Ý Cao Tình Đẹp

MỘT MÌNH TRÊN BIỂN SUỐT MỘT NGÀY



Mới rồi tôi bị một cơn chán nản mà nhiều người cứ lâu lâu lại trải qua một lần: bỗng nhiên nguyên khí hạ thấp xuống, thấy cái gì cũng ảm đạm, vô vị, sinh lực giảm thiểu, hết hăng hái. Công việc làm ăn của tôi bị ảnh hưởng tai hại. Buổi sáng nào tôi cũng nghiến răng càu nhàu: “Hôm nay thì nhất định phải tìm lại được cái ý nghĩa trước kia của cuộc sống; thế nào cũng phải thoát khỏi cái tâm trạng này mới được”.

Nhưng rồi những ngày vô nghĩa cứ kéo dài ra và sự tê liệt về tinh thần mỗi ngày một tăng. Sau cùng tôi thấy rằng phải nhờ một người nào cứu giúp mới được.
Tôi kiếm một y sĩ không chuyên môn, không phải là một nhà phân tâm học, một y sĩ thường thôi, lớn tuổi hơn tôi, tuy bề ngoài có vẻ quạu quọ nhưng lòng rất nhân từ.
Tôi rầu rĩ thú thật:

– Tôi không biết bị cái chứng gì, nhưng tôi có cảm tưởng rõ rệt rằng tôi không có lối thoát. Ông có thể trị cho tôi được không?
Ông ta chậm rãi đáp:
– Tôi không dám quyết.
Ông chắp tay, đầu ngón tay bên này chống đầu ngón tay bên kia, ngó tôi một hồi lâu, rồi thình lình hỏi tôi:
– Hồi nhỏ, ông ở đâu thấy thích nhất?
– Hồi nhỏ ư?… Có lẽ tôi thích bờ biển nhất.
Chúng tôi có một căn nhà nhỏ ở bờ biển, cứ mùa hè ra đó nghỉ mát, thú lắm.

Ông ta ngó qua cửa kính nhìn những lá vàng lả tả, cuốn theo chiều gió.

– Ông có thể theo đúng lời tôi chỉ bảo, chỉ trong một ngày thôi, được không?

Tôi đáp:
– Tôi xin sẵn sàng thử bất kỳ cái gì.
– Được. Đây, ông nghe tôi dặn. Sáng mai ông lái xe ra bờ biển, phải ráng tới bờ biển trước chín giờ. Mang theo bữa trưa đi, nhưng cấm ngặt không được đọc sách báo, viết lách, nghe máy thâu thanh hoặc nói chuyện với bất kỳ ai. Tôi cho ông mấy toa thuốc, cứ ba giờ thì làm theo đúng như tôi dặn.

Ông ta xé bốn tờ giấy, viết lên mỗi tờ vài chữ, gấp lại, đánh số rồi chìa cho tôi:

– Uống những thuốc này lúc 9 giờ, giữa trưa, 3 giờ và 6 giờ chiều.
Tôi hỏi:

– Ông không đùa đấy chứ? Ông ta khẽ cười:

– Ông sẽ phải trả tiền coi mạch đấy, không phải chuyện đùa đâu.

*
* *

Sáng hôm sau, tôi lái xe ra bờ biển mà lòng hơi hoài nghi. Chỗ đó thật vắng vẻ. Gió bấc thổi và mặt biển xám như cau mày lại; ngồi trong xe tôi chán ngán nghĩ tới cái nông nỗi phải ở bờ biển đó suốt một ngày dài. Tôi lấy miếng giấy thứ nhất ra đọc: Lắng tai nghe.

Tôi tưởng tôi đọc lộn chứ! Tôi nghĩ bụng: “Ông này điên thật tình rồi. Ông ấy cấm mình đủ thứ: nhạc, tin tức đài phát thanh, nói chuyện với người khác; như vậy thì còn cái gì để nghe nữa mà bảo mình phải lắng tai nghe?”

Tôi ngẩng đầu lên, lắng tai. Không có một tiếng động nào cả, trừ tiếng sóng gầm đều đều, tiếng kêu the thé của một con hải âu, tiếng vù vù của một phi cơ bay rất cao, mà tất cả những tiếng đó đều quen tai quá rồi.

Tôi bước ra khỏi xe, một luồng gió sập mạnh cánh cửa xe. Tôi tự hỏi: “Mình phải lắng nghe tất cả những của nợ đó sao?”
Rồi tôi leo lên một động cát ngồi ngắm bờ biển hoang vắng. Ở đây, biển gầm lên dữ dội tới nỗi át hơn mọi tiếng khác. Bỗng tôi nghĩ bụng: “Vậy mà nếu lắng tai, gí sát tai vào thì tất cũng vẫn nghe được tiếng cát di động sạo sạo nhè nhẹ và tiếng gió lào sào khi thổi lên động cát”.
Rồi như có một cái gì thúc đẩy tôi cúi xuống, rúc đầu vào một đám cỏ ong ở bờ biển, mà không thấy vậy là kỳ cục. Và tôi phát kiến được điều này: nếu ta chú ý nghe thì sẽ thoáng có một lúc mà mọi sự sinh hoạt như ngưng đọng lại, chờ đợi, mọi tư tưởng bỗng hết quay cuồng trong đầu óc, không thể nào chú ý nghe một cái gì ở ngoại giới mà không làm cho tiếng động của nội tâm phải im bặt. Óc lúc đó được nghỉ ngơi.

Tôi trở về xe, ngồi sau tay lái. Lắng tai nghe. Tôi lại nghe tiếng gầm của biển và nghĩ tới sự mênh mông của biển, những tiết điệu lạ lùng của nó, tới mặt biển đẹp như nhung dưới ánh trăng nhưng lừa gạt ta, nguy hiểm như một cái bẫy, tới những làn sóng viền bọt trong dông tố, tới những bài học nó dạy cho chúng ta hồi nhỏ: bài học kiên nhẫn, vì không thể bắt thủy triều xuất hiện mau hơn được; bài học thận trọng, vì không nên đùa với biển cả; bài học về sự liên quan bí mật và mênh mông giữa mọi vật; gió, thủy triều, luồng nước, trời lặng, mưa hoặc bão, tất cả những cái đó hòa hợp với nhau mà quyết định con đường di thê của cá và chim. Và bài học sạch sẽ nữa: không có một bãi biển nào không được ngọn chổi mênh mông của biển quét sạch mỗi ngày hai bận.

Tóm lại, tôi trầm tư về những cái vượt ra khỏi bản thân nhỏ bé của tôi, nhờ vậy, làm nhẹ được gánh nặng ưu tư của tôi.

Nhưng thời gian đi chậm quá: đã bao lâu nay tôi có thói quen gặp vấn đề gì thì sấn vào giải quyết, bây giờ ở không, tôi thấy bơ vơ. Trong khi tôi tiếc rẻ nhìn cái máy thâu thanh trong xe thì bỗng một câu của Carlyle hiện ra trong óc: “Các tác phẩm lớn lao thành hình trong sự yên lặng”.

*
* *

Tới giữa trưa, gió đã làm tan hết các đám mây, và mặt biển nhấp nhô vui vẻ lấp lánh: tôi mở ra coi “toa thuốc” thứ nhì, và lại ngồi xuống: nửa thấy ngộ nghĩnh nửa bực mình. Toa này gồm sáu chữ: Ráng trở lui về dĩ vãng.

Trở lui về dĩ vãng? Làm sống lại dĩ vãng? Tại sao? Tôi ưu tư là ưu tư về hiện tại và tương lai kia mà!
Tôi rời xe, trầm ngâm đi bách bộ theo các động cát. Ông y sĩ đó bảo tôi ra bờ biển vì bờ biển nhắc nhở tôi những hồi ký đẹp đẽ thời nhỏ: có lẽ vì vậy mà phải làm sống lại kho tàng hạnh phúc đã chìm trong sương mù của thời gian chăng?

Tôi kiếm một chỗ khuất, nằm dài trên lớp cát ấm ánh nắng. Ráng trở ngược lên nguồn của dĩ vãng, tôi thấy lấp ló những hồi ký sung sướng nhưng mơ hồ: những vẻ mặt mờ mờ, xa xăm, những hình ảnh đã chôn kỹ từ lâu.

Và tôi nảy ra ý tô cho những ấn tượng mơ hồ đó thêm rõ, như một họa sĩ sửa lại màu, vẽ lại nét trên một bức tranh. Tôi chọn một việc đặc biệt nào đó đã xảy ra, ôn lại được càng nhiều chi tiết càng tốt, tưởng tượng những người đã dự vào trong việc đó, một cách thật đầy đủ: từ y phục, cử động, giọng nói, tiếng cười (y sĩ đã khuyên tôi phải lắng tai nghe mà).

Thủy triều đã hạ, nhưng sóng còn gầm ở những chỗ đá ngầm. Tôi trở lại hai chục năm trước, nhớ buổi câu cá cuối cùng với em tôi. Tôi nhận thấy rằng nhắm mắt lại và chú hết tinh thần vào thì tôi có thể làm sống lại một cách rõ rệt lạ lùng hình ảnh người em yêu quí, trông thấy lại được cái khóe mắt vui vẻ, hăng hái của chú ấy trong buổi sáng xa xăm đó nữa.

Thực ra, tôi trông thấy lại được tất cả khung cảnh bãi biển hình vòng cung màu ngà, nơi chúng tôi câu, mặt trời mọc làm cho nền trời ở phương Đông như lem luốc, những lớp sóng cao viền bọt đập vào bờ; tôi cảm thấy nước âm ấm cuồn cuộn rút ra, buồn buồn ở đầu gối tôi; tôi thấy cần câu của em tôi uốn cong lại mỗi khi em tôi giật cá, tôi nghe thấy tiếng la hét mừng rỡ của em tôi khi bắt được cá. Tôi xây dựng lại hoạt cảnh đó, từng khúc từng khúc một, rõ ràng mà không sai, dưới lớp sơn trong suốt của thời gian. Rồi hình ảnh biến mất.
Tôi chậm chạp đứng lên. Ráng trở lui về dĩ vãng. Những người sung sướng thường rất tự tin. Cố ý tiếp xúc lại với hạnh phúc đã qua, chính là một cách giải thoát những tia nghị lực, nguồn li ti sinh khí của ta đấy.

Phần thứ nhì của ngày hôm đó trôi qua mau hơn. Trong khi mặt trời chầm chậm bắt đầu hạ xuống, tôi tham lam cố ôn lại nhiều dĩ vãng, sống lại giai đoạn này, tìm lại được giai đoạn khác đã hoàn toàn quên từ lâu. Một hôm, hồi đó tôi vào khoảng mười ba tuổi, em tôi mười tuổi – thân phụ tôi đã hứa dắt chúng tôi đi coi xiếc, nhưng rồi trong bữa trưa, có người kêu điện thoại bảo có việc gấp, thân phụ tôi phải lại hãng ngay. Anh em tôi đã sẵn sàng nhận nỗi thất vọng rồi, nhưng thân phụ tôi bình tĩnh bảo:
– Không, tôi không tới được: việc gấp gì thì cũng để đó.

Người trở về bàn ăn, thân mẫu tôi mỉm cười bảo:

– Gánh xiếc đó thường trở lại mà. Thân phụ tôi đáp:
– Phải, nhưng tuổi thơ không trở lại nữa. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, tôi còn
nhớ chuyện đó, và thấy lòng tôi ấm áp lên, tôi hiểu rằng không có một việc thiện nào mà hoàn toàn mất bao giờ cả.

*
* *

Khoảng ba giờ chiều, lúc nước ròng, tiếng sóng chỉ còn văng vẳng, đều đều từ xa đưa vào, như hơi thở của một người khổng lồ. Tôi nằm trên cát, sung sướng, thoải mái, và hơi tự đắc nữa: những toa ông ấy cho mình, có khó theo chút nào đâu.
Nhưng tôi không ngờ được nội dung trong toa thứ ba: không phải là một lời gợi ý nữa mà là một mệnh lệnh nghiêm nhặt: Xét lại các động cơ thúc đẩy ông hành động.
Phản ứng đầu tiên của tôi hoàn toàn có tính cách tự vệ: mình có làm cái gì bậy đâu mà phải xét lại.
Tôi muốn thành công: ai chẳng muốn thành công? Tôi muốn có chút danh vọng: mọi người cũng mong như tôi.

Có tiếng thì thầm trong thâm tâm tôi: “Có thể rằng động cơ của mình không được cao thượng lắm chăng? Có thể rằng vì vậy mà tinh thần của mình mất quân bình chăng?”
Tôi vốc lên một nắm cát rồi để cho nó chảy qua kẽ tay. Hồi xưa, mỗi khi tôi làm được một việc gì hoàn hảo thì là tự ý làm, vui vẻ làm, không chút bó buộc. Ít lâu nay tôi làm theo một lối “thông thái”, tính toán, lạnh lùng. Tại sao? Tại tôi còn nhắm cái gì khác ở ngoài công việc, nhắm phần thưởng mà tôi mong được hưởng: sự làm việc không còn là cứu cánh nữa mà thành một phương tiện để kiếm tiền.

Tôi bừng tỉnh, giác ngộ được chân lý này: khi động cơ của ta xấu thì không có gì tốt được cả, dù ta làm người phát thư, người hớt tóc, nhân viên hãng bảo hiểm hay bất kỳ một nghề gì khác. Hễ ta còn cái cảm tưởng rằng ta phụng sự xã hội thì công việc ta làm còn được hoàn hảo; nếu ta chỉ nghĩ đến tư lợi thôi thì công việc hóa kém, tồi đi: luật đó cũng nghiêm khắc như luật trọng lực vậy, không ai thoát khỏi nó.
Tôi ngồi đó trầm tư trong một hồi lâu. Ở ngoài xa, trên chỗ đá nổi, tôi nghe thấy tiếng sóng nhào ì ầm biến thành tiếng gầm; thủy triều đã dâng; sau lưng tôi, ánh tà chiếu gần như ngang ngang trên cảnh vật: sắp tới lúc rời bãi biển rồi. Tôi không thể không phục y sĩ đó: toa thuốc của ông tài tình thật mà ông có vẻ chép ra một cách dễ dàng, chẳng cần suy nghĩ gì nhiều. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng lối trị bệnh tuần tự đó có thể giúp được mọi người trong mọi nỗi khó khăn.

Lắng tai nghe: để tinh thần dịu xuống, thắng nó lại, không cho nó thắc mắc, ưu tư về những vấn đề nội tâm nữa mà hướng về thế giới bên ngoài.

Ráng trở lui về dĩ vãng: óc con người cùng một lúc chỉ có thể nghĩ tới một ý thôi; nghĩ tới những lúc vui đã qua thì tự nhiên quên hết các ưu tư hiện tại.

Xét lại các động cơ thúc đẩy ta hành động: lệnh nghiêm khắc đó chính là điểm cốt yếu của phương pháp: đánh giá lại động cơ để cho nó hòa hợp với khả năng và lương tâm của mình. Nhưng muốn làm được như vậy, thì trí óc phải sáng suốt và dễ thụ cảm, cho nên cần được chuẩn bị trước trong sáu giờ hoàn toàn im lặng.

*
* *

Khi mặt trời đỏ rực như một bầu lửa lớn ở chân trời, tôi lấy ra nốt miếng giấy cuối cùng. Lần này cũng chỉ có sáu chữ. Tôi tiến chậm chậm lại phía biển, khi còn cách mí nước lớn vài thước, tôi ngừng và đọc lại: Viết ưu tư lên trên cát.

Tôi tung cho tờ giấy bay theo gió, bước vài bước, lượm một vỏ sò rồi quì xuống, viết lên trên cát mấy chữ, chữ nọ đè lên chữ kia.

Sau cùng tôi về xe mà không quay lại ngó ở phía sau: tôi đã viết những ưu tư của tôi lên cát và thủy triều đương dâng.

Arthur Gordon


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.