Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực

LỜI DẠY CỦA VỊ SƯ GIÀ



Nói về những thử thách trong cuộc đời thì tôi từng có kinh nghiệm như thế này.

Năm 1972, với mục đích đa dạng hoá sản phẩm, Công ty Kyocera chúng tôi tiến vào lĩnh vực Y tế. Chúng tôi nghiên cứu và sử dụng vật liệu gốm công nghệ cao vào việc chế tạo chân răng nhân tạo, xương nhân tạo. Trước đó, tôi được các giáo sư trường đại học Osaka khuyên: “Vật liệu kim loại bị cơ thể con người đào thải không tiếp nhận. Chúng tôi đề nghị các anh thử dùng vật liệu gốm công nghệ cao xem sao”.

Không có gì tuyệt vời hơn việc ứng dụng gốm công nghệ cao – sản phẩm mà tôi nghiên cứu từ thời còn trẻ – giúp ích cho sức khỏe con người và cống hiến cho sự tiến bộ về y học. Hơn nữa lại nhận được sự hỗ trợ của trường đại học. Chúng tôi chế tạo thành công chân răng nhân tạo. Năm 1978, chúng tôi được Bộ Y tế cấp giấy phép. Song song với việc chế tạo chân răng nhân tạo, chúng tôi cũng thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo xương nhân tạo và khớp xương nhân tạo. Và các sản phẩm này cũng nhận được giấy phép từ Bộ Y tế. Hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đi vào quỹ đạo ổn định.

Tuy nhiên, vào năm 1985 xảy ra một việc mà chúng tôi không ngờ tới. Số là, chúng tôi nhận được lời đề nghị của một bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình: “Sản phẩm khớp xương háng nhân tạo bằng gốm công nghệ cao của Kyocera rất tốt. Các ông nên tiếp tục nghiên cứu chế tạo cả khớp xương đầu gối nữa…” Giám đốc phụ trách tiếp thị của công ty chúng tôi chần chừ: “Mong ông cho chúng tôi thêm thời gian. Vì còn phải xin phép Bộ Y tế…” Tức thì ông bác sĩ liền nói: “Đâu cần phải xin phép nữa. Sản phẩm khớp xương háng đã được cấp phép rồi thì khớp xương đầu gối không có vấn đề trở ngại gì. Vì cùng một loại vật liệu và hơn nữa, khớp nào chẳng là khớp. Vả lại, bệnh nhân lại đang rất cần. Họ cũng sẵn sàng tự hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra”. Nghe ra cũng có lý, hơn nữa vì bệnh nhân nên công ty chúng tôi đã đáp ứng yêu cầu của bác sĩ.

Tuy vậy, trong văn bản quy định về thuốc và các dụng cụ y tế của Bộ Y tế có ghi rõ: “Đối với xương nhân tạo và khớp nhân tạo, dù được sản xuất bằng vật liệu cùng loại nhưng hình dáng và kích thước sản phẩm khác nhau thì vẫn phải có giấy phép riêng cho từng sản phẩm mới được phép đưa vào sử dụng”

Kết quả là công ty chúng tôi bị quy vào tội “Vi phạm quy định về giấy phép sản phẩm”. Sự kiện này trở thành đề tài phê phán công ty chúng tôi một cách nặng nề và ồn ào trên các trang báo. Suốt 25 năm kể từ ngày thành lập, lần đầu tiên Công ty Kyocera bị xã hội phê phán và lên án tơi bời.

Tôi cứ nghĩ việc làm của công ty chúng tôi cũng chỉ vì bệnh nhân mà thôi. Vậy mà… Bộ phận sản xuất kinh doanh sản phẩm y tế của công ty bị rút giấy phép và đình chỉ hoạt động suốt một tháng.

Khi sự việc xảy ra, lời dạy bảo quý giá của ông Nishikata Tansetsu đã cứu giúp tinh thần tôi. Ông là một vị cao tăng đứng đầu phái Lâm Tế Tôn Tâm Tự và là vị sư tư vấn cho những câu hỏi nặng tính trần tục của tôi. Hồi đó, ông là vị sư trụ trì chùa Enfuku (Viên Phúc tự) toạ lạc ở phía nam thành phố Kyoto.

Mỗi lần tôi đến viếng chùa là lại được ông mời uống trà. Trong khi ông pha trà thì tôi kể với ông những câu chuyện trong công ty và bao giờ cũng được ông dành thời giờ nghe. Rồi tôi kể cho ông nghe về việc bị báo chí dựng chuyện đánh tơi bời ra sao.

Nghe tới đó, vì sự già cất tiếng: “Thôi có kêu ca cũng vậy. Này tôi nói để anh biết. Việc gặp gian nan chính là bằng chứng chứng tỏ mình đang sống đấy.” Giãi bày nỗi lòng để mong được ông an ủi, vậy mà ông lại nói ra những lời không ngờ tới.

“Khi anh gặp nạn cũng là lúc cái nghiệp (món nợ tiền kiếp) ngày trước biến mất. Nghiệp biến mất thì đáng lẽ vui mới phải. Ta không biết đó là cái nghiệp gì, nhưng cái nạn anh gặp phải chỉ có chừng đó mà đã làm biến đi cái nghiệp tiền kiếp thì lẽ ra phải ăn mừng mới đúng chứ.” Lời dạy của sư già không những giúp tôi gượng dậy mà còn vô cùng quý giá đối với tôi. Lời dạy đó đã giúp tôi tiếp nhận bình thản mọi chỉ trích, phê phán. Vì tôi hiểu rằng đó chính là thử thách mà ông Trời mang đến.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.