Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 17 – THÓI QUEN VÀ THÁI ĐỘ THÓI QUEN ĐẾN TỪ ĐÂU?



Đầu tiên, thói quen do chính bạn tạo ra, một cách vô tình hoặc có ý thức. Thực ra, khi chọn một thói quen là bạn nhắm vào kết quả cuối cùng mà nó có thể mang lại. Thói quen tốt thường khó tập nhưng một khi đã thành thì bạn rất dễ sống theo, còn thói quen xấu thì dễ nhiễm, nó đi vào con người bạn một cách rất nhẹ nhàng, dễ chịu, nhưng rất khó bỏ! Thử lấy ví dụ là việc hút thuốc lá, một thói quen mà nhà tâm lý học Murray Banks cho rằng đó là dấu hiệu rất rõ ràng của một hình ảnh tự thân yếu kém. Nếu bạn là người hút thuốc lá, hẳn bạn còn nhớ cái cảm giác dễ chịu, cảm giác “ta là người sành điệu” trước mặt bạn bè như thế nào? Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn bào chữa cho thói quen hút thuốc lá của bạn như thế nào không? Có phải hơn một lần bạn nói rằng một điếu thuốc có thể giúp bạn “tỉnh táo, minh mẫn” hơn?

Và bạn có dễ dàng từ bỏ thói quen này hay không? Nhiều người nghiện hút trả lời hùng hồn rằng: “Rất dễ, bằng chứng là tôi đã từng cai thuốc… hơn mười lần rồi!”.

Sau đó, bạn bị thói quen chi phối ngược lại. Có thể thói quen trở thành một ông chủ tốt của bạn, nhưng cũng có thể bạn sẽ trở thành một tên đầy tớ khốn khổ của nó. Bạn sẽ cảm thấy thật thiếu thốn nếu một buổi sáng nào đó bạn không thể tập bài thể dục hay vô cùng khổ sở nếu không được hút thuốc lá hoặc hít heroin như thường lệ. Tôi từng nhìn thấy một trang hảo hán cao to và nặng gần 100 ki-lô-gam run lẩy bẩy vì thiếu “đối trọng” chỉ nặng bằng 3/100.000 trọng lượng của anh ta.

Những thói quen xấu như hút thuốc lá và tiêm chích ma túy đều có thể tiên đoán và phòng tránh. Tuy nhiên, đều mỉa mai là hàng triệu người vẫn cứ vướng vào và không thể rút ra được. Họ nhận ra rằng một chuỗi các hành động đơn lẻ đến với họ một cách rất “êm ái” và không đáng bận tâm nhưng rồi chúng trở thành một thói quen “cứng đầu” đến mức khó có thể “sửa đổi”. Vì thế, bạn hãy hết sức cân nhắc trước khi biến quyết định “ăn thêm một miếng” thành một thói quen hàng ngày của bạn. Thói quen này có thể “giúp” bạn tăng thêm 30 gam mỗi ngày và khoảng 11.000 gam mỗi năm đấy!

GẦN MỰC THÌ ĐEN

Nếu bạn cho rằng mình đủ bản lĩnh và khôn ngoan để không bị nhiễm thói quen xấu thì xin mời bạn đọc lại những câu chuyện sau:

Solomon, vị vua khôn ngoan và anh minh nhất của dân Do Thái, sau khi cưới các bà vợ người Philistine[25] chuyên thờ thần vật đã trở nên mê muội và không còn đủ sáng suốt để lo việc triều chính nữa. Samson, chàng dũng sĩ có sức mạnh vô địch thời cổ đại cũng phải gục ngã trước sức ép liên tục của mỹ nhân Delilah, đến nỗi đã tiết lộ bí mật về nguồn gốc sức mạnh của mình để rồi phải lâm vào cảnh mù lòa và nô lệ. Nhìn từ một góc độ khác, thói quen của chúng ta cũng hình thành từ môi trường xung quanh. Điều này rất dễ nhận ra qua “âm giọng” của một người, đặc biệt ở trẻ nhỏ, khi họ chuyển nhà từ Bắc xuống Nam hay ngược lại chỉ sau vài tháng. Cư dân sống gần một nhà máy phân bón sẽ trở nên quen với mùi hăng hắc do nó phát tán ra và họ hoàn toàn “không nghe mùi gì cả” cho tới khi có người lưu ý họ về cái mùi khó chịu đó. Thời niên thiếu, tôi sống với gia đình gần một đường ray xe lửa nhộn nhịp suốt ngày đêm nhưng cảm thấy rất bình thường với tiếng ồn, tiếng bánh sắt nghiến ken két trên thanh ray đến mức chỉ khi nào có chiếc nào đó đột ngột dừng lại, chúng tôi mới bị “đánh thức” bởi sự yên tĩnh! Đó là sự tự điều chỉnh của từng cá thể trước cộng đồng và môi trường xung quanh.

Những ví dụ trên cho thấy khi bạn ở gần các nguồn cám dỗ, ở gần những người có nhiều tính xấu như chửi thề, tham lam, nghiện ngập… hay khi bạn ở trong một môi trường bị hủy hoại (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), ban đầu bạn sẽ phản đối, nhưng sau đó bạn sẽ đi đến thỏa hiệp và chịu đựng trước khi trở thành kẻ đồng tình và thậm chí còn lấy làm vui mỗi khi thực hiện những hành vi tương tự những kẻ mà trước đó bạn rất ghét.

Điều rút ra là bạn hãy luôn rèn luyện cho mình những thói quen và hãy xa lánh ngay lập tức, ngay từ đầu, những nguồn, những người có thể “giúp” bạn “thụ đắc” một hoặc nhiều thói quen “hấp dẫn, êm ái dễ chịu, nhưng không lành mạnh” nào đó!

Tuy nhiên, xin bạn đừng nêu gương cho con cái như người đàn ông trong câu chuyện dưới đây:

Nhiều năm về trước, trong một lần lái xe đưa mẹ tôi đi từ Columbia đến Charleston, South Carolina, tôi hỏi thăm bà về một người bạn học thời niên thiếu khi chúng tôi sống ở Yazoo City, Mississippi, bà bỗng hạ giọng: “Này, mẹ không biết tại sao bây giờ thằng ấy lại trở thành một kẻ nghiện rượu tệ hại nhất trên đời như vậy!”. Tôi hỏi nửa đùa nửa thật rằng “tay ấy” tệ đến mức nào. Bà bảo rằng anh chàng có thể nốc một mình nguyên cả một chai rượu trong một góc yên tĩnh nào đó ở nhà anh ta, và tuyệt nhiên không phiền tới ai cả! Và điều ngạc nhiên khác nữa là anh ta không bao giờ bị say xỉn, bê trễ trách nhiệm đối với gia đình hay làm ảnh hưởng đến công việc nơi sở làm, anh ta vẫn được tôn trọng trong cộng đồng và gần đây còn được bầu giữ một vị trí trong chính quyền nữa! Tôi nghệch ra trước lời giải thích của mẹ tôi và hỏi: “Vậy anh ta có tệ hại chỗ nào đâu mẹ?”. Mẹ tôi tiếp tục giải thích rằng chính vì anh ta uống một cách gương mẫu như thế nên con cái anh ta đã xem việc uống rượu đồng nghĩa với hình ảnh của một ông bố tử tế, biết điều và tận tụy với gia đình. Cuối cùng, đối với bọn trẻ, rượu không phải là thứ cần phải tránh xa trong cuộc đời chúng, và đó chính là điều tệ hại nhất.

Về rượu, tôi xin lưu ý với các bạn rằng thứ chất lỏng sóng sánh quyến rũ này đã tạo ra một tập hợp 16 triệu “tín đồ” trung thành của nó tại Mỹ, trong đó có 3 triệu người trong độ tuổi thiếu niên. Đó là thống kê chính thức, nhưng nhiều vị quan chức nói với tôi rằng con số thực tế có khi phải lên tới 25 triệu người! Và đây là vấn nạn số một của Mỹ hiện nay. Tại New York, có 12% học sinh phổ thông gặp rắc rối với rượu; trên toàn nước Mỹ, có 60% học sinh trung học uống rượu bia ít nhất một lần trong tháng. Nghiên cứu trên chỉ ra rằng cha mẹ cần quan tâm ngăn chặn sự tiêm nhiễm các thói quen xấu, nhất là rượu bia, thuốc lá và ma túy đối với con cái ngay từ khi chúng còn ngồi trên ghế trường phổ thông.

HÃY CẨN THẬN TRƯỚC NHỮNG CON BỌ NHỎ BÉ

Trên sườn núi phía tây dãy Rocky Mountains có một cây tùng khổng lồ 2.000 năm tuổi đổ xuống và đang mục dần. Vào đầu công nguyên, nó chỉ là một cái cây bé xíu. Khi Columbus tìm ra châu Mỹ (1492) thì nó đã là một cây đại thụ cao lớn và khi nước Mỹ đang đắm chìm trong khói lửa của cuộc Nội chiến (1861 – 1865) thì cành lá của nó đã vươn đến tận trời xanh. Nó từng hứng chịu không biết bao nhiêu thảm họa từ những trận cuồng phong, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, nhưng vẫn hiên ngang đứng vững. Nhưng mới cách đây vài năm, một con bọ cánh cứng bé xíu đã tới “nương nhờ” trên lớp vỏ sần sùi của nó. Con bọ đã khoét vỏ cây làm ổ đẻ trứng và từ đó nhiều thế hệ bọ ra đời và “dân số” chúng tăng nhanh từ một lên đến hàng triệu con chỉ trong vài năm. Mỗi ngày chúng tấn công lớp vỏ cây một ít, cho tới khi chúng “xử lý” xong cả phần lõi và cây tùng đổ sập xuống.

Từng thói quen xấu cũng xâm nhập vào chúng ta như con bọ ấy, chúng sinh sôi nảy nở và gặm nhấm ta mỗi ngày cho đến khi ta gục ngã như cây tùng một thời hiên ngang ấy. Chương này tôi nói hơi nhiều về các thói quen xấu, mong bạn đừng vội nản lòng vì tôi sẽ nói tiếp về cách phòng chống và “tẩy rửa” các thói quen xấu ngay trong chương tiếp theo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.