Vụ Bí Ẩn Nàng Tiên Cá Biến Mất

CHƯƠNG 2: SÂN NÀNG TIÊN CÁ



Ngày hôm sau, Ba Thám tử trẻ vừa mới đến bãi biển, thì thình lình nghe thấy một tiếng tiếng nổ hoặc tiếng bắn.
Peter giật mình.
– Cái gì vậy?
– Bình tĩnh đi – Hannibal nói – Hôm nay mùng 4 mà. Chỉ là tiếng pháo thôi.
Peter có vẻ ngượng ngùng.
– Ừ, phải rồi. Tại chỗ này hỗn loạn quá.
Và đúng là hỗn loạn thật, hay ít nhất cũng rất đông người. Chỗ đi dạo bằng bê tông chật ních người đi bộ và người trượt patanh. Hàng trăm đứa trẻ chạy nhốn nháo giữa đám đông, và hàng trăm người già ngồi dù ăn kem. Em bé thì ngồi trong xe đẩy. Chó chạy lon ton, đơn độc hoặc từng đàn. Các nhạc công đường phố thổi sáo thổi kèn hoặc búng dây đàn, còn trong những khu nối liền Đại lộ Đại dương có những người trông kỳ quặc rao bán những mặt hàng kỳ quặc từ sau những xe tải nhẹ.
Bob có mang theo máy ảnh. Trong khi ba thám tử đi dạo, Bob bấm máy liên tục. Bob chụp được một tấm hình bà Moonbeam, người phụ nữ mặc bộ đầm màu tía. Bà đang nhảy theo điệu nhạc của một nhạc công phong cầm đang chơi với một con két lông sặc sỡ đậu trên mỗi vai.
Đi được nửa đường trên Đại lộ Đại dương, ba thám tử nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc tả tơi đẩy một chiếc xe đẩy siêu thị chất đầy chai và lon không. Hai chú chó lai đang lon ton đi theo sau lưng ông. Khi người đàn ông dừng ở một thùng rác để lục lạo, thì lũ chó ngoan ngoãn dừng lại theo ông.
– Đó là Fergus. – Một giọng nói vang lên sau lưng ba thám tử.
Giọng của ông Conine, ông già mà ba thám tử đã gặp ngày hôm qua.
– Fergus là một trong những người đặc biệt của thành phố này – Ông nói – Một trong những người bình dị tốt bụng mà đôi khi người ta nhắc đến. Có thể không thông minh lắm, nhưng không hề xấu xa, và ông ấy chia sẻ tất cả những gì mình có với lũ chó. Trẻ con rất thương ông. Cứ quan sát đi, rồi sẽ thấy.
Ba thám tử nhìn theo khi người đàn ông tên Fergus lê bước qua lối đi đến một băng ghế gần một quán cà phê nhìn ra bãi biển. Ông ngồi xuống, lấy cây harmonica ra. Hai con chó cũng ngồi, đối mặt với ông, tai vểnh lên.
Fergus bắt đầu thổi kèn harmonica. Lúc đầu tiếng nhạc rất khẽ, gần như quá khẽ nên khó nghe, nhưng trẻ con đột nhiên bắt đầu xuất hiện. Chúng đến từng nhóm hai ba đứa, xúm thành nửa vòng tròn quanh ông.
Tiếng nhạc nghe lạ tai, nhưng dễ chịu, và Ba Thám tử trẻ cũng lắng nghe say sưa không kém gì lũ trẻ.
Buổi hòa nhạc nhỏ chỉ kéo dài vài phút. Rồi Fergus cất kèn harmonica, đẩy xe siêu thị bỏ đi cùng hai chú chó. Lũ trẻ tản đi.
– Luôn xảy ra như thế à? – Hannibal hỏi – Lũ trẻ luôn kéo đến à?
– Luôn luôn, – Ông Conine nói – Fergus giống như anh chàng thổi sáo trong truyện cổ tích vậy đó.
Ba Thám tử trẻ đi tiếp, ông Conine bước theo cùng. Pháo vẫn tiếp tục nổ trên bãi biển và thậm chí trên lối đi dạo. Khi đến gần tiệm sách ba thám tử thấy Todd chạy ra trước sân để nhìn đám đông. Chó Tiny cũng có mặt cùng thằng bé. Con chó bước đi chậm chạp, chân hơi cứng; và ba thám tử nhận ra rằng nó đã rất già.
– Ê, – Peter nói – thằng nhỏ lại bỏ đi một mình nữa kìa.
– Cháu bé không sao đâu, – Ông Conine nói – có Tiny đi theo nó. Con chó này tôn thờ cậu chủ nhỏ và bánh quy. Nó sẽ không cho phép ai hại Todd. Phải chi con chó giữ được không cho bé Todd quậy phá thì hay biết mấy….
Ông Conine để câu cuối kéo dài.
– Chắc là bé Todd thường gây rắc rối lắm. – Bob nói.
– Đúng, – Ông Conine đáp – thằng bé sinh động, giàu trí tưởng tượng. Bắt nó ngồi suốt trong tiệm sách, thì nó mau chán. Regina goá chồng và không thể nào thuê người giữ trẻ nổi. Nên bé Todd cứ ở đây suốt ngày, đuổi theo mấy con vật nuôi của hàng xóm và tự nghĩ ra đủ trò để vui chơi. Có khi nó nghĩ nó là Siêu Nhân, khi thì là Luke Skywalker. Chắc hẳn mẹ nó đang rất mong đến tháng chín, để đưa nó đi học.
Thằng bé có vẻ rất mau chán mọi thứ. Ba Thám tử trẻ nhận thấy thằng bé không còn quan tâm đến cảnh tượng đường phố nữa và hiện đang tung banh vào một vách tường nhà mục nát vì mưa gió ở cuối sân. Cấu trúc ba tầng cũ kỹ trông hơi chọi với hai dãy cửa hiệu mới xây, sát với nó ở mỗi bên và cái sân trong trang trí mới mẻ ngay phía trước.
– Tòa nhà cũ kia là gì vậy bác? – Bob hỏi ông Conine – Trông như một tòa nhà có lịch sử quá khứ.
– Đúng thế. Đó là khách sạn Nàng tiên cá cũ. Vì nó mà cả khu phức hợp quanh sân này được gọi là sân Nàng tiên cá. Nếu cậu đang nghiên cứu dự án về một khu phố đang thay đổi, thì cậu nên chụp hình khách sạn đó.
Trong khi Bob bấm vài pô, Peter và Hannibal nghiên cứu khu sân, vì ngày trước chưa kịp xem kỹ. Sân mở ra hướng tây, nhờ vậy mà khách sạn cũ có quang cảnh nhìn ra đại dương rất rõ. Dọc theo cánh hướng bắc là một tòa nhà dài cao hai tầng với những cửa hàng ở tầng trệt: cửa hiệu thứ nhất là Mọt Sách, rồi đến cửa hiệu bán diều tên là High Old Time, rồi đến một cửa hàng nhỏ tên Rock Hound. Cửa hàng này bán các loại đá khoáng và nữ trang bạc thủ công chưng ở cửa kính, ở góc giữa tiệm bán đá và khách sạn, có một cầu thang dẫn đến cửa vào một cửa hàng khác nữa, là Hành lang Nghệ thật Nàng tiên cá, nằm ngay phía trên cửa hàng đá.
– Ông Burton, một người rất dễ thương, là chủ nhân hành lang nghệ thuật kia – Ông Conine nói – Các cậu đã được vinh dự gặp ông ấy hôm qua, lúc ông ấy quát mắng bé Todd. Ông ấy sở hữu sân Nàng tiên cá, ngoại trừ khách sạn. Ông ấy sống trong căn hộ nằm bên cạnh hành lang nghệ thuật, ngay phía trên hiệu sách.
Rồi ba thám tử quay sang nhìn những tòa nhà còn lại trong sân. Khách sạn Nàng tiên cá chiếm hết hướng đông ở cuối sân. Rồi lại có một dãy cao hai tầng gồm cửa hàng và căn hộ, rào quanh hướng nam. Gần nhất khách sạn là một quán cà phê rộng lớn tên là Nut House, ở phía đại dương là tiệm Some Warm Fuzzies, bán chỉ và phụ tùng dệt.
Còn chính sân thì được trang trí đàng hoàng, có lót đan, có một hồ phun nước, những mảnh đất trồng cỏ, và những chậu hoa. Phía trước quán cà phê Nut House là một sân hiên đắp cao lên với bàn ghế. Một người đàn ông trẻ gầy trơ xương tóc đen đang đi lại giữa các bàn, thu gom tách dĩa, bỏ loảng xoảng trên mâm. Nước da anh vàng vọt và trông như thể anh đã không ngủ hay không tắm rửa một thời gian. Bé Todd nay cũng đang ở đó, nhảy từ mép sân hiên xuống dưới đất, rồi trèo lên nhảy nữa. Tiny ngồi bên cạnh, tôn sùng nhìn cậu chủ bé tí.
– Ê thằng nhỏ! – Người đàn ông trẻ quát – Đi chỗ khác chơi đi!
Todd có vẻ như bị xúc phạm, rồi rút lui về hiệu sách.
– Ông ta đâu cần la hét như thế, – Peter nhận xét – bé Todd có hại ai đâu.
– Mooch Henderson cần phải được học về phép lịch sự, ông Conine nói, hai vợ chồng Tony và Marge Gould, chủ quán Nut House, thật không may mắn khi tìm người giúp việc.
– Ông Burton cũng làm chủ tòa nhà kia luôn à? – Bob hỏi và chỉ về hướng quán Nut House.
– Đúng. Như cậu thấy đó, chỗ đó và cánh nhà kia còn khá mới. Chỉ có khách sạn Nàng tiên cá là thuộc Venice cổ. Khách sạn được xây vào những năm 1920, khi thành phố đang phát triển. Venice đang sắp trở thành một địa điểm tham quan cho du khách, và rất lớn. Có những con kênh, gần giống như những con kênh của Venice bên Ý, và dân điện ảnh thường đến từ Hollyvvood để nghỉ cuối tuần ở đây. Họ thuê phòng ở Nàng tiên cá rồi ra đại dương bơi. Nhưng rồi dân sành điệu bắt đầu nghỉ cuối tuần ở Malibu. Thành phố bắt đầu dần dần xuống cấp. Khách sạn bị ế, bị đóng cửa, rồi người ta bịt các cửa sổ lại bằng ván. Khi Clark Burton mua lại chỗ này và cho xây hai tòa nhà mới, chúng tôi cứ tưởng ông sẽ cho sửa chữa lại khách sạn cũ. Nhưng không thấy ông ấy làm.
– Clark Burton! – Hannibal đột nhiên kêu lên – Diễn viên! Cháu thấy ông ấy rất quen khi gặp ngày hôm qua.
– Diễn viên nào? – Peter hỏi lại – Mình chưa bao giờ nghe nói đến ông ấy.
– Phải, Burton là diễn viên – Conine nói – Nhưng ông ấy đã không đóng phim từ mấy năm rồi. Chắc chắn là thời các cậu ông ấy không đóng phim nữa. Hannibal ơi, làm sao cậu biết ông ấy? Xem truyền hình à?
– Babal rất ghiền phim – Bob nói – Babal hay đi xem những bộ phim cũ được chiếu lại ở các rạp nhỏ tại Hollywood.
Peter mỉm cười tinh quái.
– Chính Babal đây cũng từng là một ngôi sao điện ảnh, – Peter nói – nổi danh dưới tên Bé Mập Thù Lù!
Ông Conine có vẻ ngạc nhiên.
– Trời ơi! Hóa ra cậu là Bé Mập Thù Lù? Ái chà!
Hannibal đỏ mặt. Hannibal rất ghét khi có ai nhắc lại cái thời quá khứ diễn viên nhí mũm mĩm của mình. Hannibal nhanh chóng chuyển sang đề tài nói chuyện khác.
– Bác có nói Clark Burton điều hành hành lang nghệ thuật kia à? – Hannibal vừa hỏi vừa chỉ tầng trên của cánh nhà hướng bắc.
– Đúng. Ông ấy bán đồ gốm mỹ nghệ, vài tranh sơn dầu và các thứ bằng bạc.
Rồi ông Conine chỉ sang balcon ở phía nam sân, phía trên quán cà phê và tiệm bán sợi.
– Trên đó có hai căn hộ – Ông nói – Tôi ở trong căn gần với khách sạn, còn bà Peabody ở trong căn nhìn ra đại dương. Bà Peabody kia kìa. Một bà rất dễ thương, hơi cứng quá, rất cá tính.
Hàng xóm của ông Conine là một quý bà khoảng bảy mươi. Bà đang từ balcon bước xuống cầu thang từ từ, tay vịn lan can. Bà mặc bộ váy lỗi thời quá dài, đội một cái mũ có đính hoa hồng trên vành.
– Chào chị Peabody – Ông Conine nói – Xin giới thiệu ba bạn trẻ đây là Hannibal, Bob và Peter.
– Hannibal! – Bà nói – Tên gì mà lạ quá. Rất ít khi nghe.
– Ba cậu bé đang có cuộc nghiên cứu để thực hiện một báo cáo cho trường, – Ông Conine nói – về một khu đô thị đang trải qua quá trình thay đổi: thành phố Venice của ta.
– Cả thành phố Venice à? – Bà Peabody hỏi – Hay chỉ khu sân Nàng tiên cá này thôi?
Bob có vẻ ngạc nhiên.
– Sân Nàng tiên cá này có nhiều điều để nghiên cứu lắm à? – Bob hỏi.
– Nhiều hơn cậu tưởng – Bà Peabody nói – Khách sạn Nàng tiên cá cũ chính là chỗ mà Francesca Fontaine đã biến mất.
Bob và Peter ngớ ra.
– Ôi trời! – Bà Peabody kêu – Thời xưa quá rồi mà, đúng không? Francesca Fontaine là nữ diễn viên thường đến đây nghỉ, vào cái thời mà Venice là một thành phố thanh tao. Vào một buổi sáng chủ nhật, Francesca Fontaine thức dậy, rời khách sạn xuống biển tắm. Cô ấy lao xuống biển rồi người ta không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.
Hannibal chau mày.
– Dường như cháu đã nghe câu chuyện này rồi.
– Chắc hẳn cậu đã nghe rồi. Đây là một truyền thuyết của Hollywood. Do người ta không bao giờ tìm ra thi thể cô ấy, nên các tin đồn nhảm tha hồ mà có cơ hội phát triển. Một số nói rằng Francesca Fontaine đã lội dọc theo bờ thật xa rồi đi đến Phoenix, bang Arizona, để sống với một ông chủ nông trại gia cầm. Số khác nói cô ấy đã lén lút trở về khách sạn Nàng tiên cá rồi khóa cửa phòng lại vì đã phát hiện mình bị một căn bệnh kinh khiếp. Một thứ bệnh không thể chữa được. Các bệnh nan y thời đó rất hay được nói đến.
– Rồi họ nói rằng khách sạn có ma, hồn ma chính là Francesca Fontaine – Ông Conine nói thêm – Chính tôi cũng muốn tin chuyện này.
– Vô lý! – Bà Peabody kêu.
– Có ai đó ở trong khách sạn – Ông Conine nói nhẹ nhàng nhưng giọng khẳng định – Tôi thường thấy đèn sáng ở cửa sổ vào đêm. Mà do không có ai vào và cũng không ai ra, thì hẳn phải là một người luôn ở trong đó. Tôi cho rằng Clark Burton biết, nên mới không cho sửa chữa và mở lại khách sạn.
– Chú Burton sợ con ma à? – Bob hỏi.
– Không phải đâu – Bà Peabody nói với ánh mắt tinh nghịch – Chẳng qua là ông ấy chưa nghĩ ra cách khai thác chuyện này để quảng cáo thôi. Clark Burton rất thích được công chúng chú ý. Nhưng nếu muốn biết nhiều hơn, thì cứ đi nói chuyện với ông ấy. Hiện ông ấy đang ở trong hành lang nghệ thuật đấy.
Bob nhớ lại người đàn ông đã nổi giận với bé Tiny.
– Dạ… dạ… cháu không muốn làm phiền chú ấy – Bob nói – Sợ chú Burton đang bận công chuyện.
– Ông ấy không bao giờ bận khi có dịp nói chuyện về chính mình! – Bà Peabody kêu lên – Ông ấy là một diễn viên nghiệp dư và rất thích thu hút sự chú ý đến mình. Cứ nói rằng các cậu muốn đưa tên ông ấy vào tờ báo của trường, rồi các cậu sẽ thấy chuyện gì xảy ra.
Bà Peabody bỏ đi vào quán cà phê. Ông Conine nở một nụ cười khuyến khích.
– Chưa bắt đầu diễu hành đâu – Ông nói – Cứ đi đi.
Ba thám tử từ từ đi về hướng cầu thang ở hướng bắc sân. Bob phân vân rồi hít thật sâu và tiến hành leo lên các bậc thang. Bob không hề mong muốn chạm mặt với ông Burton gắt gỏng chút nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.