Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy

CHƯƠNG 2: Tính sáng tạo trong mỗi chúng ta



Tính sáng tạo đang xuyên qua màn sương trần tục của con người để khám phá ra những điều kỳ diệu

–Bill Moyers

Tính sáng tạo được định nghĩa là khả năng nhìn nhận sự vật mà ai cũng có thể thấy được nhưng phải đồng thời tạo ra được mối liên kết mà chưa ai làm được.

Khi nói về tính sáng tạo, chúng ta chỉ nghĩ đến tác phẩm của các nghệ sĩ vĩ đại như những bức tranh của Van Gogh, vô số bản nhạc của Mozart hay những bài thơ xonê của Shakespear. Nhưng trong khi các nghệ sĩ bậc thầy này phô bày tài năng và óc sáng tạo phi thường thì không có nghĩa là những người còn lại như chúng ta thiếu tính sáng tạo. Tuy nhiên, trong cuộc sống, con người thường có xu hướng tự đánh mất khả năng vận dụng tính sáng tạo vốn có này.

Hãy nghe những tâm sự của Beverly Neuer Feidman, tác giả cuốn Kids Who Succeed (Những đứa trẻ thành công), về quá trình bắt đầu học vẽ của mình:

Khi học tiểu học, bài tập vẽ trên lớp của tôi là vẽ một phần bức tranh của họa sĩ nổi tiếng lên phần tờ giấy đã được căn lề. Giáo viên hướng dẫn kĩ nhất việc căn lề. Chúng tôi không tranh luận về những bức tranh mà chỉ tập trung vào những cái lề. Và giáo viên sẽ cho điểm dựa vào độ căn lề chính xác (hình thức hoạt động nghệ thuật đặc biệt này vẫn được áp dụng trong các lớp học vẽ ngày nay). Khi học phổ thông, tôi trở nên ghét môn vẽ. Tham gia vào một khóa học vẽ ư? Không bao giờ! Vì vậy, tôi quyết định gia nhập nhóm “những người không sáng tạo” – chính sự tự chấp nhận này khiến tôi không nhìn thấy hết giá trị của bản thân.

Sau này tôi mới nhận thấy những điều mà trước kia tôi không hiểu: sự khác biệt duy nhất giữa người sáng tạo và không sáng tạo thực chất chỉ là người sáng tạo luôn nghĩ mình là người sáng tạo còn người không sáng tạo thì không làm được như vậy.

Tính sáng tạo là gì?

Chúng ta định nghĩa tính sáng tạo trong mỗi người như thế nào? Những câu trả lời thường bao gồm các từ: “mới mẻ”, “đa dạng”, “độc nhất”, “khác biệt”, “khả quan”. Nói một cách đơn giản nó chỉ là “mới mẻ và hữu ích”. Tính sáng tạo ám chỉ việc tạo ra những ý nghĩa hay mục đích mới cho công việc, tìm được công dụng mới, giải quyết những vấn đề tồn đọng, làm gia tăng cái đẹp hay giá trị. Do đó, khả năng trở thành nhà nội trợ sáng tạo cũng giống như khả năng trở thành một nhà văn sáng tạo. Hơn thế nữa, tính sáng tạo còn giúp các bậc phụ huynh nuôi dạy con cái cũng như giúp nghệ sĩ vẽ tranh hay giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới.

Do cấu trúc gen phức tạp và sự từng trải là độc nhất nên mỗi người là một cá thể riêng biệt như một bông tuyết đơn lẻ trong hàng ngàn bông tuyết. Chính sự khác biệt này là nền tảng tạo nên tính sáng tạo của con người. Mỗi người đều có cách thể hiện tài năng và kinh nghiệm riêng của mình thông qua những kỹ năng. Đó là quá trình tìm kiếm và lắng nghe những quan điểm cá nhân nhằm góp phần nảy sinh tính sáng tạo. Thực chất, sáng tạo là sự quy đổi tiếng nói hay bản thân chúng ta thành những sản phẩm hữu hình như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, giải pháp cho các vấn đề trong công việc, con cái, sư tinh tế khi trang trí nhà, phong cách ăn mặc, sở thích, khiêu vũ và rất nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.

Nhưng cái khó của tính sáng tạo là việc nhận biết và tôn trọng chính bản thân mình. Khi con người tiến hóa thành động vật ”văn minh”, sống thành từng nhóm cộng đồng thì tính cá biệt trở thành một chướng ngại. Hoạt động đơn lẻ của từng cá nhân ngày càng trở thành một rủi ro lớn và một mối nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, chủ nghĩa cá nhân không được khuyến khích, còn làm việc theo nhóm thì dễ dàng và an toàn hơn, từ đó, tư duy theo nhóm cũng được hình thành.

Tuy nhiên, áp lực cộng đồng có lớn bao nhiêu, chúng ta cũng không dễ từ bỏ cá tính của bản thân. Tính sáng tạo thể hiện ở mọi thứ quanh chúng ta như ngôi nhà, tủ quần áo, trong sở thích đan lát hay thu thập những tấm đề can hình quả bóng. Ở bất kỳ đâu, ta cũng có thể thấy được tính hai mặt trong một con người, một mặt là khát vọng được hòa mình vào cộng đồng và mặt còn lại là một cá thể tách biệt. Nhà tâm lý học Abraham Maslow gọi động lực tối đa hóa tài năng cá nhân là khát vọng hiện thực hóa lý tưởng của bản thân. Theo ông, mỗi người đều có khát vọng “phát huy được toàn bộ khả năng của mình. Một người có thể trở thành người thế nào, anh ta sẽ phải là người như thế”(Tác giả nhấn mạnh)

Một trong những mục đích của cuộc sống là khám phá ta là ai, mặc dù điều đó không dễ dàng. Con người là một tế bào của xã hội, sống trong xã hội, vì vậy chúng ta cần phải lắng nghe ý kiến của người khác để tự khám phá khả năng, khám phá tính độc nhất của bản thân. Và khi nghe được sự thật về bản thân cũng chính là lúc ta phát hiện tính sáng tạo của chính mình. Quá trình tìm hiểu bản ngã cũng quan trọng như kết quả của nó. Bản đồ tư duy là một kỹ thuật rất hay hỗ trợ chúng ta trong quá trình này.

Tính sáng tạo chưa được khai thác của bạn

Trong chương trình Who’s Who(Ai là ai), nghệ sĩ Peter Dean nói: “Tôi là một nhà ảo thuật có thể biến thời đại của chúng ta trở thành những bức tranh. Tôi là một phiên dịch viên có thể biến những điều thực tế thành những điều tưởng tượng và ngược lại. Tôi là một nghệ sĩ tung hứng những mảnh vải đầy màu sắc. Tôi là người nhìn thấu quá khứ và cũng là nhà tiên tri của tương lai. Tôi lái những cơn lốc xoáy, đi trên một sợi dây căng trong không trung một cách chuẩn xác. Tôi sống bên lề thế giới.”(Tác giả nhấn mạnh).

Bài phát biểu này mô tả hoàn hảo tâm trạng của một người đang tự đào sâu tâm hồn, đang cố gắng khám phá bản thân, cái độc nhất bên trong được thể hiện trong hành động bên ngoài. Maslow cho rằng, người tự hiện thực hóa lý tưởng của bản thân là người luôn nỗ lực phát huy tiềm năng, sử dụng mọi khả năng vốn có. Trong các nghiên cứu của mình, ông chỉ ra đặc điểm của một người tự hiện thực hóa lý tưởng của bản thân như sau:

• Nhận thức thực tế chính xác và khách quan, có khả năng chịu đựng, thậm chí thích sự đa nghĩa, không run sợ trước những điều chưa biết;

• Chấp nhận bản thân, người khác và bản chất tự nhiên của con người;

• Nhanh nhẹn, tự nhiên và chân thật;

• Không tự cho mình là trung tâm, không tự kỉ, có lý tưởng sống;

• Cần sự riêng tư và yên tĩnh, có khả năng tập trung cao độ;

• Có tính độc lập và tự chủ, không thích sự tán dương hay nổi tiếng;

• Hiểu được giá trị của những kinh nghiệm đơn giản, đôi khi là tầm thường, có niềm say mê trong cuộc sống, tính hài hước cao và khả năng điều khiển sự căng thẳng và áp lực;

• Có kinh nghiệm phong phú, thực tiễn, được cập nhật, thành công tột đỉnh — những khoảnh khắc vui sướng;

• Có ý thức sâu sắc về tình người, có lòng nhân từ và vị tha;

• Hình thành mối quan hệ bạn bè thân thiết với một số người, có tình thương người sâu sắc;

• Tuyệt đối dân chủ và vô tư cả trong ý thức;

• Có luân lí và đạo đức, yêu thích quá trình làm việc để đạt được mục tiêu, đặc biệt là có tính kiên nhẫn;

• Thận trọng và bình tĩnh, ngay cả khi đùa cũng phải mang tính xây dựng chứ không phá hoại;

• Sáng tạo, độc đáo, có cách nhìn cuộc sống mới mẻ, chất phác, đơn giản và trực tiếp; có xu hướng làm mọi việc một cách sáng tạo nhưng không nhất thiết phải là người tài giỏi nhất;

• Có thể tách mình ra khỏi một nền văn hóa, so sánh đối chiếu khách quan các nền văn hóa và tiếp thu hay loại bỏ các tục lệ.

Nếu bạn muốn tự khẳng định bản ngã, bạn có thể dựa vào 15 đặc điểm trên để thiết kế một bản kế hoạch chi tiết để tự phát triển. Những người tự khẳng định bản ngã luôn muốn khám phá khả năng và đẩy lùi các ranh giới.

Nhà lãnh đạo Hệ thống Hàng không Scandinavia, Jan Carlzon, trong cuốn Moments of Truth(Khoảnh khắc chân thật), đã nói về những rào cản: “Tôi có một câu nói giúp loại bỏ những rào cản tâm lý là: ’chạy xuyên qua tường.‘ Mục tiêu của bạn có thể rất khó thực hiện nhưng đừng bao giờ ngừng cố gắng cho đến khi ai đó nói với bạn là không. Những bức tường cao chót vót trước mặt bạn có thể không thật sự lớn đến thế. Thay vì là một bức tường đá khổng lồ, nó có thể chỉ là những tấm bìa các tông cứng bao bên ngoài và bạn có thể chạy xuyên qua.

Đặc điểm của những người sáng tạo

Rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu những người có tính sáng tạo cao để tìm ra những điểm chung, đồng thời cố gắng khám phá điều làm nên tính sáng tạo. Phần lớn nghiên cứu chỉ ra rằng những người có tính sáng tạo thường có bốn đặc điểm sau:

Dũng cảm — Những người sáng tạo chấp nhận những thử thách mới và rủi ro thất bại. Họ tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra. Richard L. Weaver II, giảng viên trường Đại học Bowling Green, từng nói: “Sáng tạo là sẵn sàng đi vào một lĩnh vực mới.”

Khả năng bày tỏ tình cảm — Những người sáng tạo không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ và tình cảm. Họ luôn là chính mình. T. J. Twitchell, cố vấn tài chính cho Tập đoàn Tài chính Merrill-Lynch, đã vượt qua nỗi sợ hãi những cuộc điện thoại không mong đợi bằng cách đứng dậy và đội một cái mũ theo kiểu bóng chày. Điều đó giúp cô nghĩ đến nó như một chuyến phiêu lưu và giúp cô trở thành “tân binh” môi giới xuất sắc nhất Merrill-Lynch.

Hài hước — Tính hài hước có liên quan rất nhiều đến óc sáng tạo. Khi kết hợp các yếu tố theo một cách khác biệt, bất ngờ và phi lý, chúng ta giải quyết công việc một cách hóm hỉnh. Kết hợp các yếu tố theo cách mới và hữu ích tức là chúng ta đã sáng tạo.

Trực giác — Những người sáng tạo chấp nhận trực giác như một mặt phải có trong tính cách của mình. Họ hiểu phần lớn trực giác bắt nguồn từ những đặc tính của não phải – nơi không có chức năng truyền đạt thông tin như não trái.

Những đặc điểm tâm lý học khác của những người sáng tạo đã được David N.Perkins, Giám đốc Kế hoạch Zero của trường đại học Harvard chỉ ra:

• Sự thôi thúc tìm ra trật tự trong sự hỗn độn;

• Đam mê tìm kiếm những vấn đề khác thường và giải pháp;

• Có khả năng tạo ra mối liên hệ mới và thách thức những giả định truyền thống;

• Có khả năng cân bằng giữa ý kiến sáng tạo, thử nghiệm và đánh giá;

• Khát khao thoát khỏi ranh giới khả năng của mình;

• Được khuyến khích từ chính những vấn đề phức tạp hay công việc mà ít chịu tác động của những yếu tố bên ngoài như tiền bạc, bằng cấp hay sự công nhận.

Chúng ta có thể dạy và khuyến khích những đặc điểm trên nhưng hệ thống giáo dục hiện nay vẫn chưa có khả năng đáp ứng vì ngân quỹ có hạn và những vấn đề như việc học sinh bỏ học giữa chừng, thiếu giáo viên. Học sinh không được học cách suy nghĩ và sáng tạo, không được khuyến khích tìm và chỉ ra những vấn đề của chính mình, không được dạy cách tìm nhiều phương án giải quyết cho một vấn đề. Chúng ta chỉ nhấn mạnh đến câu trả lời đúng và phương pháp suy nghĩ an toàn.

Bản chất tự nhiên của trẻ em là sáng tạo không theo một quy ước nào và rất hóm hỉnh nhưng cũng rất chóng chán. Tuy nhiên, những đặc tính này đã bị dập tắt vì hệ thống giáo dục khuyến khích tính kỷ luật, sự thỏa hiệp, sự im lặng và nhắc lại câu trả lời dập tắt mà giáo viên muốn nghe.

Trường học đề ra mệnh lệnh, kỷ luật và học sinh phải tuân theo để không bị phạt hay bị coi là thiếu khả năng. Vô hình chung, chúng đã thiết lập nên một môi trường tầm thường. Nỗi sợ thất bại đã kìm hãm bản chất hiếu kỳ tự nhiên của trẻ em. Việc rèn luyện tính sáng tạo sẽ xóa bỏ những sai lầm trong hệ thống giáo dục và giúp mỗi người cọ sát với tính độc đáo của chính mình.

Khi phát hiện ra khả năng sáng tạo của mình, con người thường có xu hướng trở nên độc lập, tự tin, chấp nhận rủi ro, tràn đầy năng lượng, hăm hở, nhiệt tình, tự giác, thích phiêu lưu, tỉ mỉ, tò mò, hài hước, ham vui và ngây thơ như trẻ con.

Nhận ra những đặc điểm khuyến khích tính sáng tạo là rất quan trọng nhưng hơn thế, hãy nhớ rằng mỗi chúng ta sinh ra đều có khả năng sáng tạo bẩm sinh. Khi đã thấu hiểu quá trình sáng tạo, chúng ta có thể nâng cao khả năng sáng tạo của mình.

Quá trình sáng tạo

Quá trình sáng tạo có các giai đoạn sau :

Chuẩn bị — Thu lượm tin tức, tập trung và thấu hiểu hoàn toàn các khía cạnh của một vấn đề.

Ấp ủ — Gạt những khó khăn sang một bên, để tâm trí nghỉ ngơi và tích lũy năng lượng.

Khai trí — Khi đã có câu trả lời, chúng ta thường nghỉ xả hơi, chạy bộ, tắm gội hay lái xe đi dạo.

Thực hiện — Giải quyết những vấn đề thực tế tranh thủ sự ủng hộ của người khác và tìm các nguồn lực cần thiết.

Chúng ta sẽ tập trung vào giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn khai trí. Bản đồ tư duy giúp chúng ta tập trung các thông tin bằng cách bó chúng lại với nhau và tìm ra mối liên hệ mới giữa chúng. Nó cô đọng rất nhanh và mạnh mẽ những ý nghĩ, thông tin rồi ngay lập tức chuyển chúng ta sang giai đoạn khai trí.

Những chướng ngại vật đối với sự sáng tạo

Để phát triển tiềm năng sáng tạo, chúng ta phải loại bỏ những rào cản tâm lý trong quá khứ – những thứ đã ngăn cản quá trình khám phá khả năng sáng tạo. Luôn luôn có một tiếng nói trong đầu nói ra tất cả những lý do khiến chúng ta không thể làm được một việc gì đó, hay một việc nào đó có thể không đạt kết quả. Tiếng nói đó chính là rào cản tâm lý lớn nhất. Eugene Raudsepp, tác giả của một loạt trò chơi phát triển tính sáng tạo nổi tiếng, gọi tiếng nói bên trong là “mindyapping” (tạm dịch là tiếng cãi lại ý định). Tiếng nói đó rất quan trọng khi chúng ta tự nhận xét, phê phán. Nhưng cần phải đặt nó vào cuối quá trình sáng tạo để tâm trí tự do suy xét tất cả các khả năng sau đó có thể bị xảy ra. Rất nhiều khả năng có thể loại bỏ nhưng bằng cách để tâm trí tự do sáng tạo và không e ngại bị phê phán hay chỉ trích, chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Trong những cố gắng liên tục hợp logic và có lý, chúng ta vô tình dựng nên rất nhiều rào cản cho tính sáng tạo. Tiến sĩ Roger von Oech đã gọi những rào cản đó là “những cái khóa tinh thần”. Chúng ngăn cản tính sáng tạo phát triển. Cần phải bẻ gẫy những cái khóa ấy nếu chúng ta muốn trở thành người sáng tạo.

Sau đây là một số chìa khóa mà Von Oech đã đưa ra trong cuốn A Whack on the Side of the Head (Một cú đánh vào đầu):

Câu trả lời đúng — Phần lớn chúng ta được dạy phải tìm ra “câu trả lời đúng”. Chúng ta rất hiếm khi được thực hành suy nghĩ để tìm ra những khả năng có thể xảy ra. Nhà triết học Pháp Emile Chartier nói: “Không có gì nguy hiểm hơn cái ý nghĩ duy nhất trong đầu anh.”

Điều đó không logic — Việc áp dụng cách tư duy logic quá sớm trong quá trình suy nghĩ sẽ tạo ra chướng ngại vật trên con đường đến với những ý nghĩ đột phá mà bạn có thể có.

Tuân theo các nguyên tắc — Nguyên tắc rất quan trọng nhưng chúng ta cần phải đặt nó sang một bên để những ý nghĩ ”không theo nguyên tắc” ra đời, như danh họa Picaso đã nói: “Mọi hành động sáng tạo ra đời trước tiên là từ những hành động phá hủy, vì chúng ta phải phá bỏ cái cũ.”

Khách quan — Khách quan ngầm ám chỉ là phải đánh giá. Những lời phê bình chỉ trích quá sớm sẽ giết chết ý tưởng. Đôi khi những ý tưởng điên rồ nhất thường mang lại thành công to lớn nếu không bị “bót nghẹt” quá sớm.

Tránh sự mơ hồ — Khi những ý tưởng hay thực tế trở nên mơ hồ hay rối tung lên, bộ não sẽ phải làm việc nhiều hơn để tìm kiếm những mối liên hệ mới hoặc mô hình kiểu mẫu. Quá trình này sẽ dẫn đến những ý tưởng hay khám phá mới.

Nhầm là sai — Nếu bạn sợ mắc lỗi, bạn sẽ không có cơ hội. Tính sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải đi trên con đường chưa ai đi – thường thì tỷ lệ thất bại rất cao. Bạn không thể thành công và trở thành người sáng tạo ngay được.

Vui chơi là phù phiếm — Để đồ đạc hay ý tưởng lộn xộn là nền tảng của quá trình sáng tạo.

Đó không phải lĩnh vực của tôi — Rất nhiều phát minh vĩ đại ra đời khi tác giả bị rối tung cả lên trong một lĩnh vực mới với mình.

Đừng ngốc nghếch thế — Hãy ngốc nghếch, hãy ngờ nghệch. Sự ngốc nghếch không phải là mãi mãi – cuối cùng thì bạn cũng sẽ đội chiếc mũ hợp logic lên thôi.

Tôi không phải là người sáng tạo— Vì sao bạn biết? Bạn sinh ra đã có tính sáng tạo, nó ở trong con người bạn… hãy chờ đợi.

Những quyển sách của Tiến sĩ Von Oech có rất nhiều bài luyện tập vui và trò chơi đòi hỏi suy nghĩ giúp bạn nâng cao khả năng sáng tạo. Chúng không thể thiếu trong quá trình phát triển khả năng sáng tạo của bạn.

Một chướng ngại vật nữa của tính sáng tạo chính là “sự thành thạo”. Về mặt kiến thức, nếu bạn nghĩ rằng mình biết tất cả về vấn đề đó, bạn sẽ không còn những luồng suy nghĩ mới hay những ý tưởng mới. Daniel Boorstin, người quản lý thư viện của Quốc hội Mỹ nói: “Chướng ngại vật chính của sự tiến bộ không phải là sự ngu dốt mà là ảo tưởng về kiến thức.”

Biết vượt qua sự từ chối

• Cuốn sách đầu tiên viết về trẻ em của Giáo sư Suess đã bị 28 nhà xuất bản từ chối;

• Năm 1971, bác sĩ Raymond Damadian sáng chế ra cách thức chụp hình ảnh cơ thể người còn mạnh và sinh động hơn tia X. Một số người cho rằng ông bị điên và học thuyết sự cộng hưởng từ tính của hạt nhân là hão huyền, vô lý. Các tạp chí khoa học đã từ chối in các công trình nghiên cứu của ông. Ông không tìm được nguồn tài trợ nào. Ngày nay, máy chụp cắt lớp sử dụng công nghệ của ông đã trở thành một thiết bị y tế hữu dụng.

• Harry Warner thuộc dòng họ Warner đã nói (năm 1927): “Kẻ khùng nào muốn nghe những diễn viên nói chứ?”

• 21 tập đoàn lớn đã gạt bỏ nghiên cứu tiến trình sao chép tài liệu trên giấy theo nguyên lý tĩnh điện của Chester Carlson. Đây chính là nền tảng công nghệ của kỹ thuật sao chụp không dùng mực ướt.

• Năm 1932, Albert Einstein nói: “Thậm chí, không có một ý nghĩ thoáng qua nào về việc giải phóng được năng lượng hạt nhân vào một ngày nào đó. Điều đó có nghĩa là nguyên tử bị vỡ và năng lượng hạt nhân xuất hiện.”

Ai cũng phải đối mặt với sự từ chối trong cuộc sống. Sự từ chối đến với bạn bởi vì những người khác không nhận ra giá trị của việc bạn đang làm. Dù gì đi nữa, bạn cũng sẽ học được cách chấp nhận sự từ chối và coi nó là ý kiến phản hồi… một phần của thông tin. Và rồi tiếp tục tiến lên. Hãy nghĩ đến những trẻ em đang đi học. Nếu coi những lần vấp ngã là thất bại thì không ai có thể bước đi được. Học cách giải quyết thất bại, sự từ chối và thất vọng là phần phê bình trong quá trình sáng tạo. Khi biết cách chấp nhận chúng và tiếp tục tiến lên, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.

Hậu quả tồi tệ nhất khi bị từ chối là công việc bị dừng lại. Do đó, quá trình sáng tạo cũng có thể dừng lại. Một phương pháp giải quyết hậu quả khi bị từ chối là hãy nghĩ đến khả năng tồi tệ nhất có thể xảy ra khi bị từ chối. Họ có thể treo cổ bạn? Phanh thây bạn? Cướp mất con bạn? Đổ dung nham nóng chảy lên đầu bạn? Hãy dùng óc hài hước nghĩ đến tất cả những điều chắc chắn không xảy ra khi bạn bị từ chối. Cuối cùng, bạn cũng đi đến kết luận là tất cả những gì họ có thể làm là nói “ không”. Điều đó không thể giết chết bạn được nhưng có thể cho bạn một số thông tin, định hướng.

Chúng ta hãy liều lĩnh sử dụng tính sáng tạo và sự cách tân trong công việc, trong gia đình, đất nước và thậm chí trong thế giới này. Khả năng đổi mới sẽ tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Matthew Holtzberg, người sáng chế ra động cơ ô tô chở khách bằng chất dẻo (nhẹ hơn 90 kg so với động cơ làm bằng kim loại), trả lời phỏng của báo Vital Speeches of the Day: “Nếu chúng ta đánh mất trí tưởng tượng thì chúng ta cũng mất luôn khả năng tiến bộ. Nói cách khác, mọi ý tưởng mới đều là giấc mơ, đều là suy nghĩ.“

Để trở nên sáng tạo hơn, tôi sẽ chờ…

David Campbell, Phó Giáo sư Trung tâm Quản lý Sáng tạo cung cấp cho chúng ta một bản danh sách những lý do hài hước của việc chờ đợi để trở thành người sáng tạo. Dưới đây chỉ là một số ví dụ: “Tôi chờ…

• Một nguồn cảm hứng;

• Sự cho phép;

• Tôi trẻ lại đã;

• Hai phút được báo trước;

• Cà phê pha xong đã;

• Nhiều thời gian hơn;

• Những đứa trẻ rời khỏi nhà đã;

• Hoàn thiện nhận thức đã;

• Một dấu hiệu từ Chúa trời;

• Mùa tới;

• Trở nên thành đạt đã;

• Chất khử mùi tốt hơn;

• Ít rủi ro;

• Đường đến thành công ngắn hơn;

• Thời gian xáo động ngắn lại đã;

• Mọi người hay chờ mọi sự tốt hơn.

Còn bạn đang chờ điều gì? Bạn có lý do nào như ở trên không? Sau đây là một số bài tập nhỏ giúp bạn dừng chờ đợi và bắt đầu trở nên sáng tạo. Chúc bạn vui vẻ và hứng thú với trí sáng tạo của mình!

Phần luyện tập

1. Bộ phim The Shining (Sáng ngời) của tác giả Theron Raines là một câu chuyện ngắn rất hay kể về ba chàng trai người sao Hỏa đến Trái đất và đi vào đó bằng cách đâm xuyên qua giống trời của Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô;

Hãy tưởng tượng bạn vừa mới đâm sầm vào phòng khách sau một chuyến đi dài từ sao Hỏa. Bạn nhìn thấy những gì? Những thứ xung quanh như thế nào? Hãy cố gắng lĩnh hội những kiến thức cơ bản để xác định những thứ xung quanh bạn.

2. Nhìn bất kỳ một vật nào đó xung quanh bạn và tự hỏi “Tại sao?” Tại sao nó có chức năng đó? Tại sao nó lại được xây dựng như thế này? Tại sao lại là màu này hay hình dáng này? Hãy tự hỏi…

• Tại sao ghế lại có chân?

• Tại sao những ngọn núi lại có màu tía lúc trời chạng vạng?

• Tại sao ở đây lại có cát?

• Tại sao những quả táo màu đỏ còn những quả cam lại màu vàng?

• Tại sao những tòa nhà lại là hình vuông?

• Tại sao xe ô tô lại có bốn bánh?

3. Nhiều học sinh đã kể về vấn đề của chúng với quả bóng gỗ màu vàng Jell-O và giáo viên dạy nhạc Don Campbell khuyên: “Nó giống như phái Thiền của Phật giáo. Các em không thể nghĩ theo cách thông thường khi nói chuyện với quả bóng gỗ Jell-O. Điều đó giúp cho não bộ không bị tắc lại ở cách suy nghĩ cũ kỹ, đó chính là chìa khóa phát triển năng lực sáng tạo.“ (trong Thinking About Thinking (Nghĩ về tư duy)của Clark McKowen).

Hãy nói với quả bóng gỗ của Jell-O ( khi bạn đã tượng tượng ra nó). Hãy kể cho nó nghe tất cả những rắc rối của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.