Cái Tý cõng em đứng như tượng nhìn vào mảnh vườn nhỏ, trước một căn nhà nằm ở chân đồi. Một ngôi nhà thật lạ vì nó cách biệt với xóm nghèo rất xa, mà lại trồng cả hoa nữa chứ. Nó rụt rè đẩy chiếc cổng bằng cây trúc xanh bước vào sân, muốn nhìn thật kỹ những bông hoa ấy. Hoa – nào đâu có lạ với nó, hoa mướp, hoa cà, hoa bí, nó thuộc làu làu. Nhưng đây là thứ hoa khác nó chưa nhìn thấy bao giờ. Nó muốn biết thứ hoa đó có kết trái được không và quả của nó như thế nào. Nó thả em xuống đất, một thằng bé con chỉ có một mảnh áo không che kín được cái bụng ỏng. Thằng bé đánh xệp xuống đất rồi lê đến bờ rào vịn vào đó đứng lên. Cái Tý rón rén bước vào vườn, nó ngồi xuống bên cạnh khóm hoa. Nó thành thạo đỡ lấy bông hoa ngắm nghía, rồi lấy ngón tay khẽ vạch những cánh hoa che mất phần nhụy. Nó nhìn kỹ vào nhụy hoa. Quả thật đó là một thứ hoa lạ vì nhụy rất bé. Điều đó không hứa hẹn sẽ cho thứ quả nào cả. Để kiểm chứng, nó tìm kiếm xung quanh bụi hoa một bông hoa đã tàn xem có đậu quả không? Chẳng có một quả nào cả. Nó thở dài, hoa thì đẹp quá nhưng rõ là đồ vô tích sự. “Đồ vô tích sự”. Đó là những thứ không thể bỏ vào mồm được, bố nó dạy nó thế. Nó đến bên thằng bé xốc lên lưng.
Cái Tý đâu hay rằng, tất cả những cử chỉ của nó đã không lọt qua được đôi mắt của một người đàn ông đang nhìn nó qua khe liếp. Khi nó sắp sửa cõng em đi ra cổng thì người đàn ông nói:
– Này, cháu ơi. Cháu có thích hoa thì hãy hái lấy một bó. Chú cho cháu đấy.
Nó quay lại lắc đầu.
– Vì sao thế? Chú biết cháu thích nó mà?
– Cháu cũng thích vì thấy nó đẹp nhưng nó là đồ vô tích sự.
Con bé đã làm cho người đàn ông cực kỳ tò mò. Người đàn ông nhìn nó, một con bé khoảng 12, 13 tuổi, với nước da nâu và hai hàng lông mày đẹp như hai nét vẽ. Nhưng thân hình nó thì quá nhỏ bé. Sự tò mò đã khiến người đàn ông mời:
– Cháu vào nhà chú chơi một lát được không?
– Cũng được, nhưng đến chiều cháu phải chăn trâu rồi.
Bước vào căn nhà lạ, cái Tý lại một phen ngạc nhiên nữa. Trong nhà có một tủ sách to hơn cái giường. Như cái cách đã làm ở vườn hoa, nó thả em xuống đất. Người đàn ông nhắc:
– Cháu để em lên giường đi.
– Em cháu nó bẩn lắm, làm bẩn giường của chú mất.
Nó đến bên tủ sách, ngắm nghía và thử ước tính xem có bao nhiêu quyển. Có đến hàng trăm. Nó thử đưa tay sờ lên một quyển rồi lại rụt tay vào:
– Cháu cũng thích sách à?
– Không, đồ vô tích sự!
Nó quấy quả đi ra chỗ em đang ngồi, xốc thằng bé lên lưng, đi ra khỏi nhà.
– Này, – người đàn ông gọi với theo. – Cho cháu cái kẹo này.
Mắt nó sáng lên, nó quay vào nhà đặt em xuống đất, đỡ lấy mấy cái kẹo người đàn ông đưa chọ Nó cho em một cái, lấy cho mình ăn một cái, còn lại vặn vào cặp quần, là nơi cất giấu rất lý tưởng, bởi chưa bao giờ nó mặc áo có túi. Ngậm chiếc kẹo vào mồm nó ngửng mặt lên cười với người đàn ông. Một bên má nó có một núm đồng tiền trông duyên tệ, và hình như má nó có chút mầu hồng.
– Cháu bao nhiêu tuổi?
– Mười.
– Mới lên mười thôi a?
– Thế là nhớn rồi đấy!
– Cháu có đi học không?
– Không, đã bảo nhớn rồi mà.
– Chú muốn hỏi cháu điều này, vì sao cháu bảo hoa và sách là đồ vô tích sự?
– Vì bố cháu bảo. Phàm thứ gì không ăn được là đồ vô tích sự hết. Thôi cháu về đây, nhưng thỉnh thoảng cháu lại ra chơi với chú nhé.
– Đồng ý. Và cháu hãy biết rằng cái tủ sách kia không vô tích sự đâu nhé. Trong đó lúc nào cũng có kẹo đấy.
Con bé nhoẻn miệng cười.
Sau buổi làm quen đó, cái Tý dường như đã có thêm một người bạn mới. Cứ đến phiên nó trông em là mắt trước, mắt sau nó đã đến ngôi nhà đó. Nó lặng lẽ đi chứ không rủ dăm ba đứa bạn cũng trông em như nó cùng lang thang đi chơi hoặc ngồi đánh chắt. Nay, nó phải giấu kín ngôi nhà đó. Vì trong ngôi nhà đó luôn có thức ăn chờ đợi và ít thôi nên không thể chia sẻ cùng chúng bạn.
Cái Tý là một con bé ngoan ngoãn và biết điều như mẹ nó vậy, không bao giờ ăn không của ai cái gì. Mỗi lần đến căn nhà đó, nó cùng em ăn xong cái bánh quy gai, hoặc một mẩu bánh mì, cũng là lúc nó nhìn ra việc cần phải làm. Nó quét dọn nhà cửa, khua mạng nhện. Nó phủi bụi trên giá sách. Nó cuốc đất vun cho mấy luống hoa. Nó rửa những cái bát rếch. Người đàn ông ngăn lại, không muốn nó làm thế. Nhưng nó cười duyên tệ: – Chuyện vặt của đàn bà, chú để ý làm gì.
– Sao lại đàn bà?
– Thì cháu đã chẳng phải là một đứa con gái rồi sẽ thành đàn bà ư?
Rồi một hôm nó nghĩ ra:
– Tại sao chú chỉ sống có một mình mà không có mẹ, bố, anh em, vợ con nhỉ?
– Ừ, vì chú chỉ thích sống một mình thôi.
– Tại sao lại có thể thích theo ý mình được nhỉ, chẳng lẽ không có ai bắt buộc chú phải làm điều đó ư? ông, bà, bố, mẹ, họ hàng và hàng xóm nữa. Ở làng cháu không có ai phải sống một mình cả. Đến như bà Gái thọt chân mà cũng ở với con đàn cháu đống nữa là.
Bỗng nó im lặng nhìn đăm đăm vào mặt người đàn ông:
– Có một người đàn ông sống một mình như chú, ở rìa làng không có ai đến chơi cả. Nhưng mà người đó chết rồi. Bà cháu kể rằng, ông ấy bị hủi. Vậy chú có phải…
– Thế bà cháu kể người hủi đó bị như thế nào?
– Ông ấy bị sần sùi hết mặt, tay chân bị cụt cả.
– Vậy cháu hãy nhìn chú xem, mặt có bị sần sùi không?
– Không, nhưng xanh rờn.
– Thế, tay chân chú có bị cụt không?
– Lành lặn cả nhưng vô tích sự.
– Sao thế?
– Chân cò tay vượn làm nên trò trống gì mà chẳng vô tích sự.
– Ai nói với cháu thế.
– Ông cháu bảo.
– Vậy chú không phải là người hủi nhé.
– Nhưng vì sao chú lại ở một mình?
– Vì bố mẹ chú chết hết cả rồi. Anh em đi làm mỗi người một nơi. Còn vợ, thì chẳng ai lấy chú cả.
– Thế thì khi nào lớn cháu sẽ là vợ chú để nấu cơm quét nhà cho chú.
Chương 2
Con bé vừa nói, vừa nhìn xuống đất nên nó không nhìn thấy vẻ mặt của người đàn ông lúc ấy, nó bừng lên như buổi sáng mùa xuân. ánh hồng lướt qua gò má xanh rờn từng trải. Trong đầu người đàn ông đang nhẩm tính khoảng cách giữa mình và con bé. Người đàn ông 40 tuổi còn con bé 10 tuổi, khoảng cách là 30 năm.
– Chú biết không, chú cũng nên lấy vợ để chia ruộng chứ không lấy cái gì mà ăn. Nhưng không biết chú có được tiêu chuẩn xã cho ruộng không nhỉ? chắc là không rồi, vì chú ở nơi khác đến. Thế thì để cháu vậy. Cháu mà lấy chồng cũng được chia ruộng riêng. Nhưng mà lâu quá, những 8 năm nữa mới đủ tuổi. Thôi thì, khi nào cháu 13 vậy, cháu sẽ làm vợ chú. Ở quê cháu ối chị mới 15 đã bảo 18 để đi lấy chồng.
Cái Tý vừa nói, vừa nghĩ trầm ngâm như một bà cụ già. Bởi cái sự toan tính đó nên nó không nhìn thấy những giọt nước mắt lăn tròn trên má người đàn ông.
Từ khi cái Tý đưa ra lời tuyên bố sẽ làm vợ người đàn ông thì nó như có trách nhiệm hơn với căn nhà đó. Hầu như ngày nào nó cũng có mặt để thu dọn quét tước và thỉnh thoảng còn nấu cơm hộ. Một hôm nó bàn:
– Chú ạ, hoa cũng đẹp thật đấy nhưng vô tích sự, hay ta dẹp bớt lại để trồng lấy luống rau.
Bàn là để bàn vậy thôi chứ nó đã quyết rồi. Nó chỉ để lại ba khóm hoa hồng, còn nó phá tất. Nó cuốc đất thành hai luống xinh xắn. Hôm sau, nó mang đến đủ loại rau thơm: tía tô, kinh giới, mùi tàu, xương sông, lá lốt… trồng cho kín hai luống.
Thấm thoắt thời gian thoi đưa, từ ngày cái Tý biết người đàn ông nọ đã một năm trôi qua. Nó và người đàn ông đó rất thân thiết với nhau. Họ như đã quen nhau cả thế kỷ. Và, ở người đàn ông thì như đã đủ cả một đại gia đình sống bên mình. Thế nhưng cái Tý chưa một lần hỏi xem người đàn ông đó là ai và từ đâu đến. Nó nghe phong phanh đâu như nhà người đàn ông đó ở trên phố kia nhưng chán sống ở đó nên về quê nó ở. Đôi lúc nó cũng muốn hỏi cho đến điều nhưng nó lại sợ như bố mẹ Ở nhà hễ cứ hỏi nhau chuyện gì lại y như cãi nhau.
Sáng hôm ấy nó đến sớm hơn mọi bận. Đứa em ngủ ngặt nghẽo trên lưng. Người đàn ông rủ nó:
– Cháu đi ra bưu điện với chú được không?
– Để cháu đặt em vào giường đã nhé. Nhưng phải đi nhanh lên kẻo em cháu dậy, nó hết nước mắt.
Người đàn ông dắt xe đạp ra, buộc thêm một chiếc khăn mặt bông vào poóc ba ga để nó ngồi cho êm. Bưu điện cách nhà chừng 2 cây số, ở ngoài thị trấn. Ra đến thị trấn nó quên khuấy mọi thứ. Lần đầu tiên nó mới biết thế nào là phố xá, dẫu rằng đó chỉ là một thị trấn nhỏ miền sơn cước. Nó mê đắm nhìn vào các cửa hiệu, mà ở đó, nó thấy cái gì cũng đẹp lộng lẫy kỳ lạ. Người đàn ông đến bưu điện, bảo nó ở ngoài trông xe. Lát sau người đàn ông đi ra mặt đầy phấn khởi:
– Hôm nay khá lắm, chú sẽ đãi cháu một chầu kem.
Có đến trong mơ nó cũng chưa bao giờ được ăn kem ngon như thế. Nó cũng đã từng được ăn kem nhưng chỉ là kem hai trăm, lạo xạo toàn đá và hơi ngòn ngọt. Nó ăn hết hai cái, còn ngỏ ý muốn ăn cái thứ bạ Nó cầm cái kem thứ ba đầy lưỡng lự, rồi bỗng nhớ đến em ở nhà. Nhân lúc người đàn ông vào trong quầy trả tiền, nó lẻn ra luống khoai bên cạnh đường hái một chiếc lá, gói chiếc kem vào, rồi giấu trong vạt áo. Trước khi về người đàn ông còn mua cho nó một chiếc áo hoa mầu đỏ. Nó sung sướng đến mụ cả người. Dọc đường về nó líu lo nói chuyện mà chẳng chuyện nào ra chuyện nào. Gần về đến nhà nó đã nghe tiếng em gào khóc. Nó nhảy phắt khỏi xe chạy như phi vào nhà:
– Nín đi, chị có cái này cho em đây.
Thằng bé nhìn thấy chị có chiếc áo hoa mới tròn xoe đôi mắt nhìn, nín khóc. Cái Tý giở lá khoai, chiếc kem to là thế nay chỉ còn bé tý bằng ngón tay nhưng nước chảy ra vẫn còn lạnh. Nó múc nước bón cho em mà không hiểu vì sao kem lại chảy thành nước.
Có chiếc áo mới nó mừng vô tả cõng em chạy tung tẩy về nhà. Vừa về đến đầu xóm bọn thằng Ba đã đứng túm tụm như chờ nó về. Bọn chúng hò hét ầm ĩ:
– Cái Tý đi chơi với người yêu về, được người yêu mua cho chiếc áo mới.
– Người yêu cái Tý là người hủi.
Bố cái Tý nhìn thấy con có chiếc áo mới thì cả mừng. Thay vì gọi người đàn ông đó là đồ vô tích sự như mọi khi thì lại bảo:
– Cái ngữ ấy làm gì mà cũng nhiều tiền gớm nhảy. Cái áo này cũng phải nửa tạ thóc chứ chẳng ít.
Mẹ cái Tý thì nhìn nó suy tính vắn dài nhưng rồi thấy thân hình nó vẫn còm cõi thế bèn chép miệng thở dài:
– Sắp mười hai tuổi rồi mà bé tý như đứa lên tám vậy thôi. Nhưng mà mày cũng ít sang nhà người ta chơi thôi kẻo làng xóm họ bàn tán.
Cái Tý được người đàn ông mua cho chiếc áo đẹp như là một sự kiện ở cái xóm nhà nó. Người ta tha hồ mà tưởng tượng, mà thêu dệt. Chỉ có điều căn nhà đó không chỉ còn là của riêng nó nữa. Nhiều bé gái như nó cũng cõng em đến. Ối chị 16, 17 cũng lân la đến ngôi nhà đó nhưng chưa dám vào, họ tụ nhau thành đám dăm ba người đi ngang ngõ cười ré lên.
Với cái Tý, sau niềm vui có chiếc áo mới thì dường như nó đang chán ghét chiếc áo đó. Làng trong, xóm ngoài ai nhìn thấy nó cũng hỏi thăm: “Người yêu mày dạo này thế nào?”. Sao mà nó căm thù cái thứ gọi là người yêu đến vậy. Nó đầy vẻ thô bỉ, giễu cợt. Đành rằng nó hứa sẽ làm vợ người đàn ông đó nhưng làm vợ chứ có phải là người yêu đâu. Hãy xem bộ mặt khả ố của thằng Ba khi nó réo lên:
– Người yêu cái Tý mua cho nó chiếc áo mới để nó thành cô tân thời kìa:
Cô tân thời đánh rơi mất vú
Chàng công tử hỏi vú cô đâu
Vú cô để ở đầu cầu
Con chó nó tưởng quả bầu nó tha
– Cô tân thời ơi, vú cô đâu.
Cái Tý ngượng lắm. Có đến cả tháng sau nó không đến nhà người đàn ông đó. Rồi câu chuyện cũng nhạt dần như chiếc áo hoa dần dần cũ đi. Nó lại nhắc mình bổn phận phải đến ngôi nhà ấy. Người đàn ông mừng lắm.
– Cháu biến đi đâu thế, chú cứ lo cháu ốm nhưng có mấy đứa bạn cháu qua đây bảo cháu không sao nên chú mới đỡ lo.
– Những đứa nào qua đây thế? – Cái Tý bỗng cảm thấy một nỗi hờn ghen dâng đầy.
– à, cái Mùi, cái Bông ấy mà.
– Lũ con gái xí xớn.
Nó lặng lẽ bắt tay vào dọn dẹp. Dường như vắng bàn tay nó căn nhà trở nên lộn xộn và bẩn thỉu. Người đàn ông ngồi lặng lẽ nhìn theo nó. Dọn dẹp xong nó ra giếng rửa chân tay đã thấy người đàn ông chờ nó ở đó.
Chương 3
– Tóc cháu rối bù trông thật xấu xí. Để chú cắt cho gọn nhé.
Nó đồng ý ngay, đỡ phải để bố xén bằng liềm đau ê cả đầu. Cắt xong người đàn ông lấy xà phòng thơm gội đầu cho nó. Có cái đầu gọn ghẽ trông mặt nó thật xinh.
– Cháu xinh lắm, ước gì chú có một đứa con như cháu nhỉ.
– Sao lại là con hả chú? Chỉ còn gần hai năm nữa cháu sẽ là vợ chúa mà, chú quên rồi sao.
– Làm sao có thể quên được! – Người đàn ông phá lên cười.
Cái Tý nói thế nhưng nó đã biết thế nào là bổn phận của người làm vợ đâu. Mà từ trong tim nó, nó thấy người đàn ông đó thật gần gũi như cha mẹ nó vậy. Nó muốn được ôm ấp vào lòng như mẹ nó vẫn ngày ngày ôm ấp em bé của nó. Có lẽ lúc nó biết nhớ, nó luôn chỉ được đứng bên cạnh để nhìn mẹ Ôm ấp hết đứa em nọ đến đứa em kia nối đuôi nhau ra đời. Nó nghĩ rằng, hai năm nữa, khi nó làm vợ người đàn ông nó sẽ được ôm ấp vào lòng như mẹ, một cử chỉ mà chưa khi nào bố nó làm, nó bỗng muốn nhào vào lòng người đàn ông mà gọi bố ơi. Nhưng sao kia, người đàn ông đó cười mà mắt lại ngấn nước. Và, ánh mắt nhìn nó mới yêu mến làm sao. Nó đến bên cạnh người đàn ông, khẽ đụng vào vai. Người đàn ông ôm choàng nó, thổn thức: “Con ta”. Tim nó ngân vọng: “Cha ơi”.
Buổi tối ở quê cái Tý tối đen như mực, vì thế người già và trẻ em không có việc gì đều đi ngủ từ tối. Đến năm cái Tý 12 tuổi không đi ngủ sớm nữa. Chúng tụ tập ở nhà một đứa bạn cùng tuổi ngồi nói lại những chuyện chúng nghe lỏm của người lớn.
– Này, u tao bảo lão Khả đi bán tinh lợn rồi lão bán luôn cả giống người nữa đấy.
– Lạ nhỉ, sao nhà lão lại có giống người nhỉ? Lão ươm giống ở đâu?
– Thật đấy, u tao cũng bảo thế mà. U tao còn kể, cái chị Sửu ở ngoài làng vớ phải anh chồng thui, lấy nhau mười năm chưa có con. Lão Khả mang lợn đến cho nhà chị ta lấy đực, mà chị ta lại vớ được một thằng cu bụ bẫm mới hay chứ.
Những chuyện đó cái Tý nghe lạ tai lắm, nó kể lại cho người đàn ông nghe và mong chờ một sự giải thích cặn kẽ. Nhưng người đàn ông chỉ ngồi im rồi bảo nó:
– Chuyện vớ vẩn lắm cháu đừng bận tâm, có chuyện gì hay hơn cháu kể cho vui đi.
– Chuyện gì hay ư? Cháu cũng không biết có hay không nhưng mà cháu thấy lạ lắm. Vì nhà cháu nuôi một con mèo đực lâu lắm rồi. Bố cháu bảo nó sắp sửa hóa cáo. Thế mà hôm qua nó cõng ở đâu một đám mèo con, để lũ con ở đống gio cạnh bếp. Rồi nó cho lũ con bú. Nhưng mèo đực làm gì có sữa nên lũ con bị đói kêu loạn cả nhà. Bố cháu biết đem hốt cả đống mèo vứt ra bụi tre, bảo:
– Rõ là điềm gở ai đời mèo đực nuôi con bao giờ không ấy.
– Ừ thật là chuyện lạ đời.
Cái Tý đến tuổi 13, nó không còn được rong chơi nhởn nhơ như trước nữa. Nó phải theo mẹ ra đồng, ra bãi. Lúc rỗi việc đồng áng phải lo rau cám cho lợn. Bây giờ chỉ thỉnh thoảng nó mới ra ngôi nhà đó. Thực chất không phải nó bận bịu đến mức không có thời gian để đi chơi. Chỉ là vì càng ngày nó càng đi ngủ muộn hơn. Nó được nhập bọn với lũ bạn lớn hơn. Chúng thì thì thào thào nhỏ to bí bí, mật mật gây nên sự tò mò không thể chịu được. Chúng sắp xếp những câu chuyện cái Tý lờ mờ biết rằng, ngôi nhà nhỏ của nó không phải là yên ả và sẵn mọi điều đã được giải thích cả. Màn đêm phủ xuống sẽ mang đến những điều bí mật. Chiếc cầu nhỏ bắc qua con mương dẫn vào làng nó là nơi thật hấp dẫn. Những đứa bé như cái Tý đang chờ cái ngày lần đầu tiên được ra ngồi ở chiếc cầu đó. Chúng ngồi trên thanh cầu, một bên con trai, một bên con gái. Chúng trao đổi với nhau dăm ba câu chuyện vu vơ trong vòng hai giờ đồng hồ rồi kéo nhau về. Những đêm tối không nhìn thấy mặt nhau, bọn con trai sẽ hòa vào đám con gái. Rồi, vài ba đứa con gái bỗng nhảy lên vì bị bóp vú. Nhưng bọn con gái ở đây không có thói kêu. Sau cái đau như nghẹt thở là cảm giác lạ lẫm dâng lên. Đó là khúc dạo đầu để mở tiếp những điều bí mật khác: một ánh mắt con trai đưa tìm, một cái véo rất đau vào đùi, một cuộc trốn tìm sau đống rạ, một cuộc săn tìm trong gia phả xem hai họ có thù oán nhau không. Rồi sau đó là những điều mà cả làng ai cũng biết lễ ăn hỏi, đám cưới, chia ruộng, sinh con đẻ cái. Trong cơ thể cái Tý cũng đang có một sự thay đổi lạ kỳ. Nó bỗng ăn rất khỏe. Trước nó có thể nhịn ăn một bát để dành cho em, nay nó không thể nhịn được. Vừa ăn xong nó đã thấy đói ngay. Và nó rất hay xấu hổ. Nó vẫn thích kẹo và bánh quy nhưng lại thấy ngượng ngùng mỗi khi muốn đến ngôi nhà đó. Tuy nhiên bao giờ bổn phận cũng thắng sự xấu hổ. Nhất là khi nó có những quả trứng của một thị gà mái mắn đẻ, đẻ lang thang bên đống rơm, để mang đến nấu cho người đàn ông bát cháo. Nó thật ái ngại khi về rồi người đàn ông chỉ nằm có một mình, trơ trụi, không có ai ở bên hỏi han, giúp đỡ. Nó lại bàn:
– Chú này, mẹ cháu bảo cháu không thể lớn được. Vậy mà sắp đến tuổi 13 rồi còn gì. Thôi chú lấy vợ đi. Chú phải sống một mình thế này khổ lắm.
– Chú biết lấy ai bây giờ.
– Cháu biết có mấy chị hay đi qua nhà chú lắm. Chú thích chị nào thì chú đi ra cầu ở đầu làng vào đêm nào thật tối, để các chị không nhìn thấy mặt chú. Chú xông vào ôm thật chặt. Dù chẳng nhìn thấy mặt chú đâu nhưng nếu chị ấy mà thích chú thì chị ấy cũng biết ngay là chú. Chị ấy sẽ tìm cách đánh tín hiệu để chú nhận thấy. Sau đó thì… , nhưng mà ở nhà chú không có đống rơm nhỉ. Ở đống rơm dễ nói chuyện lắm. à nhưng mà thôi, chỉ cần chú đi ra ngoài thị trấn mua cho chị ấy một chiếc áo hoa thật đẹp là được. Rồi chú mua trầu cau về ăn hỏi. Đám cưới vui lắm, rồi chị ấy về ở với chú.
– Nhưng mà, cháu đã hứa sẽ làm vợ chú rồi cơ mà.
Chương 4
– Nhưng mà, cháu không lớn được. Thôi thế này, hay là cháu sẽ làm con nuôi chú vậy. Nhà cháu có sáu chị em. Bớt cháu đi, sẽ bớt đi một miệng ăn. Rồi thỉnh thoảng cháu chạy về làm giúp bố mẹ cháu cũng được. Nhưng mà nếu không phải là vợ chồng thì chẳng được chia ruộng đâu, rồi lấy gì mà ăn.
– Ừ, chú cũng nghĩ như cháu. Cháu làm con nuôi chú cũng được nhưng mà chú thích cháu làm vợ chú hơn. Chú sẽ chờ cháu cho đến cả ngàn năm sau, bé con thân yêu của chú ạ. Còn bây giờ chú không thể chờ đợi hơn được nữa rồi. Cháu hãy đặt tay lên tim chú để xem này, nó đập rất yếu ớt. Chú nhờ cháu việc này. Cháu hãy cầm mảnh giấy này ra bưu điện gửi đi cho chú. Tiền còn thừa cháu cầm lấy để ăn kem. Cháu ăn ba cái kem như lần trước nhé.
Đến tận trưa cái Tý mới trở về. Nó hổn hển nhào vào trong nhà với một bọc lá khoai lang thu lu trong vạt áo. Mặt nó rạng rỡ:
– Cháu mang kem về cho chú đây. Lần trước cháu chỉ bọc trong một chiếc lá khoai nên gió thổi vào kem chảy gần hết, giờ cháu bọc kín lắm.
Nó thật sự thất vọng khi hai chiếc kem đã bị chảy gần hết, nhưng nước vẫn còn lạnh. Nó lấy thìa bón cho người đàn ông. Người đàn ông nuốt từng thìa thật khó khăn, từ khóe mắt chảy ra những giọt nước to tròn.
– Chú đau ở đâu phải không?
– Đau lắm, đau ở đây này. Người đàn ông chỉ vào ngực mình. – Đau vì kiếp này chú không có cháu làm vợ.
Cái Tý không hiểu được những lời to lớn ấy, “kiếp này” là thế nào? Nếu người đàn ông cứ muốn nó làm vợ thì có thể chờ thêm mấy năm nữa. Ở ngực nó đã mọc hai cái mụn nho nhỏ. Mẹ nó bảo, hai cái mụn đó sẽ thành hai cái tý to để nuôi con và để… Ôi, nói ra thì ngượng chết. Thôi thì, khi nào nó sẽ nói cho người đàn ông đó biết vậy, để khỏi thất vọng.
Ngày hôm sau cái Tý phải ra đồng với mẹ đến tận trưa. Đến chiều nó mới đến căn nhà đó. ¥ kìa, có một chiếc ô-tô chắn trước ngõ. Nó rảo bước nhanh hơn. Trong nhà có ba người khách lạ. Họ đang thu dọn sách vở thành những bó gọn gàng. Người đàn ông vẫn nằm trên giường, có vẻ rất mệt mỏi vẫy nó lại gần:
– Chú phải đi đây. Họ đưa chú về thành phố. Chú để ngôi nhà này cho cháu. Khi nào chú khỏe, chú sẽ quay về với cháu. Chắc khi ấy cháu sẽ lớn rồi. à này, bây giờ chú đi rồi, lấy ai ăn rau nữa. Cháu nên trồng hết hoa hồng ra vườn cho nó đẹp. Dễ trồng lắm, cháu chỉ cần cắt một nhánh nhỏ đâm xuống đất, chịu khó tưới nó sẽ lên.
Cái Tý đứng nhìn trân trân, không kịp nói gì thì người đàn ông tiếp:
– Cháu cầm lấy cái này, của hồi môn chú tặng cháu đấy.
Cái Tý ôm lấy cái bọc vải đỏ khá nặng. Nó thật chẳng thể nào hiểu được câu chuyện. Có lẽ lại thêm một điều bí mật ở làng nó nữa chăng!
Nó chờ cho đến khi những người lạ khiêng người đàn ông ra xe. Giờ thì nó biết người đàn ông đó yếu đến mức không thể tự đi một mình. Một người khóa căn hộ lại, rồi bỏ chìa khóa vào túi. Người đàn ông nhắc người lạ đưa chìa khóa cho cái Tý. Họ ngồi cả vào xe rồi nhưng xe vẫn chưa chuyển bánh. Hình như họ cãi nhau thì phải. Lát sau họ mở hết các cửa xe, bảo cái Tý đưa cho họ bọc vải đỏ.
– Cháu có biết đây là cái gì không, bản thảo của chú ấy đấy. Các chú sẽ mang đi xuất bản, khi nào có sách các chú sẽ gửi về cho cháu một cuốn. Cháu biết đọc chứ?
Cái Tý gật đầu.
Người đàn ông ngồi im lặng trong xe nhắm nghiền đôi mắt, tay vẫy vẫy nó lại gần. Cái Tý chui vào trong xe ngồi xuống bên cạnh người đàn ông. Người đàn ông ôm nó vào lòng hôn lên tóc nó, rồi thì thầm:
– Thiên thần của tôi. Ước gì cho tôi còn sống được. Cháu hãy nhớ vun cho những khóm hồng ấy nhé. Mầu đỏ ấy là máu của chú đấy.
Cái Tý ngơ ngác nhìn người đàn ông, nó chẳng hiểu gì những lời to tát ấy. Nó đã chui ra khỏi xe. Xe nổ máy vút đi.
Cái Tý bỗng cảm thấy nỗi buồn trống vắng. Nó thẫn thờ vào ra. Rồi nó ra vườn đến bên khóm hồng, ngồi xuống vuốt ve một cây, chiếc gai nhọn đâm vào tay nó đau điếng. Nó òa khóc. Thực ra nó khóc bởi nỗi đau trong tim chứ không phải vì đau ở taỵ Có lần băm rau lợn nó băm phải tay đứt một miếng to tướng mà nó có khóc đâu.
Một năm sau cái Tý vẫn còn nhớ đến người đàn ông đó nhưng căn nhà thì hoang vắng dần. Bọn trẻ con kháo nhau căn nhà đó có ma, đêm đêm hiện về tưới cho những khóm hồng. Quả thật những bông hồng cứ nở mơn mởn. Sau một năm cái Tý bỗng lớn phổng phao. Nó mon men ra cầu vào những buổi tối. Mẹ nó đã khai tăng tuổi cho nó. Thực chất nó mới 14 mà mẹ nó đã khai 16 tuổi.
Đến năm 16 tuổi thực cái Tý đã có người làng bên dạm hỏi. Bây giờ thì nó chẳng còn chờ đợi người đàn ông đó nữa. Những khóm hồng đã chết từ lâu, cỏ mọc tốt um cả vườn. Đến năm 17 tuổi cái Tý lấy chồng. Chồng cái Tý hơn nó 2 tuổi. Hai vợ chồng nó được chia 3 sào ruộng. Cái Tý tần tảo sớm khuya trên những sào ruộng khoán. Lấy chồng năm trước năm sau cái Tý sinh được một đứa con gái, đặt tên là Hoa. Cái Tý muốn đặt tên con gái là Hoa Hồng nhưng chồng nó không thích. Con bé có cái tên là Hoa nhưng mọi người vẫn gọi nó là cái Tý cho dễ. Còn cái Tý thì không ai gọi nó là cái Tý nữa. Đi lấy chồng người ta gọi nó theo tên của chồng: – Chị Chiến. Cái tên Thơm Thảo chỉ được dùng trong giấy tờ mà thôi.
Một hôm có bác bưu tá về làng hò cái tên Thơm Thảo từ đầu làng. Chị Chiến đang ngồi cho con bú, không mảy may nhớ đến cái tên đó. Bà mẹ già te tái chạy đến:
– Ơ hay mẹ cái Tý, người ta đang gọi mày đi lĩnh cái gì kia kìa.
– Con à mẹ.
– Chứ chẳng phải tên mày là Thơm Thảo mẹ đặt cho ư?
– Mẹ bế hộ con cái Tý.
Người ta đưa cho chị Chiến một gói vuông mầu đỏ. Mẹ Chiến mở ra thì đó là một quyển sách dày. Ở trang thứ hai có một dòng chữ nắn nót: Tặng cái Tý – nguồn cảm hứng vô tận để cho tôi viết nên tác phẩm này.
Chị Chiến ngơ ngác, cái Tý bé bỏng vậy mà ai đã biết đến nó. Nhưng mà thôi, người ta đã tặng nó rồi thì cất đi cho nó vậy. Chị Chiến bọc kín lại cất lên bàn thờ.
Nửa đêm, chị Chiến bỗng thức tỉnh và chợt nghĩ. Thì ra người đàn ông đó vẫn còn sống và nhớ đến chị. Chưa chết thì sao không về tìm chị nhỉ. Một quyển sách thì nào có ý nghĩa gì đâu. Nhưng mà thôi, dẫu sao chồng chị Chiến cũng là người tốt. Anh hiền lành, chất phác, thương yêu vợ con lắm. Chị Ôm chặt con vào lòng thổn thức một hồi rồi ngủ thiếp đi.
Có đến trong mơ chị Chiến cũng không thể biết được rằng một quyển sách đã làm nên một đời người thế nào. Quyển sách đó đã làm nên cả một danh tiếng, sự nghiệp, tiền bạc và vợ đẹp con khôn cho người đàn ông đó. Trong ngần ấy năm người đàn ông đã say sưa tận hưởng những thành công mà mình đã gặt hái được. Sự tận hưởng đó là chính đáng lắm, thực có gì sai trái đâu. Nhưng sự đời suy thịnh, thịnh suy, hạnh phúc rồi bất hạnh, nó chỉ cách nhau gang tấc mà thôi. Khi hạnh phúc người ta hướng về miền đất hứa, khi bất hạnh người ta nhớ về bến đò xưa.
Người đàn ông ấy đã ước mơ được trở về căn nhà lá với những khóm hồng trong vườn và có một cô vợ bé xíu như thiên thần.
Thôi có lẽ ước mơ đó sẽ làm nên một quyển sách khác cho người đàn ông đó.
Nhưng với chị Chiến, trước khi thiếp đi đã ước ao – giá mà đổi quyển sách 30 nghìn đồng này lấy một chiếc áo hoa cho cái Tý như ngày xưa ấy có phải hay hơn không.
Hết