Vụ Bí Ẩn Nàng Tiên Cá Biến Mất

CHƯƠNG 20: ĐẶT TÊN CHO CÂU CHUYỆN



Bốn ngày sau chuyến bay kinh khí cầu ngoài kế hoạch, Hannibal, Bob và Peter lấy xe đạp đi đến Hollywood.
Ông Alfred Hitchcock đang đứng chờ trong văn phòng. Ba Thám tử trẻ đoán rằng ông đã đọc báo biết về vụ Clark Burton và phòng kho báu trong khách sạn Nàng tiên cá. Nhưng ông không đề cập đến Clark Burton ngay, mà đang hãnh diện nhìn một cái rương để gần cửa vào văn phòng. Đó là một món đồ gỗ khác thường, cao, làm bằng gỗ màu sẫm, có những ký hiệu lạ lùng vẽ bằng sơn đỏ. Có rất nhiều ngăn kéo, nhưng kích cỡ khác nhau. Có những ngăn vuông, ngăn hình chữ nhật, ngăn sâu, ngăn cạn, ngăn to, ngăn nhỏ, khiến cái rương trông như một khối ghép mảnh ba chiều.
– Đẹp không? – Nhà đạo diễn vĩ đại mỉm cười hỏi – Tôi vừa mới mua. Một món đồ nổi tiếng. Đó là rương của nhà ảo thuật sân khấu lừng danh Stregonio. Có thể các cậu chưa bao giờ nghe nói đến nhà ảo thuật này, bởi vì ông đã mất cách đây lâu lắm rồi. Ông thường hay phù phép làm cho vật dụng riêng của khán giả xuất hiện trong các ngăn kéo của cái rương này. Tôi cũng không hiểu ông làm cách nào. Thậm chí tôi chưa tìm ra được các ngăn kéo mật. Nhưng tôi sẽ tiếp tục tìm.
Ông Alfred Hitchcock quay đi khỏi cái rương lạ lùng, rồi mời Ba Thám tử trẻ ngồi xuống mấy cái ghế để trước bàn viết của ông.
– Hôm nay, trên báo, có nói về một cái ruơng khác, đúng không? – Nhà đạo diễn nói – Rương kho báu của Clark Burton. Con người khốn khổ! Ta gần như thấy thương hại một người như thế, phải không? Nhưng kể cho tôi nghe đi. Thật ra chuyện gì đã xảy ra? Báo chí không bao giờ nói hết câu chuyện.
– Tất cả ở trong đây. – Bob vừa nói vừa đẩy một tập hồ sơ dày trước mặt ông Alfred Hitchcock.
– Cậu đánh máy xong hết rồi hả? – Ông Alfred Hitchcock đáp – Đáng nể thật.
Ông cầm hồ sơ lên bắt đầu đọc. Suốt một thời gian dài, không có ai nói chuyện. Nhưng cuối cùng ông Alfred Hitchcock cũng khép hồ sơ lại, lắc đầu.
– Câu chuyện buồn quá! – Ông nói – Con nguời tồi tệ đó đã để cho mạng sống một đứa trẻ bị nguy hiểm để bảo vệ một… chẳng qua là bảo vệ cho một lối sống, đúng không? Ông ta lo lắng cho cái gì? Hình tượng của mình đối với công chúng và một vài thứ có thể mua bằng tiền?
– Hoặc ăn cắp, – Peter nhắc thêm – phần lớn những gì quan trọng đối với ông ấy đều được ăn trộm.
– Đúng, và thật là ích kỷ. Ông ấy cất giữ mọi báu vật trong phòng mật kia. Nhưng làm vậy, thì không thể cho ai xem hết, phải không? Nếu không thì sẽ bị lộ mất.
– Dạ đúng, – Hannibal trả lời – cháu đã nhận ra bức tranh của Degas lấy trộm từ nhà ông Davwes. Mà cháu không phải là chuyên gia và bức tranh đó cũng không nổi tiếng lắm. Burton không tâm sự với ai cả về động cơ, nhưng cháu đoán hẳn ông ấy phải rất thích thú được sở hữu đồ mỹ thuật ăn trộm. Hoặc có thể ông ấy quá tham lam nên bất chấp mọi rủi ro.
– Và bây giờ các món dồ mỹ thuật đã được trao trả về cho chủ nhân hợp pháp, nhờ công các cậu. – Ông Alfred Hitchcock nói.
Bob gật đầu.
– Những món đồ đều xác định ra chủ nhân thôi. Cảnh sát có mời tụi cháu đến để cám ơn vì đã báo cáo về số phận đồ vật bị ăn trộm.
– Và tụi cháu cũng có bị trách móc vì đã đột nhập vào khách sạn, nhưng không bị rầy la nặng lắm – Peter nói – Thông tin của tụi cháu đã thật sự giúp ích. Cảnh sát đã cho theo dõi ngôi nhà ở đường Evelyn. Và vài phút trước khi câu chuyện về chuyến bay khinh khí cầu được tường thuật trên truyền hình, thì một tên trộm chuyên nghiệp đã ló mặt tại ngôi nhà đó. Hắn đang chạy một chiếc xe tải nhẹ thuê chở đầy đồ bạc và đồ gỗ cổ. Hắn bị cảnh sát tóm gọn.
– “Tên trộm không muốn ngồi tù, – Bob kể tiếp – ít nhất cũng không muốn phải ngồi lâu hơn thời hạn đáng bị, nên hắn đã khai ra hết. Và cảnh sát đã hiểu ra đầu đuôi câu chuyện. Burton được mời đến dự nhiều bữa tiệc của dân Hollywood. Ông ấy đã xoay xở để vẫn còn được xuất hiện trong giới điện ảnh, mặc dù ông ấy không còn tham gia đóng phim nữa. Ông ấy biết ai có của cải nhiều, và rành cách bố trí phòng ốc trong nhà. Có khi ông ấy còn biết được hệ thống chống trộm nằm chỗ nào nữa. Ông ấy biết lúc nào thì chủ nhà bận đi công tác xa, ai đi nghỉ hè lâu, khi nào thì gia nhân được nghỉ, và những thông tin như thế. Clark Burton chỉ định các nạn nhân và cung cấp cho bọn trộm mọi thông tin cần thiết. Thậm chí ông còn dặn bọn trộm nên lấy những món nào và khi nào phải ra khỏi nhà.
Ông mua lại của bọn trộm những thứ mà ông đặc biệt thích. Ông là một siêu kiện tướng và chỉ xử lý những món có giá. Những món thường như đầu máy và máy ảnh, thì bọn trộm phải mang đi bán chỗ khác. Tiền trong rương là để ông mua đồ, bởi vì không thể trả tiền mua đồ ăn cắp bằng ngân phiếu được. Phải thanh toán tiền mặt. Nhà ở đường Evelyn là kho chứa hàng ăn cắp. Những thứ không muốn giữ cho mình, thì Burton mang đi bán cho mối ở ngoài thành phố. Còn nếu là món hàng khó nhận dạng, thì ông bán ngay tai hành lang nghệ thuật”.
– Nhưng như vậy là rất mạo hiểm, phải không? – Ông Alfred Hitchcock hỏi – Bộ ông ấy không sợ bị bọn trộm tống tiền sao?
– Bọn chúng không biết ông ấy thật sự là ai – Hannibal trả lời – Ông hóa trang khi giao dịch với bọn chúng, và bọn chúng không thể liên hệ với ông ấy, mà chính ông ấy liên lạc với bọn chúng.
– Rồi khi bé Todd phát hiện ra cửa mật, thì màn kịch của ông ấy bị chấm dứt. – Ông Alfred Hitchcock nhận xét
– Dạ phải – Hannibal đáp – Bé Todd có kể lại câu chuyện mỗi lần kể một ít. Vào ngày bốn tháng bảy, bé đã vào được phòng suite trong khách sạn, và đang cầm một xấp tiền trong tay, thì bị Burton bắt gặp. Burton hét lên. Con chó nhào lên Burton, còn bé Todd bỏ chạy. Sau đó con chó và Burton đánh nhau và tượng nàng tiên cá rơi xuống trúng con chó. Chó Tiny chết vì bị đứng tim. Bé Todd bỏ ra ngoài bằng cửa sau, nghĩ rằng mình mang tội lỗi rất nặng nề. Fergus gặp bé ngoài bãi biển, đưa bé về nhà và cố dỗ dành cho bé vui.
– Tội nghiệp quá! – Ông Alfred Hitchcock bình luận.
– Lẽ ra Burton phải báo ngay với Regina rằng bé Todd đã làm ngã tượng nàng tiên cá và bỏ trốn – Hannibal nói tiếp – nhưng ông ấy biết rằng bé Todd cầm đi một cọc tiền. Ông ấy bị ám ảnh bởi chuyện này. Làm sao Burton có thể giải thích về tiền? Thế là ông ấy cứ nói láo liên tục. Và ông ấy làm những việc ngốc nghếch, như ném tượng nàng tiên cá xuống cầu tàu.
– Đúng, điều này không khôn ngoan tí nào – Nhà đạo diễn vĩ đại nhận xét – Nhưng còn Mooch và người ở cùng nhà? Có dính líu gì với Burton không?
– Dạ không. Mooch chỉ là một tên trộm cỡ nhỏ, còn người ở chung nhà thì làm những công việc thời vụ ở chợ nô lệ. Burton dùng nhân công ở chợ nô lệ khi phải di chuyển những đồ vật lớn. Như vậy dễ dàng và an toàn hơn là đến một trung tâm giới thiệu việc làm bình thường.
– Còn Fergus? – Vĩ nhân hỏi – Hy vọng cảnh sát không hành tội ông lão này nhiều quá.
– Dạ không có. Ông ấy đã trở về bãi biển. Cô Stratten đang làm om sòm lên về ông ấy. Ông Finney cũng vậy. Bé Todd không sao cả. Bé sẽ nhập học vào tháng chín này. Cô Stratten sẽ không phải truy tìm bé liên tục nữa.
– Vậy là vụ bí ẩn kết thúc tốt đẹp – Bob nói – Bác sẽ nhận viết lời giới thiệu cho vụ này của tụi cháu nhé?
– Tôi sẽ rất vui – Ông Alfred Hitchcock đáp – Một câu chuyện dễ sợ quá. Một khách sạn có ma và phòng kho báu mật! Tôi rất thích!
Khi nhà đạo diễn lật qua trang cuối cùng trong tập hồ sơ ghi chép, thì ông phát hiện một cái gì đó bóng loáng.
– Oa, cái gì đây? Tấm hình à? – Alfred Hitchcock lấy tấm hình Bob chụp Hannibal bị mắc kẹt trong ống chuyển thức ăn.
Bob và Peter phá lên cười.
– Ê, sao lại… – Hannibal bắt đầu nói rồi vội vàng đứng dậy để nhìn tấm hình.
Đúng là bức ảnh chụp thám tử trưởng với vẻ mặt cau có, nhem nhuốc, lo sợ, bị chèn ép y như cái cột tròn nhét vào cái ống vuông.
Giữa nhiều trận cười ha hả, Peter nói:
– Tụi cháu định đặt tên vụ này là “Vụ Bí ẩn Cậu béo bị mắc kẹt”.
– Hoặc “Vụ bí ẩn Cái gì đã đi xuống được thì cũng phải lên được”. – Bob nói thêm.
Trông Hannibal như cái lò hơi sắp nổ tung.
Ông Alfred Hitchcock dũng cảm cố gắng nghiêm trang phát biểu:
– Hai cậu kia nghe này, trừ phi hai cậu chịu để nhóm thám tử của mình biến thành Hai Thám Tử Trẻ, thì nên suy nghĩ lại về cách đặt tựa cho vụ bí ẩn này. Cho phép tôi đề nghị là “Vụ Bí ẩn Nàng tiên cá biến mất”, được không?
– Một cái tựa nghe hay hơn rất nhiều. – Hannibal phán.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.