Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy

CHƯƠNG 10: Cải thiện kỹ năng học tập



Trí óc không phải là chiếc thuyền lớn được nhét đầy mà là ngọn lửa sẽ bốc cháy.

–Plutarch

Sáu mươi thanh thiếu niên chen chúc trong một căn phòng – vỗ tay, cười và nhảy múa. Khắp phòng rộn vang những tiếng hò hét lớn, đầy phấn khích. Nhạc rock xập xình làm nền cho khung cảnh đó. Bọn trẻ nhảy nhót vòng quanh một đám đông náo nhiệt và tràn đầy hứng khởi và cùng vỗ tay nhau chúc mừng. Khắp nơi là những tiếng la hét, reo hò và tiếng cười khúc khích. Rich Allen người hướng dẫn, cất tiếng át đi tiếng ầm ĩ để thu hút sự chú ý của bọn chúng. Nhạc ngừng lại và sự im lặng bao trùm khi bọn trẻ ngồi vào những chiếc ghế trên sàn nhà trước mặt người hướng dẫn. Mọi con mắt và sự chú ý đổ dồn về Rich Allen, một người tràn đầy khiếu hài hước và luôn luôn chọc ghẹo, thúc đẩy và khích lệ bọn trẻ. Gõ một hồi trống, Rich đã dẫn 60 học sinh hướng đến một hệ thống “đóng chốt” trí nhớ, một trong số những kỹ thuật học tập tăng tốc được giảng dạy tại SuperCamp.

SuperCam là một trại hè lớn kéo dài 10 ngày, tràn đầy không khí vui vẻ dành cho thanh thiếu nhi – nơi giảng dạy các kỹ năng học tập trong một môi trường mang tính khích lệ cao với các trò vui âm nhạc, sự hỗ trợ, năng lượng và sự hài hước. Chủ nhật này, các bậc phụ huynh và bạn bè của các thành viên tương lai sẽ tập trung trong một buổi thuyết trình ở đây. Chúng ta sẽ chứng kiến những buổi học có tốc độ nhanh và thay đổi liên tục khiến cho bọn trẻ và cha mẹ chúng luôn bận rộn và thích thú. Sau một bài lý thuyết ngắn, sẽ có một bài tập áp dụng. Mỗi bài tập đều mang lại cho bọn trẻ cơ hội thử một điều mới. Ví dụ, bài tập trí nhớ yêu cầu chúng kể lại 12 ban nhạc rock theo thứ tự và sau đó đọc lại theo thứ tự ngược lại. Mỗi nỗ lực đều được người hướng dẫn và các học sinh khác cổ vũ mạnh mẽ bằng những lời khuyến khích và tràng vỗ tay. Giữa các buổi lý thuyết luôn, có một bài thể dục để thay đổi tốc độ, sau đó là âm nhạc đầy sôi động. Như vậy, sự nhàm chán và mệt mỏi không có cơ hội xuất hiện.

Khắp phòng treo đầy những tấm bảng nhiều màu sắc, viết: “Giấc mơ lớn – hãy đương đầu với cuộc sống,” “Tất cả những gì tôi cần là niềm tin”, “Học tập thật vui và dễ dàng”, “Nếu tôi tin mình làm được, tôi sẽ làm được”, “Thất bại chỉ là thông tin tôi cần để thành công.” Và luôn có âm nhạc dù là nhạc cổ điển, nhạc rock hoặc một giai điệu điên cuồng kích thích cơ thể và bộ não trong suốt bài tập thay đổi nhịp độ. Mỗi bài tập này kích thích của cả thị giác, thính giác và sự chuyển động của cơ thể, nghĩa là có sự tham gia tổng thể. Sự hài hước, vui vẻ và ngạc nhiên sẽ khiến cho sự chú ý tập trung hoàn toàn vào bài tập hiện tại.

Buổi thuyết minh chiều chủ nhật ở SuperCamp bao gồm các cựu thành viên, các đội có triển vọng, các bậc phụ huynh và những thành viên tiềm năng – tình nguyện và không tình nguyện. Bobbi Deporter, người sáng lập SuperCamp, nói mục đích của tổ chức là dạy cho bọn trẻ những kỹ năng học tập rất ít khi được giảng dạy ở trường, cho chúng cơ hội phát triển trí tuệ và cơ thể, phá vỡ những rào cản tinh thần và tập một số cách cư xử mới.

Một ngày tại trại có tên “Ngày mà tôi không thể làm được điều đó”. Trong cả một ngày, bọn trẻ làm những việc mà chúng nghĩ mình không thể làm được – chẳng hạn như trèo lên cột điện thoại cao hơn 7m, đứng trên đỉnh và nhảy sang một xà đu. Tất nhiên, tất cả những bài tập này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng vì sự an toàn của học sinh nhưng nỗi sợ hãi rất lớn vẫn còn hiện hữu. Và như vậy trí óc sẽ chống lại, không chấp thuận bài tập và cả sự trải nghiệm đó cho đến khi đột nhiên bài tập kết thúc thành công và một cảm xúc chiến thắng ngập tràn thay thế nỗi sợ hãi.

Đợt tập huấn mười ngày dạy cho các học sinh cách thức củng cố sự tự tin, cách hiểu rằng những trở ngại của họ chỉ và cách có được những mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Hai phần ba số học sinh đạt điểm số cao hơn rất nhiều sau đợt cắm trại và phần lớn chúng coi sự trải nghiệm ở trại như là một biến chuyển lớn trong cuộc đời của mình. Vào cuối buổi thuyết trình, các học sinh được khuyến khích nói về ý nghĩa của các trải nghiệm tại trại đối với mình. Những lời khen ngợi chân thành, riêng tư và đầy cảm xúc. Chúng bao gồm cả những câu chuyện về việc điểm số cao hơn, những câu chuyện về mối quan hệ tốt với cha mẹ và bạn bè. Một cựu thành viên của trại cho biết cậu đã định không thi tốt nghiệp phổ thông nhưng sau khi từ trại trở về, anh lại đăng ký học tiếp. Hiện giờ cậu đã tốt nghiệp và đang học đại học. Một nữ sinh nói về sự tự tin đã được nâng cao và giúp cô nộp đơn xin du học ở Tây Ban Nha như thế nào… và cô đã được nhận!

Một trong những công cụ học tập chủ yếu ở SuperCamp là bản đồ tư duy. Các học sinh được dạy cách lập bản đồ cho các bài ghi chép của mình như là một cách ghi chép nhanh những ý cơ bản của bài giảng, hay để đọc tài liệu, sắp xếp và bổ sung những thông tin và suy nghĩ của chính họ. Một vài học sinh thích lập bản đồ tư duy đến nỗi đã truyền đạt lại cho những học sinh khác và giáo viên khi trở lại trường học.

Ghi chép nhanh và hiệu quả là rất quan trọng nhưng thậm chí còn quan trọng hơn lắng nghe. Kỹ năng nghe tốt là rất cần thiết đối với quá trình học tập.

Lắng nghe – Kỹ năng tự nhiên

Tự nhiên ban cho con người một cái lưỡi nhưng hai cái tai, nên chúng ta có thể lắng nghe mọi người nhiều hơn hai lần nói.

–Epictetus

Khi đang nói tức là chúng ta không học.

–Lydon B. Johnson

Lắng nghe là kỹ năng giao tiếp đầu tiên mà chúng ta học khi còn nhỏ. Đó vẫn là kỹ năng chúng ta sử dụng nhiều nhất khi trưởng thành. Và nó cũng là một kỹ năng giao tiếp mà phần lớn chúng ta đều có mà không cần được đào tạo. Hệ thống giáo dục của chúng ta cũng chú trọng vào kỹ năng đọc và viết nhưng thật ra chỉ dành một lượng thời gian tương đối nhỏ cho các kỹ năng giao tiếp này. Khoảng một phần ba thời gian của chúng ta là dành cho kịch nói, và cho việc lắng nghe thì còn nhiều hơn.

Chúng ta có xu hướng coi lắng nghe là điều đương nhiên và cho rằng nghe thấy là dạng tương đồng của lắng nghe. Tuy nhiên, trong khi nghe thấy là một chức năng của tai thì lắng nghe lại đòi hỏi cả sự tham gia của trí óc. Lắng nghe là một quá trình chủ động chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận thụ động các âm thanh. Lắng nghe hiếm khi được thực hiện tốt, đặc biệt là trong công việc. Rất nhiều câu chuyện bị hiểu lầm do không được lắng nghe cẩn thận. Và khi đó, để chữa lỗi, bạn thường nói: “Tôi không hiểu ý bạn là gì… Tôi nghĩ bạn nói… Bạn chưa bao giờ nói với tôi… Tôi không nghe thấy…”. Đó đều là những dạng khác nhau của các lỗi khi lắng nghe.

Tập đoàn Sperry rất quan tâm đến những lỗi nghe và đã đưa ra một khóa học cho tất cả các nhân viên. Họ thấy những thiếu sót khi nghe và những thất bại trong giao tiếp là nguyên nhân chính gây ra sự thiếu hiệu quả kém và sự lãng phí thời gian.

Danh sách về các thói quen lắng nghe không đúng của Tập đoàn Sperry bao gồm:

• Chú ý đến phong cách của người nói nhiều hơn là nội dung;

• Trí óc lơ đãng;

• Hướng sự chú ý sang phía khác;

• Phản ứng thái quá với những từ ngữ giàu cảm xúc;

• Tỏ ra không thích thú ngay từ đầu.

Việc lập bản đồ tư duy cho những thông tin được trình bày trong các bài giảng, bài phát biểu hoặc trong các cuộc nói chuyện đòi hỏi bạn phải nghiên cứu tài liệu. Sự tham gia có chủ động sẽ giúp trí não bạn tập trung hơn, giảm thiểu khả năng sao nhãng hoặc sự phân tán tư tưởng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra tốc độ nói trung bình chúng ta là khoảng trên 135 từ/phút, trong khi đó tốc độ lắng nghe là từ 400-800từ/phút. Sự chênh lệch này cho phép bạn có thời gian suy tưởng. Thời gian còn trống có thể được sử dụng để cải thiện kỹ năng nghe bằng cách diễn đạt lại, tổ chức và đặt ra câu hỏi về những thông tin bạn vừa nhận được.

Những bí quyết để lắng nghe hiệu quả hơn sau đây có thể giúp bạn lập bản đồ tư duy cho thông tin nhận được:

• Tìm ra những điểm chính – làm nổi bật thông tin.

• Tìm kiếm trọng tâm của người nói – người nói đang cố gắng truyền tải điều gì?

• Bạn tán thành hay phản đối luận điểm chủ đạo của người nói hoặc bạn cần thêm thông tin nào cho quá trình ra quyết định?

• Đặt câu hỏi trong khi lắng nghe – thái độ của người nói là gì?

• Xác định những kết luận của người nói – chúng có những ý bổ sung nào?

• Tìm kiếm cơ sở của lời phát triển – lời phát triển có cụ thể không?

• Diễn đạt lại thông tin và bổ sung thêm những đánh giá cá nhân.

• Tìm kiếm ẩn ý – những điều người nói không đề cập đến. Có phải người nói đã tránh không nói đến một vấn đề nhất định nào đó không?

Cải thiện khả năng ghi nhớ bằng cách ghi chép

Confucius nói: “Cây bút chì ngắn tốt hơn cả khả năng ghi nhớ lâu.” Ghi chép là một kỹ thuật ghi nhớ cơ bản có thể tăng cường khả năng ghi nhớ và khả năng gợi nhớ thông tin nhiều gấp sáu lần.

Tuy nhiên, cách ghi chép chuẩn thường đòi hỏi phải ghi lại một số cụm từ hay ý tưởng nhất định sao cho gần giống với nguyên văn. Thực ra, điều này giống sự nhắc lại nhiều hơn là sự tham gia. Bạn viết lại những điều nghe thấy hoặc nhìn thấy. Hình thức ghi chép này thực ra có nhiều yếu tố rủi ro:

• Mặc dù bạn có thể nghe với tốc độ 800 từ phút nhưng diễn giả chỉ có thể nói với tốc độ khoảng 135 từ mỗi phút, còn bạn cũng chỉ ghi được

40 từ/phút. Cố gắng ghi chép từng từ từng chữ sẽ khiến bạn bỏ lỡ nhiều thông tin phía sau;

• Quá trình cố gắng ghi nhớ đoạn trước để ghi chép trong khi đang lắng nghe thông tin mới sẽ gây ra sự xáo trộn và thật sự gây trở ngại cho quá trình suy nghĩ;

• Mục đích hàng đầu của ghi chép là ôn lại thông tin nhằm tăng khả năng ghi nhớ. Những bài ghi chép chỉ là những từ và cụm từ không cần thiết sẽ khiến cho quá trình ôn lại rất khó khăn. Những bài ghi chép đúng từng từ từng chữ làm cho bạn có ít cơ hội bổ sung những liên tưởng và cách sắp xếp của chính mình. Những bài ghi chép này có rất ít mối liên hệ với vốn kiến thức hiện có của bạn và do đó, chúng dễ dàng mất đi hoặc bị lãng quên.

Lập bản đồ tư duy là hình thức ghi chép hiệu quả hơn rất nhiều. Kỹ thuật ghi chép này cho phép bạn nhanh chóng ghi lại các ý tưởng bằng các từ khóa, sắp xếp một cách cơ bản thông tin khi nó được truyền tải và cho bạn cơ hội hình thành những mối liên hệ và liên tưởng. Bạn cũng có thể tham gia vào bài học bằng cách bổ sung những suy nghĩ, quan điểm và cảm nghĩ của chính mình.

Các từ khóa — Khi sử dụng bản đồ tư duy để học bài mới hay ghi chép, điều quan trọng là chỉ nên dùng các từ khóa. Nhìn chung những từ khóa thường là các danh từ hay động từ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ các từ khóa trong bài ghi chép càng cao thì khả năng nhớ lại sẽ càng lớn.

Bản đồ tư duy tự động loại bỏ những từ không quan trọng và đưa ra sự sắp xếp sơ bộ thông tin được tiếp nhận. Để rút ra các từ then chốt, cần phải chú ý và tham gia. Chú
ý và tham gia vào bài học sẽ làm tăng khả năng hiểu bài và ghi nhớ. Bạn để tâm trí tập trung vào quá trình ghi chép càng nhiều thì khả năng hiểu bài và gợi nhớ của bạn càng cao.

Viết chữ hoa — cho các thông tin trong bản đồ tư duy có hai lợi ích: chúng rõ ràng và dễ được ghi nhớ hơn. Những thông tin cần được trích dẫn hay nhớ đúng nguyên văn có thể được ghi lại trong một cột ở phía dưới của trang giấy.

Sự liên tưởng — Bổ sung những liên tưởng và các mối liên hệ trong khi ghi chép sẽ làm thông tin dễ hiểu hơn và được củng cố trong trí nhớ của bạn.

Hình ảnh — Thêm các hình ảnh và biểu tượng nhằm kích hoạt não phải và tăng khả năng ghi nhớ cũng như lưu giữ thông tin trong bộ não.

Gần đây, các nhà giáo dục đã lựa chọn và sử dụng bản đồ tư duy như là một công cụ học tập hiệu quả. Học sinh học cách lập bản đồ tư duy ngay từ lớp ba, lớp bốn và sử dụng nó để cải thiện các kỹ năng học, viết cũng như các kỹ năng tổ chức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.