Tuyết sơn phi hồ

Hồi 3: Miêu Cô Nương Kễ Lại Chuyện Xưa



Người trung niên cổ cao là quản gia của sơn trang này. Y họ Vu, vốn là một tay cừ trên chốn giang hồ, rất tinh nhanh tháo vát. Thấy giỏ tre đã lên đến lưng chừng y thò đầu nhìn xem vị khách anh hùng nào lên giúp, song chỉ thấy mấy đám đen đen trong giỏ, không có vẻ gì là hình người. Khi giỏ tre được kéo gần đến nơi, chỉ thấy vài cái hòm, vài cái lồng đan, mấy chậu hoa và lư hương, tất cả xếp đầy ắp giỏ tre.

Vu quản gia không nén nổi ngạc nhiên: “Chẳng lẽ họ đưa quà biếu cho chủ nhân ư?”.

Lần kéo giỏ thứ hai, có ba người đàn bà. Hai người khoảng gần bốn mươi tuổi, ăn mặc kiểu người hầu, còn người thứ ba chừng mười lăm mười sáu tuổi, hai mắt tròn mà to, bên má trái có lúm dồng tiền, nhìn dáng vẻ là một a hoàn. Cô này không đợi giỏ tre dừng hẳn đã vội bước ra, nhìn Vu quản gia nói:

– Vị này chắc là Vu đại ca rồi. Anh có cái cổ cao, tôi được người ta kể thế mà!

Cô ta nói giọng Bắc Kinh rất trong trẻo. Bình sinh, Vu quản gia không thích ai nói đến cái cổ của mình, song nhìn vẻ mặt tươi vui của cô gái, Vu không tức giận nổi đành phải gật đầu cười. Cô hầu gái nói:

– Tôi là Cầm Nhi. Còn bác này là vú Chu, tiểu thư tôi lớn lên nhờ sữa của vú ấy, còn đây là thím Hàn, tiểu thư tôi rất thích món ăn do thím ấy xào nấu. Ðại ca hãy thả giỏ xuống đón tiểu thư tôi lên đi!

Vu quản gia đang định hỏi xem đó là tiểu thư nhà ai, song Cầm Nhi cứ nói luôn miệng, đồng thời nhấc đủ các thứ linh tinh lỉnh kỉnh từ trong giỏ tre ra ra: nào là lồng chim, mèo rừng, nào là giá cho vẹt đậu, bình hoa lan. Cô làm luôn tay mà cũng nói liên hồi:

– Ôi, đỉnh núi này cao khiếp quá, mà trên này lại chẳng có hoa cỏ gì cả. Tiểu thư tôi chắc sẽ không thích đâu. Vu đại ca! Ở trên này suốt ngày mà đại ca không buồn chán ư?

Vu quản gia hơi cau mày nghĩ bụng: “Chủ nhân mình thì đang dốc sức đối phó với kẻ kình địch, thế mà bỗng dưng lại chui đâu ra cái đứa mồm cứ liến thoắng như thế này nhỉ?”. Bèn hỏi lại:

– Chủ nhân của cô họ gì? Là thân thích của chủ nhân tôi chăng?

– Ðại ca thử đoán xem? – Cầm Nhi nói – Tại sao mới gặp, tôi đã biết ngay anh là Vu đại ca, còn đại ca lại chẳng biết đến cả họ tiểu thư tôi nữa! Nếu tôi không nói tên mình là Cầm Nhi, dám chắc đại ca có ngồi đoán đến hàng nghìn năm cũng đoán không ra tên tôi! Ấy kìa, chớ chạy lung tung, cẩn thận kẻo tiểu thư bực mình đấy!

Vu quản gia ngớ người, nhìn cô ta cúi xuống ôm con mèo lên. Hóa ra mấy câu cuối cùng cô ta nói với con mèo!

Vu quản gia giúp cô ta lấy hết các thứ trong giỏ tre ra. Cầm Nhi nói:

– Ấy. . đại ca chớ làm lộn xộn, trong cái hòm này toàn là sách của tiểu thư cả. Nếu để ngược đám sách sẽ tung lên mất! Kía! Kìa, không được rồi. Hoa lan này không ưa hơi đàn ông đâu! Tiểu thư bảo hoa lan là thứ hoa thanh nhã nhất, nếu đàn ông lại gần, thì đến tối nó sẽ tàn ngay!

Vu quản gia vội đặt ngay chậu hoa đang bưng xuống. Bỗng nghe thấp phía sau lưng có một giọng ngâm rất lạ lùng:

“Ðịnh nâng đàn lên gảy

Tiếc không bạn tri âm”

Vu quản gia giật mình, vội quay lại ngay, giơ tay ngang ngực để thủ thế sẵn sàng nghênh địch.

Hóa ra kẻ vừa ngâm thơ lại là con vẹt trắng đậu trên giá làm bằng chạc cây.

Vu quản gia vừa tức lại vừa buồn cười, sai người thả giỏ tre để đón tiểu thư lên.

Người vú già nói là hãy mở hòm để lấy tấm đệm lông câu lót vào giỏ đã, kẻo tiểu thư kêu là đáy giỏ cứng quá, ngồi sẽ khó chịu. Người ấy chậm rãi lấy chìa khóa mở hòm ra, lại còn bàn bạc với thím Hàn xem nên chọn tấm đệm lông hồ hay tấm đệm lông thủy điêu.

Vu quản gia không chờ được nữa, lại nghĩ đến cuộc chiến gay gắt ở trên đại sảnh, không rõ tính mạng Nguyễn Sĩ Trung ra sao, bèn dặn một bà giúp việc hãy tiếp đón hộ tiểu thư cho chu đáo, còn mình thì vội chạy trở lại đại sảnh.

Vu quản gia chạy ra đón khách mất một hồi lâu nhưng khi trở lại thì tình thế cuộc chiến vẫn không có gì thay đổi lớn. Nguyễn Sĩ Trung vẫn bị tiểu đồng bên phải ép dồn vào góc nhà, tình cảnh mỗi lúc một thêm nguy khốn.

Hắn đã bị văng chiếc giày chân trái, bím tóc tết trên đầu bị phạt mất một nửa nên tóc xoã loà xoà.

Tào Vân Kỳ, n Cát, Chu Vân Dương đã mượn được khí giới của bọn nô bộc trên trang trại nhiều lần xông lên cứu viện xong đều bị tiểu đồng bên trái đánh chặn,nên cả nhóm càng lùi xa ra chỗ Nguyễn Sĩ Trung.

Bọn Lưu Nguyên Hạc vốn lăm le chờ dịp cướp lại chiếc hộp sắt, song đã bị nếm mùi dao găm của tiểu đồng bên trái mấy lần, nên chỉ còn cách lui dần. Tuy thế, người nào cũng thấy ấm ức không phục bởi thấy hai tiểu đồng thực chất chiêu thức chẳng lấy gì là đặc sắc, nội lực tu luyện chỉ có hạn. Chẳng qua chúng cậy vào hai lưỡi dao găm, lại thêm kiếm pháp công thủ hô ứng với nhau, mà đã trói buộc tay được cả bọn giang hồ hảo hán!

Quan sát một lát, Vu quản gia nghĩ thầm “Khi chủ nhân ra đi, đã giao cho mình trông nom việc ở sơn trang. Giờ đây, các vị khách lại bị làm nhục đến nước này trên trang trại thì thể diện của chủ nhân còn ra gì nữa? Mình dẫu có chết, cũng phải cứu lấy Nguyễn Sĩ Trung mới được”.

Nghĩ vậy, y chạy về phòng mình lấy ra thanh Tử Kim đao vẫn dùng ở chốn giang hồ năm xưa, và trở lại đại sảnh. Nhìn thêm một lát các đường gươm của tiểu đồng, rồi gọi:

– Nếu hai chú em không chịu dừng tay, thì người ở sơn trang Ngọc Bút chúng tôi đành phải thất lễ vậy!

– Chủ nhân chúng tôi sai chúng tôi đến đây đưa thư, không bảo chúng tôi giao chiến. Chỉ cần ông ta đền viên ngọc cho tôi, thì chúng tôi sẽ tha ngay thôi!

Nói rồi, tiểu đồng dấn lên bước một bước. Một đường gươm kêu “soạt”, và lại rạch thêm một nhát lên vai trái của Sĩ Trung.

Vu quản gia đang định trả lời, lại nghe thấy một giọng nữ ở phía sau:

– Ôi! Ðừng đánh nhau nữa! Ðừng đánh nhau nữa! Tôi rất không thích mọi người đọ gươm như thế này!

Giọng nói này không vang dội, song êm ái vô cùng làm ai nghe cũng thấy nhẹ nhõm dễ chịu khó tả, bất ngờ đều ngoái lại nhìn.

Chỉ thấy một thiếu nữ mặc áo vàng, đang tươi cười đứng ở cửa. Nàng có làn da trắng mịn màng hơn tuyết, đôi mắt sáng như làn nước trong lần lượt nhìn mọi người.

Người thiếu nữ dung nhan kiều diễm tuyệt vời, như minh châu toả sáng, như ngọc quý long lanh, trên khắp mặt thấp thoáng vẻ tao nhã của của người có học.

Mọi người trong đại sảnh đều là các hảo hán võ lâm phiêu bạt giang hồ, bỗng dưng gặp được một thiếu nữ thanh tú xinh đẹp thì dường như thấy đi lạc vào một thế giới khác, bất giác đều bị cái cốt thanh nhã cao quý của nàng làm cho nể sợ, thấy thẹn thùng vì sự thô lỗ của mình, không dám có ý nghĩ coi thường cô gái.

Hai tiểu đồng lại không để ý dến người thiếu nữ ấy. Nhân lúc n Cát và cả bọn đang sững người lại, chúng chém “choang choang” một hồi và lại chặt gẫy binh khí của bọn họ.

Cô gái nói:

– Hai chú em đừng gây gổ nữa. Làm người ta bị thương như thế này có khó coi chưa kìa!

Tiểu đồng bên phải đáp:

– Ông ta không chịu đền viên ngọc cho em.

– Viên ngọc nào cơ? – Cô gái hỏi lại.

Tiêu đồng dí mũi kiếm nhằm vào ngực Sĩ Trung, cúi người xuống nhặt một nửa viên ngọc lên, mếu máo:

– Chị nhìn đây này, ông ta làm vỡ nó rồi, em bắt đền ông ta.

Cô gái tiến lại gần, cầm lấy xem:

– Ôi!. . Viên ngọc tuyệt vời thật! Chị cũng không có nổi mà đền. Thế này vậy:

Cầm Nhi ơi!

Cô gái nghoảnh lại gọi người đầy tớ gái:

– Hãy lấy đôi ngựa bằng ngọc của ta ra để tặng cho hai anh em chú này!

Cầm Nhi có vẻ không bằng lòng:

– Ơ kìa tiểu thư!

Cô gái nói:

– Sao ngươi lại hẹp hòi thế? Nhìn xem, hai chú em xinh trai như vậy, lại đeo ngựa ngọc thì cả hai lại càng đẹp chứ sao!

Hai tiểu đồng nhìn nhau. Cầm Nhi mở chiếc hòm dát vàng lấy ra một túi gấm đưa cho cô gái. Cô gái mở túi lấy ra con ngựa ngọc nhỏ xinh, hàm ngựa có thắt dây cương bằng những sợi tơ. Cô đeo con ngựa đó vào thắt lưng cho tiẻu đồng bên phải, và lấy con ngựa bằng ngọc trong túi gấm thứ hai cho tiểu đồng bên trái. Chú bé này nói lời cảm ơn và đỡ lấy ngắm nhìn. Chú thấy chú ngựa nhọc lấp lánh sáng trong được chạm trổ vô cùng tinh xảo, đang ở thế vươn mình cất vó. Kích thước tuy nhỏ, song trông có thần như thật, quả là vật phi phàm.

Ngắm nhìn rồi, chú vô cùng thích thú. Có điều chú vẫn chưa hiểu cô gái là người thế nào, nên trong lòng còn do dự, không biết có nên nhận món quà quý này chăng? Tiểu đồng bên phải lại đến chân tường nhặt nốt nửa viên ngọc lên và nói:

– Viên ngọc của em là viên Dạ Minh Châu, nó cùng với viên của anh em đeo thành một đôi. Dù đã được ngựa ngọc rồi, thì cũng vẫn không cân xứng nữa! Tiểu đồng vô cùng buồn bã nói.

Cô gái nhìn dáng vẻ và cách ăn mặc của hai, biết rằng hai anh em sinh đôi này rất yêu quý nhau. Vỡ mất một viên ngọc châu chỉ là chuyện nhỏ, mà chú tiểu đồng buồn là ở chỗ sẽ làm hai anh em ăn vận trở thành khác nhau, không thành đôi được nữa!

Nghĩ thế, cô gái bèn đỡ lấy ngựa ngọc, cầm hai nửa viên ngọc áp vào chỗ hai mắt ngựa:

– Chị có ý này: khảm hai nửa viên ngọc vào hai mắt ngựa ngọc. Thế là ban đêm viên ngọc vẫn phát sáng và mắt ngựa cũng loé sáng. Thế là chẳng đẹp à?

Tiểu dồng bên trái mừng lắm, bèn tháo viên ngọc đính rên bím tóc mình xuống,lấy dao găm bổ đôi ra rồi nói:

– Em ạ! Thế này là ngọc châu và ngựa ngọc của chúng mình đều giống nhau rồi!

Tiểu đồng kia bèn đổi giận làm vui, luôn miệng cảm tạ cô gái, lại còn tới hỏi thăm Nguyễn Sĩ Trung:

– Thôi nhé! Ông cũng đừng giận nhé!

Nguyễn Sĩ Trung khắp người đầy vết máu, tức giận ghê gớm, song cũng chẳng lên tiếng mắng mỏ gì. Tiểu đồng bên phải kéo tay người anh, có ý định ra về. Tiểu đồng bên trái nói với cô gái:

– Xin đa tạ cô nương đã ban tặng ngựa quý. Xin hỏi quý tính của cô nương, để nếu như chủ nhân hỏi đến, chúng em còn biết đường trả lời ạ?

– Chủ nhân của các em là ai? – Cô gái hỏi.

– Chủ nhân của chúng em họ Hồ ạ! – Tiểu đồng bên trái trả lời.

Vừa nghe xong, mặt cô gái chợt biến sắc:

– Hóa ra hai em là tiểu đồng của Tuyết Sơn Phi Hồ ư?

Hai tiểu đồng cúi mình đáp:

– Ðúng thế ạ!

Cô gái chậm rãi:

– Chị họ Miêu. Nếu chủ nhân các em có hỏi về hai con ngựa ngọc này, thì nói là con gái của Kim Diện Phật họ Miêu tặng.

Nghe mấy lời này, hết thẩy mọi người đều kinh ngạc lộ rõ trên nét mặt.

Kim Diện Phật uy danh lừng lẫy là thế, không thể ngờ rằng ông ta lại có một cô con gái nhu mì lẽn bẽn như thế này! Cứ nhìn thần sắc mà đoán, nếu không phải tiểu thư con nhà quyền quý thì cũng là khuê nữ con nhà dòng dõi thi thư nhiều đời, chứ đâu phải con gái một đại hiệp giang hồ!

Hai tiểu đồng nhìn nhau, rồi cùng đặt ngựa ngọc lên trên chiếc bàn nhỏ, lẳng lặng ra khỏi đại sảnh.

Cô gái chúm chím cười, và cũng im lặng. Cầm Nhi hớn hở thu lại đôi ngựa ngọc:

– Tiểu thư! Hai thằng bé này chẳng hiểu mô tê gì cả! Tiểu thư đã tặng cho vật quý như thế, lại không nhận! Nếu là em, thì…

– Thôi đừng nói nhiều, kẻo mọi người chê cười cho đấy!

Bảo Thụ đại sư bước lên trước mặt mọi người, nói to:

– Hoá ra cô nương là con gái cưng của Miêu đại hiệp đó ư? Lệnh tôn vẫn khoẻ chứ?

Cô gái trả lời:

– Xin đa tạ đại sư. Phụ thân chúng tôi nhờ được phúc tổ tiên nên vẫn mạnh khoẻ ạ. Xin hỏi pháp danh của ngài?

Bảo Thụ mỉm cười:

– Bần tăng là Bảo Thụ. Thế còn quý danh của cô nương?

Cô gái vốn tên là Miêu Nhược Lan. Nghe Bảo Thụ hỏi, cô chợt hơi đỏ mặt, thầm nghĩ: “Tên của mình, sao có thể tùy tiện nói ra cho mọi người biết được nhỉ?”. Thế là cô không trả lời, chỉ nói:

– Xin các vị cứ ngồi đã, để kẻ hậu sinh này vào nhà trong chào bá mẫu đã – Nói rồi cô vái chào mọi người.

Mọi người nể uy danh cúa cha cô gái, không dám tỏ ý xem thường, đều cung kính đáp lễ, và nghĩ bụng: “Cô gái này không có chút kiêu căng cậy thế cha mình,cũng thật hiếm có!”.

Chờ cho ai nấy đều yên vị, Miêu Nhược Lan mới xin lỗi tất cả để cáo lui vào nhà trong. Lại thấy bảy tám gia đinh và vú già tiến vào cửa chính, khiêng các hòm xiểng, lồng chim và các vật dụng khác, xem ra đều đi theo để hầu hạ Miêu tiểu thư.

Cha con Ðào Bách Tuế, Ðào Tử An nhìn nhau, thầm nghĩ: “Nếu cha con mình gặp cả bọn này trên đường, nhất định sẽ nghĩ rằng đây là bọn gia quyến quan lại, phú hào và chắc chắn sẽ ra tay cướp phá, hẳn là sẽ gây thành chuyện tày đình!”.

Nguyễn Sĩ Trung đưa cánh tay áo quệt các vết máu trên tay mình. May mà tiểu đồng không cố tình sát thương ông ta, nên mỗi vết thương đều rất nông, chỉ làm rách da, thịt, không đáng lo ngại. Ðiền Thanh Văn lại gần, lấy thuốc rắc để cầm máu cho Sĩ Trung. Sĩ Trung xé vạc áo trái của mình để cho Thanh Văn băng các vết thương.

Bỗng nghe “xoảng”một tiếng. Chiếc hộp sắt rơi xuống đất. Mọi người không ai bảo ai đều đứng dậy xông tới để cướp lấy.

Nguyễn Sĩ Trung đứng gần hộp sắt nhất, vung tay trái lia một vòng gạt mọi người ra rồi cúi ngay xuống nhặt chiếc hộp sắt. Ngón tay vừa chạm hộp sắt, bỗng thấy một lực rất mạnh đập vào vai mình, loạng choạng ngã nhoài ra mấy bước chân. Khi dứng vững lại được, nhìn lên thì thấy hộp sắt đã được ôm gọn trong tay Bảo Thụ rồi.

Mọi người đều sợ bản lãnh cao cường của Bảo Thụ, đành trơ mắt nhìn, không dám nói năng gì.

Một lúc sau, Tào Vân Kỳ nói:

– Thưa đại sư, chiếc hộp sắt này là báu vật biẻu trưng quyền lực của phái Thiên Long Môn chúng tôi. Xin đại sư trả lại cho.

Bảo Thụ cười đáp:

– Ngươi nói là báu vật biểu trưng của môn phái, vậy xin hỏi hộp đựng báu vật gì? Nguồn gốc ra sao? Là chưởng môn của Thiên Long Môn hẳn thí chủ phải biết. Chỉ cần nói rõ thì xin cứ việc cầm lấy!

Nói rồi, Bảo Thụ hai tay nâng chiếc hộp giơ ra trước mặt.

Tào Vân Kỳ mặt đỏ bừng, hai tay giơ ra nửa chừng, không dám đón lấy, song cũng ngượng không rút tay về, cứ để tay hờ như thế rồi từ từ buông xuống.

Thực ra, Tào Vân Kỳ chỉ biết sư phụ hắn rất nâng niu cái hộp sắt, cất giữ kỹ lưỡng song cũng chưa nhìn thấy sư phụ mở hộp ra bao giờ. Ngay trong hộp đựng báu vật gì, Vân Kỳ còn không biết nói gì đến nguồn gốc của báu vật? Nguyễn Sĩ Trung, Ân Cát tuy đều là những cao thủ tiền bối của Thiên Long Môn, nhưng cũng đành nhìn nhau, chịu không nói gì được! Chu Vân Dương bỗng lên tiếng:

– Tất nhiên là chúng tôi biết: trong đó có một thanh bảo đao!

Trong phái Thiên Long Môn, Chu Vân Dương chỉ được coi là cao thủ hạng nhì về mặt võ công, xưa nay chưa từng được sư phụ ưu ái, hắn cũng không phải loại tài ba. Thế mà bỗng dưng nói điều đó, khiến cả bọn Nguyễn Sĩ Trung lấy làm lạ, thầm nghĩ: “Mi thì biết gì? Liệu mà im đi cho sớm mới phải”

Chẳng ngờ, Bảo Thụ nói luôn:

– Ðúng! Ðúng đây là một thanh bảo đao. Vậy thí chủ có biết nó vốn là của ai không? Và tại sao lại rơi vào tay phái Thiên Long Môn?

Bọn Nguyễn Sĩ Trung không ngờ Chu Vân Dương lại nói trúng ngay, đều quá ngạc nhiên, cùng chăm chú chờ Vân Dương nói tiếp. Song chỉ thấy sắc mặt trắng xanh của Vân Dương hơi đỏ lên, rồi lại chuyển sang trắng xanh, hậm hực trả lời:

– Ðó là báu vật truyền đời của Thiên Long Môn. Ai có được bảo đao, thì người ấy được làm chưởng môn!

Ân Cát tiếp luôn:

– Ðúng thế! Ðây là bảo đao của môn phái chúng tôi, do Nam Tông và Bắc Tông luân phiên giữ gìn.

Bảo Thụ lắc đầu:

– Không đúng! Không đúng. Bần tăng cho rằng, các người cũng không biết rồi!

– Chẳng lẽ đại sư lại biết ư? – Chu Vân Dương hỏi

– Hai mươi năm trước ta đã biết! Cuộc tranh chấp giữa Tuyết Sơn Phi Hồ và chủ nhân của sơn trang này cũng từ cái này mà ra! Nếu không vì còn có nhiều vướng mắc trong câu chuyện này, hà tất phải mời các vị lên núi làm gì!-Bảo Thụ nói.

Các môn nhân của Thiên Long Môn, cha con họ Ðào, huynh đệ Lưu, Hùng đều quá ngạc nhiên, thầm nghĩ “Lão hòa thượng này đúng là không có ý tốt gì hết! Té ra lão cũng muốn cướp lấy thanh bảo đao! Bọn mình hôm nay là lâm vào thế cùng,cầm chắc cái chết rồi đây!”.

Lúc này, bỗng “soạt” một tiếng. Mọi người đều rút binh khí ra, tiếp theo là một loạt tiếng động nữa.

Tất cả mọi người đều cầm binh khí vây lấy Bảo Thụ.

Bọn Nguyễn Sĩ Trung đã bị tiểu đồng chém gẫy binh khí, cùng cúi xuống nhặt lấy đao gãy, kiếm gãy cầm lên.

Lúc này, ai cũng sáp tới gần, nên đều quan sát được Bảo Thụ thật rõ. Tuy râu đã bạc, mặt nhiều nếp nhăn, song đôi mắt sáng quắc, xem ra Bảo Thụ cũng chưa được nhiều tuổi lắm.

Lưu Nguyên Hạc lùi lại một bước, hô lên:

– Anh em hãy cùng nhau xông vào giết lão hoà thượng trước đã. Còn việc riêng của chúng ta để xuống núi bàn lại sau.

Nguyên Hạc cảm thấy còn chần chừ ở đây thêm lúc nào càng nguy hiểm thêm lúc đó. Các người khác cũng đều không cảm thấy yên tâm nếu mình còn ở trên núi này, nên lời kêu gọi của Lưu Nguyên Hạc thật hợp ý với họ. Mọi người vừa định xông vào, thì thấy một tiếng nổ rền vang như tiếng pháo ở phía ngoài cửa.

Ai nấy ngạc nhiên nhìn nhau. Phút chốc, thấy Vu quản gia hấp tấp chạy vào, vẻ mặt có phần hốt hoảng kêu lên:

– Việc lớn nguy rồi, các vị ơi!

– Tuyết Sơn Phi Hồ đến à? – Tào Vân Kỳ hỏi.

Vu quản gia đáp:

– Không phải thế, mà đây là dây thừng và trục cuốn dùng để kéo giỏ lên xuống núi của sơn trang đã bị kẻ nào đó phá hỏng rồi.

Mọi người đều giật mình, dồn dập hỏi lại:

– Vậy thì làm sao đây? Không còn đường dây thứ hai nữa à? Có cách nào để xuống núi không?

Vu quản gia đáp:

– Trên núi chỉ có một sợi dây thừng thôi. Tiểu nhân sơ ý không theo dõi, thế là hai tên tiểu đồng đệ tử của Tuyết Sơn Phi Hồ đã phá nát mất rồi.

– Bọn chúng phá ra sao? – Bảo Thụ mặt biến sắc hỏi.

– Anh em chúng tôi thả hai thằng quỷ con đó xuống, và về phòng nghỉ. Chợt nghe thấy tiếng nổ vội vàng chạy ra xem thì thấy dây thừng và trục cuốn bị đã bị phá nát cả. Rõ ràng là hai thằng nhóc trời đánh đó đã gài thuốc nổ ở chỗ trục quay, ngòi nổ ròng xuống chân núi và châm ngòi từ đó cháy lên.

Mọi người ngây người, ùa ra cổng xem, quả nhiên trục cuốn đã bị phá tan tành,các đoạn dây thừng vung vãi tứ tung trên mặt đất. Rất may, những người kéo trục cuốn đã rời vị trí, nên không ai bị thương.

Ân Cát hỏi Bảo Thụ:

– Ðại sư! Hành vi này của bọn thủ hạ Tuyết Sơn Phi Hồ có dụng ý gì?

Bảo Thụ đáp:

– Có gì đâu, bọn chúng mong chúng ta chết đói cả lũ trên đỉnh núi này – Nhưng mà chúng ta vốn chẳng có oán thù gì với hắn cả. ?

– Hắn có mối thù sâu như biển với chủ nhân ở sơn trại nay – Bảo Thụ nói – Vả lại cái hộp sắt có trong tay các vị, lại kết thêm một oán hờn với hắn ta đó!

Ân Cát hỏi lại:

– Tuyết Sơn Phi Hồ cũng thèm muốn chiếc hộp sắt này ư?

– Còn phải nói! – Bảo Thụ đáp.

Mọi người nhớ lại võ công quái dị của hai tiểu đồng, đều chung một ý nghĩ “Bọn nhóc mà đã ghê gớm thế, thì chủ nhân của chúng đương nhiên là khỏi phải bàn!”.

Tất cả lặng lẽ đi sau Bảo Thụ trở vào đại sảnh.

Lúc này, Miêu Nhược Lan từ trong nhà đi ra nói:

– Ðại sư! Tuyết Sơn Phi Hồ định hãm hại chết chúng ta ở đây ư?

Bảo Thụ sa sầm nét mặt:

– Ðúng thế đấy! Mọi người cùng chung cảnh ngộ rồi. Hãy cùng nghĩ cách xuống núi đi thôi.

Miêu Nhược Lan nói:

– Không đáng lo đâu ạ. Cha tôi sẽ đến đây trong ngày hôm nay, chắc có thể cứu chúng ta xuống núi được!

Mọi người đều nghĩ rằng, có con gái Miêu Nhân Phượng ở đây, lẽ nào ông ta lại bó tay đứng nhìn? Nghĩ thế, thấy lòng vơi bớt nỗi lo âu. Chỉ có Lưu Nguyên Hạc một mình khẽ lắc đầu, song cũng không nói rõ tại sao.

Bảo Thụ nói:

– Miêu đại hiệp tuy võ công hơn đời, song đỉnh núi tuyết cao mấy trăm trượng thế này, làm sao lên nổi?

Miêu Nhược Lan đáp:

– Ðã có người lên được đây để lập trang trại, sao cha tôi lại không thể lên nổi?

– Nếu vào mùa hạ, băng tuyết đều tan, lên núi không khó. Song bây giờ đang rét đậm đợi lúc hết băng tuyết cũng phải mất đến ba tháng là ít. Này quản gia -Bảo Thụ nói tiếp -trên núi có lương thực dự trữ cho mấy tháng?

Vu quản gia đáp:

– Người quản gia đảm nhận việc xuống núi đi mua lương thực, dự kiến là ngày kia sẽ về đây. Lương thực dự trữ vốn có thể đủ dùng cho hai mươi ngày nữa nhưng giờ đây thêm các quý khách và nhóm các nô bộc của Miêu tiểu thư, tính ra chỉ còn đủ dùng cho mười ngày nữa thôi.

Mọi người mặt biến sắc, lặng im, thầm nguyền rủa Tuyết Sơn Phi Hồ ác độc!

Tào Vân Kỳ nói:

– Hay là chúng ta cứ từ từ trượt xuống…

Mới nói được nửa chừng, hắn hiểu ngay là không ổn nên ngừng bặt. Quả núi này dốc ngược như thế, e rằng trượt xuống chưa được đôi ba trượng thì người đã rơi xuống luôn!

Mọi người nhìn Vân Kỳ nghĩ bụng: “Tay này thiệt vô dụng quá!”.

Thấy mọi người nhìn mình, Vân Kỳ bất giác thẹn đỏ bừng mặt.

Miêu Nhược Lan nói:

– Nếu mọi người không tránh khỏi chết đói đi nữa, thì cũng cần phải biết rõ nguyên do chứ! Ðại sư, rốt cuộc là Tuyết Sơn Phi Hồ có mối thâm thù gì với chúng ta?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.