Ý Cao Tình Đẹp

HAI HIỆP SĨ BÉ CON Ở THỊ TRẤN VÉRONE



Một buổi sáng trong trẻo dưới bầu trời Ý, xe chúng tôi đang lăn trong cánh đồng, dưới chân dãy núi Alpes, khi tới vùng ngoại ô thị trấn Vérone thì hai đứa nhỏ ra hiệu ngừng xe lại và chìa cho chúng tôi hai giỏ đan bằng miên liễu.

Những trái dâu và “frainboise” (phúc bồn tử) tươi bóng, lót trên lớp lá xanh thẫm trong giỏ màu trắng, coi cũng đẹp mắt, nhưng chú Luigi, người lái xe cho chúng tôi, thấy vẻ lam lũ của hai đứa nhỏ, nổi quạu lên, cản chúng tôi :

– Đừng mua của tụi ăn mày này. Tới Vérone thiếu gì trái tươi tốt hơn… Và biết đâu chừng, tụi nhãi này…

Đúng vậy, trông y phục thảm hại của chúng không ai còn muốn mua nữa. Một đứa bận một chiếc “pullover” sờn, một chiếc quần cụt cắt bậy trong một chiếc quần dài bằng kaki, đứa kia khoác một chiếc áo nhà binh cũ đã hớt ngắn, rộng thùng thình, nhăn nhúm mà thân mình nhỏ con của nó lại ốm tong teo, chỉ còn da với xương. Vậy mà… Vậy mà nhìn vẻ mặt rám nắng, đầu tóc bù xù, nhìn cặp mắt đen cương quyết của chúng, tôi thấy có cái gì thu hút kỳ dị, và tôi cho rằng lời xét đoán của chú tài xế có phần không đúng.

Ông bạn đồng hành của tôi hỏi chuyện hai đứa nhỏ : đứa lớn tên là Nicola, chưa đầy 13 tuổi ; đứa nhỏ tên là Jacopo, đầu chỉ ngang cái tay nắm cửa xe, chưa đầy 12 tuổi. Chúng tôi mua cho chúng một giỏ lớn trước khi vô thăm cảnh mê hồn của Vérone.

Thị trấn tuyệt thú đó còn nhiều con đường từ hồi trung cổ mà tại góc đường nào cũng thấy một kho tàng bí mật đầy những di tích lịch sử. Chính tại dưới bóng những lâu đài cổ kính đẹp đẽ đó mà Roméo đã yêu Juliette và cả hai đều để lại cái luồng không khí duyên dáng, vui vẻ trẻ trung mà những cuộc dội bom trong thế chiến vừa rồi không làm tiêu tan được mặc dầu đã tàn phá các cầu trong thị trấn.

Tới hôm trước thì sáng hôm sau, vừa ra khỏi khách sạn, chúng tôi ngừng lại, vui mừng gặp được hai em bán dâu. Chúng ngồi ở gần hồ nước tại công trường lớn, với một hộp kem ở trước mặt và đương bận rộn đánh giày cho khách qua đường.
Chúng tôi đợi cho chúng hơi ngớt tay rồi mới tiến lại gần. Thấy chúng tôi mặt chúng tươi lên, vui vẻ một cách thân mật.
Tôi bảo :

– Tôi tưởng các cháu chuyên bán trái cây chứ.
Nicola đáp, giọng rất nghiêm trang :

– Chiếc cung của chúng cháu có tới mấy cái dây lận [1]. Có khi chúng cháu dắt cả du khách đi thăm thành phố nữa. Chúng cháu chỉ cho họ mộ của Juliette và nhiều cái lạ khác nữa.

Nhìn cặp mắt em, tôi biết rằng em đang ước ao điều gì rồi và tôi không muốn làm cho em thất vọng. Tôi mỉm cười :
– Nếu vậy thì tốt lắm, Nicola cháu hướng dẫn chúng tôi nhé.
Tôi phải thú thực rằng trong buổi đi thăm thị trấn đó, càng để ý tới thái độ của hai em đó tôi càng ngạc nhiên. Em Jacopo mặc dầu cặp môi lợt lạt khác thường nhưng nhanh nhẹn như con sóc; còn nụ cười của Nicola vừa cương quyết vừa niềm nở. Cả hai còn là con nít thật đấy, đôi khi rất đỗi ngây thơ nữa, nhưng nét mặt có một vẻ nghiêm trang làm cho ta phải nể, và một vẻ quả quyết già dặn hơn tuổi nhiều.

Qua tuần lễ sau thì chúng hóa ra cần thiết cho chúng tôi nên chúng tôi gặp chúng thường lắm. Sốt sắng mà lại giỏi giang, nhờ việc gì cũng được; kiếm thuốc điếu Mỹ này, giữ chỗ ở hí viện này, hoặc tìm những khách sạn nổi tiếng về món “ravioli”[2].

Và luôn luôn làm việc hăng hái lạ lùng. Ngày mùa hè thì dài mà dù là buổi trưa dưới ánh nắng chang chang hoặc buổi chiều trong ngọn gió mát từ núi thổi xuống, lúc nào cũng thấy hai anh em hoặc đánh giày ở công trường, hoặc bán trái cây ở các ngã tư, hướng dẫn các du khách, chạy các việc vặt cho người này người nọ, tóm lại là nhất định nắm lấy mọi cơ hội để kiếm ăn tại thị trấn cổ đó, trong thời buổi khó khăn đó.

Một đêm, chúng tôi bắt gặp chúng ngồi nghỉ ở công trường vắng tanh; gió thổi ào ào. Dưới ánh sáng mờ mờ của cây đèn lồng ngoài đường, Jacopo ngồi ngay ở vỉa hè, gục đầu vào vai Nicola mà ngủ. Còn Nicola, ngồi ngay ngắn, nét mặt bơ phờ vì mệt nhọc, nhìn một chồng báo chưa bán được.
Tôi hỏi :

– Ủa Nicola, làm gì mà trễ thế cháu ? Gần nửa đêm rồi.
Thấy tôi lại gần, em giật mình nhưng rồi vẻ nhìn của em lại bình tĩnh, tự chủ ngay được.
– Chúng cháu đợi chuyến xe ô tô buýt từ Padoue tới. Tối nào, hành khách trên xe cũng mua hết các số báo cho cháu.

– Nhưng các cháu cần gì mà phải làm việc cực khổ tới mức đó. Coi bộ các cháu mệt đừ rồi.

– Thưa ông, chúng cháu không thấy cực ạ.
Câu trả lời đó giọng tuy lễ phép nhưng làm cho tôi không muốn hỏi thêm nữa, e rằng tọc mạch, không lịch sự. Nhưng sáng hôm sau, khi lại gần hồ nước nhờ em Nicola đánh giày cho, tôi cũng quỷ quyệt tìm cách để nối lại câu chuyện.
– Nicola, tôi tưởng hai anh em cháu cùng làm việc từ mờ sáng tới nửa đêm như vậy thì chắc là kiếm được nhiều tiền lắm. Mà các cháu chẳng may mặc gì cả, ăn thì lần nào tôi cũng thấy chỉ có một khúc bánh với vài trái sung. Vậy thì kiếm được tiền, các cháu để làm gì ?

Mặt rám nắng của em đỏ lên rồi tái đi. Em đăm đăm nhìn những phiến đá lót đường. Tôi tàn nhẫn nói tiếp :

– Bộ các cháu tính để dành tiền đi du lịch một chuyến sao đấy.
Em liếc ngó tôi và gắng sức đáp :

– Dạ, được du lịch một chuyến thì chúng cháu sung sướng lắm, nhưng ngay ở đây, chúng cháu cũng đã có vài dự định khác rồi.
– Dự định gì vậy ?
Em gượng gạo mỉm cười và trong cặp mắt em lại hiện lên cái vẻ nghiêm trang, cách biệt luôn luôn làm cho tôi ngạc nhiên. Rồi em lẩm bẩm :

– Dạ, thưa ông… những dự định… Như để kết thúc câu chuyện, tôi bảo :
– Này cháu ! Thứ hai, chúng tôi sẽ rời Vérone. Trước khi đi, tôi có thể giúp các cháu được việc gì không ?
Nicola lắc đầu, còn cánh mũi của Jacopo hỉnh hỉnh lên như một con chó con, và em vội vàng nói xen vào bằng giọng the thé của một em bé :

– Chủ nhật nào chúng cháu cũng đi thăm người quen ở Poleta. Ở nhà quê, cách đây ba chục cây số. Chúng cháu thường mướn xe đạp, ông làm ơn chở chúng cháu được không ?
Tôi đã cho chú tài xế nghỉ bữa chủ nhật đó, nhưng tôi đáp ngay :
– Được, tôi sẽ đích thân lái xe đưa các cháu đi Poleta.
Hai em làm thinh. Nicola nhìn em có vẻ không tán thành. Rồi cương quyết nói với tôi :
– Thưa ông, chúng cháu tuyệt nhiên không muốn làm phiền ông.
– Có phiền tôi cái gì đâu.
Nicola cắn môi và nói, giọng có vẻ như chấm dứt câu chuyện.
– Thưa ông, như vậy thì xin vâng.

*
* *

Vậy buổi chiều hôm sau, cả ba chúng tôi ngồi xe lại làng Poleta, một làng nhỏ cảnh rất đẹp. Cheo leo trên một sườn đồi rợp bóng cây dẻ. Đỉnh đồi là một lùm thông, và ở chân đồi, một cái hồ sâu thu hút tất cả ánh sáng trên vòm trời. Tôi tưởng các em lại thăm một căn nhà tầm thường nào trong làng, nhưng Jacopo cất giọng the thé xin tôi ngừng xe lại trước một biệt thự lớn nóc đỏ, chung quanh có một bức tường cao. Không để cho tôi kịp thở, hai em nhảy ngay ra khỏi xe.

– Thưa ông, chúng cháu chỉ vô độ một giờ là nhiều. Ông lại uống cà phê đợi chúng cháu ở công trường, có lẽ như vậy tiện hơn cả…

Vừa nói xong, các em đã biến mất sau bức tường.

Sau vài phút do dự, tôi bước vô theo, tới một cái cổng, và quả quyết kéo chuông.
Một người đàn bà vẻ mặt thanh tú, nước da hồng hào, đeo cặp kính gọng bằng sắt, ra mở cửa và tôi ngạc nhiên thấy người đó bận đồng phục trắng của các y tá.
Tôi bảo :
– Xin lỗi bà, tôi mới lái xe đưa hai em nhỏ lại đây…
Vẻ mặt bà ta tươi rói và bà vội vàng mở rộng cánh cửa.
– Phải, hai em Nicola và Jacopo… Để tôi dẫn đường ông.
Bà ta nhã nhặn dắt tôi vô biệt thự đổi làm dưỡng đường đó. Trước hết, chúng tôi đi qua một căn phòng ngoài mát mẻ, lát gạch, rồi theo một hành lang dài lát gỗ đánh xi bóng loáng, hai bên là những phòng bệnh nhân sắp đặt rất đàng hoàng. Lên hết cầu thang thứ nhất, tới một cái ban công hướng về phía Nam, từ đó nhìn bao quát được cả khu vườn và mặt hồ màu xanh dương. Bà y tá ngừng lại trước cửa khép kín của một căn phòng, đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho tôi im lặng, rồi mỉm cười chỉ cho tôi ngó qua một tấm kính trên cánh cửa.

Tôi nhìn vào thấy một phòng mát mẻ, sạch sẽ, hai em ngồi ở đầu giường một thiếu nữ trạc hai mươi tuổi đương mỉm cười âu yếm nhìn hai em mà không để ý lắm đến câu chuyện liến thoắng của chúng. Nàng bận một chiếc áo ren đẹp, có hoa, ngồi dựa vào một chồng gối. Mặc dù nàng đau ốm vì tôi thấy hai gò má đỏ bừng, mà lại ngồi yên không nhúc nhích, có cái gì khác thường, tôi cũng nhận được họ là chị em ruột vì nét mặt rất giống nhau. Trên chiếc bàn kê ở sát giường, có một bó hoa đồng nội, một đĩa trái cây và một gói sách.
Bà y tá hỏi tôi :
– Ông có muốn vô không ? Cô Lucia sẽ mừng lắm đấy.
Tôi khoát tay ra dấu rồi lánh đi. Tôi tự cảm thấy không có quyền xen vào phá cuộc hội họp thân mật, âu yếm của mấy chị em đó. Nhưng vừa xuống cầu thang tôi vừa xin bà kể cho tôi nghe chuyện của hai em nhỏ, và bà vui vẻ kể liền.

Hai em không còn ai là người thân, trừ cô chị Lucia. Thân phụ của các em, xưa là kép hát nổi danh ở Scala, sau khi góa vợ, tận tâm nuôi các con, nhưng bị bom đạn chết ngay từ đầu chiến tranh. Ít lâu sau, nhà cũng bị tàn phá, và ba đứa trẻ đương sống một cuộc đời sung túc, được ăn học đàng hoàng thì phải chịu cái cảnh đói rét, lang thang. Em Lucia đương học hát, phải bỏ, còn đau khổ hơn hai em trai nữa. Mùa đông ở Vérone rất lạnh, các em phải tự dựng lấy một cái chòi trong cảnh tan hoang của thị trấn. Rồi đạo “tinh binh” của Đức đặt đại bản doanh ở Vérone, và suốt ba năm đau khổ, cai trị thị trấn tội nghiệp đó một cách tàn nhẫn vô cùng. Hai em trai lớn lên trong lòng căm hận tụi xâm lăng, và khi bộ đội kháng chiến bí mật tổ chức rồi thì chúng ra bưng liền. Không phải chỉ gia nhập cho vui, coi chiến tranh là một trò đùa đâu. Hai em kháng chiến thực sự kia. Vì tuổi còn nhỏ xíu, thân mình lại bé tí tẹo mà biết kỹ mọi nơi trong miền, nên hai em hóa ra cần thiết cho bộ đội. Hai em làm liên lạc viên, và việc này mới nguy hiểm hơn, dò la các cuộc chuyển quân của Đức. Bà y tá rưng rưng nước mắt, kể tiếp :

– Ông ạ, ông không thể nào tưởng tượng nổi sự can trường của hai em đó! Y như các chiến sĩ anh dũng, hai em vượt núi ban đêm, giấu tin tức và mật lệnh trong gót giày, quân địch mà bắt được thì thế nào cũng hạ sát liền chứ không tha. Và khi chiến tranh mới chấm dứt thì hai anh em trở về kiếm chị ngay, thật là tự nhiên, giản dị, không hãnh diện chút gì về những hoạt động của mình. Hỡi ơi!… gặp chị thì chị đã bị bệnh lao xương, có lẽ vì sống thiếu thốn, cực khổ quá.

Tới đó, bà y tá ngừng một chút, thở dài :

– Chẳng cần thưa thì ông cũng rõ, bẩm sinh can đảm, có nghị lực như hai em đó thì không khi nào chịu bỏ cuộc. Nicola và Jacopo bèn đưa chị lại dưỡng đường này, xin chúng tôi săn sóc cho. Lucia đã nằm ở đây được một năm và bệnh đã thuyên giảm. Chẳng bao lâu nữa, nàng sẽ đi được, và – biết đâu chừng? – sẽ hát được nữa. Nhưng lúc này sự tiếp tế lương thực rất khó khăn và tốn kém. Mặc dầu chúng tôi rất có thiện chí mà cũng không thể nào giữ hoài một bệnh nhân nếu không đóng đủ tiền phòng. Và, ông ạ, hai em đó đã đóng tiền phòng cho chị, đều đều mỗi tuần, không khi nào trễ. Tôi không biết các em ấy làm sao kiếm được đủ tiền, và tôi cũng không muốn hỏi thẳng các em. Không dễ gì mà kiếm được việc ở Vérone lúc này, nhưng tôi chắc chắn rằng bất kỳ làm việc gì thì hai em đó cũng tận tâm.
Tôi đáp:
– Thưa bà, bà nói đúng đấy. Không ai có thể làm việc can đảm hơn hai em đó nữa.

Tôi đứng đợi ở cổng đợi hai em trở ra rồi chúng tôi cùng quay về Vérone. Hai em ngồi bên cạnh tôi, không nói một lời nào cả, nhưng coi nét mặt, cử chỉ, thấy có vẻ hoàn toàn yên dạ, thỏa mãn. Tôi cũng không hỏi các em một câu nào cả: tôi muốn cho các em được hãnh diện rằng giữ kín nỗi bí ẩn trong lòng, không thổ lộ với ai. Nhưng nghĩ tới niềm hy sinh âm thầm của hai em, lòng tôi dào dạt một niềm xúc động. Ngay cả chiến tranh với biết bao nỗi đau khổ nó gây ra, cũng không làm cho hai em nản chí mà chỉ làm cho tâm hồn hai em cao cả thêm lên thôi. Chiến tranh đã bắt hai em phải già trước tuổi, hai em nghiêm trang, can đảm nhận sự thử thách đó. Chính nhờ những hành động cao thượng âm thầm đó mà đời người mới giữ được tính cách cao quí và xã hội đau khổ của chúng ta mới giữ được niềm tin ở tương lai.

A.J. Cronin
________

[1] Ý nói biết nhiều nghề, không có việc này để làm thì làm việc khác.
[2] Món thịt băm ăn với nước “sốt” và phó mát xắt thành bột.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.