Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

CHƯƠNG 20



Cái Đích Của Những Con Thú
Đã có vài con trong đàn chết rồi. Buổi sáng sau trận tuyết lớn đầu tiên, thân hình mấy con thú già lông vàng điểm trắng nằm dưới một lớp tuyết dày năm phân. Ánh nắng ban mai xuyên thủng màn mây, khiến phong cảnh buốt giá cứng đờ sáng rực hẳn lên. Hơi thở trắng của bầy thú hơn một nghìn con phất phơ trong nắng.
Tôi bừng mắt trước khi trời sáng rõ và nhìn thấy thành phố trong bộ áo dài tuyết trắng. Một hình ảnh choáng ngợp. Tháp đồng hồ đen trồi lên trên nền phong cảnh trắng, chếch bên dưới là dòng sông uốn khúc. Mặt trời chưa lên, bầu trời còn giăng kín mây. Tôi khoác măng tô, xỏ găng tay, đi xuống thành phố qua những phố ngõ không một bóng người. Nhất định tuyết rơi không gây tiếng động trong khi tôi ngủ. Chưa thấy một vết chân nào giẫm lên. Tôi vốc một nắm tuyết. Tuyết mềm và xốp như đường mịn. Mấy vũng nước tù dọc sông đã đông cứng, đây đó tuyết rải trên lớp băng mỏng.
Ngoài hơi thở trắng của tôi, không có gì động đậy trong thành phố này. Không có gió thổi. Thậm chí không thấy lấy một con chim. Chỉ có tiếng chân tôi vọng lại từ tường nhà, nghe ồn ồn một cách thiếu tự nhiên như qua tăng âm.
Tôi gặp ông gác cổng trên quảng trường trước cổng thành. Ông nằm dưới chiếc xe đẩy mà ông và bóng của tôi đã cùng nhau sửa, đang tra mỡ vào trục. Trên xe chở các bình gốm dùng để đựng dầu cải. Người ta đã lấy thừng cột chúng vào thành xe cho khỏi đổ. Tôi không hiểu ông gác cổng cần nhiều dầu như vậy để làm gì.
Ông ngó dưới gầm xe ra và giơ tay chào. Trông có vẻ đang vui.
“Hôm nay cậu dậy sợm thế. Cơn gió lành nào đưa cậu tới đây vậy?”
“Tôi muốn ngắm phong cảnh ở đây khi có tuyết”, tôi nói. “Từ trên đồi nhìn xuống thấy gì cũng đẹp.”
Ông gác cổng cười phá lên và đặt bàn tay hộ pháp lên vai tôi như mọi khi. Tay ông không đeo găng.
“Cậu cũng lạ thật! Leo xuống tận đây để ngắm phong cảnh tuyết, trong khi từ giờ trở đi tha hồ mà ngắm tuyết cho đến khi phát ớn thì thôi.” Ông ngó về phía cổng thành một hồi, thở hơi trắng xóa như đầu tầu hơi nước. “Nhưng cậu đến cũng vừa vặn! Trèo lên tháp canh đi, ở ngoài kia sắp có rất nhiều thứ để xem. Lần đầu tiên trong mùa đông năm nay. Chú ý xem khi tôi thổi tù và nhé!”
“Lần đầu tiên?”
“Rồi cậu sẽ thấy.”
Không biết chuyện gì, tôi cứ thế leo lên tháp canh cạnh cổng thành và ngắm thế giới bên ngoài. Trên các ngọn cây táo phủ nhiều tuyết, trông như mây đọng. Cả rặng núi phía nam và phía bắc đều trắng toát, và rẻo đá không bị tuyết phủ hiện lên như vết sẹo trên sườn núi.
Như mọi khi, bầy thú ngủ ngay dưới chân tháp canh. Chúng nằm trên mặt đất, vó thu vào, sừng thẳng tắp trắng như tuyết chĩa về phía trước. Dường như giấc ngủ quá mê mệt để chúng nhận ra lưng phủ đầy tuyết.
Mây trên đầu tôi đang dần giãn mỏng đi, mặt trời bắt đầu hé ra và sưởi ấm mặt đất. Mặc dù vậy tôi vẫn cố bám lại trên tháp canh với đôi mắt nhạy cảm của mình để ngắm phong cảnh. Mới chỉ có vài tia mặt trời đơn lẻ như tia đèn pha nhỏ, mà tôi thì muốn xem “rất nhiều thứ” như lời ông gác cổng đã khuyên.
Rốt cuộc ông cũng mở cổng thành và thổi tù và như mọi hôi, một hồi dài và ba hồi ngắn. Bầy thú thức dậy sau âm thanh đầu tiên và quay về hướng tiếng tù và vọng đến. Nhìn những đám hơi trắng chúng thở ra có thể nhận ra là cơ thể chúng đang dồn năng lượng cho một ngày mới. Trong khi ngủ, chúng chỉ cần một phần rất nhỏ của lượng khí thở ấy.
Khi bầy thú biến mất qua cổng thành, tôi hiểu ông gác cổng định chỉ cho tôi xem gì. Một vài con thú vẫn nằm lại như ngủ quên. Giờ thì tôi nhận ra chúng đã chết cóng. Nhưng trông chúng không như chết rồi, mà còn đang chăm chú ngẫm nghĩ về những vấn đề lớn lao. Song chúng không tìm được giải pháp nào nữa. Từ mõm và mũi chúng không còn tỏa ra hơi thở trắng. Chúng đã ngừng mọi cử động, ý thức của chúng đã chìm đắm vào đêm đen mịt mù.
Những con khác đi qua cổng thành và bỏ lại các xác chết như những khối u nhọt của mặt đất, phủ tấm liệm bằng tuyết trắng. Chỉ có những cái sừng là vẫn chĩa lên một cách sinh động khó tả. Khi đi ngang qua, đa số các con thú còn sống sót cúi đầu thật thấp hoặc dũi mõm xuống đất. Chúng buồn bã vì cái chết của đồng loại.
Tôi đợt mặt trời lên cao hơn, đẩy gần hết bóng tường thành và lặng lẽ tỏa hơi ấm cho tuyết trên mặt đất dần tan. Suốt buổi tôi quan sát những xác chết im lìm. Tôi đợi ánh nắng sớm mai cũng làm tan chúng như tan đám tuyết, để chúng vùng dậy từ cõi chết và bắt đầu chuyến du hành mỗi sáng, tựa như chẳng có gì xảy ra.
Nhưng chúng không thức dậy. Chỉ lớp lông vàng ướt nhoẹt của chúng đón lấy tia nắng và tỏa sáng mãi mãi. Cũng là lúc mắt tôi bắt đầu thấy đau.
Tôi trèo khỏi tháp canh, đi qua sông, leo lên Đồi Tây trở về nhà. Bây giờ tôi biết là mặt trời sáng sớm làm hại mắt hơn tôi tưởng. Tôi nhắm mắt lại; nước mắt đầm đìa tuôn thành dòng, không sao kìm nổi. Tôi vấp và khuỵu xuống. Tôi rửa mắt bằng nước lạnh – vô ích. Tôi kéo tấm rèm nặng che cửa sổ và ngó đăm đăm hàng vài tiếng đồng hồ vào những đường nét và hình bóng kỳ quái ẩn hiện trong bóng tối, trong khi vẫn nhắm mắt và không hề có cảm giác gì về khoảng cách.
Ông đại tá già gõ cửa lúc mười giờ và bưng khay cà phê vào. Thấy tôi nằm sấp trên giường, ông lấy một cái khăn ướt lạnh day mi mắt tôi. Tôi thấy đau nhói sau tai, nhưng hình như nước mắt bớt tiết ra.
“Cậu lại làm cái trò quỷ gì vậy hả?”, ông già hỏi. “Mặt trời sáng sớm chói hơn cậu tưởng. Nhất là khi có tuyết. Cậu thừa biết là mắt ‘người đọc mơ’ không chịu được ánh sáng chói, vậy tại sao còn ra ngoài làm gì?”
“Tôi ra chỗ bầy thú”, tôi nói. “Những con thú chết. Tám, chín con. Không, nhiều hơn.”
“Và sẽ còn nhiều nữa. Sau mỗi lần tuyết rơi.”
Tôi lật người lên, kéo chăn khỏi mặt và hỏi ông già: “Tại sao chúng dễ chết vậy?”
“Chúng yếu nhược vì lạnh và đói. Xưa nay vẫn thế.”
“Thế chúng có tuyệt chủng không?”
Ông già lắc đầu. “Chúng đã sống hàng bao nghìn năm ở đất này, và sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Cứ mùa đông thì nhiều con chết, nhưng lại nhiều con sinh ra trong mùa xuân. Con già nhường chỗ cho con trẻ, chẳng có gì lạ. Số súc vật sống ở đây có hạn chế vì chúng chỉ có một lượng thức ăn nhất định do thành phố đem lại, đó là các loại cây cỏ mọc ở đây.”
“Tại sao chúng không chuyển đi nơi khác? Trong rừng có vô số cây cối, và nếu xuống miền Nam ít tuyết hơn thì ở đấy cũng bớt lạnh hơn. Chúng có bị trói lại ở đây đâu!”
“Tôi cũng không giải thích được điều ấy”, ông già nói. “Chỉ biết là bầy thú không thể rời khỏi thành phố. Chúng thuộc về đất này, bị cầm tù ở đây. Giống như tôi và cậu. Linh tính của chúng cho biết rằng chúng không thể rời bỏ thành phố, chúng biết, con nào cũng biết. Cũng có thể chúng không ăn được các loại cây cỏ khác với những loại mọc ở đây. Hoặc chúng không vượt qua nổi sườn đá vôi trải dài về phía Nam. Dù vì cớ gì chăng nữa, chúng hoàn toàn không thể đi khỏi chốn này.”
“Các xác chết thì sao?”
“Ông gác cổng sẽ đốt”, ông già đáp, sưởi ấm bàn tay to và xù xì của mình bên chén cà phê. “Thậm chí từ giờ trở đi đó sẽ là công việc chính của ông ấy. Trước tiên ông ấy cắt đầu những con chết, nạo óc và mắt ra rồi nấu đầu lâu trong một cái nồi lớn cho đến khi róc hết xương. Phần xác còn lại ông ấy sẽ chất đống, tưới dầu cải lên để thiêu.”
“Sau đó đầu lâu sẽ chứa các giấc mơ xưa và đặt trong kho thư viện, đúng không ạ?”, tôi hỏi ông già, mắt vẫn nhắm tịt. “Tại sao, tại sao lại dùng đầu lâu?”
Ông già không đáp. Tôi chỉ nghe tiếng ván sàn kẽo kẹt dưới bước chân ông. Ông chậm chạp đi xa giường và im lặng đứng đâu đó gần cửa sổ. Một hồi lâu, tất cả im phăng phắc.
“Cậu sẽ hiểu, nếu cậu hiểu các giấc mơ xưa là gì”, ông già nói. “Tôi định nói là tại sao những giấc mơ ấy được bảo quản trong đầu lâu thì tôi không giải thích cho cậu được. Cậu là người đọc mơ cơ mà. Cậu phải tự tìm câu trả lời.”
Tôi lấy khăn lau nước mắt và mở mắt ra. Hình ông già nhoèn nhoẹt bên cửa sổ.
“Trong mùa đông cậu sẽ hiểu rõ nhiều chuyện hơn”, ông già tiếp lời. “Cậu yêu hay ghét thì tùy cậu, song đó là tiến trình của muôn vật. Trời sẽ tiếp tục có tuyết và bọn thú sẽ tiếp tục chết. Không ai thay đổi được. Chiều nay cậu sẽ thấy cột khói bay lên từ đống xác thiêu. Suốt cả mùa đông, ngày nào cũng thế. Tuyết trắng và khói đen.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.