Vợ già chồng trẻ

Chương 1



Trời chạng vạng tối.

      Đèn điện bựt cháy khắp Đô Thành Sài Gòn Chợ Lớn, đường nào cũng nhờ ánh sáng nhơn tạo nên khỏi chìm ngấm trong tịch mịch tối tăm.

      Thế mà bên vùng Vĩnh Hội có mấy xóm bình dân nằm dọc theo mé kinh phía trong, từ bến đò Long Kiển vô tới xóm Ụ Tàu, vì đường chưa giăng đèn điện, còn trong nhà lá thì đốt dầu leo heo, bởi vậy lúc gần tối mặc dầu dưới kinh nước đầy, gió chiều phất mát, mà quang cảnh trông có vẻ âm u, có hơi buồn bực.

      Trong xóm Ụ Tàu, nằm xéo xéo vàm rạch Ông Lớn là xóm nghèo hơn hết ở vùng nầy, còn một vài ông thợ thuyền đi làm về trễ, nên xung xăng đi về riết kẻo vợ con chờ ăn cơm. Vài anh xa phu mặc quần vắn, áo vắt vai, bươn bả ra sang xe để chạy cử tối. Cũng có ít chị đàn bà mua bán, chị thì bán hết xôi bưng thúng về, chị thì gánh chè cháo ra đi bán dạo. Nhờ rãi rác có kẻ vô người ra như vậy, nên quang cảnh linh động vui vui làm phai lạt bớt hơi buồn bã.

      Giữa lúc lờ mờ gần hết sáng nhưng chưa thiệt tối đó, một chị đàn bà ngồi trước căn nhà lá xịch xạc, mắt ngó xuống kinh xem tàu dắt ghe đi ngang. Một đứa con gái nhỏ xẩn bẩn chơi một bên chị, thình lình nó hỏi: “Cha đi đâu mà chưa thấy về vậy má? Con đói bụng quá. ”

      Chị nói: “Rán chờ một chút nữa con. Như thiệt tối mà cha con không về, thì má sẽ đốt đèn và xúc cơm cho con ăn.”

      Một người trai chừng vài mươi tuổi, bộ tướng mạnh mẽ, ở phía ngoài xâm xâm đi vô xóm, vừa đi vừa hút gió. Chị đàn bà thấy đi ngang qua chị mới kêu và hỏi:

–         Em có thấy anh hai em làm giống gì ở ngoải hay không vậy em Giao?

–         Ủa! Anh Hai chưa về hay sao?

–         Chưa. Chờ từ hồi chiều đến giờ mà không thấy tăm dạng gì hết. Con Tý đói bụng mà không chịu về ăn cơm cho rồi chớ.

–         Thôi, chắc ảnh mắc nhậu nhẹt ngoài quán thím Phòn chớ gì. Mãn giờ tôi qua Cầu Kho có chuyện một chút. Tôi về trễ. Đi về tới ngã ba hồi nãy tôi thấy trong quán thím Phòn có mấy người ngồi đánh chén nói chuyện om sòm. Tôi mắc lo đi riết về, sợ anh Bảy chờ cơm, nên tôi không dòm kỹ coi ai ở trong quán.

Tên trai nói rồi đi thẳng lại căn nhà xéo xéo gần đó mở cửa mà vô.

      Chị đàn bà đứng dậy thở một hơi dài rồi nói với đứa con gái: “Thôi vô đây má đốt đèn rồi má xúc cơm múc cá cho con ăn trước đi. Chờ không được nữa đâu.”

      Trong xóm Ụ Tàu nầy có chừng một chục rưởi cái nhà. Vì chỗ ở dầu bao lớn cũng dùng tiếng chung mà gọi là nhà, chớ nếu nói cho đúng thì mới gọi là chòi cho trúng chánh nghĩa, bởi vì mỗi nhà chỉ có một căn thấp thỏi, chật chội, vô cửa phải cúi đầu. Mái nhà thì lợp bằng lá xé[1], hoặc lá chầm[2], có chỗ thiếu lá phải chèn một vài tấm thiếc. Còn cửa với vách thì dùng đủ thứ, ai có thứ gì dùng được thì dùng, lá có, thiếc có, ván thùng có, bởi vậy không kín đáo gì hết.

      Chị đàn bà trông chồng không được nên phải vô dọn cơm cho con ăn, đây là cô Hai Xuyến, vợ của anh Hai Túc, làm thợ máy ngoài hãng cưa. Vợ chồng ở đây từ khi phối hiệp với nhau tính đã hơn mười năm rồi, sanh được con Tý đó, nó đã lên 7 tuổi. Vì Hai Túc đứng coi cho máy cưa chạy, anh ăn tiền khá, nên nhà anh tốt hơn hết, tuy một căn mà cửa kín đáo, vách chắc chắn lại có kềm được một cái xép[3] một bên để nấu ăn.

      Cô Hai Xuyến có nghề làm bánh cam đường với bánh ếch thiệt ngon, còn thêm biết nghề may, lại may khéo. Hồi 20 tuổi, cô gặp Hai Túc rồi vô cất nhà ở xóm nầy, trong 3 năm đầu, chưa có con, thì cô làm bánh cam đường và gói bánh ếch mỗi bữa bưng đi bán khá quá, kiếm lời mua cơm gạo vợ chồng ăn không hết. Chừng có con cô không thể đi bán bánh được, cô mới bỏ nghề làm bánh mà sang qua nghề may. Nhờ mấy năm đi bán bánh cô quen hết mấy xóm dọc theo mé kinh, lại cũng quen luôn trong xóm Cầu Dừa nữa, bởi vậy người ta tin cậy mới đưa đồ cho cô may, nên cô có đồ may thường thường hoài. Nhưng vì ở xóm bình dân may đồ vải mà thôi, lâu lâu mới có một cái áo bà ba hoặc một cái quần hàng mà may, bởi vậy tiền công không được nhiều lắm.

      Đường quan lộ vô tới đầu xóm thì dứt. Trong xóm Ụ Tàu chỉ có đường mòn chằng chịt, bởi vậy chỗ nào có đất trống cao ráo thì người ta cất nhà mà ở, thành thử nhà cửa trong xóm không có thứ tự, lúm khúm cái nằm ngang, cái nằm dọc, không hàng ngũ chi hết.

      Từ đầu lộ trở vô xóm, bên tay trái dựa theo mé kinh đất không bằng thẳng cất nhà ở không được. Bên tay mặt gặp trước hết nhà ông Kèo, thợ mộc, ở với bà vợ và một đứa cháu nội gái 15 tuổi, tên Nhơn, bán bánh ú. Kế đó là nhà bà Lữ ở với người con gái tên Hiền, 29 tuổi, chồng chết, bán xôi. Cách một cái vũng thì tới nhà của thợ máy Hai Túc thì con đường mòn lại cong vô phía tay mặt, trong đó nhà cửa lộn xộn hơn một chục chủ ở.

      Tên Giao đi ngang nhà Hai Túc đứng nói chuyện với cô Hai Xuyến hồi nãy đó, nhà nó cất xéo về phía bên kia đường mòn. Nó cũng làm thợ máy ngoài hãng cưa, nhưng thợ phụ. Nó mới 20 tuổi, chưa có vợ, mà cũng không có cha mẹ, anh em, nên ở cái chòi nhỏ một mình. Nó ăn cơm tháng tại nhà anh Bảy Cao làm cu ly[4] trong một hãng với nó, nhà ở kế nó đó, Bảy Cao đã 40 tuổi, có vợ, nên vợ ảnh nấu cơm luôn cho Giao ăn, mỗi tháng nó trả tiền cho chị, vì hai người làm một chỗ, về ăn cơm một lượt, tại bạn nghèo với nhau có gì ăn nấy, không có chi bất tiện.

Bữa nay Giao có nói trước cho Bảy Cao hay nó có việc phải qua bên Cầu Kho một lát nên về trễ, tuy vậy nó sợ vợ Bảy Cao chờ lâu chị phiền, nên về tới nhà nó cởi áo bỏ đó, lật đật đi ăn cơm, không kịp đốt đèn.

      Giao nhỏ tuổi, biết chữ lại rành nghề, ăn nói nhỏ nhoi, tánh tình vui vẻ, biết thương người hoạn nạn, ưa tiếp giúp anh em, bởi vậy ở trong sở làm cũng như đối với xóm riềng không bao giờ mích lòng ai, trái lại ai cũng yêu mến.

      Ngồi ăn cơm tối với vợ chồng Bảy Cao, Giao thỏ thẻ nói: “Anh Hai Túc có vợ con mà cứ ta bà[5] hoài, không kể tới gia đình. Bữa nay ảnh đi nhậu nhẹt ở đâu nữa, bỏ vợ con ở nhà chờ cơm tới chừng nầy mà chưa về. Hồi nãy tôi về ngang chị Hai Xuyến kêu hỏi tôi có biết ảnh đi đâu hay không, bộ chị buồn quá”.

      Vợ Bảy Cao nói: “Có lạ gì đâu mà phải hỏi. Chừng nầy mà chưa về là mắc nhậu ngoài quán nào đó chớ gì”. Bảy Cao nói: “Tội nghiệp thím Hai Xuyến, mắc anh chồng cũng như có con quỷ ở trong nhà. Chú đi làm không về thím buồn, nào phải thím sợ ảnh đi trai gái nên thím ghen hay là sợ đi ăn uống tốn hao tiền bạc đâu. Thím buồn là vì thím sợ nhậu nhẹt say sưa rồi về đánh vợ chửi con, làm tưng bừng túi bụi, náo động cả xóm chứ”.

      Giao châu mày nói:

–         Tôi tưởng anh thợ Túc có phước lớn lắm ảnh mới gặp được người vợ đàng hoàng đúng đắn như chị Hai Xuyến.

–          Thiệt vậy. Có phước lắm. Thím Hai Xuyến may khéo, thím may mướn kiếm tiền phụ nuôi sống chồng con. Chú đi làm thím ở nhà lui cui lo nuôi con, lo dọn đẹp nhà cửa, lo cơm nước cho sẵn đặng về có mà ăn. Hễ rảnh thì thím may kiếm thêm tiền nữa. Vậy thì chú khoẻ quá. Nếu chú biết suy nghĩ, biết xét công ơn của vợ, chú biết vui với vợ con, thì gia đình của chú sướng bực nhứt trong xóm nầy, chớ đâu có xào xáo hoài, làm cho thím Hai Xuyến buồn rầu như vậy.

–         Thiệt tôi thấy thân phận của chị Hai Xuyến tôi tội nghiệp cho chỉ quá. Mỗi lần ảnh say về ảnh đánh chỉ tôi chịu không được, nên tôi can thiệp luôn luôn. Lần nào tôi cũng bị ảnh mắng chửi, nhiều lần bị ăn thoi nữa, mà tôi không kể, cứ can thiệp hoài.

Vợ Bảy Cao chận nói:

–         Em chẳng nên can thiệp. Chú đánh vợ mà em can, nhiều lần chú nói xấu cho em, chú la em lấy vợ chú nên em binh. Vậy thì còn can làm chi.

–         Ối! Ảnh say nên ảnh nói bậy, hơi nào mà chấp ảnh. Hết say rồi anh em cũng tử tế với nhau như thường, chị Bảy không thấy hay sao?

–         Nên để cho người già cả họ can gián tốt hơn.

–         Già cả có ai đâu. Ông thợ Kèo ở ngoài xa, Bà Lữ bán xôi với chị Hiền ở gần, can một hai lần không được, hai mẹ con ghét không thèm nói tới nữa. Anh Bảy, chị Bảy cũng không chịu lại mà khuyên dỗ. Tôi ở gần, nếu tôi làm lơ nữa, thì rủi sẩy tay anh Hai Túc đánh chết vợ ảnh còn gì.

–         Chết thì bị đày. Để luật pháp trừng trị một lần cho chú tởn. Em can đã không có ơn, mà nhiều lần em còn bị đòn nữa chớ.

–         Anh Hai Túc yếu xịu, ảnh thoi có thấm tháp gì đâu. Tôi nghe nói uống ruợu ăn cơm mới ngon. Tôi có nếm thử thì rượu hôi rình chớ phải ngon ngọt gì sao mà mê. Mà có uống thì uống chút đỉnh vậy thôi, uống làm chi cho tới say rồi sanh giặc với vợ con.

      Bảy Cao nói: “Tại chú thợ Túc có tánh kỳ cục, hễ say thì gây gổ, chớ họ say đâu có như vậy. Có người say thì họ ngủ. Cũng có người say thì họ nói chuyện vui lắm. Có một mình chú hễ say thì về đánh chửi vợ con, chú không chịu bỏ tật say của chú, sợ có ngày chú mang họa lớn.”

      Ăn cơm rồi vợ Bảy Cao mang chén vô trong nhà rửa. Giao cứ ngồi nói chuyện chơi với Bảy Cao. Cách một hồi nghe đằng nhà thợ Túc có tiếng la hét om sòm. Vợ Bảy Cao bước ra nói: “Đó, ông men về rồi nên làm om đó.”

      Giao ngồi lóng tai nghe. Ban đầu nghe tiếng Hai Túc rầy om sòm. Một lát lại nghe tiếng chị Hai Xuyến la khóc: “Trời đất ơi, chết tôi còn gì! Chòm xóm đành để cho chồng tôi giết tôi hay sao?” Rồi tiếp nghe tiếng con Tý khóc la nữa.

      Giao xúc động chịu không nổi. Nó đứng dậy biểu vợ chồng Bảy Cao đi với nó lại can. Vợ Bảy Cao biểu chồng đừng thèm đi. Có đi thì đi ra bót xin lính vô bắt đem Hai Túc về bót mà giam thì tốt hơn.

      Giao bỏ ra cửa đi riết lại nhà thợ Túc. Thấy Giao ở với bạn trong sở mà trong xóm cũng như vậy, Bảy Cao không nỡ làm lơ nên thủng thẳng đi theo sau. Vợ thấy chồng đi, chị cũng đi nữa.

      Giao đi vô gần tới cữa, tuy ngọn đèn dầu không được tỏ lắm, song nó cũng thấy Túc một tay đè vợ vô vách, còn một tay đưa lên muốn đánh. Nhưng anh ta ốm yếu không có sức bao nhiêu lại thêm say mèm, mắt nhắm mắt mở, đánh không trúng đâu hết, phần thì chị vợ miệng la, tay đưa ra mà đỡ, còn thêm con Tý binh mẹ, nó níu nhũng nhẵng phía sau nữa, bởi vậy anh ta làm dữ mà đánh không được. Giao ở trần, nó a vào, xếp hai cánh tay Túc ôm chặt mà kéo anh ta ra, đặng gỡ nạn cho Xuyến.

      Túc vùng vẫy muốn kiếm thế đánh Giao, mà sức yếu lại say, làm không lại sức trai sung túc, nên bị Giao ôm mà kéo cho nằm trên ván.

      Vợ chồng Bảy Cao vô tới. Hai Xuyến lật đật chạy ra đứng một bên vợ Bảy Cao, dường như muốn yêu cầu ủng hộ.

      Bị Giao đè nằm trên ván cựa quậy không nổi, co chân đạp vô vách cây nghe đùng đùng, chớ không trúng Giao. Hai Túc mới chửi Giao, chửi vợ, chửi hết chòm xóm theo một phe với vợ mà hiếp anh ta.

      Vợ Bảy Cao ngó chồng rồi cười ngạo mà nói: “Thấy hôn? Tôi nói hễ can thì bị nghe chửi, có ơn nghĩa gì.”

      Hai Xuyến nói: “Ảnh say rồi ảnh nói điên, xin anh Bảy, chị Bảy đừng chấp ảnh.”

      Túc vùng vẫy, mắng chửi một hồi rồi mỏn hơi đuối sức nên nằm êm. Giao thấy vậy mới buông Túc; anh ta nằm ngủ ngáy khò khò.

      Vợ Bảy Cao mới nói: “Thôi, êm rồi, mình về.” Vợ chồng Bảy Cao mới rút đi Hai Xuyến theo cám ơn.

      Giao theo sau mới nói với Hai Xuyến: “Chị Hai để cho ảnh ngủ. Khuya thì ảnh hết say chớ gì. Nếu ảnh có làm dữ nữa thì chị chạy ra ngoài la lên; chòm xóm người ta hay tự nhiên họ lại cứu chị.”

      Giao về tới nhà, xô cửa bước vô, mò kiếm hộp quẹt đốt đèn rồi nằm trên cái ghế bố hút gió theo hơi bản đờn vọng cổ.

      Một mình với ngọn đèn leo lét, Giao hút gió một hồi rồi nhớ tới cảnh Hai Túc say sưa làm náo động trong xóm hồi nãy thì cảm thương thân phận của chị Hai Xuyến có nghề, có hạnh, mà nhan sắc lại đẹp hơn chị đàn bà trong hạng bình đân, chị đã làm tội tình gì mà bây giờ phải mang anh chồng say, anh không biết yêu quý người vợ đẹp đẽ, hiền lành, trung thành, tận tụy, đã không làm cho vợ vui, mà hưởng thú gia đình, lại theo đánh chửi hoài làm cho vợ buồn như ở trong địa ngục, bạn cùng quỉ sứ.

      Giao suy nghĩ rồi nhớ lại ở đời các chú trai cũng như các cô gái, hễ lớn lên thì ai cũng mong cưới vợ lấy chồng đặng vui hưởng hạnh phúc gia đình. Có lẽ chị Hai Xuyến cũng mong hưởng hạnh phúc ấy nên hồi trước chị mới ưng anh Hai Túc có nghề thợ máy, còn chị có nghề thợ may, dầu thế nào vợ chồng cũng kiếm cơm đủ nuôi nhau, không đến nỗi đói rách. Thiệt nhờ có nghề nên không đói rách mà chị Hai Xuyến mắc anh chồng say sưa, thô lỗ thì chị có thấy hạnh phúc gì đâu. Xưa rày có nhiều anh thấy mình lãnh tiền kha khá mà ở có một mình, hay khuyên mình kiếm vợ đặng có người lo may vá áo quần cho mà bận, lo đi chợ nấu cơm cho mà ăn, gây hạnh phúc gia đình mà hưởng như chúng bạn.

      Cũng như nhiều đêm khác, hễ Giao nhớ tới lời khuyên kiếm vợ thì chúm chím cười, thầm hỏi sao dám chắc có vợ sẽ hạnh phúc? Nếu không gây được hạnh phúc mà gây ra tai họa rồi làm sao? Nếu rũi gặp người vợ ghen như chị Bảy Cao, cứ đeo theo chồng không cho ra khỏi nhà, bữa nào chồng đi làm về trễ thì kiếm chuyện rầy rà, vậy là hạnh phúc hay sao? Nếu lỡ gặp người vợ hỗn ẩu, mình nói một tiếng vợ nói mười tiếng, coi chồng như thằng mọi, phải làm ra tiền cho vợ ăn hàng ăn bánh, sắm áo sắm quần, không kể công chồng cực khổ, vậy là hạnh phúc hay sao? Nếu gặp người vợ như vài chị ở trong xóm kia, mỗi bữa đợi chồng đi làm rồi thì giụm lại đánh bài đánh bạc, hoặc thả đi kiếm đàn ông, con trai mà nói chuyện, không trọng trinh tiết, không kể thị phi, vậy là hạnh phúc hay sao?

      Giao nghĩ tới mấy trường hợp chẳng may đó thì giựt mình, thầm nói thôi ở một mình cho thong thả và khoẻ trí, không nên có vợ mà sanh chuyện rắc rối.

      Lóng nghe đằng nhà Hai Túc êm luôn. Giao mới tắt đèn mà ngủ.

 


[1] lá (dừa nước) được xé đôi dọc theo sóng

[2] lá rọc ra khỏi sóng và được kết dính với nhau bằng lạt dừa. Lá chầm có hai loại là lá chầm sóng và lá chầm tấm. Lá chầm sóng dùng làm vách hay lợp nhà; lá chầm tấm dùng làm vách bồ chứa lúa.

[3] chái nhỏ

[4] gốc từ chữ cooly (tiếng Anh) hoặc couli (tiếng Pháp), chữ này để gọi phu khuân vác.

[5] đi chơi rày đây mai đó

[4] người làm mướn

[5] đi chơi rày đây mai đó


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.