Tuyển Tập Arsene Lupin

NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA ASÈNE LUPIN – MỘT – LÁ BÀI BẢY CƠ



Thường người ta hỏi tôi: “Làm sao quen được với Arsène Lupin?” Ai cũng biết tôi quen anh ta vì với những chi tiết tôi thu thập được từ con người đó, những sự việc tôi nêu ra, những bằng chứng do tôi kể lại, giải thích rõ những hành tung bí mật – nếu tôi không được chứng kiến thì cũng có được nhờ quan hệ bè bạn với anh.
Nhưng tôi quen anh ta trong trường hợp nào? Do đâu tôi trở thành người kể chuyện về Arsène Lupin chứ không phải về một người nào khác?
Câu trả lời đơn giản thôi: Một sự tình cờ đưa tôi đến sự quen biết đó, dù tôi có xứng đáng hay không cũng chẳng quan hệ gì. Sự tình cờ đã dẫn tôi vào một trong những cuộc phiêu lưu kỳ lạ và bí mật của Arsène Lupin; vì tình cờ mà tôi là một vai trong vở kịch do anh đạo diễn, một vở kịch khó hiểu, phức tạp, có nhiều diễn biến đến mức tôi thấy lúng túng khi kể lại câu chuyện này.
Màn đầu xảy ra trong đêm 22 sáng 23 tháng sáu mà người ta đã nói đến nhiều. Hôm ấy tôi trở về nhà với một trạng thái bất thường. Chúng tôi ăn tối với bạn bè ở nhà hàng suốt buổi, trong khi hút thuốc và ban nhạc Di-gan đang chơi những điệu van lãng mạn, chúng tôi chỉ nói chuyện về những vụ án mạng, trộm cướp, những âm mưu tối tăm đáng sợ. Việc ấy bao giờ cũng gây những ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ sau đó.
Ăn xong, một số bạn ra về bằng ô tô. Jean Daspry – anh chàng đẹp trai và vô tư – (người mà sáu tháng sau bị giết một cách bi thảm ở biên giới Mathilde rốc) và tôi đi bộ về trong đêm tối nóng nực. Đến trước ngôi nhà nhỏ tôi ở đã một năm nay trên đường Maillot, anh hỏi tôi:
– Anh không sợ à?
– Nói gì lạ vậy?
– Này, ngôi nhà tách biệt quá, không có xóm làng… đất đai trống trải… Tôi không phải nhát gan nhưng thực ra…
– Ồ, anh luôn vui tính đấy chứ?
– Chà! Tôi nói đùa ấy, cũng như những điều khác thôi. Mấy ông bạn tôi gai người vì những chuyện cướp bóc.
Bắt tay tôi, anh bước đi. Tôi lấy chìa khóa mở cửa, lẩm bẩm:
– Cậu giúp việc quên thắp nến rồi!
Chợt nhớ lại: Người giúp việc đi vắng vì tôi cho anh nghỉ phép. Bóng tối vắng lặng gây một cảm giác khó chịu, tôi dò bước lên phòng thật nhanh và trái với thói quen hàng ngày, tôi vặn khóa, đẩy chốt cửa. Châm đèn lên, ánh sáng mang lại cho tôi can đảm; tôi lấy khẩu súng tay trong bao ra, một khẩu súng to nòng dài, để bên cạnh giường nằm. Đề phòng như thế tôi yên tâm nằm xuống và như thường lệ, để dễ ngủ tôi cầm lấy cuốn sách vẫn để trên bàn đêm. Tôi ngạc nhiên vì ở chỗ chặn giấy đánh dấu hôm trước là một chiếc phong bì đóng năm dấu xi đỏ. Tôi cầm nhanh lấy, phong bi ghi địa chỉ tên họ tôi kèm theo chữ “Khẩn!”
Một bức thư gửi cho tôi! Ai có thể để vào chỗ này? Hơi cáu, tôi xé phong bì đọc:
“Kể từ lúc mở thư này, dù có việc gì xảy ra, dù anh có nghe thấy gì cũng không được động đậy, không một cử chỉ, tiếng kêu. Nếu không anh sẽ bị thiệt mạng!”
Tôi không nhát gan và như bất cứ ai khác, biết đương đầu với nguy hiểm thực sự hoặc đùa cười với ảo tưởng tai họa tự mình suy diễn. Nhưng, xin nhắc lại, tôi đang trong trạng thái tâm trí không bình thường, thần kinh căng thẳng, dễ xúc động. Hơn nữa trong việc này có cái gì đó khó hiểu làm những người can đảm nhất cũng lung lay.
Tay nắm chặt tờ giấy, tôi đọc đi đọc lại những câu dọa dẫm “Không được động đậy… không, một cử chỉ, tiếng kêu… Nếu không anh sẽ bị thiệt mạng…” Tôi suy nghĩ: “Chà, đúng là một trò đùa, trò hề ngu ngốc!” Tôi suýt cười, thậm chí muốn cười to lên. Ai ngăn cấm được? Có mối sợ hãi vô hình nào chẹt họng tôi lại? Ít nhất tôi cũng phải thổi tắt nến! Không thổi được, “Không một cử chỉ…”, người ta viết như vậy. Nhưng, tại sao phải đấu tranh với những loại tự kỷ ám thị thường gay cấn hơn những việc cụ thể? Chỉ nên ngủ thôi và tôi nhắm mắt lại.
Đúng lúc đó một tiếng động lướt nhẹ trong vắng lặng và những tiếng lắc rắc hình như từ phòng bên cạnh là phòng làm việc, cách phòng ngủ của tôi một tiền sảnh.
Một tai nạn có thực kích thích tôi và tôi muốn đứng lên, nắm lấy súng nhảy ra phòng ngoài. Nhưng tôi không dứng dậy vì trước mặt, chiếc màn cửa sổ bên trái lay động, vẫn lay động và tôi thấy giữa chiếc màn và cửa sổ, một hình người làm không gian chật hẹp đó nổi cộm lên. Người ấy hẳn trông thấy tôi qua những mắt vải rộng. Bây giờ thì tôi hiểu ra tất cả. Trong lúc đồng bọn khiêng vác đồ đạc cướp đi thì hắn đứng đó khống chế tôi. Tôi có nên nắm lấy khẩu súng đứng dậy? Không thể được… Hắn đứng đó và một cử động nhỏ của tôi, môt tiếng kêu nhỏ là tôi thiệt mạng!
Một tiếng động mạnh làm rung chuyển nhà, tiếp theo là từng hai, ba tiếng một như búa nện vào những khối nhọn dội lại hay ít nhất là trong đầu tôi hình dung ra thế. Và những tiếng động khác xen lẫn, tiếng ồn thực sự như người ta đang bình tĩnh làm việc, không e ngại gì.
Họ cũng có lý khi làm như vậy vì tôi không nhúc nhích khỏi giường nằm. Không biết có phải hèn nhát không? Không, vì thực ra tôi bị loại trừ, bất lực hoàn toàn, cũng là khôn ngoan nữa vì chống lại thế nào được? Phía sau kẻ đứng đây còn có những kẻ khác ập đến khi hắn kêu lên. Cần gì phải liều mình vì vài tấm thảm và một ít đồ đạc.
Cứ thế suốt đêm, tình trạng bị hành hạ kéo dài, một sự lo âu khủng khiếp. Tiếng động ngắt nhưng tôi vẫn chờ đợi nó lặp lại, vẫn lo sợ nhìn vào người đứng canh chừng tôi, tim đập mạnh, mồ hôi toát đầy trán và khắp người.
Bỗng hạnh phúc khó tả đến với tôi: chiếc xe mang sữa – mà tôi đã quen tiếng – bắt đầu đi qua đường, bình minh xuyên qua cửa sổ, bên ngoài trời sáng dần.
Ánh sáng vào trong phòng, nhiều chiếc xe khác đi qua, mọi hình ảnh ma quái của bóng đêm tan dần. Tôi đưa nhẹ một cánh tay lên bàn, dần dà, lén lút. Không có gì động đậy. Tôi ngắm nếp gấp của chiếc màn cửa, tính toán các động tác chính xác, nhanh chóng nắm lấy khẩu súng bắn một phát rồi nhảy ra khỏi giường với tiếng kêu thoát nạn và chạy lại phía chiếc màn. Tấm vải bị rách, kính cửa thủng còn con người thì tôi bắn không trúng vì lẽ không có người. Không có ai cả! Suốt đêm tôi bị nếp gấp của chiếc màn thôi miên hay sao? Trong lúc đó thì những tên bất lương… Giận dữ, với tốc độ không gì cản được, tôi cho khóa vào ổ, mở cửa đi qua tiền sảnh, mở cửa phòng làm việc nhảy xổ vào.
Nhưng tôi sững sờ ngừng lại ở cửa, hổn hển, choáng váng, còn kinh ngạc hơn khi không thấy người đứng sau màn cửa sổ: Không gì bị mất mát cả! Những vật tôi hình dung bị khuân đi như tranh vẽ, những đồ gỗ, mấy tấm nỉ và lụa cũ, tất cả đều còn đấy!
Tôi không tin ở mắt mình nữa, câu chuyện thật khó hiểu! Rõ ràng có tiếng ầm ĩ, tiếng chuyển đồ đạc kia mà! Tôi đi vòng quanh phòng, xem kỹ những bức tường, thống kê lại những đồ vật vốn đã quen thuộc thì không thiếu gì cả. Cái làm tôi bối rối hơn nữa là không có gì chứng tỏ bọn vô lại đã vào đây; không chứng tích một vết chân tay, không một chiếc ghế sai chỗ!
Hai tay ôm đầu. tôi tự nhủ: “Thế nào vậy? Mình không phải một thằng điên, nghe rõ lắm mà!…”
Tôi quan sát tỉ mỉ, từng tí một khắp gian phòng. Vô ích… Cũng có thể cho là một phát hiện: dưới tấm thảm nhỏ trên sàn tôi nhặt được một lá bài. Một con bảy cơ, giống như mọi con bảy cơ trong các cỗ bài nhưng một chi tiết lạ làm tôi chú ý: đầu nhọn của bảy hình cơ đó có lỗ nhỏ, tròn, do đầu dùi xuyên qua.
Tất cả chỉ có thế. Một lá bài và một bức thư trong cuốn sách, ngoài ra không có gì hết. Phải chăng như vậy đã đủ để xác nhận tôi là một trò chơi trong mộng?
Suốt ngày tôi tìm kiếm trong phòng. Gian phòng lớn, không cân đối với kích cỡ nhỏ hẹp của ngôi nhà; sự trang trí chứng tỏ sở thích kỳ dị của người bố trí. Trần nhà theo kiểu những hình nhỏ nhiều màu hợp thành những hình rộng cân đối. Tường là những tranh bích họa thời cổ. Một tượng thần Ma-men ngồi trên thùng rượu; một tượng Hoàng đế đầu quấn vòng vàng, rậm râu, tay phải cầm thanh gươm ngắn. Gần như trong xưởng thợ, phía trên cao độc nhất có một cửa sổ mở rộng, ban đêm bao giờ cũng đóng chắc và trên sân đất nện không có dấu chân thang, cỏ ở đám đất trông bao quanh ngôi nhà cũng không bị xéo nát.
Thú thực tôi không có ý định báo cảnh sát vì những hiện tượng sẽ phải trình bày có vẻ không rõ, phi lý, họ sẽ cười tôi. Nhưng hôm sau đến phiên viết phóng sự, tôi kể lại từ đầu đến cuối sự việc lên báo. Có nhiều người đọc nhưng họ không chú ý lắm, cho là một việc tưởng tượng. Daspry có khả năng nhất định về việc này đến thăm tôi, nghe kể lại, có nghiên cứu… nhưng cũng không kết quả.
Một buổi sáng có tiếng chuông cổng, người giúp việc vào báo có một ông đến gặp tôi, không xưng tên. Tôi cho mời vào. Một người khoảng tứ tuần, da nâu, gương mặt cương quyết, quần áo sạch sẽ nhưng đã cũ chứng tỏ con người chú ý đến ăn mặc, trông mâu thuẫn vói phong cách có vẻ thô lỗ. Không rào đón gì, ông ta nói với tôi, tiếng khàn khàn, giọng nói xác minh được địa vị xã hội của người đó:
– Thưa ông, tôi đang đi du lịch, khi ngồi trong quán cà phê tôi đọc được cột báo của ông thấy rất thích…
– Xin cảm ơn ông.
– Và tôi trở lại. Vâng, để trao đổi với ông. Mọi việc ông kể đúng cả đấy chứ?
– Đúng tuyệt đối.
– Không có chi tiết nào do ông nghĩ ra?
– Không một chi tiết nào.
– Nếu vậy tôi có thể cung cấp cho ông một số tin.
– Tôi xin nghe ông.
– Trước khi nói tôi phải thẩm tra lại xem có đúng không đã.. Tôi phải ở lại một mình trong phòng.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta:
– Tôi không hiểu…
– Đó là một ý kiến nảy ra trong khi đọc cột báo của ông. Một số chi tiết trùng hợp lạ lùng với một sự cố khác tình cờ tôi được biết. Nếu nhầm, tôi không nói sẽ hay hơn. Và cách độc nhất để biết là tôi phải ở lại một mình…
Đề nghị này có ý gì đây? Sau này nhớ lại tôi thấy khi trình bày người ấy có vẻ không yên tâm, cảm giác lo lắng. Nhưng lúc ấy tuy có phần lạ lùng, tôi thấy đề nghị của ông ta không có gì đáng ngại lắm. Vả lại cũng do tò mò, tôi trả lời:
– Được rồi, ông cần bao lâu?
– Ồ, không quá ba phút. Sau ba phút nữa tôi gặp lại ông. Tôi ra ngoài, rút đồng hồ xem: một phút trôi qua, hai phút. Vì sao tôi cảm thấy gò bó, những giây phút này đối với tôi sao có vẻ long trọng hơn những lúc khác? Hai phút rưỡi… Hai phút bốn mươi giây… Đột nhiên một phát súng.
Chỉ mấy bước tôi nhảy vào và thốt lên một tiếng kêu hoảng sợ. Giữa phòng, người đó nằm dài ra, im lặng, nghiêng về bên trái, máu từ trán chảy ra lẫn với óc. Gần nắm tay, một khẩu súng đang bốc khói. Một cơn co giật và thế là hết.
Nhưng có cái gì đó tác động đến tôi hơn cảnh tượng hãi hùng đó, một cái gì đó khiến tôi chưa kêu cứu ngay mà còn quỳ xuống xem ông ta còn thở không. Cách đấy hai bước có một lá bài bảy cơ trên mặt sàn! Tôi nhặt lên thấy bảy đầu nhọn của bảy hoa đỏ đều có lỗ thủng…
Nửa giờ sau, cảnh sát trưởng đến, bác sĩ pháp y rồi trưởng ban an ninh, ông Dudouis. Tôi đã cẩn thận không đụng vào tử thi nên dấu vết ban đầu không có gì sai lạc. Việc khám nghiệm nhanh chóng, rất nhanh chóng, vì người ta không thấy gì hoặc rất ít. Trong túi áo người chết không có giấy tờ, quần áo, khăn mặt không có chữ đầu tên gọi. Tóm lại, không có một dấu hiệu nào xác định được lý lịch ông ta. Trong phòng, bàn ghế không xáo trộn, đồ đạc vẫn nguyên như cũ. Tuy nhiên ông này đến nhà tôi không phải để bắn vào đầu, vì rằng chỗ ở của tôi thích hợp với việc tự sát hơn chỗ nào khác? Phải có một lý do quyết định nào đó đưa đến hành động tuyệt vọng này, do ông ta nhận ra một hiện tượng gì trong ba phút ở một mình trong phòng.
Việc gì vậy? Ông ta nhận ra cái gì, thấy gì? Ông ta biết được hiện tượng bí mật nào? Không thể dự đoán được.
Cuối buổi có một tình huống liên quan đáng kể: Khi hai cảnh sát viên cúi xuống nâng tử thi lên băng ca, họ thấy nắm tay trái của ông ta duỗi ra và một tấm danh thiếp nhầu nát rơi xuống. Tấm danh thiếp ghi: “Georges Andermatt, 37 đường Borry”.
Thế là sao? Georges Andermatt là một chủ ngân hàng lớn ở Paris, người sáng lập và là giám đốc một nhà băng có ảnh hưởng nhiều đến kỹ nghệ luyện kim ở Pháp. Ông chi tiêu hào phóng, có xe tứ mã, xe hơi và cả đàn ngựa đua. Ông quan hệ rộng và người ta thường vẫn ca tụng bà vợ rất đẹp, duyên dáng của ông.
Tôi lẩm bẩm:
– Tên người chết đấy ư?
Ông Cảnh sát trưởng cúi xuống nhìn:
– Không phải, ông Andermatt là một người xanh xao, tóc lốm đốm hoa râm.
– Thế tấm danh thiếp này?
– Điện thoại của ông đâu?
– Ở phòng trước. Mời ông theo tôi.
Ông tìm trong danh bạ và bấm 415-21:
– Ông Andermatt có ở nhà không? Nhờ nói giúp ông Dudouis mời ông ấy tới gấp nhà 102, đường Maillot. Khẩn đấy!
Hai mươi phút sau, ông Andermatt đi xe đến. Ngươi ta nói lý do mời ông tới và dẫn lại trước tử thi. Một phút xúc động làm ông nhăn mặt, nói nhỏ như tự bộc phát:
– Etinne Varin…
– Ông biết ông ta à?
– Không… hoặc có cũng được, nhưng chỉ trông thấy thôi. Em ông ta…
– Ông ta có một người em?
– Y tên là Alfed Varin… trước đây có đến chỗ tôi, không nhớ vào dịp nào đó.
– Ông ta ở đâu?
– Hai anh em cùng nhà… hình như ở đường Provence.
– Ông có đoán được lý do ông ấy tự sát không?
– Không chút nào.
– Thế tấm danh thiếp ông ta nắm trong tay? Danh thiếp tên ông…
– Tôi cũng không hiểu ra sao. Có thể chỉ là tình cờ. Việc điều tra sẽ làm rõ.
– Tôi nghĩ sự tình cờ thật lạ lùng và cảm thấy mọi người cũng nghĩ thế.
Hôm sau đọc báo tôi cũng thấy ý nghĩ đó cả ở những người tôi kể chuyện về vụ này. Trong những bí mật phức tạp của vụ này, hai lần phát hiện lá bài bảy cơ thủng bảy lỗ, hai hiện tượng bí hiểm ở nhà tôi, tấm danh thiếp này cho thấy một chút tia sáng và qua nó người ta có thể tìm ra sự thật.
Nhưng trái với dự kiến, ông Andermatt không cung cấp một thông tin nào. Ông nhắc lại:
– Tôi đã nói những điều tôi biết, người ta còn muốn gì nữa? Tôi là người đầu tiên kinh ngạc vì sao có tấm danh thiếp của mình trong tay người đó và cũng chờ điểm này được làm sáng tỏ.
Không sáng tỏ được. Cuộc điều tra cho thấy anh em Varin gốc Thụy Điển, có nhiều tên khác nhau, sống một cuộc đời nhiều biến động, thường lui tới các sòng bạc, có quan hệ với một băng nhóm nước ngoài mà cảnh sát đã theo dõi, phân tán sau một loạt vụ trộm mà sau này người ta biết hai anh em này có tham gia. Tại số nhà 24 đường Provence anh em Varin ở cách đây sáu năm, không ai biết hiện giờ họ ở đâu.
Riêng tôi cho sự kiện này quá rắc rối không giải quyết nổi và cố gắng không nghĩ đến nữa.
Ngược lại, Daspry thời gian này tôi thường gặp hơn, lại tỏ ra ngày càng thiết tha. Chính anh đưa cho tôi tin và bình luận của một tờ báo nước ngoài như sau:
“Với sự chứng kiến của nhà vua, người ta sẽ thực hiện tại một địa điểm bí mật việc thử nghiệm một chiếc tàu ngầm làm đảo lộn những điều kiện trong chiến tranh thế giới. Một sơ hở làm chúng tôi biết được chiếc tàu tên là Bảy Cơ”.
Bảy Cơ? Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay phải xây dựng một mối liên quan giữa những tình huống kể trên và chiếc tàu ngầm? Những liên quan ra sao? Những việc xảy ra ở đây có dính dáng gì đến việc xảy ra ở đấy?
Daspry nói với tôi: – Anh biết không, những hậu quả phân tán thường lại từ một nguyên nhân duy nhất đấy!
Hôm sau một tin khác đến với chúng tôi:
“Người ta cho rằng đồ án về tàu ngầm Bảy Cơ, chiếc tàu đang được thực nghiệm, do những kỹ sư Pháp thiết kế. Những kỹ sư này yêu cầu trong nước giúp đỡ không được đã đề nghị Hạm đội Anh tài trợ nhưng cũng chưa có kết quả gì. Chúng tôi đưa tin này trong một chừng mực nhất định.
Tôi không dám nhấn mạnh những việc quá tế nhị lúc đó gây nên một dự cảm quan trọng. Nhưng mọi nguy hiểm phức tạp đã qua, tôi đề cập đến một bài báo của tờ Tiếng Vang đã làm dư luận xôn xao, nêu ra vài ánh sáng mơ hồ về vấn đề Bảy Cơ. Bài báo ký tên Salvator viết như sau:
“Vấn đề Bảy Cơ, một góc màn bí mật được vén lên.
Chúng tôi vắn tắt sự việc: Cách đây mười năm một kỹ sư trẻ tuổi Louis Lecombe, muốn dành thời gian, tiền của vào công trình nghiên cứu đang theo đuổi, đã xin nghỉ việc và thuê ngôi nhà số 102 đường Maillot của một bá tước người Ý vừa xây dựng xong. Qua môi giới là anh em Varin mà một người giúp việc, người kia tìm người tài trợ, anh quan hệ với ông Georges Andermatt, người vừa thành lập một hãng buôn kim khí.
Sau nhiều lần bàn bạc, kỹ sư trẻ tập trung vào một đồ án tàu ngầm trước đây anh đã làm và thỏa thuận khi hoàn thành đồ án, ông Andermatt sẽ dùng ảnh hưởng của mình để đề nghị Bộ Hàng hải cho tiến hành một loạt thí nghiệm.
Trong hai năm Lecombe thường xuyên đến nhà ông Andermatt trao đổi với ông chủ ngân hàng này tiến trình của đồ án, cho đến một hôm hài lòng đã tìm ra công thức cuối cùng, anh đề nghị ông Andermatt cho bố trí làm thực nghiệm.
Hôm đó Lecombe ăn tối ở nhà ông Andermatt, ra về lúc mười một giờ rưỡi và từ đó người ta không gặp lại anh nữa. Đọc lại báo chí thời đó thì gia đình chàng trai có trình báo, vụ việc cũng được tòa án cứu xét nhưng không đi đến kết luận rõ ràng. Nói chung người ta cho rằng Louis Lecombe vốn là chàng trai đặc biệt và phóng túng, đã đi du lịch mà không nói với ai.
Chúng ta chấp nhận giả thuyết… không thực tế này. Nhưng một câu hỏi quan trọng được đặt ra: đồ án về tàu ngầm ra sao rồi? Lecombe có mang theo không? Có bị hủy đi không?
Qua cuộc điều tra rất nghiêm túc, chúng tôi xác nhận những bản đồ án ấy đang ở trong tay anh em Varin. Họ có bằng cách nào chúng tôi chưa điều tra được và cũng không biết vì sao họ bán đi. Phải chăng sợ người ta hỏi vì sao mà có? Họ cũng không còn lo sợ như thế nữa vì chúng tôi có cơ sở để xác định những đồ án của Louis Lecombe hiện là sở hữu của một lực lượng nước ngoài và chúng tôi đủ tư cách công bố văn bản trao đổi giữa anh em Varin và đại diện lực lượng đó về việc này. Bây giờ đây tàu ngầm Bảy Cơ do Lecombe sáng chế đang được nước láng giềng của chúng ta thực nghiệm.
Thực tế có được như dự kiến lạc quan của những người tham gia vào vụ phản bội này không? Chúng tôi hy vọng sẽ ngược lại”.
Phần tái bút viết thêm:
“Tin giờ chót: Theo nguồn tin riêng đáng tin cậy của chúng tôi, những thực nghiệm về tàu ngầm Bảy Cơ không được thỏa mãn. Có thể những đồ án do anh em Varin cung cấp thiếu tài liệu cuối cùng mà Louis Lecombe giao lại cho ông Aldermatt tối hôm anh mất tích, tài liệu cần thiết để tổng hợp toàn bộ đồ án, một bản tóm tắt trong đó là những kết luận cuối cùng, những đánh giá và số đo của những tài liệu kia. Không có tài liệu đó, những đồ án sẽ không hoàn chỉnh; mặt khác không có đồ án, tài liệu trở thành không có giá trị.
Như vậy vẫn còn thời gian để lấy lại những gì thuộc về chúng ta. Trong công việc khó khăn này chúng tôi dựa nhiều vào sự hợp tác của ông Andermatt, thực lòng giải thích cho thái độ khó hiểu của ông từ đầu. Ông cho biết vì sao ông không kể lại những gì mình biết khi Etinne Varin tự sát và không tố cáo việc mất những giấy tờ quan trọng mà ông biết đã bị mất. Ông cho biết tại sao ông thuê riêng người theo dõi anh em Varin đã sáu năm nay?
Chúng tôi chờ đợi hành động của ông. Nếu không…”
Sự de dọa thật nghiêm trọng, nhưng về việc gì đây? Salvator, tác giả bài báo dùng uy lực gì để khống chế Andermatt?
Một loạt phóng viên xông vào người chủ ngân hàng và những cuộc phỏng vấn nói lên thái độ khinh thị của ông về trường hợp đó. Tiếp theo là lời đáp lại của thông tín viên báo Tiếng Vang: “Dù muốn hay không, kể từ nay ông Andermatt là người cộng tác với chúng tôi trong công việc chúng tôi đã nêu ra”.
Hôm có sự phản ứng ấy trên báo, Daspry và tôi cùng ăn tối với nhau. Báo chí trải đầy bàn, chúng tôi tranh luận về vụ đó, bực bội thay sự việc càng tối tăm và gặp nhiều trở ngại.
Bỗng nhiên không có người giúp việc báo trước, chuông cửa không reo mà cửa phòng tôi bật mở, một người đàn bà trùm khăn bước vào.
Tôi đứng lên bước tới. Bà hỏi:
– Ông ở đây phải không, thưa ông?
– Thưa bà vâng. Nhưng thú thật…
– Cửa sắt ra đường không đóng. Bà giải thích.
– Nhưng cửa phòng ngoài?
Bà không trả lời và tôi cho là bà đi vòng cầu thang sau. Như vậy, bà biết đường đi vào nhà? Không khí im lặng, lúng túng. Bà nhìn Daspry. Tuy không muốn lắm nhưng là trong phòng khách, tôi giới thiệu anh rồi mời bà ngồi, để nghị cho biết mục đích đến thăm.
Bà cởi khăn trùm. Tóc nâu, gương mặt đều đặn và nếu không đẹp thì cũng có sức cám dỗ mãnh liệt ở đôi mắt trang nghiêm và hơi buồn.
Bà chỉ nói: – Tôi là bà Andermatt.
Tôi càng ngạc nhiên, lặp lại: – Bà Andermatt?
Lại im lặng, bà nói tiếp giọng bình tĩnh và thái độ rất tự nhiên:
– Tôi đến về sự kiện đó… Tôi nghĩ có thể hy vọng ở ông một số lời chỉ dẫn.
– Trời! Thưa bà, tôi không biết gì hơn những điều người ta đưa lên báo chí. Xin cho biết rõ tôi có thể giúp được gì cho bà?
– Tôi không biết… Tôi không biết..
Lúc ấy tôi linh cảm sự bình tĩnh của bà chỉ là giả tạo, dưới vẻ tuyệt đối yên tĩnh kia che giấu một sự bối rối. Daspry từ nãy đến giờ không ngừng xét đoán bà, lại gần nói:
– Thưa bà, bà cho phép tôi hỏi vài câu?
– Ồ vâng, như thế tôi có thể nói lên được.
– Dù những câu hỏi ra sao bà cũng trả lời chứ?
– Vâng.
Anh suy nghĩ, và lên tiếng:
– Bà biết Louis Lecombe chứ?
– Vâng, biết qua chồng tôi.
– Bà gặp anh ấy lần cuối cùng vào lúc nào?
– Buổi tối hôm ấy anh ăn cơm ở nhà chúng tôi.
– Tối đó không có điều gì khiến bà nghĩ sẽ không gặp lại anh ta?
– Không, anh có đề cập đến một chuyến du lịch Nga nhưng rất mơ hồ.
– Và bà chắc sẽ còn gặp lại anh?
– Vâng, vào bữa ăn tối hôm sau.
– Thế bà cho vì sao có việc mất tích này?
– Tôi cũng không hiểu.
– Ông Andermatt thì sao?
– Tôi không rõ.
– Nhưng… trang báo Tiếng Vang muốn nói….
– Muốn nói anh em Varin không lạ gì việc mất tích này.
– Bà nghĩ như thế à?
– Vâng.
– Dựa vào đâu bà khẳng định điều đó?
– Khi ra về Louis Lecombe cầm một cặp giấy đựng những tài liệu về đồ án của anh. Hai ngày sau, một anh Varin – người hiện còn sống, có cuộc gặp mặt với chồng tôi và chồng tôi có bằng chứng những tài liệu ấy ở trong tay anh em Varin.
– Vậy mà ông không tố cáo họ. Vì sao thế?
– Vì trong cặp giấy, ngoài những tài liệu về đồ án còn có cái khác nữa.
– Cái gì vậy?
Bà ngập ngừng, định trả lời nhưng lại im lặng. Daspry tiếp tục:
– Do đó chồng bà cho theo dõi anh em Varin mà không báo cảnh sát. Ông hy vọng lấy lại tài liệu và cả cái đó… họ có thể phát giác, tống tiền, nguy hiểm cho ông.
– Nguy hiểm cho ông… và căn bản là cho tôi.
Daspry quan sát bà, đi mấy bước rồi trở lại, đứng trước mặt bà:
– Bà có viết thư cho Louis Leeombe à?
– Có… Chồng tôi quan hệ với anh ấy…
– Ngoài thư từ về công việc, bà tha lỗi cho vì tôi gạn hỏi? Nhưng tôi cần biết sự thật. Bà có viết những thư khác không?
Đỏ mặt, bà thì thầm:
– Có.
– Và đó là những bức thư anh em Varin có trong tay?
– Vâng.
– Ồ! Ông Andermatt có biết không?
– Chồng tôi không thấy những bức thư đó nhưng Alfred Varin cho biết là họ có và dọa sẽ công bố nếu ông làm việc gì chống lại ho. Chồng tôi lùi bước trước chuyện xấu hổ ấy. Ông sợ.
– Nhưng ông làm mọi cách để lấy lại những bức thư?
– Ông làm mọi cách… ít ra tôi cũng đoán thế vì từ cuộc gặp mặt sau cùng với Alfred Varin, ông nặng nề kể lại mấy lời với tôi và giữa chồng tôi với tôi không còn thân mật, tin cậy nữa; chúng tôi sống với nhau như những người lạ.
– Trường hợp ấy nếu không mất mát gì thì vì sao bà sợ?
– Dù có trở nên lãnh đạm đến mấy tôi cũng là người ông đã yêu, vẫn còn có thể yêu… Bà thì thẩm giọng khẩn thiết: Tôi chắc chắn ông sẽ còn yêu tôi nếu không nắm được những bức thư dại dột đó.
– Thế nào? Như vậy anh em Varin đề phòng cẩn thận à?
– Vâng. Thậm chí họ tự phụ có một chỗ giấu chắc chắn.
– Rồi sao?
– Tôi ngờ rằng chồng tôi đã khám phá ra chỗ giấu!
– Chỗ ấy ở đâu?
– Ở đây.
Tôi giật mình:- Ở đây ư?
– Vâng. Tôi luôn ngờ thế. Louis Lecombe có nhiều sáng kiến say mê máy móc, thường để thì giờ mày mò làm những chiếc hộp, những ổ khóa. Anh em Varin có thể đã bắt gặp và sau này dùng một trong những chỗ ấy để giấu những bức thư, và chắc có những vật khác nữa.
Tôi kêu lên:
– Nhưng họ không ở đây kia mà?
– Trước khi ông đến đây, ngôi nhà này không có người ở trong bốn tháng. Chắc họ đã giấu vào đâu đó và nghĩ khi đến lấy lại cũng chẳng trở ngại gì nhiều. Nhưng đêm 22 sáng 23 tháng sáu chồng tôi đến mở chỗ bí mật lấy đi những thứ ông tìm rồi để tấm danh thiếp lại báo cho anh em Varin biết vai trò đã thay đổi, ông không sợ họ nữa. Hai ngày sau biết tin qua báo chí, Etinne Varin vội vã đên đây, vào một mình trong phòng, thấy chỗ giấu rỗng nên tự sát.
Sau một lúc, Daspry hỏi:
– Đấy chỉ là dự đoán thôi, phải không? Ông Andermatt không nói gì với bà, thái độ đối với bà không có gì thay đổi chứ?
– Vậy là ai?
– Con người bí mật đang quan tâm nhiều đên vụ này, đang nắm mọi đầu mối đi đến đích mà chúng ta chỉ thấy rất phức tạp, con người bí mật hành động mạnh mẽ ngay từ giờ phút đầu. Chính ông ta và người của ông vào nhà này, đêm 22 tháng sáu, tìm ra chỗ cất giấu, đế lại tấm danh thiếp của ông Andermatt, đã nắm được quan hệ và bằng chứng về sự phản bội của anh em Varin.
– Người ấy là ai? Tôi sốt ruột ngắt lời.
– Thông tín viên báo Tiếng Vang, Salvator! Phải chăng anh ta đã viết lên báo những chi tiết mà chỉ người nắm được những bí mật của anh em Varin mới biết?
Bà Andermatt lo sợ, ấp úng:
– Nếu thế anh ta đã có những bức thư của tôi và đến lượt anh ta sẽ đe doạ chồng tôi! Làm sao bây giờ?
Daspry dõng dạc: – Bà nên tin cậy ở anh ta, viết thư cho anh kể những gì bà biết và những gì có thể biết thêm.
– Ông nói sao?
– Chồng bà có tài liệu bổ sung để những đồ án của Louis Lecombe trở thành hiện thực?
– Vâng.
– Báo cáo cho anh ta biết đi, cần thiết thì tìm những tài liệu ấy cho Salvator. Bà ngại gì mà không viết thư cho anh ta?
Lời khuyên nhìn qua có vẻ táo bạo, thậm chí nguy hiểm nhưng bà Andermatt không còn con đường nào khác, vả lại, như Daspry nói, bà ta ngại gì? Nếu người ấy là thù địch thì việc đó cũng không làm tình thế nặng nề hơn. Nếu theo đuổi một mục đích riêng thì những bức thư đối với anh ta không quan trọng. Trong lúc đang lo lắng, bà Andermatt sẵn sàng hợp tác. Bà rụt rè cám ơn chúng tôi và hứa sẽ thông báo sau.
Quả nhiên ngày hôm sau bà gửi cho chúng tôi câu trả lời của Salvator như sau:
“Những bức thư không có trong đó nhưng rồi tôi sẽ tìm được, bà yên tâm. Tôi cố lưu ý đến tất cả các mặt.”
Tôi cầm tờ giấy. Chữ viết đúng như chữ trong mảnh giấy bỏ vào cuốn sách đầu giường tôi đêm 22 tháng sáu.
Daspry nói đúng. Salvator là người đạo diễn vụ này. Chúng tôi bắt đầu trao đổi về một số điểm bí ẩn mà chúng tôi đã có nhiều tia sáng bất ngờ. Những điểm khác vẫn còn mù mịt, như việc phát hiện hai lá bài bảy cơ! Tôi luôn suy nghĩ về hai lá bài mà đầu bảy hoa nhỏ bị dùi lỗ. Những lá bài đóng một vai trò gì đây? Hiện tượng chiếc tàu ngầm theo đồ án của Louis Lecombe mang tên Bảy Cơ cho rút ra kết luận gì?
Daspry ít quan tâm đến hai lá bài mà tập trung vào một vấn đề khác có vẻ cấp thiết hơn đối với anh: tìm chỗ cất giấu.
Anh nói: – Biết đâu tôi tìm được những bức thư mà Salvator không thấy… có thể vì vô ý. Khó tin rằng anh em Varin đã lấy đi vật họ biết rất có giá để ở một chỗ họ cho là không ai tìm thấy được.
Và anh tìm kiếm. Gian phòng rộng lớn không còn chỗ nào anh không biết; anh tìm sang các phòng khác, dò xét trong ngoài, cả đá xây tường, dở ngói trên mái.
Một hôm anh cầm đến một cái cuốc, một cái xẻng, đưa xẻng cho tôi và chỉ chỗ đất trống: – Ta ra đó.
Tôi sốt sắng đi theo. Anh chia vùng đất thành nhiều mảnh thăm dò liên tiếp nhau. Ở một góc, chỗ giáp tường hai nhà bên cạnh có một đông đá và tôi phải giúp anh. Suốt một tiêng đồng hồ, giữa trời nắng chúng tôi phí công vô ích. Nhưng khi đào đến lớp đất, cuốc của Daspry bới ra một khúc xương còn lại của bộ xương mà xung quanh còn những mảnh quần áo vụn.
Tôi bỗng tái người khi thấy một miếng sắt nhỏ hình chữ nhật. Còn phân biệt được những chấm đỏ mờ. Miếng sắt có kích thước một lá bài, đếm được bảy chấm đỏ, nhiều chỗ đã mòn, bố trí như bảy hoa của lá bài bảy cơ, đầu mỗi hoa có dùi lỗ.
– Này Daspry, anh thích càng hay, tôi chán trò này lắm rồi, xin khiếu thôi!
Vì xúc động hay vì làm việc dưới nắng gắt, mà tôi bước đi loạng choạng rồi đi nằm suốt hai ngày đêm, sốt, nóng, ám ảnh vì những bộ xương nhảy múa quanh người và tung lên những quả tim vấy máu. Daspry đối với tôi tận tâm, hàng ngày đến với tôi ba hay bốn tiếng, thực ra anh sang gian phòng lớn tìm tòi, vỗ vỗ, gõ gõ. Thỉnh thoảng anh trở lại nói với tôi:
– Những bức thư ở trong phòng ấy. Tôi nắm được rồi.
Tôi bực mình gắt:
– Anh để tôi yên.
Sáng ngày thứ ba, tôi dậy được; người còn yếu nhưng đã khỏi bệnh. Ăn uống làm tôi hồi sức và một tin mới lúc năm giờ làm tôi hồi phục hoàn toàn vì trí tò mò kích thích.
“Thưa ông,
Màn kịch xảy ra đêm 22 tháng sáu đi đến đoạn kết. Dùng áp lực cần thiết, tôi buộc hai nhân vật chính tối hôm nay, gặp nhau tại nhà ông; ông làm ơn cho mượn tạm nhà. Tốt nhất từ chín giờ đến mười một giờ đêm, ông cho người giúp việc đi vắng và mong ông cũng để hai đối thủ tự do gặp nhau. Ông đã biết trong đêm 22 rạng sáng 23 tháng 6 tôi rất tôn trọng trật tự trong nhà ông. Về phần mình tôi nghĩ sẽ làm hại đến ông nếu phải nghi ngờ ông không giữ bí mật cho người ký tên dưới đây.
Người hết lòng tận tâm với ông: Salvantor”.
Thông tin này có giọng trào phúng lịch sự và trong đề nghị có nét phóng túng thú vị. Đây là một phong thái đẹp và thông tín viên có vẻ chắc chắn tôi sẽ đồng ý. Tôi cũng không nmốn làm anh ta thất vọng hoặc thờ ơ đối với sự tin cậy của anh.
Tám giờ, tôi vừa cho người giúp việc đi xem kịch thì Daspry tới chơi. Tỏi đưa bức thư cho anh xem. Anh hỏi:
– Vậy thế nào?
– Tôi để cửa vườn mở cho họ vào.
– Và anh đi vắng chứ?
– Không đời nào!
– Nhưng người ta đề nghị anh…
– Người ta đề nghị tôi giữ bí mật, tôi sẽ im tiếng nhưng rất muốn xem sự việc xảy ra.
Daspry cười:
– Theo tôi, anh có lý và tôi cũng ở lại. Chắc sẽ hay đấy.
Có tiếng chuông cửa. Anh lẩm bẩm:
– Họ đến rồi à? Sớm hơn hai mươi phút, không thể thế.
Từ phòng ngoài tôi kéo dây mở cửa. Một bóng đàn bà đi vào: bà Andermatt. Bà có vẻ hoảng hốt, vừa nói vừa thở:
– Chồng tôi sẽ đến… Họ hẹn đến… trao những bức thư.
Tôi hỏi: – Sao bà biết?
– Một sự tình cờ. Chồng tôi vừa nhận được lúc ăn tối.
– Một bức điện à?
– Tin điện thoại, người nhà đưa nhầm cho tôi. Chồng tôi lấy lại ngay… nhưng tôi đã đọc được.
– Bà đã đọc?
– Gần như thế này: “Tối nay lúc 9 giờ, ông đến đường Maillot mang theo tài liệu liên quan đến công việc. Đổi lại là những bức thư”. Sau bữa ăn.. tôi lên phòng và ra đi.
– Ông Andermatt không biết chứ?
– Không.
Daspry nhìn tôi:
– Anh nghĩ thế nào?
– Tôi cũng nghĩ như anh, ông Andermatt là một đối thủ được mời đến.
– Vì sao? Mục đích gì?
– Rồi chúng ta sẽ biết rõ.
Tôi đưa hai người vào gian phòng lớn, chúng tôi tạm ở lại dưới ống khói lò sưởi, ẩn sau bức màn nhung. Chúng tôi ngồi, bà Andermatt ngồi giữa, nhìn được toàn bộ gian phòng qua lỗ màn. Chín giờ, bản lề cửa rít lên. Thú thực tôi không khỏi hơi lo, một cơn sốt lại dấy lên, tôi sắp biết được điều bí ẩn! Cuộc phiêu lưu rối ren diễn ra mấy tuần nay sắp xảy ra trước mặt tôi theo đúng nghĩa của nó. Cuộc chiến sắp bắt đầu.
Daspry nắm tay bà Andermatt thì thầm:
– Không nên có một cử động nào. Dù bà có nghe hoặc thấy gì cũng phải ngồi yên đấy!
Có một người đi vào, tôi nhận ra ngay là Alfred Varin, em của Etinne Varin vì rất giống nhau, cũng dáng đi nặng nề, khuôn mặt tái mét, râu ria trùm mặt. Dáng lo ngại của một người có thói quen đề phòng cạm bẫy phải dò dẫm và né tránh, anh ta liếc nhìn cả gian phòng và tôi có cảm giác anh không thích chiếc lò sưởi che màn nhung. Anh ta tiến về phía chúng tôi ba bước nhưng một ý nghĩ gấp hơn làm anh trở lại, đi xiên lại tường, đứng trước tượng Hoàng đế rậm râu có thanh đoản kiếm sáng loáng quan sát kỹ rồi đứng lên một chiếc ghế dùng tay sờ mó đường vòng trên vai và một số chỗ trên mặt.
Đột nhiên anh nhảy xuống, đi xa bức tường. Có tiếng bước chân vang lên và ông Andermatt xuất hiện ở ngưỡng cửa.
Ông chủ ngân hàng kinh ngạc kêu lên:
– Anh à? Anh mời tôi đến đây ư?
Varin phản ứng, giọng vỡ như giọng người anh:
– Tôi? Không đâu! Chính thư của ông hẹn tôi đến.
– Thư của tôi?
– Một bức thư do ông ký nói ông sẽ nhường lại cho tôi…
– Tôi không viết bức thư nào cho anh cả.
– Ông không viết cho tôi?
Theo bản năng Varin tự vệ, không phải đối với ông chủ ngân hàng mà với kẻ địch đã lôi kéo anh tới chiếc bẫy này. Lần thứ hai, anh ta ngoảnh lại phía chúng tôi và bước nhanh ra cửa. Ông Andermatt chặn anh ta lại:
– Anh làm sao thế, Varin?
– Trong việc này có cạm bẫy, tôi không thích, chào ông.
– Đứng lại một lát đã.
– Chà! Ông Andermatt, chúng ta chẳng có gì để nói với nhau. Đừng gặng nữa.
– Có nhiều điều đấy, thời cơ này thuận tiện.
– Để tôi đi thôi.
– Không, không, anh chưa đi dược.
Varin lùi lại, e ngại thái độ cương quyết của Andermatt, lẩm bẩm:
– Vậy thì chóng lên; chúng ta bàn cho xong đi.
Một điều làm tôi ngạc nhiên và chắc hai người bên cạnh tôi cũng thất vọng như thế. Tại sao Salvator không tới? Với những dự tính can thiệp, việc giáp mặt giữa ông chủ ngân hàng và Varin như thế là đủ cho anh rồi sao? Nếu anh vắng mặt, cuộc đối đầu này do anh tổ chức sẽ theo chiều hướng nào? Tôi bối rối.
Sau một lát ông Andermatt đến gần Varin nhìn thẳng vào mặt:
– Bây giờ đã qua nhiều năm, anh không còn sợ gì nữa, hãy thẳng thắn trả lời tôi, Varin: các anh đã làm gì Louis Lecombe?
– Thế mà cũng hỏi! Làm sao tôi biết được anh ta ra sao rồi!
– Anh biết, anh biết! Các anh theo sát anh ta từng bước chân, gần như cùng sống trong ngôi nhà này, biết hết mọi công việc, mọi dự định của anh ta. Varin này, đêm cuối cùng khi đưa anh ta ra cổng, tôi thấy hai bóng người ẩn trong bóng tối… Tôi thề đấy.
– Ông thề thế nào?
– Đó là anh và người anh, Varin ạ!
– Bằng chứng?
– Bằng chứng rõ nhất là sau đó hai ngày chính anh đã đưa cho tôi những tài liệu về đồ án lấy trong cặp của Lecombe, đề nghị bán lại cho tôi. Làm sao anh có những tài liệu ấy?
– Tôi đã nói với ông chúng tôi thấy trên bàn của Louis Lecombe sau hôm anh ta mất tích.
– Không đúng.
– Ông chứng minh đi!
– Pháp luật có thể sẽ chứng minh điều đó.
– Thế tại sao ông không tố cáo với pháp luật?
– Tại sao à? Chà! Tại sao?….
Ông nín lặng, mặt tối sầm. Anh kia nói tiếp:
– Ông Andermatt, nếu ông tin như vậy thì không vì chúng tôi mới hơi dọa nạt, ông đã…
– Dọa nạt nào? Những bức thư ư? Thế các anh tưởng có lúc tôi đã tin ư?
– Nếu không tin vì sao ông mặc cả với chúng tôi hàng trăm, hàng nghìn để lấy lại? Và từ đó ông thuê người săn đuổi chúng tôi như những con vật?
– Để lấy lại những đồ án mà tôi quan tâm.
– Không phải! Để lấy lại những bức thư, và khi có những bức thư rồi ông sẽ tố cáo chúng tôi. Tốt nhất là chúng tôi không nhường lại!
Anh ta phá lên cười và đột nhiên ngắt lại:
– Như thế đủ rồi, chúng ta nhiều lần lặp lại những lời đó mà chẳng tiến thêm được gì. Dừng lại đi thôi!
Ông chủ ngân hàng nói:
– Chúng ta không dừng lại ở đó. Vì đã nói đến những bức thư, anh phải trả lại cho tôi. Nếu không anh sẽ không ra khỏi đây được.
– Ông Andermatt hãy nghe đây, tôi khuyên ông…
– Anh không ra được!
– Để xem…
Varin nói giọng giận dữ đến nỗi ông Andermatt thốt kêu lên. Anh ta định dùng sức mạnh đi qua. Ông xô anh trở lại và tôi thấy anh cho tay vào túi áo.
– Lần cuối cùng!
– Những bức thư!
Varin rút súng ngắn chỉa vào ông Andermatt:
– Tránh ra ngay!
Ông chủ ngân hàng cúi hẳn xuống. Một phát súng vang lên và khẩu súng trong tay Varin rơi xuống. Tôi hốt hoảng vì phát súng toé lửa ngay cạnh tôi. Chính Daspry đã bắn!
Ra đứng giữa hai đối thủ, nhìn vào Varin anh gằn giọng:
– Anh bạn, anh hăng lắm, rất hăng. Tôi nhắm vào tay anh bắn vào khẩu súng đấy.
Cả hai người nhìn anh luống cuống, bất động. Anh nói với ông chủ ngân hàng:
– Ông thứ lỗi vì đã can thiệp vào công việc không liên quan đến mình. Thực ra ông chơi khá vụng; để tôi cầm bài cho.
Ngoảnh lại Varin, anh bảo:
– Hai ta, anh bạn, và yêu cầu anh chơi đẹp. Hàng bài là Cơ và tôi chơi con Bảy.
Rồi anh dí vào sát mũi anh kia miếng sắt có bảy chấm đỏ. Chưa bao giờ tôi thấy có một sự hoảng hốt như vậy. Mặt xanh nhợt, mắt mở to, biến dạng vì sợ hãi, anh này như bị hình ảnh đưa ra thôi miên. Anh ta ấp úng:
– Ông là ai?
– Tôi nói rồi, một người quan tâm đến công việc không liên quan đến mình… nhưng quan tâm đến nơi đến chốn.
– Ông muốn gì?
– Muốn tất cả những gì anh mang theo.
– Tôi không mang theo gì cả.
– Có, nếu không anh đến đây làm gì. Sáng nay anh nhận được tin triệu tập chín giờ tối tới và mang theo mọi giấy tờ anh có. Anh đã tới, giấy tờ đâu?
Trong giọng nói và thái độ của Daspry có một uy lực làm tôi bối rối. Anh là người bình thường vốn hiền lành. Hoàn toàn bị khuất phục, Varin cho vào một túi áo:
– Giấy tờ đây.
– Tất cả chứ?
– Vâng.
– Tất cả những gì trong chiếc cặp của Louis Lecombe mà anh đã bán cho thiếu tá Von Lieben chứ?
– Vâng.
– Bản sao hay bản chính?
– Bản chính.
– Anh muốn bao nhiêu?
– Một trăm nghìn.
Daspry cười ầm lên:
– Anh điên rồi! Thiếu tá chỉ trả anh hai mươi nghìn, hai mươi nghìn quăng xuống nước vì thực nghiệm không thành công.
– Do họ không biết sử dụng các đồ án.
– Những đồ án ấy không đầy đủ.
– Nếu thế ông lấy ở tôi làm gì?
– Tôi cần. Tôi đưa cho anh năm nghìn, không hơn một xu.
– Mười nghìn.
– Được.
Daspry ngoảnh lại phía ông Andermatt:
– Đề nghị ông ký cho một tấm séc.
– Nhưng… Tôi không có…
– Cuốn séc của ông à? Nó đây.
Sửng sốt, ông Andermatt giở cuốn sổ Daspry đưa cho:
– Đúng là của tôi… Làm sao ông có?
– Thưa ông, không cần nhiều lời vô ích, ông chỉ ký cho thôi, ông chủ ngân hàng rút bút ký Varin đưa tay ra nhận. Daspry:
– Bỏ tay xuống, chưa xong đâu.
Và anh nói với ông Andermatt:
– Còn những bức thư ông đòi nữa chứ?
– Thư ở đâu, Varin?
– Tôi không có, anh tôi lo việc đó.
– Thư cất giấu ở đây, trong phòng này.
– Nếu vậy ông đã biết ở đâu rồi. Không phải ông đã tìm ra chỗ giấu kia ư? Ông có vẻ biết rõ… như Salvator.
– Những bức thư không nằm trong chỗ giấu đó.
– Có đấy.
– Mở ra xem!
Qua tình hình có thể kết luận Daspry và Salvator có phải chỉ là một? Nếu phải anh ta không ngại gì chỉ ra một chỗ giấu đã biết…
– Mở ra đi, Daspry lặp lại.
– Tôi không có lá bài bảy cơ.
– Nó đây. Daspry vừa nói vừa đưa miếng sắt ra.
Varin hoảng hốt, lùi lại:
– Không… Không, tôi không muốn…
– Mặc xác anh!
Daspry đi lại chỗ bức tường Hoàng đế rậm râu, đứng lên một chiếc ghế và áp miếng sắt bảy cơ vào phía dưới thanh kiếm chỗ cán làm miếng sắt trùm khít hai bờ thanh kiếm. Anh cầm dùi xuyên qua từng lỗ đầu nhọn bảy hoa cơ nhấn mạnh vào bảy viên đá nhỏ trên tượng! Đến viên thứ bảy có một chuyển động. Toàn thân bức tượng xoay tròn lộ ra một khoảng trống lớn khoét như một cái tủ xung quanh bọc sắt có hai ngăn bằng thép sáng.
– Varin anh thấy không? Tủ rỗng!
– Đúng thế! Vậy thì anh tôi đã lấy thư rồi.
Daspry quay lại nói với anh ta:
– Anh đừng chơi trò láu cá với tôi. Có một chố giấu khác, ở đâu?
– Không có đâu.
– Anh vòi tiền chăng? Bao nhiêu?
– Mười nghìn.
– Thưa ông Andermatt, những bức thư đó có đáng giá mười nghìn đối với ông không?
– Có! Ông chủ ngân hàng nỏi to.
Varin lại khép tủ, cầm con bảy cơ một cách miễn cưỡng áp vào thanh kiếm ở cán cùng chỗ lần trước, lần lượt xuyên dùi lên bảy mũi nhọn hoa cơ. Một chuyển động thứ hai nhưng lần này thật bất ngờ, chỉ một phần tủ xoay, lộ ra một tủ con làm theo chiều dày của cánh cửa tủ lớn. Hộp thư nằm trong đó, buộc một sợi dây và gắn xi. Varin lấy đưa cho Daspry, Anh lên tiếng hỏi:
– Séc ký rồi chứ ông Andermatt?
– Rồi.
– Ông cũng có bản tàỉ liệu cuối cùng bổ sung cho những đề án ông giữ của Louis Lmunbe chứ?
– Có đây.
Họ trao đổi cho nhau. Daspry cho vào túi bản tài liệu và tấm séc, đưa hộp thư cho ông Andermatt.
– Đây là cái ông muốn có, thưa ông.
Ông chủ ngân hàng ngần ngại một lúc như sợ cầm lấy những lá thư đáng ghét lâu nay ông khát khao tìm kiếm rồi với cử chỉ vội vã ông nắm lấy.
Bên cạnh tôi có tiếng thở dài. Tôi cầm lấy tay bà Andermatt, bàn tay lạnh giá. Daspry nói với ông chủ ngân hàng:
– Thưa ông, tôi nghĩ câu chuyện của chúng ta đã kết thúc. Ồ! Xin ông đừng cám ơn, tôi giúp được ông vì tình cờ thôi.
Ông Andermatt ra về, mang theo những bức thư vợ ông gửi cho Louis Lecombe. Daspry kêu lên phấn khởi:
– Tuyệt. Mọi việc thu xếp tốt đẹp. Xong rồi chứ anh bạn – Mọi giấy tờ ở đấy cả chứ?
– Tất cả đều ở trong đó.
– Tốt, anh giữ lời đấy.
– Nhưng… Hai tờ séc?… Tiền?
– Chà, to gan thật, anh lại dám đòi tiền à?
– Tôi đòi những gì tôi phải có.
– Vậy người ta phải trả công về những giấy tờ anh lấy trộm à?
Varin có vẻ không giữ nổi bình tĩnh nữa, giận run lên, đôi mắt đỏ ngầu, lắp bắp:
– Tiền…. Hai mươi nghìn….
– Không được, tôi có việc cần dùng.
– Đưa tiền đây!…
– Này, nên biết điều và để yên con dao! Anh nắm lấy tay hắn mạnh đến nỗi hắn kêu lên vì đau rồi nói thêm:
– Cút đi anh bạn, không khí bên ngoài sẽ làm anh dễ chịu hơn. Anh có muốn tôi đưa anh đi không? Ta ra bãi đất trống, tôi sẽ chỉ cho anh đống đá dưới đó…
– Không đúng! Không đúng!
– Đúng đấy, miếng sắt có bảy chấm đỏ ỏ dưới đó mà ra. Lecombe bao giờ cũng mang theo nó, anh nhớ chứ? Và các anh chôn nó cùng với tử thi… Còn nhiều việc lớn khác mà pháp luật chú ý!
Varin giơ tay ôm mặt rồi nói:
– Được rồi, chúng ta khỏi bàn cãi nữa, tôi đã thất bại. Tuy vậy, thêm một câu… một câu thôi.
– Tôi nghe đây.
– Trong tủ, chiếc tủ lớn ấy, có một cái tráp nhỏ. Khi ông đến đây, đêm 22 sáng 23 tháng sáu nó còn chứ?
– Còn.
– Nó đựng…
– Tất cả những gì anh em Varin thu thập, một tập hợp khá lớn về đồ trang sức, ngọc, kim cương có được chỗ này chỗ khác.
– Và ông đã lấy đi?
– Chết thôi, anh ở vào địa vị tôi lúc đó thì rõ.
– Như vậy… vì thấy mất cái tráp mà anh tôi tự sát?
– Có thể. Việc mất liên lạc với thiếu tá Von Lieben không hề gì nhưng mất cái tráp… Anh hỏi tôi xong chưa?
– Việc này nữa: Tên ông là gì?
– Anh hỏi như để rồi trả thù.
– Mẹ kiếp, vận đen! Hôm nay ông thắng nhưng ngày mai…
– Sẽ đến lượt anh thắng?
– Tôi muốn thế. Tên ông?
– Arsène Lupin.
– Arsène Lupin! Anh ta loạng choạng như bị giáng một chùy. Có thể nói hai tiếng ấy làm mọi hy vọng của anh ta bay đi.
Daspry cười:
– Chà! Anh tưởng ai đó lại có thể bố trí công việc được như thế này à? ít nhất phải là Arsène Lupin chứ. Bây giờ biết được rồi, chuẩn bị phục thù đi cậu bé ạ. Lupin chờ anh!
Không thêm một lời, anh đẩy hắn ra ngoài.
– Daspry, Daspry! Tôi kêu lên bằng cái tên tôi biết anh và kéo tấm màn nhung. Anh chạy lại:
– Sao? Có việc gì thế?
– Bà Andermatt ngất đi rồi!
Anh vội cho bà ngửi thuốc tỉnh lại và vừa chăm sóc bà vừa hỏi tôi:
– Này, xảy ra việc gì vậy?
– Vì những bức thư… Những bức thư của Louis Lecombe anh vừa đưa cho chồng bà.
Anh vỗ trán:
– Bà nghĩ tôi làm thế à?… Mà phải, bà có thể cho là vậy… Tôi ngốc thật!
Bà Andermatt tỉnh lại, háo hức, nghe anh nói. Anh rút trong túi ra một gói nhỏ, hoàn toàn giống gói ông Andermatt cầm đi.
– Thư của bà đây thưa bà. Thứ thiệt!
– Thế… những cái kia?
– Cũng như những bức thư này nhưng đêm qua tôi chép lại, có cẩn thận sửa lời. Chồng bà rất sung sướng khi đọc, không thể ngờ có sự đánh tráo vì mọi việc diễn ra trước mặt ông.
– Chữ viết?
– Không có loại chữ viết nào người ta không bắt chước được!
Bà cám ơn anh, những lời biết ơn như đối với những người cùng tầng lớp xã hội với bà và tôi nghĩ bà không nghe được những câu trao đổi sau cùng giữa Varin và Arsène Lupin.
Riêng tôi, tôi nhìn anh không khỏi lúng túng, không biết nói gì với anh bạn cũ đã tự bộc lộ mình một cách bất ngờ như vậy.
Lupin! Đó là Arsène Lupin; người bạn cùng câu lạc bộ của tôi lại chính là Arsène Lupin! Thật không thể ngờ!
Nhưng anh rất thản nhiên:
– Anh có thể vĩnh biệt Jean Daspry rồi đấy.
– A!
– Vâng, Jean Daspry đi du lịch. Tôi cử anh ta đi Maroc, ở đấy anh kết thúc xứng đáng và thú thực, đấy là dự định của anh ta.
– Nhưng Arsène Lupin ở lại với chúng ta chứ?
– Ồ! Hơn lúc nào hết. Arsène Lupin mới bắt đầu sự nghiệp của mình thôi; anh ta biết điều đó lắm…
Tôi tò mò nhìn kỹ anh và kéo anh ra xa bà Andermatt:
– Cuối cùng anh tìm được chỗ giấu thứ hai nơi để hộp thư chứ?
– Tôi cũng vất vả với nó đây, chỉ mới hôm qua lúc anh đi nằm tôi mới biết. Thế mà có trời biết thật đơn giản làm sao! Thường những việc đơn giản nhất người ta nghĩ đến sau cùng.
Và anh chỉ con bài bảy cơ:
– Tôi đoán muốn mở chiếc tủ lớn phải úp lá bài này vào thanh kiếm của bức tượng…
– Làm sao anh đoán được thế?
– Dễ thôi, nhờ những thông tin riêng tôi nắm được hôm đến đây, đêm 22 tháng sáu.
– Sau khi chia tay tôi…
– Đúng, và sau khi tạo ra cho anh một trạng thái thần kinh bị kích thích, dễ xúc động do những câu chuyện có chọn lọc, làm anh để tôi hoạt động tự do mà không ra khỏi giường.
– Lập luận đúng đấy.
– Khi tới đây tôi biết có một cái tráp giấu trong tủ bí mật mà lá bài bảy cơ là chìa khóa. Chỉ việc áp con bảy cơ vào đúng chỗ dành cho nó. Cần một tiếng đồng hồ quan sát là đủ.
– Một tiếng?
– Anh hãy quan sát bức tượng trang trí, tượng Hoàng đế rậm râu. Đó chính là hình ảnh Vua Cơ trong những lá bài, hoàng đế Charlemagne.
– Đúng thế… Nhưng tại sao lá bài bảy cơ khi thì mở được tủ lớn, khi mở được tủ nhỏ? Và tại sao lúc đầu anh chỉ mở tủ lớn?
– Tại sao à? Vì lúc đầu tôi luôn đặt con bảy cơ một chiều. Mới hôm qua tôi nhận thấy nếu trở nó lại, nghĩa là để hoa thứ bảy, hoa giữa ấy dốc ngược lên thì thế bố trí cả bảy hoa thay đổi.
– Đúng rồi!
– Tất nhiên đúng nhưng phải suy nghĩ.
– Một vấn đề khác: Anh không biết câu chuyện những bức thư trước khi bà Andermatt…
– Nói với tôi? Vâng. Tôi chỉ thấy trong tủ ngoài cái tráp là thư từ quan hệ của anh em Varin. Qua đó tôi biết được sự phản bội của họ.
– Tóm lại chỉ tình cờ anh hình dung được câu chuyện của hai anh em rồi tìm những đồ án, tài liệu về tàu ngầm?
– Tình cờ thôi…
– Nhưng anh tìm kiếm để làm gì?…
Daspry ngắt lời tôi cười:
– Trời! Anh quan tâm việc này đến thế?
– Nó làm tôi thấy thích thú.
– Vậy chốc nữa, tôi tiễn bà Andermatt và đưa bài viết lại tòa soạn báo Tiếng Vang rồi chúng ta sẽ đi vào chi tiết.
Anh ngồi xuống, viết những dòng đơn sơ sau đây theo sở thích và có ai không biết sở thích đó đã gây tiếng vang khắp hoàn cầu như thế nào!
“Arsène Lupin đã giải quyết vấn đề Salvator đặt ra trước đây. Nắm được đồ án và mọi tài liệu về chiếc tàu ngầm Bảy Cơ của kỹ sư Louis Lecombe, anh đã mang đến cho Bộ Hải quân. Nhân dịp đó anh vận động một cuộc quyên góp nhằm hiến cho nhà nước chiếc tàu ngầm đầu tiên xây dựng theo đồ án đó. Và ở đầu sổ lạc quyên anh ghi bản thân mình đóng góp hai mươi nghìn phrăng”.
Khi anh đưa cho tôi đọc, tôi hỏi:
– Số tiền séc hai mươi nghìn phrăng của ông Andermatt à?
– Đúng vậy. Để công bằng, Varin phải chuộc lại từng phần tội phản bội của mình.
Đó là vì sao tôi quen biết Arsène Lupin, quen Jean Daspry, người bạn cùng Câu lạc bộ. Đó là quan hệ bạn bè của tôi với con người khác thường ấy và nhờ anh có lòng tốt tin cậy ở tôi nên dần dần tôi trở thành người viết về anh, khiêm tốn, trung thành và rất biết ơn anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.