Vượt Qua Thử Thách Đầu Đời

HỒI ỨC VỀ MẸ



Tháng Giêng năm 1998, tôi nhận được một cuộc điện thoại mà bất kỳ một nữ diễn viên nào cũng mong đợi: tôi được thủ vai Julie Emrick trong vở kịch truyền hình Hạnh phúc. Lẽ ra đó là một trong những khoảnh khắc hân hoan nhất trong cuộc đời của tôi, nhưng ba tháng trước đó, một việc đã xảy đến khiến cho mọi thứ đều bị đảo lộn. Tháng Mười năm 1997, mẹ tôi, Christine Johnson, được chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư. Mười tháng sau, mẹ mất ở tuổi năm mươi ba, và cuộc sống của tôi không bao giờ trở lại như xưa được nữa.
Mẹ là người bạn tốt nhất của tôi. Mẹ dạy tôi biết trân trọng từng ngày. Tôi nghĩ đó chính là chìa khóa để bước vào cuộc sống. Tôi cố gắng ghi nhớ điều đó, rồi chuyển nó thành một thói quen. Và mỗi khi gặp phải một vướng mắc gì, tôi lại nghĩ đến mẹ.
Tôi giống như người bạn tri kỷ lớn lên cùng mẹ ở Mũi Cod, Massachusetts. Vì cả anh Greig Jr. – hiện đã ba mươi ba tuổi, và chị Julie của tôi – giờ cũng ba mươi hai tuổi, đều lớn tuổi hơn tôi (hiện nay tôi hai mươi chín tuổi), nên lúc anh chị bắt đầu đi học thì chỉ còn tôi với mẹ ở nhà với nhau suốt ngày. Những lúc ấy, hai mẹ con cùng làm các công việc lặt vặt hoặc chỉ đi loanh quanh.
Tôi với mẹ vẫn luôn gắn bó với nhau ngay cả khi tôi phải trải qua giai đoạn nổi loạn của tuổi dậy thì. Lúc học trung học, tôi thường về nhà trễ do mải lo mấy chuyện vớ vẩn của tuổi mới lớn, thế là bố mẹ gửi tôi vào một trường dân lập ở New Hampshire. Chỉ sau tám tháng, tôi bị đuổi khỏi trường do bị bắt gặp trong phòng ngủ tập thể của bọn con trai. Ôi! Hình phạt cho tôi là tôi phải tới học tại một ngôi trường nhỏ trong một nhà thờ ở địa phương. Mỗi khi làm sai điều gì mà tôi lại ra sức chối hoặc che giấu thì mẹ sẽ nổi giận. Nhưng nếu tôi biết nhận lỗi và xin lỗi mẹ thì mẹ sẽ dịu lại. Mẹ thực sự rất công bằng.
Mẹ còn là một cổ động viên tuyệt vời. Ngay từ khi còn bé, tôi đã biết mình rất thích biểu diễn, và mẹ luôn là cổ động viên nhiệt tình nhất của tôi.
Năm mười chín tuổi, khi tôi quyết định đến thành phố New York để theo đuổi nghề diễn viên thì mẹ và cả bố tôi – Greig Johnson, lúc đó là một người bán xe hơi, đã không hề nói: “Thật mạo hiểm” hay “Đừng làm thế”. Hai năm sau, năm 1993, tôi lại chuyển đến Los Angeles và nhận vai diễn đầu tiên là nhân vật Kimberly.
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho đến mùa Thu năm 1997. Bác sĩ nghĩ rằng trong tử cung của mẹ có một u nang đã phát triển lớn và cần phải được cắt bỏ. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu thủ thuật cắt bỏ tử cung đơn giản đó lại trở thành một điều gì đó tệ hại hơn? Mẹ có vẻ nghi ngờ về điều này. Trước ca phẫu thuật vài ngày, mẹ gọi cho tôi trong một tâm trạng lo sợ: “Amy Jo này, điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ bị ung thư nhỉ?”, và tôi cũng có tâm trạng như mẹ: “Mẹ, mẹ đừng nói thế. Đừng mà”. Rồi cũng đến lúc phải phẫu thuật. Mọi người đều không nghĩ rằng mẹ bị ung thư, nhưng các tế bào ung thư lại xuất hiện ở khắp nơi trong cơ thể mẹ. Một dạng ung thư hiếm thấy, nó bắt đầu từ ruột thừa, cho đến lúc bác sĩ phát hiện ra thì nó đã lan rộng ra khắp cơ thể của mẹ.
Tôi sẽ không bao giờ quên được giây phút khi bố gọi điện để báo tin ấy cho tôi biết. Đó là ngày lễ Halloween. Tôi đáp máy bay ngay về cùng gia đình trong tâm trạng choáng váng. Tôi nhớ cái đêm tôi đã ngồi cùng bố, hình như là hai ngày sau khi biết tin. Bố nói là bố biết mẹ sẽ chết. Tôi cũng thế, nhưng tôi nói: “Không đâu bố ạ, chúng ta phải luôn hy vọng”.
Mẹ đón nhận tin này cùng cái chết được báo trước bằng một sự can đảm lạ thường. Giáng sinh năm đó, mẹ cũng biết đấy có lẽ là mùa Giáng sinh cuối cùng của mẹ, nên mẹ đã mua vé và đưa tất cả chúng tôi đi xem vở kịch được chuyển thể từ bộ phim Vua sư tử tại rạp Broadway ở New York. Vở kịch thật xúc động vì đó là câu chuyện nói về vòng luân hồi sinh tử vô tận. Khi tới cảnh Simba trông thấy hồn của sư tử cha, tôi quay sang nhìn mẹ. Mẹ khóc. Nhưng chưa bao giờ mẹ tỏ ra suy sụp trước mặt các con hay trước bạn bè. Tôi nghĩ chỉ có bố mới biết được mẹ đang sợ hãi đến dường nào.
Mẹ đã thử nhiều biện pháp trị liệu khác nhau. Mẹ còn tới một bệnh viện ở Washington, D.C. để thực hiện một ca phẫu thuật mà các bác sĩ hy vọng là sẽ kéo dài thêm thời gian sống cho mẹ. Những ngày ấy, chị tôi và tôi đã ngủ trên những cái giường nhỏ kê trong phòng bệnh của mẹ.
Nhưng ca phẫu thuật không thay đổi được gì. Họ đã mổ cho mẹ nhưng bảo rằng họ không thể làm được gì hơn. Các tế bào ung thư đã lan quá rộng. Mọi người ai cũng cố giúp mẹ, khuyên mẹ nên dùng những liều thuốc đặc trị và có chế độ ăn kiêng đặc biệt. Chúng tôi thì tìm trên Internet tất cả những thông tin có thể giúp chữa được bệnh ung thư. Ở đó có hàng triệu thứ mà người ta cố chào mời để bán cho bạn. Cuối cùng, mẹ nói: “Thôi! Mẹ không muốn thử thêm thứ gì nữa. Đừng bắt mẹ uống những thứ thuốc vớ vẩn đó nữa!”.
Suốt mùa đông và mùa xuân năm đó, tôi cứ đi đi về về giữa L.A. và Mũi Cod. Mọi người trong đoàn kịch Hạnh phúc thật tốt bụng. Đã đôi lần họ phải dừng vở kịch hoặc sắp xếp lại lịch diễn để tôi có thể về nhà. Đạo diễn còn gửi cho mẹ tôi mấy cái nón và mấy cái áo thun cùng một lá thư: “Chúng cháu rất quý con gái của bác”. Tôi nghĩ điều đó đã giúp mẹ cảm thấy yên lòng vì biết rằng tôi sẽ được chăm sóc khi mẹ ra đi.
Mẹ không muốn ra đi ở bệnh viện, nên các nhân viên ở bệnh viện đã đến nhà tôi vào tháng Bảy năm 1998. Họ thật giỏi vì đã giúp được mẹ tôi chấp nhận sự thật rằng mẹ sẽ chết. Điều đó giúp mẹ có thể nói lời tạm biệt với tất cả mọi người. Một ngày nọ, mẹ gom tất cả những món nữ trang và tài sản yêu thích của mình lại và bảo từng người mà mẹ yêu quý lên phòng, rồi mẹ phân phát hết tất cả mọi thứ. Mẹ trao tặng lại những món quà ấy cho những người mà theo mẹ nhớ là họ đã tặng chúng cho mẹ gần hai mươi năm về trước.
Mẹ vẫn giữ được tính hài hước cho đến tận giây phút cuối cùng. Bốn ngày sau khi bác sĩ dự đoán là mẹ sắp phải ra đi, mẹ ngồi trên giường và bắt đầu hát! Mẹ nhìn hai chị em tôi và nói đùa: “Mẹ sẽ làm gì nhỉ? Một người phụ nữ không thể sống thiếu đồ trang sức đâu”.
Mẹ muốn tôi quay trở lại công việc, vì đoàn kịch đã phải sắp xếp lại kế hoạch dàn dựng tác phẩm vì tôi, nhưng tôi bảo tôi muốn ở lại với mẹ. Cuối cùng, mẹ phải năn nỉ: “Chuyện này có thể kéo dài cả tháng ấy chứ. Con phải đi thôi”. Tôi đã chào tạm biệt mẹ rất nhiều lần. Tôi ôm mẹ, hôn mẹ, đi xuống lầu, ngồi vào trong xe và sau đó lại chạy lên, cứ như thế đến bảy lần. Sau cùng, mẹ nói: “Amy Jo, chuyện này bắt đầu buồn cười rồi đó. Đi đi con”. Đó là lời chào tạm biệt khó khăn nhất mà tôi phải nói. Ba ngày sau, ngày 19 tháng Tám năm 1998, mẹ mất.
Chị tôi gọi điện và báo cho tôi biết tin dữ. Tôi bất động một hồi lâu. Sau đó tôi đi vào phòng khách và ngồi đó, bất chợt tôi có một cảm giác kì lạ mà tôi chưa từng cảm nhận bao giờ. Cảm giác ấy giống như mẹ đang ở trong phòng cùng tôi vậy. Như thể mẹ trở lại để mang đến sự yên bình cho tôi. Điều đó giúp tôi có đủ nghị lực để trở về nhà dự tang lễ của mẹ và tiếp tục cuộc sống của mình với bố và những thành viên khác trong gia đình.
– Amy Jo Johnson
“Tôi vẫn luôn nhớ thương những người tôi yêu quý – những người không còn bên tôi nữa, nhưng tôi thấy mình thật thanh thản vì đã rất yêu thương họ. Lòng biết ơn cuối cùng cũng chiến thắng nỗi đau mất mát.”
– Rita Mae Brown

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.