Vòng Tay Của Mẹ

THIÊN THẦN CẢI TRANG



Cho dù dì có trả tiền cho tôi thì tôi cũng không làm con gái của dì!” Tôi kịch liệt tuyên bố với mẹ kế của tôi khi bà giới thiệu với người thợ sửa cửa rằng tôi là con gái bà. Đó là một trong những mâu thuẫn giữa chúng tôi trong suốt những năm tôi học trung học. Trong những năm tuổi trẻ nổi loạn của mình, sự thiếu tự tin của tôi đã khiến tôi phải bất ngờ tấn công người khác, phải làm tổn thương họ trước khi họ kịp làm tôi tổn thương.
Bạn hãy hình dung một phụ nữ đã ly dị chồng, sống ở Colorado với hai đứa con nhỏ, một đứa ba tuổi và một đứa năm tuổi; rồi bà gặp gỡ, yêu và quyết định kết hôn với một người đàn ông sống tại bang New Mexico. Để làm được điều đó, bà phải bán nhà, từ bỏ công việc dạy học mà bà yêu thích và phải ra trước tòa tranh đấu với chồng cũ để được phép đưa hai đứa con rời khỏi tiểu bang. Sau tất cả những điều đó, bà còn phải đối mặt với hai thiếu niên ngỗ nghịch, đó là anh tôi và tôi, những kẻ luôn tin rằng bà là kẻ thù và là nguồn gốc của mọi vấn đề. Khi bà tìm được công việc giảng dạy lịch sử ở trường trung học mà chúng tôi đang theo học, chúng tôi đã bảo với bạn bè rằng bà là một “mụ phù thủy”. Chúng tôi đối xử độc ác với các con của bà. Chúng tôi gây ra nhiều rắc rối cho bà, xúc phạm và phớt lờ bà. Thế bà đã phản ứng ra sao?
Bà đã đáp lại tất cả những điều đó bằng một tình yêu thương vô điều kiện và thuần khiết. Bà đã đề ra một số quy định cho chúng tôi. Chẳng hạn như bữa ăn tối diễn ra vào lúc sáu giờ rưỡi, thế nên tôi phải gọi điện thoại báo trước sáu giờ nếu như tôi không về ăn tối. Ngoài những bữa cơm tối gia đình, còn có các buổi tối gia đình và các kỳ nghỉ gia đình.
Tôi đã quen sống tự do, vẫn thường đi về bất cứ khi nào tôi thích. Thế nhưng Mary Jo lại muốn biết thời gian biểu của tôi cũng như muốn biết tôi đang kết giao với những ai. Một nguyên tắc tối thiểu là tôi phải nói “Xin chào” khi về nhà và “Tạm biệt” trước khi đi đâu đó. Tôi thường cố tránh để khỏi phải thực hiện những điều đó. Mỗi lần tôi vừa lẻn vào nhà và kéo đám bạn lên phòng mình thì ngay lập tức bà lại xuất hiện: “Chào cháu. Cô là Mary Jo, mẹ kế của Alice. Còn cháu tên là gì?”.
Mỗi khi bà cố nói chuyện với tôi, tôi đều la hét và bỏ đi nơi khác. Khi bà định ôm tôi thì tôi lại hất bà ra. Bà nói: “Dì biết là con không thích, nhưng dù sao dì cũng sẽ ôm con”. Mỗi lần viết thư cho tôi, bà đều kết thư như thế này: “Dì yêu con!”. Những lúc ấy tôi lại xé thư của bà và quăng vào sọt rác sao cho bà có thể nhìn thấy chúng. Nhưng trong những bức thư kế tiếp, bà lại viết: “Dì biết rằng con sẽ xé bức thư này. Nhưng dù sao thì dì vẫn yêu con. Mary Jo”.
Vào ngày sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi, Mary Jo và tôi lại xung đột vì tôi đã xử tệ với con gái của bà. Tôi bị buộc phải lên phòng. Tôi gọi điện thoại hẹn đám bạn chờ ở góc đường, còn mình thì leo qua cửa sổ để thoát ra ngoài. Tôi trở về vào khoảng sáu giờ tối, lo lắng chẳng dám vào nhà. Khi tôi đẩy cửa bước vào, tôi nghe mọi người la to: “Ngạc nhiên nhé!”. Sáu đứa bạn gái của tôi đang ngồi quanh bàn. Trên bàn đầy thức ăn và quà tặng. Mary Jo đã nấu nướng và tổ chức bữa tiệc sinh nhật cho tôi. Bà đối xử với tôi như với một nàng công chúa trước mặt các bạn tôi. Tôi cảm thấy thật tuyệt vời, và cũng cảm thấy mình thật có lỗi. Khi tiệc tan, bà nói: “Chúc mừng sinh nhật con. Dì yêu con”.
Một ngày nọ, khi đi ngang qua phòng của cha tôi và Mary Jo, tôi nghe tiếng bà đang khóc. Tôi không nhớ rõ bà đã nói gì, nhưng lúc đó bà đang nói về tôi. Bà nói rằng bà không ngờ mọi việc lại khó khăn đến thế. Nếu nói rằng tôi thôi không cư xử ngang ngạnh nữa, hoặc chúng tôi chẳng bao giờ va chạm nữa… thì hơi quá. Nhưng việc hiểu được nỗi đau buồn của bà đã khiến tôi trở nên gần gũi với bà hơn.
Hầu hết sự giận dữ và tổn thương của tôi là do cha tôi, do bức tường mà ông đã dựng lên giữa chúng tôi trong suốt nhiều năm. Mary Jo thường bị mắc kẹt ở giữa. Thời gian trôi qua, tôi trở nên yêu thương và quý trọng bà. Ngay từ khi cha tôi giới thiệu bà, tôi đã thấy bà thật xinh đẹp. Tôi từng chân thành hỏi bà: “Không biết dì tìm thấy điều gì ở cha con?”. Bà liền nói với tôi về tất cả những điều tốt đẹp ở cha tôi, những điều mà tôi đã cố quên đi để có cớ ghét bỏ ông. Tôi đã hỏi câu hỏi ấy nhiều lần và cũng nghe câu trả lời ấy của bà nhiều lần đến độ tôi bắt đầu nhìn thấy được những điều tốt đẹp ở cha tôi như bà từng nói. Sau một thời gian, chúng tôi đã có được một chiếc cầu nối ở nơi mà trước đó là bức tường ngăn cách.
Khi tôi có vấn đề gì đó, Mary Jo thẳng thắn đề cập đến những hành vi của tôi. Bà nói rõ tôi đã làm gì sai và hình phạt sẽ như thế nào. Bà không làm to chuyện. Bà chỉ nói rõ những gì bà có thể chấp nhận và không chấp nhận được. Trong tất cả những điều đó, bà xây dựng lòng tự trọng cho tôi bằng những câu nói như: “Bản chất của con tốt hơn thế ” hoặc “Dì tin là con có thể cư xử tốt hơn thế ”. Sau nhiều năm phải nghe những câu đại loại như: “Mày luôn làm những thứ như vậy” hoặc “Mày định gây rối mãi như vậy sao?”, tôi đã cảm thấy mình trưởng thành hơn với những lời trách mắng theo kiểu của Mary Jo. Có một điều còn quan trọng hơn cách mà Mary Jo đã xử trí với những hành vi ngỗ ngược của tôi, đó là việc bà đã dạy tôi biết cách giải quyết vấn đề một cách tích cực và chỉ cho tôi những điều có thể khiến tôi cảm thấy hài lòng về cuộc sống của mình. Đối với một người ngoài cuộc, việc chơi bài, nấu nướng hay ăn tối cùng gia đình có thể là việc hết sức bình thường, nhưng những điều ấy lại chính là thời điểm vui tươi và rất ý nghĩa đối với tôi. Chúng là liều thuốc cho căn bệnh mà tôi suýt phải chịu đựng suốt đời.
Một trong những phương thuốc hiệu quả nhất là việc chạy bộ. Đó cũng là một món quà mà Mary Jo mang lại cho tôi. Tôi chưa từng chạy bộ bao giờ, nhưng tôi cho rằng nếu bà chạy được thì tôi cũng chạy được. Kể từ ngày ấy, tôi đã bắt đầu chạy bộ và giành được nhiều giải thưởng. Mary Jo và tôi đã cùng nhau chạy qua nhiều đồi núi và các vùng lân cận. Ở trường, tôi thi chạy trên đường đua và chạy băng đồng. Tôi hành động cứ như thể tôi không thèm quan tâm đến việc Mary Jo có đến xem tôi thi hay không, và nếu bà có đến thì tôi cũng giả vờ phớt lờ. Nhiều lúc tôi không thèm báo cho bà biết là tôi có thi chạy, nhưng bà vẫn biết được thông qua nhà trường. Trước khi xuất phát, tôi thường nhìn rảo qua đám đông. Khi nhìn thấy bà, dù không nói với ai, nhưng tôi cảm nhận được một nguồn động viên an ủi dâng lên trong lòng.
Nếu nói rằng Mary Jo đã khiến tôi có những thay đổi tích cực thì đó chỉ là cách nói giảm, vì thật ra thì chính bà đã tạo ra một bước ngoặt vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời của tôi. Bà đóng vai trò là một kiểu mẫu, một người mẹ và một người bạn của tôi. Bà đã dạy cho tôi biết thế nào là một gia đình và đã tạo nên những khoảnh khắc mà sau đó trở thành những kỷ niệm thân thương nhất đối với tôi. Bà biến những kỳ nghỉ trở thành các buổi lễ kỷ niệm vui tươi. Bà truyền cho tôi niềm vui khi được chạy bộ, môn thể thao đã mang lại cho tôi sức mạnh, sự bình yên, riêng tư, một không gian để khóc, để cầu nguyện và để trưởng thành. Bà còn dạy tôi những lề thói đúng mực, giúp tôi vươn lên và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Và hơn tất cả, Mary Jo đã dạy cho tôi hiểu về tình yêu thương. Bà đã cho tôi thấy tình yêu có thể chữa lành vết thương, có thể làm dịu lòng một người nào đó, có thể nhìn xuyên thấu qua những lớp vỏ bọc khô cứng, có thể thay đổi được một con người và rằng tình yêu có thể tạo ra sự lột xác hoàn toàn.
Ngày nay, tôi tự hào vì Mary Jo gọi tôi là con gái và tôi có đặc quyền được gọi bà là bạn của tôi.
– Alice Lundy Blum
Trước tiên, hãy giữ sự bình yên cho chính tâm hồn bạn, và rồi bạn sẽ có thể mang bình yên đến cho người khác.
– Thomas à Kempis

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.