5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ

Chương 6 Ngôn ngữ yêu thương thứ 4: SỰ TẬN TỤY



Tôi nghĩ điều khiến tôi cảm thấy mình được yêu thương nhiều nhất đó chính là việc cha mẹ luôn cố gắng hết sức để giúp tôi trong mọi việc”. Mark, 24 tuổi, đang chuẩn bị lập gia đình tâm sự với tôi về những năm tháng tuổi vị thành niên của mình. Anh cho biết: “Tôi nhớ mẹ thường nấu cho cả nhà những bữa ăn rất ngon dù mẹ cũng phải đi làm ở ngoài. Trong khi đó, cha thường dạy tôi cách sửa chữa những cái máy cũ mà chúng tôi mua trước đó. Cha mẹ giúp tôi rất nhiều việc, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ”.

Mark vẫn còn nhớ rất rõ những ký ức về cha mẹ: “Giờ thì tôi mới nhận thức được ý nghĩa của những điều cha mẹ đã làm cho mình. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì tôi vẫn rất biết ơn những gì cha mẹ đã làm cho tôi. Tôi hy vọng mình cũng có thể làm như thế cho con của mình sau này”.

Hình ảnh của cha mẹ Mark qua lời kể của anh chính là hình ảnh của những bậc cha mẹ sử dụng ngôn ngữ yêu thương là sự tận tụy dành cho con.

Làm cha làm mẹ là một bổn phận đòi hỏi sự tận tâm. Ngày bạn quyết định có con cũng là ngày bạn cam kết cả đời sẽ tận tụy vì con. Khi con còn nhỏ, những việc bạn phải làm cho con là rất nhiều, từ thay tã, cho ăn, giặt quần áo, sửa đồ chơi đến tắm rửa, gội đầu, chải tóc… Tuy vậy, đừng nói với con về danh sách này mà hãy đọc to chúng lên trong phòng ngủ của bạn, nhất là khi cảm thấy bạn chưa hoàn thành vai trò của mình. Rồi khi con bắt đầu bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên, bạn sẽ phải học thêm một vài phương ngữ mới nếu muốn sử dụng hiệu quả ngôn ngữ yêu thương bằng Sự tận tụy. Bạn không còn phải thay tã cho con nữa nhưng thay vào đó là vô số nút áo cần đơm, váy cần may, những bữa ăn cần nấu, những chiếc lốp xe cần thay, xe cần sửa, quần áo cần giặt ủi, đồng phục cần tẩy, làm tài xế cho con…

Sức mạnh của sự tận tụy

Một khi hiểu được rằng những hành động thể hiện sự quan tâm chăm sóc là một cách biểu hiện mạnh mẽ của tình yêu, bạn sẽ thấy tất cả những việc mình đã làm khi con còn nhỏ thật là cao quý. Thế nhưng, điều đáng tiếc là nhiều cha mẹ làm những công việc này chỉ vì trách nhiệm. Họ chỉ nhìn thấy những cái cây nhỏ mà không thấy được cả khu rừng. Tôi hy vọng rằng những điều tôi chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ xóa tan những đám mây mù và có cái nhìn tươi sáng hơn về việc nuôi dạy con. Thực tế là hành động thể hiện sự quan tâm, chăm sóc tỏa ra những tia sáng tình yêu rực rỡ nhất. Những bậc vĩ nhân như Mẹ Teresa, Albert Schweitzer, Mohan- das Gandhi… là những ví dụ điển hình.

Sự vĩ đại thực sự được thể hiện trong thái độ tận tâm phục vụ. Sự tận tụy của cha mẹ đối với con cái chính là biểu hiện của tình yêu thương.

Tự nguyện phục vụ

Vì chăm lo cho con trong bao nhiêu năm trời cộng với rất nhiều bổn phận khác nên nhiều khi các bậc cha mẹ quên mất rằng những việc làm thường ngày của mình là biểu hiện của tình thương và chúng có tác dụng rất lâu dài. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ cho rằng mình giống như nô lệ hay người giúp việc hơn là một người làm việc tận tụy vì tình yêu thương.

Sự tận tụy xuất phát từ tình yêu thương không phải là làm việc như một nô lệ. Nô lệ là do bị người ngoài ép buộc và làm việc một cách miễn cưỡng. Phục vụ vì yêu thương là do sự khao khát bên trong thúc đẩy chúng ta cống hiến hết sức lực của mình để chăm lo cho người khác. Sự tận tâm đó là một món quà được cho đi một cách tự nguyện. Còn khi cha mẹ phục vụ con với một thái độ cay đắng thì những nhu cầu về mặt thể chất của trẻ có thể được đáp ứng nhưng sự phát triển tinh thần của chúng lại bị kìm hãm.

Chăm sóc con là một công việc thường ngày, nên bạn cần phải kiểm tra xem liệu hành động thể hiện sự quan tâm của mình có truyền tải được thông điệp yêu thương hay không. Cameron, một câu bé tuổi vị thành niên, từng nói với tôi: “Cha sẽ giúp cháu làm bài tập về nhà nếu cháu nài nỉ ông. Nhưng những lúc đó cháu cảm thấy mình thật có lỗi và không đáng được ông quan tâm, giúp đỡ. Vậy nên cháu ít khi nhờ đến cha”. Hành động thể hiện sự quan tâm của người cha này không hề truyền tải được thông điệp yêu thương. Thậm chí, nhiều người mẹ cũng không truyền tải được tình thương qua các hành động thể hiện sự quan tâm của mình. “Cháu muốn nhờ mẹ giúp cùng làm bài tập ở trường nhưng cháu thấy hình như mẹ quá bận rộn.” – Julia, đang học năm đầu trung học, tâm sự. – “Cháu có cảm giác mẹ giúp cháu chỉ để cháu không làm phiền mẹ nữa mà thôi”. Nếu muốn trẻ cảm nhận được tình yêu thương của mình qua những hành động thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, các bậc cha mẹ cần thực hiện chúng một cách tự nguyện.

Đừng đặt điều kiện cho tình thương

Một số người sử dụng hành động chăm sóc như một công cụ để đặt điều kiện với trẻ. “Mẹ sẽ chở con đến trung tâm thương mại để gặp bạn nếu con dọn dẹp phòng”. Đây là bạn đang muốn “trả giá” với con để thỏa thuận: “Cha/mẹ sẽ… nếu con…”. Tôi không khuyên bạn không được thỏa thuận với con mà chỉ muốn nhắc nhở bạn rằng đừng bao giờ được coi đây là biểu hiện của tình thương. Việc bạn chở con đến trung tâm thương mại là thù lao cho việc con lau dọn phòng. Đây chỉ là một điều kiện để con bạn thực hiện theo yêu cầu của bạn chứ không phải biểu hiện của tình thương.

Đúng là đôi khi phần thưởng trở thành động lực thúc đẩy con bạn thay đổi một số hành vi mà bình thường chúng không chịu sửa. Thế nhưng, sự thay đổi này thường chỉ mang tính chất tạm thời, trừ khi bạn tiếp tục đưa ra phần thưởng.

Nếu hành động thể hiện sự quan tâm của bạn luôn gắn liền với việc bắt con phải làm một điều gì đó thì nghĩa là bạn đang thao túng chứ không phải yêu thương con vô điều kiện. Sự thao túng không bao giờ là biểu hiện của tình thương. Tình thương là một món quà được tự nguyện trao tặng chứ không phải là việc đáp trả. Bạn yêu thương con một cách vô điều kiện dù không phải tất cả mọi hành động của con đều khiến bạn hài lòng. Và trên thực tế, trẻ sẽ cảm nhận được tình thương sâu đậm hơn nếu chúng biết được bạn yêu chúng vô điều kiện.

Mặt khác, một điều mà các bậc phụ huynh nên chú ý là nhiều khi con em bạn cũng cố tình thao túng bạn bằng hành động thể hiện sự quan tâm. Nếu muốn bạn đáp ứng nhu cầu của bản thân, trẻ sẽ đề nghị làm theo yêu cầu mà bạn đã đề ra trước đó. Bradley, 16 tuổi, nói: “Nếu cháu muốn mẹ làm giúp cháu gì đó, cháu cứ việc tự dọn phòng của mình rồi sau đó mẹ cháu sẽ đáp ứng yêu cầu của cháu”. Bradley đã học được cách thao túng mẹ.

Nhiều trẻ vị thành niên tỏ ra rất rành rẽ phương pháp thao túng này. “Nếu mẹ yêu con, mẹ…” là câu nói mà những trẻ này rất thường dùng. Câu đáp hay nhất của phụ huynh trong trường hợp này là: “Cha mẹ yêu con quá nhiều nên không thể làm điều gì mà cha mẹ tin là bất lợi đối với con cho dù con có muốn như thế nào”. Thao túng không phải là biểu hiện của tình yêu thương, càng không phải là cách hữu hiệu để tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Tình yêu từ cả hai phía

Làm mẫu và hướng dẫn

Tất cả chúng ta đều có mong muốn yêu thương và được yêu thương. Các bậc cha mẹ luôn muốn con cảm nhận được tình cảm của mình đồng thời giúp con học được cách yêu thương người khác. Do đó, trong khi tận tụy chăm sóc con, nhiều phụ huynh đã lo ngại rằng: “Nếu như tôi cứ phục vụ con thì biết đến khi nào nó mới biết tự chăm lo cho mình và cho những người xung quanh?”. Câu trả lời là bạn phải biết làm mẫu và hướng dẫn cho trẻ. Bạn hãy làm gương cho con về một tình yêu vô điều kiện bằng cách giúp con làm tất cả những việc chúng muốn, chỉ cần bạn thấy việc đó tốt cho chúng. Tuy nhiên, bạn cần sáng suốt khi chọn lựa hành động thể hiện sự quan tâm, nếu không sẽ khiến con bạn nảy sinh tính ỷ lại, chỉ biết nhận mà không bao giờ biết cho đi. Chẳng hạn, nấu ăn là một hành động thể hiện sự quan tâm, nhưng dạy con nấu ăn mới là hành động đúng đắn nhất.

Nguyên tắc quan trọng nhất mà bạn nên nhớ là chỉ giúp con làm những điều mà chúng không thể tự làm được. Khi con còn bé, bạn giặt quần áo giúp con; nhưng khi chúng bắt đầu lớn, hãy dạy chúng cách thức giặt quần áo. Nếu không nhận thức được điều này, có thể bạn sẽ cản trở sự trưởng thành của con dưới danh nghĩa yêu thương.

Hướng dẫn đúng cách

Lời khuyên mà tôi đưa ra cho các bậc phụ huynh là hãy giải thích những hành động của mình cho con nghe. Mẹ Patrick nói với cậu: “Patrick! Con đã lớn và mẹ có chuyện muốn nói với con. Khi con còn bé, mẹ đã làm rất nhiều việc cho con vì mẹ rất yêu con. Bây giờ, dù mẹ vẫn có thể tiếp tục làm những việc ấy cho con nhưng nó sẽ không giúp con trưởng thành được. Vì thế, mẹ sẽ dạy con tự làm những việc này. Mẹ không muốn con tốt nghiệp trung học mà không biết tự mình chăm sóc bản thân. Mẹ đã lập ra một danh sách những việc mẹ muốn dạy cho con. Mẹ muốn cho con xem chúng để con có thể thêm vào đó những việc con muốn học. Mẹ cũng muốn con tự sắp xếp thứ tự những việc con muốn học trước. Mẹ sẽ không ép con, vậy nên khi con cảm thấy đã sẵn sàng, mẹ sẽ dạy chúng cho con”.

Mẹ của Patrick đã giải thích cách thức yêu con của mình cho cậu bé bằng hành động thể hiện sự quan tâm. Tôi tin rằng trong trường hợp này, Patrick sẽ phản ứng tích cực với cách thức dạy dỗ của mẹ vì bà đã cho cậu cơ hội chọn lựa điều cậu muốn học cũng như thứ tự học.

Thật may mắn cho những trẻ vị thành niên nào có cha mẹ biết làm như vậy! Không những cảm nhận được tình thương của cha mẹ, trẻ còn học được cách trở thành một người có trách nhiệm, biết chăm sóc bản thân và yêu thương người xung quanh bằng hành động tương tự.

Bằng cách này, không những cha mẹ sử dụng được ngôn ngữ yêu thương bằng hành động thể hiện sự quan tâm mà còn hướng dẫn con học được những kỹ năng cần thiết để chăm sóc người khác hiệu quả. Sự hướng dẫn này đòi hỏi cả việc dạy dỗ và huấn luyện. Trong tiếng Hy Lạp, dạy dỗ nhấn mạnh việc hướng dẫn bằng lời còn huấn luyện nhấn mạnh việc học bằng thực hành. Theo quan điểm của người Hy Lạp, hai việc làm này phải luôn song hành cùng nhau trong giáo dục con trẻ.

Chẳng hạn khi người cha muốn dạy con rửa xe thì việc đầu tiên ông cần làm là hướng dẫn cho con cách thức thực hiện bằng lời và sau đó sẽ làm mẫu những điều mình vừa nói và cuối cùng là cho con làm phụ. Sau vài lần hướng dẫn như thế này, người cha sẽ để cậu con trai tự rửa xe một mình. Khi đó, người con không chỉ học được cách tự rửa xe mà còn học được cách yêu thương cha mình.

Giúp con tự khẳng định bản thân và trở nên độc lập

Cuộc sống hối hả ngày nay đã khiến không ít các bậc phụ huynh quên dạy cho con những kỹ năng sống cần thiết để rồi sau đó, trẻ phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề khi hoàn toàn thiếu những kỹ năng cơ bản để chăm sóc bản thân và người khác.

Hiển nhiên là việc dạy con những kỹ năng sống bao giờ cũng tốn rất nhiều thời gian và sức lực của cha mẹ. Tuy nhiên điều quan trọng chính là cảm xúc và lợi ích mà con trẻ nhận được. Nếu trẻ học được cách thể hiện sự quan tâm thông qua hành động, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân. Khi trẻ vị thành niên phục vụ những người ở ngoài gia đình, chúng sẽ nhận được những phản hồi tích cực vì hầu như ai cũng thích những người biết quan tâm đến người khác.

Đong đầy cảm xúc của trẻ

Đối với một số trẻ vị thành niên, hành động thể hiện sự quan tâm là ngôn ngữ yêu thương chính. Khi sử dụng ngôn ngữ này, cha mẹ sẽ đong đầy tình cảm của trẻ nhanh hơn. Chuyện về Scott dưới đây sẽ minh chứng rõ hơn về điều này.

Vào sinh nhật thứ 16, cha mẹ tặng Scott một chiếc xe hơi, và sau này họ nói đó là “điều tồi tệ nhất chúng tôi đã làm”. Sáu tháng sau, Scott ngồi trong văn phòng của tôi vì cha mẹ cậu dọa sẽ tịch thu chiếc xe nếu cậu không chịu đến (một ví dụ điển hình cho sự thao túng, nhưng có lẽ đây là cách duy nhất để làm cho Scott chịu đến đây). Trước đó, cha mẹ của Scott đã đến gặp tôi chia sẻ những lo lắng của mình. Từ khi có xe, Scott tỏ ra rất vô trách nhiệm. Cậu đã bị phạt hai lần vì chạy xe quá tốc độ và một lần phải ra tòa vì gây tai nạn.

Cha mẹ Scott cho rằng cậu bé đang có thái độ “chống đối” với họ. “Giờ nó có xe rồi nên đâu còn muốn ở nhà nữa.” – Cha cậu nói. – “Nó làm thêm ở một tiệm bán thức ăn nhanh vào buổi trưa để kiếm tiền đổ xăng. Sau đó nó đi với bạn suốt từ buổi chiều cho đến tối. Nó cũng không ăn tối ở nhà vì đã ăn ở ngoài rồi. Chúng tôi đã dọa sẽ lấy lại xe nhưng chưa biết có nên làm thế không”.

Khi trò chuyện với Scott, tôi nhận ra rằng cậu bé rất ít tôn trọng cha mẹ mình. “Họ chỉ biết đến công việc của họ mà thôi.” – Cậu bé nói. – “Họ đâu có lo cho cháu”. Tôi phát hiện ra rằng cha mẹ Scott thường chỉ về sau 6 giờ tối. Trước khi có xe, cậu bé thường về nhà vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều, làm bài tập rồi nói chuyện điện thoại với bạn bè. Khi cha mẹ về, cả nhà ăn tối. “Hầu như lúc nào họ cũng ghé mua đồ ăn dọc đường. Mẹ không thích nấu ăn trong khi cha thì không biết nấu. Sau khi ăn tối, họ kiểm tra xem cháu làm bài tập về nhà chưa. Sau đó, cha làm việc và coi ti-vi còn mẹ thì đọc sách hoặc nói chuyện điện thoại.”

“Cháu thường vào phòng của mình, lên mạng hay nói chuyện điện thoại với bạn.” – Scott nói tiếp. – “Chán lắm. Chả có gì cho cháu làm cả”.

Trong những lần nói chuyện tiếp theo với Scott, tôi biết rằng có rất nhiều lần cậu bé định nhờ cha mẹ giúp mình làm bài tập nhưng sau đó, cậu đã không nói vì cho rằng cha mẹ không có thời gian. “Khi cháu 13 tuổi, cháu nhờ cha dạy trượt băng, nhưng cha nói trò đó quá nguy hiểm và cháu còn quá nhỏ. Khi cháu muốn học chơi guitar, cha từ chối vì cho rằng cháu không có năng khiếu về âm nhạc. Thậm chí cháu còn đề nghị mẹ dạy cháu nấu ăn nhưng mẹ chẳng bao giờ làm.”

Theo tôi, Scott đã cảm thấy mình bị cha mẹ gạt ra khỏi cuộc sống của họ. Họ đáp ứng những nhu cầu về vật chất cho cậu bé nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu tình cảm của cậu. Ngôn ngữ yêu thương chính của Scott là hành động thể hiện sự quan tâm nhưng cha mẹ cậu lại chưa học được cách sử dụng nó. Họ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con nhưng lại không nhạy cảm với sở thích của cậu bé. Kết quả là Scott cảm thấy bị chối bỏ và không được thương yêu. Và tất cả những hành vi của cậu sau đó đơn giản chỉ là sự phản ánh của những cảm xúc này.

Mặc dù tôi có tư vấn cho cha mẹ Scott nghe về cách kết nối tình cảm với Scott nhưng mọi chuyện diễn ra sau đó đã không được thuận lợi như mong muốn. Cậu bé khước từ tất cả những nỗ lực của cha mẹ cậu. Một năm sau, tôi vào bệnh viện thăm Scott khi cậu bị tai nạn và nhận được tin vui là trong thời gian chữa trị, Scott đã kết nối tình cảm lại được với cha mẹ.

Trong thời gian Scott nằm viện, cha mẹ cậu có cơ hội biểu hiện tình thương bằng hành động thể hiện sự quan tâm với cậu. Nhưng quan trọng hơn, họ hiểu được sở thích hiện tại của Scott và giúp cậu phát triển sở thích này. Scott nói năm cuối cấp của mình là: “năm tệ nhất và cũng là năm tốt nhất”. Dù phải chịu nỗi đau thể chất nhưng Scott đã tìm lại cảm giác gần gũi với cha mẹ mình.

Cha mẹ của Scott, cũng như tất cả các bậc cha mẹ khác, đều rất chân thành. Họ hết mực yêu con trai mình nhưng lại không biết cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của con. Khi khám phá ra điều đó, họ cố gắng sử dụng chúng một cách thành thục nhất, dù Scott không phản ứng lại ngay tức thời. Đây là điều bình thường đối với những trẻ vị thành niên cảm thấy cô đơn và bị khước từ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không được bỏ cuộc. Nếu kiên trì sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của con thì trước sau tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng được kết nối.

Trẻ vị thành niên nói gì?

Sự kết nối lại như thế này có thể là một bước ngoặt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Hãy lắng nghe tâm sự của những trẻ vị thành niên có ngôn ngữ yêu thương này.

Gray, 13 tuổi, sống với mẹ và em gái. Cha Gray bỏ nhà đi khi cô bé mới 7 tuổi. “Cháu biết mẹ yêu cháu rất nhiều vì mẹ luôn giặt đồ giúp cháu, nấu cơm cho cháu ăn và giúp cháu làm bài tập. Mẹ làm y tá rất vất vả để lo cho cả gia đình”.

Krystal, 14 tuổi, là con cả trong 4 anh chị em. “Cháu biết cả nhà đều rất yêu thương cháu vì mọi người đã giúp đỡ cháu rất nhiều. Mẹ đưa cháu đi tập đội cổ vũ của trường và đưa cháu tới tất cả các trận đấu. Cha giúp cháu làm bài tập về nhà, đặc biệt là môn toán, môn học mà cháu ghét nhất.”

Todd, 17 tuổi, thường làm thêm việc cắt cỏ mỗi mùa hè. “Cháu có người cha rất tuyệt. Cha dạy cháu cắt cỏ để kiếm tiền mua sắm những thứ cháu thích.”

Kristin, 13 tuổi. “Cháu biết mẹ rất yêu cháu vì mẹ dành thời gian để dạy cháu rất nhiều thứ. Tuần trước mẹ dạy cháu đan. Cháu sẽ tự làm quà giáng sinh kỳ này.”

Nếu ngôn ngữ yêu thương của con bạn là sự tận tụy…

Dưới đây là một số cách biểu hiện tình thương để bạn có thể áp dụng mà không làm giảm đi tinh thần trách nhiệm của con em mình:

 Cùng trẻ luyện tập thể thao, chẳng hạn như ném và chụp bóng chày hay chuyền bóng cho con tập bóng rổ.

 Giúp con làm những bài luận khó.

 Chuẩn bị thức ăn vặt cho con khi trẻ có một ngày vất vả.

 Thỉnh thoảng thức dậy sớm 30 phút để chuẩn bị bữa sáng mà con thích.

 Dạy con tầm quan trọng của việc quan tâm đến người khác bằng cách thường xuyên tham gia những việc làm từ thiện. Đối với những trẻ có tính cách độc lập, hãy để trẻ tự tìm hiểu những dịp và nơi cần sự giúp đỡ của mình.

 Khi trẻ sắp muộn giờ học hay họp nhóm, hãy giúp trẻ hoàn thành nhanh công việc đang làm để trẻ có thể đến đúng giờ.

 Giúp trẻ liên hệ với bạn bè của bạn hay những thành viên khác trong gia đình – những người có thể hỗ trợ trẻ trong lĩnh vực trẻ thích, chẳng hạn như chơi bóng hay tập piano.

 Chọn một lĩnh vực nào đó mà bạn có thể chăm sóc trẻ nhiều hơn bình thường. Chẳng hạn như chuẩn bị cơm trưa cho cháu hoặc thường xuyên làm món tráng miệng ưa thích cho cháu.

 Bắt đầu truyền thống “bữa tối sinh nhật” bằng cách nấu bất cứ món nào trẻ thích vào ngày sinh nhật của cháu.

 Giúp trẻ ôn tập cho bài kiểm tra sắp tới. Hãy cùng làm với trẻ cho tới khi chá


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.