đến trước xác của cô gái người Anh.
“Thế là tốt. Raoul nghĩ. Nếu tên tóc chải sáp bắt đầu những lời giải thích, thuyết trình của hắn thì ta còn có một ít thời gian.”
Lần này Raoul thấy sáng sủa hơn trong đầu óc đang rối như bòng bong của anh. Anh bất ngờ có được ý tức thời mà chính anh không hiểu được lý do bí ẩn nào đã đưa anh đến gần cách xử trí của mình như thế!
Anh hạ tấm kính cửa sổ xuống rồi nhô người ra phía trên đường ray. Không có ai. Không một ánh sáng đèn. Anh nhảy xuống.
 
Nhà ga Beaucourt nằm giữa cánh đồng hoàn toàn xa dân cư. Một con đường cái thẳng góc với đường xe lửa nối nhà ga với làng Beaucourt rồi đến Romillaud nơi có trại lính sen đầm, tiếp đến là Auxerre. Từ đấy, người ta chờ các ông quan toà. Con đường ấy bị đường quốc lộ cắt ngang thành góc vuông. Đường quốc lộ chạy dọc theo tuyến đường sắt cách đây chừng năm trăm mét.
Người ta đã tập trung trên sân ga tất cả mọi thứ ánh sáng có thể dùng được. Đèn dầu hỏa, nến, đèn lồng, đèn xách. Như vậy buộc Raoul phải phòng ngừa, hết sức thận trọng. Người sếp với một nhân viên và một người thợ đang nói chuyện với người lính sen đầm đang đứng gác. Khổ người cao to của người lính đứng chắn trước cửa ra và hai cánh mở toang của một văn phòng ngổn ngang những hàng hóa cồng kềnh. Gian phòng này dành để chứa những thứ gửi theo xe lửa.
Trong bóng tối lờ mờ của gian phòng, hàng hóa cao thành chồng những thùng, giỏ, hòm xiểng. Raoul ngờ ngợ thấy một bóng dáng khom khom không động đậy ngồi trên một đống hàng. Anh tự nhủ: “Chắc là người ấy rồi, đúng là cô gái có đôi mắt màu lục. Chỉ cần xoay một vòng chìa khoá trong ổ là đã thành phòng giam không ai đột nhập được vì những tên coi ngục đứng gác ở lối ra độc nhất.
Tình huống đối với Raoul lúc này tuy có thuận lợi nhưng với điều kiện là anh không đụng phải chướng ngại có thể làm cản trở anh. Marescal và viên đội trưởng sen đầm có thể bất chợt đến sớm hơn Raoul nghĩ. Raoul phải chạy vòng một đoạn để đến mặt sau nhà ga mà không gặp một người nào. Đã quá nửa đêm. Không còn một chuyến tầu nào dừng nữa, chỉ có một tốp người đang nói chuyện trên sân ga, tịnh chẳng còn một bóng người nào khác.
Anh bước vào phòng đăng ký. Một tấm cửa bên trái, một phòng ngoài có bậc lên xuống, và bên phải của phòng ấy cũng có một cửa khác. Theo cách bố trí, chắc phải ở kia rồi.
Với Raoul, ổ khoá không phải là một chướng ngại vật đáng kể. Trên người anh lúc nào cũng có bốn hoặc năm dụng cụ nhỏ, anh có thể mở được những cánh cửa khó mở nhất. Ngay với lần thử đầu tiên, tấm cửa ấy đã ngoan ngoãn phục tùng. Vừa nhẹ nhàng hé mở, không thấy có một tia sáng nào hé ra ngoài, anh đẩy tiếp, lách người vào trong. Người ở ngoài không thể nhìn thấy anh, cũng không thể nghe được tiếng động, và hơn nữa cũng không nghe được tiếng người nữ tù nhân mà những tiếng nức nở âm thầm vang lên thành nhịp trong cái thầm lặng của gian phòng.
Người thợ kể chuyện cuộc truy đuổi qua rừng cây. Chính ông đã phát hiện ra “vật săn lùng” trong bãi cây con dưới tia sáng của chiếc đèn xách – Tên du côn – theo cách nói của ông – mảnh khảnh và vóc người cao hơn, nhanh như một con thỏ rừng đã chạy thoát. Nhưng ông phải quay lại đuổi sát gót và dẫn được một tên bé nhỏ về. Kể ra trời tối đen như mực nên chuyện săn lùng không thuận lợi. Người thợ kể:
– Ngay sau đấy, thằng nhỏ ấy rên rỉ. Cái giọng của nó thật buồn cười như thể giọng con gái. Nó thì thào đầy nước mắt: “Ông quan toà đâu? Tôi sẽ nói tất cả… yêu cầu dẫn tôi đến trước ông ấy”. Những người nghe nó nói đều cười ồ lên.
Raoul lợi dụng lúc ấy để chui đầu vào giữa hai chồng hòm xiểng xếp thưa nhau. Như vậy là anh đã ở sau đống bưu kiện chất đống nơi người nữ tù nhân đã lả đi. Lần này chắc cô đã nhận thấy có tiếng động, vì những tiếng nấc đã ngừng. Raoul nói thầm:
– Cô đừng sợ.
Người con gái im lặng. Anh lại nói tiếp:
– Đừng sợ! Tôi là một người bạn.
– Guillaume à? – Cô hỏi rất khẽ.
Raoul đã hiểu người tù đang nhắc đến tên đã trốn thoát kia, nên anh đáp:
– Không, chính tôi sẽ cứu cô thoát khỏi những lính sen đầm.
Cô gái không nói gì, chắc là sợ một cạm bẫy nhưng Raoul nhấn mạnh:
– Cô đang nằm trong tay của pháp luật. Nếu cô không theo tôi thì nhất định cô sẽ gặp phải nhà tù, toà đại hình…
Cô gái nói:
– Không, ông quan toà sẽ để cho tôi được tự do.
– Người ta sẽ không để cho cô tự do đâu. Hai người đàn ông chết, chiếc áo bờ-lu của cô đầy máu… Cô lại đây, đi. Một phút do dự có thể làm cho cô phạm sai lầm. Lại đây nào!
Sau một phút im lặng, cô gái thầm thì:
– Tay tôi bị trói.
Vẫn ngồi xổm, Raoul cắt dây trói bằng con dao con của mình và hỏi:
– Hiện giờ chúng có thể nhìn thấy cô được không?
– Chỉ có người lính nếu hắn quay mặt lại, nhưng khó vì tôi ở trong bóng tối. Đối với những người khác, thì xa hơn, quá sang phía bên trái…
– Mọi việc sẽ trôi chảy. Nhưng khoan đã, cô nghe kìa…
Trên sân ga có tiếng bước chân đến gần và anh nhận thấy có tiếng nói của Marescal. Raoul ra lệnh:
– Không được động đậy! Chúng đến đấy! Chúng đến sớm hơn là tôi nghĩ. Cô nghe thấy gì không?
– Ôi tôi sợ lắm! Cô gái ấp úng. Theo tôi thì giọng nói ấy… Lạy Chúa tôi! Liệu có phải không?
– Đúng rồi. Đấy là giọng nói của Marescal, kẻ thù của cô… Nhưng đừng sợ, cô còn nhớ chiều nay trên đại lộ, có một người đã can thiệp giữa cô và hắn? Chính tôi đấy, tôi mong cô đừng sợ.
– Nhưng, ông ấy sẽ đến…
– Không chắc đâu…
– Nhưng nếu đến thật…?
– Cứ làm như đang ngủ, bị ngất… Cô vòng tay lại, gục đầu vào đây… và đừng động đậy.
– Nhưng ông ấy cố để xem mặt? Nếu nhận ra tôi thì sao?
– Đừng trả lời gì cả. Dù thế nào cũng đừng hé răng. Marescal chưa can thiệp ngay đâu. Hắn còn suy nghĩ… và rồi…
Raoul bồn chồn không yên. Anh cho rằng chắc là Marescal nóng lòng muốn biết hắn có nhầm hay không và tên cướp có thật là một người đàn bà không. Hắn sẽ tiến hành hỏi cung ngay và dù sao cũng có sự thận trọng tối thiểu là tự mình kiểm tra nơi giam giữ.
Sự thực, ngay sau đấy, Marescal kêu lên vui vẻ:
– Này, ông sếp ga, thế là có chuyện mới đấy! Một tên tù ở chỗ ông! Mà là tên tù thượng hạng đấy nhé! Ga Beaucourt sẽ trở thành nổi tiếng… Ông đội trưởng sen đầm ạ, chỗ này, theo tôi là biết chọn đấy. Tôi tin là không thể làm tốt hơn được nữa. Để thận trọng tôi sẽ bảo đảm.
Như vậy, ngay từ đầu, hắn đi thẳng vào việc như Raoul đã đoán trước. Cuộc đấu kinh khủng giữa tên đàn ông ấy và cô gái trẻ. Một vài cử chỉ, một vài lời nói, và cô gái mắt màu lục sẽ bị gục, không phương cứu chữa. Raoul chỉ có bài chuồn. Nhưng như thế là từ bỏ toàn bộ hy vọng và sẽ lao vào theo dõi cả một lũ địch thủ, không cho phép anh bắt đầu lại ý định của mình. Vậy là anh chỉ có cách phó thác vào may rủi.
Marescal vào phòng, vẫn tiếp tục nói với những người ở ngoài nhằm giấu họ, không cho họ biết hình dạng bất động mà gã chỉ muốn được một mình ngắm nhìn. Raoul ngồi cách đó một đoạn, những chiếc hòm che khuất nên Marsecal không nhìn thấy.
Tên mật thám dừng lại và nói to:
– Hình như còn ngủ… Này! Ông bạn, không có cách nào để nói chuyện một lúc sao?
Hắn lấy chiếc đèn pin trong túi ra, rọi một chùm ánh sáng. Hắn chỉ nhìn thấy một chiếc mũ lưỡi trai và hai cánh tay khoanh vòng vào nhau. Hắn gỡ tay ra và nâng chiếc mũ lên.
– Thế đấy – hắn nói rất nhỏ – Một con đàn bà… Một con đàn bà tóc hoe! Nào cô bé, ngẩng bộ mặt non choẹt cho ta xem nào!
Hắn chụp tay lên đầu người tù, dùng sức mạnh xoay ra. Điều hắn nhìn thấy thật là lùng! Không ngờ được một sự thật khó tin đến thế. Hắn thì thầm: “Không, không thể chấp nhận được!”
Hắn quan sát cửa ra vào, không muốn những người khác đến gần. Rồi hắn giật mạnh mũ lưỡi trai. Khuôn mặt lộ ra đầy đặn, sáng sủa.
– “Cô ấy! Cô ấy! – Hắn thì thầm – Ta điên mất rồi… Trời, không thể nào tin được… Cô ấy ở đây! Cô ấy, một tên giết người! Cô ấy!… Cô ấy mà vậy à!”
Hắn cúi xuống thấp hơn. Nữ tù nhân không hề nói năng động đậy. Nét mặt xanh xao của cô không có một chút co giật nào, còn Marescal thì hổn hển nói với cô:
– Chính cô? Thật kì quái làm sao? Như vậy là cô đã giết người. Mà lính sen đầm đã bắt được cô! Rồi cô đang ở đâu đây, cô? Có thể như thế được ư?
Hình như cô gái đã ngủ thật, Marescal im lặng. Có thực là cô ấy ngủ không? Hắn nói:
– Đúng rồi. Đừng động đậy. Ta sẽ bảo những người kia lánh đi, và trở về. Một giờ nữa, ta sẽ ở đây, rồi nói chuyện sau… à! cần phải thật êm cô bé ạ.
Hắn muốn nói gì nhỉ? Hắn muốn đề xuất với cô một sự mặc cả ghê tởm nào chăng? Thực ra, (Raoul đoán thế) không chắc hắn có ý đồ nhất định. Sự việc đến với hắn quá bất ngờ, và hắn đang tự hỏi: mình có thể được lợi lộc gì trong vụ này?
Hắn đội lại chiếc mũ lưỡi trai lên cái đầu tóc hoe và đẩy hết các lọn tóc vào trong, rồi vén chiếc áo bờ- lu lên, lục tìm các túi áo khoác. Chẳng tìm thấy gì cả. Thế là hắn đứng lên và sự xúc động của hắn quá mạnh đến mức hắn không còn nghĩ đến việc kiểm tra gian phòng và cửa ra vào nữa.
– Thật lạ lùng cho cô bé. Không chắc đã đến hai mươi tuổi. Một cô bé mà đã bị tòng phạm làm cho lầm lạc. Hắn nói rồi đi về phía những người đang chờ.
Hắn tiếp tục nói, lơ đãng. Người ta có thể nhận thấy sự lúng túng trong suy nghĩ của hắn và việc hắn đang tập trung suy nghĩ một chuyện gì đó. Hắn nói:
– Tôi cho là các cuộc điều tra sơ bộ của tôi sẽ làm cho các quan chức của Viện kiểm sát quan tâm. Trong khi chờ đợi các vị ấy đến, tôi sẽ ở đây cùng ông canh gác, ông đội trưởng sen đầm ạ. Hay là chỉ mình tôi thôi, vì tôi không cần đến ai cả nếu ông muốn nghỉ ngơi một lát.
Raoul khẩn trương. Anh lấy giữa những đống hàng ba chiếc bao có buộc dây mà vải hơi giống áo bờ-lu của nữ tù nhân. Anh dựng một trong các bao ấy lên và nói thầm:
– Cô dịch chân cô đến cạnh tôi… để tôi đưa cái này lên phía trước ở vị trí chân cô. Nhưng cử động hơi khó phải không? Sau đấy, cô dịch nửa người trên về phía tôi, và cả đầu của cô nữa.
Anh cảm thấy bàn tay cô gái đã lạnh giá và nhắc lại những lời ấy vì cô gái không nhúc nhích được nữa.
– Cô hãy nghe theo tôi. Marescal có thể làm tất cả, cô đã làm nhục hắn… Hắn sẽ trả thù bằng cách này hay cách khác, vì cô đã nằm trong tay hắn. Cô dịch chân lại bên cạnh tôi đây này…
Cô gái dịch từng tí một, có thể nói là hầu như không thể, phải mất đến ba bốn phút. Khi đã di chuyển xong, trước mặt cô và hơi cao hơn một tí có một hình bóng xam xám hơi khum khum và có những nét cong những đường viền được tạo nên hình dạng mờ mờ của người nữ tù nhân để viên đội trưởng sen đầm và Marescal nếu có liếc mắt vào cũng tin là cô vẫn ngồi đấy.
Raou1 nói:
– Nào, phải lợi dụng lúc chúng quay ra và đang nói to. Cô chuồi người lại đây.
Anh giơ tay ra đón cô gái, giữ cô ở tư thế cong người, dắt cô qua cửa hé mở.
– Ra đến phòng ngoài, cô đã có thể đứng lên. Anh đóng khoá lại và vượt qua phòng hành lý. Nhưng khi vừa đến trên nền cao trước ga, cô quá yếu ngã quỵ xuống.
– Chưa khi nào tôi có thể… Cô rên rỉ. Chưa bao giờ!
Không cần một sự cố gắng nào, Raoul đã xốc được cô gái lên vai và chạy một mạch đến những lùm cây cao đánh dấu con đường Romillaud và Auxerre. Anh cảm thấy hài lòng với ý nghĩ là anh đã bắt được con mồi, kẻ giết Miss Bakefield không thể thoát được tay anh, hành động của anh đã thay cho hành động của xã hội. Anh phải làm gì? Chẳng có gì quan trọng. Trong lúc này anh đã nhận thức được, hoặc ít ra anh cũng nghĩ như vậy, rằng, rất cần có sự hướng dẫn của pháp luật và sự trừng phạt cũng phải theo một hình thức phù hợp với hoàn cảnh.
Quá hai trăm bước, anh dừng lại. Không phải vì quá mệt mà là anh nghe trong cái thầm lặng nặng nề, u uất có tiếng xào xạc của lá cây và tỉếng những bước chân lén lút của những con vật bé nhỏ ăn đêm đang làm khuấy động.
– Có chuyện gì thế? – Cô gái lo lắng hỏi.
– Chẳng có gì cả… Chẳng có gì đáng lo ngại. Trái lại, tỉếng vó ngựa chạy nước kiệu rất xa. Đấy là điều tôi mong muôn, và tôi rất hài lòng. Đấy là, cô sẽ được thoát nạn.
Anh đặt cô gái trên vai xuống, rồi bế ngửa cô trên hai cẳng tay của anh như bế một đứa trẻ con. Cứ thế anh bước nhanh ba bốn trăm mét cho đến ngã tư của con đường quốc lộ mà màu trắng đã hiện ra dưới tán lá của hàng cây, cỏ rất ẩm nên anh nói với cô khi anh ngồi xuống bên vệ đường.
– Cô cứ nằm hẳn trên đầu gối của tôi và hãy hiểu cho tôi. Chiếc xe mà chúng ta nghe tiếng là chiếc xe của người thầy thuốc được phái đến. Tôi sẽ gạt bỏ người thầy thuốc và trói lại thật êm vào một gốc cây. Chúng ta lên xe của ông và đi suốt đêm cho đến một ga nào đấy ở tuyến khác.
Cô gái không trả lời. Cô ngờ vực điều vừa nghe được. Bàn tay của cô trở nên nóng bỏng. Cô ấp úng như thế trong cơn mê sảng:
– Tôi không giết người! Tôi không giết người.
– Cô im đi. Raoul ngắt lời cô gái. Chúng ta sẽ nói sau. Cả hai đều im lặng. Sự yên lặng sâu lắng của đồng ruộng trải qua xung quanh họ trong không gian im lìm và yên ổn. Chỉ riêng có tiếng vó ngựa là thỉnh thoảng cất lên trong bóng đêm mù mịt. Hai ba lần họ nhìn thấy ánh đèn của chiếc xe soi sáng một khoảng cách lờ mờ, những chiếc đèn giống như những con mắt giương to, không một tiếng la hét, không một triệu chứng chẳng lành nào ở phía trước nhà ga.
Raoul nghĩ đến hoàn cảnh lạ lùng, nghĩ đến người đàn bà bí ẩn giết người mà trái tim đang đập mạnh đến mức anh cảm thấy được nhịp đập điên loạn. Nó gợi lại cho anh hình ảnh của một cô gái Paris chỉ mới cách đây tám chín giờ còn vui vẻ, hồn nhiên là thế, không có gì lo lắng rõ rệt. Hai hình ảnh ấy hết sức khác nhau đang hoà lẫn trong tiềm thức của anh. Kỷ niệm về hình ảnh chói lọi làm nhẹ bớt lòng căm thù của anh đối với cô gái đã giết chết cô gái nước Anh. Nhưng anh có căm thù không? Anh bám lấy lời ấy và nghiệt ngã nghĩ rằng:
“Ta căm thù cô ấy. Dù có nói gì đi nữa thì cô ấy cũng đã giết… Cô gái người Anh chết do sai lầm của cô gái Paris này và của đồng bọn… Ta căm thù cô ấy… Miss Bakefield phải được ta trả thù.”
Nhưng anh không nói gì đến toàn bộ những điều ấy, mà trái lại, anh nhận thấy những lời nói dịu dàng lại tự thóat ra từ cửa miệng anh:
– Nỗi bất hạnh đổ xuống những con người khi họ không nghĩ đến những điều ấy phải không? Người ta sung sướng, người ta sống, thế rồi tội ác qua đi. Nhưng tất cả sẽ ổn thoả… Cô hãy tin ở tôi. Rồi mọi việc sẽ phẳng lặng…
Raoul có cảm giác như cô gái dần dần bình tĩnh lại, tay chân, đầu óc không còn bồn chồn bởi sự lo lắng luôn luôn giày vò. Nỗi đau đã dịu xuống, những cơn ác mộng, mối kinh hoàng khủng khiếp, tất cả những gì gớm ghiếc của ban đêm và của chết chóc.
Raoul hết sức hài lòng về ảnh hưởng và khả năng của mình, như thể chúng có tác dụng đối với một số người bị tổn thương nặng về tinh thần. Đối với họ anh đã trả lại sự thăng bằng và làm cho họ quên thực tại kinh khủng trong chốc lát.
Anh cũng vậy, vả chăng anh đã gạt bỏ được thảm kịch. Cô gái người Anh chết đã phai mờ trong ký ức của anh. Còn đây không phải là người đàn bà mặc áo bờ-lu vấy máu mà anh đang ôm sát, mà là người đàn bà Paris yêu kiều, duyên dáng. Dù nói gì chăng nữa, anh cũng tự nhủ: “Ta sẽ trừng phạt nàng. Nàng sẽ đau khổ”. Làm sao anh lại không cảm thấy hơi thơm mát mẻ xông lên từ đôi mắt rất gần.
Những con mắt là những chiếc đèn lồng to dần lên. Người thầy thuốc sẽ đến trong vòng tám hoặc mười phút nữa. Raoul nghĩ: “Ta phải rời nàng, và ta phải hành động. Và thế là hết! Ta không còn gặp lại, giữa ta và nàng, một khoảnh khắc như trong lúc này… Một khoảnh khắc mật thiết, ấm cúng này…”
Anh cúi xuống thấp hơn và đoán rằng cô gái vẫn nhắm mắt, phó mặc cho sự che chở. Chắc là nàng nghĩ: Tất cả đều tốt đẹp, hiểm nguy đã qua rồi.
Bất thình lình anh cúi xuống và hôn lên đôi môi của cô gái. Cô cố giãy giụa một cách yếu ớt, thở dài và chẳng nói gì cả. Anh có cảm giác là cô đã chấp nhận sự vuốt ve và mặc dù cô rụt dầu nhưng không cưỡng lại vị ngọt của nụ hôn. Nó chỉ kéo dài trong vài giây. Rồi một sự phản ứng đột nhiên thức tỉnh cô gái, cô gồng tay lên với một nghị lực bất ngờ, vùng thoát khỏi và rên rỉ.
– Ôi! Ghê tởm quá! Ôi! Thật xấu hổ! Cứ để mặc tôi! Mặc tôi!… Điều anh vừa làm quá tồi tệ, thật đáng khinh.
Raoul cười ngượng nghịu rồi bực dọc với cô, muốn xỉ vả cô. Nhưng anh không tìm được lời nào, và trong khi cô đẩy anh ra và chạy trốn trong bóng đêm thì anh thì thầm nhắc lại:
– Thế là thế nào! Lại còn thẹn nữa cơ! Rồi sao? Hừ! Người ta sẽ tưởng ta đã phạm phải điều cấm kị.
Anh đứng dậy đuổi theo, leo lên bờ dốc để tìm cô. Tìm ở đâu? Bãi cây con rậm rạp đã che chở cho người chạy trốn, anh không còn hy vọng để bắt lại. Anh càu nhàu nguyền rủa. Bây giờ chỉ còn thấy ở anh lòng căm ghét và hận thù của một người đàn ông bị nhạo báng. Rồi anh tự nghiền ngẫm, suy đi tính lại với ý định quay lại nhà ga để đưa ra tín hiệu báo động. Lúc này, anh nghe có những tiếng kêu ở một khoảng cách nào đấy. Tiếng kêu phát ra từ con đường cái và nơi ấy có khả năng bị một bờ dốc che khuất. Anh cho rằng chiếc xe ngựa đã ở đấy. Anh chạy đến. Quả nhiên anh nhìn thấy hai chiếc đèn lồng và hình như chúng rẽ ngoặt tại chỗ và chạy theo hướng khác. Chiếc xe chạy xa nhưng không còn là nước kiệu nữa mà là nước đại của một con ngựa bị kích động quá độ bằng những cái vụt mạnh của chiếc roi da. Hai phút sau, Raoul lại nghe có tiếng kêu và thấy bóng dáng của một người đàn ông khua tay trong bóng đêm giữa những lùm cây ấy. Anh hỏi:
– Ông đúng là thầy thuốc ở Ramillaud phải không? Ở ga người ta phái tôi đến đón ông… chắc ông vừa bị tấn công?
– Vâng, một người đi bộ hỏi thăm đường. Tôi dừng xe lại. Thế là hắn chặn họng tôi, trói tôi và ném tôi vào giữa bụi cây.
– Rồi hắn chạy trốn bằng chiếc xe của ông à?
– Vâng.
– Chỉ một mình hắn thôi ư?
– Không, với một người nào nữa đã đuổi kịp hắn. Thế là tôi kêu lên.
– Một đàn ông và một đàn bà phải không?
– Tôi không nhìn thấy rõ. Chúng nói với nhau rất nhỏ. Khi chúng đi rồi tôi mới gào to lên.
Raoul đã làm cho người thấy thuốc chú ý. Anh đã hỏi ông:
– Thế hắn không bịt miệng ông hay sao?
– Có, nhưng không chặt.
– Bằng cái gì?
– Chiếc khăn quàng của tôi.
– Có một cách để bịt mồm nhưng rất ít người biết – Raoul nói và cầm chiếc khăn quàng, đẩy ngã người bác sĩ và chỉ cho ông biết người ta phải tiến hành như thế nào.
Bài học tiếp theo là sự thực hành khác: cách trói thông minh bằng tấm chăn phủ lưng ngựa và vòng cổ ngựa mà Guillaume đã dùng (vì chỉ có thể nghĩ rằng kẻ tấn công không ai khác là Guillaume và cô gái mắt màu lục đã đuổi kịp hắn).
– Tôi không làm cho ông đau chứ, có phải không, bác sĩ? Tôi rất tiếc về hành động này. Ông không sợ gai và cây tầm ma đấy chứ? – Anh nói tiếp và dẫn người tù binh của mình đi.
– Ông ạ, đây là nơi ông nghỉ qua đêm không đến nỗi quá tồi. Rêu chắc đã bị mặt trời nung nóng vì nó đã khô. Không bác sĩ ạ, ông không phải cám ơn. Dù sao bác sĩ nên cho rằng giá như tôi có thể đừng làm…
Ý định của Limégy trong lúc này là “chạy đều” và “đuổi bắt”. Bằng bất cứ giá nào cũng phải đuổi kịp hai tên chạy trốn! Anh cáu tiết vì bị đánh lừa. Thật ngớ ngẩn! Làm sao anh đã nắm cô gái trong tay của mình rồi, đáng lẽ phải chịt vào cổ họng thì anh đã lại ôm hôn cô ấy! Làm sao người ta có thể sáng suốt trong những hoàn cảnh như vậy?
Nhưng đêm hôm ấy, những dự định của Limégy vẫn dẫn đến những hành động ngược lại. Ngay khi anh rời khỏi người bác sĩ, và mặc dù không thay đổi kế hoạch của mình, anh đã trở về nhà ga với một phương án mới là phải cưỡi ngựa của một lính sen đầm và như vậy mới có thể thành công trong quyết định của mình. Anh đã quan sát ba con ngựa của đội sen đầm trong một ngôi lán, đằng trước có một người đàn ông canh giữ. Anh đã đến được đấy, người lính sen đầm đang ngủ dưới ánh sáng của một chiếc đèn lồng. Raoul rút dao để cắt một sợi dây, nhưng đáng lẽ như vậy thì anh đã cẩn thận và nhẹ nhàng cắt hết cái đai buộc lỏng ba con ngựa vào nhau và cắt nốt cả những đai yên, dây cương.
Như vậy, cuộc đuổi bắt cô gái mắt xanh màu lục bỏ trốn sẽ không thể thực hiện được.
“Ta không biết điều ta đã làm sai. Đáng lẽ chỉ cắt dây buộc ta lại đi cắt hết đai, cương” – Raoul tự nhủ khi trở về ngăn tầu của mình – Ta ghê tởm con đàn bà vô lại ấy. Không gì làm cho ta vui thích hơn là giao nộp nó cho cơ quan pháp luật và để giữ được lời thề báo thù của ta. Vậy mà, tất cả mọi cố gắng của ta lại chỉ nhằm để cứu nó. Tại sao?”
Lời giải đáp cho câu hỏi này anh biết rất rõ. Anh quan tâm đến cô gái trẻ chính vì cô có đôi mắt màu ngọc bích. Làm sao anh lại không che chở cho cô khi anh cảm thấy lúc này cô gái ấy hết sức gần gũi với anh và đã hoàn toàn kiệt sức, vả lại đôi môi của anh đã áp lên đôi môi của cô. Người ta có thể giao nộp một người đàn bà mà người ta đã hôn không? Kẻ giết người, đúng! Nhưng cô gái đã run lên dưới sự vuốt ve mơn trớn của anh, và anh đã nhận thức được rằng từ nay không có gì trên đời lại có thể khiến cho anh không bảo vệ cô, chống lại tất cả. Đối với anh, nụ hôn nồng cháy của đêm nay đã vượt lên trên tất cả thảm kịch và tất cả mọi quyết định mà những quyết định ấy là theo bản năng hơn là theo lý trí, và chính bản năng của anh đã ra lệnh cho anh làm thế.
Vì vậy mà anh phải gặp lại Marescal để biết kết quả truy tìm của hắn, và cùng để hiểu rõ thêm về cô gái người Anh và chiếc túi da mà cô Bakefield đã gửi gắm cho anh.
Hai giờ sau, Marescal mệt nhoài đã lăn xuống ngủ trước chiếc ghế dài nơi Raoul đã bình thản nằm chờ trong toa xe cắt lại. Giật mình tỉnh dậy, Raoul bật đèn và nhìn thấy nét mặt biến đổi của tên cẩm mật thám. Đường ngôi của hắn không còn thẳng thắn và râu mép đã trễ xuống, Raoul kêu lên:
– Có chuyện gì xảy ra thế, ông cảnh sát trưởng? Thật khó mà nhận ra ông nữa!
Marescal ấp úng:
– Thế ông không biết gì à? Ông không nghe gì ư?
– Chẳng biết gì cả. Từ khi ông đóng cửa này để tôi lại một mình ở đây. tôi chẳng hề nghe gì cả.
– Trốn rồi!
– Ai trốn?
– Tên giết người.
– Người ta đã bắt được nó à?
– Ừ!
– Tên nào trong hai đứa ấy?
– Con đàn bà.
– Đúng là một con đàn bà à? Sao người ta lại không biết canh gác nhỉ?
– Có chứ, nhưng…
– Nhưng sao?
– Đấy là một cái bao vải.
Khi không còn đuổi theo những tên trốn chạy, trong số những lý do, hẳn Raoul còn có lý do là: cần phải trả thù! Bị nhạo báng, anh muốn đến lượt mình được nhạo báng lại và chế giễu một người khác như người ta đã chế giễu anh. Marescal còn đây, người mà anh đã xác định là hy vọng có thể moi được của hấn những bí mật qua chuyện trò riêng với hắn và sự suy sụp của Marescal đã làm cho anh hơi xúc động.
Anh nói khi Marescal tỏ ra thất vọng:
– Đúng là một tai họa.
– Một tai họa! Tên cớm khẳng định.
– Thế ông không có một dấu vết nào à?
– Hoàn toàn không.
– Không có một dấu vết nào mới của tên tòng phạm?
– Tên tòng phạm nào?
– Tên đã cùng phối hợp vượt ngục ấy mà.
– Nhưng không phải là không có! Chúng tôi thấy những dấu giầy của hắn hầu như khấp nơi, chủ yếu là trong rừng cây, ấy mà lúc ra khỏi ga, trong một vũng bùn cạnh một vết giầy không gót, người ta còn thấy cả những vết giầy hoàn toàn khác… một nhỏ hơn… đế giầy nhỏ hơn.
Raoul kéo lê đôi giầy dính bùn của mình thu sâu vào sâu dưới gầm ghế, rồi có vẻ như rất quan tâm:
– Vậy thì phải có kẻ nào ở bên ngoài rồi!
– Chắc chắn có. Và theo tôi, cái tên nào đấy lấy cả xe của thầy thuốc để trốn với con mẹ giết người.
– Của thầy thuốc?
– Nếu không thì đã trông thấy ông ấy đến, ông thầy thuốc ý mà, có phải không nào? Và nếu người ta không trông thấy ông ấy thì chắc là ông đã bị xô xuống khỏi xe và bị vùi xuống một cái hố rồi.
– Một chiếc xe, thế thì đuổi kịp được đây.
– Ông nói sao?
– Những con ngựa của lính sen đầm…
– Tôi đã chạy đến lán, nơi người ta buộc ngựa và tôi đã nhảy lên lưng một con. Nhưng cái yên ngựa đã lật xuống và thế là tôi ngã ngay xuống đất.
– Ông nói gì lạ thế!
– Người coi ngựa ngủ gà ngủ gật và trong thời gian ấy người ta đã lấy hết dây cương lẫn đai buộc. Trong tình trạng như vậy thì không thể nào mà đuổi kịp được.
Raoul không thể nào nhịn được cười:
– Chà! Một tên địch thủ xứng tài với ông đấy!
– Một tay bậc thầy, ông ạ. Tôi đã có dịp theo dõi chi tiết một vụ mà Arsene Lupin chống lại Gamimard. Cái vụ tối nay cũng được dàn dựng với trình độ như vậy đấy!
Raoul không hề tỏ ra thương hại:
– Thực sự là một thảm họa. Bởi vì, xét cho cùng, ông đã tính toán nhiều cho tương lai của ông về vụ bắt bớ này phải không?…
– Nhiều chứ! Marescal nói, sự thất bại của hắn làm cho hắn càng muốn tâm sự nhiều hơn. Hắn thổ lộ – Tôi có những kẻ thù có thế lực ở Bộ, và việc bắt giữ con đàn bà này có thể nói là hợp thời ngay sau khi xảy ra vụ án. Nó giúp cho tôi đạt được vị trí cao hơn. Ông nghĩ xem!.. Tiếng vang của việc này! Thế mà lại xảy ra tai tiếng về con đàn bà phạm tội cải trang, lại trẻ, đẹp, nữa… mới tai hại chứ! Chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã làm rõ được vấn đề, thế rồi…
– Thế rồi sao?
Marescal hơi do dự, nhưng đã đến lúc mà không có lý do nào cản hắn nói ra và bày tỏ chính điều sâu kín trong tâm hồn của hắn, mặc dù có thể làm cho hắn hối hận. Vậy là hắn bộc tuệch ra hết:
– Thế rồi, điều ấy đã tăng gấp hai gấp ba lần quan trọng của thắng lợi mà tôi đã đạt được trên mặt trận đối địch đấy, ông ạ!
– Thắng lợi thứ hai, phải không? – Raoul nói như với vẻ cảm phục
– Đúng, cô gái người Anh đấy.
Raoul vẫn giữ thái độ hơi ngây ngô của mình và nhất là như muốn tỏ vẻ khâm phục tài năng của tên cớm mật thám. Anh hỏi:
– Ông có thể giải thích được không?
– Sao lại không? Ông sẽ được biết rõ hai giờ trước khi các vị quan viên đến. Thế thôi!
Marescal đã quá mệt mỏi, đầu óc lơ mơ nên không thận trọng, khác với thường ngày của hắn, đã ba hoa bép xép như một kẻ mới vào nghề. Hắn nghiêng người về phía Raoul và nói:
– Ông có biết cô gái người Anh ấy là ai không?
– Thế ông biết cô ấy à, ông cảnh sát trưởng?
– Ừ, tôi quen cô ấy mà lị! Chúng tôi vốn là bạn bè tốt của nhau. Đã sáu tháng qua tôi sống trong cái bóng của cô ấy, tôi bám sát cô ấy, tôi tìm những bằng chứng về cô ấy mà tôi chưa thể thu thập hết được!
– Về cô ấy à?
– Ờ, tất nhiên là về cô ấy, về Lady Bakefield. Một mặt là con gái của Lord Bakefield, thượng nghị sĩ nước Anh, và là tỉ phú, nhưng mặt khác là một tên nữ tặc, trộm cướp quốc tế, một tên cướp ngân hàng và thủ lĩnh của một băng cướp. Tất cả những cái ấy là thú vui của cô ta và là do tính tài tử của cô. Cô ấy cũng là một người rất tinh ranh, đã phát hiện ra tôi là ai. Khi tôi nói chuyện với cô, tôi cảm thấy cô rất ranh mãnh và cô cũng công nhận như vậy. Là một nữ tặc, tôi đã báo cho các sếp của tôi biết như thế. Nhưng làm thế nào để bắt được cô ấy? Mà từ hôm qua tôi mới nắm được cô ấy. Một người phục vụ cho ta làm ở khách sạn của cô báo cho tôi biết rằng hôm qua Miss Bakefield đã nhận được từ Nice một sơ đồ của biệt thự sắp bị cướp, biệt thự B… như người ta chỉ cho cô trong một bức phụ. Cô đã xếp những giấy tờ ấy trong một túi da nhỏ cùng với một số tài liệu khá mập mờ. Thế là cô đi miền Nam. Do vậy, tôi phải đi. Tôi nghĩ rằng ở đấy hoặc là tôi bắt cô khi phạm tội quả tang hoặc là tôi cầm được giấy tờ của cô. Tôi chẳng cần phải chờ đợi lâu. Bọn cướp đã giao cô cho tôi.
– Thế chiếc túi da?
– Cô ấy mang dưới áo, buộc vào người bằng một sợi cua-roa và bây giờ nó ở đây này – Marescal vừa nói vừa vỗ vào áo choàng ngang hông – Tôi đã có đủ thì giờ xem qua những giấy tờ ấy. Đây là những bằng chứng không thể chối cãi được. Vì đấy là kế hoạch, bản vẽ của biệt thự B… Trong ấy có chữ viết của cô ấy phê thêm bằng bút chì xanh, thờ gian: 28 tháng 4. Ngày 28 tháng 4 đúng là ngày thứ tư, tức là ngày kia.
Raoul không phải không có chút xót xa. Người nữ đồng hành xinh đẹp của anh trong một buổi tối mà lại là một nữ tặc! Và sự thất vọng của anh càng lớn hơn thế khi anh không thể phản đối lời buộc tội ấy mà nhiều chi tiết đã chứng minh. Ví phỏng có ai có thể giải thích được sự giỏi giang của cô gái người Anh? Tham gia vào một băng cướp quốc tế, cô có những dấu hiệu về những người này và những người khác, cho phép cô đoán được đằng sau Raoul là bóng dáng của Arsene Lupin.
Và có chắc để tin rằng ngay trước khi tắt thở, những lời cô cố gắng nói ra là những lời thú nhận và van xin của người phạm tội nói với Lupin: “Xin hãy bảo vệ danh dự giúp tôi… Xin đừng để ba tôi biết gì!… Mong huỷ hết giấy tờ của tôi…”
– Thế nào, ông cảnh sát trưởng, đấy là điều nhục cho gia đình cao quý nhà Bakefield?
– Ông muốn như thế nào? Marescal nói.
Raoul đáp lại:
– Ý kiến đây không làm cho ông khó chịu chứ? Và cùng ý kiến giao nộp một người đàn bà trẻ như người đàn bà vừa thoát khỏi chúng ta cho cơ quan pháp luật thì như thế nào? Vì cô ấy hoàn toàn trẻ phải không?
– Hoàn toàn trẻ và đẹp nữa.
– Và mặc dù thế?
– Ông ạ, mặc dù thế và mặc dù có thể có những sự cân nhắc, nhưng không bao giờ có gì ngăn cản được tôi hoàn thành phận sự của mình.
Hắn nói lên những lời ấy như một người mưu cầu phần thưởng về công trạng của mình, nhưng lương tâm nghề nghiệp vượt lên trên tất cả mọi ý nghĩ.
– Nói hay đấy, ông cảnh sát trưởng ạ – Raoul tán thưởng, hoàn toàn đánh giá rằng Marescal dường như lẫn lộn nhiệm vụ của mình với những việc khác, nhất là oán thù và tham vọng.
Marescal xem đồng hồ, thấy rằng mình còn được rỗi rãi, có thì giờ nghỉ ngơi trước khi người của cơ quan Kiểm sát đến.
Hắn hơi ngả người và ghi chép nguệch ngoạc mấy dòng lên cuốn sổ tav. Cuốn sổ nhanh chóng rơi xuống gần đầu gối của hắn và chẳng mấy chốc hắn chìm vào một giấc ngủ say.
Trước mặt hắn, Raoul ngắm nhìn hắn một hồi lâu. Từ khi gặp nhau trên tầu hỏa, trong trí nhớ của Raoul đã dần dần hiện lên những kỷ niệm chính xác về Marescal. Nó gợi lên một khuôn mặt mật thám rất mánh khoé, hay nói đúng hơn là khuôn mặt của một kẻ ham thích giàu sang. Hắn xung vào ngành cảnh sát vì thiên hướng và vì vui thích, nhưng cũng để phục vụ cho tính vụ lợi và lòng đam mê của hắn. Một con người có nhiều vận may. Như vậy, Raoul nhớ rất kỹ, một kẻ lăng nhăng tán gái, không phải lúc nào cũng thận trọng, chu đáo và được nhiều người đàn bà sủng ái. Khi gặp thời, con đường thăng quan tiến chức có khi mau chóng. Người ta chẳng nói rằng hắn được ân cần đón tiếp ngay tại nhà ông Bộ trưởng mà vợ của ông Bộ trưởng không lấy làm lạ về một số ân huệ không xứng đáng đó sao?
Raoul cầm lấy cuốn sổ tay rồi viết vào đấy, nhưng mắt không ngừng theo dõi tên mật thám.
Những nhận xét về Rodolpha Marescal:
“Viên chức lỗi lạc. Sáng kiến và tỉnh táo. Nhưng quá ba hoa. Cả tin đối với người mới đến mà không hỏi tên của người ấy, cũng không kiểm tra tình trạng của đôi giầy của anh ta, ngay cả không nhìn kỹ anh ta mà chỉ nhận xét là tốt qua diện mạo.
Hơi kém giáo dục. Vừa gặp cô gái từ hiệu bánh ngọt đi ra trên đại lộ Haussman đã làm quen, bắt chuyện, nói năng, không kể người con gái ấy như thế nào. Chỉ vài giờ sau gặp lại cô ấy cải trang đầy máu me trên áo, bị lính sen đầm canh giữ, đã không đảm bảo được an toàn khi không biết được tình trạng tốt xấu của ổ khoá ra sao, nên để cho một người nào đấy vào trong phòng, ngồi xổm sau những gói bưu kiện mà không hav biết gì.
Có lẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu người lạ mặt lợi dụng được những sai lầm thô thiển ấy, quyết định giữ kín cái biệt danh quý hoá của mình để không thừa nhận vai trò làm chứng và tố giác hèn hạ của hắn, để tự nắm lấy việc lạ lùng này, và nhờ vào những tài liệu trong chiếc túi da để cương quyết bảo vệ danh tiếng của cô Bakefield đáng thương và danh dự cho gia đình Bakefield, và, để dành về mình toàn bộ sức mạnh mà trừng phạt cô gái không quen biết có cặp mắt màu lục, không để cho ai được chạm đến một sợi tóc hoe của cô ấy, hay đòi cô phải giải thích vì sao máu dính đầy đôi tay tuyệt đẹp của cô”.
Thay cho chữ ký, Raoul gợi lại cuộc gặp gỡ của mình với Marescal trước cửa hàng bánh ngọt bằng hình vẽ một cái đầu của một người đàn ông đeo kính, ngậm điếu thuốc lá trên môi, và ghi mấy chữ “Có lửa không, Rodolphe?”
Tên cớm mật thám vẫn ngáy. Raoul đặt trở lại cuốn sổ tay lên đầu gối của hắn, rồi rút trong túi ra chiếc lọ nhỏ, mở nút, cho Marescal hít một mồi Coloroform. Mở mạnh. Đầu của Marescal ngả hẳn ra.
Raoul hoàn toàn tháo móc cài dây đeo túi da, thắt vào dưới chiếc vét-tông của anh.
Đúng lúc ấy, một chuyến tầu chở hàng chạy qua với tốc độ chậm. Raoul hạ cửa kính xuống, nhảy từ bậc lên xuống của toa tầu này sang bậc lên xuống của con tầu đang chạy mà không ai trông thấy. Anh ngồi thoải mái vào dưới tấm bạt của xe chở táo.
Anh nghĩ:
“Một người đàn bà kẻ cướp bị giết chết và một người đàn bà ghê tởm nhưng đáng mến, ta chấp nhận che chở nàng. Tại sao? Quỉ quái thật, ta phải lao vào cuộc phiêu này ư? Nó sẽ còn tiếp diễn đến khi nào?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.