Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực

NGƯỜI CÕI ĐỊA NGỤC NGƯỜI CÕI CỰC LẠC



Trong cuộc sống hàng ngày, mọi hành động của chúng ta thường nhắm tới hơn thiệt, thắng thua. Bị tính ích kỷ chi phối nên chúng ta chỉ tính toán những điều có lợi cho mình.

Nếu thế gian toàn là những người như vậy – như xã hội Nhật Bản những năm gần đây – thì dù có giàu có sung túc đến mấy rồi cũng sẽ điêu tàn. Để thế gian ngày một tốt hơn, tôi thường nói với mọi người: “Chẳng phải đã tới lúc chúng ta phải coi trọng lòng vị tha, phải sống vì mọi người dù bản thân có thiệt thòi…”

Tấm lòng quan tâm tới người khác, tấm lòng vị tha quan trọng đến mức nào? Đức Phật đã thuyết giảng điều đó một cách dễ hiểu thông qua câu chuyện sau đây.

Ở chùa nọ, có một nhà tu hành trẻ tuổi là Vân Thủy. Một hôm, Vân Thuỷ hỏi vị sư già trụ trì chùa:

“Thưa thầy, con nghe nói có cõi cực lạc và cõi địa ngục. Điều đó có thật không ạ? Và những cõi đó là nơi như thế nào?”

Vị sư già đáp: “Có thật đấy con ạ. Chỉ có điều hai nơi đó không khác nhau lắm như con tưởng đâu. Thoáng nhìn thì cõi cực lạc và cõi địa ngục là hai thế giới hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau duy nhất là tấm lòng của những người sống ở đó. Những người sống ở cõi địa ngục là những người ích kỷ chỉ nghĩ về bản thân. Còn ở cõi cực lạc là những người có tấm lòng vị tha, luôn quan tâm tới người khác.”

Vân Thuỷ thắc mắc: “Chỉ khác nhau ở tấm lòng mà cũng phải chia thành hai cõi, thế là thế nào ạ?”

Để giải đáp, sư lão kể cho Vân Thủy câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Có một nồi mỳ mạch – udon (1) – để giữa nhà. Bát nước chấm để bên cạnh. Mỳ Mạch là món ăn thịnh soạn với những người khổ tu như Vân Thủy. Bên cạnh nồi mỳ để sẵn những đôi đũa dài tới 1 mét. Quy định của nhà bếp là chỉ được ăn bằng loại đũa đó và phải dùng đầu đũa để gắp mỳ, chấm vào bát nước chấm. Đến đoạn này thì cả cõi địa ngục và cõi cực lạc đều y hệt nhau. Kích cỡ nồi, số người ăn vẫn vậy. Chỉ có tấm lòng của những người ở đó là khác nhau.

“Nào con thử tưởng tuợng xem điều gì sẽ xảy ra ở đó?”

Mọi người đang đói. Có mỳ trước mặt. Chuyện gì sẽ xảy ra khi họ được phép bắt đầu bữa ăn.

Những người ở cõi địa ngục lập tức tranh nhau gắp mỳ, tranh nhau chấm vào bát nước chấm. Khổ nỗi, đũa dài quá nên không sao đưa udon vào miệng mình được. Cảnh thê thảm hiện ra. Kết cục là không ai ăn được miếng nào trong khi mỳ rơi vương vãi quanh mâm. Những người ấy trở thành quỷ đói chỉ còn da bọc xương.

Trong khi đó, những người đầy lòng vị tha sống ở cõi cực lạc. Tiếng mời mọc vang lên: “Nào, chúng ta ăn chung nhé.”, “Xin mời, xin mời”. Mọi người nhường nhau, lần lượt gắp mỳ, chấm nước chấm và đưa vào miệng người đối diện. Người đối diện ăn xong: “Cám ơn. Tôi đủ rồi. Đến lượt tôi giúp bác ăn”. Cứ thế mọi người hợp sức, nhường nhịn lẫn nhau, ai cũng được ăn và không sợi mỳ nào vương vãi rơi ra ngoài.

“Khung cảnh cõi cực lạc là như thế đấy. Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi thì khó phân biệt được đâu là cõi địa ngục và đâu là cõi cực lạc.” Vị sư già giảng bài cho Vân Thuỷ.

Tuy cùng một sự việc nhưng mang lại kết quả khác nhau tuỳ theo “tâm” được thể hiện qua câu chuyện. Chúng ta, có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp nếu tất cả chỉ có lòng vị tha, quan tâm lẫn nhau.

———

1. Udon: một loại mỳ làm bằng lúa mạch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.