Venise Và Những Cuộc Tình Gondola

PHẦN II: THỤY SĨ



BÀ ĐẦM HÁI NHO Ở VEVEY
Lúc nhỏ, mỗi khi mặc áo đầm trông ngộ nghĩnh một chút tôi đều được người lớn khen “Giống bà đầm hái nho quá!”. Từ đó hình thành trong tôi, hễ làm người hái nho tức là phải mặc những chiếc váy đầm rộng xòe, trông đài các và sang trọng chẳng khác gì các cô công chúa xinh đẹp. Thế rồi “số phận run rủi”, tôi được thỏa ước nguyện làm “bà đầm hái nho” khi sang Thụy Sĩ, đến vùng Vevey với những ruộng nho bất tận nằm bên bờ hồ Lesman thanh bình.
Hái nho một triệu đồng một ngày
Dù được cảnh báo hái nho là một công việc rất vất vả, chẳng hợp tí nào với vóc người mảnh mai nhỏ nhắn, tôi vẫn hăm hở chấp nhận, chẳng phải vì muốn hiện thực ước mơ thời thơ ấu làm “bà đầm hái nho”, mà vì thu nhập cho một ngày hái nho lên đến… một triệu đồng Việt Nam. Số tiền đó nếu sống tại Thụy Sĩ sẽ chẳng đáng là bao, nhưng về Việt Nam, một triệu đồng đã là lương cả tháng trời của biết bao nhiêu phận người.
Chưa kịp thăm thú Vevey, tôi bắt tay vào việc vì mùa thu hoạch nho kịp đến. Một buổi sáng mùa thu trời hãy còn tối mịt, tôi đến nhà máy rượu làm trên đồi cao, chuẩn bị vào nghề hái nho hấp dẫn. Cùng những bạn trẻ không có việc lâu dài, dân nhập cư Đông Âu và vài thành phần làm việc thời vụ, chúng tôi được đưa lên xe tải nhỏ chở ra ruộng nho xanh rì. Mặt trời bắt đầu nhô trên những rặng núi xa xa bên kia hồ Léman mù sương. Lũ chúng tôi im lặng nhận dụng cụ gồm xô nhựa và kềm bấm. “A lê hấp! Tấn công những luống nho thôi!”. Tôi phải quì gối xuống vì nho mọc sát đất, kềm bấm xoành xoạch vài nhát đã phồng tay, những chùm nho chín mọng vừa đầy xô đã có người đến thay xô mới. Tôi “lết” bằng hai gối dài dài từ đỉnh đồi theo luống nho xuống chân đồi và cứ thế mà hưởng thụ “thú đau thương” rằng lao động là vinh quang. Đố có cô nhân công nào dám diện váy đầm phùng xòe mà lượn lờ hái những chùm nho căng tròn ngon mắt. Trời mùa thu rét ngọt làm teo đều các “cơ quan đoàn thể”, ruộng nho bốc mùi phân hóa chất váng vất cả người, chưa chi mà tôi đã mệt tưởng đứt hơi chết giấc đến nơi. Xung quanh dân tình vẫn đều tay bấm, đều chân bò, đều miệng thở phì phò, làm sao tôi dám ngưng?
Đáng đồng tiền bát gạo
Giờ giải lao tôi ngồi bẹp uống ly trà đường. Từ ngọn đồi mướt rượt phủ đầy những cây nho nhìn ra mặt hồ Léman xanh rờn tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng tráng được những áng mây lững lờ ôm ấp, tôi thấy cuộc đời thật mâu thuẫn biết bao. Cảnh vật nên thơ mà lòng người… đang nản. Chẳng lẽ mới đi làm có một ngày mà đã chuồn thì còn gì danh dự người Việt Nam! Ngày hôm sau, dù cơ thể đau nhức đến từng tế bào nhỏ nhất, tôi vẫn lết đến ruộng nho, lại “bán mặt cho nho bán lưng cho mưa phùn” đến tận bảy giờ tối.
Bốn ngày hái nho dài đằng đẵng cuối cùng cũng chấm dứt với một phong bì tiền công nghe loạt xoạt. Tôi cầm những đồng tiền lao động nơi xứ người, khóc thì… hơi sến mà cười cũng chẳng thể tươi. Những ai từng làm việc tay chân hẳn lắc đầu cho tôi là tiểu thư đài các, mới làm có tí xíu, sánh gì với những nông dân chân lấm tay bùn của Việt Nam. Đã đành, nhưng ăn tiền của dân Thụy Sĩ chẳng dễ dàng gì, chả trách có thành ngữ người châu Âu trêu: “Không tiền đừng hòng thấy mặt trời Thụy Sĩ”. Bản thân họ lao động cật lực để thấy đồng tiền là quí giá, làm sao họ chịu trả công cho kẻ làm thuê nước ngoài nếu không xứng đáng?
Nơi yên nghỉ của vợ chồng vua hề Charlot
Cuối cùng rồi thì tôi cũng diện vào người chiếc váy đầm rộng xòe có hoa văn miền núi cao của Thụy Sĩ để đi thăm Vevey sau những ngày làm “bà mặc quần hái nho”. Vevey ngoài những ruộng nho xanh ngút mắt, hồ Léman lãng mạn, những rặng núi hùng vĩ, những bông hoa đủ màu…, còn có một điều làm dân địa phương rất hãnh diện. Đó là công viên nhỏ xinh cũng là nhà tưởng niệm vua hề Charlot. Hai vợ chồng Charlie Chaplin đã chọn sống những ngày cuối cùng tại vùng đất nên thơ này. Hiện mộ của hai người vẫn nằm ở đây, thu hút khá nhiều khách du lịch. Bức tượng người đàn ông lang thang được dựng nhìn thẳng ra mặt hồ Léman. Cái vóc dáng nhỏ bé, đơn độc của Charlot từng làm bao con tim khóc cười giờ cũng đang làm tôi bồi hồi khó tả. Lòng bàn tay với những vết phồng rộp vẫn chưa lành, những cử động dù nhẹ nhàng nhất vẫn làm tôi đau đớn sau những ngày hái nho vừa qua. Đi ngang qua tổng hành dinh của tập đoàn thực phẩm Nestlé ở Vevey tôi càng thêm thấm thía, những nhân viên của tập đoàn nổi tiếng thế giới này đang tan sở. Những chiếc xe hơi bóng lộn, áo khoác đen sang trọng, cặp da cá sấu vung vẩy. Khoảng cách giữa những nhân công hái nho và những người làm trong tập đoàn này thật xa. Điều mà một người cũng chuyên làm việc trí óc như tôi trong những văn phòng sạch sẽ sẽ chẳng bao giờ thấu hiếu và cảm thông, nếu không có những ngày ngắn ngủi bò lê trong ruộng nho trên đồi cao. Với tôi, Vevey của những ngày mùa thu mù sương dù đẹp vô ngần cũng sẽ mờ dần, nhưng những khoảnh khắc làm người hái nho nơi mảnh đất này thật khó có thể nhạt phai.

o O o

BERNE: THỦ ĐÔ CỔ TÍCH
Nói đến Thụy Sĩ, rất nhiều người lầm tưởng thủ đô là Genève. Bản thân tôi cũng từng “quê độ” khi biết một thành phố khác ít được nhắc đến mới chính là thủ đô của đất nước xinh đẹp. Ngạn ngữ châu Âu có câu “Berne là Berne, như Chúa chính là người.” Bạn sẽ không thể nào hiểu được nếu chưa từng đặt chân đến đây. Đó chính là sự độc đáo của riêng thành phố này, không sao chép bất kỳ đâu và cũng không nơi nào có thể bắt chước được. Nghe nói chàng lãng tử đa tình Casanova đã lượn lờ trên những con phố nhỏ, công chúa Anna Feodorovna của Sa Hoàng tự mình thiết kế một vườn hoa, và cả Lenin cũng đắm chìm trong khung cảnh bình yêu của Berne để viết nên những trang sách triết học.
Xứ cổ tích
Đến với Berne, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào xứ cổ tích. Dường như thời gian không đụng chạm đến nơi đây, hay người dân không cho phép nó được quyền phá hỏng nét thi vị. Tôi đi trên con đường Marktgasse với hai hành lang có mái vòm tuyệt đẹp chạy song song hai bên được dùng làm khu thương mại. Đó là thiên đường shopping độc đáo thu hút biết bao khách thập phương. Tháp đồng hồ được xây dựng từ thế kỷ thứ mười sáu với chiếc đồng hồ thiên văn kỳ thú nổi bật ngay giữa con đường Marktgasse được chạm khắc bằng đá vô cùng tinh xảo. Bồn phun nước Zahringer bằng gỗ nằm cách đó không xa, điểm tô thêm cho con đường vẻ thơ mộng của những câu chuyện huyền thoại. Trước mỗi cửa hàng có những chiếc hầm trữ rượu có nắp bằng gỗ và những chiếc vòng sắt dùng để kéo nắp hầm lên. Những căn hầm độc đáo vì quá cổ xưa này cũng được dùng làm các shop bán những món hàng vô cùng sang trọng và đắt giá, chắc chỉ có dân Nhật mới dám đụng vào. Nhìn những viên đá lót đường gồ ghề, những cánh cửa gỗ nặng trĩu, tôi hình dung ra Berne của thời quá khứ.
Nhà tắm lộ thiên trên sông Aare
Thành phố nhỏ được xây dựng trên mỏm đá cao nằm ở thượng nguồn sông Aare vào năm 1191. Nơi đây được các thương gia nước ngoài chọn làm điểm giao dịch và họ phải chịu nộp thuế thu nhập cho chính quyền thành phố. Người dân Berne lạ lùng thay lại không mặn mà với chuyện mua bán, họ thích những công việc hành chính hoặc liên quan đến chính trị hơn. Nhưng trên hết, họ là người được trời phú cho óc tổ chức thành phố. Vì thế, Berne mới trở nên độc nhất vô nhị. Năm 1405, Berne bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi hầu như toàn thành phố, người dân lại phải xây dựng lại và thiết kế đó tồn tại cho đến ngày nay. Những dãy cột khổng lồ bằng đá sa thạch được dựng lên và những mái vòm phủ lên đó làm thành một hành lang dài gần bốn dặm.
Nhưng linh hồn của Berne thuộc về dòng sông Aare thơ mộng nằm vất qua. Giới trẻ hay cho rằng thành phố này thuộc về quá khứ bởi tất cả đều trông thật cổ xưa. Tuy nhiên họ mê Berne ở chỗ được tha hồ bơi lội tung tăng trong dòng Arae xinh đẹp. Dòng sông là nhà tắm công cộng thiên nhiên đầu tiên của châu Âu. Sông Aare được ví như một viên ngọc lóng lánh bởi những tia nước luôn ánh lên vẻ rạng rỡ trong vắt như pha lê. Nếu bạn đắm mình trong dòng Aarerồi ngước mặt nhìn ngược lên thành phố, lăng kính đó mới tuyệt làm sao. Tôi nghe một người Thụy Sĩ nói thế, rất muốn thử nhưng đang là mùa thu với những cơn gió rợn người, vả lại cũng chẳng thấy… một anh Chử Đồng Tử nào.
Chú gấu biểu tượng thành phố
Biểu tượng của Berne là chú gấu oai hùng nên ngay trung tâm thành phố, có một cái hố sâu những chú gấu mũm mĩm luôn níu chân các du khách tí hon. Mấy đứa bé đu chặt lan can nhìn xuống í ới gọi “Gấu! Gấu!”, còn ba mẹ chúng chỉ muốn tranh thủ thời gian đi shopping. Trong một shop quà lưu niệm, tôi ú ớ nói tiếng Pháp với người bán hàng chỉ chịu nghe tiếng Đức. Ở Berne, người ta nói tiếng Đức với một âm sắc du dương, khác hẳn thứ tiếng Đức nổi tiếng nghe như… đang tranh luận dữ dội. Tôi bấm bụng mua một cái ví có hình chú gấu để kỷ niệm cho một lần đến Berne, thủ đô cổ tích của một đất nước đẹp xinh.

o O o

GIẤC MƠ ĐẸP MONTREUX
Thụy Sĩ là một nước nhỏ bé nhưng có nhiều nơi để thăm viếng như bất cứ một nước nào rộng lớn ở châu Âu. Đơn giản vì hình như ở đâu cũng có một vẻ duyên dáng riêng: một hồn phố lạ, một góc hồ tĩnh lặng, một ngôi làng trên núi… Thụy Sĩ có một nền công nghiệp du lịch rất chuyên nghiệp và phát triển, thu hút đến mười phần trăm tổng số lao động của đất nước. Mỗi năm Thụy Sĩ đóng mười triệu khách du lịch. Khách đa phần đến Thụy Sĩ để trượt tuyết, họ tiêu tiền vào môn thể thao hấp dẫn, khiến hàng chục khu nghỉ mát trên dãy núi Alps luôn tấp nập. Và lẽ dĩ nhiên, Thụy Sĩ là thủ đô của môn trượt tuyết trên thế giới. Có những khu nghỉ mát trên núi sang trọng và đắt tiền đến mức chỉ dành cho giới hoàng gia và tỷ phú. Ngoài dãy núi Alps với các điểm trượt tuyết, những thành phố ven hồ Léman như Genève, Lausanne, Lucerne, Vevey, Montreux… cũng là một trong những điểm du lịch rất hấp dẫn
Thành phố âm nhạc
Montreux là một thành phố nhỏ, nằm bên hồ Léman lãng mạn và rặng núi Dents-du-Midi xinh đẹp. Nơi đây có thể nói là địa điểm tuyệt vời với đầy đủ hồ, núi, hoa và bầu trời xanh trong vắt. Một nơi có nhiều thắng cảnh độc đáo mà đã một lần ghé qua, không ai có thể dễ dàng quên.
Tôi đến Montreux dự tuần lễ triển lãm nghệ thuật nằm trong tòa nhà Trung tâm Hội nghị và Triển Lãm. Một người Thụy Sĩ có vài tác phẩm trưng bày đã mời tôi. Tòa nhà quả xứng với tên gọi, nơi có thể tổ chức các buổi hội nghị và triển lãm quốc tế một cách chuyên nghiệp nhất và là một trong những địa chỉ đáng tự hào của Montreux. Tòa nhà bằng kính trong suốt, được xây từ năm 1974, nằm hướng thẳng ra hồ Léman. Từ khi xây dựng đến nay, tòa nhà liên tục được mở rộng và cuối cùng giữ nguyên diện tích vào năm 1993 sau khi khánh thành phòng hòa âm Igor Atravinski. Kể từ khi có phòng hòa âm này, thành phố được cả thế giới biết đến nhờ festival quốc tế nhạc Jazz Montreux tổ chức vào tháng bảy hàng năm.
Ngoài festival Jazz, Montreux còn được mệnh danh là thành phố âm nhạc với các lễ hội như festival âm nhạc quốc tế (mang tính cổ điển), festival hoa hồng vang (mang tính dân gian)… Montreux còn là nơi các tín đồ nhạc rock tìm đến để viếng tượng của ca sĩ nhạc rock người Anh Freddie Mercury, chết vì bệnh AIDS. Người dân dành hẳn một ngày cuối tuần trong tuần đầu tiên của tháng chín để tưởng nhớ Freddie Mercury, chàng ca sĩ tài hoa vắn mệnh.
Sau khi xem triển lãm ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, tôi bách bộ đi tham quan các ngôi trường quốc tế danh tiếng đào tạo các chuyên viên khách sạn. Trong số đó có trường Glion, H.I.M, S.H.M.S… Ba ngôi trường này tự hào được bình chọn là nơi đào tạo ngành khách sạn tốt nhất Thụy Sĩ. Vì thế, thật dễ hiểu khi ở Montreux, tôi gặp rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, vóc dáng trẻ đẹp, lịch thiệp, thân thiện. Họ là một trong hai ngàn du học sinh quốc tế đến Montreux học về du lịch và khách sạn.
Kè hoa và thủy tiên vàng
Và đã đến Montreux, không thể không nhắc đến bờ kè hoa bao quanh hồ Léman rực hoa. Bờ kè này được đặt tên là “kè hoa”, và y như tên gọi, bờ kéo dài từ trung tâm thành phố đến khu Terriet tràn ngập các loài hoa được trồng tỉa công phu, lúc nào cũng tỏa một mùi hương thơm dịu, quyến rũ, mộng mơ. Đặc biệt hoa Thủy tiên (Narcisuss) được xem là biểu tượng của Montreux. Chắc trên thế giới này không ó nơi nào đi dạo lãng mạn như dọc theo kè hoa này. Những bông hoa khoe sắc bên mặt hồ lung linh, xa xa là dãy núi Dents-du-Midi trải dài, xanh rờn ngút mắt, thỉnh thoảng vài chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ lướt ngang, những con chim chao lượn vờn quanh… Tôi chỉ mong thời gian đừng trôi nữa. Đặc biệt, trong ráng chiều đỏ sậm buổi hoàng hôn, khi dãy núi Dents-du-Midi trở nên sẫm lại và mặt nước hồ Léman không còn trong vắt, bức tượng của Freddie Mercury với một tay vung lên trông thật kiêu hãnh nhưng đơn độc và buồn bã. Như cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng lắm bi kịch của chàng.
Lâu đài Chillon
Montreux còn một điểm đến tuyệt vời nữa: lâu đài Chillon nằm bên hồ Léman tuyệt đẹp. Lâu đài nằm giữa một bên là hồ, một bên là núi, cảnh trí vô cùng độc đáo. Lâu đài Chillon của Thụy Sĩ nổi tiếng không thua gì lâu đài Chenonceau ở thung lũng sông Loire của Pháp và hàng năm thu hút hơn ba trăm ngàn du khách từ khắp các nơi. Lâu đài có hình vòm, cao 110 mét và rộng 50 mét, được xây dựng trên một tảng đá khổng lồ hình bầu dục nằm bên hồ Léman. Từ cuối thế kỷ 18, lâu đài đã là một điểm đến của những văn sĩ trường phái lãng mạn. Từ Jean-Jacques Rousseau cho đến Victor Hugo, Alexandre Dumas, GustaveFlaubert hay Lord Byron, lâu đài Chillon luôn có cách hấp dẫn văn nghệ sĩ thế giới do địa thế độc đáo của mình.
Tôi được một người quen dắt đi thăm lâu đài Chillon và cắt nghĩa rất tường tận từng viên gạch nhỏ. Ông này vốn được chọn lựa giữa những nhà khảo cổ học châu Âu để trùng tu lâu đài, nên có thể nói Chillon như nhà của ông vậy. Tôi thích nhất được đứng trong một phòng ngủ, cửa sổ bằng đá, nhìn ra hồ Léman và dãy núi Dents-du-Midi, nghe nước vỗ nhè nhẹ vào chân lâu đài. Tôi tưởng tượng thời của những ông hoàng bà chúa, các cô tiểu thư hay chống cằm ngồi tựa cửa sổ thế này. Với cảnh trí lãng mạn, hẳn trong lòng các cô có nhiều “tâm sự” lắm thay. Một ngày nào đó, một chiếc thuyền đến neo xa xa, một chàng trai tuấn tú chèo xuống nhỏ một mình tiến sát vào cửa sổ, và sẽ là một lời tỏ tình tha thiết…
Tôi thì không còn mơ được gặp những chàng trai đẹp mã, chàng hoàng tử cũng không thèm hiệp sĩ. Tôi chỉ hy vọng một ngày, tôi sẽ có dịp quay lại Montreux, sẽ đi dạo ở kè hoa, ngắm núi xanh xanh phản chiếu xuống hồ. Đó là giấc mơ đẹp nhất!

o O o

LAUSANNE: PHỐ TRONG RỪNG
Nhắc đến Thụy Sĩ, người ta thường nhớ đến Genève, một thành phố nổi tiếng trong lịch sử với những hiệp ước được ký kết tại đây. Nhưng Thụy Sĩ không chỉ có Genève, còn nhiều thành phố xinh đẹp khác rất xứng đáng được chúng ta biết đến. Trong số đó có Lausanne, một trong những nơi có khung cảnh rất ngoạn mục và còn được mệnh danh là thành phố Olympic. Tôi đã ở tại thành phố đặc biệt này trong suốt tháng chín, thời điểm đầu thu, lãng mạn với trời se lạnh, lá vàng bay và những cơn mưa bất chợt.
Thành phố của học thuật và thương mại
Trong suốt một tháng tại Lausanne, tôi nhận ra đây là một thành phố trẻ, có nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đa dạng. Ngoài ra Lausanne còn được xem là thành phố của nghiên cứu và học thuật, với các trường Đại học và nhiều trung tâm khoa học quốc tế. Ngoài trường Đại học danh tiếng Lausanne, thành phố có tới hàng trăm các trường ngôn ngữ và học viện tư thục lâu đời. Con cái của những gia đình quí tộc quyền quí ở khắp nơi trên châu Âu được gởi vào học tập nơi đây với một phương pháp và kỷ luật độc đáo. Những trường này có mức học phí rất cao và tuy lâu đời, họ luôn biết năng động tiếp thị để luôn chiêu sinh được những sinh viên hiện đại. Trường Quản lý Khách sạn Lausanne là một nơi danh tiếng chuyên đào tạo các nhân viên khách sạn, đầu bếp, chuyên gia du lịch hàng đầu thế giới. Đây là một trong những ngôi trường mà bất cứ ai làm du lịch cũng mong ước được một lần đến học. Và từ rất lâu, Lausanne là nơi được các tập đoàn đa quốc gia chọn làm nơi đặt trụ sở chính, như Philip Morris, Marboro, Toblerone… Những khu mua sắm sầm uất với đầy đủ các tên tuổi hàng hiệu quốc tế và những tiệm đồng hồ Thụy Sĩ cũng góp mặt tại đây.
Rừng trong phố
Mặc dù vậy, thành phố trông không hiện đại và không mang phong cách “techno”. Ngược lại, Lausanne là một thành phố nằm trong rừng, hoặc nói cách khác, có những khu rừng nằm trongLausanne. Thành phố ôm trong lòng hồ Léman (hồ trung tâm châu Âu), trải dài cùng những khu trồng nho, khu rừng thông thiên nhiên, rừng nhân tạo và vùng đồng cỏ thôn quê. Thế mà người Lausannevẫn còn “khát” màu xanh đến nỗi họ có thêm khá nhiều công viên rộng lớn rất xinh đẹp như Monrepos, Montbenon, Milan, thảo cầm viên và nhiều khu vườn khác nữa.
Trong thời gian ở Lausanne, tôi ngụ trong căn hộ của ông bà nội, số 26 phố Cánh đồng Mặt trời (Chemin de Champs Soleil), nằm trong một khu rừng nhỏ. Đường phố ở Lausanne đa phần được gọi là “chemin” (tiếng Pháp có nghĩa là đường mòn nằm ở vùng thôn quê), rất ít đường được gọi là “rue” (đường phố thành thị) như ở các nước láng giềng Pháp và Bỉ. Lý do duy nhất vì người Lausanne luôn nghĩ mình sống trong rừng và hòa hợp cùng thiên nhiên tươi đẹp. Nếu chia theo tỷ lệ thì mỗi người dân Lausanneđược “hưởng thụ” đến 26 mét vuông khoảng xanh.
Mỗi sáng tôi cùng ông nội vượt một cây số “đường rừng”, cẩn thận đặt từng bước chân lên thảm lá vàng ẩm ướt, ung dung tự tại… xách giỏ đi siêu thị mua thức ăn. Chúng tôi chỉ cần bước qua khỏi ranh giới của rừng là rơi ngay vào khu vực của “phố”, với đầy đủ những cửa hàng mua bán bận rộn và những siêu thị đầy đủ chủng loại. Buổi chiều tôi cùng bà nội rải thức ăn ra bậu cửa sổ rồi chống cằm chuyện gẫu chờ bọn thú rừng như sóc, thỏ, chim muông sà đến kiếm thức ăn. Buổi tối tôi mở hé cửa sổ cho gió lạnh tràn vào cùng những giấc mơ thần tiên, nghe văng vẳng bên tai tiếng suối chảy róc rách, nửa tỉnh nửa mê ngỡ mình là “công chúa ngủ trong rừng”, hoang đường chờ hoàng tử đến hôn cho một cái!
Bạn sẽ không tưởng tượng nổi, phố trong rừng, rừng trong phố. Vậy Lausanne là phố hay rừng? Nôm na thế này: thành phố được xây dựng trên ba ngọn đồi, nhà cửa mọc nhấp nhô, ẩn hiện trong những khu rừng. Ven hồ Léman, những dãy sườn đồi dốc đứng có những tòa lâu đài và biệt thự sang trọng nằm chênh vênh. Xuyên qua những kẽ hở của nhà cửa, núi Savoy Alps tuyết phủ trắng xóa quanh năm đang lấp ló. Cảnh trí vô cùng xinh đẹp với màu xanh của cây, màu trắng của tuyết, màu xám của nhà, màu hồng của hoa… Gợi cảm và quyến rũ!
Hồ Léman và cảng Ouchy
Buổi chiều khoảng ba giờ là thời điểm đẹp nhất trong ngày để đi dạo ở Lausanne. Tôi thường cùng ông bà nội đi bộ một đoạn đường rừng, rồi tiếp tục lấy xe điện ra bến cảng Ouchy nằm bên hồ Léman. Đây là khu vực trung tâm thành phố, có nhiều tòa nhà hành chính cùng các loại cờ của gần một trăm quốc gia. Dù Thụy Sĩ nổi tiếng không thích người nhập cư, nhưng có đến 38% cư dân ở Lausanne là người nước ngoài và học được chăm sóc rất tốt.
Hồ Léman là niềm kiêu hãnh của người Thụy Sĩ dù hồ này còn phải chia đôi diện tích sử dụng với người Pháp. Từ Lausanne, tại bến cảng Ouchy, người ta có thể đáp thuyền đến Genève, đến các thành phố khác nằm ven hồ Léman, và thậm chí, “vượt biên” sang Pháp. Bến cảng là nơi có mật độ giao thông khá tấp nập. Thế mà vẫn còn chỗ bình yên cho một đàn thủy cầm vươn những cái cổ dài kiêu hãnh ra “Bonjour” mọi người. Cảng Ouchy được xây dựng quy củ, có cầu tàu xinh đẹp đầy những bồn hoa sặc sỡ, có những công trình kiến trúc hiện đại mà vẫn cổ kính, những quán nhỏ mang phong cách “núi rừng”, những vòi phun nước, những cửa hàng xinh xinh… Từ Ouchy, người ta cũng có thể mua vé vào những “hộp thủy tinh” có cáp treo, lên đỉnh đồi nhìn cảnh trí hồ Léman hoặc đi xa hơn, đến một khu du lịch trượt tuyết nào đó trên các dãy núi cao. Thường tôi hay mua một cây kem ba màu, ngồi trên bờ kè ven hồ, vừa nhấm nháp vừa nhìn đàn thiên nga trắng lượn lờ, những chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ đến rồi đi…
Bảo tàng Olympic
Ở Lausanne ngày nào tôi cũng được ông bà nội chăm sóc, dắt đi dạo các công viên, đi mua bánh kẹo và chocolat, tham dự những festival về âm nhạc, phim ảnh, kịch nghệ… Những festival về văn hóa không lúc nào ngơi vì chính quyền thành phố tài trợ cho các hoạt động này. Người dân được định hướng, được giảng dạy, được tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật, giải trí… Nói không ngoa, họ có một bề dày văn hóa do được giáo dục và cập nhật liên tục trong suốt cuộc đời mình. Những hoạt động văn hóa đối với họ cũng quan trọng và cần thiết như những nhu cầu bình thường về ăn mặc, đi lại, học hành.
Ngoài những hoạt động này, thể dục thể thao cũng được đánh giá cao và hầu như người Lausanne nào cũng tham gia ít nhất một môn thể thao. Họ chơi thể thao có phường hội, có tổ chức, có bác sĩ theo dõi, động viên… Người lười thể thao nhất mà sống ở Lausanne thì chí ít cũng phải năng đi bộ. Và như một tất yếu, Lausanne là thủ đô Olympic với bảo tàng Olympic rất độc đáo. Năm 1915, bá tước Pierre de Coubertin thiết lập văn phòng tổ chức Olympic ở Lausanne và triển khai một bảo tàng. Từ đó đến nay, bảo tàng này là nơi cất giữ những di sản Olympic và thu thập nhiều hiện vật liên quan đến quá trình phát triển phong trào Olympic.
Tôi đến thăm bảo tàng Olympic vào một ngày nắng đẹp. Ngay ở vườn ngoài của bảo tàng đã thu hút tôi với nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo đề cao cái đẹp của thể thao. Này là một khẩu súng có nòng bị thắt nút lại với dòng chữ “Không bạo lực”, này là một nhóm tượng các vận động viên đi xe đạp đang gò mình nhấn pê-đan, này là một cơ bụng săn chắc của đàn ông với nhiều múi cơ bắp gọn ghẽ và “ngon mắt” như những ô vuông chocolat Lindt. Cứ vài giây những múi cơ bắp này sẽ tách ra và nhập lại một lần, công sức của một vận động viên thể hình để có được những cơ bụng “đâu ra đó” được đề cao xiết bao.
Vào bên trong bảo tàng, tham gia nhiều hoạt động, tôi nhận ra đây là một bảo tàng có sự tương tác với người tham quan. Không hề nhàm chán và khô khan như những bảo tàng khác với các tủ kính trưng bày, các pho tượng, các thuyết minh cũ rích. Ở bảo tàng Olympic, tôi có thể trực tiếp nghe các bảng thuyết minh hấp dẫn, những máy vi tính và công nghệ số giúp khách tham quan cảm nhận được những giây phút chiến thắng tuyệt vời của cá vận động viên, được cùng chia sẻ nỗi xúc động với các khán giả có mặt trực tiếp vào thời điểm đó. Đây quả là nơi bạn có thể thu thập mọi thông tin và cảm xúc liên quan đến lịch sử thế vận hội Olympic.
Ngày tôi rời Lausanne, thành phố đang có những cơn mưa thu bao phủ. Lá vàng rơi như trút ở khu rừng bao quanh thành phố Cánh đồng Mặt trời. Tôi không mấy buồn khi “để lại” ông bà mình. Tôi quá yên tâm khi biết rằng không nơi nào trên thế giới này có thể chăm sóc họ tận tình như ở Lausanne, thành phố của những giấc mơ cổ tích ngọt ngào.

o O o

GENÈVE: THÀNH PHỐ MAY MẮN
Vào một ngày thu đẹp trời, từ Lausanne, tôi lấy xe lửa lên Genève chơi. Ngồi xe lửa có cái thú ngắm cảnh đẹp đã đành, hên còn gặp được những hành khách dễ thương.
Trên chuyến xe Lausanne- Genève, tôi ngồi gần một anh chàng Thụy Sĩ đẹp trai vô cùng. Dù chàng đã có vợ con, nhưng chẳng hề chi, chuyến đi như ngắn lại nhờ chàng luôn miệng cười và giới thiệu về đất nước Thụy Sĩ xinh tươi. Đó là một anh lính về thăm nhà. Ở Thụy Sĩ đàn ông nào cũng phải trải qua một giai đoạn trong quân ngũ, hết hạn vài tháng thì xuất ngũ về với gia đình và công việc trước đó của mình. Nếu có chiến tranh, xem như công dân nào cũng đã được rèn luyện trong quân đội, sẽ nhập ngũ ra chiến trận.
Khi nói điều này, anh lính đẹp trai lại vui vẻ cười: “Thụy Sĩ luôn là nước trung lập, khó có thể nghĩ một lúc nào đó đất nước lâm vào cảnh binh đao!”. Tàu gần tới Genève thì anh lính xuống, không quên tặng tôi một gói bánh ngọt làm quà. Đoạn đường còn lại chỉ chừng mười lăm phút nhưng tôi thấy sao xa quá. May mà khi vào ga, Genève hiện ra quá thân thiện.
Vị trí địa lý độc đáo
Cảm giác thân thiện của Genève đến từ vẻ mộc mạc của một thành phố mang tầm vóc quốc tế mà diện tích lại nhỏ xinh. Các góc phố, những con đường lót đá, những hàng cây xanh, những bồn hoa rực rỡ sắc màu. Genève không rộng lớn như London, không hào nhoáng như Paris, không có những khu đô thị và các tòa nhà chọc trời như New York. Thế mà Genève vẫn mang trọng trách của một thành phố lịch sử, vẫn có những tòa nhà quốc tế nghiêm trang, và ở đây có đến bốn mươi phần trăm là người nước ngoài. Genève có một vị trí địa lý thật lý tưởng: tọa lạc bên hồ Léman, nơi dòng sông Rhône chảy ra khỏi hồ, một bên thành phố được dãy núi Jura che chở, bên còn lại được những đỉnh núi cao của dãy Savoy Alps bao quanh. Một thành phố quốc tế nằm giữa núi, sông, hồ và… hoa. Hỏi còn nơi nào lôi cuốn hơn Genève.
Ngân hàng và đồng hồ Thụy Sĩ
Thế nhưng Genève không chỉ là một thành phố du lịch, một nơi cổ kính hoặc nơi để người ta đến để vui chơi cuối tuần. Thành phố thật sầm uất và luôn bận rộn với những hoạt động kinh doanh của mình. Có hàng chục tòa nhà cao tầng của các ngân hàng uy tín tọa lạc tại Rive Gauche (bờ trái) của Genève. Ai cũng biết Thụy Sĩ là trung tâm tài chính quốc tế và Genève là một trong những thành phố ngân hàng của Thụy Sĩ. Phía sau khu ngân hàng là con đường mang tên dòng sông Rhône. Trên con đường này là những shop bán nữ trang, đồng hồ Thụy Sĩ, những cửa hàng thời trang và các quầy dịch vụ đa dạng. Tôi cũng “bon chen” vào một shop đồng hồ và chỉ dám chui vào hiệu Swatch, là một hiệu đồng hồ thời trang dành cho giới trẻ, giá rẻ hơn rất nhiều so với các hiệu “sừng sỏ” khác. Cuối cùng tôi cũng mua một cái Swatch có dây bằng nhựa màu xanh. Về ViệtNam đeo ai cũng nói giống đồ của con nít. Mặc kệ, dù sao trong đời tôi cũng được đeo… đồng hồ Thụy Sĩ.
Khách sạn càng nhỏ càng đắt
Tại Genève, khách du lịch còn bị rơi vào mê hồn trận với vô số các khách sạn xinh đẹp. Khách sạn ở Thụy Sĩ nổi tiếng có dịch vụ rất tốt, nhân viên luôn tận tình và phòng ốc luôn được trang trí ấm cúng. Các khách sạn thanh thế mà đa phần đều trông cổ kính, nhỏ nhắn và có một cái duyên riêng, khiến cho ai bước vào cũng ngỡ mình đang trở về nhà, thoải mái và tự tin.
Một điển hình là khách sạn OldTown nằm trên đỉnh đồi trông thật độc đáo. Khách sạn được xây bằng sỏi, nhìn đơn sơ, mộc mạc như một căn nhà vùng miền núi. Khách sạn cổ kính này nghe nói rất đắt tiền nhưng một khi đã bước vào, chẳng ai còn muốn bước ra. Hãy cẩn thận: Khách sạn Thụy Sĩ trông càng nhỏ, càng cổ kính, càng “bình thường” thì giá phòng càng đắt. Những khách sạn to lớn, “ô dề”, xây theo lối kiến trúc hiện đại để có nhiều phòng thì giá lại bình dân.
Bảo tàng và các trụ sở quốc tế
Đến Genève không thể không đến những bảo tàng cao cấp nằm vây quanh nhà thờ chính tòa Saint Pierre ngay trung tâm thành phố. Các bảo tàng này chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật đa dạng và phong phú không thua kém gì các bảo tàng lớn ở Paris. Ngoài bảo tàng, Genève đặc biệt được biết đến như một nơi trú ngụ của các trụ sở quốc tế. Trụ sở châu Âu của Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Quốc tế của hội Chữ Thập Đỏ là hai trong số rất nhiều những trụ sở quốc tế đóng ở Genève. Điều này minh chứng cho tính an toàn, độ tin cậy về mặt ngoại giao và tính chính xác về mặt hành chính của Genève. Thành phố xứng đáng là thủ đô của các trụ sở quốc tế với hàng trăm lá cờ đủ màu của các nước trên thế giới. Nói không ngoa, tại Genève, mọi thứ đều được đảm bảo, nhất là về an ninh.
Công viên, hồ và núi
Vì Genève nằm giữa sông nước, hồ và núi non, thành phố sẽ chẳng cần thêm bất cứ một công viên nào để có khoảng xanh thiên nhiên. Thế nhưng thật sai lầm khi nghĩ như thế, người Genève rất yêu thiên nhiên và những công viên ở đây được chăm chút rất cẩn thận. Các bồn hoa luôn được trồng luân phiên các loại hoa theo mùa để vào mùa đông giá lạnh Genève cũng không trông tẻ nhạt. Trong các công viên nằm rải rác khắp thành phố như vườn Anglas, Parc La Grange, bàn tay con người hiện diện ở khắp nơi. Các lối đi luôn được xén cỏ công phu, những công trình điêu khắc bằng cây xanh, những bức tượng hoa sắc sảo, những chiếc đồng hồ bằng cỏ đang vận hành và chỉ giờ rất chính xác. Các bụi hoa hồng trồng dày đặc luôn tỏa hương. Trên mặt hồ Léman mà người dân ở đây gọi là hồ Genève, vòi nước Jeux d’eau coa một trăm bốn mươi mết luôn phun trào thu hút sự chú ý của mọi người. Cũng có khi gió thổi quá mạnh, người ta tắt vòi nước vì nếu không, gió thổi tạt nước vào khách bộ hành đang đi trên phố. Tôi cũng đã bị gió tạt nước vào ướt chút đỉnh, nhưng tôi xem đó là “lộc may mắn” của mình khi đến Genève.
Ở Genève tôi không có cảm giác mình là người nước ngoài vì sự thật có quá nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở đây. Tứ hải giai huynh đệ, Genève xứng đáng được người nước ngoài yêu mến. Và thật ngộ nghĩnh, thành phố này cũng cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch Thụy Sĩ dễ dàng hơn những vùng khác trong cùng một lãnh thổ. Và một khi đã là dân Genève, bạn đang có may mắn sinh sống tại một trong những thành phố tốt nhất trên thế giới (theo đánh giá của UNESCO). Với riêng cá nhân tôi, có dịp đến thành phố độc đáo này trong vài ngày đã là một may mắn. Và tôi tin sự may mắn này sẽ theo tôi mãi. Sau chuyến đi đó, quả thật tôi có dịp đến nhiều nơi khác nữa. Cảm ơn Genève, thành phố may mắn của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.