Vượt Qua Thử Thách Đầu Đời

PHƯỢNG HOÀNG BAY CAO



Lúc đó tôi mới năm tuổi và tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình. Điều duy nhất tôi có thể nhớ là hình ảnh mẹ ôm chặt tôi vào lòng và hét lên kêu cứu thảm thiết khi cả bầu trời hừng hực một màu cam từ ngọn lửa đã phựt cao lên đến tận những ngọn cây.
Trước khi trải qua bốn giờ đi đường để đến được bệnh viện nhi ở Los Angeles thì gương mặt nám đen của tôi đã phồng lên như một quả dưa. Sau hai ngày điều trị, bác sĩ mới bảo rằng tôi đã qua cơn nguy kịch. Sau vài tuần được chăm sóc đặc biệt, tôi tỉnh lại, nhưng lúc đó tôi phải thở nhờ vào chiếc ống nối thông với khí quản. Lúc ấy, tôi nghĩ mình đã bị mù cho đến khi phát hiện một dải băng buộc ngang mắt.
Đến ngày tháo băng, mọi chuyện chẳng giống như trong phim ảnh chút nào. Trong phim, thường thì những nhân vật bị thương sau khi tỉnh dậy sẽ nhìn thấy người yêu của mình hay một phụ nữ tuyệt đẹp trước tiên. Thế nhưng hình ảnh đầu tiên tôi thấy lại là một cô y tá với gương mặt đầy những nếp nhăn – một gương mặt đã khiến cho tôi hoảng sợ. Sau này nghĩ lại, tôi ngạc nhiên vô cùng khi cô đã không hoảng sợ vì gương mặt của tôi lúc ấy. Thời gian trôi qua, tôi nhanh chóng nhận ra rằng cô ấy là một y tá chăm sóc bệnh nhân tận tụy nhất mà tôi từng gặp.
Trải qua nhiều đợt phẫu thuật trong vài tuần sau đó, sau cùng thì tôi cũng lại sức và đề nghị được tự mình đi đến phòng tắm mà không cần sự giúp đỡ. Sau khi vệ sinh xong, tôi nhìn thấy khuôn mặt mình phản chiếu qua chiếc giá móc khăn bằng inôc treo trên tường. Tôi khập khiễng quay trở ra và nằm vật trên giường.
Mọi người đều im lặng, riêng mẹ thì hiểu tôi vừa nhìn thấy gì.
“Tệ quá, phải không mẹ?”
“Ừ, nhưng con đã không sao, Mike à.”
Nói rồi mẹ nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, mẹ hôn lên trán tôi và lặp lại: “Mọi thứ sẽ ổn thôi con à!”.
Những năm sau đó, chuyện học hành của tôi trở nên vô cùng khó khăn. Khi tôi đã sẵn sàng tâm lý để trở lại trường học thì bố mẹ tôi lại phải tranh đấu vì chính sách của nhà trường đối với những học sinh “khác biệt” như tôi. Sau cùng, bố mẹ đành phải gửi tôi ở một trường dành cho trẻ khiếm khuyết về tinh thần và thể chất.
Tuy nhiên, một năm sau, bố mẹ tôi đã thắng khi tranh đấu giành quyền học tập bình thường cho tôi, và thế là tôi được nhận vào học tại một trường công. Tôi đã không thể lường trước những điều tồi tệ sắp xảy ra với mình. Dù trước khi vào học, nhà trường đã có thông báo yêu cầu học sinh phải đối xử tốt và không được soi mói tôi, nhưng hầu hết mọi người đều làm ngược lại. Phải mất cả năm thì cách mà lũ bạn gọi tôi “Ê, Frankenstein[1]” mới tạm lắng xuống và tôi mới được chấp nhận trong ngôi trường ấy.
Suốt 12 năm sau đó, tôi trải qua tổng cộng 24 cuộc phẫu thuật để chỉnh hình khuôn mặt và bàn tay đã bị biến dạng của mình.
Năm tôi 19 tuổi, những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp tôi có được những kỹ năng xuất sắc trong giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh. Tôi cũng đã gặt hái được nhiều thành công trong học tập cũng như trong hoạt động thể thao. Nhưng bước vào độ tuổi 20, tôi chợt nhận ra có điều gì đó vô cùng bất ổn. Tôi chẳng thể hiểu được vì sao một thanh niên tài trí như tôi lại không thể tìm cho mình một người phụ nữ xứng đáng cũng như một công việc tốt để ổn định cuộc sống. Sau nhiều tháng nghiền ngẫm những cuốn sách về nghệ thuật sống, tôi hầu như đã nhận ra rằng vấn đề là do tôi chứ chẳng phải do mọi người xung quanh.
Ngay sau khi học xong trung học, tôi quyết định đến một thị trấn vùng núi thuộc California, nơi đây có rất ít người và tôi có thể sống trong cảnh thanh bình. Một dịp cuối tuần nọ, mẹ đến thăm tôi. Hôm ấy ngoài trời đang mưa, vì vậy hai mẹ con tôi ở nhà chơi bài và xem phim cùng nhau, giống như khoảng thời gian tôi còn ở trong bệnh viện.
Mẹ hỏi tôi định sẽ làm gì. “Sao con không tiếp tục đi học hả Mike? Con làm mẹ thất vọng quá. Có rất nhiều người đã dành biết bao thời gian, sức lực và cả cuộc sống của họ cho con, vậy mà con đã làm gì với cuộc sống của chính mình thế kia? Mẹ nghĩ con đã chấm dứt giấc mơ trở thành bác sĩ của mình hay những gì đại loại như thế…”
Tôi chẳng biết phải nói gì với mẹ.
Sau đó hai mẹ con tôi ghé vào một quán ăn gần nhà để ăn tối. Cô phục vụ tươi cười chào chúng tôi. Cách đây không lâu, con trai cô bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng, và cô đã tâm sự về nỗi sợ hãi cũng như những đau khổ của mình với tôi. Khi đến bàn chúng tôi, cô nói: “Ngày mai con trai tôi sẽ về nhà. Tôi muốn cám ơn cậu đã dành thời gian lắng nghe tôi, Mike. Tôi thật sự không biết sẽ làm gì nếu không có cậu”. Rồi cô ấy quay sang mẹ tôi: “Con bác quả là một chàng trai tốt bụng. Cháu nghĩ hẳn bác sẽ rất tự hào về cậu ấy”.
Cô ấy đi lấy thức ăn, còn mẹ con tôi ngồi im lặng bên nhau một lúc. Đột nhiên tôi buột miệng nói với mẹ những điều mà thậm chí tôi còn chưa kịp nghĩ đến: “Điều mà con học được đó là con sẽ tận dụng cơ hội để tạo ảnh hưởng tích cực đối với những người mà con gặp. Con cố hết sức để giúp họ. Con muốn làm một điều gì đó thật khác biệt. Con cũng giống như con chim phượng hoàng vậy mẹ à. Loài chim đó chẳng phải sẽ tự bay lên từ đống tro tàn của chính mình hay sao? Con muốn chỉ cho mọi người thấy rằng cho dù cuộc sống có khắc nghiệt đến thế nào đi nữa thì chúng ta cũng có thể xoay chuyển để biến nó thành điều tốt đẹp nhất cho chính mình”.
Mẹ tôi mỉm cười, và tôi nghĩ mọi việc chắc đã ổn. Thế mà sau khi mẹ ra về, tôi bắt đầu tự hỏi rằng liệu như thế đã đủ chưa và khi nào thì tôi mới có thể làm được điều gì đó cho chính cuộc sống của mình? Nhiều tuần lễ sau đó, tôi luôn có tâm trạng bồn chồn và bất mãn như thể tôi đang đứng bên bờ vực thẳm. Sau vụ hỏa hoạn năm xưa, không gì có thể khiến tôi sợ hãi được nữa, nhưng lúc ấy thì tôi lại cảm thấy rất sợ một điều gì đó. Tôi nhấc điện thoại và gọi cho cha: “Cha còn nhớ những gì cha nói với con lúc trước chứ? Con chuẩn bị về nhà đây cha ạ”.
Tôi thu dọn đồ đạc và lên đường trở về nhà. Chẳng mấy chốc, ngọn núi đáng yêu – nơi trú ẩn an toàn của tôi – đã hút lại đằng sau, và phía trước là con đường dài mà tôi cũng chẳng biết nó sẽ dẫn đến đâu. Lúc dừng lại nghỉ mệt, tôi đã leo lên một tảng đá lớn; ở đó, tôi phóng tầm mắt ra xa để quan sát mặt hồ phẳng lặng và rừng thông bạt ngàn. Đột nhiên tôi bật khóc.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi đã làm việc thật hăng say. Tôi được gặp nhiều đồng nghiệp mới và tiếp cận với những công nghệ tiên tiến. Và một điều khá thú vị là khi tôi quên mất những vết sẹo trên khuôn mặt mình thì mọi người dường như cũng chẳng để ý gì đến chúng nữa. Thời gian trôi qua, khi tôi đạt được những thành công nhất định trong công việc và trở thành một nhà quản lý thì cũng là lúc tôi gặp Debbie – vợ tôi.
Lúc đầu, mọi thứ cứ như trong truyện “Giai nhân và quái vật” vậy. Tôi vẫn tự nhận mình là giai nhân và thường đùa với vợ rằng cô ấy không giống quái vật lắm, mà ngược lại còn khá xinh đẹp ấy chứ. Có ai ngờ rằng một gã đàn ông với bộ mặt như tôi lại yêu và được yêu bởi một người phụ nữ tuyệt vời thế này? Sau khi cưới, chúng tôi chuyển đến Austin, Texas sinh sống đến tận bây giờ.
Dịp cuối tuần vừa rồi, mẹ đã đến thăm chúng tôi. Mẹ nói: “Mike, công việc kinh doanh của con có vẻ như đang tiến triển rất tốt. Mẹ rất tự hào về con”. Rồi mẹ khóc khi hỏi tôi: “Con có nhớ cái ngày mẹ con ta ở Tahoe không? Lúc đó mẹ đã nói…”.
“Vâng, thưa mẹ, con nhớ ạ.”
Mẹ con tôi ngồi lặng yên bên nhau một lúc và nhớ lại mọi chuyện. Sau cùng, tôi đã nói với mẹ điều mà tôi đã giữ kín trong lòng bấy lâu nay do không biết phải bày tỏ thế nào: “Mẹ biết không, việc con bị phỏng trong trận hỏa hoạn ấy không phải là một bi kịch mẹ ạ, mà nó chính là một món quà”.
Mẹ không giấu được vẻ ngạc nhiên: “Con nói vậy là sao?”.
“Con đã học được một điều là chúng ta không chỉ nhìn một người mà còn phải quan sát họ, quan sát để thấy được cả bên ngoài lẫn bên trong con người họ. Con cảm thấy mình may mắn biết bao khi những vết sẹo của con chỉ nằm ở bên ngoài da thịt.”
Mẹ mỉm cười hạnh phúc: “Ta đi ăn tối nào, con trai. Mẹ biết có một quán ăn nhỏ rất tuyệt!”.
– Mike Gold

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.