Vì sao ông Ackroyd chết

Chương chín



Trong bữa ăn trưa này, có thêm một vị khách nữa: ông Hammond, luật sư riêng của gia đình Ackroyd. Đó là một người đàn ông thấp, vẻ mặt khô khan; song ông ta có cặp mắt rất sắc.

Trước bữa ăn, Poirot kéo Hammond sang một bên:

– Tiểu thư Flora có yêu cầu tôi điều tra cái chết của ông bác cô ấy – Poirot nói – Chắc chắn là ông sẽ không từ chối khi tôi yêu cầu ông cho tôi biết những tin tức cần thiết chứ?

– Tôi không tin là anh Paton lại dính dáng tới vụ này – Hammond nói – mặc dù các sự việc đang xảy ra hoàn toàn gây khó dễ cho anh ta; tất cả chỉ vì Ralph đang gặp khó khăn, về tiền nong thôi…

– Anh ta đang gặp khó khăn à?

– Lúc nào cũng thế – Hammond trả lời – Tiền qua tay anh chàng này cứ như là rác cả thôi và khi nào anh ấy cũng tới xin tiền ông Ackroyd.

– Còn bản di chúc của ông Ackroyd, ông có biết không?

– À, tôi biết chứ, đơn giản lắm: cô Russell được 1000 bảng, Raymond được 500 bảng, mỗi người hầu được một món tiền nhỏ, một số tiền lớn được đưa cho các bệnh viện…

– Xin ông cho biết về những người quan trọng nhất ở đây? – Poirot ngắt lời.

– Bà Ackroyd được 10.000 bản , tiểu thư Flora được 20.000. Số tiền rất lớn còn lại sẽ do đại úy Ralph quản lý; anh ta sẽ trở nên một người đàn ông giàu có còn rất trẻ.

Bà Ackroyd gọi ông Hammond. Poirot bước đến chỗ tôi.

– Bác sỹ này, tôi muốn nhờ ông hỏi thiếu tá Blunt xem ông ta có quen bà Ferrars không nhé. Ông nhớ quan sát nét mặt của ông thiếu tá.

Thấy Blunt đang đứng một mình bên cửa sổ, tôi liền mời ông ta đi dạo một lát trong vườn hoa, Blunt nhận lời. Vừa đi, chúng tôi vừa hút thuốc. Rất nhanh chóng, tôi liền chuyển câu chuyện nói về bà Ferrars; nhưng đáng tiếc là Blunt không biết một tí gì về bà Ferrars cả. Blunt có gặp bà ấy hai lần, khi ông ta đến King Abbot, và ông ta cũng chỉ nhận thấy một nét thay đổi trên khuôn mặt bà Ferrars vào lần gặp cuối cùng. Đó là tất cả những gì mà Blunt biết. Ông ta nói chuyện với một thái độ rất cởi mở, và tôi không hề nhận thấy một điều gì khả nghi trên nét mặt hay cửa chỉ của Blunt.

Kết thúc câu chuyện, thiếu tá thêm vào:

– Tiền, tất cả mọi đau khổ trên thế giới này đều có thể giải quyết được bằng tiền, hay nói một cách khác, tất cả mọi việc đều cần đến tiền.

– Ông có khó khăn gì về vấn đề tiền bạc không, thiếu tá? – Tôi hỏi Blunt.

– Không, đối với tôi, tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng lắm. Tôi được hưởng một số tiền lớn của một người bà con; song nó cũng chẳng là gì cả vì tôi đã bị thiệt trong việc thực hiện một kế hoạch ngốc nghếch.

Câu chuyện của thiếu tá Blunt làm tôi ngạc nhiên, vì câu chuyện của ông cũng giống trường hợp của tôi. Tôi bèn kể cho Blunt nghe một vài kinh nghiệm trong việc sử dụng tiền của mình.

Tiếng chuông gọi mọi người vào ăn trưa làm ngắt quãng câu chuyện của chúng tôi. Tất cả mọi người bước vào phòng ăn. Tôi tiến lại gần Poirot và nói nhỏ cho ông ta nghe tất cả những điều ít ỏi vừa thu lượm được.

Trong bữa ăn, mọi người đều nói chuyện xoay quanh vấn đề chính của vụ án, kể cả Ursula Bourne, người phục vụ bữa ăn. Sau đó, tôi bị bà Ackroyd lôi vào câu chuyện của bà. Bà tuyên bố rằng tất cả số tiền của ông Ackroyd lẽ ra nên để lại cho bà.

– Chắc chắn là bất cứ một người mẹ nào cũng đều phải chăm lo cho con mình – Bà Ackroyd nói tiếp – Tại sao cái cô Russell kia lại được hưởng 1000 bảng cơ chứ? Tôi chẳng ưa cô ta chút nào. Ở cô ấy có một vài điều gì đó bí ẩn. Cô ta đã tìm mọi cách mồi chài để được làm vợ ông Ackroyd; may mà tôi đã về đây kịp thời để chận ngay lại cuộc tình duyên không lấy gì làm tốt đẹp này.

Lúc đó Raymond và Hammond tới, thế là tôi thoát được câu chuyện vô cùng khó chịu của bà.

– Bà lại thắc mắc về tiền phải không, bà Ackroyd – Hammond ngắt lời bà ta – Bà muốn tất cả chứ gì?

– Ô, điều bà mong muốn rất dễ thỏa mãn thôi – Raymond vừa cười vừa nói – Ngày hôm qua, ông Ackroyd đã rút từ nhà băng ra 100 bảng để thanh toán một số việc gì đấy; nay ông ấy vẫn chưa tiêu tới số tiền ấy.

– Vậy số tiền đó ông ta để ở đâu? – Hammond hỏi Raymond – Có phải ở bàn làm việc của ông ta không?

– Không, ông Ackroyd không có thói quen cất tiền ở bàn làm việc, ông ấy cất trong phòng ngủ – Raymond trả lời – Ông Ackroyd luôn cất tiền trong một chiếc hộp cũ, không ai đụng đến cái hộp đó bao giờ. Ông Ackroyd rất tin những người phục vụ trong nhà.

Chúng tôi đi tìm thanh tra Raglan; người giữ chìa khóa phòng ngủ của ông Ackroyd và sau đó tất cả kéo nhau lên căn phòng này. Raymond mở chiếc hộp và đưa cho Hammond cuộn tiền. Ông luật sư chăm chú đếm số tiền.

– Một trăm bảng, có phải anh đã nói như vậy không, Raymond? Tại sao ở đây chỉ có 60 bảng thôi?

Raymond không biết trả lời thế nào; anh ta đếm lại tập tiền, Hammond đã nói đúng; toàn bộ số tiền chỉ còn lại có 60 bảng.

– Theo như tôi biết thì số tiền này chưa được sử dụng và không có ai sờ đến nó cho đến buổi tối hôm qua – Raymond nói – Ông Ackroyd đã nói với tôi là ông ấy sẽ không dùng số tiền này để chi cho bữa ăn tối.

– Như vậy thì vấn đề sẽ đơn giản thôi – Poirot tiếp ngay lời Raymond – Nếu ông Ackroyd đã không dùng tới số tiền này thì, nói một cách khác, là đã có kẻ lấy đi mất 40 bảng.

Thanh tra Raglan quay sang nhìn bà Ackroyd:

– Có ai đã đến đây vào ngày hôm qua? Ai đã quét dọn ở đây nhỉ?

– Elsie Dale, người hầu gái, tôi đoán thế.

– Trước đây bà có hay bị mất cái gì không?

– Không, tôi không hề bị mất gì bao giờ. Còn cô Elsie thì tôi đảm bảo cô ta không đụng tới số tiền này đâu. Elsie là một cô gái có giáo dục.

– Có người phục vụ nào đã rời khỏi đây không? – Raglan chất vấn.

– Có, Ursula Bourne, cô ta sẽ đi khỏi đây.

– Vào lúc nào?

– Trong thời gian tới đây, Ursula đã xin phép ra đi vào ngày hôm qua, song tôi không phải là người trông coi những người phục vụ ở nhà này. Cô Russell chịu trách nhiệm về việc đó.

Những câu trả lời của Russell không thỏa mãn mong muốn của mọi người. Khi hỏi Ursula về nguyên nhân muốn ra đi, cô gái trả lời:

– Tôi có dọn dẹp phòng của ông Ackroyd và đã làm xáo trộn giấy tờ trên bàn của ông ấy; ông ấy đã tỏ ra rất giận dữ. Tôi xin phép ông ta cho thôi việc, nhưng ông Ackroyd nói với tôi là về chuyện này ông sẽ nói sau.

– Tối hôm qua cô có lên phòng này không? – Poirot hỏi Ursula.

– Thưa ông, không.

– Thế thì tại sao ở đây lại bị mất cắp một số tiền nhỉ? – Raglan hỏi.

Mặt Ursula đỏ lên, nhưng cô trả lời một cách chắc chắn.

– Tôi không biết gì về chuyện này. Còn nếu các ông nghĩ rằng ông Ackroyd định đuổi tôi vì chuyện mất tiền thì các ông nhầm.

– Câu chuyện của cô và ông Ackroyd kéo dài bao lâu? – Đột nhiên Poirot hỏi Ursula – Khoảng hai mươi phút. Nửa giờ hay một giờ.

– Không quá nửa giờ đâu, tôi nghĩ thế.

Tôi tò mò nhìn Poirot; lúc đó mắt ông ta sáng lên như vừa bắt được một vật gì quý giá.

Sau đó, chúng tôi gặp Elsie Dale để hỏi cô ta vài điều, song không thu được gì sáng tỏ thêm. Poirot và tôi trở về nhà.

– Tôi rất nghi ngờ về việc tại sao ông Ackroyd có thể giận dữ được chỉ vì mấy tờ giấy- tôi nói để dò hỏi Poirot – trừ trường hợp là những tờ giấy đó của ông ta thuộc loại rất quan trọng.

– Raymond đã nói rằng trong phòng làm việc của ông Ackroyd không có giấy tờ gì quan trọng cả – Poirot trầm ngâm – Đây lại là một điều bí ẩn nữa. Trong danh sách của Raglan không đả động gì tới cô bé này.

– Ông không nghĩ rằng…

– Phải chú ý bất cứ điều gì có liên quan, bác sỹ Sheppard ạ. Song tôi thú thật với ông là tôi không thể tìm ra được một lý do nào để nói là Ursula Bourne lại muốn giết ông Ackroyd. Ông có thể giúp tôi được không?

– Sao lại không? – Tôi nhấn mạnh – Tôi rất lấy làm hân hạnh khi được ông tin cậy.

– Người đã giới thiệu Ursula Bourne tới làm việc ở Fernly Park là một người đàn bà tên là Folliott ở Marby – Marby, đúng rồi, cô Russell nói với tôi như thế. Marby ở đâu, ông có biết không?

– Ở đầu đằng kia của Cranchester.

– Ông có thể đi tới đó để tìm hiểu hộ tôi về cô Ursula không?

Tôi nhận lời. Song cho mãi tới tận chiều hôm sau tôi mới có thể đi được, bởi lẽ tôi quá bận với những bệnh nhân của mình.

Bà Folliott là một người cởi mở, dễ chịu, vui tính. Song khi tôi nhắc đến tên cô Ursula Bourne thì nụ cười của bà ta trở nên nhăn nhó. Hình như bà Folliott có điều gì đó khó chịu về cô gái này.

– Bà có lấy làm hài lòng trong thời gian Ursula ở với bà không ạ? – Tôi hỏi – Cô ta đã ở với bà trong thời gian bao lâu?

– Một hay hai năm gì đấy, tôi không còn nhớ rõ nữa. Cô ta là một cô gái tốt, hiền lành và chăm chỉ.

– Xin lỗi, bà có thể kể cho tôi nghe một vài điều về Ursula được không?

– Tôi không biết gì về cô ấy – Bà Folliott từ chối.

Sau khi không đạt được kết quả gì trong việc thu lượm thông tin về cô Ursula, tôi lái xe trở về King Abbot.

Về tới nhà, tôi nhận thấy hình như Caroline đang bị kích thích bởi vì một chuyện gì đó. Có lẽ không thể giấu kín được lâu, chị bắt đầu ngay câu chuyện:

– Ông Poirot khi nãy có ở đây – Caroline nói khi tôi chưa kịp ngồi xuống.

– Thế à? Ông ta có nói gì với chị không?

– Ông ta nói là ông ta rất hiểu cậu và cũng muốn làm quen với tôi nữa. Poirot đã kể cho tôi nghe một vài vụ án ly kỳ mà ông ta đã từng điều tra, ông ấy có biệt tài kể chuyện.

– Thế chị có kể gì cho ông ấy nghe xung quanh chuyện của ông Ackroyd không?

– Tất nhiên là có chứ. Tôi đã làm sáng tỏ với ông ấy một vài vấn đề; một số chuyện mà Poirot không thể biết được, thí dụ như chuyện của Ralph và một cô gái trong khu rừng bữa hôm trước…

– Tại sao chị lại kể cho ông ấy nghe câu chuyện đó? – Tôi trách Caroline – Chị đã nói là chị muốn giúp đỡ Ralph, thế mà chị lại làm thế à?

– Tại sao tôi lại không muốn giúp Ralph? Biết đâu vào thời điểm ấy, anh ta lại đang ở đâu đó với một cô gái, anh chàng này có một đống con gái chạy theo.

– Theo như chị nói thì Ralph vô tội. Thế thì tại sao Ralph trốn đi mà không ở lại để cải chính câu chuyện này?

– Có thể là Ralph đã làm cho cô bạn gái của anh ta đau khổ, song, theo tôi, nếu như Monsieur Poirot biết được cô gái đó thì ông ấy sẽ khiến cô ta kể tất cả sự thật về Ralph.

– Được rồi. Thế ông Poirot còn hỏi được ở chị điều gì nữa?

– Tôi còn kể cho Poirot nghe về những người bệnh của cậu buổi sáng hôm ấy.

– Về bệnh nhân của em? – Tôi ngạc nhiên nhắc lại.

– Đúng, tôi có kể cho Poirot nghe về các bệnh nhân của cậu. Đúng là bà Bennet này, cậu bé nông dân này, sau đó là Dolly Grice, rồi đến một thằng cha người Mỹ. À, phải rồi, còn có cả George Evana và cuối cùng là cô Russell.

– Ngày hôm qua, bà Ackroyd có nói rằng cô Russell là một con người bí ẩn. Em đoán là chị cũng nghĩ như thế chứ?

– Đúng đấy. Tôi cho rằng ông Poirot cũng muốn đi tìm những điều bí ẩn của cô Russell đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.