Xách ba lô lên và đi – Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc

49. Cho một cậu bé chưa bao giờ có cơ hội du lịch



Tôi viết phần này dành riêng cho Yarfel, em trai của Kalden. Nói là viết cho em cũng không đúng, bởi em đã không còn ở trên thế giới này để đọc được những dòng tâm sự của tôi nữa. Tôi viết có lẽ dành cho tôi nhiều hơn, cho những niềm thương, niềm nhớ, niềm xót, niềm đau dành cho em ở trong tô
Em đã là một cậu bé rất ngoan. Em hiền lành, ít nói, so với anh trai thì em có vẻ bẽn lẽn. Những lúc tôi nói chuyện với bố em, em chỉ im lặng đứng cạnh mà không bao giờ lên tiếng. Những lúc tôi đi với nhóm bạn của anh em, em cũng không bao giờ dám xin đi cùng. Chỉ có buổi sáng sớm, tôi ra hiên uống trà, em mới rụt rè ra ngồi cạnh. Em bảo tôi kể cho em về nơi mà tôi sinh ra, về những nơi mà tôi đã đi qua và về những nơi mà tôi sắp đến. Tôi kể hết chuyện này đến chuyện kia. Mắt em sáng rực lên. Em bảo, sau này em cũng muốn đi như tôi. Cuối năm nay thi tốt nghiệp cấp ba xong, em sẽ bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên của đời mình. Em sẽ đi ở Ấn Độ trước, sau đó sẽ đến Kim Tự Tháp, rồi Châu Âu và một ngày nào đó, em sẽ đến thăm quê hương tôi.
Tôi hỏi em về ngôi trường em học, về những người bạn em quen, về những nơi em thường đến. Em khoe em học rất giỏi. Em bảo, có một địa điểm bí mật em hay đến mỗi lần em cần suy nghĩ gì đó, em muốn cho tôi xem. Đó là một cây cầu treo bằng gỗ vắt ngang con suối ở tít trong rừng. Cây cầu nâu nhuốm màu thời gian, mỗi lần đi qua nó kêu cót két, đi nhanh một tí là nó chòng chành. Bên dưới dòng nước chảy cuồn cuộn, va vào những tảng đá ngay giữa lòng suối tạo thành những con xoáy nối tiếp nhau. Em hỏi tôi: “Đẹp không chị?”. Tôi gật đầu: “Đẹp. Bí ẩn. Hoang sơ. Đáng sợ.”

Ngày tôi rời khỏi Sikkim, khi tìm mãi không thấy đôi giày của mình đâu, em mới rụt rè xách đôi giày đã được em cọ rửa sạch bóng đặt dưới đôi chân tôi rồi chạy mất không kịp để tôi nói cảm ơn. Tôi đi giày vào chân mà nước mắt lã chã. Hơn nửa năm lang bạt, tôi chỉ có đôi giày với cái ba lô làm bạn. Bao nhiêu khói bụi đường trường đôi giày chịu hết, dơ dáy tơi tả đến mấy tôi cũng chẳng muốn động vào. Thế mà em lại sẵn lòng làm điều đó cho tôi.
Tôi nay đây mai đó, em không lên mạng nên tôi cũng chẳng có cách gì liên hệ với em được. Bỗng một ngày cuối tháng năm, khi tôi lên Facebook của anh trai em mới đọc được tin sét đánh: Em không còn trên đời này nữa. Tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, cuống cuồng gọi điện cho anh trai em để hỏi xem thực hư thế nào mới biết rằng em mất đúng ngày em thi tốt nghiệp xong. Em ra địa điểm bí mật của mình và cây cầu gãy. Tôi bật khóc. “Chẳng phải bây giờ là lúc em muốn thực hiện chuyến đi đầu tiên của cuộc đời mình sao? Tại sao em lại ra đi khi chưa đến thăm quê hương chị?

Tôi lại tìm lại trong máy tính của mình tất cả những tấm ảnh tôi chụp em ở cây cầu đó. Một ảnh em đứng ở đầu bên kia cầu, mặt hơi cúi xuống, cười bẽn lẽn. Một ảnh em ngồi bên suối, miệng cười tươi rói khoe mấy cái răng khểnh, mắt tít lại. Tôi không tin được rằng cũng tại địa điểm đó, giây phút n ày em còn chìm đắm vào dòng suy nghĩ của riêng mình, giây phút tiếp theo em đã cận kề cái chết. Em nghĩ gì trong thời điểm đó? Em có bị đau không? Em đã rất muốn đi, liệu lúc đó ước mơ còn có ý nghĩa gì với em không? Tôi lại bật khóc.
Tôi không phải là người theo tôn giáo của em, để có thể cầu nguyện cho em được đầu thai hóa kiếp. Tôi cũng không biết em có tin vào thiên đàng hay không, để cầu mong cho em được yên nghỉ trên đó. Tôi cũng không biết linh hồn có tồn tại hay không, để mong em đọc được những dòng này của tôi. Tôi chỉ có thể nói với những người đang sống ngày hôm nay rằng: Em đã sống rất tốt. Và tôi rất thương em.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.