Vui Chơi Để Kiếm Sống

Phần 5 : Tiếng lộc cộc trong ký túc xá



QUÁ BÀI BẢN NÊN HỌ CHÁN NẢN

Có phóng viên gửi mail, cả một bản câu hỏi, để phỏng vấn (đây là cách làm phổ biến của một số phóng viên ở xa, hoặc sợ nắng). Trong đó có câu thế này:

  • Điều gì đã làm nên tính cách của một Huỳnh Minh Thuận như hôm nay?

Tôi reply:

Huỳnh Minh Thuận hôm nay là do xuất thân từ:

  1. Người nhà quê, rất quê, tôi sống nơi nhiều rừng núi, có nhiều ma nên hay kể chuyện ma.
  2. Con nhà nghèo, rất nghèo, nhưng không phải boy bánh bèo.
  3. Tuổi thơ cười ít khóc nhiề Khóc là vì gia đình chẳng hạnh phúc.
  4. Gia đình ly tán. Cha mẹ mỗi người một phương
  5. Tự lập, kiếm tiền từ khi còn học lớp sáu, nghề đầu tiên là chơi trống cho ban nhạc sống, đánh cho đám cưới, nhận luôn đám ma.
  1. Người yêu thương nhất là mẹ. Nhưng mẹ lại mất sớm, nước mắt đã cạn.
  1. Nhà toàn chị gái, nên thừa hưởng nhiều cái duyên con gái trong ngườ Sợ sâu và mấy con có lông rậm rạp. Hay ngồi khóc trên cây.
  2. Không còn ai để dạy bảo, tự tìm đến sách, chọn sách làm thầy, chọn trường đời thay cho trường học. Dù vẫn cứ vô trường học, xem trong đó có cái gì.

Bài viết không được đăng. Chắc vì quá thật thà, quá bài bản nên họ chán nản, hoặc là họ nghĩ Thuận thần kinh giẫm phải đinh!

 

TIẾNG “LỘC CỘC” TRONG KÝ TÚC XÁ

Chuyện xảy ra cách đây cũng hơn mười năm, khi nó(1) mới dọn vào Ký túc xá, 75 Trần Nhân Tôn, quận 5, Tp.HCM.

Vào mỗi tối, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì nó lại nghe một âm thanh rất lạ. Một tiếng “rào rào” khô khốc như có ai cào cấu vào một vật cứng. Càng về khuya, âm thanh ấy lại càng rõ ràng hơn. Cái âm thanh đó khiến nó chẳng ngủ được.

Rồi một đêm nọ, sau khi đánh vật với giấc ngủ của mình, nó quyết định leo xuống giường và tìm cho được cái âm thanh kia phát ra từ đâu.

Đi từ tầng hai, rồi leo xuống tầng 1. Ký túc xá khuya nên vắng tanh. Càng đi, nó càng cảm nhận âm thanh ngày một rõ hơn, bụng bảo dạ, chắc chắc là mình đã đi đúng hướng rồi.

Đi qua đi lại một hồi, nó dừng lại trước cửa một phòng có ánh sáng lờ mờ. Cánh cửa khép hờ. Tiếng rào rào ở đây nghe đất rất rõ. Nó tin chắc âm thanh đó là từ cái phòng này phát ra.

Nó đẩy nhẹ cánh cửa và đưa mắt nhìn vào bên trong. Trước mắt nó là một là một người thanh niên, dáng hơi gầy, ngồi quay mặt vào tường. Mắt anh chăm chú nhìn vào cái màn hình, và tay anh đặt lên cái tấm nhựa cứng, trên tấm nhựa có nhiều nút (Sau này nó mới biết đó là cái bàn phím máy tính). Và tiếng rào rào cũng phát ra từ đây.

Điều lạ là cái phòng chỉ có mỗi anh thanh niên này ở. Thấy anh không đả động gì nó đẩy cửa bước vào. Anh vẫn tập trung vào cái bàn phím mà không nói gì với nó. Nó đứng sau lưng thích thú nhìn ngắm những ngón tay anh thoăn thoắt trên bàn phím và những con chữ liên tục hiện ra trên màn hình. Nó tự hỏi, sao anh có thể nhớ hết tất cả các phím và sao anh có thể đánh nhanh được như vậy?! Và nó cũng MUỐN LÀM ĐƯỢC NHƯ ANH.

Sau đêm ấy, nó cứ ôm ấp mong muốn ấy trong đầu. Rồi một chiều nọ, nó đi trên con đường Trần Nhân Tôn để mua sách cũ thì thấy người ta cũng bán rất nhiều đồ cũ, bình nước cũ, bàn ghế cũ, bóng đèn cũ,… và có một cái bàn phím cũ.

Mắt nó tự nhiên sáng lên khi nhìn thấy cái bàn phím, giống hệt như cái bàn phím của anh thanh niên kia. Nó lân la lại hỏi:

  • Chú ơi, cái bàn phím ở đây, thế máy tính đâu?
  • Đây là bàn phím cũ, chỉ bán bàn phím, không bán máy tính.
  • Chú bán bao nhiêu?
  • Tám ngàn một cái.

Nó móc trong túi ra thấy còn đúng mười ngàn nên mua luôn. Mua xong nó mang cái bàn phím chạy ù về phòng.

Mấy thằng bạn cùng phòng thấy nó hớt ha hớt hải cầm một cái bàn phím cũ đi về thì hỏi:

  • Không có máy tính, mày mua cái bàn phím này về làm gì? Nó chỉ im lặng, leo lên giường rồi kéo màn lại thật kín đáo.

Kể từ đó, mỗi ngày nó đều lôi bàn phím ra nghiên cứu, nó đặt 10 ngón tay lên bàn phím, rồi phân chia các ngón tay cho từng cái phím. Ngón giữa của bàn tay phải chỉ đánh các phím: K, I và <. Ngón út bàn tay trái thì chỉ đánh A, Q, Z. Nó cũng phát hiện trên bàn phím có 2 cái nút ruồi, đó là điểm rất quan trọng định vị cho toàn bộ 10 ngón tay trên bàn phím.

Cứ như thế, ngày ngày cả phòng đều chịu đựng tiếng “lộc cộc” phát ra từ cái giường của nó. Thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ,… trong khi bạn bè đi chơi thì nó vẫn một mình lộc cộc với cái bàn phím cũ.

Cũng thời gian đó, nhiều đứa bảo: Thằng Thuận nó bị khùng, suốt ngày ôm cái bàn phím cũ, không có màn hình mà nó vẫn đánh máy đều đều. Ghê thật.

Ừa, đúng là lúc đó nó có muốn cũng chẳng có tiền mua nổi cái máy tính. Nhưng điều đó không làm nó bận tâm nhiều. Nó vẫn vui vì thấy mỗi ngày một tiến bộ. Nó có thể nhắm mắt và gõ bất cứ phím nào nó muốn trên bàn phím. Rồi nó chuyển sang vừa hát, vừa gõ phím và mắt vẫn nhắm. Nó còn nhớ rất rõ, lúc đó nó hay hát đi hát lại bài Tôi Đi Tìm

Tôi và Nỗi Nhớ Nơi Con Tim Mồ Côi của Ưng Hoàng Phúc. Nếu bạn thấy nó trong hoàn cảnh này chắc chắn bạn cũng nghĩ nó có vấn đề thôi.

Tiếng lộc cộc cứ thế kéo dài nhiều tháng liền. Rồi đến một ngày, tiếng lộc cộc cũng hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là tiếng rào rào, nó đã có thể đánh máy với tốc độ rất nhanh. Không phải trên cái bàn phím cũ mà bằng một cái máy tính đầy đủ màn hình và CPU của nhà trường, nơi nó học. Nó đã biểu diễn cho bạn bè và nhiều người xem.

Khi đã rất thành thạo, nó “truyền nghề” lại cho một người duy nhất, là bạn học chung lớp, và giờ là cô vợ của nó.

Cũng sau lần đó nó tự rút ra một bài học cho mình rằng:

  • Mỗi người đều có thể tự học bất cứ kỹ năng gì, miễn là mình phải thật sự mong muốn
  • Để có thể “rào rào” thì phải bắt đầu từ “lộc cộc”.
  • Khi bạn thấy một người có vấn đề, thì không phải họ có vấn đề, mà là có rất nhiều vấn đề!

 

MỘT BUỔI PHỎNG VẤN

Lúc mới ra trường, như bao sinh viên khác nó cũng bắt đầu đi phỏng vấn xin việc. Và trong một buổi phỏng vấn nọ, vừa vô, chị trưởng phòng nhân sự có vẻ hổ báo trường mẫu giáo hỏi ngay nó một câu rõ to:

– Điểm mạnh của em là gì?

Nó dựng thẳng lưng ghế, hai chân tư thế nghiêm, cất cao đầu đáp:

– Dạ, điểm mạnh của em là không có điểm yếu ạ.

Nghe trả lời, chị trưởng phòng (còn trẻ) có vẻ không nhịn được cười nhưng cố kềm chế để không cất thành tiếng. Chị hỏi tiếp:

  • Thế điểm yếu của em là gì?
  • Dạ, điểm yếu của em là có quá nhiều điểm mạnh

Đến lúc này thì bả cười sặc sụa một tràng dài rồi tự nhiên dừng lại, mặt chuyển sắc, chỉ một ngón tay thẳng vào mặt nó nói lớn: XẠO!

Và lần đó nó bị loại.

Tính nó là như vậy đó, luôn vui vẻ hài hước, nhưng đôi khi chính vì điều đó lại gây… tai nạn cho nó.

Nhưng với nó, có thế mất đi vị trí đó nhưng nó không để mất đi tính cách vốn có của mình.

 

THẦY TUNG TRÒ HỨNG

Thầy bước vào lớp…

Lớp trưởng:

  • Học sinh nghiêm! Học sinh:
  • Chúng em chào cô ạ!

Thầy:

  • Đồ quỷ sứ à!! Sao bít hay dzậy? =))))))))))))))))))

CAFE CHẾT MÁY

Có một thời gian, trên đường đoạn từ Đồng Nai về Vũng Tàu có rất nhiều quán “Cafe Chết Máy”. Hiện tượng như sau: Khi khách hàng tấp vào một quán nước ven đường nào đó, sau khi uống nước xong, ra lấy xe thì đề máy không nổ nữa, mặc dù trước đó xe hoàn toàn bình thường. Và mới chiều ngày Hai mươi tám tháng Tư năm 2013, tôi cũng là nạn nhân của mô hình cafe chết người này…

Chuyện xảy ra khoảng bốn giờ chiều, khi tôi đang cùng bà xã đi trên đoạn từ Đồng Nai về Tp. HCM, đến khu vực thuộc xã Long Phước thì trời chuyển mưa to. Thấy vậy tôi cho xe ghé vào một quán nước bên đường để uống nước và trú mưa. Gọi một trái dừa ra và nằm trên chiếc võng, tôi quay mặt vô còn vợ thì ngồi quay ra đường. Không lâu sau thì trời cũng bớt giông, tôi lên xe và đề máy nhưng đề mãi vẫn không nổ.

Tôi vẫn tiếp tục đề thử lại nhiều lần vì trước giờ xe tôi chưa bao giờ có hiện tượng lạ như vậy. Đang loay hoay có một thanh niên đứng gần đó bước lại hỏi:

  • Hết xăng à, đề không nổ à? Tôi:
  • Ờ…
  • Để xem nào.

Nói đến đây, anh thanh niên lạ mặt này tiến sát hơn tới chiếc xe của tôi và nắm hai tay vào tay cầm định đề giúp. Lúc này thì trực giác mách bảo tôi có chuyện không ổn. Những kinh nghiệm về ngôn ngữ cơ thể cho tôi biết kẻ lạ mặt này không phải người tốt. Tôi lập tức phản ứng:

– Thôi được rồi, không cần anh giúp đâu.

Vừa nói, tôi vừa hất tay hắn ra không cho chạm vào xe tôi, bạn cũng lưu ý,đây là quyết định hết sức quan trọng, bạn đừng bao giờ dại dột cho người lạ mặt nào cầm vào tay lái xe mình, có thể họ sẽ chạy mất trong vòng một giây.

Thấy thái độ hơi khó chịu của tôi, hắn diễn tiếp:

– Không cần giúp thì thôi, làm gì ghê vậy.

Bà xã tôi cũng hết sức bất ngờ trước phản ứng của tôi. Lúc này, tôi có dịp quan sát hắn kỹ hơn, cách ăn mặc của hắn đúng là rất giống một tên cướp, lại chạy một chiếc Exciter, và đi cùng một thanh niên khác đứng gần đấy như sẵn sàng hỗ trợ. Tôi quay sang hỏi bà xã:

– Nãy giờ em có thấy có người nào đi lại gần chiếc xe mình không?

Chắc do mất bình tĩnh, bã xã tôi chẳng nghĩ ra được gì cả. Nói xong, tôi quyết định dắt bộ. Ngay cạnh quán nước là một tiệm sửa xe, chỉ cần vài bước là tới. Nhưng tôi dắt đi luôn mà không ghé tiệm này. Bà xã tôi lại một phen bất ngờ:

  • Ơ, sao anh không dắt vô tiệm này sửa? Tôi giải thích:
  • Xe chết máy một cách bất thường, sau đó thì xuất hiện hai thanh niên lạ mặt, dấu hiệu rất khả nghi, lại nhiệt tình giúp đỡ người lạ sửa xe, rồi ngay cạnh quán lại có sẵn một cái tiệm sửa xe nữa chứ. Em nghĩ, đây có phải là một kịch bản không?

Thoạt nghe bà xã tôi chắc là chưa hiểu lắm nhưng cũng ậm ừ nghe theo. Thường những lúc thế này bà xã luôn tôn trọng những quyết định của tôi. Thế là tôi quyết định dắt xe đi tiếp, vừa đi tôi vừa suy nghĩ. Chợt tôi thấy chính hai người thanh niên kia chạy hai chiếc xe ngang qua mình. Tôi nghĩ chúng lại đón đầu và bày sẵn một kịch bản khác đây. Chưa biết giải quyết thế nào nhưng tôi cứ đi và nghĩ tiếp. Đi được một đoạn thì thấy trời bắt đầu chuyển mưa trở lại. Bà xã tôi mới ghé vô một tiệm tạp hóa ven đường để mua áo mưa. Còn tôi thì dừng xe lại và đi một vòng, rồi hai vòng quanh chiếc xe mình. Vừa đi tôi vừa quan sát thật kỹ chiếc xe xem có dấu hiệu gì lạ không. Đến vòng thứ ba thì mọi chuyện đã phơi bày các bạn ạ.

Nhìn kỹ vào phía sau chiếc Attila, tôi thấy có một góc nhỏ gần bình xăng, có vài sợi dây điện lòi ra. Cúi người xuống chút nữa, tôi thấy rất rõ, có hai cái chốt điện nhưng một trong hai cái bị rơi hẳn ra. Nhìn kỹ hơn thì đó chính là cục mobin sườn. Oh My God!!!

Đây chính là nguyên nhân, và hai tên kia chính là thủ phạm. Đến đây thì tôi cũng chẳng thèm gắn lại, đợi bà xã mua áo mưa ra tôi biểu diễn:

– Bà xã xem nè – tèng téng teng…

Vừa nói tôi vừa lấy tay cắm cái chốt còn lại vô cục mobin. Rồi tôi đề máy.

Brùm brùm brùm… Xe nổ máy ngon lành, chưa bao giờ tôi nghe tiếng máy xe tôi nó thân thương như vậy.

Bà xã tôi hết sức vui mừng rồi hí hửng kể lại một câu chuyện khác, một bí mật khác.

  • Lúc nãy, em vô mua áo mưa, sẵn tiện em hỏi chị chủ quán xem có tiệm sửa xe nào gần đây không. Chị chủ quán hỏi xe em hư thế nào? Em nói là bị sao mà đề không được nữ Chị ấy bảo có phải em mới ghé uống nước ở quán nước gần đây không? Em nói dạ đúng rồi. Vậy là em bị bọn lừa đảo phá xe rồi. Ở đây chúng hoạt động khá nhiều, nhất là ở các quán nước. Lúc trước cũng có vài quán bị công an bắt rồi nhưng chưa hết. Kịch bản của chúng là:

Làm hư xe khách, sau đó giả vờ giúp đỡ, rồi có thể lấy xe khách chạy mất, hoặc hên lắm thì chúng sẽ kêu dắt vô tiệm kế bên sửa (cũng là tiệm của hắn). Rồi chém đẹp mỗi xe vài trăm đến vài triệu chứ chẳng chơi.

Chúng giả vờ thay cái phụ tùng khác, mà đồ lô nữa chứ, rồi lấy đồ zin của khách để bán lại kiếm tiền tiếp.

Đến đây thì mọi chuyện đã sáng tỏ, hai vợ chồng lên xe về mà cứ suy nghĩ mãi về chuyện này, cũng thầm cảm ơn ông trời còn thương người hiền, và cũng cảm ơn cái trực giác của mình vẫn luôn làm việc chính xác. Và đến lúc này, bà xã tôi mới nhớ ra, lúc vào quán nước, bà xã có thấy một thanh niên lạ mặt chạy xe vô rồi dựng kế bên và che mất một phần tầm nhìn chiếc xe của tôi rồi giả vờ sửa xe của mình. Đây cũng là lúc chúng hành sự.

Cũng trên đường về, tôi tự hứa sẽ kể lại câu chuyện này, nhằm giúp cho những ai không may trở thành nạn nhân của chúng biết đường mà tránh. Cũng hy vọng cơ quan công an sớm dẹp sạch các quán CAFE CHẾT MÁY kiểu này!

CHÁN VIỆC

Sáng nay, có một người bạn than với tôi rằng:

  • Tao chán việ Tôi hỏi:
  • Why?
  • Công việc cứ lặp đi lặp lại, dù rằng lãnh lương đủ, dù là vị trí cao.

Thế đấy, cũng vì yêu Kinh tế mà anh lại đi cưới Bách khoa nên tình duyên ngang trái. Dù ở vị trí kỹ sư nhưng anh vẫn làm việc chỉ để làm việc. Đây cũng không phải trường hợp hiếm. Tôi còn biết một số giảng viên đại học có thâm niên nhưng muốn rời khỏi ngành cũng vì chán phải đối diện với công việc mình chẳng có hứng thú.

Sai lầm lớn nhất của đời người là phấn đấu từng ngày để leo lên từng nấc thang sự nghiệp, nhưng khi gần đến đỉnh rồi mới phát hiện rằng cái thang ấy đặt nhầm chỗ.

Thà thất bại trong việc mình đam mê còn hơn là thành công với công việc mình chán chê.

 

CÔ BÉ BÁN SÁCH

Khoảng chín giờ tối nay, khi đang lái xe trên đường Lý Thường Kiệt, đoạn gần ngã ba Thành Thái, tôi có thấy một cô gái trẻ chắc bằng tuổi học trò mình. Cô ấy đang ngồi bán sách bên đường. Vậy là tôi tấp vô lề, nhưng không phải vì cô gái, mà vì sách.

Vừa thấy tôi, cô ấy đã mắt chữ O, miệng chữ A kiểu như mừng một người thân xa xứ từ lâu mới gặp lại. Vừa lựa sách, tôi tranh thủ hỏi chuyện mới biết được cô vất vả như thế nào. Bán cả đêm chỉ được vài bạc lẻ mà bị công an đuổi không biết bao nhiêu lần. Tết này cô bé cũng không có tiền về quê nên phải bán sách luôn cả những ngày tết. Mà nghe đâu quê cô bé ở xa lắm, tận Bắc Giang nơi heo hút núi. Tôi nghĩ, nếu tôi có quyền quyết định thì “nghị định” của tôi sẽ là: Chống tình trạng buôn bán ở lề đường, nhưng trừ sách. Vì sách là sản phẩm có giá trị giáo dục rất lớn và có ích cho xã hội nên cần… xã hội hóa nó… ưu tiên cho nó. Và nếu được thế cô bé sẽ đỡ vất vả hơn.

Trong đầu đang bay lượn với bao ýnghĩ thì có một ông mặc áo dân phòng ở đâu chạy tới la to: Công an kìa… Trời ơi, đúng là luật hấp dẫn, mới nói tới công an thì công an xuất hiện.

Cô bé mặt cắt không còn hột máu ba chân bốn cẳng… chạy. Tôi cũng thất thần, vì chưa bị công an dí bao giờ nhưng lấy hết lòng can đảm của một ông thầy để quan sát thì không thấy động tĩnh gì nên quay qua bảo cô bé: Em đợi anh lấy xe lượn một vòng dò la xem thế nào.

Nói là làm, tôi lấy xe đi qua đi lại vài vòng nhưng không thấy ông công an nào hết trơn á. Haizz, thì ra cái ông kia rảnh rỗi sinh nông nổi, đi lừa người ta mà. Tôi lầm rầm trong miệng.

Thế là câu chuyện tiếp tục, tôi lại lựa sách và trò chuyện với cô bé.

Chưa nói được ba câu, lại một ông mặc dân phòng chạy tới bảo: Công an kìa! Lần này thì tôi đứng lên một cách mạnh mẽ, bụng bảo dạ… được ăn cả ngã về hưu với cha này.

Nhưng chưa kịp ra chiêu nào thì tiếng còi cảnh sát kêu lên inh ỏi, trước mắt cách chỗ tôi đứng là một chiếc xe 133 với đèn xanh đèn đỏ chớp nháy sáng cả một góc đường. Trời ơi, lần này là công an thật rồi, sao tôi ghét cái số 113 thế không biết. Tôi và cô bé cùng gom đồ để chuẩn bị dọt cho lẹ. Tôi cũng kịp cầm cuốn sách đang đọc dở trên tay bỏ vào cốp xe và nhét vội tờ một trăm ngàn vào tay cô bé. Nhưng đến lúc như vậy mà cô bé lại nhất định không lấy. Cô nhìn vào mắt tôi nói rất kiên quyết: Anh cứ cầm sách về đi, đi nhanh để người ta bắt xe anh luôn đó.

Giờ đây, cầm cuốn sách này trên tay, tôi tự hứa rằng sẽ giữ thật kỹ.

Vì nó cho tôi một bài học, không phải từ nội dung cuốn sách, mà từ câu chuyện: “Tôi đã có cuốn sách đó như thế nào”. Cảm ơn cô bé!!!

 

KHI TRÒ HẠI NÃO

Trong giờ học Kỹ năng sống:

Thầy giáo: Hôm nay chúng ta học về tục ngữ . Em nào có thể kể cho thầy một số câu tục ngữ có từ “nhớ” ok ??

Học sinh: Uống nước nhớ tè…

Thầy: ???

Học sinh: Ăn quả nhớ nhả hột ra…

Thầy: What…!!!!

Trò: Uống nước nhớ người trông cây?

Thầy: Chắc tui chết quá… sao lại nhớ kẻ trông cây hả? Hả?

Trò: Tại em uống nước dừa mà thầy.

Đến đây thì thầy hết chịu nổi chân giậm thình thịch: Chòi oi… Sao tui khổ quá dầy nè chòi, học trò tui học ở đâu ra mấy cái câu hại não vậy ko biết nữa…

Lớp nghỉ….

BẠN TÔI

Thằng Phát là bạn tôi. Bảo là bạn tôi vì nó học chung với tôi từ thời bé xíu. Mà không phải học chung, nó còn đá banh chung, đi chơi chung, nó cũng ở chung cái xóm và khổ hơn nữa là nó với tôi đã từng thích chung một cô bạn chung lớp.

Ngoài những cái chung đó, tôi và thằng Phát có một ranh giới lớn. Nhà nó giàu nhất xã, nhà tôi nghèo nhất làng. Nhà nó là một biệt thự, có nhiều xe tải, xe hơi, xe du lịch,… Nó chính là thằng quý tử của người Cha Giàu, tôi là đứa con khốn khổ của người Cha Nghèo.

Từ những năm lớp sáu, thằng Phát được bố mua cho nó một chiếc xe Chaly, màu trắng để đi học. Nhà nó cách trường hai kilomet, nhà tôi cách trường ba kilomet. Tất nhiên tôi đi học bằng xe đạp, tài sản của tôi. Và mỗi lần đi học thì tôi lại chay ngang nhà nó. Tôi còn nhớ, gần như ngày nào cũng vậy, đang đạp xe giữa cái oi nóng ban trưa để đến trường thì lại nghe tiếng bạch… bạch… bạch… Đó là lúc thằng Phát chạy xe từ sau đến. Thế là nó kê chân vào xe đạp của tôi mà đẩy. Mới đầu nó đẩy chầm chậm, sau chắc vì đẩy tôi riết rồi kinh nghiệm hơn, nó đẩy tôi đi với tốc độ chóng mặt. Cảm giác thích lắm, sao tôi vẫn buồn!

Đến những năm học cấp ba, chúng tôi lại học chung một lớp, chung một ngôi trường cách nhà mười lăm kilomet. Và tất nhiên, tôi vẫn… đi xe đạp. Chín năm trôi qua, tôi vẫn nghe tiếng bạch… bạch ấy và thằng Phát vẫn đẩy tôi mỗi khi gặp trên đường.

Nếu là tôi, chắc các bạn cũng không vui được đâu, mà mặc cảm cho cái thân phận mình nhiều hơn. Nhiều lần khi nghe tiếng bạch bạch phía sau lưng tôi nói với nó:

  • Mầy cứ đi trước đi, tao thích đạp từ từ ngắm cảnh! Nó chẳng trả lời gì, cứ kê chân vào xe tôi rồi lại đẩ

Phải, những người bạn tốt là những người có thể đẩy ta đi nhanh hơn.

Tuổi thơ của tôi và thằng Phát là như vậy. Tôi vui ít buồn nhiều, thứ duy nhất tôi lấy làm an ủi là tôi học giỏi hơn nó. Bằng chứng là tôi vào đại học không quá khó khăn còn nó phải trầy trật mãi rồi cũng bỏ cuộc. Nhưng niềm vui nhỏ nhoi này cũng chẳng được bao năm cho đến khi tôi nhận ra một chân lý: Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, mà tự hỏi sao giỏi mà vẫn nghèo.

Cách đây vài hôm, tôi lại nhận được điện thoại của nó. Nó bảo:

  • Mầy làm giúp tao cái địa chỉ email đi, cái hôm trước mầy làm bị sao vô không được nữ

Trời đất, nó nói tôi mới nhớ, tôi đã từng tạo cho nó một cái tài khoản email yahoo cách đây gần mười năm, vậy mà nó vẫn cứ dùng cái địa chỉ đó. Rồi đến khi không dùng được nữa, nó lại nhờ tôi. Tôi thoáng nghĩ thằng này lạ thật, mười năm qua rồi mà tạo một tài khoản email nó không làm được. Thằng Phát đúng là thiếu nhiều kỹ năng, nhưng nó có cả một gia tài đấy các bạn ạ.

Vậy là vừa nhận điện thoại nó, một phút sau tôi gọi điện lại bảo:

  • Tao đã làm xong email cho mầy rồi, tên địa chỉ mail là tên mầy, password là tên tao. Hiểu chưa?!

(Chắc tôi muốn nó nhớ tên mình)

Sáng nay, nhìn tấm ảnh này tôi chợt nhớ về thằng Phát và nhớ cả tiếng bạch bạch ngày nào. Giờ hai đứa hai con đường, nhưng những khoảng cách ngày nào không còn nữa. Mỗi lần có dịp về thăm quê, người đầu tiên tôi gọi chắc chắn là nó.

Các bạn thân mến, tình bạn là món quà rất ýnghĩa mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người chúng ta.

Dù nghèo, dù giàu ai cũng có bạn, hãy trân giữ món quà này các bạn nhé.

 

CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY

Hôm nay nghe nói giá xăng lại giảm xuống còn có mười mấy ngàn một lít. Vậy là Bầu Thuận sung sướng lái xe lượn mấy vòng Sài Gòn thưởng thức cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Phải nói xăng giảm giá nên chạy xe cảm giác nó nhẹ thấy ghê luôn.

Tấp vô một quán cóc ven đường cạnh nhà thờ Đức Bà thưởng thức ly cafe nóng hổi. Ngồi nhìn người người vẫn hối hả ngoài kia thấy mình vẫn còn may mắn quá.

Đang phiêu thì một cậu bé xách đồ nghề đánh giày đến trước mặt:

  • Chú có đánh giày không? Giày chú dơ rồi kìa.
  • Ok luôn.

Nói xong cậu bé đưa Bầu Thuận một đôi dép mang tạm rồi lấy đôi giày Thuận đang mang ra đánh.

Nhìn mặt cậu bé thì cũng khoảng cái tuổi hôm qua em tới trường mẹ dắt tay từng bước… Ấy vậy cậu phải làm lụng kiếm từng đồng nuôi cái bao tử của mình. Uống một ngụm cafe mà nghĩ về những mảnh đời sao đắng quá…

Định quay qua hỏi chuyện cậu vài câu nhưng ôi than ôi. Cậu bé ấy đã… biến mất cùng đôi giày LV dưới 3 tỷ… Ráng ngồi thêm nửa tiếng nữa với hy vọng… chắc ai đó sẽ về. Nhưng em đi xa quá, em đi xa anh quá… Vậy là Bầu Thuận đành mang đôi dép lào thất thểu đi về cùng một bài học vì quá thương người.

Đúng là Sài Gòn, cái gì cũng có thể mất!

 

CHUYỆN ÔNG TÂY

Chiều nay Bầu Thuận ngồi tiếp khách ở Park Royal, thấy một cô gái trẻ và ông Tây nói chuyện với nhau ở bàn bên cạnh. Hình như cô gái đang dạy kèm ông Tây cái gì đó. Ráng hết sức lắng tai nghe:

Cô gái: Are you ready?

Ông Tây: Yeah.

Cô gái: Hôm nay chúng ta sẽ học cách sử dụng trợ tính từ trong tiếng Việt. Ví dụ để nói một cái gì đó rất là xanh thì người Việt sẽ gọi là xanh lè. Thêm “lè” phía sau tính từ xanh để diễn tả ýrất là xanh.

Ông Tây: Ok, xanh lè. Very đỏ thì gọi là đỏ lè? Right?

Cô gái: No no… Với đỏ thì người ta lại gọi là đỏ choét… Tương tự, trắng thì phải là trắng nhách chứ không phải là trắng lè hay trắng choét… Đen thì đen thui, chứ ko phải đen nhách hay đen lè…

Ông Tây: What??? Rất là nhỏ thì nói sao?

Cô gái: Rất nhỏ thì gọi là nhỏ xíu. Còn rất to thì không gọi là to xíu mà phải là to đùng.

(Nói đến đây thì thấy mặt ông Tây đơ ra nhưng cũng cố gắng lắng nghe cô gái)

Cô gái: Tính từ của tiếng Việt còn phong phú lắm và đôi khi vay mượn từ tiếng Hán nữa. Con ngựa trắng thì gọi là bạch mã, nhưng con chó trắng thì không gọi là bạch chó.

Ông Tây: Thế gọi bằng gì?

Cô gái: Thì cứ gọi là chó trắng. Nhưng con chó đen thì gọi là chó mực. Con mèo đen thì không gọi là mèo mực mà phải gọi là mèu mun….

Cô gái vẫn tiếp tục bài giảng. Năm phút sau thì tự nhiên tôi thấy không khí yên lặng quá. Quay sang thì chỉ còn mỗi cô gái, ông Tây lúc nãy đã chạy mất không còn dấu hiệu của dép, dân gian thường gọi: Chạy Mất Dép…

Phải nói Tiếng Việt là một thứ ngôn ngữ phức tạp nhất thế giới và những ai nói thông thạo Tiếng Việt kể cũng giỏi rồi.

 

XÓM MA ÁM

Cách đây đã hơn hai mươi năm, tại quê tôi, một làng quê heo hút thuộc xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ mà đến giờ chưa ai giải thích được. Người dân ở đây lần lượt gặp phải hiện tượng gọi là… ma nhập.

Hết xóm trên rồi lại xóm dưới. Biểu hiện đầu tiên của nạn nhân là cười như ngây như dại. Đặc biệt mỗi khi bị ma nhập thì họ có sức mạnh phi thường. Tôi từng chứng kiên một người phụ nữ cách nhà tôi hai căn, khi bị nhập thì năm bảy thanh niên trong xóm vẫn không thể khống chế được. Tất cả gần như phải tránh xa người phụ nữ ấy mặc cho bà làm gì thì làm. Bà cứ thế gào thét và quậy phá khắp nơi trong xóm. Có đoạn, bà leo hẳn lên một cái sào phơi đồ làm bằng một thanh tre. Vậy mà bà vẫn nằm gọn gàng trên đó mà bất cứ người bình thường nào cũng không thể làm được.

Cả xóm xem như bó tay với hiện tượng kỳ quái này, người thì niệm phật, người cầu xin mỗi khi gia đình họ có người gặp nạn. Đến một hôm, khi một người đàn ông cũng là bạn thân của cha tôi trở thành nạn nhân của hiện tượng ma quỷ quậy phá này. Cha tôi vì thương xót cho người bạn nên tìm đủ mọi cách để cứu ông ấy. Cuối cùng, ông lên bàn thờ (nhà tôi theo đạo Thiên Chúa) và đọc lầm thầm câu gì đó, rồi ông cầm lọ nước thánh mà ông được nhà thờ ban cho. Ông vẩy liên tục nước thánh ấy vào người đàn ông đang gào rú vì ma nhập kia. Và quả thật không lâu sau, người đàn ông đó tỉnh dậy.

Sau lần đó, cha tôi như hiểu ra điều gì, mỗi khi xóm có chuyện ông lại cầm lọ nước ấy để giúp đỡ.

Rồi một ngày kia, người ta phát hiện có một cây mít, cây khá nhỏ nhưng trái ra dày như sung. Cành lá vô cùng tươi tốt, và bí mật về những hồn ma cũng từ cây mít này…

Cả xóm đều biết về cây mít và bắt đầu có nhiều lời đồn về nó. Có người bảo, một cái cây nhất là cây mít nếu tự dưng cành lá um tùm, thân chi chít quả nhất định là có vấn đề, mà thường là do một vong hồn nào đó đang trú ngụ nơi đây…

Rồi một đêm nọ, hình như gần ngày rằm vì tôi còn nhớ rất rõ là trời đêm ấy ánh trăng hắt xuống rất sáng. Tôi và lũ bạn chơi năm mười, gần cái gốc cây bị đồn đại đó. Bỗng dưng một đứa trong nhóm mất tích. Tất cả mọi người có cả người lớn và trẻ con kéo nhau đi tìm. Nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả. Cả nhà ôm nhau khóc. Đến gần sáng thì người ta mới nghe tiếng trẻ con khóc vang vọng từ phía cây mít kia…

Mọi người chạy ra thì đúng là cậu nhóc bị mất tích. Nó ngồi sát gốc cây trong tư thế như bị trói, mặt dù không có một sợi dây nào. Lạ là cả đêm qua mọi người đã tìm hết xung quanh đó, mà lại không thấy.

Miệng nó thì đầy phân sùng (cái này chắc ai dưới quê sẽ biết). Tay chân lấm lem. Người nó ngây ngây dại dại. Ba mẹ đưa nó về nhà rồi một rồi một hôm, bình tĩnh nhớ lại, nó bắt đầu kể câu chuyện cho bố mẹ nghe. Nó kể… Khi đang chơi bỗng nó thấy một cái bóng người rất to, chiều cao cũng gần bằng hai người lớn cộng lại, tiến từ phía tán cây mít kia, tiến lại gần nó từ không trung, rồi nó lịm đi không biết gì hết…

Không lâu sau, cả xóm bắt đầu họp tất cả những người từng bị hiện tượng… ma nhập lại và hỏi. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ai cũng từng thấy một bóng người cao to, tiến lại và họ ngất đi…

Đặc biệt hơn, có nhiều người từng thấy cái bóng đen đó xuất hiện ngay cây mít đó. Và những người có tuổi nhất trong làng đưa ra kết luận. Chắc chắn cây mít này bị ma ám rồi… Thế là cả xóm đi đốn cây mít… nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó.

Kể từ khi cây mít bị đốn đi, cứ mỗi đêm khoảng sau mười hai giờ thì ai cũng nghe khá rõ tiếng khóc, là tiếng khóc của người phụ nữ. Cha tôi bảo: Thường thì hồn ma khi không siêu thoát sẽ sống bám vào những nơi như cây cối, hay am miếu nào đó. Họ rất vất vả, nếu không giúp họ siêu thoát cũng là một tội ác với họ. Việc chặt cây mít chỉ một cách tạm thời, giống như đốt nhà người ta thì người ta phải ra đường ngủ thôi…

Lúc này thì lại có một tin đồn khác, một câu chuyện khiến manh mối dần lộ rõ hơn. Đó là câu chuyện về Loan. Là một cô gái trong xóm. Vì yêu một người tên Hội nhưng gia đình cấm cản nên cô đã tự vẫn bằng cách treo cổ ngay trong nhà mình…Và tin đồn khiến người mẹ của Loan (bà tên là Tám Hồng) thấy lo lắng. Và bà đã thừa nhận chính bà ngăn cản cuộc tình đó khiến con bà phải tìm đến cái chết. Một điều nữa, mỗi đêm bà nghe rõ tiếng khóc đó chính là giọng của con gái mình…

Sau khi điều tra rõ mọi chuyện, ông trưởng ấp (cũng từng bị nhập) quyết định rước thầy về tổ chức lễ cúng cầu siêu thoát cho vong hồn của Loan. Tôi còn nhớ rất rõ, trong buổi cúng tế này, có cả mẹ Loan (bà tám Hồng), Hội (người yêu Loan), cha tôi và rất nhiều người dân ở xã Minh Thạnh. Và kể từ đó cuộc sống người dân nơi đây đã trở lại những ngày tháng yên bình. Riêng tôi, cậu nhóc chưa tròn mười tuổi phải chứng kiến câu chuyện này làm tôi ám ảnh mãi. Và tôi bắt đầu tin, tin vào sự tồn tại và hiện diện của cõi âm… Và sau này, tôi lại từng một lần bị ma dấu, xin phép kể cho mọi người nghe vào một dịp khác!

 

-HẾT-


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.