Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 8 – TỐT HAY XẤU NẰM Ở CÁCH NHÌN NHẬN CỦA BẠN



Tôi xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện. Khi chúng tôi có ba cô con gái, gia đình tôi bắt đầu gặp rắc rối. Nhiều người thân và bạn bè nói rằng trong một gia đình đông con thì những đứa giữa luôn là những đứa có phần “cá biệt” nhất vì chúng không có được sự độc lập như đứa lớn nhất và cũng không được cưng chiều như đứa bé nhất. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng trẻ con rất thích hợp tác nếu được tạo điều kiện chứ không như nhiều người nghĩ. Nếu cha mẹ nghĩ rằng đứa con giữa khác với những đứa khác, họ sẽ đối xử với chúng một cách khác biệt. Kết quả là, đứa bé ấy sẽ “hợp tác” với cha mẹ để trở nên “khác biệt” theo đúng ý muốn của họ. Rắc rối của gia đình tôi bắt đầu khi chúng tôi mang Julie từ phòng sinh về nhà. Bà con họ hàng đến viếng thăm và khen cháu nào là bụ bẫm, nào là đẹp như thiên thần, rồi dụi cằm vào ngực cháu, bồng bế cười đùa với cháu. Rồi họ quay sang Suzan, cháu lớn nhất, và trầm trồ khen ngợi rằng cháu lớn nhanh như thổi và rằng cháu có thể phụ giúp mẹ trông em và làm nhiều thứ khác. Còn Cindy, cháu giữa, tuyệt nhiên không nhận được một lời khen ngợi hay chia sẻ nào. Thời gian đầu sau khi có cháu thứ ba, chúng tôi đối xử với Cindy như cách nghĩ thông thường và đầy định kiến của nhiều người về những đứa con giữa. Chúng tôi xem những tiếng càu nhàu, rên rỉ, hành động nằm vạ mỗi khi bị trái ý của nó là biểu hiện của một tính cách “khác biệt” cần được uốn nắn liên tục. Chúng tôi cố gắng dạy bảo con bé nhưng hầu như không có tác dụng gì mấy. Sau đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu tâm lý trẻ con cùng cách thức dạy dỗ chúng và nhận ra rằng “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”. Bạn không thể có một đứa trẻ ngoan nếu cứ thường xuyên nhồi nhét vào đầu cháu những lời trách móc, than phiền, những ngôn từ tiêu cực cùng những suy nghĩ đầy thành kiến.

Thế là chúng tôi thay đổi cách đối xử với cháu. Mỗi khi nhà có khách, chúng tôi luôn cố gắng giới thiệu Cindy một cách đặc biệt: “Đây là Cindy của chúng tôi, cháu ngoan ngoãn và cười đùa luôn miệng nên ai cũng yêu quý cả! Đúng không Cindy?”. Cháu tự hào đáp “Vâng ạ!”. Rồi chúng tôi nói: “Con nói tên con cho các bác, các cô nghe đi nào!”. Con bé liền nhe hàm răng sún đáp: “Con tên là Tadpole” (Ôi, cái tên mới đáng yêu làm sao!).

Chúng tôi sử dụng cách này và sau một tháng đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Một hôm có khách đến chơi nhà và tôi gọi Cindy ra giới thiệu: “Cô con gái mà ai cũng yêu quý của chúng tôi đây này. Bé cưng, tên con là gì nào, nói cho bác nghe đi”. Cindy nắm lấy gấu áo tôi và nói: “Bố ơi, con đổi tên rồi!”. Một thoáng ngạc nhiên, tôi hỏi: “Thế bây giờ tên con là gì nào?”. Nó toét miệng cười rạng rỡ: “Tên con là Tadpole Hạnh phúc”.

Họ hàng và bạn bè chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy Cindy bỗng trở nên ngoan ngoãn nhanh như thế. Vâng, Cindy chỉ thay đổi khi chúng tôi thay đổi cách nhìn nhận cháu và cách đối xử với cháu. Khi chúng tôi nhìn cháu với ánh mắt mới, xem cháu như một đứa bé ngoan, dễ bảo, luôn vui vẻ hạnh phúc, cháu cũng nghĩ mình như vậy. Đó là lý do chúng tôi gọi yêu cháu là “Ngọt Ngào” (Sweetning) cho tới hôm nay.

Chúng ta có khuynh hướng đối xử với người khác theo cách nhìn của mình. Vì thế, có “cái nhìn đúng” về một con người là điều tối quan trọng mà bạn cần phải học.

BA BÚP BÊ XINH

Lần nọ, một người bạn dẫn theo ba đứa con gái nhỏ của anh đến chơi nhà tôi hồi chúng tôi sống ở Stone Mountain, Georgia. Cả ba cháu đều ăn mặc rất đẹp và xinh như búp bê. Anh giới thiệu chúng với tôi: “Đây là đứa biếng ăn, kia là đứa không biết nghĩ đến mẹ còn cô này chỉ thích la hét suốt ngày”. Dĩ nhiên, bạn tôi rất thương con, nhìn vẻ mặt và ánh mắt anh khi chơi đùa với chúng thì biết. Chỉ tiếc rằng anh đã đem đến cho chúng cơ hội để sống… tệ hơn! Anh đang áp đặt những răn dạy tiêu cực lên từng đứa con của mình và chúng trở nên cư xử đúng như vậy mà anh không bao giờ biết tại sao!

Linda Isaac bị gia đình, bạn bè, thầy cô giáo cho rằng em là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ và họ đã đối xử với cô theo lối suy nghĩ như thế. Kết quả là sau 12 năm học “đương nhiên được lên lớp” như một hành động “nhân đạo”, Linda có thân hình của một “siêu mẫu” (Linda khi đó chỉ nặng khoảng 38 ki-lô-gam) và một khối kiến thức bằng không! Rất may mắn là mẹ cô không chịu đầu hàng, bà gởi cô đến gặp thầy Carol Clapp tại trường phục hồi chức năng Texas và chẳng bao lâu sau, cô đã vượt qua mọi lớp kỹ năng một cách xuất sắc và trở thành thành viên Tổ chức Những Người Nhỏ bé của Mỹ.

Trong trường đại học, nhiều vị giáo sư cao ngạo thường cho rằng sinh viên của họ không bao giờ lấy được điểm “A” của mình và rằng “tất cả đều tệ”. Lẽ ra, họ nên tránh nói điều cấm kỵ đó một khi đảm nhận trọng trách giảng dạy thế hệ trẻ vì điều đó chỉ làm “sản phẩm” của họ trở nên yếu kém hơn mà thôi. Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng thầy cô giáo phải luôn khen ngợi, khích lệ học trò của mình bất kể chúng học hành nghiêm túc hay không. Một nghiên cứu mới đây ở San Francisco cho thấy việc khen ngợi thường xuyên các sinh viên kém là lối cư xử tàn nhẫn nhất vì nó sản sinh ra những kẻ dốt nát có bằng cấp mà xã hội phải trả giá sau này. Với học sinh, sinh viên, hãy kiên nhẫn tìm ra các thế mạnh của từng em và giúp các em rèn luyện, phát huy năng lực, sở trường của mình. Phê bình phải được thực hiện đúng cách và chúng ta chỉ nên phê bình kết quả thực hiện chứ không phải người thực hiện. Qua kinh nghiệm của hơn 50 năm giảng dạy, tôi thấy rằng đó là cách hiệu quả nhất để phát huy tối đa khả năng của một con người.

“NỮ HOÀNG” BÁN HÀNG

Mary Kay Ash, người sáng lập và là chủ tịch danh dự Công ty Mỹ phẩm Mary Kay, hiểu rất rõ giá trị và tầm quan trọng trong việc nhìn ra mặt tốt và khả năng của người khác. Bà biết rõ điều đó từ cả hai phía.

Trước khi khởi sự công việc kinh doanh của riêng mình, bà làm việc cho Công ty Hàng Gia dụng Stanley để nuôi hai đứa con nhỏ. Thời gian đầu, công việc của bà thật tồi tệ nhưng khi thấy các cô gái khác làm thật tốt, bà nhận ra cơ hội của mình và nỗ lực gấp đôi.

Ít lâu sau, một hội nghị bán hàng toàn quốc của Stanley được tổ chức tại Dallas. Mary Kay chạy vạy kiếm 12 đô-la làm lộ phí và trả tiền phòng. Bà mang pho mát và bánh quy để ăn trong ba ngày hội nghị. Đêm kết thúc, khi ông Stanley Beveridge đặt vương miện Nữ hoàng Bán hàng lên đầu một phụ nữ mảnh khảnh nước da rám nắng thì Mary Kay đã quyết định xuất phát trên con đường dẫn đến thành công. Khi đến lượt mình bắt tay chào từ giã ngài Beveridge, bà nhìn thẳng vào mắt ông và nói: “Thưa ông Beveridge, tối nay ông không biết tôi là ai, nhưng giờ này năm sau, ông sẽ biết tôi vì tôi sẽ là nữ hoàng bán hàng của năm tới”. Dĩ nhiên, Stanley Beveridge có thể khích lệ vài câu xã giao nhưng ông đã không làm thế. Hẳn ông đã nhìn thấy một điều gì đó đặc biệt nơi Mary Kay, ông đáp: “Cô biết đấy, tôi nghĩ là cô sẽ làm được!”. Và thực tế là bà đã làm được điều đó. Bà đã thành công rực rỡ với Stanley và một công ty khác.

Thế rồi bà quyết định “nghỉ hưu”, một cuộc nghỉ hưu trong khoảng một tháng với 12 giờ làm việc tại nhà mỗi ngày. Bà liệt kê tất cả những gì mình thích ở các công ty bà từng làm việc, kể cả những điều bà cho là quan trọng đối với một nữ nhân viên bán hàng. Sau đó bà lập công ty riêng và đặt nền tảng bằng việc cho phép nhân viên sử dụng vẻ đẹp và khả năng của mình để phát huy tối đa năng lực của từng người. Bà nhận ra rằng khám phá và sử dụng đúng khả năng của họ tốt hơn và quan trọng hơn nhiều so với việc cố trang bị cho họ một phần khả năng vốn có của mình. Bà thấy rằng phụ nữ thừa sức kiếm được những khoản tiền lớn và tận hưởng những loại hàng hóa cao cấp, bao gồm cả xe Cadillac. Với vốn liếng ban đầu có hạn và một niềm tin vô hạn, Mary Kay đã sáng lập Công ty Mỹ phẩm Mary Kay và đưa công ty vào hoạt động tháng 8 năm 1963. Đến cuối năm đó, họ đạt doanh số bán lẻ 60.000 đô-la. Năm 1999, công ty đạt doanh số gần 2 tỷ đô-la và có một mạng lưới gồm hơn 500.000 nhân viên tư vấn làm đẹp và 8.500 giám đốc bán hàng trên toàn nước Mỹ. Ngày nay, Mary Kay Cosmetics là một công ty trị giá nhiều tỷ đô-la và có văn phòng đại diện tại 29 quốc gia trên thế giới.

Có nhiều lý do giải thích câu chuyện thành công này, nhưng khởi nguồn là một người đã “nhìn thấy” một điều đặc biệt ở Mary Kay Ash và “điểm đặc biệt” này đã được nuôi dưỡng và phát triển. Bà bảo nhân viên rằng: “Hãy đặt gia đình lên trên công việc tại Mary Kay”. Bà đã “nhìn” những khả năng to lớn của nhân viên mình và đối xử với họ dựa trên cái nhìn đó. Kết quả là bà đã “thấy” họ thành đạt trên những chiếc Cadillac màu hồng sang trọng của Mary Kay trên khắp nước Mỹ.

NHỮNG CỐNG HIẾN CAO QUÝ

Thiếu tá Anderson, một sĩ quan tên tuổi trong cuộc chiến tranh cách mạng, có một thư viện và ông mở cửa thư viện của mình suốt ngày cho tất cả mọi người, đặc biệt là các chàng trai trẻ trong vùng muốn tích lũy thêm kiến thức. Có một chàng trai người Scotland thường đến nhà thiếu tá Anderson vào mỗi sáng thứ bảy. Anh chàng rất biết ơn thiếu tá vì đã cho mình cơ hội đọc sách suốt ngày. Tất nhiên anh bạn trẻ của chúng ta đã học được rất nhiều từ những cuốn sách trong thư viện của Anderson. Về sau anh trở thành một trong số những người có năng lực dồi dào và giàu có nhất mà nước Mỹ có thể sản sinh. Không những thế, ông còn tạo ra 43 nhà triệu phú vào thời mà số triệu phú Mỹ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tên ông là Andrew Carnegie, “Vua thép” Hoa Kỳ. Để truyền đạt tri thức và sự giàu có cho những người có chí hướng, ông sáng lập các thư viện mang tên ông trên khắp nước Mỹ. Ông nhận ra rằng, nuôi dưỡng và tạo điều kiện phát triển khả năng của người khác là đóng góp lớn nhất cho đời và đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông.

Một giáo sư đại học nghèo có người vợ bị khiếm thính. Vì yêu vợ nên ông dành từng đồng đô-la kiếm được và từng phút rảnh rỗi để “chế” ra một loại dụng cụ nào đó có thể giúp vợ mình nghe được. Ông thất bại, vợ ông không được thụ hưởng thành quả của ông nhưng hàng triệu người khiếm thính khác sau này đã nghe được bằng loại thiết bị trợ thính được chế tạo theo những nguyên tắc nền tảng mà chồng bà, Graham Bell, đã khái quát lần đầu tiên.

Andrew Carnegie và Graham Bell đã để lại hậu thế hình ảnh tự thân bất tử của mình vì họ đã sống cho người khác.

BẠN CÓ DÁM KẾT BẠN HAY THUÊ MỘT NGƯỜI TỪNG NGỒI TÙ?

Xã hội chúng ta có một khái niệm về công lý khá thú vị, rằng đã phạm tội thì phải bị xử phạt. Điều đó đúng, nhưng cách đối xử của chúng ta đối với một người từng là phạm nhân đôi khi quá khắt khe. Chúng ta có dám trở lại làm bạn bình thường với người từng ngồi tù không? Tại nhiều bang của nước Mỹ, 80% cựu phạm nhân phải trở lại nhà tù không phải vì họ thích cuộc sống sau những chấn song sắt mà vì cách đối xử vô tình hay ác ý của xã hội. Nếu một cựu tội phạm thú thực quá khứ của mình khi đi xin việc, chắc chắn anh ta sẽ bị từ chối. Trường hợp anh ta giấu quá khứ thì khi bị phát hiện, anh ta sẽ bị đuổi việc, nhẹ nhất là với lý do “không thành thật khai báo”, bất kể anh ta đang làm tốt công việc đến đâu đi nữa.

Vì chúng ta thường có những ý nghĩ cố chấp về quá khứ lỗi lầm của người khác nên con đường làm lại cuộc đời của họ trở nên rất khó khăn. Ý nghĩ đó dẫn tới hành động đề phòng, xem thường, đôi khi xúc phạm họ. Thế rồi họ bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của chúng ta. Họ cho rằng không ai tin họ cả dù họ luôn cố gắng sống tốt. Họ bắt đầu buông xuôi và khi có “cơ hội”, họ sẽ trả thù. Kết quả là họ lại trở vào ngồi sau chấn song sắt.

Bây giờ, hãy nói về giải pháp cho vấn đề này. Trước tiên, chúng ta phải tập trung giúp họ tái hòa nhập với xã hội, tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời bằng những cái nhìn độ lượng thay vì tiếp tục “trừng phạt” họ bằng những định kiến. Kế tiếp, hãy nhìn ra điều tốt nơi họ vì đó là cách tốt nhất để nhận ra điều tốt nơi bản thân mình. Bởi vì, chúng ta chưa chắc đã tốt hơn họ một lúc nào đó. Bạn hãy đọc câu chuyện sau:

Một chủ lò bánh mì nghi ngờ người cung cấp bơ, vốn là một bác nông dân, cân thiếu cho mình, nên cẩn thận cân lại và kết quả đúng như vậy. Tức giận, ông phát đơn kiện và người cung cấp bơ bị đưa ra tòa. Trước tòa, sau khi nghe bác nông dân giải thích, vị quan tòa mỉm cười và người chủ lò bánh mì bỗng xanh xám mặt mày. Thì ra, vì không có cân nên bác nông dân đã dùng ổ bánh mì loại một cân của người làm bánh để cân bơ lại cho ông! Quả là “gậy ông đập lưng ông”!

Đối với con cái chúng ta cũng vậy. William Glasser, cha đẻ của “Liệu pháp Thực tiễn” (Reality Therapy) nhấn mạnh rằng các bậc phụ huynh nên xem kỷ luật là biện pháp nhằm uốn nắn hành vi sai trái của trẻ và phải được thực hiện với lòng yêu thương. Còn hình phạt là sự phản ứng nhằm vào cá nhân và được xem như một vũ khí gây đàn áp, thù nghịch nên luôn bị chống đối mạnh mẽ. Glasser đề nghị các bậc cha mẹ nên kết thúc việc áp dụng hình phạt đối với trẻ bằng một cử chỉ yêu thương vì điều đó làm tăng thêm giá trị hình ảnh tự thân của cha mẹ trước mặt con cái.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.