Ý Cao Tình Đẹp

CỤT TAY MÀ VẪN XÂY DỰNG ĐƯỢC TƯƠNG LAI



Khoảng hai chục năm trước, một hôm tôi đáp một chiếc tàu ở Seattle chạy dọc theo bờ biển phía Tây Alaska. Ngay buổi tối đầu, tôi để ý tới một nhóm hành khách quây quần chung quanh một bàn đánh bạc, chăm chú theo dõi một ván bài. Tôi lại gần coi.

Con bạc không có vẻ là bọn đi tìm vàng. Tôi cho họ là bọn du khách: một ông hơi lớn tuổi, ăn bận đàng hoàng, một bà duyên dáng, chắc là vợ ông kia, một thanh niên và một thiếu nữ khoảng mười tám tuổi, đẹp đẽ mảnh mai, vai khoác chiếc áo choàng. Họ đánh bài “bridge” và tôi thấy không có gì làm cho họ đam mê như vậy.
Tôi đã sắp quay gót thì bỗng thấy nhói ở tim. Tôi đã tưởng là thiếu nữ đó đặt hai bàn tay lên bàn, bây giờ mới nhận ra là hai bàn chân. Con người diễm lệ đó nằm ngửa trên một chiếc ghế bành, một chân cầm bài, một chân hạ những quân bài xuống một cách khéo léo. Đôi vớ đã được cắt bớt để lộ ngón chân và mu bàn chân, một khoảng rộng bằng bàn tay. Nhìn chiếc áo choàng bó sát thân hình nàng, tôi hiểu rằng nàng cụt tay.

Hiển nhiên là bọn đó không phải làm trò cho thiên hạ coi như bọn “mãi võ” trong các chợ phiên. Thế thì đánh bài trước công chúng như vậy, còn có gì vô duyên hơn nữa? Nhưng nhìn nét mặt những người đứng coi và tự xét lòng tôi, tôi thấy không phải là vô duyên. Nhìn thiếu nữ đó cụt tay mà đánh bài bằng những ngón chân, chúng tôi không cho là chướng, trái lại thấy một gương can đảm là khác.
Tôi bèn kiếm cách làm quen với thiếu nữ tràn trề sinh lực đó. Tối hôm sau, trong phòng khách có một ban hợp tấu, tôi cúi chào nàng và mời nàng khiêu vũ một điệu. Nàng mỉm cười, đứng dậy, lại đứng sát người tôi. Tôi quàng hai tay lên vai nàng, dìu nàng đi. Nàng vũ không giỏi lắm, nhưng cũng khá.
Nghe tôi khen, nàng đáp:

– Tôi đã khó nhọc lắm mới tập vũ được. Vì cụt tay nên tôi mất thăng bằng. Nhưng tôi ham vũ, nên quyết tâm tập luyện đến khi nào vũ tàm tạm được mới thôi.
Nàng cho tôi hay nàng theo một ông chú đến bờ biển phía Tây Alaska này vì ông đi thanh tra vài cơ sở đánh cá thu. Trong cuộc du lịch khá dài đó, chúng tôi thành bạn thân với nhau. Nàng thẳng thắn kể nhân sinh quan của nàng và cuộc chiến đấu bền bỉ để phát triển cá tính ra sao. Nàng bảo:
– Lần đầu tiên tôi hiểu rằng tôi không bình thường như những trẻ khác thì tôi có ý muốn trốn. Sanh ra mà hình thù kỳ quái như vầy thì thật là ghê gớm quá, có khác gì xúc phạm cả nhân loại không. Trường hợp của tôi còn tệ hơn một người thường bị cụt tay vì tai nạn. Tôi biết chứ, nhiều người chỉ trông thấy những kẻ kỳ quái như tôi cũng đủ tởm rồi. Mới đầu tôi đã mong chết cho rảnh, nhưng một hôm tôi tự nhủ, muốn làm cho người khác khỏi tởm là việc có thể được, mà cái đó chỉ tùy tôi thôi. Nếu tôi ráng tỏ vẻ bình thường, có thái độ của một người bình thường thì có lẽ người khác không thấy tôi là kỳ quái nữa.

“Điều khó khăn nhất là làm sao thắng cái bản năng muốn trốn của tôi. Tôi tập nhập bọn với các trẻ khác mà không thèm che giấu tật nguyền của mình. Nếu các bạn tôi đòi coi vai tôi thì tôi chìa cho họ coi. Tôi đỏ mặt tía tai vì xấu hổ đấy nhưng tôi rán chịu. Không bao giờ tôi khóc trước mặt người lạ và tôi rán cười cho nhiều. Có lẽ ông không biết rằng cười có thể là một thói quen, nhưng tôi thì tôi biết khi cười là một vấn đề sinh tử thì ai cũng có thể tập cười được.

“Điều mà tôi không sao chịu nổi là lòng thương hại của người khác, vì vậy tôi rán thích nghi với hoàn cảnh. Tôi có cảm tưởng rằng cả trong giấc ngủ tôi cũng tập thích nghi nữa. Và tôi chú hết tâm vào việc làm cho bề ngoài của tôi được dễ coi. Sau một thời gian, tôi tự thuyết phục tôi được rằng tôi có thể làm cho người khác không thấy tởm, xa lánh tôi nữa mà chú ý tới tôi.
Ý nghĩ đó đã cứu vớt tôi. Tôi không còn làm nhục cho nhân loại nữa bằng cách tỏ cho ai nấy thấy nguồn sinh lực kỳ diệu của cơ thể con người.
Tôi tiếp lời:
– Và thấy sức mạnh đáng kính của tâm hồn con người.

Nàng rưng rưng nước mắt, mỉm cười, lấy chân mặt đưa khăn mùi xoa lên chùi mắt. Rồi nàng xỉ mũi thật mạnh, làm cho cả hai chúng tôi đều cười, không khí hết ngột ngạt. Nàng nói tiếp:

– Một số người có lẽ cho rằng tôi trườn mặt ra với thiên hạ như vầy, thật là vô duyên. Nhưng tôi quyết chiến đấu cho họ mất cảm tưởng đó đi. Gặp những người lạ nào bỗng thấy tật nguyền của tôi mà có vẻ chướng mắt thì tôi làm một cử động thật tài tình, chẳng hạn đưa một chiếc lược lên chải tóc. Những người đó tức thì trố mắt ra và mặt họ tươi rói. Điều tôi quí nhất là các bạn thân của tôi đều coi tôi như một người bình thường”.

Riêng phần tôi, tôi phải thú nhận rằng tôi quên hẳn tật nguyền của nàng, nhưng trước mặt nàng, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên khâm phục nàng chứ không coi nàng như một người bình thường bao giờ. Nàng đã tự tạo được một cá tính lạ lùng. Nàng nói chuyện vui vẻ, có duyên, ăn bận thanh nhã, biết làm nổi bật nét đẹp của nàng lên làm cho người khác không để ý tới hai vai co rúm lại của nàng nữa.

Nàng rất ít khi phải nhờ người giúp đỡ, tự xoay xở lấy một cách tài tình lạ lùng, thành thứ tôi quên rằng nàng tàn tật. Sách, đồ vật của nàng, nàng đeo lên vai, đưa cằm ra đỡ[*]. Chân của nàng mềm mại lạ thường, thay cánh tay được.

Một hôm tôi gặp nàng trong phòng một sĩ quan, gỡ một cây viết máy để trên cái giá, vặn nắp ra, viết một cách rõ ràng, rồi lại đặt cây viết vào chỗ cũ. Nàng đan suốt ngày và đan khéo hơn nhiều bà hay cô có đủ cả hai bàn tay nữa. Nàng đánh phấn bằng những ngón chân, chiếc gương đặt thăng bằng trên mu bàn chân kia. Nàng lật trang sách hay báo, hút thuốc cũng dễ dàng, duyên dáng như một bà già quí phái.

Trước khi lên bờ, tôi mời ông chú, bà thím nàng và nàng trên đường về, ghé nhà tôi chơi để vợ chồng được cái hân hạnh tiếp đón. Hai ông bà nhận lời.

Về tới nhà, tôi kể lại chuyện đó cho bạn bè, họ không tin. Một người làm y sĩ bảo cứ xét cách cấu tạo của cơ thể con người, thì chân không thể làm những việc như vậy thay tay được.

Nhưng khi ba vị khách của tôi tới, nhà tôi làm bữa tiệc để đãi thì cả những người hoài nghi nhất cũng phải chưng hửng.
Tôi thư từ với thiếu nữ đó trong một thời gian rồi chúng tôi dọn đi ở nơi khác, từ đó bặt tin của nàng. Nhưng những ai đã được tiếp xúc với nàng đều nhận rằng nàng đã chứng minh một cách linh động rằng tinh thần con người có thể có một sức mạnh vĩ đại vô cùng.

Edison Marshall
____

[*] Tháng 11 năm 1954 ở phòng Triển lãm Galerie du Tertre 67 đường Maubeuge, Paris có bày 60 bức tranh sơn dầu của cô Denise Legrix, biệt hiệu là Daisy. Cô sanh ra cũng không có cánh tay, tập vẽ từ hồi mười tuổi, đặt cây cọ vào nách mà vẽ. (Lời cước chú trong bản tiếng Pháp).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.