Xách ba lô lên và đi – Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc

4. Mưa ở Lễ hội Rừng mưa



Thời gian còn lại ở Brunei tôi dành để thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng: những đền thờ Hồi giáo trị giá hàng triệu đô, cung điện Sultan nguy nga tráng lệ, làng nổi lớn nhất thế giới Kampong Ayer – nơi 10% dân số Brunei sinh sống. Nhờ may mắn, tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với Stephen Ignatius – nhà báo đầu tiên của Brunei và Tegla Loroupe – nữ vô địch điền kinh thế giới, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ người Kenya với câu chuyện cuộc đời giàu sức truyền cảm hứng. Tegla Loroupe sinh ra trong một gia đình với hai mươi tư anh chị em, lớn lên ở nơi phụ nữ không được đến trường, không được chơi thể thao, cô gạt bỏ những kỳ thị để theo đuổi đam mê của mình: chạy. Mối quan hệ của tôi với Caroline cũng được cải thiện đáng kể. Tôi bấy giờ đã chuyển đến ở nhà Rudy – CouchSurfer mà tôi lỡ cho “leo cây” từ ngày đầu tiên. Tối tối, Caroline đều gọi điện hỏi tôi có ổn không khiến tôi vô cùng xúc động. Có một câu chuyện vui để thấy Brunei nhỏ như thế nào. Khi biết tôi đến ở người lạ, Caroline rất lo lắng, hỏi tên đầy đủ của Rudy. Rồi sau chỉ vài cú điện thoại, Caroline đã biết chính xác tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của Rudy, thật đáng sợ. “Brunei như một cái làng vậy. Ở đây từ nhỏ đến lớn, ai cũng biết ai”.
Một buổi chiều, tôi đang ngồi dùng Internet ở văn phòng của Caroline thì chị đột ngột hỏi: “Này, mai đi Rainforest Music Festival ở Miri không?”.
“Mai á?”. “Ừ”.
Thế là tôi gật đầu. Lúc đó tôi đã quên béng vé máy bay khứ hồi về lại Malaysia. Ở Malaysia đã lâu, tôi chưa bao giờ sang bán đảo Đông Malaysia, khu vực mà bạn bè người Malaysia của tôi đều bảo là “Malaysia thực sự”.
Chín giờ sáng hôm sau, tôi có mặt ở văn phòng của Caroline. Caroline lái chiếc xe Honda bảy chỗ to đùng. Tò mò tôi hỏi:
“Sao đi xe to cho tốn xăng hả chị?”.
Chị phá lên cười không trả lời. Sau này tôi mới biết xe bốn chỗ của nhà chị toàn “xe xịn”. Người Brunei coi Malaysia là một quốc gia kém phát triển, không an toàn nên không ai lái xe xịn sang đấy cả. Xăng dầuở Malaysia không phải là vấn đề, bởi giá xăng ở đây cực rẻ. Một lít xăng lúc bấy giờ chỉ nửa đô Brunei (khoảng sáu ngàn tiền Việt). Caroline cho hay những người Miri làm việc ở Brunei hay vận chuyển lậu xăng từ Brunei vê để bán với giá cao gấp đôi, nên chính phủ Brunei có luật giới hạn việc mua bán xăng của lao động nước ngoài ở đây.
Hai giờ lái xe từ Bandar đến Miri là cơ hội tuyệt vời để thưởng ngoạn phong cảnh làng quê Brunei. Brunei quả thực là một đất nước vô cùng xanh sạch đẹp. Ở đâu cũng toàn cây là cây. Do mức độ ô nhiễm thấp, bầu trời Brunei xanh ngắt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bầu trời ở đâu xanh đến như vậy.
Miri thuộc bang Sarawak, khu vực tự trị của Malaysia với visa và con dấu xuất nhập cảnh riêng. Người Việt Nam mình không cần visa cho Malaysia nên cũng không cần visa cho Sarawak. Những ai cần visa để vào Malaysia, nếu muốn vào Sarawak sẽ phải nộp hồ sơ xin visa Sarawak lúc xin visa của Malaysia. Các bác Hải quan ở Sarawak rất dễ chịu, chỉ nhìn hộ chiếu của tôi rồi cho đi mà không đóng dấu nhập cảnh. Sang đến Miri rồi, tôi mới chợt hỏi:
“Tối nay ngủ ở đâu hả chị?”. “Dĩ nhiên là khách sạn rồi”.
Bạn của Caroline đã đặt phòng cho chúng tôi ở khách sạn sang nhất Miri, còn là phòng xịn nhất. Bạn của Caroline làm du lịch nên anh lấy được giá rẻ, nhưng vẫn quá sức tôi. Caroline nhìn tôi có vẻ thông cảm:

“Em trả được bao nhiêu thì trả còn lại để chị”.

Để chị trả cũng ngại nên tôi tự trả hết phần của mình. Hết veo $100. Thôi, sau mấy ngày vật vã ở Brunei, một đêm đệm ấm chăn êm cũng bõ, tôi tặc lưỡi. Bệnh sĩ chết trước bệnh tim đấy mà.
Đến nơi tôi mới biết đấy là thời điểm tốt nhất để thăm Miri. Lúc đó thành phố đang tổ chức kỷ niệm ngày chính thức thành lập với rất nhiều lễ hội. Đường phố tràn ngập những trang trí rực rỡ. Chúng tôi không được xem Music Festival vì hết vé, nhưng hóa ra thế lại may bởi buổi tối hôm đó trời mưa suốt, người đi xem chạy mưa như vỡ đám, Charles và Justin, bạn của Caroline, đến đón chúng tôi ở khách sạn và một đêm ăn uống long trời lở đất bắt đầu. Tôi chưa bao giờ ăn nhiều món ngon đến thế. Trước hết, chúng tôi đến một nhà hàng trên bãi biển ăn satay. Satay là món ăn quốc gia của Indonesia nhưng hết sức phổ biến ở Malaysia. Đây đại khái là thịt xiên, nhưng ăn với nước sốt. Ở Malaysia, khách được chọn que thịt sống, tự nhúng vào nước sốt sôi sùng sục, nói hổi vừa thổi vừa ăn. Tôi không biết tên gọi của nó là gì, nhưng nó bao gồm rất nhiều thứ: lúa mạch, vải khô, thạch,… và có mùi thơm rất dễ chịu. Sau đó chúng tôi đến một nhà hàng hải sản được cho là nổi tiếng nhất của Miri. Phải nói là hải sản Malaysia còn lâu mới bằng hải sản Việt Nam, nhưng tôi đặc biệt thích món nghêu hấp sả và mực chiên bột. Tiếp theo là đồ tráng miệng ở Citrus và đây vẫn là đồ tráng miệng ngon nhất là tôi từng ăn. Nó bao gồm bánh chuối, chuối, siro và sô–cô–la trên một đĩa nóng. Chúng tôi cũng đi thăm Marina Bay – nhà hàng xây trên biển bởi tôi tò mò về kiến trúc của nhà hàng này. Xây nhà trên cát quả thực không đơn giản. Trước hết, họ phải củng cố móng, đợi cho mọi thứ lắng đọng và đông đặc lại mới bắt đầu cất nhà. Toàn bộ nhà hàng được làm bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi những thợ lành nghề nhất của Indonesia. Từng tấm gỗ đều được bảo quản đặc biệt để có thể chống chọi với cái ẩm ướt từ biển.

Chúng tôi trở về khách sạn lúc nửa đêm, no đủ và vui vẻ. Tôi ngủ một lèo đến sáng, chẳng lo nghĩ gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.