13 VỤ ÁN

NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH



“Nào, bác sĩ Lloyd”, cô Helier lên tiếng “Ông có biết câu chuyện nào rùng rợn không?”
Nàng cười nhìn ông, nụ cười làm say mê khán giả mỗi đêm. Jane Helier một thời được tôn vinh là người đẹp nhất nước Anh, nhưng không ít đồng nghiệp của cô gièm pha rằng: “Tất nhiên Jane đâu phải là một nghệ sĩ. Cô nàng chỉ biết act (làm) thôi. Chắc các bạn hiểu ý tôi nói chứ. Nhìn thấy đôi mắt cô ta thì phải biết”.
“Đôi mắt đó đang nhìn chòng chọc như muốn khiêu khích ông bác sĩ mái tóc đã điểm sương, người đã tích cực cứu chữa cho nhân dân trong làng St. Mary Mead trăm năm qua”.
Ông lúng túng đưa tay cởi chiếc áo gi lê, chắc vì áo may hơi chật, ráng tìm ra chuyện để thỏa mãn trí tò mò của cô nàng.
“Tôi nghĩ là”, Jane mơ màng nói, “tôi nay tôi thích nghe những chuyện vụ án”.
“Tuyệt”, Đại tá Bantry nói với vị khách mời. “Phải nói là tuyệt vời”, ông khoái chí cười vang theo kiểu cười nhà binh, “Ô kìa, Dolly thế nào?”
Bà vợ chợt bừng tỉnh nhớ đến những chuyện rối ren trước mắt (bà đang lên kế hoạch chuẩn bị đi chơi xa) nên đồng ý ngay.
“Tuyệt quá rồi còn gì”, bà mừng rỡ dù trong đầu đang nghĩ chuyện đâu đâu. “Tôi cho là vậy”.
“Thật sao, bà?” Bà Marple vừa hỏi vừa nháy mắt.
“Chẳng có chuyện gì rùng rợn… lại càng ít chuyện hình sự… nhất là quanh St. Mary Mead đây, cô Helier biết quá mà”, bác sĩ Lloyd nói.
“Tôi lấy làm ngạc nhiên”, ngài Henry Clithering nói. Ông cựu cảnh sát trưởng Scotland Yard nhìn qua bà Marple. “Tôi nghe mấy ông bạn đồng nghiệp kể quanh vùng St. Mary Mead này là nơi hang ổ của bọn đồi trụy và tội phạm”.
“Thôi nào, ngài Henry!” Bà Marple phản đối, mặt mũi bà đỏ bừng. “Tôi không khi nào nói như thế. Tôi chỉ nói là bản chất của con người ở mọi nơi đều giống nhau chỉ có điều có người đã tạo ra những cơ hội và có thời gian rảnh để thực hiện tội ác”.
“Nhưng mà bà đã ở đó bao giờ chưa?” Jane Helier nói, ý nhắm vô ông bác sĩ, “ông đã từng đi trên đó – những nơi xảy ra đủ thứ chuyện trên đời?”
“Tất nhiên là vậy”. Bác sĩ Lloyd nói cố nghĩ cho ra. “Ồ, tất nhiên… ờ… Chà! Tôi nhớ rồi”.
Ông ngả người ra sau thở hắt ra một hơi.
“Chuyện đã mấy năm… tưởng đâu đã quên. Nhưng vẫn còn mới lạ, lạ lắm! Nhưng do một sự trùng hợp ngẫu nhiên tôi nắm được manh mối, điều này càng lạ hơn”.
Cô Helier xích ghế lại gần hơn chút nữa, điểm lại chút môi son, tai lắng nghe, mấy người kia cũng chăm chú.
“Trong số quý vị đây đã có ai được nghe nói tên quần đảo Canary”, ông bác sĩ mở đầu câu chuyện.
“Nơi đó đẹp lắm thì phải”, Jane Helier nói “Nằm ở vùng biển phía nam, đúng không? Hay có thể là vùng biển Địa Trung Hải?”
“Tôi đã tới đó một lần nhân chuyến đi qua Nam Phi”. Ông đại tá nói “Đi qua mũi Peak của Tenerife nhìn cảnh mặt trời lặn đẹp vô cùng”.
“Chuyện tôi sắp kể ra đây xảy ra trên đảo Grand Canary, không phải chỗ Tenerife. Đến nay đã lâu lắm rồi. Lúc đó do sức khỏe sa sút tôi phải tạm ngưng hành nghề ở nước Anh, ra nước ngoài an dưỡng. Nơi tôi đến hành nghề là Las Palmas một khu thị trấn trên đảo Grand Canary. Phải nói là tôi vô cùng sung sướng được sống tại nơi này. Khí hậu dễ chịu, quanh năm nắng ấm, có trò chơi lướt ván, tôi thích tắm nắng. Cuộc sống gần bến cảng thật thú vị. Las Palmas, nơi tàu hàng nước ngoài đi qua cập bến. Cứ sáng sớm tôi đi dạo trên bờ đê, trong khi mấy bà thích dạo phố mua sắm”.
“Như tôi đã kể tàu hàng khắp nơi trên thế giới ghé đến neo đậu bến Las Palmas có khi vài giờ, hoặc một hai ngày, rồi lại ra khơi. Ở đấy có một khách sạn lớn Metropole, nơi trú ngụ của khách du lịch quốc tế. Khách đi tàu đến Tenerife thường ghé lại đây nghỉ ngơi vài bữa trước khi tiếp tục hành trình!”
“Câu chuyện tôi sắp kể diễn ra tại khách sạn Metropole này. Một buổi tối tháng Giêng, hôm đó vào ngày thứ Năm. Buổi khiêu vũ bắt đầu, tôi với một người bạn ngồi bên chiếc bàn nhỏ nhìn quan khách nhảy nhót. Tôi nhìn ra đám đông gồm một ít khách người Anh và người nước ngoài người Tây Ban Nha đông hơn hết, khi ban nhạc trỗi lên bản tango, khoảng nửa số khách này bước ra sàn nhảy! Nhìn họ nhảy thật đep. Trong số này có một cô nàng có bước nhảy đẹp nhất, khiến bọn tôi ngồi ngây người ra, thưởng thức tài nghệ. Cô nàng cao ráo, xinh đẹp, nhún người theo nhịp, bước chân y như con beo cái đã được thuần dưỡng. Tuy vậy nhưng không phải là tay vừa. Tôi gợi lên điều đó cho bạn tôi nghe, hắn đồng ý liền”.
“Mấy cô nàng như em đó”, gã nói, “phải nói là dân sành điệu khó có ai qua mặt được”.
“Được làm người đẹp cũng khổ”, tôi nói.
“Đẹp không chưa đủ”, gã nói “Phải kể thêm thứ khác nữa. Này, nhìn kỹ cô nàng. Chà chắc phải có lắm chuyện scandal do cô nàng mà ra. Không ai qua mặt nàng về điều này được. Cuộc sống của nàng chắc hẳn sẽ có nhiều chuyện lạ và sôi động. Nhìn cô nàng có thể đoán ra được ngay”.
“Gã im lặng một lúc rồi, nhếch mép cười nói”.
“Cậu thử nhìn qua hai cô nàng khác ngồi đằng kia, với họ thì chẳng có gì đáng nói! Cuộc sống của họ êm đềm, có thể không có gì xáo trộn”.
“Tôi nhìn theo ánh mắt gã. Hai cô nàng gã vừa mới nhắc là khách du lịch đi theo tàu Holland Lloyd mới cập bến hồi chiều. Khách đi tàu cũng vừa mới ghé vô đây. Tôi nhìn theo hiểu ý gã muốn nói gì. Hai phụ nữ Anh… họ cùng đi trên một chuyến tàu. Tôi đoán khoảng bốn mươi tuổi. Một người da dẻ trắng trẻo… nhỏ con… mập ú, người nọ da ngăm nhỏ con… lại cũng nhỏ con… người gầy nhom. Thoạt trông dáng người trẻ trung, ăn mặc kín đáo, trầm lặng và không chút phấn son. Nhìn bề ngoài trầm lặng thì chắc chắn là dân Anh có học thức hẳn hoi. Không khoác trên người một vẻ hào nhoáng, cả hai như hàng vạn phụ nữ khác. Họ đi tham quan với cẩm nang du lịch trên tay, ngoài ra họ chẳng biết gì hết. Muốn vô thư viện hay đi nhà thờ Anh giáo nơi nào tùy thích, có thể một trong hai người đã biết sơ qua nơi này. Như lời bạn tôi kể nhìn hai người không có gì đáng chú ý, thế mà ai biết họ có thể đã đi hết nửa vòng trái đất. Nhìn họ xong rồi quay lại nhìn cô nàng người Tây Ban Nha nhảy đẹp, mắt đang lim dim, thấy vậy tôi mới bật cười”.
“Khổ thế”, Jane Heilier vừa thở ra vừa nói “Ở đời có lắm kẻ ngu xuẩn. Không biết khai thác khả năng trời cho. Cô nàng ở phố Bond Street… nàng Valentine… thật đáng khâm phục. Nàng đóng vai Andrey Denman, ông đã được xem vở ‘Một bước lùi’ chưa? Nàng là một học sinh được mời sắm vai lần đầu đã tỏ rõ tài năng. Vai Andrey ít ra cũng năm mươi tuổi. Vậy mà bây giờ bà tuổi gần lục tuần”.
“Ông kể ra đi”, bà Bantry nhắc nhở bác sĩ Lloyd nhớ. “Tôi thích nghe chuyện cô nàng Tây Ban Nha có đôi chân nhún nhảy thật đẹp mắt, làm cho tôi quên đi mình đang già, mập ú thế này”.
“Xin lỗi”, bác sĩ Lloyd phân bua. “Bà nhớ giùm cho câu chuyện này không phải nói về cô nàng người Tây Ban Nha”.
“Vậy sao?”
“Không phải vậy. Có thể cả hai chúng tôi đã nhầm. Câu chuyện hoàn toàn không nhắc tới người đẹp Tây Ban Nha. Cô nàng lấy chồng là một nhân viên hãng tàu. Đến lúc tôi rời đảo cô nàng đã năm con, giờ đã phát phì”.
“Khác nào đứa con gái của Israel Peters”, bà Marple phán một câu. “Con bé lên sân khấu diễn kịch khoe cặp đùi thon đẹp, thủ vai chính trong vở kịch câm. Mọi người cứ cho nó sau này chẳng ra gì, nhưng về sau con bé lấy được một tay lái buôn có cơ ngơi đồ sộ”.
“Cũng cùng một câu chuyện làng quê”. Ngài Henry nói khẽ.
“Không”, ông bác sĩ kể tiếp, “tôi muốn kể câu chuyện hai phụ nữ người Anh”.
“Chắc có chuyện gì đây?” Cô Helier thở ra.
“Có vấn đề. Nhưng là chuyện của ngày hôm sau”.
“Vậy sao?” Bà Bantry nôn nóng.
“Cũng vì hiếu kỳ, tối hôm đó lúc đi ngang qua quầy tôi mới liếc nhìn vô sổ đăng ký. Chẳng mấy khó khăn tôi nhìn ra cô Mary Barton và cô Amy Durrant quê ở Little Paddock, Caughton Weir, Bucks. Tôi ấn tượng với những cái tên này vì sau đó tôi lại gặp phải một vấn đề khá bí ẩn với chúng.
Qua bữa sau tôi chuẩn bị đi picnic với mấy người bạn. Đi xe ra đảo, ở lại ăn cơm trưa tại chỗ… tôi còn nhớ, dù đã lâu. Nơi đó là Las Nieves, một vùng vịnh yên tĩnh, tha hồ tắm. Chương trình đã được sắp xếp có điều bọn tôi ra đi hơi trễ, nên phải dừng lại cắm trại, buổi chiều trước giờ uống trà chúng tôi xuống tắm ở bãi Las Nieves.
Ra tới biển, nhìn thấy một đám đông lao xao. Dân làng đổ xô chạy ra biển. Vừa thấy người lạ, họ chạy xúm lai quanh chiếc xe, miệng nói huyên thuyên. Bọn tôi không thạo tiếng Tây Ban Nha, nghe một hồi mới hiểu, câu chuyện như sau:
Hai cô nàng nổi hứng rủ nhau tắm biển, một người bơi ra quá xa chắc là bị vọp bẻ. Người kia thấy vậy bơi ra cố kéo vô bờ, nhưng sức yếu sắp chết đuối, may ra có một người trông thấy, chèo thuyền ra cứu cả hai, người bơi ra trước e rằng khó cứu sống.
Vừa nghe qua câu chuyện tôi xô mọi người qua một bên, bỏ chạy ra biển. Tôi không thể nhìn ra cả hai. Cô nàng mặc đồ tắm màu đen, đội nón tắm màu xanh, ngước nhìn lên. Nàng quỳ xuống bên người bạn, hai tay thử làm mấy động tác hô hấp nhân tạo. Vừa nghe nói tôi là bác sĩ, cô này thở phào nhẹ nhõm, tôi yêu cầu đưa cô nàng vô dãy lều nghỉ mát để xoa bóp, thay đồ. Tôi giao việc cho một cô trong đoàn, còn tôi lo cứu chữa cho người bạn bị chết đuối nhưng không cứu được. Mạng sống con người quá mong manh, tôi đành chịu bó tay.
Tôi bỏ đi vô dãy lầu cùng với mấy người kia, lòng xót xa. Người sống sót thay đồ mới, nhìn mặt tôi nhớ ra ngay đây là một trong hai cô gái người Anh mà tôi đã thấy đêm qua. Nàng lặng lẽ nhìn bạn mình ra đi. Nỗi mất mát này không có gì có thể bù đắp được”.
“Tội nghiệp Amy”, nàng nói “Tội nghiệp Amy quá. Cô ta ao ước được ra tới đây tắm biển, một tay bơi lội rất giỏi. Tôi không hiểu nổi. Ông nghĩ sao về việc này, thưa bác sĩ?”
“Có thể nạn nhân bị vọp bẻ. Cô kể lại chuyện đầu đuôi ra sao”.
“Hai đứa tôi bơi được khoảng hai mươi phút, tôi còn nhớ. Tôi muốn quay trở vô, còn Amy thích ở lại, bơi ra xa hơn chút nữa. Cô ấy đang bơi, chợt tôi nghe kêu cứu. Tôi ráng bơi cho tới nơi thấy cô ấy còn nổi trên mặt nước vùng vẫy, níu chặt vô người tôi, rồi cả hai cùng chìm xuống. Nếu không gặp chàng thanh niên nhanh tay, kịp chèo thuyền ra cứu, có lẽ tôi cũng chết chìm theo”.
“Chuyện này nơi đây vẫn thường xảy ra”, tôi nói “Cứu người chết đuối không phải chuyện dễ”.
“Khiếp thật”, cô Barton kể lể. “Bọn tôi vừa ra tới đây hôm qua, được nghỉ ít bữa nên đi tắm biển phơi nắng. Giờ đây, lại xảy ra chuyện cảnh đau thương này…”
“Tôi hỏi thăm thân thế nạn nhân ra sao và muốn giúp đỡ nàng. Nhà nước Tây Ban Nha cần phải biết đầy đủ thông tin về nhân thân nạn nhân. Nàng kể cho tôi nghe”.
“Nạn nhân, cô Amy Durrant, là người bạn đồng hành, mới biết nhau được năm tháng. Hai người rất thân thiết, cô Durant kể lại sơ qua về những người thân. Cô ta là con mồ côi, từ nhỏ được một người chú nuôi dưỡng, đến hai mươi mốt tuổi cô ta sống tự lập”.
“Chỉ có vậy”, ông bác sĩ nói. Ông nghĩ ngợi một lúc mới nói chắc. “Chỉ có vậy thôi”.
“Tôi chưa hiểu”, Jane Helier nói, “Chỉ có vậy thôi… Tức là, một tai nạn thảm thương, tôi giả sử, nếu không phải vậy… Chà, không phải như tôi tưởng tượng một câu chuyện kinh dị”.
“Ta chờ nghe cho hết”, ngài Henry lên tiếng.
“Phải”, bác sĩ Lloyd nói “Ta chờ nghe cho hết. Quý vị biết không, ngay lúc đó có một chuyện lạ. Tất nhiên tôi hỏi ngay những ngư dân tại chỗ, và các thứ… họ đã nhìn thấy gì. Tôi gặp được nhân chứng tại chỗ. Một bà kể lại nghe rất buồn cười. Thoạt nghe tôi bỏ qua, mãi về sau sực nhớ lại. Bà nhìn thấy Durrant chưa đến nỗi phải chết đuối, lúc kêu cứu. Cô bạn bơi ra tới nơi, theo lời bà kể, dìm đầu cô ta xuống nước. Như đã kể tôi không để ý chuyện đó. Bởi nghe nó lạ tai, khác với những lời kể mấy ngư dân trên bờ. Cô Barton muốn dìm cho người bạn ngất ngư một hồi nên để nàng vùng vẫy níu chặt cho cả hai cùng chết đuối. Quý vị thấy, theo lời kể của người đàn bà Tây Ban Nha nghe như là… có thể nói, cô Barton muốn dìm đầu người bạn xuống nước”.
“Như đã kể thoạt nghe tôi không để ý, về sau tôi sực nhớ. Khó khăn ở chỗ ta chưa biết gì tung tích nạn nhân, cô Durrant. Dường như nàng không còn người thân. Tôi cùng với cô Barton truy tìm lai lịch từ đầu. Tìm ra một địa chỉ, chúng tôi viết thư báo tới đó mới hay căn phòng chỉ thuê để gởi đồ đạc. Bà chủ nhà không quen biết gì, chỉ nhìn thấy một lần khi nàng đến nhận phòng. Cô Durrant bảo muốn có một nơi để lui tới thường xuyên. Trong căn phòng còn vài món bàn ghế cũ kỹ, mấy bức ảnh chụp ở trường học, một cái rương đựng đầy hàng mua giá rẻ, không có một món tư trang. Cô kể lại với bà chủ, cô là con mồ côi, cha mẹ chết bên Ấn Độ lúc cô còn nhỏ, ông chú làm mục sư đem về nuôi, cô ta không nói ra ông là cậu hay là chú”.
“Câu chuyện không có gì bí ẩn, chỉ có điều ta chưa được thỏa mãn hết trí tò mò. Ta có thể thấy có nhiều phụ nữ sống độc thân và kín đáo như cô ấy. Tại Las Palmas còn lưu giữ mấy tấm ảnh trong số hiện vật nàng để lại, nhìn vô thấy mờ nhạt, cũ kỹ, được cắt xén bớt cho vừa khung ảnh, mất góc tên hiệu ảnh. Có một tấm ảnh chụp theo lối xưa, có thể là người mẹ hay bà ngoại gì đó”.
“Cô Barton còn nhớ có hai mối liên hệ của cô ta. Một thì đã quên, còn tên kia sau một hồi nhẩm lại cũng nhớ ra được. Bà này đã ra nước ngoài, qua Úc. Nàng muốn viết thư ngay. Chắc phải chờ lâu mới hồi âm và tới ngày nhận chắc chẳng giải quyết được gì. Nghe nàng kể cô Durrant là người bạn đồng hành và có thể nói là rất gắn bó, tính nết dễ thương, còn đời tư và những người thân thích thì hoàn toàn không ai biết”.
“Thật ra thì, tôi có thể nói không có gì lạ. Nhưng qua hai điều tôi cảm thấy không ổn. Cô nàng Amy Durrant lai lịch không ai biết và câu chuyện kể của người đàn bà Tây Ban Nha cứ ám ảnh tôi. Vâng, tôi xin nêu ra đây một điểm nữa: lúc tôi vừa nghiêng người xuống bên xác nạn nhân, cô Barton bỏ đi tới chỗ dãy lều trại của ngư dân, vừa đi nàng ngoái nhìn lại. Tôi có thể nhìn thấy trên nét mặt nàng một thoáng đau khổ xót xa… một nỗi đau còn in sâu trong trí tôi”.
“Lúc đó tôi cảm thấy chẳng có gì khác thường. Tôi nghĩ nàng đau đớn cho số phận người bạn, nhưng sau nghĩ lại không phải vậy. Không hề có chuyện hy sinh vì bạn bè, không có chuyện quá đau đớn. Cô Barton tự dưng thấy có cảm tình với Amy Durrant, nàng kinh hoàng trước cái chết người bạn, chỉ có vậy thôi”.
“Thế sao nàng đau khổ quá vậy? Vì lẽ đó tôi mới nghĩ lại. Cái nhìn của nàng thì không thể nhầm được. Tôi thấy nó ra làm sao ấy. Một nghi vấn chợt lóe lên trong đầu. Giả sử những lời kể của người đàn bà Tây Ban Nha là thật, giả sử Mary Barton nhẫn tâm muốn dìm đầu Amy Durrant xuống nước. Vừa muốn trấn nước hại bạn lại giả vờ cứu người lâm nạn. May sao có người chèo thuyền ra cứu. Bãi tắm ngoài đó vắng người, lại xa hơn. Thế rồi, đúng như nàng mong đợi. Đã có bác sĩ! Một bác sĩ người Anh! Nàng dư biết người chết đuối lâu như Amy Durrant không thể được cứu sống nhờ hô hấp nhân tạo. Nhưng nàng còn phải cho xong vai trò của mình rồi bỏ đi để tôi ở lại lo cứu nạn nhân. Nàng ngoái nhìn lại lần cuối. Lúc đó nhìn gương mặt nàng đau đớn vô cùng. Liệu Amy Durrant có thể được cứu sống để kể lại những gì cô ta biết”.
“Chao ôi!” Jane Helier kêu lên. “Nghe đến đây tôi muốn sởn óc”.
“Cứ nhìn câu chuyện theo chiều hướng đó thì thấy nó lạ lùng làm sao, lai lịch Amy Durrant càng mù mịt hơn. Amy Durrant là ai? Một người bạn đồng hành vô danh như sao lại bị giết chết bởi bàn tay của người bạn? Đằng sau tai nạn tắm biển còn ẩn chứa điều gì nữa? Cô ta được Mary Barton nhận vô làm một chân hầu bàn mới đây được mấy tháng. Mary Barton đưa cô ta ra nước ngoài, vừa đến nơi được một ngày, hôm sau cô ta gặp nạn. Đôi bạn dễ thương đúng là mẫu người Anh tao nhã giản dị! Câu chuyện càng ly kỳ hơn, đó là theo tôi nghĩ. Tôi muốn thả hồn cho trí tưởng tượng bay đi xa”.
“Ông không giúp gì được sao”. Cô Helier hỏi.
“Này cô em, tôi giúp gì được hở? Bằng chứng đâu. Các nhân chứng cùng khai như cô Barton. Tôi tự nêu lên nhiều điểm nghi vấn, chỉ có thể đặt ra một câu hỏi là mối quan hệ của Amy Durrant ra sao? Nay mai qua Anh tôi tìm gặp bà chủ nhà cho thuê phòng, tôi sẽ kể lại những gì đã nhìn thấy, như vừa kể ra cho cô em nghe”.
“Ông đã thấy được có mấy điểm khác thường” bà Marple nói.
Bác sĩ Lloyd gật.
“Hết phân nửa thời gian tôi cảm thấy xấu hổ vì việc làm đã qua. Sao phải nghi cho người phụ nữ Anh khả ái, xinh đẹp này nhẫn tâm muốn hại người? Tôi phải tỏ ra thân mật với nàng những lúc còn lưu lại trên đảo một thời gian ngắn. Cùng với chính quyền địa phương tôi đã cố gắng giúp nàng như là một người đồng hương nơi đất khách quê người, về sau tôi hiểu được nàng biết tôi nghi cho nàng và ghét bỏ nàng”.
“Cô nàng ở trên đảo bao lâu?” Bà Marple hỏi.
“Khoảng chừng hai tuần lễ. Cô Durrant được chôn cất tại đây, mười bữa sau nàng đáp tàu về bên Anh. Sau tai nạn nàng bị sốc bỏ luôn ý định ở lại chơi cho qua mùa Đông. Đó là những gì nàng nói”.
“Nàng bị sốc thiệt sao?” bà Marple hỏi. Bác sĩ lưỡng lự.
“À, điều đó không có nghĩa nàng phải đau đớn ra mặt”, ông dè dặt nói.
“Cụ thể là nàng không mập ra?” bà Marple hỏi.
“Bà biết không, đó là một điểm khá thú vị. Giờ tôi nhớ lại, bà hỏi nghe có lý. Tôi thấy nàng… vâng, dường như là hơi mập ra”.
“Khiếp quá”. Jane Helier rùng mình kêu lên, “Cô nàng mập ra nhờ vấy máu nạn nhân”.
“Hơn nữa, nghĩ lại tôi nhớ đã nghi oan cho cô nàng” bác sĩ Lloyd kể “Nàng đã nói một câu gì đó trước khi bỏ đi, làm ta có thể nghĩ theo một chiều hướng khác. Có thể là, mà chắc phải vậy, lương tâm nàng đã trỗi dậy, tuy có muộn màng… thấy đây là hành vi vô cùng táo tợn”.
“Ngay tôi hôm trước khi rời đảo Canaries, nàng mời tôi đến ngỏ lời cám ơn tôi đã bỏ công giúp đỡ nàng. Tôi không màng chuyện đó, vì bổn phận mà tôi phải làm thôi. Ngẫm nghĩ một lúc nàng chợt hỏi lại.
‘Ông có nghĩ là…’ nàng hỏi, ‘… một người có thể tự biện hộ cho mình khi nắm được luật lệ trong tay’.
Tôi cho nàng biết ngay đó là một câu hỏi khó trả lời. Nhưng nói chung theo tôi thì không được, bởi luật lệ là luật lệ, mọi công dân phải chịu tuân thủ?”
“Ngay cả khi luật không còn khả năng bảo vệ?”
“Tôi hoàn toàn không hiểu được”.
“Thật khó giải thích, nhưng một người có thể làm một hành vi được coi là sai trái hoàn toàn, nghĩa là được coi là phạm tội, ngay cả hành vi đó xuất phát do thiện ý mà ra”.
Tôi đáp lại một cách thẳng thừng, “có thể những tên tội phạm muốn nghĩ theo cách của bọn chúng ở thời điểm đó”, nghe nói nàng ngả người ra sau.
“Nếu vậy thì khiếp quá”, nàng nói khẽ. “Khiếp quá”.
“Rồi nàng đổi giọng nói, nhỏ nhẹ xin tôi cho một liều thuốc ngủ. Nàng cảm thấy khó ngủ kể từ lúc… nàng ngần ngừ, từ lúc nàng bị một cú sốc đau đớn”.
“Cô nói gì thế? Chuyện gì thấy khiếp? Hay cô em nghĩ ngợi gì ở trong đầu?”
“Ở trong đầu? Tôi có việc gì phải nghĩ ngợi trong đầu?”
“Nàng nói nghe kịch liệt, hoài nghi tất cả”.
“Lo nghĩ có khi dễ bị mất ngủ”, tôi nói nhỏ, vừa đủ nghe.
Nàng nghĩ ngợi một lúc.
“Ý ông là lo nghĩ chuyện ngày mai hay là lo nghĩ chuyện xưa cũ, cũng không làm sao thay đổi được?”
“Cả hai”.
“Chỉ có nghĩ ngợi chuyện đã qua mới là chẳng được ích gì. Làm sao tìm lại được cái đã mất. Chao ôi! Có ích gì! Đừng lo nghĩ, chớ nên lo nghĩ làm gì!”
“Tôi cho nàng một liều thuốc ngủ nhẹ rồi ra về. Vừa đi tôi chợt nhớ câu nàng vừa nói lúc nãy ‘Làm sao tìm lại được cái đã mất…’ Mất gì? Mất ai?”
“Tôi nghĩ ngay lần gặp gỡ cuối cùng sẽ báo hiệu có việc gì sắp đến. Tôi không mong đợi thế, nhưng khi nó đến, tôi không lấy làm ngạc nhiên. Bởi vì như mọi người đã biết, Mary Barton là một người phụ nữ hết lòng vì bạn chứ không phải là một kẻ có tội vì nhẹ dạ, một khi đã quyết tâm là quyết thực hiện, không một chút băn khoăn vì tin vào quyết định của bản thân. Tôi nghĩ trong đầu lần gặp gỡ cuối cùng nàng đã bộc lộ một chút hoài nghi về lòng quyết tâm vừa kể. Tôi hiểu ngay ý nàng muốn nói ra, nàng bắt đầu nhận thấy một cuộc tự vấn lương tâm kịch liệt, nàng muốn hối hận.
Câu chuyện lại xảy ra ở Cornwall, một khu nghỉ mát khá vắng vẻ vào mùa này. Thời điểm đó là vào cuối tháng Ba. Tôi coi báo thấy đăng tin một cô nàng thuê phòng ở lại khách sạn nhỏ, tên nàng là Barton. Thoạt nhìn vẻ ngoài có vẻ lập dị, khiến mọi người phải để mắt dòm ngó. Buổi tối, trong phòng một mình nàng đi lui đi tới mồm nói lảm nhảm, làm cho hai phòng bên cạnh cảm thấy khó chịu. Một bữa nọ nàng đến nhà thờ xin gặp thầy trợ tế, nàng muốn xưng tội với thầy. Nàng vừa phạm một trọng tội. Nhưng nghĩ sao, thay vì nói ra hết, nàng đứng lên ra về, xin hẹn đến gặp thầy bữa khác. Thầy trợ tế hoang mang và nghĩ chắc là nàng có vấn đề tâm thần, không muốn nghĩ là nàng phạm tội.
Sáng bữa sau mới hay nàng đã bỏ đi mất dạng. Nàng để lại một lá thư gởi sở điều tra tư pháp. Nội dung như sau:
Hôm qua tôi đến nhà thờ xin gặp thầy trợ tế để xưng tội, nhưng mà chưa được cho phép. Bà ta không chấp nhận. Tôi nghĩ được một cách để tạ lỗi… lấy mạng đổi mạng, tôi phải chịu thế mạng y như cô ta đã chết. Đến lượt tôi phải chịu trầm mình dưới biển sâu. Chỉ có cái chết mới mong được giải oan. Nghĩ lại tôi thấy không phải vậy. Nếu muốn được Amy tha thứ tôi phải đi tìm gặp nàng. Xin đừng cố ai oán trách vì cái chết của tôi. Mary Barton.
Quần áo của nàng được tìm thấy tại một bãi tắm gần một vũng nước vắng vẻ. Có thể là nàng đã cởi bỏ quần áo lại đây, lao mình ra biển, nơi sóng nước cuồn cuộn có thể dìm chết người bơi ra tới đó.
Không tìm thấy xác, chờ mãi vẫn không thấy, mọi người tin là nàng đã chết. Nàng giàu có, tài sản để lại tính ra được trăm ngàn bảng Anh, lúc chết không làm di chúc nên tài sản được giao lại cho bà con gần với nàng… một gia đình họ hàng ở bên Úc. Biên bản được bí mật lập ra, xác nhận vụ tai nạn trên đảo Canary, cái chết của cô Durrant khiến cho cô bạn loạn trí. Sở điều tra tư pháp đưa ra phán quyết: nạn nhân đã tự tử trong tình trạng tâm thần không ổn định”.
“Như vậy thảm kịch Amy Durrant và Mary Barton tới đây coi như kết thúc”.
Câu chuyện dừng lại một lúc lâu, chợt nghe Jane Helier thở dài.
“Ôi, ông đừng bỏ dở câu chuyện, đang tới hồi kết đầy kịch tính. Ông nên kể cho hết”.
“Này cô bạn, đây không phải là chuyện dài nhiều tập, chuyện đời thường là thế đó, đến hồi nó phải kết thúc”.
“Tôi không chịu”, Jane nói, “tôi muốn nghe cho hết”.
“Tới đây ta cần phải vận dụng trí tuệ, cô Helier”, ngài Henry phân giải, “tại sao Mary Barton lại đi giết chết người bạn đồng hành? Đó là một vấn đề do bác sĩ Lloyd muốn nêu lên để chúng ta suy đoán”.
“Chà, khá lắm”, cô Helier nói, “nàng có cả một ngàn lẻ một lý do để giết người. Ý tôi muốn nói; ôi, tôi cũng không biết. Có thể giết người chỉ vì một cơn tức giận, hay là vì ghen tuông dù không nghe bác sĩ Lloyd nhắc tới một người đàn ông nào cùng quen biết đi chung chuyến tàu… ờ, nhưng ông đã biết chuyện đi tàu và những chuyến du lịch biển nó như thế nào rồi”.
Cô Helier dừng lại, lấy hơi lên, người đối diện bây giờ mới nhận ra mái tóc của Jane còn cao siêu hơn cả bộ óc bên trong.
“Tôi có thể nên lên nhiều suy đoán”, bà Bantry nói, “nhưng gút lại chỉ còn một. Thế này, tôi cho là cha của cô Bantry phất lên giàu có là do đã đánh bại được cha của Amy Durrant, nên nàng mới quyết chí trả thù. Chao ôi, không, tôi đã nhớ nhầm, chán thật! Vì sao một người chủ giàu có lại muốn giết người theo hầu mình? Tôi hiểu ra rồi. Cô Barton có một cậu em trai, gã này vì thất tình với cô Amy Durrant nên đã dùng súng tự sát. Cô Barton chỉ chờ có cơ hội này. Amy gặp lúc sa sút. Cô Barton đề nghị cô ta làm bạn đồng hành đi du lịch qua đảo Canaries luôn tiện để có dịp rửa hận. Nghe được đấy chứ?”
“Tuyệt!” ngài Henry nói “Chỉ có điều từ nào giờ ta chưa biết cô Barton có một người em trai”.
“Ta suy ra”, bà Bantry nói, “nếu như không có người em trai thì nàng không có cớ gì phải phạm tội. Vậy người em trai đó chắc phải có. Ông hiểu chứ, Watson?”
“Lập luận nghe cũng hay, Dolly”, chồng bà nói “Nhưng vẫn là suy đoán”.
“Tất nhiên”, bà Bantry nói “Chỉ có vậy thôi, ta nên suy đoán. Bởi chưa tìm ra manh mối. Ông cứ nói đi, ông được quyền suy đoán”.
“Chà tôi biết nói gì đây. Theo như lời nhận xét của cô Helier dường như có bóng dáng một người đàn ông xen vô đây. Nghe này Dolly, có thể ông ta là mục sư bề trên. Cả hai người giành thêu cho ông chiếc áo lễ hay một món gì đó, không hiểu sao ông mặc chiếc áo do Durrant thêu trước. Chắc mà, phải là một món đồ thêu. Để xem làm sao nàng mang tới cho ông mục sư. Hai cô nàng này điên hết rồi, cùng nhắm vô một ông thầy điển trai. Bà sẽ còn nghe nhắc đi nhắc lại chuyện này”.
“Tôi thiết nghĩ cần phải nói cho rõ hơn”, ngài Henry nói, “dù chỉ là một cách suy đoán. Theo tôi thì cô Barton đang ở trong tình trạng loạn trí. Những trường hợp như vậy thì rất nhiều, không thể đếm cho hết. Chứng ngông cuồng đến lúc cao điểm, không kìm được, nàng tự tìm lối thoát bằng cách giết một mạng người… phải là một người nữ. Về lai lịch cô Durrant không ai rõ. Vậy có thể trước đây nàng đã trải qua một thời ‘đen tối’. Cô Barton tìm hiểu được bèn ra tay, tìm cách sát hại. Về sau nghĩ lại hành vi nàng cho là chính đáng đã khiến nàng bối rối, thấy ân hận. Nàng như là một người loạn trí. Nào, bà Marple, bà có đồng ý với tôi không?”
“Chắc là không, thưa ngài Henry”, bà Marple nói, vừa cười xởi lởi. “Hành vi của nàng chứng tỏ nàng còn là một người tỉnh táo, lanh lẹ”.
Jane Helier chợt kêu lên một tiếng, nói xen vô. “Ối chà, tôi thật là ngốc nghếch. Để tôi nghĩ lại thử coi? Lẽ ra phải như thế này. Một cuộc tống tiền! Người bạn đồng hành muốn tống tiền. Không hiểu sao bà Marple lại cho là thà nàng tự tử đi còn hay hơn. Tôi nghĩ không ra chỗ này”.
“Chà!” Ngài Henry nói, “cô em biết không, bởi bà Marple đã từng chứng kiến một vụ tương tự xảy ra ở làng St. Mary Mead”.
“Ông thì lúc nào cũng muốn trêu tôi, thưa ngài Henry”, bà Marple có ý trách móc. “Thật tình mà nói tôi sực nhớ lại chuyện bà Trout, bà đứng ra nhận tiền hưu cho ba người bạn già đã qua đời, không cùng một xóm đạo”.
“Chuyện này coi bộ rắc rối”, ngài Henry nói “Tôi thấy chẳng giúp gì được trong vụ này”.
“Tất nhiên là không”, bà Marple nói, “không thể – theo ông nghĩ. Nhưng một số gia đình còn nghèo, món tiền hưu trí là niềm an ủi cho họ. Tôi thấy người ngoài khó mà thông cảm cho họ. Ý tôi muốn nói mọi thứ trông chờ vô bà lão về hưu trí, tình cảnh không khá hơn mấy người già khác”.
“Ô kìa”, ngài Henry nói, đang còn hoang mang.
“Tôi không có tài kể lể mọi chuyện. Ý tôi muốn nói lúc ban đầu bác sĩ Lloyd nêu lên hai người đàn bà nhưng không cho biết cụ thể là ai, làm sao tôi có thể đoán được có một người thứ ba là thủ phạm. Nếu có chăng nữa là sau đó một, hai ngày, nhưng ngay bữa sau đó một trong hai người bị chết đuối, giả sử người còn lại tự nhận mình là cô Barton thì sao, không lẽ có một người khác đứng ra mạo nhận là nàng”.
“Bà cho là… Ồ, tôi hiểu”. Ngài Henry thong thả nói.
“Cách suy diễn đó cũng bình thường thôi. Bà Bantry sắp đưa ra một lối lập luận tương tự. Vì sao một bà chủ giàu có muốn giết người bạn đồng hành đáng thương kia? Đúng ra phải nói ngược lại mới phải. Ý tôi muốn nói, sự việc phải diễn ra đúng như vậy”.
“Thật sao?” Ngài Henry nói “Nghe bà nói tôi đâm hoảng”.
“Lẽ dĩ nhiên”, bà Marple nối lại câu chuyện, “cô nàng lấy quần áo cô Barton mặc vô nhìn hơi chật để cho thấy nàng có hơi mập ra. Tôi muốn đặt ra một câu hỏi. Một người đàn ông lạ mặt nhìn vô thấy ngay nàng mập ra, chớ không phải bộ quần áo hơi chật… dù ta biết đó là một nhận xét không hợp lôgic”.
“Giả sử Amy Durrant giết chết cô Barton thì nàng sẽ được gì?” Bà Bantry hỏi “Nàng không thể đánh lừa ai mãi được”.
“Cùng lắm là một vài tháng”, bà Marple nói “Trong thời gian đó nàng đi ra nước ngoài du lịch, tránh mặt người quen biết. Vì vậy nên tôi mới dám nói nhìn người này thấy giống người kia. Còn hình chụp dán trong sổ hộ chiếu chẳng ai để ý chuyện đó… bà đã biết hộ chiếu là sao. Qua tháng ba nàng tới vùng Corirwall giả bộ sống kiểu lập dị để cho người ta dòm ngó chơi. Đến lúc mọi người tìm thấy quần áo nàng bỏ lại ngoài bãi biển cùng với bức thư tuyệt mệnh nên không ai có thể nghĩ câu chuyện có kết cuộc tầm thường đến vậy”.
“Nghĩa là…” Ngài Henry hỏi.
“Không tìm thấy xác”, bà Marple khẳng định. “Sự việc đã bày ra trước mắt ngài, và nếu như không ai tìm cách đánh lừa được ngài… kể cả suy đoán một vụ phạm tội hay là chuyện thủ phạm muốn sám hối. Không tìm thấy xác. Một sự thật không thể chối cãi”.
“Ý của bà là…” bà Bantry nói, “… không có chuyện ân hận hay sao? Không có chuyện cô ta nhảy xuống biển tự vận sao?”
“Làm gì có chuyện nàng tự vận!” Bà Marple nói “Đến đây bà Trout lại xuất hiện trong suy nghĩ của tôi. Bà Trout có biệt tài đánh lừa thiên hạ, nhưng lần này bà gặp ngay sư phụ là tôi. Có thể nói tôi biết tỏng cái vụ cô Barton cảm thấy ân hận ra làm sao. Muốn tự vận ư? Cô nàng đã bỏ đi qua Úc, nếu tôi đoán không nhầm”.
“Bà Marple, bà nói đúng”, ông bác sĩ kêu lên. “Chớ còn ai nữa. Tôi lại một phen kinh ngạc. Sao nữa, nhớ lúc còn ở Melbourne… Bà đã khiến tôi một phen hú vía”.
“Tức là ông muốn nhắc lại một sự việc trùng hợp ngẫu nhiên sau cùng?”
Bác sĩ Lloyd gật.
“Mà phải, thật là một điều không may cho cô Barton mà cũng có thể là Amy Durrant… bà nghĩ sao thì tùy. Tôi theo làm bác sĩ trên tàu một thời gian, lúc tàu cập bến Melbourne, người đầu tiên tôi nhìn thấy lúc lên bờ chính là cô nàng đã tự vận ở Cornwall. Chạy đâu cho khỏi, tôi biết ngay mà, nàng bèn chơi nước liều… kể ra hết mọi chuyện cho tôi nghe, không lo sợ bị tiết lộ. Một cô nàng lạ đời, theo tôi nghĩ là hoàn toàn suy đồi về mặt đạo đức. Là người con đầu trong một gia đình chín anh chị em nghèo xơ xác. Đã có lần viết thư cầu xin giúp đỡ từ người anh bà con giàu có ở Anh, nhưng bị từ khước. Cô Barton gây gổ với cha mấy người bên đó. Tiền bạc túng thiếu, không thể lấy đâu ra lo thuốc men cho ba người em còn nhỏ. Ngay tức thì Amy Barton vừa nghĩ ra một cách giết người táo bạo. Nàng đáp tàu qua Anh xin làm một chân giữ trẻ. Tranh thủ thời cơ xin làm bạn với cô Barton, lúc này tự xưng cô là Amy Durrant. Nàng thuê một căn phòng đem đồ đạc về đó giả dạng người lương thiện. Còn cái màn chết đuối bất chợt hiện ra trong đầu, chờ thời cơ thuận lợi nàng sẽ tính. Đến lượt nàng dựng lên màn chót của tấn tuồng đòi quay về Úc, theo đúng kịch bản. Nàng với mấy anh chị em sẽ được thừa hưởng gia tài vì là chỗ bà con họ hàng”.
“Quả thật một âm mưu táo bạo hết chỗ chê”, ngài Henry nói “Có thể nói một âm mưu hoàn hảo. Nếu quả thật cô Barton đã chết ở Canaries, tất nhiên phải nghi cho Amy Durrant do ở chỗ là bà con với gia đình Barton nên sẽ bị lộ tẩy, nhờ trước đó nàng thay tên đổi họ nhưng có sự liên kết giữa hai vụ án, tùy ông nghĩ sao cũng được, nên chuyện đó được cho qua. Vâng, phải nói là một âm mưu hoàn hảo”.
“Cô nàng liệu có bề gì không?” Bà Bantry hỏi “Còn ông thì tính sao, thưa bác sĩ Lloyd?”
“Tôi thấy mình thật khó xử, thưa bà Bantry. Theo luật lệ phải trưng ra bằng chứng, còn tôi thì thấy được có bao nhiêu đâu. Với cương vị là một người thầy thuốc có mấy điều tôi nêu lên, nhìn bề ngoài nàng còn có vẻ như là không thiết sống. Tôi theo nàng về tới nhà… một gia đình ấm cúng, trong nhà chỉ trông chờ vô nàng, người chị cả, không ai có một ý nghĩ trong đầu rằng nàng là một kẻ tội phạm. Khi chưa biết rõ đầu đuôi sự việc thì không nên để cho bọn trẻ phải đau buồn nên tôi đâu dám nói ra. Nàng chỉ thú nhận với tôi ngoài ra chuyện này không ai hay biết. Chuyện đó chỉ có Trời biết. Sau đó sáu tháng hay tin cô Amy Barton chết. Đến nay tôi vẫn chưa hiểu là lúc đó nàng có thấy vui và không cảm thấy ân hận hay không”.
“Chắc là không đâu?” Bà Bantry nói.
“Tôi cho là có” bà Marple nói “Bà Trout đã ân hận…”
Jane Helier khẽ lắc đầu.
“Ối chà”, nàng nói, “thật là khủng khiếp. Tới giờ này tôi chưa rõ là ai muốn trấn nước ai. Mà sao lại có chuyện bà Trout xen vô đây nhỉ?”
“Không có đâu, cô em”, bà Marple nói, “bà ta chỉ là một người bình thường… dù không tử tế cho lắm… ở trong làng”.
“Ồ!” Jane nói, “Ở trong làng. Nhưng trong làng có chuyện gì lạ đâu”, nàng thở ra “Nếu tôi mà ở trong làng chắc là không còn đầu óc đâu nữa”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.